Friday, November 8, 2013

Văn của Nguyễn Hữu Hồng Minh

 Người ăn bóng

Người ăn bóng là tập truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Hữu Hồng Minh, một nhà thơ với nhiều tác phẩm từng gây tiếng vang. Tập truyện Người ăn bóng gồm 94 tiểu truyện với nhiều thể loại đan kẻ nhau. Có truyện chỉ dài vài câu, đọc như thơ và nội dung cũng không khác một bài thơ là mấy. Có những truyện như được ghi chép trên những tờ giấy nhỏ bé đính trên tường chờ ngày xem lại. Có truyện như lời nhắn trên điện thoại, ai đọc rồi cũng nghĩ là lời nhắn ấy dành cho mình. Các thể loại khác nhau ấy phù hợp với hình thái nghệ thuật đa dạng của hậu hiện đại, vượt ra nhưng không phá tan cái khung cổ điển.
Người ăn bóng nếu chỉ lướt qua sẽ khó nhận ra cấu trúc của nó và không ít người đọc có cảm giác như cuốn sách chưa hoàn chỉnh. Những mẫu truyện của hai nhân vật tên Tàng thư và Kỳ thư dễ làm cho người đọc phân tâm, nhưng nếu bỏ sách xuống người ta có cảm giác hai nhân vật bất thường này theo sau từng bước chân của họ. Tàng thư và Kỳ thư không thường xuyên có mặt trong tập truyện nhưng sự xuất hiện bất ngờ của cả hai làm Người ăn bóng tránh được sự lập lại có thể gây nhàm chán, cung cách mà Nguyễn Hữu Hồng Minh thường tạo ra trong các tác phẩm của anh.
Chỉ cần đọc ở mục lục người ta dễ phát hiện ra rằng Người ăn bóng đang hướng dẫn người đọc tới căn rừng tĩnh lặng trong đời sống để chiêm nghiệm về mình, về cuộc đời và cả không gian mà chúng sinh đang trôi dạt. Tâm linh và Phật tính ẩn chứa hình như trong mỗi câu chuyện mà anh viết, chúng hướng về sức mạnh tinh thần nhiều hơn là những ám ảnh vật chất con người chung đụng hàng ngày. Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết điều gì đã khiến anh chọn hướng đi này:
“Đề tài Phật giáo thật ra hồi gần đây tôi quan tâm rất nhiều, thứ nhất do sự nảy nở lớn trong tâm mình đối với cuộc sống của mình. Cái thứ hai là đời sống của Việt Nam hiện nay rất quan tâm đến đời sống về tôn giáo. Về mặt tâm linh có những bối cảnh khiến người ta quan tâm nhiều hơn. Khi không có những niềm tin vào cuộc sống thực thì đời sống ảo, đời sống tinh thần nó giúp thăng bằng lại. Những truyện ngắn tôi viết có khuynh hướng Phật giáo nó nằm trong sự tỉnh thức đó, hoặc sự hôn mê đó. Phật giáo không còn là điều gì quá xa vời, nó đã thành một cứu cánh đến những người có sự thất vọng, sụp đổ không thể cứu vãn nỗi.”
news_130249874068289640-250.jpg
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh và MC Đỗ Hải Yến tại buổi giới thiệu Tác phẩm "Người Ăn Bóng" chiều 20 tháng 9 năm 2013, tại Café Indie ở TP.HCM. Courtesy nguyenhuuhongminh.com
Một số truyện ngắn trong Người ăn bóng có hai nhân vật đối thoại với nhau trong nhiều lĩnh vực. Từ thi ca, tới văn hóa, văn nghệ kể cả tâm linh trong đời sống xã hội Việt Nam. Ngay hai cái tên Tàng thư và Kỳ thư đã cho thấy sự huyễn hoặc, không có thực mà Nguyễn Hữu Hồng Minh muốn người đọc thấy sự ẩn dụ của tác giả. Những câu đối thoại mơ hồ được tác giả lồng ghép trong các mẫu đối thoại qua đó sự băng hoại của xã hội, của nền giáo dục cũng như các góc khuất khác làm người đọc bị dẫn dắt như đang lạc đường. Tàng thư và Kỳ thư như những con xúc xắc xoay trên mặt bàn lót nhung, mỗi lần ngưng là một mặt cuộc đời hiện ra, hiện ra không tiếng động. Sự im lặng của sáu mặt ấy phải được hiểu như những công án thiền mà người kể lúc nào cũng vô danh, ẩn mặt.
Sen Tây tạng mang hơi hướm giang hồ buông dao thành Phật được Nguyễn Hữu Hồng Minh khéo léo giới thiệu đầu tiên:

Sen Tây Tạng

“Một lần, có tên cướp quặt xe vào hẻm, cầm theo một bàn tay còn ròng ròng máu. Thì ra hắn đã chặt đứt bàn tay một thiếu nữ vì phát hiện ra chiếc nhẫn nằm trên ngón áp út. Một đám đông hiếu kỳ phóng loạn, đuổi theo. Đến cuối hẻm thì mất dấu. Cả bọn phát hiện ra một cái quán Tây Tạng đang rền rĩ kinh kệ. Khói nhang nghi ngút. Chúng ngần ngử, đứng trấn ngay giữa đường ồn ào một lúc rồi mạnh ai nấy về. Không biết tên cướp trốn ở đâu giữa hèm cụt? Quán Tây Tạng đóng cửa? Và bốn phía vây kín lô xô tường vách? Hắn có thể bay vút lên trời như một cánh chim được ư? 

Nghe kể tên cườp cầm chiếc nhẫn đi bán. Chắc nẫm là kiếm được nhiều tiền. Nhưng khi người thợ bạc dùng lửa để thử mới biết vàng tây và hột xoàn giả. Nhìn chiếc nhẫn đẹp như vậy mà hóa ra như đồ chơi trẻ con. Bán chẳng được bao nhiêu. 
Còn bàn tay thì hắn ngâm rượu để chờ dịp trả lại cho cô gái. 
Sau đó tên cướp tình cờ được cảm hóa bởi một vi Cao tăng. Y xuống tóc. Xuất gia. Tâm thành phục, tách khỏi sự đời dâu bể. Y từ từ đốn ngộ được cái đẹp của Kinh kệ, hoa sen. Khi đắc đạo, y được sư phụ tin tưởng cho theo một đoàn hành hương qua tận Himalaya để nghiên cứu kinh Kim Cương và Phật giáo Tây Tạng. 
Sư phụ trăm tuổi chỉ còn chờ ngày đệ tử trở về để giao truyền kinh bát và thừa tự. 
Nhưng sự đời khó lường. Một lần thực hành nghi lễ khất thực, y biến mất, không trở lại nữa. 
Nghe đâu y gặp một cô gái sắc nước hương trời quyến dụ. Từ đó rời chốn tu hành quay lại thế tục. Y bỏ cả mật kinh Tây Tạng và dãy Himalaya hùng vĩ. 
Quay về Sài gòn tìm đến ngôi chùa cũ. Bấy giờ ngài đã qua đời. Y không lấy gì. Chỉ xin đưa ra ngoài một hũ rượu quý mà y đã trót mang vào khi quỳ dưới chân Sư phụ lúc được ngài cảm hóa mà thôi!...”

Từ ngôn ngữ của nhà chùa, hay ít ra cũng man mác chất thiền viện, Nguyễn Hữu Hồng Minh chỉ một bước nhảy sang lời thoại ngoài quán nước của giới blogger. Đàn ông chợ là một truyện như thế:

Đàn ông chợ

Anh xuống chợ. Sáng nay bỗng phát hiện chuyện lạ!

Càng ngày càng nhiều đàn ông "ốp" chợ. Họ buôn bán đủ thứ. Cá, mắm, muối, tương, ớt... Từ lớn như con chó đến bé như cây kim. Từ đồ tươi đến đồ khô. 
Tất tần tật mọi thứ. Không từ nan cái gì! 
Có anh ngồi uy nghi chẫm chệ trên chạp phô. Cái bụng tò vò ặc lè. Có chàng ốm tong teo, đứng phơi ngoài trời, miệng rao bải hãi! 
Và chàng mắt xếch, tướng dữ như Bàng Thống đang hí húi cân cho anh. 
Quá rành rẽ. Quá ngón nghề! Hai ngàn giá đỗ. Chàng hớt lại một nhúm gọn ơ!
Đàn ông chợ cũng "giàu" chất "men". Râu ria quai nón, cơ bắp cuồn cuộn. Ngang tàng dữ dằn. Có anh còn xăm trổ đầy mình!
Chỉ có điều trên tay là con tôm, hạt tiêu! Con gà kêu quang quác. Con cá giãy tươi!...
Có chàng còn ngồi bên một mẹt áo quần. Có đầy đủ xu-chiêng, xì-líp nữ. Nhiều cô, bà xà vào. Chàng cười phớ lớ căng ra từng cái trong nắng tươi:-"Cỡ em bao nhiêu? Vừa đấy! Ôm gọn! Đẹp! Hớ hớ..."
Ngày xưa, tuổi thơ anh theo mẹ ra chợ cũng thấy có đàn ông. Nhưng thường họ chỉ mài dao kéo, sửa vít lửa, quẹt ga, đồng hồ... Những việc ngoài chợ dù sao cũng của phái mạnh! Không của phái yếu!
Thuần nam! Như lửa đá! Không thể thay thế!
Bây giờ họ dành hết công việc đàn bà. Thuần nữ. Đã thế, đá miếng từa lưa!
Còn chưởi rủa, hỉ hoặc, chặt chém... ghê nào kém ai!
Có cái gì âm thầm chuyển đổi? Từ bộ ria, cái xăm, bắp cơ, ánh mắt... đến nói cười tóe lóe!
Một ngày con gái đến tuổi cập kê. Tự ra kén chồng giữa chợ...

news_130267789086689456-250.jpg
Tác phẩm "Người Ăn Bóng" do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn & Công ty Phương Đông xuất bản tháng 8 năm 2013. Courtesy nguyenhuuhongminh.com
Người ăn bóng cũng không ngần ngại với loại truyện kinh điển của thập niên 60 khi mà Tâm hồn cao thượng được sinh viên học sinh chuyền tay như một cẩm nang đánh thức lòng yêu nước. Ở thế kỷ 21 người ta ngạc nhiên khi thấy câu chuyện tương tự như thế trong Người ăn bóng nhưng nó vẫn tỏ ra không lỗi thời. Có lẽ do xã hội thụt lùi khiến cho những giá trị tưởng rằng cổ xưa ấy vẫn có chỗ đứng trong cộng đồng hôm nay qua bài: Khi tổ quốc thất bại hay điểm chết Shirasu Jiro Nguyễn Hữu Hồng Minh viết:
“Cha muốn kể cho con nghe về Shirasu Jiro.
Câu chuyện không của một cá nhân thất bại mà là một Tổ quốc thất bại! 

Và tìm cách đứng dậy với tư thế bất khuất!

Shirasu Jiro là một nhà ngoại giao tài năng. Cả đời tận tụy với xứ sở Phù Tang.
Năm 1945, sau Thế chiến thứ 2, nước Nhật hoàn toàn bại trận và bị giải giáp dưới quyền chỉ huy của Thống soái Douglas MacArthur, vị tư lệnh tối cao Mỹ.
Một ngày nọ nhà ngoại giao nhận được lệnh từ Thiên Hoàng gửi biếu cho ngài Thống soái một món quà!
Với ông không còn nỗi nhục nào hơn! Khi kẻ mất "quyền bính" phải quà cáp cho "Bên thắng cuộc"!
Đúng dự đoán của ông, ngài Thống soái không muốn tiếp. Ông đang bận rộn với nỗi kiêu hãnh chiến thắng. Ông nói bận việc, bắt vị ngoại giao phải chờ. Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Năm lần bảy lượt, lên bờ xuống ruộng Shirasu Jiro mới được chiếu cố cho vào chỉ để chuyển món quà từ Thiên Hoàng đến mình.
Câu đầu tiên cũng là cuối cùng Shirasu Jiro nói khi gặp kẻ thù của mình: -"Chúng tôi chỉ là một nước bại trận chứ không phải là nô lệ của các ông"...
Thống soái Douglas MacArthur giật mình, xin lỗi ngay lập tức! 

Ông rơi vào đòn "điểm chết" của Shirasu Jiro!
Từ một xứ sở bị thả hai quả bom nguyên tử, nơi nửa thế kỷ sau Phù Tang lại trở thành đất nước hùng cường. 
Bởi đơn giản họ biết thất bại không phải là nô lệ!
Con trai thân yêu!...”

Nỗ lực làm mới, làm khác và gây ngạc nhiên của Nguyễn Hữu Hồng Minh còn được thể hiện bằng cách đưa tác phẩm của Nguyệt Phạm, vợ tác giả vào Người ăn bóng như một cách đánh đố nhà phê bình. Phá vỡ truyền thống, gỡ bỏ thói quen và nhất là thử nghiệm phương pháp trộn lẫn của hội họa (mix-media) vào văn chương. Thử nghiệm này có thể chưa gây phản ứng nhưng rõ ràng nó có tác dụng, ít nhất đã làm cho người đọc ngạc nhiên mà không phàn nàn, vì Dòng thác trong chân tóc của Nguyệt Phạm thật khớp với mạch chuyện của toàn bộ tác phẩm.

Dòng thác trong chân tóc

Của Nguyệt Phạm
“Em đi vắng, chiều nào anh cũng đón con. Anh để ý việc này bởi lẽ hình như thấy mình mong chờ hơn bình thường. Vừa náo nức vừa lo âu. Vừa thấy mình đến quá sớm nhưng lại lo quá trễ.
Một tâm thức mới lạ cho một điều ngỡ đã quá quen thuộc...
Những ông bố bà mẹ đang tụ tập trước cổng trường kia chắc cũng như anh. Không ai nhầm lẫn đứa con của mình dù nó nhỏ bé, yếu ớt, lẩn khuất cần được che chở ở bất cứ nơi đâu. Như bây giờ bầy trẻ hệt một đàn chim non tíu tít túa ra. Xà xuống giữa cánh rừng âm thanh lao xao tiếng hát và tiếng chuông...
Anh cũng đã nhận ra con. Phấn khích sung sướng.
Anh kêu lên thật to. Lạc giọng.
Bỡ ngỡ thân quen. Hân hoan lạ lẫm như lần đầu tiên!...
Nghĩ về em, anh ôm con vào lòng lâu hơn bình thường. Say sưa ngửi mùi thơm làn da con trẻ và cạ mái đầu bù xù tổ quạ của mình vào đôi má non tơ phinh phính...
Ở đâu đó trong sâu xa, tận cùng gốc rễ chân tóc có một dòng thác đổ xuống...
Sợi tóc tình yêu vĩnh cửu...
Anh đang ôm hôn hai mẹ con.
Như em chưa bao giờ đi xa…”
Thông thường tên của một cuốn sách gần như đại diện tư tưởng hay mục đích của toàn bộ nội dung cuốn sách tuy nhiên Người ăn bóng lại chỉ vì nó, chính nó mà không một chút đại diện nào như thường thấy trong rất nhiều tác phẩm khác. Người ăn bóng chỉ vỏn vẹn 116 chữ luôn cả tựa, nói về nỗi ích kỷ, thói đua chen và nhất là ganh tỵ của con người, đến nỗi thúc đẩy họ đến chỗ tự ăn lấy cái bóng của chính mình.

Người ăn bóng

“Cô ấy và Nàng là kỳ phùng địch thủ trong Nghệ thuật.
Không bao giờ chịu nhau! Dù bên ngoài vui vẻ, nói cười như hai chị em!
Ngỡ chẳng có gì thân mật hơn!
Sự thật, Cô luôn luôn muốn xinh đẹp, tài năng, thành công hơn Nàng. 

Chiều nay, có một cú điện thoại báo tin Nàng vừa mất vì tai nạn xe. 
Người báo tin là phóng viên một tờ tạp chí nổi tiếng muốn có bức ảnh của Nàng và Cô!
Phút đầu tiên là Cô sững sờ.

Phút thứ hai Cô nghĩ ngay trong đầu: -"Phải chọn tấm ảnh nào Cô đẹp hơn Nàng một chút...”
Nguyễn Hữu Hồng Minh sinh năm 1972 tại Đà Nẵng, nguyên quán Quảng Bình. Anh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn- báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh từng được nhiều giải thưởng văn học về thơ và truyện ngắn của các các báo, tạp chí: Tiền Phong  năm 1990, Tuổi Trẻ năm 1996 và Sông Hương năm 2003.
Người ăn bóng là tập truyện mới nhất của Nguyễn Hữu Hồng Minh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hoá Phương Đông vừa ấn hành. Tập truyện này đang được chú ý và có lẽ nó sẽ khiến người đọc tìm thấy những gì mà họ đang nghĩ tới: phá vỡ những ngột ngạt mà tủ sách gia đình của nhiều người đang quá tải bởi những tác phẩm trôi quá chậm trong dòng chảy văn học hiện nay

.