Tuesday, November 12, 2013

Hồ Đình Nghiêm


halloween_costumes

Yêu ma

Người Nhện đi với người Dơi. Cô bé choàng khăn đỏ sánh đôi Bạch Tuyết. Lá vàng xào xáo dưới gót, vật vã. Cách hai sải tay, tụt hậu, người Sói nắm tay tôi bương chải, thở ra khói. Tôi nói lạnh hè nhưng người sói phản bác: Ư ừ. Nực thấy mồ! Đứa con nít chưa ráo máu đầu thỉnh thoảng làm bộ tru lên. Trời không trăng, mù mịt. Chỉ có gió, chỉ có lá quắn đít rơi rụng. Chỉ có những đốm sáng lung linh trong những quả bí to tròn một cách kỳ dị, nhe răng ngó tức cười.


Ba của người nhện làm ở nhà hàng ăn, ca đêm. Bố người dơi là phu phen thợ thuyền bị sa thải do kinh tế đang hồi gay cấn. Mẹ cô bé choàng khăn đỏ đứng quầy thu ngân ở cửa hàng Dollarama chuyên trị giá bèo linh tinh 1 đồng. Má Bạch Tuyết đi may túi bụi lùng bùng chăn màn khăn nệm. Người sói tuồng không biết cha mẹ, ở với dì và dì thì hổng hứng thú chuyện âm dương hoà hợp, ở mình ên ăn tiền trợ cấp xã hội cho phẻ. Sống ngày nào vui ngày đó. Dì Catherine tuyên bố. Mà chữ vui nọ, thứ triết lý ấy cần phải suy gẫm, có khi trọn đời vẫn chưa thông. Vui kiểu gì mà thanh đạm cơ hàn quá thể!

Tất cả bọn họ ở cùng một chung cư chỉ có 7 apt. Họ thuê những căn lớn 3, 4 phòng. Cái nhỏ nhất, tôi chiếm đóng. Tôi là concierge, chủ nhà cho ở không, năm hết Tết tới lại được lì xì thứ này vật nọ, lại được chúc sống lâu trăm tuổi hạnh phúc dàng trời. Gióp của tôi là đầu tháng đi thu tiền thuê phòng và làm êm dịu những phiền toái mà cư dân gặp phải. Không có nước nóng, sửa dùm cái robinet đêm trường cứ giọt ngắn giọt dài cà tỏng cà tỏng rơi miết sốt ruột giấc ngủ. Tính sao chứ nhà bếp chỗ tui độ rày nhiều gián quá! Ui chào, nói với chủ đưa ít lon sơn để tui quét lại ngó cho mới… Tôi cắt cỏ, tôi đổ rác và quỡn như tối nay thì nghe lời cù rũ, hộ tống bọn nhóc đi xin kẹo. Tôi chỉ đứng ngoài đường chờ đợi, bọn nhỏ không cho tôi đi vào gõ cửa. Chúng lập luận: Thứ nhất, già đầu thì không ăn kẹo, xin làm chi. Ai cho? Thứ hai, cứ nhất y độc quởn vậy, chả chịu hoá trang làm ông này bà nọ thì mất linh, phá hỏng không khí của “người ta”. Trong tiểu đội, tôi là binh nhì, đơ-dem cùi bắp mặc sức cho dơi sói nhện bạch tuyết chú lùn ra chỉ thị. Và tôi vui vẻ chấp hành, không nhăn nhó. Luật chơi nào cũng có điều lệ, nên tuân thủ lượng sức, chẳng phân bì phân lê.
Nói chung, sống cùng một địa chỉ trong ba năm qua, ai nấy đều tỏ ra thân thiện với tôi. Những kỷ niệm buồn đau trong quá khứ thay vì chôn sâu, họ có thể tìm tôi để dốc lòng, trút tâm sự. Khi gặp ngày lễ lạc, ai nấy rảnh rang, họ thường tổ chức buổi tiệc chung và không quên ngỏ lời mời tới mông-xừ mất nước. Tên tôi họ phát âm không trôi, nên ba hồi thì gọi là ông giữ cửa, ba hồi thì chệt mà hổng phải chệt. Mông-xừ mất nước là chữ do bố thằng người dơi đặt. Bản tính của đứa mất nước hiền hoà, chín bỏ làm mười, nên tôi vui vẻ chẳng lấy đó làm điều. Vì buổi tiệc chung nên họ trình làng thức ẩm thực mà họ cho là đặc sản của riêng họ. Tôi ghé quầy bán thức ăn ngoài chợ Việt mua một đống chả giò vừa chiên xong, chon giòn, điếc mũi. Cứ mua hai chục cuốn thì được biếu không rau sống, nước chấm. Tôi tha về bốn chục cuốn và khi bày ra dĩa, đếm lui đếm tới chỉ có con số 35. Bà bán hàng không biết làm toán cộng hay trên đường về tôi đã xơi mất 5 cái cho bỏ công?
Trăm khi như một, cả bọn đều đồng loạt: Zời ạ, ngon nhức răng. Nhất ông rồi! Già trẻ lớn bé đều phụ rẫy các thứ sơn hào hải vị mà họ gia công đun lửa suốt đêm chăm chú, tất thảy ngồm ngoàm miệng bóng nhẫy và rồi dì Catherine tuyên bố: Tôi khai sinh cho anh cái tên mới, Mông-xừ Chả Giò. Cả bọn gõ ly gõ chén: Bravo. Cứ thế mà phát huy. Chúa ơi, sao ông nội này giỏi dang bách nghệ đến thế? Cái gì thằng chả cũng làm được hết ráo. Tui nghe đồn, ngoài thứ này còn có món nức tiếng được dựng bảng hiệu trên giang hồ: Phở. Bữa nào nấu cho bọn này đớp một phen, hử?
Một phen tôi giả bộ quên, giao lưu văn hoá phải nên có tiền. Nhớ cho tôi kẻ phận hèn, tháng đi năm lại tôi bèn làm thinh. Bây giờ chơi với nhóc tì, tâm thân an lạc cũng vì hồn nhiên. Ngang trang ngang lứa mặc tình, tây u ngôn ngữ quyết rình làm quen. Cà lăm cà cặp thốt thưa, bức xúc lòng dạ như chưa tỏ tường. Con nít chốn đây thật thà, nhiều điều cần học lớn mà u mê.
Cuộc hành quân chấm dứt vì “bọn người giả tưởng” ấy đã đạt thắng lợi, bội thu. Túi ny-lông trên tay đứa nào cũng đầy bánh kẹo. Chúng chưa vội lột mặt nạ trên đường về nhà. Sói nói, đố ông vì sao chúng mình phải đi xa? Rồi tự nó phân giải, tại vì khu vực mình sống toàn cả kẻ nghèo. Cô giáo dạy, phải có điều kiện người ta mới lộ rõ lòng từ tâm. Tôi ngó xuống người sói tóc vàng óng dưới đèn đường. Bằng tuổi nó tôi dốt đặc cán mai, phải gần hết bậc tiểu học mới tiếp cận câu chuyện: Có người đang đi, dừng lại bên đường. Kẻ đồng hành hỏi: Sao vậy? Người ấy nói: Để tôi khiêng tảng đá này vào một bên, cho bước chân người đi sau được thông suốt, đỡ vất vả. Và khi lên bậc trung học lại nghe chuyện liên quan tới đá tảng: Sức khoẻ anh dạo này ra sao? Vũ như cẩn, không thay đổi một mảy may. Giỡn hoài cha! Nói láo hộc máu, nghe đây này, sau nhà tôi có tảng đá, lúc nhỏ tôi thử nhấc lên mà nó không nhúc nhích, mới hôm qua tôi cũng thử ra vận công mà cứ y như bốn chục năm trước, rõ ràng sức khoẻ tôi vẫn vậy thôi, đau yếu gì đâu? Thời trung học tôi cũng có nghe qua thành ngữ: Ra đường hỏi người già, về nhà hỏi con trẻ. Buồn miệng, không ai cho ngậm kẹo, tôi hỏi người sói: Mi ở với dì Catherine thấy sao? Mọi thứ đều OK. Nó nói. Dì vui vẻ hay khó tính? Vì sao ông hỏi vậy? Ồ, vì thông thường, một người độc thân họ vẫn gặp phải những muộn phiền. Một người sầu muộn thường bẳn gắt. Nó nhún vai, những thứ đó không đến với dì. Dì có sầu muộn, nhưng đó là một vẻ đẹp. Ông thấy ảnh thánh nữ Maria rồi chứ gì? Buồn chết người, nhưng khuôn mặt đó tuyệt đối hiền dịu. Không chắc là nỗi buồn sẽ khiến người ta kháu ó. Tôi buông tay thằng người sói ra, chậm bước lại, ngó sửng cái dị hình dị tướng nó khoác thân. Hình như ai đó nói, con mất cha mẹ thì sớm trưởng thành. E nên tin vào lời chẩn đoán kia. Tự dưng ai xui khiến tôi ngụỵ trang thành chú công an. Dì không có bạn bè thân thuộc, có lẽ? Có chứ, thường thì chủ nhật họ gặp nhau ở nhà thờ rồi sau đó cùng đi chơi mua sắm với nhau. Đông vui, rậm rật. Ba bó tới sáu bó mà tâm đắc hoà quyện y như cá mè một lứa.
Từ khu trung lưu, đi tắt bằng cách băng qua một sân chơi base- ball vắng tẻ, vượt xong bãi đậu xe có những vệt sơn vàng tróc lở lộng gió, người nhện người dơi dẫn đường đã mang bầu đoàn về lại xóm nghèo hiu hắt đèn đường nhợt nhạt. Tôi mở cửa cho mấy nhân vật chính nằm trong những trang sách truyện lục tục bước vào chung cư để biến đổi trở lại thứ thân phận luôn mềm yếu giữa đời thường. Cả bọn thay phiên nói cám ơn tôi và chúc ngủ ngon. Riêng Katie, cô bé choàng khăn đỏ ngồi bệt xuống bậc tam cấp bóng loáng mà hồi chiều tôi đã ra sức quét tước chùi rửa còn nồng mùi javel khử trùng. Sao thế? Tôi hỏi. Nó thủng thẳng lôi kẹo ra mút, môi miệng hoen màu phẩm rít rát. Moa không thích ngó thấy ông Henry. Giờ này ông ấy chắc chưa chịu về nhà. Ma măng sẽ ngạc nhiên nếu moa chấm dứt sớm buổi đi xin kẹo. Moa rất không thích sự có mặt của mình gây nỗi khó chịu cho một ai.
Không rõ trong truyện cổ tích cô bé choàng khăn đỏ học tới lớp mấy? Katie học lớp bốn trường tiểu học, nó sẽ khiến cho các mụ phù thuỷ phải phân vân khi đối đầu. Tôi hình dung ra mối quan hệ có giữa mẹ nó và gã đàn ông tên Henry. Họ đã đi xa khỏi tình bạn để có khi Katie bất chợt phát hiện sự xé rào ấy. Nó chọn ngồi ngoài thềm lạnh để cho hai kẻ kia được ấm áp. Thầm lặng ngồi như biểu tỏ một thái độ, khi mẹ gần ông ta có nghĩa là mẹ tự rời xa con ra. Không bao giờ người ta cùng bắt hai con cá một lần được.
Moa có thể mượn đỡ toilette ở chỗ toa được không? Đang ngần ngừ suy tính thì dì Catherine ló đầu ra cánh cửa mở hé. Hèn gì, sao còn đứng đây? Katie, sao mặt mày bơ phờ thế kia? Tôi bảo có lẽ nó cần việc tiêu tiểu mà quyết không xài đồ nhà, kẹt thế đấy. Ô, moa hiểu, vào nhà moa đi, tiện thể hai chị em ngồi xem TV phim hoạt hình cho có bạn.
Thằng người sói đã lột trang phục, vui vẻ chào đón cô bé choàng khăn đỏ. Mi có nhiệm vụ tiếp đãi Katie cho đàng hoàng, dì qua chỗ ông chả giò bàn tí ti công việc.
Cửa phòng số 4 đóng sập lại để tới phiên tôi mở rộng cửa số 1 ra. Vì công việc, tôi có tất thảy các chìa của sáu căn hộ kia. Tôi ném xâu chìa khoá nặng nề lên bàn. Cả nạm kim loại kêu rổn rảng, dễ nể y như của tên chuyên hành nghề đạo chích. Dì Catherine đóng cửa bằng lưng. Ôi, ở đây lạnh quá, toa vẫn chưa chịu mở sưởi lên? Giọng người phụ nữ áng chừng bốn mươi tự dưng hụt hơi, lạc đi. Để xem nên bắt đầu từ đâu. À, thế này nè, moa truy cập vào internet và kiếm ra công thức nấu món Fo truyền thống. Khi toa dắt bọn nhỏ đi xuống đường chính là lúc moa bắt đồ đoàn lên bếp lửa. A hèm… Đừng khoá cửa, lát moa bưng sang cho một bát để phân định tài năng, ăn giả bữa, nhé… Ngon, dở gì thì cũng nhớ kín miệng cho với. OK.
Tôi bật máy truyền hình lên cho căn phòng có tiếng động. Máy sưởi thì tôi đâu có off, nhiệt độ luôn ở lằn mức trung bình. Tôi cởi bỏ bớt hai lần áo ngự hàn, móc vào cây đinh đóng cạnh tờ lịch lớn chụp cảnh đàn chim thiên di. Mai mốt đã là đầu tháng, đi thu tiền nhà cho chủ. Mai mốt đã phải vặn kim đồng hồ trở lui một giờ, đêm sẽ dài và ngày sẽ ngắn. Sẽ chập choạng lờ mờ cho tới hồi tuyết trắng rơi xuống, mịt mùng, lê thê và lạnh quặn ruột. “Lòng ai bầm tím, ai buồn tối. Cũng tại rừng đời lạc lối ra”. (Thâm Tâm)
Nửa khuya thì cửa mở trong êm thắm. Ngọn đèn mờ cháy duy một bóng đủ để kẻ chưa quen lộ trình khỏi vấp té. Cửa đóng không gây tiếng động, chỉ dồn đẩy tới một hương mùi. Nói tội trời chứ tô phở kia chả thơm tho gì cả. Đinh hương đinh hồi gừng hành húng quế ngò gai trốn chốn nao mà để cho mùi xạ hương Chanel trấn áp khuynh đảo căn phòng mộng mị liêu trai. Tô phở chẳng phải xe lửa đáp xuống mặt bàn. Eo ôi, ngủ rồi cơ à? Dáng đi của mèo dày công tu luyện thành người vụt lướt khinh khoái. Hoa ban đêm khác sắc diện với hoa trần thân dưới dương quang. Người Catherine về khuya cũng thế, áo ngủ ve sầu lụa là quấn quýt chờn vờn mỏi mê trái tuyết lê. Truyền hình canh gà về sáng thường “rộng đường dư luận” vì biết tỏng trẻ thơ đã say giấc nồng, trình chiếu những tuồng giựt gân đa phần là cảnh giường chiếu lệch lạc xô bồ ác đức bất nhơn. Tôi ngồi kiểu nước lụt thấy xốn xang trước đôi nam nữ diễn tận tình thước phim đồi truỵ lộn ruột ứa máu ưa bú mồm, thích nắn chỗ này bóp chỗ nọ, câu giờ cho tới thiên thu.
Catherine ngồi xuống, chẳng ké né không sỗ sàng. Chẳng xa tầm tay với không nhảy thót vào lòng. Rất vừa phải, đủ để cảm nhận có luồng nhiệt lượng lan man bò qua trên da nổi hột. Đủ để u mê ám chướng nhận biết, ngoài nước mắt, nước hoa cũng là vũ khí của đàn bà. Người nay trách chi hôn quân ngày xưa chuyện nghiêng thành đổ nước vì sắc dục phụ nữ?
Trước khi ngủ thằng nhỏ nói sao moa có cảm tình với Mông xừ chả giò ghê đi. Ổng không quan ngại gian khó nắm tay moa đi tới tận mọi cánh cửa đóng kín. Nó bảo nếu biến thành sói thực thụ, nó sẽ tàn ác giết hại mọi động vật, chỉ trừ riêng mình ông.
Catherine thủ thỉ. Hình như đến một lúc nào đó, đứa bé sẽ nhận chân ra giá trị cần thiết khi có một người cha. Quá khứ, vào ngày này em có đủ bộ sậu lắc nhắc để đóng đúng vai ma cà rồng. Em còn cất giữ những áo choàng đen, răng nanh, móng vuốt, ruy-băng đen cột quanh cổ. Nếu em định hút máu, anh có ngán không? Không, em chẳng đành tâm. Em thích ăn hơn uống. Và anh, chắc anh có thu cất một cuốn chả giò thậm ngon, thậm ấn tượng, thậm đặc biệt.
Đêm lễ hội ma quỉ khép đóng bằng những tiếng rên. Ngày mai, nếu yêu tinh lộng hành đòi kéo dài cuộc chơi, tôi quyết hoá trang thành zombie, một xác thân rách bươm đi quờ quạng hồn xiêu phách lạc giữa xứ người
.
Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: ST