Monday, November 11, 2013

Sogyal Rinpoche

THE TIBETAN BOOK OF LIVING AND DYING 

Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch

Rumi, bậc thầy đạo Sufisme có viết:

- Bậc thầy nói, có một điều duy nhất trên đời mà ta không bao giờ được quên. Nếu bạn quên hết mọi sự khác, mà không quên điều này, thì sẽ không có gì phải lo, nhưng nếu bạn nhớ thực hành chu tất mọi sự khác mà lại quên mất việc duy nhất này, thì quả thực bạn chưa làm được cái gì. Ví như khi vua sai bạn đến một xứ nọ để làm một công việc đặc biệt nào đó; khi đến, bạn làm cả trăm việc khác, nhưng quên làm cái sứ mạng của mình được sai đi, thì cũng như là bạn chưa làm gì hết. Cũng vậy con người xuất hiện trên đời vì một công việc đặc biệt, đó là mục đích của y. Nếu y không hoàn tất, thì coi như y không làm gì cả.

Mọi bậc thầy tâm linh của nhân loại đều nói cho chúng ta biết cùng một chuyện ấy, rằng mục đích cuộc sống trên trái đất là để thực hiện sự hợp nhất với cái bản chất giác ngộ căn để của chúng ta. "Công việc" mà "vua" đã gửi ta vào cái xứ sở đen tối lạ lùng này là để thực chứng và thể hiện con người thật của ta. Có một cách duy nhất để làm việc đó, là khởi sự cuộc hành trình tâm linh, với tất cả hăng say và trí tuệ, can đảm và cương quyết để chuyến hóa. Trong Katha Upanishad, thần chết bảo Nachiketas rằng:

- Có con đường trí tuệ và con đường vô minh. Hai con đường dẫn đến những mục đích hoàn toàn khác nhau.... Trú trong vô minh, nghĩ mình khôn lanh bác học, những kẻ ngu lang thang không mục đích, như kẻ mù dắt người mù. Những gì nằm bên kia cuộc đời không hiển lộ cho những kẻ khờ khạo, bất cẩn, hoặc bị của cải làm mê hoặc.

TÌM ĐƯỜNG

Vào thời khác và trong những nền văn minh khác, con đường chuyển hóa tâm linh này chỉ giới hạn cho một số ít người được chọn. Nhưng ngày nay, một tỉ lệ lớn trong loài người cần phải tìm kiếm con đường trí tuệ nếu muốn giữ gìn trái đất khỏi những mối nguy bên trong và bên ngoài đang đe dọa nó. Trong thời đại phân hóa và bạo hành này, tri kiến tâm linh không phải là xa xỉ phẩm dành cho thiểu số chọn lọc, mà là một cái gì cấp thiết cho sự sống còn.

Việc đi theo con đường tâm linh chưa bao giờ lại cấp thiết và gay go hơn bây giờ. Xã hội chúng ta dành hoàn toàn cho sự tôn vinh bản ngã, tôn vinh chính những sức mạnh của tham lam và vô minh đang tàn phá quả địa cầu. Chưa bao giờ khó hơn để nghe tiếng nói của chân lý, và chưa bao giờ khó hơn để tuân theo tiếng nói ấy nếu nó được nghe đến. Bởi vì trong thế giới quanh ta không có cái gì hỗ trợ cho sự chọn lựa của ta, và cái xã hội ta sống dường như phủ nhận tất cả mọi ý nghĩa thiêng liêng, vĩnh cửu. Bởi vậy, vào thời gian nguy ngập nhất của chúng ta khi chính tương lai chúng ta cũng thật khả nghi, thì chúng ta, những con người, lại thấy mình đang ở giai đoạn hoang mang nhất, và bị vướng vào một cơn ác mộng do chính chúng ta tạo nên.

Tuy thế vẫn có một nguồn hy vọng đầy ý nghĩa trong tình huống bi đát này, đó là, giáo lý tâm linh của mọi truyền thống mật tông vĩ đại vẫn còn có thể xử dụng. Rủi thay, có rất ít bậc thầy thể hiện được những giáo lý ấy, và hoàn toàn thiếu sự biện biệt nơi những người tầm đạo. Phương tây đã trở thành một thiên đường cho những lang băm về tâm linh. Nếu là lĩnh vực khoa học thì bạn có thể xác thực ai thực ai giả, vì có những nhà khoa học khác kiểm chứng trình độ và những tìm tòi phát minh của họ. Nhưng ở Tây phương, vì không có tiêu chuẩn của một nền văn hóa trưởng thành về trí tuệ, nên tính trung thực của những người được gọi là "đạo sư" hoàn toàn không thể thiết lập được. Dường như bất cứ ai cũng có thể diễn hành tự xưng bậc thầy và lôi cuốn một số tín đồ.

Ở Tây Tạng không có như vậy, nơi người ta nhận thấy bảo đảm hơn nhiều nếu chọn cho đúng một con đường và đúng thầy để theo. Những người đến Tây Tạng lần đầu thường lấy làm ngạc nhiên tại sao người ở đây đặt nặng dòng tu đến thế, đặt nặng sự truyền thừa không gián đoạn từ bậc thầy này đến bậc thầy khác. Dòng tu được dùng làm sự bảo đảm cốt yếu: Nó duy trì tính chân thực và thuần tính của nền giáo lý. Người ta biết được một bậc thầy qua bậc thầy của vị ấy. Đó không phải chuyện giữ gìn một tri thức đã xưa cũ, có tính cách lễ tục, mà một truyền thừa từ tâm sang tâm, từ trí sang trí, một trí tuệ sống và nguyên chất, cùng với những phương pháp thiện xảo.

Nhận ra ai cũng là bậc thầy ai không, làm một công việc tế nhị và đòi hỏi nhiều điều kiện. Nhưng ở thời đại như chúng ta, ham giải trí, ưa những câu trả lời dễ dàng, những giải pháp nhanh, thì những bậc thầy tâm linh đạm bạc không làm bộ, có thể không được ai để ý. Những ý tưởng ta nghĩ về sự thánh thiện có thể làm ta không thấy được biểu hiện của tâm giác ngộ đôi khi rất linh động và lại có vẻ giỡn đùa. Patrul Rinpoche viết:

- Những đức tính kỳ diệu của những vĩ nhân là giấu kín sự thánh thiện của họ, làm cho những người thường như chúng ta không thể thấy, dù ta có nỗ lực xem xét. Ngược lại, ngay cả những lang băm cũng lừa đảo rất tài tình bằng cách ăn nói như những bậc thánh.

Nếu Patrul Rinpoche có thể viết như vậy về thế kỷ trước tại Tây Tạng, thì điều ấy lại càng đúng biết bao trong cảnh hỗn loạn của cái siêu thị tâm linh hiện thời?

Vậy, chúng ta làm thế nào để trong thời đại cực kỳ khả nghi này, có thể tìm ra được niềm tin cậy quá cần thiết cho sự tu tập tâm linh? Theo tiêu chuẩn nào để biết một vị thầy là thực hay dỏm?

Tôi nhớ rõ một lần ở bên vị thầy tôi biết, khi ấy ông hỏi các học trò cái gì đã lôi cuốn họ đến ông, tại sao họ tin cậy ông. Một phụ nữ nói:

- Tôi đã nhận ra rằng điều thầy thực sự muốn, hơn bất cứ gì khác, là muốn cho chúng tôi hiểu và áp dụng giáo lý, và thấy thầy hướng dẫn chúng tôi thật khéo léo để chúng tôi có thể hiểu được.

Một người đàn ông ngũ tuần bảo:

- Không phải những gì thầy biết làm tôi cảm động, mà chính vì thầy thực sự có lòng vị tha và tâm tốt.

Một phụ nữ trung niên nói:

- Tôi đã cố coi thầy như mẹ tôi, cha tôi, bác sĩ tâm thần của tôi, chồng tôi, người yêu tôi; thầy đã lặng lẽ ngồi chứng kiến tất cả tấn tuồng do tôi phóng chiếu ra đó, và không bao giờ bỏ rơi tôi.

Một kỹ sư ngoài hai mươi tuổi nói:

- Điều tôi tìm thấy nơi thầy rất khiêm cung, thầy thực sự mong muốn sự tốt lành nhất cho tất cả chúng tôi, và trong khi thầy làm thầy, thầy vẫn không bao giờ ngưng làm một đệ tử của những bậc thầy.

Một luật sư trẻ nói:

- Đối với thầy, chính nền giáo lý mới là quan trọng nhất. Đôi khi tôi lại còn nghĩ rằng có lẽ cái lý tưởng của thầy là, chính thầy hoàn toàn biến mất, chỉ trao truyền lại những lời dạy càng vô ngã càng tốt.

Một sinh viên khác rụt rè nói:

- Lúc đầu tôi sợ phải mở tôi ra trước thầy. Tôi vẫn quá thường khi bị xúc phạm. Nhưng khi tôi khởi sự thổ lộ tâm can, thì tôi để ý những thay đổi thực sự trong tôi. Dần dần tôi càng biết ơn thầy, vì tôi nhận ra thầy đã giúp tôi nhiều quá. Và rồi tôi khám phá trong tôi một niềm tin cậy sâu xa đối với thầy, sâu hơn tôi có thể tưởng tượng.

Cuối cùng, một chuyên viên điện toán tuổi ngoại tứ tuần, bảo:

- Thầy đã là một tấm gương kỳ diệu cho tôi soi vào, và thầy chỉ cho tôi hai điều: Khía cạnh tương đối về tôi là ai, và khía cạnh tuyệt đối tôi là ai. Tôi có thể nhìn vào thầy và thấy – không phải vì thầy là ai, mà vì những gì thầy phản chiếu lại nơi tôi - tất cả sự rối ren tương đối của tôi, rất rõ ràng. Nhưng tôi cũng có thể nhìn vào thầy và thấy phản ảnh nơi thầy cái tự tánh của tâm, từ đấy mọi sự đang sinh khởi, từng giây phút.

Những câu trả lời trên đây cho ta thấy rằng những bậc thầy thực sự thì tử tế, bi mẫn, không biết mệt trong ước muốn san sẻ bất cứ trí tuệ nào họ có được từ những bậc thầy của họ, không bao giờ lợi dụng hay điều động các đệ tử dưới bất cứ hoàn cảnh nào, không bao giờ bỏ rơi họ, phụng sự cho nền giáo lý vĩ đại hơn là cho mục đích riêng tư, và luôn luôn khiêm hạ. Sự tin cậy chân thực có thể phát triển, và chỉ nên phát triển đối với một người nào bạn biết được, qua thời gian, hội đủ tất cả những đức tính ấy. Bạn sẽ thấy niềm tin ấy trở thành nền tảng của đời bạn, nó vẫn ở đấy để nâng đỡ bạn qua những gian khổ của sống chết.

Trong Phật giáo chúng ta xác định một bậc thầy là chân thực hay không tùy theo sự hướng dẫn của họ có phù hợp với giáo lý Phật dạy hay không. Ta phải luôn luôn nhấn mạnh rằng chính sự thật của giáo lý mới là tất cả tầm quan trọng, chứ không bao giờ quan trọng cá nhân của bậc thầy. Bởi vậy đức Phật đã nhắc nhở chúng ta nguyên tắc Bốn chỗ y cứ (tứ y) là:

Y pháp bất y nhân: Dựa trên thông điệp của bậc thầy, không phải trên nhân cách của ông;

Ý nghĩa bất y ngữ: Dựa trên ý nghĩa, không chỉ dựa trên lời;

Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa: Dựa trên ý nghĩa chân thực, không dựa trên ý nghĩa tạm thời;

Y trí bất y thức: Dựa trên tâm trí tuệ của bạn, không dựa trên tâm phân biệt thường ngày của bạn.