Monday, January 13, 2014

Ảnh của BOUBAT






Tiếp cận với Boubat, ta nhận bắt ngay có một tình cảm toát ra từ những bức ảnh của ông, hay ít ra là một ấn tượng : dịu dàng, gần gũi, như thể đây là điều thổ lộ tâm sự, một lời thủ thỉ thân mật.



Ảnh của Edouard Boubat tạo nên cho người xem một thiện cảm chân thành. Những bức đạt nhất, có thể dẫn đến sự chuyển hóa, ví dụ tấm ảnh với cái tựa vỏn vẹn là “Ấn Độ, 1962 ». Ở đây, Boubat cho thấy một nông dân già đi giữa cánh đồng trĩu hạt, đôi bàn tay mân mê các bông lúa, ông đang nở một nụ cười viên mãn. Đối mắt của ông cũng nhíp lại, như thể cụ già thả hồn theo niềm hạnh phúc. Ở đây, không thể không liên tưởng đến Vùng Đất Hứa khi con người chưa hề đói rách, khi trái đất chưa nếm mùi thảm họa. Chất phác, trong sạch, thuần khiết, những nhân vật trong ảnh của Boubat tận hưởng những niềm vui cuộc sống thanh bình, an lạc. Một bức khác, tựa đề « Ấn Độ, 1964 ». Boubat đã kể lại, ông đã đi thật xa, tiến mãi vào tận các vùng hẻo lánh nhất miền trung Ấn Độ : Sau một ngày lận đận trên những nẻo đường hiểm trở, ông đến một ngôi làng vào chiều tối. Người dân hiếu khách cho ông trú ngụ trong một căn nhà tranh, nghèo xơ xác. Sau một đêm ngủ trên nền đất, 6 giờ sáng, ông tỉnh dậy, mang chiếc Leica ra khỏi nhà. Kết quả là tấm ảnh này : Mặt trời chưa lên. Sương mù chưa tan. Giữa vài gian nhà xiêu vẹo ở trung tâm ngôi làng, già trẻ, lớn bé quây quần bên bếp lửa, có lẽ để tránh gió hay để nấu nướng. Có nhiều toán người. Phải chăng mỗi toán là một hộ gia đình ? Bên cạnh họ, ngổn ngang chiếc xe bò, lẩn quẩn đàn súc vật : gà, dê, bò, ngựa lục tục kiếm ăn. Xa xa trong sương mù, một đám người khác cũng vừa thức giấc, ngồi cạnh nhau bên bếp lửa. Giữa con người, đàn thú và thiên nhiên, tất cả đều êm đềm, thanh thản, hiền hòa.
Một bức ảnh khác, tựa đề « Pérou 1975 », được chụp từ phía bên trong một thánh đường Thiên chúa giáo. Từ trên cao, xuyên qua kính giáo đường, ánh sáng tràn xuống vùng bóng tối bên dưới, như một ngọn thác, như nguồn Ân Huệ đang tỏa rộng. Ở đây, tất cả đều đơn sơ, mộc mạc và trinh nguyên đến độ thánh thiện. Trước bức ảnh này, người xem có thể lắng nghe âm vang các mối tương đồng giữa ánh sáng và bóng tối, giữa trời và đất, giữa Thượng đế và cõi nhân gian.


Phải kể thêm bức « Rémi au coquillage 1995 » – « Cậu bé Rémi và vỏ ốc – 1995 » hay là tác phẩm nổi tiếng nhất của Boubat « Chân dung Lella 1946 ». Người xem mường tượng giữa hoàng hôn bao phủ, cô gái Lella với đôi mắt đen láy, cái nhìn vời vợi và chút gió làm gợn mái tóc, đang biến thành hiện thân của cái đẹp, hiện thân của những bí ẩn sâu lắng trong tâm hồn đàn bà. Trước tấm ảnh này, có lẽ hơn bao giờ hết, câu nói của nhà nhiếp ảnh Boubat chuyển tải đầy đủ ý nghĩa của nó, khi ông nhận định rằng chụp ảnh là thể hiện một lời tạ ơn.
Edouarrd Boubat sinh năm 1923 tại Paris. Ông bắt đầu được chú ý đến từ những năm hậu chiến ở Pháp khi vào năm 1947, ông giành được giải thưởng Kdac. Kể từ 1951, ông thường xuyên triển lãm bên cạnh Brassaï hay là Doineau. Từ đó trở đi, Boubat được nhiều tạp chí của Pháp gửi đi khắp thế giới thực hiện các phóng sự bằng hình ảnh. Ông mất năm 1999. Từ đầu năm nay cho đến tháng ba vừa rồi, Paris triển lãm 150 bức ảnh của Boubat, một sự kiện hiếm hoi đối với khách yêu nghệ thuật.

N





Nguyễn Xuân Khánh