Tết không pháo hoa trên truyền hình
Vào đêm giao thừa năm nay, các kênh truyền hình của Nga đã không phát sóng các màn pháo hoa như cách đón Tết mọi năm, mặc dù thành phố Mátxcơva vẫn tổ chức bắn pháo hoa trên sông Mátxcơva để người dân chiêm ngưỡng.
Ngay cả Tổng thống Putin cũng không chúc mừng nhân dân Nga vào phút giao thừa tại điện Kremlin như thường lệ. Thay vào đó, ông Putin đã đọc thông điệp cuối năm qua lời chúc Tết tới toàn thể nhân dân Nga từ vùng Khabarovsk, cách xa thủ đô Mátxcơva.
Trong lời chúc Tết 2014, ông Putin nhấn mạnh tinh thần đoàn kết của toàn thể nhân dân Nga nhằm vượt qua khó khăn thử thách, đối phó với nạn khủng bố và hứa sẽ tiêu diệt tận gốc những tội ác mà chúng gây ra. Ông cũng khiêm tốn ca ngợi sự ổn định về kinh tế của nước nhà.
Một điều khác thường là những ngày cận tết Mátxcơva không tuyết rơi. Mặc dù trước tết cả tháng tuyết rơi nhiều nhưng vì thời tiết năm nay không lạnh nên đã tan gần hết. Ở Nga vào dịp Noel hay Tết mà không có tuyết bay lất phất (như ở Việt Nam mưa phùn dịp Tết cổ truyền) quả là một điều rất buồn.
Với cộng đồng người Việt Nam tại Nga, có thể nói những tác động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của nhân dân Nga có ảnh hưởng và tác động đến cuộc sống, công việc, tinh thần của bà con. Chính vì thế, những biến động của nước bạn đều được mọi người quan tâm chia sẻ.
Trong năm 2013 vừa qua, sự kiện người nhập cư luôn là đề tài nóng bỏng. Chính vì thế mà người Việt Nam tại Nga ít nhiều phấp phỏng lo âu. Nơi ăn chốn ở, làm việc, đi đường, giấy tờ… luôn là nỗi lo canh cánh bên lòng, nói chi tới thu nhập. Bởi vậy mà cái không khí Tết nhất đã có phần kém vui. Họ chỉ cầu mong cho mọi sự an bình hơn, để còn làm ăn sinh sống lúc xa quê hương, người thân.
Người Việt cầu mong những niềm vui trong năm mới
Tết dương lịch nên mọi người vẫn sinh hoạt làm việc bình thường tới tận chiều 31/12 vì cũng ít nhiều phụ thuộc vào lịch làm việc của nước bạn. Bởi thế, không khí Tết âm thầm chứ không náo nhiệt, háo hức chờ đợi như đón Tết cổ truyền.
Trong khi nhìn người dân Nga lo sắm Tết từ cây thông, đèn nháy, pháo, áo quần, kẹo bánh, rượu bia… thì bà con người Việt chỉ sắm Tết dương lịch cho mình với những thứ cần và vừa đủ vui trong đêm giao thừa và ngày 1/1.
Người dân Nga đi mua sắm đón Tết 2014 (Ảnh: Võ Hoài Nam)
|
Nâng cốc chúc cho năm mới mọi điều tốt đẹp hơn! (Ảnh: Võ Hoài Nam)
|
Ở các xưởng may, không khí đón Tết dương lịch của cánh công nhân có vẻ vui hơn. Bởi cả tuần, cả tháng quần quật, dịp này họ mới được các ông bà chủ nới lỏng “thiết quân luật”. Mặc dù chỉ quanh quẩn bên trong mấy bức tường của xưởng trong một ngày nhưng như vậy là mừng lắm rồi! Họ được xả hơi sau những ngày đạp máy may kiếm tiền nuôi thân và gửi về giúp đỡ gia đình…
Dân chạy chợ cũng được dịp xả stress một ngày đầu năm. Hàng họ có bán được nên không khí đỡ căng thẳng mặc dù tình hình xã hội có phức tạp. Tạm gác một bên những tính toán lo âu thường nhật, cùng nâng chén rượu vodka Nga cay nồng chúc cho năm cũ qua đi, năm mới tới với nhiều thắng lợi mới, buôn bán thuận lợi, đi lại ít bị phiền nhiễu… Đơn giản chỉ có vậy, lời chúc năm nào cũng như năm nào của người dân Việt Nam lặn lội nơi xứ tuyết và bạch dương…
Có lẽ các lưu học sinh Việt Nam đón Tết rôm rả hơn. Dễ hiểu thôi, vì họ là những người vô tư nhất!
Cùng đón Tết với các bạn sinh viên (Ảnh: Leleo)
|
Các du học sinh chuẩn bị các món ăn mừng năm mới như thịt cá kho các kiểu, xôi… Ngày Tết là dịp để họ xả stress sau những ngày tháng dùi mài đèn sách và nỗi nhớ nhà khôn nguôi…
Với những người xa xứ như chúng tôi, mỗi dịp Tết về, ai cũng nhớ về quê hương, bản quán, nơi có những người thân chờ đợi. Đó cũng luôn là nỗi canh cánh bên lòng mỗi người.
Năm “con ngựa” ai cũng muốn “phi nhanh như ngựa” để trở về với mái ấm tình thương của mình. Họ luôn ao ước năm nay sẽ làm ăn tốt hơn.
Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)