PETER MAX: MỘT VŨ TRỤ QUAN
Hoàng Ngọc Biên
1
Peter Max là người không cần phải nghe hô hào mới đem nghệ thuật đến với mọi người. Nghệ thuật của ông xuống đường không phải chỉ trong ý nghĩa để người khác thưởng thức, mà còn để cho họ sử dụng. Tác phẩm mang chữ ký tài hoa hoặc dấu ấn của ông,
trước khi bày ở các phòng triển lãm trang trọng trên thế giới, gần như đã có một cuộc sống thân mật bên cạnh những gia đình: nơi áo quần, bít-tất, nơi bát đĩa, đồ trà, bàn ghế, đồng hồ, niên giám điện thoại, chăn đệm, túi ngủ, túi xách, dù che nắng, khăn quàng...
Trang hoàng lại thế giới
Gần suốt hai thập kỷ 60 và 70, tên tuổi Peter Max gắn liền với một khuynh hướng có ý nghĩa cách mạng trong nghệ thuật tạo hình được nhiều họa sĩ trên thế giới đi theo: nghệ thuật cho mọi người. Một trong những sự kiện khó quên là vào thời điểm những xung đột ý thức hệ xô đẩy con người đến chỗ thù hận nhau, trái đất đầy những kho thuốc súng sẵn sàng bùng nổ, thông điệp hòa bình và anh em được ông gửi đi bằng những tấm bích chương rực rỡ màu sắc và tươi vui một nụ cười rộng và hiền dán trên 66.000 chiếc xe bus dọc ngang trên 140 thành phố lớn nhỏ ở Hoa Kỳ. Con người tự đặt cho mình nhiệm vụ “trang hoàng lại thế giới” ấy tất nhiên khi làm cho lôi cuốn hơn những cặp đùi thiếu nữ bằng những mẫu vẽ bít tất cao, cũng không quên làm cho lấp lánh hấp dẫn hơn những vật gần gũi nhất với đông đảo quần chúng — như cuốn niên giám điện thoại chẳng hạn.
Joyce Egginton đặc phái viên The Observer Review ở New York, giới thiệu nhân triển lãm lớn đầu tiên của Peter Max ở London tháng Bảy 1970, đã viết:
“Là một người có tiềm năng và sáng kiến khổng lồ, Max cảm thấy có sứ mạng đem những màu sắc sinh động của mình tô điểm cho mọi vật ông nhìn thấy hàng ngày. Nhưng ông nhìn nhận: tô điểm thế giới không phải là tôi, mà là một sức mạnh vũ trụ nào đó thông qua tôi.”
Sức mạnh vũ trụ? Nếu có sức mạnh ấy thì chúng ta có thể tin rằng rất sớm, rất nhanh, rất sôi nổi, nó đã tiến hành công việc tô điểm thế giới “thông qua” Peter Max vào những năm đầu của tuổi trẻ ông: bốn năm bận rộn náo nhiệt đã đẩy xưởng vẽ cá nhân ở Manhattan của ông lên tới một cơ sở kinh doanh hai triệu đô-la, điều hành nhiều công ty: Peter Max Enterprises, Peter Max Poster Corporation, Peter Max Graphics, Peter Max Products, Peter Max, Inc. và một số công ty khác mà không phải lúc nào ông cũng có thể nhớ ra!
Max lớn lên với những chuyến chuyển dịch của gia đình — những chuyển dịch đã làm cho cuộc đời ông đầy màu sắc, y như chính tác phẩm của ông. Ra đời ở Berlin, Đức (1937) vào thời điểm mà Do-thái đồng nghĩa với tự sát, còn bé ông đã theo cha mẹ đến Shanghai sống (gần một ngôi chùa Phật giáo) mười bốn năm, trước khi về Israel. Tại Đại học Haifa, Max theo học nghệ thuật và thiên văn, môn học sau này sẽ ảnh hưởng đến phân nửa tác phẩm nghệ thuật của ông. Việc học tiếp đó bị gián đoạn, vì cha mẹ ông lại di chuyển một lần sau cùng đến New York — nơi chàng thanh niên Peter thật sự bước vào con đường nghệ thuật, bắt đầu từ những lớp học ở Art Students League, The Pratt Graphics Center và School of Visual Arts. Trả lời phỏng vấn của báo The American Way (2.1970), Max đã nhắc tới khoảng thời gian sống ớ Shanghai như sau:
“Đây hẳn là một trong những kinh nghiệm sống lớn nhất của tôi bởi lẽ toàn bộ nền giáo dục tiềm thức của hơn mười năm (ở Trung Quốc) đã ảnh hưởng toàn bộ những phong cách nghệ thuật của tôi cho đến nay... ảnh hưởng rất đậm, và tiến hành từ từ, đến nỗi không ai nhận ra. Ảnh hưởng ấy còn đi xa hơn nữa...”
Hai năm sống ẩn
Nếu như từ xưởng vẽ nhỏ của mình ở New York, hợp tác với một người bạn họa sĩ trẻ, ông đã làm việc và đã thành công với những tác phẩm đồ họa cho quảng cáo ngay thời gian đầu đã giành đến 62 giải thưởng riêng trong ngành đồ họa, sự nghiệp mở rộng trước tên tuổi bắt đầu được nhắc cả trong giới nghệ thuật lẫn trong giới kinh doanh nghệ thuật, và nếu ông không đóng cửa xưởng vẽ rút về sống ẩn dật tại nhà riêng ở Riverside Drive, thì có lẽ Peter Max ngày nay cũng chỉ là một họa sĩ ngôi sao sưu tập những giải thưởng như nhiều tên tuổi khác. Hai năm sống ẩn, 8.000 mẫu vẽ, 4.000 sáng kiến đã viết ra — con số ấy chưa lên tác phẩm cũng đã nói lên sự hình thành một vũ trụ quan: Max xuất hiện trở lại trùng với thời gian hiện tượng bích chương xuất phát từ bờ biển phía Tây Hoa Kỳ và nhanh chóng du nhập khắp châu Âu đã lên tới đỉnh cao, rất nhiều tên tuổi lớn như Victor Moscoso, Wes Wilson, Stanley Mouse, Rick Griffin... đã lấp lánh xuất hiện, thế nhưng qua những ý tưởng mới mạnh mẽ thể hiện trên bích chương đầy một phong cách tân tiến muôn vẻ của ông — op art, pop art, Art Nouveau và psychedelic (nghệ thuật tâm linh) — cái nhìn của ông trước thế giới, trước vũ trụ rõ ràng đã được ấn định, độc đáo và phổ biến.
Từ những bích chương làm tranh trang trí tường nhà, Max bước qua bích chương mang tính thương mại. Cùng với những tranh quảng cáo cho các nhà hàng, cho giày dép, ông bước qua làm bích chương cho Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cho Peace Corps, và cho Liên Hiệp Quốc. Những thành công trong lĩnh vực này đã biến căn nhà riêng của Max ở Manhattan trở thành văn phòng Peter Max Enterprises, và từ văn phòng này, ông đã điều hành công việc nghệ thuật của nhiều công ty khổng lồ của Hoa Kỳ, kể cả General Electric, General Mills, Chemstrand và Canada Dry Corporation.
Một trật tự cho hành tinh
Ngay cả vào thời xưởng làm việc của Max có 45 người, mỗi mẫu vẽ đều do chính tay ông thực hiện. Con người trên tay lúc nào cũng có một cây bút ấy (trừ lúc ngủ và ngay cả khi nói chuyện điện thoại, khi điều khiển một hội nghị kinh doanh, trên phi cơ, trên taxi...) mỗi ngày làm ra khoảng 30 đến 50 bức vẽ. Nhóm họa sĩ và cộng tác có người sắp xếp cắt dán và lên tranh, có người lo công việc thương mại — Max chính là người cung cấp cảm hứng.
Peter Max không vẽ tranh không làm tượng bởi lẽ trong xã hội kỹ thuật hiện đại, ông nghĩ cần phải “dùng bề mặt các sản phẩm để làm khung vải và những phương tiện điện tử có sẵn để làm bảng màu”. Khi nhìn nhận một bức tranh ký tên Peter Max chỉ đem lại 200 đô-la, trong khi một bích chương quảng cáo Peter Max thu tới 2.000 đô-la, có phải Max là người “vật chất”? Không. Max cân bằng lợi nhuận và sứ mạng ông tự đặt ra là đem lại hạnh phúc cho mọi người. Ông tin là nghệ thuật của mình đã làm cho những đời người sáng sủa lên.“Tôi đem nghệ thuật đến nơi nào có con người. Bây giờ người ta không còn phải đến phòng triển lãm và thưởng ngoạn tranh trên tường nữa...” Khi cố gắng giúp mọi người có cơ hội sống với nghệ thuật như thế, Max tin chính xác là mình “đang tìm cách đem lại trật tự cho hành tinh này.”
Trong gần hai thập kỷ, chính cái nhìn xã hội của ông, khả năng sử dụng màu cũng như sức sáng tạo khủng khiếp của ông đã tạo được một nhịp cầu nối liền hai thế hệ già và trẻ, hai thế giới Đông và Tây. Con người muôn vẻ của Max nếu đã từng thiết kế và trang trí cả một dàn nhà hàng tầm cỡ toàn quốc, cũng không thể bỏ sót những việc làm nghiêm chỉnh hơn: Max từng để hàng giờ trong nhiều ngày bàn bạc trực tiếp với Hội Kinh thành Hoa Kỳ về khả năng ông thực hiện một cuốn Kinh Thánh Peter Max có minh họa.
Một trong những hoạt động nổi tiếng một thời của ông là việc ông cùng những người cộng tác ở xưởng vẽ thành lập Viện Yoga, đứng đầu là trưởng lão Swami Satchidananda — người ông gặp được ở Paris, lúc bấy giờ đang tiến hành giúp đỡ những người trẻ tuổi cai ma túy. Chính ông sau đó đã thư từ qua lại với vị trưởng lão Ấn Độ và thuyết phục vị này đến Manhattan là chỗ đất náo nhiệt ngày đêm căng thẳng rất cần sự có mặt và hoạt động của một trưởng lão như Swami. Viện Yoga khởi đầu số thành viên có sáu, chỉ trong vòng chưa đầy ba năm đã lên đến trên dưới 10.000. Đi đầu trong mọi lĩnh vực, Max nhìn thấy xã hội văn minh đang cần một lối sống quân bình. Với lối sống ấy, mô thức đã có sẵn nơi người bạn trưởng lão, cùng với các môn đệ của Viện, Max tập yoga, chỉ ăn rau quả, không uống rượu, và tin rằng khi phát triển sự tự nhận thức bằng yoga, ông phát triển không những sự thanh thản trong tâm trí, mà còn cả sức sáng tạo của mình nữa.
Thông điệp hoà bình và nghệ thuật vũ trụ
Có lẽ vẫn nên nói thêm một đôi điều về thông điệp hòa bình của Max, những thông điệp biết đi bắt nguồn từ quan niệm “nghệ thuật vũ trụ chuyển động” của ông. “Thông điệp duy nhất tôi muốn chuyển đi, đó là cái nhìn của tôi về những biểu tượng hòa bình, tình yêu, niềm vui và sự tiến hóa. Tôi muốn đem màu sắc đến cho những thành phố lớn, nơi con người bị buộc phải sống trong chất crôm, xi-măng, và chất dẻo. Nghệ thuật “chuyển động” nhằm kích thích thần kinh thị giác: không phải chỉ có những chiếc bus là di chuyển, mà con mắt nhìn của ta cũng di chuyển theo. Một lối thưởng thức nghệ thuật mới, thứ nghệ thuật tới với con người, dù là con người ở đâu...” Mơ ước của Max? Nghệ thuật có ở khắp nơi và mỗi bề mặt trống không đều tiềm tàng một tác phẩm nghệ thuật.
Nghệ thuật vũ trụ, giống như Art Nouveau và nghệ thuật phương Đông, lấy cảm hứng từ thiên nhiên và cơ cấu thiên nhiên. Những mô-típ hoa đối xứng thường thấy trên tranh của Max là một thí dụ. Tính hữu cơ của thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận đối với ông. “Tôi cố chuyển ý tưởng của mình thành những hình thể và màu sắc hòa hợp với thiên nhiên. Chính trong thiên nhiên con người mới tìm thấy được những thứ đẹp nhất: hoa, thân thể và khuôn mặt người, những vảy cá, thiên hà; tất cả đều được sắp xếp hài hòa theo một thứ hình học sống động là sự tiến hóa, vốn là định luật duy nhất mà thiên nhiên phải tuân thủ.”
Cái định luật của sự tiến hóa đó, Peter Max đã đem áp dụng cho những màu quang phổ mặt trời, và làm nền cho những hình vẽ là những màu sắc trộn đâm nhạt dần để chuyển thành những màu khác. Hiệu quả thị giác ấy trong cách suy nghĩ của ông là hiệu quả đem lại yên tĩnh cho hệ thần kinh.
“Tư tưởng phương Đông từ 4000 năm nay không ngừng phát triển. Chỉ có đến ngày hôm nay giữa Đông và Tây mới có sự trao đổi qua lại: chúng ta đã để cho phương Đông sử dụng những tiến bộ kỹ thuật, ngược lại chính chúng ta cũng đã tiếp nhận tư tưởng huyền bí của phương Đông. Nhiệm vụ của họa sĩ, của nhà văn và nhạc sĩ trên toàn thế giới là đem giá trị tinh thần ấy gieo mầm vào mỗi con người hiện đại. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể tiến hóa, và thời đại chúng ta mới có thể huy hoàng trở thành Thời đại Vàng son.”
2
Thời đại Vàng son? Người ta nhớ đến một tấm bích chương thưc hiện đặc biệt cho tạp chí Life, một tiểu sử tự thuật bằng hình của Max có tên Chân dung nghệ sĩ vào buổi Bình Minh của Thời Đại Vàng Son — một tác phẩm tường trình cuộc du hành của Max trên mặt đất và trong tâm linh. Mỗi hình ảnh đều có ý nghĩa riêng, trong đó có núi Fuji tượng trưng cho phương Đông từng nuôi dưỡng tuổi thơ của ông, có những yếu tố Lửa, Không Khí, Đất, Nước, có thuyền trôi tượng trưng cho cuộc sống êm đềm hạnh phúc của phương Đông, có mây đỏ, có Đất Mẹ, hành tinh sáng chói đem tình thương chiếu hi vọng xuống số phận của hàng tỉ trẻ thơ, có Đấng Sáng Tạo, có cậu bé mang hoa với những thông điệp cân bằng, hài hòa và màu sắc, có thiên thần nhảy ra khỏi trái đất — nhận thức về không gian và thời gian... Cả một vũ trụ Peter Max của tình thương, của hòa bình, của suy tưởng, của Thượng Đế...
Trên đây là một tấm tranh in lụa (silkscreen) có chữ ký bằng bút chì đen của Peter Max, triển lãm ở London. Celestine Lum đã mua tại Phòng tranh và gửi về Saigon tặng người viết bài này, khoảng 1972/1973. Lâu ngày, tôi không nhớ đích xác địa điểm, tên tranh, thời gian, tên phòng tranh có lẽ là London Arts Gallery Exhibition 1970, kích cỡ có lẽ khoảng 32”x24”...
-------------------
“Peter Max: Một vũ trụ quan” từng xuất hiện trên trang một tạp chí văn nghệ ở Saigon khoảng năm 1988-1989, chủ yếu viết cho bạn bè đọc, từ một ít tư liệu và m
nguồn tiền vệ