Đọc Vĩnh Sính : « Việt Nam và Nhật Bản - Giao lưu văn hoá » (*)
- Giáo sư học giả chuyên về văn hóa Đông Á VĨNH SÍNH đã mất vào ngày đầu năm 2014. Bên cạnh nhiều trước tác phổ biến trong giới chuyên môn, ông còn để lại cho độc giả người Việt một cuốn khảo luận giá trị - VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN - GIAO LƯU VĂN HÓA. Theo thiển ý, cuốn sách này là một trong những cuốn sách đáng đọc nhất về những bài học có thể rút ra từ lịch sử giao lưu giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam trong những thập kỉ đầu của thế kỉ XX. Hôm nay, tác giả của nó đã vĩnh viễn đi xa, để tưởng nhớ tới Anh, xin giới thiệu lại với các bạn bài đọc sách này, viết cho nguyệt san Diễn Đàn (Paris) số tháng 5.2002.
Theo lời nói đầu, " tập
sách này là tổng hợp phần lớn những tiểu luận và sách viết xung quanh
chủ đề NB và VN mà người viết đã công bố tản mạn trong khoảng 10 năm lại
đây ". Một số bài này đã được đăng (hoặc trích đăng) trên DĐ - có khi dưới tựa hơi khác trong sách, như Giấc mộng chưa thành - Vài ý kiến đóng góp vào việc tìm hiểu và đánh giá Nguyễn Trường Tộ (các số 3, tháng 12.91 và 4, tháng 1.92) ; Văn hoá và con người VN dưới cặp mắt của Shiba Ryôtarô (số 18, 4.93) ; Giáo dục đại học VN trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI. Vài ý kiến đóng góp dựa trên kinh nghiệm các nước Đông Á láng giềng (số 42, 6.95) ; Về tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca của Phan Châu Trinh. Nguồn gốc và ý nghĩa (số 79, 11.98)...
Cuốn sách còn gồm hai bài dịch thuật và khảo cứu, về cuốn An Nam cung dịch kỷ sự của nhà văn hoá TQ Chu Thuấn Thuỷ (xem DĐ số 71, 2.98) và về tập ký sự và thơ Haiku Lối lên miền Oku (số 73, 4.98). Chỉ riêng bản dịch Lối lên miền Oku này (mà anh Bùi Mộng Hùng đã giới thiệu trong DĐ số 86, 6.99) cũng đã là một lý do để bạn tìm mua Việt Nam và Nhật Bản, Giao lưu văn hoá.
Nhưng
hiển nhiên, cuốn sách trước hết là một đóng góp quý báu vào một chủ đề
mà không người VN nào có thể không quan tâm khi suy nghĩ về chặng đường
lịch sử hơn một thế kỷ vừa qua của dân tộc. Người viết bài điểm sách này
không khỏi không nhớ lại lần ghé Tokyo mười lăm năm trước đã lang thang
một buổi chiều trong đền vua Minh Trị, trong đầu lảng vảng những giấc mộng không thành của
những Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... tìm đường duy
tân đất nước. Năm ấy, do tình thế bắt buộc, VN chập chững bước vào quá
trình " đổi mới ". Độc lập, thống nhất vừa giành được từ mười
một năm trước, sau mấy chục năm hy sinh xương máu, mà mây đen đã phủ
chân trời một màu xám ngắt...
Hôm nay, tình thế đã đổi thay không
ít. Nhiều bài học đã được rút ra, và dù còn nhiều lực cản, VN đã mở cửa
bước ra thế giới, hoà nhập với các nước láng giềng, dần dần xây dựng
những chuẩn mực mới, cả trong cuộc sống vật chất hàng ngày và trong các
mối giao tiếp giữa những công dân với nhau và với nhà nước - tuy có
chậm hơn -, với thế giới bên ngoài... Thế nhưng, nếu mối bang giao kinh
tế, thương mại với Nhật Bản đã mở rộng và chắc hẳn sẽ tiếp tục được mở
rộng thêm, bài học văn hoá của cuộc duy tân nước Nhật hình như
vẫn rất cần được đọc thêm, suy ngẫm. Nhìn ra người và nhìn lại mình.
Khiêm tốn học hỏi. Theo thiển ý, đó chính là chủ đề xuyên suốt phần
chính của cuốn sách, gồm những bài tiểu luận về giao lưu giữa Nhật Bản
và Việt Nam.
Tác giả đã khái quát lại bài học duy tân của NB trong
một bài tham luận ngắn gửi một " Hội thảo về giáo dục và đào tạo " năm
1997 tại Hà Nội (xem trang 317-323), nhưng trong suốt cuốn sách, người
đọc cảm nhận được những thao thức, suy tư thường xuyên của anh về bài
học này. Và Vĩnh Sính chia sẻ với người đọc những thu nhập của mình qua
nhiều bài nghiên cứu rất cụ thể, về nhiều khía cạnh khác nhau (như trong
các bài Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên - Vị trí lịch sử của Trung
Quốc đối với VN và NB, Thử nhìn lại vị trí của PBC và Phan Châu Trinh
trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX...).
Tôi muốn giới thiệu với bạn đọc trước hết bài Quan niệm về độc lập quốc gia của Việt Nam và Nhật Bản - Trường hợp Phan Bội Châu và Fukuzawa Yukichi
(trang 112-152), trong đó tác giả, với kiến thức uyên bác của mình, đã
phân tích một cách sâu sắc sự khác biệt cơ bản giữa hai nhà yêu nước,
một thất bại và một thành công, để rồi - không đao to, búa lớn - buộc
người đọc suy nghĩ về những con đường dẫn tới thất bại và thành công ấy.
Câu nói tiêu biểu cho tư tưởng của Fukuzawa, mà Vĩnh Sính trích lại
trang 130 : " Chỉ có những người có tinh thần độc lập mới có thể toan tính sâu xa cho đất nước của họ
", phải chăng vẫn quá cần được đưa vào các trường học VN để, như một
châm ngôn, xây dựng một thái độ học hỏi thay cho những bài học chính trị
mà cả thầy lẫn trò vẫn phải nhai đi nhai lại hiện nay ? Thời học sinh,
tôi cũng được học về Nhật Bản duy tân, với những tên Phúc Trạch Dụ Cát, Y
Đằng Bát Văn..., nhưng chẳng nhớ đã được nghe giảng cụ thể và sâu sắc
như thế về những bài học cốt lõi của cuộc duy tân ấy.
Sự khác biệt giữa NB và VN cũng được tác giả phân tích trong bài Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên. Việt
Nam thì nhất quyết đề kháng mọi âm mưu thôn tính quân sự của TQ, nhưng
lại chấp nhận mô hình văn hoá TQ. Theo tác giả, thế giới quan của người
Việt, do đó, bị giới hạn bởi thế giới quan Nho giáo, và trước hoạ Tây
xâm, rõ ràng thế giới quan đó đã dẫn cả triều đình nhà Nguyễn cho tới
những chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu vào ngõ cụt. Thậm chí, kể cả sau
khi đọc những Tân thư của Trung Quốc, phát động phong trào Đông du gửi
thanh niên sang Nhật du học, Phan Bội Châu vẫn " tình thật chủ quan tin rằng NB là một nước Á châu 'đồng văn đồng chủng' nên thế nào cũng giúp VN và TQ chống lại Tây phương " !
Trong
khi đó, NB do vị trí địa dư thuận lợi hơn (ngoài vòng cương toả của
trật tự thế giới Trung Hoa), đã xây dựng những mối liên hệ với văn hoá
Trung Hoa bao gồm cả hai khuynh hướng : kính nể và phủ nhận. Chính vì
không bị gò bó bởi thế giới quan Nho giáo của Trung Hoa nên, theo Vĩnh
Sính, các nhà trí thức Minh Trị duy tân " đã có thể rút tỉa những
kinh nghiệm thất bại của TQ một cách độc lập và khách quan để đề ra
những biện pháp thích hợp nhằm khỏi phải lập lại lỗi lầm của người láng
giềng " (tr.36).
Về một khía cạnh khác, trong bài Trục giao lưu văn hoá NB - TQ - VN vào đầu thế kỷ XX
(tr. 153 - 186), anh giới thiệu với chúng ta phong trào dịch thuật và
giới thiệu tư tưởng Tây phương ở NB nửa đầu thời Minh Trị (1868-1889),
thêm một lần - một cách gián tiếp - mời gọi mọi người suy nghĩ về cái ảo
giác tự tôn " đỉnh cao văn hoá " của người Trung Quốc (và của không ít
người VN) : chỉ công nhận thế mạnh của Tây phương trong các khía cạnh
khoa học kỹ thuật mà không chịu học hỏi họ cả về tư tưởng, về cơ chế tổ
chức xã hội. Các trí thức duy tân của Nhật, ngược lại, tuy không hề tôn
thờ phương Tây một cách mù quáng, không hề quên cuộc đấu tranh của Nhật
Bản để bảo vệ độc lập quốc gia trước các mưu đồ nhân danh " văn minh "
và " khai hoá " để đi chiếm thuộc địa của các nước Âu châu, đã rất khiêm
tốn tìm hiểu các mặt kinh tế, chính trị, luật pháp, xã hội, đào sâu các
khái niệm mới mẻ về tự do, dân quyền, dân chủ (ngay từ đầu thập niên
1880). Trong chỉ hơn 20 năm, số sách khoa học xã hội được dịch sang
tiếng Nhật lên tới 633 cuốn, sách văn học 120 cuốn. Những cuốn sách như
Self-Help của Samuel Smiles, On liberty của J.S. Mill, xuất bản tại Anh
năm 1859, bản dịch ra đời năm 1871, 1872, được bán ra hàng triệu cuốn
(xin nhắc lại, triệu cuốn), " đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đòi tự do dân quyền đầu thập niên 1880
"... Bên cạnh những cuốn sách dịch ấy, theo Vĩnh Sính, những trước tác
của các tác giả thời Minh Trị về khoa học xã hội cũng như những tiểu
thuyết chính trị, đã góp phần lớn vào quá trình phổ biến tư tưởng cận
đại Tây phương, và trong quá trình làm thành công cuộc duy tân đất nước.
Hơn 100 năm sau, đọc những thông tin về nỗ lực dịch thuật, tinh thần
khiêm tốn học hỏi của người Nhật thời Minh Trị, đem so với những bài
viết vỗ ngực "trí tuệ VN" vẫn nhan nhản ở trong nước, có điều gì như
một vết thương chữa mãi chẳng lành?
Cũng trong bài nghiên cứu về Trục giao lưu văn hoá,
người đọc còn lý thú khám phá rằng rất nhiều những từ vựng Hán-Việt mà
chúng ta sử dụng hôm nay chính là đã được các học giả Nhật sáng tạo ra
trong quá trình dịch thuật nói trên (xem khung trích dẫn bên đây).
Cuốn sách còn có một vài bài " giới thiệu và phân tích một số tư liệu có liên quan đến VN ", và vài bài khác nói lên những suy nghĩ của tác giả " trước thềm của thế kỷ XXI và thiên kỷ III
". Bài đọc sách nhỏ này không thể nói lên hết sự phong phú của những
phát hiện của Vĩnh Sính trong các mối quan hệ VN-NB (ngoài các bài đã
dẫn trên đây, phải kể thêm bài viết rất lý thú về hai cha con thương
nhân Suminokura, những người mở đầu nền mậu dịch Nhật - Việt vào đầu thế
kỷ XVII, hoặc bài giới thiệu cái nhìn về văn hoá và con người VN của
Shiba Ryôtarô, một nhà văn hoá lớn của Nhật Bản hiện đại). Kèm theo
những phát hiện đó là những phân tích sắc bén dựa trên những kết quả
nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Chẳng hạn như khi ông lý giải về câu
hỏi " phải chăng Nguyễn Trường Tộ đã gặp Y-Đằng Bác-Văn (Ito Hirobumi) ? ", hay về hoàn cảnh Phan Châu Trinh dịch Giai nhân kỳ ngộ, hay về mối liên hệ giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc...
Người
đọc hẳn sẽ còn thòm thèm một thiên tổng luận của tác giả về mối giao
lưu Việt Nam - Nhật Bản trước và trong thế kỷ XX (thay vì chỉ một tập
hợp nhiều bài viết riêng lẻ). Nhưng có thể nào không chắp tay cảm tạ
Vĩnh Sính về cuốn Việt Nam và Nhật Bản, Giao lưu văn hoá này ? Như Bùi Mộng Hùng đã làm sau khi đọc xong Lối lên miền Oku, trước khi chia tay chúng ta, mới đây mà đã ba năm.
Nói
gì thêm ? Cuốn sách chỉ được in ra 1000 bản ! Con số nhỏ nhoi này, và
khoảng thời gian mười lăm tháng từ khi nó được đăng ký xuất bản (tháng
7.2000) tới lúc được in xong (tháng 10.2001), như những nghịch lý chứng
minh thêm sự cần thiết của nó : cần có trong tủ sách của mỗi người VN,
càng cần có trong mỗi thư viện, trường học ở VN.
Hoà Vân
(*)
Tác giả : Vĩnh Sính, giáo sư sử học tại đại học Alberta, Canada. Nxb
Văn Nghệ TP HCM và Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2001. 539 trang.
CHÚ THÍCH
(1) Vĩnh Sính, là đồng dịch giả ra tiếng Anh của Phan Bội Châu niên biểu (Overturned Chariot,
University of Hawaii Press 1999), dịch thẳng từ nguyên bản chữ nôm,
với hơn 200 chú thích về tư liệu, lịch sử, mà chưa bản dịch ra quốc ngữ
nào làm được. Ông cũng được giải thưởng của Hội đồng học thuật Canada
năm 1990 về bản dịch ra tiếng Anh cuốn sách Nhật Bản Tương lai (tên
tiếng Anh là The Future Japan, không có « of » ở giữa hai từ như người
viết đã đọc nhầm nên đã dịch là Tương lai Nhật Bản trong bài gốc, đăng
trên Diễn Đàn số 118, tháng 5.2002 – chú thích khi đọc lại bài, sau khi
nghe tin dữ Vĩnh Sính đã qua đời ngày 1.1.2014) của Tokutomi Soho, một
trong những trí thức nổi tiếng thời Minh Trị.
(2) Phúc Trạch Dụ Cát, " Người thầy của Nhật Bản hiện đại ", tác giả các cuốn sách nổi tiếng Khái lược văn minh luận và Khuyến học.
(3) Một ví dụ : " Trí tuệ VN " là tên chính thức của một giải thưởng hàng năm của báo Lao Động cho một sản phẩm phần mềm.
nguồn : báo DIỄN ĐÀN Forum (Paris)