Albert Camus :
Giả như Albert Camus vẫn còn sống, thì hôm 07 tháng Mười Một vừa
qua, ông có lẽ đã tròn 100 tuổi. Từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1957, thế mà
sinh nhật năm nay của đại văn hào diễn ra trong bầu không khí tĩnh lặng, “không
trống, không kèn” như nhiều nhà văn lớn khác của Pháp. Kỷ niệm một trăm năm
ngày sinh của Albert Camus chỉ gói trọn trong một cuộc triển lãm nhỏ với
chủ đề “Albert Camus, công dân thế giới” tại Aix-en-Provence, một thành phố
thuộc tỉnh Bouches-du-Rhône, miền nam nước Pháp. Triển lãm kéo dài từ ngày
05/10/2013 cho đến hết ngày 04/01/2014.
Thế
nhưng, ít ai biết được rằng ngoài thiên phú văn chương và triết học, Albert
Camus còn có một biệt tài khác đó là viết báo. Đối với giới chuyên môn, nghệ
thuật viết báo của Camus có thể được xếp vào hàng thượng thặng. Trong suốt ba
giai đoạn 1938-1939, 1944-1947 và 1955-1956, Albert Camus lần lượt trải nghiệm
tài năng của mình tại nhiều tòa soạn với nhiều bài viết và bài xã luận nổi
tiếng. Ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào nghề, Albert Camus đã tự đặt ra
cho mình những tiêu chí “tâm” và “đức” của một nhà báo tự do.
Báo
Le Monde số ra ngày 18/03/2012 đã cho đăng một bản tuyên ngôn do chính Albert
Camus soạn thảo, ba tháng sau khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ. Lúc ấy, ông chỉ mới
26 tuổi. Camus viết rằng: “Mọi sự ràng buộc của thế giới sẽ không buộc được
một người khiêm nhường chấp nhận làm một kẻ bất lương”. Nghĩa là, “không
nên đồng lõa với sự dối trá”. Ông còn nói thêm rằng: “Một tờ báo tự do
biết cân nhắc cả về những gì mình nói lẫn những gì mình không nói”.
Bản
tuyên ngôn này của Camus đáng lẽ ra phải được phát hành vào ngày 25 tháng Mười
một năm 1939 trên tờ Le Soir Républicain, một tờ tin tức hàng ngày chỉ có bán
tại thành phố Alger, nước Algeri. Lúc ấy, Albert Camus vừa là tổng biên tập vừa
là cộng tác viên duy nhất của Pascal Pia, chủ bút tờ nhật báo. Thế nhưng, bài
viết này đã bị kiểm duyệt và không bao giờ xuất hiện. Mãi cho đến gần đây các
phóng viên của nhật báo Le Monde lục tìm thấy được bản thảo này trong Kho lưu
trữ hải ngoại tại Aix-en-Provence và cho công bố chính thức trong ấn bản ngày
18/03/2012.
Thật
ra việc Albert Camus đến với nghề báo cũng rất tình cờ. Trước khi đến với công
việc này, Albert Camus dấn thân như là một nhà đấu tranh chống bất bình đẳng.
Năm 1935, ông tham gia Đảng Cộng sản Algeri để đòi hỏi quyền bình đẳng giữa
người Ả Rập và người châu Âu, trước khi chấp nhận bị khai trừ Đảng vào mùa thu
năm 1936. Tên tuổi của ông cũng đã được biết như là một nhà văn và kịch tác
gia. Trong quãng thời gian tham gia đảng cộng sản, Albert Camus thành lập nhà
hát kịch Lao Động (Théâtre du Travail) và cho dựng vở Le Temps du Mépris
(1935), do nhà văn André Malraux sáng tác. Năm 1936, Albert dựng vở kịch đầu
tiên do ông biên soạn chung cùng với mấy người bạn “Révolte dans les
Asturies”. Thế nhưng, vở kịch đã bị Augustin Rozis, đô trưởng thuộc phe hữu
cực đoan tại Alger cấm diễn. Một năm sau tức năm 1937, Albert Camus ra mắt tiểu
luận L’Envers et l’Endroit (Mặt trái và Mặt phải).
Năm
1938, Albert Camus được một người bạn cũ của văn hào André Malraux, Pascal Pia,
tuyển về làm phóng viên phóng sự cho tờ Alger Républicain. Tờ nhật báo này có
lập trường tách biệt với nhiều tờ báo đương thời, vốn đa phần ủng hộ chính
quyền thực dân. Tờ nhật báo Alger Républicain muốn bảo vệ các giá trị của Mặt
trận nhân dân. Lúc đầu Albert Camus nghĩ rằng chỉ nhận làm vì “miếng cơm,
manh áo” và ông có một cái nhìn không mấy thiện cảm với công việc này.
Albert Camus từng thổ lộ với Jean Grenier- giáo sư đại học và cũng là bạn -
rằng “nghề này thật là nhàm chán”.
Bốn phẩm chất quan trọng của một nhà báo tự do
Nhưng
nhà văn cũng dần nhanh chóng thay đổi quan điểm sau mỗi thành công của những
loạt bài viết phóng sự và xã luận. Khi quan sát phản ứng của độc giả, Albert
Camus hiểu rằng các bài viết của ông có thể tác động lên công luận. Cũng từ đó
ông rút ra một hướng đi, một niềm hy vọng, một giá trị đạo đức. Theo quan điểm
của Camus, một nhà báo tự do cần hội đủ bốn phẩm chất: “Sáng suốt, kháng cự,
châm biếm và bướng bỉnh”. Bốn giá trị này đã được Camus trình bày rất cặn
kẽ trong bản tuyên ngôn và cho đến giờ vẫn còn giữ nguyên giá trị, trở thành
một ‘‘cẩm nang’’ cho nghề báo chí tại Pháp.
“Sự
sáng suốt đòi hỏi khả năng kháng cự lại những lôi kéo của sự hận thù và tôn
sùng số mệnh […] Thấu đáo sự việc giúp gạt bỏ sự thù hằn mù quáng và để nỗi
tuyệt vọng choán chỗ. Một nhà báo tự do, vào năm 1939, không thất vọng và chiến
đấu cho những gì anh ta tin là đúng cũng như hành động của mình có thể ảnh
hưởng đến quá trình sự kiện. Anh ta không đăng tải bất cứ điều gì có thể kích
thích sự thù hận hoặc gây thất vọng. Tất cả điều này là trong tay của nhà báo’’.
Về
phẩm chất thứ hai, Albert Camus cho rằng một nhà báo tự do cũng phải biết “kháng
cự”. Ngoài việc phải đảm bảo tính chính đáng của nguồn tin, nhà báo phải
biết cân nhắc giữa những gì có thể nói và những gì không thể nói. Một nhà báo
tự do phải biết kháng cự, tức là đầu tiên hết không được đồng lõa với sự dối
trá.
Từ
đó, đi đến phẩm chất thứ ba, phải có khiếu ‘‘mỉa mai’’. Albert Camus cho
rằng, ‘‘mỉa mai’’ là một “vũ khí vô song chống lại những cường hào ác
bá”. “Óc ‘châm chọc’ hỗ trợ cho sự khước từ trong một chiều hướng mà nó
cho phép, không những gạt bỏ những gì sai trái, mà thường nói lên được những gì
là đúng. Một nhà báo tự do năm 1939, nhất thiết phải biết mỉa mai, mặc dù nó
thường là trái với ý muốn của mình”. Albert Camus còm hóm hỉnh cho rằng : “Sự
thật và tự do như là những cô tình nhân đỏnh đảnh dù là có rất ít người yêu họ”.
Dĩ
nhiên, tất cả những đức tính đó phải được sự bướng bỉnh ‘hỗ trợ’. Trên
thực tế có rất nhiều cản trở cho tự do ngôn luận. Ở đây, tính bướng bỉnh là một
đức tính quan trọng. Bởi có một nghịch lý kỳ khôi nhưng rất rõ ràng, nó giúp
mang lại tính khách quan và sự độ lượng.
Tính chính xác sự việc là tiêu chí hàng đầu
Suốt
quãng thời gian làm nghề viết báo, Albert Camus xem đấy như là một cuộc đấu
tranh cho sự thật và cho sự độc lập. Khi mới bước chân vào nghề nhà báo, Camus
đã đặt vấn đề “nguồn tin” lên hàng đầu. Các cuộc điều tra ngay tại địa bàn cho
phép một cách tiếp cận thực tế các sự kiện. Ông nói: “Đi đến xem là việc đầu
tiên cần phải làm. Tiếp đến, nhất thiết phải thẩm định các hướng đi khác nhau
có thể bằng cách trao lời cho tất cả mọi người. Không cần thiết cứ phải làm
sáng tỏ quan điểm của đối thủ, nhưng ngược lại phải biết lắng nghe và phân tích
chúng. Nhà báo trẻ cần phải có một sự công minh không thể nào xâm hại được”.
Ông
Jeanyves Guerin, tác giả của quyển “Dictionnaire Albert Camus” (tạm dịch
là Tự điển về Albert Camus), giải thích rõ “Khi nói đến bài diễn văn, tính
‘trung thực’ và ‘lương tri’ đòi hỏi rằng những lời nói đó không được cắt ngắn,
rằng các câu dẫn không được tách rời ngữ cảnh”. Đối với Albert Camus, sự
thật phải là tâm điểm của cuộc tranh luận và để đạt được điều đó, nhà báo phải
cố gắng “đặt tính chính xác và tìm hiểu các sắc thái lên hàng đầu”.
Những trải nghiệm này được thể hiện rõ nét trong loạt bài phóng sự điều tra “Misère
de la Kabylie” (Sự khốn cùng tại Kabylie), đăng trên tờ Alger Républicain
vào năm 1939. Trong 11 loạt bài điều tra, ông miêu tả không chút khoan nhượng
nạn đói mà vùng này đã gánh chịu. Một sự kiện mà không một tờ báo thân chính
quyền thực dân lúc bấy giờ đề cập đến.
Nhận
định về tư cách nghề báo của Albert Camus, ông Jean Daniel, nhà sáng lập tuần
san Le Nouvel Observateur nói như sau: “Camus rất yêu thích công việc đó
(viết báo), một công việc ông rất am tường và có những công thức riêng cho
mình. Nhưng trước tiên hết, Camus là một người theo chủ nghĩa thuần túy. Ông
rất ghét việc khai thác các tin vặt vãnh gây ồn ào và ghét cay ghét đắng lối sử
dụng thì điều kiện (đó là điểm khởi nguồn của một sự dối trá). Ông có một ý
tưởng cực kỳ hiếm hoi trong nghề này: Ta có là người đầu tiên hay không điều đó
không quan trọng, nhưng cần phải là người (đưa tin) tốt nhất”.
Cũng
trong thời gian này, Albert Camus phụ trách mục thời luận pháp lý trên tờ Le
Soir Républicain, do ông mở ra cùng với Pascal Pia vào ngày 15/09/1939. Chính
công việc này đã cung cấp cho nhà văn những kinh nghiệm mà sau này ông có dịp
sử dụng để dựng lại phiên xử nhân vật Mersault trong tác phẩm L’Étranger (Kẻ xa
lạ) (1942). Trên tờ báo này, Albert Camus để lại nhiều bài bình luận pháp lý
nổi tiếng như vụ án Hodent. Albert Camus đã tìm cách chứng minh sự trong sạch
của một người quản lý trang trại bị một tên thực dân giàu có vu khống tội ăn
cắp. Nhất là, trong vụ án một người Ả Rập bị buộc tội giết người, Albert Camus
đã chứng minh được rằng chính quyền lúc bấy giờ kết tội ông ta chỉ vì mục đích
chính trị.
Albert Camus : Một nhà báo dấn thân
Lẽ
đương nhiên là những bài viết trên của Albert Camus đã không làm hài lòng chính
quyền thực dân lúc bấy giờ. Kết quả là cả hai tờ Alger Républicain và Le Soir
Républicain đều có cùng số phận với các tờ báo đến từ Pháp, bị đặt dưới sự kiểm
duyệt. Nhưng không vì vậy mà Albert Camus tỏ ra chùn bước. Kiên định với chính
kiến của mình, Camus kiên quyết từ chối thông báo trước nội dung các bài viết trước
khi lên trang. Nhóm làm báo của ông thà để nhìn thấy những khoảng trắng, những
đoạn văn bị cắt xén. Đến mức mà có một số ngày, tờ Alger Républicain và Le Soir
Républicain được phát hành với những cột trắng xóa.
Báo
Le Monde số ra ngày 18/03/2012, trong một bài viết có tựa đề “Các bổn phận
của nhà báo theo quan điểm Albert Camus” có nhắc lại một sự việc khá khôi
hài lúc bấy giờ. Đại úy Lorit, trưởng ban kiểm duyệt báo chí đã có những nhận
xét khá gay gắt về cấp dưới của mình khi để lọt những lời bàn bị cho là khó có
thể chấp nhận. Trong bài viết đề tựa “Hitler và Staline” đăng ngày
18/10/1939 ký tên Albert Camus, viên đại úy này đã nhận xét như sau: “Rất
đáng tiếc tác giả thiếu sự sáng suốt”. Ba ngày sau đó, trên đài phát thanh
Radio-London (phát bằng tiếng Pháp), thính giả có thể nghe những lời như sau: “Việc
gạt bỏ sự thật, trên tất cả các báo chí Đức, là nét đặc trưng của chế độ Đức
quốc xã”.
Hay
như vào ngày 24/11 cùng năm, Camus có ghi những dòng sau đây, và đã bị cắt xén:
“Chúng ta thấy rõ là một nhà báo Anh, ngày nay, vẫn cảm thấy tự hào về công
việc của mình. Một phóng viên Pháp, dù là độc lập, không thể không cảm thấy xấu
hổ nơi mà người ta khư khư ôm chặt lấy giới báo chí Pháp. Đến khi nào mới có
cuộc chiến thông tin tại Pháp?”
Khi
chiến tranh bùng nổ, do không thể cầm súng ra trận vì căn bệnh lao phổi, Albert
Camus đã dùng ngòi bút đả kích mạnh mẽ vào giới cầm quyền và những kẻ trục lợi
nhờ chiến tranh. Trong bài viết khác có tựa đề “Những kẻ buôn tử thần”,
ông quy trách nhiệm cho các nhà sản xuất vũ khí. Ông cho rằng “việc quốc hữu
hóa hoàn toàn ngành công nghiệp vũ khí, sẽ giải thoát chính phủ khỏi tầm ảnh
hưởng của giới tư bản đặc biệt vô trách nhiệm, chỉ bận tâm đến việc tạo ra
những khoản lợi nhuận lớn” (bài viết đăng ngày 29/11/1939).
Albert
Camus cũng không quên thân phận bọt bèo của những người dân bản xứ dưới chế độ
thực dân trong thời kỳ chiến tranh. Ông tố cáo cách “đối xử tàn nhẫn”
của một nhóm thiểu số và chính phủ, những kẻ “cố chấp tìm cách đàn áp những
đối tượng không may có cái mũi chẳng nên có, hay nói thứ ngôn ngữ chẳng nên
dùng”.
Đối
với Albert Camus, nghề nhà báo là tiếng nói của nhân loại. Trong công cuộc tìm
kiếm này, tự do ngôn luận là điều chính yếu. Các áp lực tài chính hay chính trị
không nên can dự vào việc phát hành. Ông luôn chiến đấu chống lại kiểm duyệt,
như là những gì Camus đã làm tại Le Soir Républicain vào năm 1939. Trong suốt
thời kỳ chiến tranh, cuộc chiến này mỗi lúc mỗi mạnh mẽ. Nhà báo Camus có một
thái độ cứng rắn không gì lay chuyển: “Chúng ta tình nguyện chấp nhận kiểm
duyệt quân sự về những tin tức có thể có lợi cho kẻ thù. Nhưng chúng ta không
chấp nhận ở bất cứ lúc nào sự kiểm duyệt chính trị”.
Mặc
dù có nhiều lời đe dọa đóng cửa tòa soạn, nhưng cặp bài trùng Albert Camus –
Pascal Pia vẫn không chùn bước. Sự cứng đầu cứng cổ của họ đã gây bực tức cho
chính quyền sở tại. Kết quả là sau 117 số phát hành, tờ Le Soir Républicain đã
bị đóng cửa vào ngày 10/01/1940, theo lệnh của thống đốc Alger.
Albert Camus : Báo chí phải độc lập với quyền lực và tiền bạc
Thất
nghiệp, dưới áp lực của chính quyền sở tại, Albert Camus không được một tòa
soạn nào dám tuyển dụng. Sau đó, ông còn bị chính quyền thực dân trục xuất khỏi
Alger. Thế là nhà báo quyết định đến Paris. Tại đây, nhờ Pascal Pia, ông tìm
được một chân thư ký cho tòa soạn báo Paris Soir. Thế nhưng, tài năng của nhà
báo Albert Camus thật sự nở rộ khi ông đến làm việc cho tờ Combat (Chiến đấu).
Một tờ báo hoạt động bí mật của quân Kháng chiến. Số báo miễn phí đầu tiên phát
hành vào ngày 24/08/1944. Và chính trên tờ báo này tài viết báo của Albert
Camus đã phát triển tốt nhất. Ông đầu tư triệt để cho thể loại “cao cấp”
nhất là “xã luận”. Để làm được điều này, Camus đề xuất ba chiêu thức: “một
ý tưởng, hai ví dụ, ba tờ giấy” (une idée, deux exemples, trois feuillets).
Vào
ngày 08/08/1945, khi quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật
Bản, Albert Camus là người đầu tiên tại Pháp đã có phản ứng, quan ngại cho “những
triển vọng khủng khiếp đang mở ra cho nhân loại”. Nhà báo viết: “Nền văn
minh cơ khí vừa chạm đến cực điểm của sự dã man. Trong một tương xa hay gần,
cần phải biết lựa chọn, giữa sự tự sát tập thể hay việc sử dụng khôn ngoan các
hiểu biết khoa học”.
Với
48 ấn bản bí mật tại tờ Combat, Albert Camus trở thành một nhà báo tiếng tăm.
Tuy nhiên, yêu nghề viết báo đến chừng nào thì Camus lại ghét giới báo chí đến
ngần ấy. Cuộc phiêu lưu tại Combat thể hiện rõ chữ ‘tâm’ và ‘đức’
của Albert Camus, muốn nhìn thấy một nghề viết báo trung thực, chính xác và độc
lập với các thế lực của tiền bạc cũng như là quyền lực chính trị. Chính vì thế,
Albert Camus thường xuyên lên án mặt trái của giới báo chí. Nhất là trong bài
xã luận đăng ngày 31/08/1944 trên tờ Combat. Qua việc chỉ trích ‘thói ham
tiền và thái độ thờ ơ của bọn quyền thế”, Albert Camus chỉ ra rằng bọn họ
chỉ tìm cách “làm hài lòng hơn là soi sáng”. Ông đã kêu gọi các đồng
nghiệp hãy cắt đứt mối liên hệ mà ông cho là “loạn luân” giữa nghề
nghiệp với sự cám dỗ của đồng tiền.
Nếu
như đối với độc giả Algeri, đầu tiên hết Albert Camus giải thích rõ bổn phận
làm sáng tỏ và cẩn trọng là thuộc phận sự của một nhà báo, chống lại sự tuyên
truyền và sự “nhồi sọ”, thì tạiCombat, Camus tiếp tục đưa ra một
hiến chương về thông tin, đảm bảo cho nền dân chủ, sao cho những thông tin đó
được giải thoát khỏi vấn đề tiền bạc. Camus viết: “Thông tin chính xác thay
vì thông tin nhanh, nói rõ ý nghĩa của mỗi tin tức bằng một bình phẩm tương
thích, xây dựng một ngành báo chí chỉ trích và, hơn cả mọi thứ, không nên chấp
nhận đặt chính trị lên trên cả đạo đức cũng như là để đạo đức rơi vào chủ nghĩa
giáo điều”.
Nhà
báo Laurent Joffrin đã tóm lược lại như sau: “Albert Camus đã xây dựng một
mô hình mà tất cả các nhà báo đúng với tên gọi này sẽ phải đi theo. Ông đã thể
hiện và hình thành lý thuyết đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo phải tham chiếu vào
những giá trị đạo đức chứ không phải là giá trị chính trị. Đó là những gì Camus
đã làm. Đó cũng là lý do vì sao ông thường đi ngược lại với trào lưu. Cần phải
có sự can đảm để bất đồng với xã hội, để nói không với một chủ nghĩa theo thời
nào đó. Hơn nữa, Albert Camus cũng như Jean Daniel đã đưa ra ý tưởng : Dù có
một chính kiến hợp lý và có sắc thái riêng về một sự kiện cũng không gạt bỏ
được một lập trường”.
Tóm
lại, đối với Albert Camus, ngành báo chí từng là một cộng đồng người ở đó ông
cảm thấy được nuôi dưỡng. Đó giống như là một trường đời và đạo đức. Ở đó, ông
thấy được sự cao cả. Có thể nói Albert Camus là một trong những tiếng nói hay
nhất trong lãnh vực này, góp phần hình thành nên cái khung của một quy chế
nghiêm ngặt cho ngành báo chí.