Tuesday, December 15, 2015

Cuộc đời của André Colin

Cuộc đời của André Colin" là thể loại sân khấu "lưu động" một sự kết hợp của đối thoại, âm nhạc, đồ họa, trên sân khấu diễn ra đồng thời hình vẽ, tranh liên hoàn, tranh đèn chiếu và phim ảnh 16mm. Từ khi biên soạn (1987) kịch bản đã được diễn một trăm lần ở Paris và các tỉnh khác. Tác giả Anne Quesemand, thạc sĩ văn học cổ điển, là người biên kịch đồng thời là diễn viên cùng với Laurent Berman. Bà còn là tác giả của nhiều phim ngắn.
Ảnh: theatreabretelles.fr

Cuộc đời của André Colin
Kịch bản văn học của ANNE QUESEMAND

Hai người, một nam, một nữ, cùng đến thăm một nhà bảo tàng hay một phòng tranh, họ dừng lại trước bức tranh "Đò ngang qua sông Styx" của Patimir (1480-1524) dưới thời kỳ Phục hưng. Họ hỏi nhau và dựng lên một câu chuyện xuất phát từ nhân vật chính trong tranh: Anh ta từ đâu tới? Trước đấy anh ta là ai? Sau đó như thế nào? Từ cuộc đối thoại đã đẻ ra một huyền thoại, một chuyện viễn tưởng về cuộc đời của người lái đò trẻ tuổi André Colin, ra đi từ Amboise năm 1552 trên đường tìm Trí tuệ và Tình yêu, bằng cách chèo thuyền tiếp sông nọ đến sông kia, cứ đi mãi về phía Đông.

Nhân vật trên sân khấu là một nam một nữ, họ không có tên. Người đàn ông khi thì xuất hiện trong vai André, người đàn bà thì giữ những vai khác, nhưng phần lớn là người dẫn truyện. Ở đây chúng tôi chỉ ghi một cách mơ hồ: A, người đàn bà; L, người đàn ông.

Nhẹ gì hơn cánh hoa trước gió
Nặng gì hơn nỗi đau trẻ nhỏ
Hàng tôi bán là kho tàng vô giá
Hàng của tôi năm tháng của thời gian
Hãy đến đây nghe thời gian trôi chảy
Hàng tôi bán kho tàng chớp nháy
Triệu triệu thoáng qua chỉ là chớp mắt
Hãy mua tôi, hiện tại của thời gian.

A. Trên dòng đời trôi chảy, lịch sử đôi khi dừng lại, và chúng ta tưởng nhớ tới những người thích sống cạnh những con sông. Có lẽ họ mơ tới những tín ngưỡng xưa, khi trái đất còn bằng phẳng, có một con sông ngăn cách thế giới người sống với thế giới người chết.

Và có người tưởng nhớ tới Charon, lão lái đò chở linh hồn người chết về thế giới bên kia, chỉ có lão mới thông thạo các bến bờ hai bên dòng sông đó.

L. Và khi người ta biết rằng quả đất tròn, họ vẫn còn giữ kỷ niệm về Acheron, về Styx và về Tartare. Những kẻ say mê dòng sông thích hòa lẫn tín ngưỡng xưa với hiểu biết hiện đại. Và chỉ có những kẻ say mê dòng sông mới biết tưởng tượng...

A. "Không bao giờ ta tắm hai lần trên một dòng sông"- một nhà triết học cổ đại đã từng nói. Vậy thì tại sao lại không dám tưởng tượng đến cuộc gặp gỡ kỳ lạ: Leonard de Vinci, hoạ sĩ thiên tài của nước Ý, sau khi chết được Charon chở linh hồn về thế giới cõi âm.

Vũ nữ bằng đá tạc trước lâu đài
Chiến binh đúc đồng đứng giữa lòng đường
Nụ cười nhẫn nại luôn đọng trên môi
Cho ta thấy cái hôn buồn của gió

Yêu một thoáng trong ngày vừa mất
Thoáng mặt trời đổ xuống phố phường
Cánh buồm xanh thoáng hiện cuối cùng
Ngọn cây vẽ hoàng hôn mùa hạ

Ai chế diễu thời gian tôi bán
Hẳn chưa mơ đến dòng sông thuở bé
Dòng sông mới lớn chưa là con suối
Đã vội vàng tìm về biển cả bao la

A. Và như thế là câu chuyện bắt đầu...

L. Léonard de Vinci lúc đó mắt đã mờ, nhìn Charon, người lái đò, và thấy lão ta có một cơ thể cân đối, rất đẹp, bèn nói:

A. Bác lái ơi, bác lái, rồi bác sẽ hiểu ta. Dù bác có đưa ta đi đến đâu mặc lòng, chỉ biết rằng hành động của bác vẫn là những động tác của những người chèo thuyền trên sông Loire mà hôm qua ta còn vẽ, vẫn với bả vai vĩnh hằng đó, bác ghì lên mái chèo... Đấy là nhờ vào một cơ bắp đặc biệt, mà ta đã tìm ra, trong bao nhiêu là cơ bắp khác. Phải, chính cái cơ bả vai đã giúp cho bác chèo, ông bạn Charon thân mến ạ!

L. Charon như bị thôi miên: lão rất ít có dịp đối thoại với những người như vậy, những người có thể mô tả chính xác các bắp thịt trên vai lão, mà từ trước đến nay không ai thèm để mắt tới.

Lão thấy lâng lâng và càng chèo chậm hơn nữa.

A. Bác lái ơi, bác lái, ta có một lời thỉnh cầu: bác biết ta là đứa con hoang và chết đi không ai nối dõi. Tất nhiên ta đã đào tạo môn đồ, những người học trò yêu mà ta truyền lại mọi kiến thức. Nhưng ta không có đứa con tinh thần để truyền lại cái thân xác của ta

(Băng nhạc: chủ đề "Người lái đò" mở đầu bằng piano.
L. Mở cuộn hình, hình ảnh những bến bờ đầy sỏi đá hiện ra. Xa xa một tảng đá hiện hình thành Léonard de Vinci)

A. Xin bác hãy đưa ra một mẩu linh hồn của ta đến bên bờ sông Loire, và trao cho một đứa trẻ trong nhân dân, những đứa trẻ chèo thuyền mà mắt ta từng ve vuốt trước khi nhắm lại.

Để trả công, ta sẽ tiết lộ cho bác một câu sấm truyền bí ẩn. Cứ tìm câu giải đáp, bác sẽ có việc làm trong những khi chờ đợi đưa linh hồn qua sông về Bến Mê. Phải mất hàng thế kỷ, bác mới hiểu được tầm vóc của nó, và để giải trí nữa.

L. Charon không cưỡng lại được lời yêu cầu, và dù sao việc đó cũng không đến nỗi trái lệ lắm. "Được, lão đáp, ta sẽ đưa một ít linh hồn của ông đến vùng ánh sáng của xứ Loire. Nào, hãy nói điều bí ẩn ra đi!"

(A. đứng dậy nói thầm vào tai L. Băng tiếng, một giọng đàn ông trang trọng)

"NGƯỜI NÀY NÓI VỚI NGƯỜI KIA MÀ TAI KHÔNG NGHE THẤY. NHỮNG NGƯỜI NÀY MỞ TO MẮT MÀ KHÔNG NHÌN THẤY. NGƯỜI TA NÓI VỚI NHAU MÀ KHÔNG AI TRẢ LỜI. NGƯỜI TA CẦU XIN LỜI CẢM ƠN CỦA NHỮNG KẺ CÓ TÀI MÀ KHÔNG NGHE THẤY NGƯỜI TA TRAO ĐÈN CHO NHỮNG KẺ.... ĐUI MÙ. NGƯỜI TA THÉT TO ĐỂ VAN XIN NGƯỜI ĐIẾC (lời sấm của Léonard de Vinci)

A. Đoán đi, Charon, hãy đoán đi!

(A. rời khỏi sân khấu)

L. Tôi sẽ suy nghĩ khi trở về. Charon nói.

Họ đã đến nơi: lão lái đò đặt linh hồn có mái tóc dài lên bờ cát của cõi chết và trân trọng giữ lại một mẩu, một mảnh, một nguyên tố tế vi.

(A. kéo phong cầm điệu người lái đò

L. bật đèn chiếu, hình Charon một mình trên thuyền hiện lên)

L. (hát)
Người lái đò
Không bao giờ chở một linh hồn
Qua sông hai lần
Người lái đò
Không bao giờ thả neo
Trên cùng một khúc sông
Và trên dòng sông mát dịu
Dưới bầu trời xao động
Không bao giờ hắn mơ
Thấy nụ hôn mặn chát
Mà những người thủy thủ
Tìm thấy trên đại dương bao la

(Phong cầm chơi lại điệu người lái đò. Cuộn tranh quay đến hình ảnh một thành phố bên sông, vẽ theo phong cách thời Phục hưng của Patimir)

A. Thế là vào ngày 2 tháng 5 năm 1519, ở thành phố Gien, ra đời một đứa con trai, con của Catherine, đầy tớ viên thư ký ông luật sư thành phố. Viên thư ký làm bộ không thấy cô đầy tớ gái của mình to bụng. Thế là chị chạy vào rừng, đẻ một mình, rồi đặt đứa trẻ vào một cái giỏ. Sau đấy, không hiểu vì để trả thù hay để trả ơn, chị không đem giỏ đặt trước sân nhà thờ, mà lại đem đặt trước nhà người thư ký ông luật sư, để cho mọi người đều thấy.

L. Thế nhưng trong cái đêm mùa xuân đó, nước sông Loire dâng lên vì tuyết tan, đã tràn qua đê, cuốn cái giỏ theo dòng nước xoáy.

(Phong cầm chơi lại điệu nhạc cũ, hình ảnh đưa ta ra khỏi thành phố, dọc theo sông, đến một cái thuyền mà người lái đò là Charon, nhưng ăn mặc theo kiểu bình dân thế kỷ 16)

A. Sáng sớm ra, ở gần Amboise, ông lão lái đò ngang Colin, người thợ đấu làm công nhật cho lâu đài để đắp lại đê vỡ, đã trông thấy chiếc giỏ.

L. Kìa, đứa bé kia tự nhiên lại tìm đến ta giữa dòng nước xiết này. Đấy là điềm tốt, hãy giữ lấy.

Bé ơi, ta sẽ dạy cho mi lái đò, biết đâu sau này mi sẽ giúp ta hiểu xem cái ông già bác học, bạn của đức vua, đã nói gì. Cái ông già mà người ta vừa chôn hôm qua. Phải rồi, ông ta đi, còn mi thì lại tới, đúng tháng đúng năm!

A. Ông lão khai sinh cho đứa bé, lấy họ của ông là Colin, đặt tên là André. Ngày tháng qua, ông lão nhìn thấy đứa con của sông Loire trao tặng lớn dần bên ông.

(Cuộn hình trình bày một loạt ký họa chân dung trẻ con theo phong cách của Léonard de Vinci)

L. (hát)
Người lái đò
Không bao giờ đi qua
Cùng một khúc sông
Người lái đò
Không bao giờ nhìn thấy
Cùng một khuôn mặt
Người thủy thủ trên sông
Dưới bóng cây lay động
Nhìn lên trên bờ cát
Đám trẻ con đùa giỡn
Chạy trượt suốt cả ngày

A. André Colin lớn lên. Đó là một đứa trẻ mơ mộng, mới tám tuổi đã đỡ đần được ông lão lái đò. Trong khi tì tay trên mái chèo, mắt hắn chìm trong dòng nước.

L. Lên 10 tuổi hắn hỏi có những gì phía bên kia ngọn đèn pha bên sông Loire, chỗ cái tháp đá cao đêm đêm người ta đốt lửa rơm.

A. Một bên là hướng Tây, vùng nước mặn bao la vô tận: bên kia là hướng Đông, một mạng lưới nước ngọt vô tận với những dòng suối mát.

L. Muốn có trí tuệ thì phải bắt đầu từ đâu?

A. Không phải nơi nào cũng tìm thấy trí tuệ như nhau. Phía Tây là nơi những kẻ phiêu lưu điên cuồng ham mê những phát hiện lớn, muốn tìm chốn Bồng lai. Phía Đông là nơi những kẻ muốn tìm biết khởi nguyên của vạn vật đi tới.

(A. kéo phong cầm điệu nhạc dân gian của người Do thái miền Đông châu Âu, trên cuộn hình hiện lên chân dung đứa trẻ có hai mặt)

L. Lên 12 tuổi André Colin tuyên bố đã chán đoạn đường đi mãi từ bờ trái sang bờ phải sông Amboise. và hắn muốn biết ngọn nguồn của vạn vật.

A. Ông lão lái đò không ngạc nhiên: dù sao sự xuất hiện của đứa bé vẫn là một điều bí ẩn, và bây giờ càng lớn lên, hắn càng có một cái nhìn kỳ lạ, mỗi khi hắn xem những bức tranh của ông già người Ý treo trong lâu đài, mà đôi khi hắn được theo cha vào. Hắn bị cuốn hút vào hình nọ hình kia, cứ như bị hòa vào.

(Trở lại điệu dân ca Do thái, cuộn tranh mở đến hình cận cảnh một chàng trai trầm tư)

L. Lên 13 tuổi Colin ôm hôn cha và tuyên bố ra đi. Hướng về phía Đông.

A. Hãy đi đi, ông lão nói. Vì con đã đi ngược dòng thì hãy dừng lại ở Gien, tìm thăm Catherine, cô em họ của cha. Nói với cô là cha bảo con đến, cô sẽ có những lời khuyên tốt lành. Cha rất buồn vì không có tiền cho con, nhưng chớ quên rằng cha đã cho con một cái nghề, đừng quên rằng con làm nghề lái đò!...

L. Rồi một buổi sáng tháng năm, 1532. André Colin chèo thuyền đi ngược dòng...

(Nhạc "người lái đò". Hình ảnh: khuôn mặt rời xa, dòng sông xuất hiện, một người lái đò đi xa dần)


L. (hát)
Người lái đò
Không bao giờ gõ
Cùng một nhịp chèo
Người lái đò
Không bao giờ hát
Cùng một điệp khúc
Và giọng ca ấm áp
Làm mọi vật lay động
Khi con người chìm vào
Những giấc mơ vĩnh cửu

A. Đến Gien hắn dừng lại, hỏi thăm Catherine. Ai cũng quay mặt đi lo sợ, không dám trả lời. Cuối cùng hắn dò hỏi được rằng ngày mai Catherine sẽ bị đem thiêu sống.

(Hình ảnh một phiên tòa xử người dị giáo hiện lên)

L. Tại sao? Chị ta làm gì?

A. (từ phía trong trả lời)

Chị ta ẩn trong rừng, tìm cây cỏ làm thuốc, phá thai cho những cô gái bị hãm hiếp. Và thế là mười ba năm trời, ông chủ chị ta, viên thư ký luật sư, bị bệnh đau dạ dày hành hạ khôn nguôi và không bao giờ phạm một tội lỗi nào, lại chính là người đã tố giác chị là phù thủy. Ngày mai chị sẽ bị thiêu sống, còn bây giờ thì đang bị tra vấn.

L. Tra vấn cái gì?

A. Hãy tìm đến chị ta mà hỏi.

(Nhạc rít lên, màn đỏ giữa sân khấu kéo lên hiện ra một khu vườn, ở giữa có một cái mặt nạ bằng sắt)

L. Cháu thay mặt ông lái đò ở Amboise đến chào cô. Cháu tên là André Colin, con nuôi ông lái đò. Tại sao người ta bảo cô là phù thủy? Tại sao cô bị thương như vậy? Và câu hỏi người ta tra vấn là gì?

A. (bước ra giữa sân khấu, phong cầm mở trên tay im lặng. Nói với khán giả)

Người ta bảo tôi là phù thủy, vì tôi là đàn bà, và vì vậy mà tôi biết được những điều mà quý ông không biết. Tôi bị thương tổn vì những câu hỏi của họ dày vò tôi. Còn câu hỏi... tôi nghĩ không có đủ lời để nhắc lại những câu hỏi đó. Nhưng người anh họ ở Amboise đã bảo cháu đến tìm cô, như vậy là ông nghĩ rằng cô có thể giúp cháu. Cháu còn hỏi gì nữa không?

L. Có. Cháu muốn biết cháu từ đâu tới.

A. Từ đâu tới ư? Thì chính cháu là con của một người đàn bà.

L. Vâng, nhưng người nào?

A. A! Cháu không biết à? Vậy thì cháu là con của Chúa. Hãy nhìn ta, lại gần đây...

L. Vâng, được. Nhưng con của Chúa là cái gì?

A. Con của Chúa ư? Ờ, đấy chỉ là một cách nói, một hình ảnh.... Hãy lại gần hơn nữa. André, hãy để cô sờ lên người cháu....

L. Con của Chúa, đúng chỉ là một hình ảnh! Ồ, cháu không bao giờ nghĩ tới. Cô Catherine, có thật là người ta sắp thiêu sống cô không?

A. André, cầm cuốn sách này, nó sẽ bị đốt cháy cùng ta. Hãy giữ lấy và đưa cho những kẻ mà người ta đã buộc tội ta chứa chấp, những kẻ mà Isabelle đã xua đuổi khỏi Tây-ban-nha. Người ta thiêu sống họ nhiều lắm, họ chạy trốn về phương Đông, đôi khi đi bằng thuyền. Đưa cho họ cuốn sách này kèm lời chào của Catherine, họ sẽ tiếp cháu như là con của ta... (Hình ảnh một ngọn lửa thiêu hiện lên giữa sân khấu)

A. André Colin lại đi, anh dày dạn lên. Kỷ niệm về Catherine không rời anh, dọc theo những con kênh. Anh tiếp tục lên đường, chèo thuyền đến nước Ý... Những giàn lửa thiêu chiếu sáng đường đi.

L. (hát)
Người lái đò
Không bao giờ tránh được hai lần
Cùng một khúc sông
Người lái đò
Không bao giờ cắm sào
Trên một bến bờ
Nhưng ánh sáng dịu hiền
Dưới bóng cây lay động
Nói với anh rằng
Thời gian đã mở rộng
Những lòng sông
Thác ghềnh như lắng lại
Mở đường về đại dương bao la.

(hình ảnh dừng lại ở một người lái đò do Carpaccio vẽ, gặp người lái đò André Colin trên chiếc thuyền Amboise)

A. André Colin đã 15 tuổi, khi đến nơi. Anh là lái đò, và tìm được việc làm ngay. Anh tìm con đường Kabbalistes không khó lắm: một buổi sáng anh gõ lên cửa sổ một ngôi nhà trong khu phố Do Thái.

(A. chơi nhạc dân gian Do Thái. L. đưa hình ảnh đến một ngôi nhà nghèo nàn)

A. Ông lão thông thái có nhà, ông mở cửa sổ, nhìn đứa bé và mời vào.

A. André neo thuyền, bước xuống đất và rụt rè vào nhà.

L. Cháu thay mặt cô Catherine ở Gien đưa đến cho cụ cuốn sách này. Cô đã cho cháu biết cháu là ai, cháu chỉ là một đứa con của Chúa. Bây giờ cháu muốn biết tại sao cha cháu lại rất buồn vì không có tiền cho cháu. Vậy tiền là cái gì?

A. Ông lão cầm cuốn sách, lặng lẽ xem xét và lại gần André.

(A, bật đèn chiếu, một chiếc cửa sổ phụ được chiếu lên hình ngôi nhà).

A. Hãy nhìn qua cửa sổ này và nói cho ta biết cháu thấy những gì.

L. Ồ, cháu thấy trời và nước, cháu thấy thuyền của cháu, những đứa trẻ nô đùa, và một bà rất đẹp dạo chơi.... cháu thấy thế giới, còn gì nữa!

(L. mở cuộn hình đến khi hiện ra một kỹ nữ Venise choán hết khung. Bà đang soi mình trong một cái gương cầm tay).

A. Nhưng nếu bây giờ ta bỏ một đồng tiền lên ô cửa kính đó, hãy nhìn lại và nói cho ta biết cháu thấy những gì?

(L. cúi xuống nhìn vào ống kính đèn chiếu)

L. Ôi! Cháu không thấy gì nữa! Hay đúng hơn là thấy hình bóng cháu! (L. đứng dậy và lùi xa, hình anh hiện lên trên khung cửa sổ)

A. Thấy chưa, chỉ cần một ít tiền là cháu không nhìn thấy thế giới nữa, và chỉ còn lo cho mình cháu thôi: đấy, tiền là như vậy!

L. Ồ, André nói, cháu không bao giờ nghĩ tới! Cháu có thể ở lại cùng ông ít lâu không? Cháu còn nhiều câu hỏi lắm!

A. Ông lão thông thái phải đi về phía Đông ngày mai, có những dàn lửa thiêu đang được chuẩn bị. Ông bảo André cùng đi. Và André quay lại thuyền.

(Nhạc dân gian Do Thái. L. quay tay quay, hình ảnh chuyển dịch, cảnh đầm phá rồi cảnh biển cả xuất hiện).

A. Cho đến Trieste. André vẫn cầm lái. Đầu óc anh đầy câu hỏi, nhưng suốt dọc đường ông lão thông thái không nói một câu.

L. Cứ như chỉ có mình ông trên thuyền.

Tại sao ông quay lưng lại?

Có thể ông không biết suy nghĩ, khi ông còn mãi nhìn chăng?

A. (chơi lại bài "Người lái đò"

Người lái đò
Không bao giờ lấy khách
Hai lần trên một bến
Người lái đò
Không bao giờ tắm mình
Hai lần trên một dòng
Nhưng khi sông cuộn sóng
Dưới dòng đời trôi chảy
Sông Rhone hay sông Loire
Mãi mãi là Jourdain
Achéron vô tận

(Tranh cuộn dừng lại trước một cảnh hoàng hôn)

A. Họ vượt qua núi Alpes và tiến sâu về phía Đông. Ngày, tháng, năm trôi qua cho đến một hai thế kỷ trôi qua.

(Băng nhạc Concerto cho kèn clarinet của Mozart. Hình ảnh bầu trời đầy sao chiếu lên màn hậu. Rồi xuất hiện một bản đồ bầu trời cổ có các ký hiệu chiêm tinh)

A. Khi hai người đến sông Danube thì đã vào năm 1780. Ánh sáng đã thay đổi, khi thì ánh sáng của dàn lửa thiêu ngày xưa, khi thì là những ánh sáng mới.

(Trên màn hậu những dòng chữ Latinh và Do thái nổi lên trên bầu trời sao). Nhạc Mozart. Một mặt trời hiện lên choán cả màn ảnh)

A. Trên sân khấu vào những năm đó người ta diễn tích ông Figaro cưới vợ, ông Nathan tu chí, và Dom Juan thì bị nguyền rủa... André Colin không đi nhà hát, anh đã 20 tuổi, anh đã biết anh là ai… 

L. (ngắt lời A)

Vâng, đồng ý, tôi là con của Chúa. Nhưng Chúa là ai?

A. Chúa ư?.... Chúa là người lên giây đồng hồ mặt trời, một nhà triết học trẻ từng nói vậy (G.C.Lichtenberg 1742-1799)

L. Tôi chưa bao giờ nghĩ thế!

A. Vậy thì, André Colin biết mình là ai. Chúa là ai, và nhờ nhà triết học đó, anh biết đấy là một câu hỏi khôn ngoan. Anh cũng không quên tiền bạc là cái gì: anh sống bằng nghề chèo thuyền từ Vienne đến Bratislava....

(Hình chiếu biến mặt trời thành trăng lưỡi liềm. Nhạc dân ca Do Thái. Một thành phố xuất hiện với những cửa sổ, những ngôi sao đêm tắt dần)

L. Ở Bratislava ông lão thông thái của thành phố Venise đến trú tại nhà người cháu, một nhạc sĩ đàn rong cho các đám khiêu vũ.

(A. chơi bài dân ca Do Thái, L. quay cuộn hình, một thành phố bên sông xuất hiện)

A. Chèo thuyền qua lại giữa hai bờ của hai thế giới khép kín, André để mắt quan sát, nghe ngóng. Cả hai thế giới đều đặt một câu hỏi, khiến lòng André nung nấu. Với tâm hồn sôi nổi đó, một hôm anh thổ lộ với ông già.

L. Cháu nghĩ cháu đã đủ lớn để biết tình yêu là cái gì! Mỗi lần cháu bắt gặp đôi mắt cô Nóemi trên chuyến đò qua sông ngày thứ năm, cháu thấy đỏ mặt, không dám bắt chuyện....

A. Anh hãy còn trẻ, André ạ! Ông lão thông thái nói. Hãy đến nói chuyện với cô ta đi! Đừng quên rằng trên thế gian này các cô gái chỉ quan tâm có ba điều thôi: Tình yêu, gia đình và Triết lý.

L. (đứng dậy)

Tình yêu, gia đình, triết lý! Cháu chưa hề nghĩ tới!

(nói với A) Và thứ năm sau, André đỏ mặt, chậm tay chèo.

- Cô Nóemi.

L. (nói một mình) Tình yêu.

(với A) - cô Nóemi, cô có thích ăn cá không?

A. Không

L. (nói một mình) Tình yêu không xong rồi. Được: Gia đình (với A) - Cô Nóemi, cô có anh em không?

A. Không

L. (nói một mình) Gia đình, không xong rồi. Được - Triết lý (với A) - Cô Nóemi.... Nếu cô có người anh trai, không biết anh ta có thích ăn cá không?

A. A, phải! Tôi chắc rằng anh sẽ thích cá!

L. Triết lý thật là tuyệt vời!

(Cuộn hình quay xuất hiện một nghĩa trang tại thành phố)

A. André Colin chèo chậm hơn nữa, và Nóemi ngả đầu lên vai anh. Chàng trai đến cám ơn ông già và giới thiệu người yêu của mình.

L. Bây giờ cháu muốn biết điều chia cách mãi mãi cháu với Nóemi là cái gì: cháu muốn biết cái chết.

A. Cháu muốn biết cả cái đó à? Vậy thì phải tìm nơi khác, chết là cái gì: vì ta cũng đang cảm thấy cái chết đến gần, và không thể nói rõ ràng với cháu được.

A. (đến ngồi trên bục)

Hãy đến hỏi ông bạn Bounam của ta ở quá về phía Đông. Ông ấy làm nghề như cháu: ông chở củi trên sông Vistule. Cứ thong thả, cháu còn trẻ, và ông ta cũng vậy. Có rất nhiều nhánh sông đưa cháu từ Danube đến sông Vistule. Khi lên đường, ta cho con một câu hỏi, hãy hôn ta và nghe thấy đây: "Cứ mãi tìm nó sống, tìm thấy rồi thì nó chết". Và anh chèo thuyền ra đi, Nóemi theo bên cạnh.

L. Cháu sẽ vừa đi vừa nghĩ. André nói. Và anh chèo thuyền ra đi. Nóemi theo bên cạnh.

A. Cầu cho chúng sống 120 tuổi! Ông lão nói và đóng cửa sổ lại.

Người lái đò
Không bao giờ hai lần
Đặt cùng một câu hỏi
Người lái đò
Không bao giờ hai lần
Nhận cùng một câu trả lời
Và trên làn da mịn
Của người yêu
Không bao giờ hôn hai lần
Cùng một chỗ
Anh thắt một cái nút
Trên sợi dây thời gian
Tình yêu ru ngủ

(Hình cuộn: Bầu trời nặng chĩu ở xa xa)

L. Cứ mãi tìm thì nó sống, tìm thấy rồi thì nó chết.

A. André đi tìm hai mươi năm trôi qua. Anh đã xấp xỉ tuổi ba mươi khi đặt chân đến Ba Lan. Phải chăng đây là Ba Lan? hay là xứ Galixi, Bôhêm, Môravi hay nước Nga? Dù sao lúc này vẫn là thế kỷ ánh sáng, đôi khi bị lu mờ vì những giàn lửa thiêu. Nhìn những giàn lửa đó, nhớ lại Catherine, được biết người ta đã chọc cổ ông già thông thái ở Bratislava, André hiểu ngay, và tự nhiên anh biết thế nào là cái chết. Anh có một cảm giác căng thẳng khi đến gặp Bounam, nhà thông thái ở Pxitke (một trong ba nhà thông thái Do Thái cuối thế kỷ 18)

L. Vậy thì thế giới này là cái gì? Tôi biết tôi là ai, tôi biết Chúa là ai, tôi biết tiền bạc, tình yêu, triết lý là cái gì. Tôi biết cái giàu có của sách vở. Nói thật ra tất cả những cái đó không có nghĩa lý gì so với thực tế, vậy trí nhớ là cái gì?

A. Hỏi được đấy, Bounam - nói. Nhưng tế nhị làm sao! Tuy nhiên ta có thể soi sáng cho ngươi. Ngồi xuống! Ngươi còn phải học nhiều. Hãy đến với ta, đến nhìn thế giới, rồi ngươi sẽ hiểu.

A. Khi ông lão thông thái cảm thấy thảm họa đang đến với dân mình, ông thường đến một nơi trong rừng, đốt một đống lửa, rồi đọc lời cầu nguyện. Thế là điều mầu nhiệm hiện ra, thảm họa lùi xa, chỉ còn vương lại một ít tro tàn và vài lời nói, chìm dần vào quên lãng.

Về sau, khi đến lượt môn đồ của ông cầu xin Thượng đế vì những lý do trên, họ đến khu rừng cũ và nói: "Hỡi chúa tể của muôn loài, xin người hãy nghe! Con không biết đốt lửa, nhưng con nhớ lời cầu nguyện. Như vậy có được không?"

Và người ta nói làm như vậy cũng đủ, phép mầu vẫn hiện, thảm họa lùi xa, chỉ để lại một ít lửa và lời nói chìm trong quên lãng.

Về sau nữa, khi môn đồ của các môn đồ ông cần đẩy lùi thảm họa đến với dân, họ cũng đến khu rừng đó và nói: "Hỡi Thượng đế, con quên lời khấn nguyện rồi, nhưng người thấy con vẫn còn nhớ địa điểm chính xác trong rừng. Như vậy có được không?

Và người ta nói như vậy cũng đủ, phép mầu vẫn hiện và thảm họa bị đẩy lùi, chỉ để lại một ít giàn củi và vài câu chuyện chìm dần vào quên lãng.

Rồi đến những thế hệ về sau, môn đồ của môn đồ của môn đồ vẫn còn phải cứu dân, lúc đó, họ ngồi trên ghế bành, hai tay ôm đầu, rồi nói với Chúa: "Thượng đế hãy nghe đây, tôi không biết đốt lửa như thế nào, quên hết cả lời khấn nguyện, và cũng không thể tìm ra địa điểm trong rừng. Tất cả những gì tôi có thể làm, là kể lại chuyện này... Mà có lé, có lẽ như thế cũng được chứ?

Người ta nói trong một thời gian dài, làm vậy cũng đủ, rằng lời nói và tro tàn đã bao bọc trí nhớ và quên lãng.

Nếu như ngày nay làm vậy cũng đủ, thì lịch sử không nhắc đến.

A. Thế là André chở gỗ trên sông Vislule cùng với Bounam. Ngày tháng năm trôi qua như những súc gỗ, như những thân cây phong mà André thả xuôi về Dantzig.

L.
Người lái đò
Không bao giờ hai lần
Nhắc lại một câu
Người lái đò
Không bao giờ hai lần
Im lặng không nói
Nước ngầm chảy dưới băng
Trong xanh dịu ngọt
Nhưng dưới bầu trời nặng trĩu
Gió lạnh kéo dài
Khiến không ai dám tắm mình
Trong ánh mặt trời hy vọng.

(Hình đoàn người tị nạn đi trên tuyết hiện ra cùng với bài hát)

A. Mỗi năm hai lần, anh tìm lại nụ cười của Noémi trong ngôi nhà gần rừng phong. Bounam đã chết từ lâu. Anh chỉ còn biết hỏi Noémi.

L. Tại sao người ta bảo tôi bất công? Vậy công lý là cái gì, em, em có biết không. Noémi?

A. Còn châu Mỹ, André, anh có biết châu Mỹ là gì không?

L. Châu Mỹ có liên quan gì với công lý không?

(A. điều khiển màn chiếu đèn, màn mở hiện ra một chiếc tàu vượt biển, L. ngồi trên bục nghe A nói). A, tỉnh dậy đi André! Chúng ta đang ở vào năm 1924! Anh không học được gì ở Dantzig ư? Anh không thấy trên bến cảng có hàng triệu người đang di cư sang phía Tây sao, họ xuống tàu sang Châu Mỹ. Anh quả thật là một thủy thủ trên sông André ạ.

L. Sông là ngọn nguồn của mọi vật. Còn công lý. Nó nằm ở đâu?

A. Ở Châu Mỹ, khi tìm được chỗ trú ngụ, người thì ở lại, kẻ thì trở về: để tìm một người mẹ, để hôn một người cha, để chết ở nhà mình. Có người trở về vì đã thành đạt, có kẻ về vì chịu thất bại. Một hôm có người trở về, anh đã giàu có, muốn tìm vợ đưa sang sống tại Boston. Trên bến tàu, anh gặp người bạn học cũ, nhìn mặt thì biết hắn ta vẫn nghèo. Anh tránh mặt. Ngày thứ ba, anh ốm nặng, thầy thuốc bảo anh khó qua khỏi. Anh cho tìm người bạn nghèo nói rằng: "Nghe đây, tôi sắp chết. Chỉ có anh mới biết tôi là ai, tôi từ đâu đến, tôi đi về đâu... Anh hãy giúp tôi cầm chiếc vali này. Có mười nghìn đô la ở trong, đưa về cho vợ tôi và kể cho bà ta biết tôi đã ước mơ hộ bà ta những gì trong những ngày ở Boston. Chỉ có anh mới làm được sứ mạng đó, mà anh thì nghèo. Vậy thì với tất cả số tiền này, hãy trao cho vợ tôi những gì anh muốn, còn thì anh giữ lại". Nói xong anh ta chết. Anh bạn nghèo trở về Dantzig, tìm người vợ bạn rất lâu, cuối cùng cũng thấy, mở chiếc vali ra nói với chị ta:

L. Đây này, chồng chị chết rồi, ông bảo tôi đem về cho chị chiếc vali này. Anh bảo tôi hãy đưa cho chị những gì tôi muốn, còn thì giữ lại.

Vậy thì đây này: Một ngàn đô la. Nhiều rồi chứ, với một ngàn đô la chị có thể đi đến Boston.

A. Sao! Một nghìn đô của tôi, và chín nghìn đô của anh. Thật là bất công! Chính tôi mới là người thừa kế.

L. Không, không bất công tí nào cả. Tôi trung thành với bạn, vì thế tôi mới đi tìm chị. Tôi trung thành với lời dặn, vì chính anh ấy nói "hãy đưa những gì tôi muốn, còn thì giữ lại". Chị không thấy rằng tôi có thể giữ cả va li và chị sẽ không bao giờ biết đến số tiền đó sao?

A. Thế là họ cãi nhau, cãi nhau, và không đi đến thỏa thuận. Họ tìm đến ông giáo sĩ. Giáo sĩ nghe hai người trình bày và hỏi người đàn ông: "Anh có thể nhắc lại chính xác lời người chết không?"

L. Có, anh ấy nói với tôi: "Đưa những gì anh muốn, còn thì giữ lại".

A. À! "Đưa những gì anh muốn, còn thì giữ lại". Đúng vậy phải không? Này, hãy nói cho ta biết, cái mà anh muốn lúc này là chín ngàn đô la phải không? Có đúng thế không?

Vậy thì hãy tôn trọng lời người chết: hãy cho cái... mà anh muốn, và giữ cái còn lại...

L. Ôi! Tôi không hề nghĩ tới!

A. Bây giờ thì anh hiểu thế nào là công lý rồi chứ?

L. Vâng, công lý là một chuyện kỳ quặc! André nói và tiếp tục chở gỗ trên sông. Này, chính Noémi là người ta phải nhờ giải đáp câu hỏi kia "Cứ tìm thì nó sống, tìm thấy rồi thì nó chết".

Ồ, ta sẽ hỏi khi trở về, lúc đó là mùa xuân, con của ta sẽ ra đời.

A. Nhưng sông Vistule bị đóng băng, và cuộc hành trình của anh kéo dài hơn dự kiến.

1492, 1924, 1942: hễ André Colin định trở về thì con số lại chuyển dịch, thì con số lại di động...

Khi trở về được thì anh mới biết người ta đã giết Noémi trong khu rừng phong. Những người khác, hầu hết những người khác đều bị thiêu trên những giàn lửa mới, hiện đại, hiệu quả gấp triệu lần.

Người này nói với người kia mà không hề nghe thấy. Những người này có mắt mà không nhìn thấy. Người ta nói mà không có ai trả lời. Người ta thét vào tai để cầu xin người điếc.

Một số người thoát nạn phải tản mác khắp bốn phương trời, phía đông, phía tây, phía nam, phía bắc. Họ ở lại nước này, họ lại ra đi từ nước nọ... (Hình ảnh những người di cư biến thành những bầy chim, hiện to dần trên màn ảnh)

L. (hát bài ca "Tên của các cư dân")

A. Cái chết của Noémi khiến cho André biết thế nào là nổi loạn.

L. Nếu cái đó giúp cho ta thấy ánh sáng, nếu cái đó giúp cho ta trở thành thông thái, giúp cho ta biết Chúa là ai, nếu giàn lửa thiêu Catherine chỉ phủ lên đám tro tàn của Noémi, vậy thì ta không cần biết gì nữa! Ta tưởng rằng ta không hề biết một cái gì cả.

A. André Colin đã có vài sợi tóc bạc. Anh tiếp tục lên đường đi về phía đông.

L. (hát tiếp bài ca "Tên của các cư dân")

A. Anh tiếp tục lên đường, đi mãi về phía đông. Tóc anh đã bạc, anh mãi đi tìm trí tuệ. Anh biết đến phương Đông, nơi mặt trời mọc. Anh đã thấm mệt, đâu đâu anh cũng gặp những câu hỏi như nhau, đâu đâu con người cũng như vậy. Anh cảm thấy hy vọng, rồi lại thất vọng, tìm thấy sầu tư và sung sướng, ở nơi này hay nơi kia...

L. Một người dân Paris, là một người Paris, một người dân Hy-lạp là người Hy-lạp, một người dân ở Vinci, là một Léonard. Nhưng một người dân Huế, gọi tên họ là gì?

Người lái đò
Không bao giờ tắm hai lần
Trên cùng một dòng sông
Một dòng sông
Không bao giờ chở hai lần
Một người lái đò
Nhưng mỗi chuyến đò ngang
Những vầng trăng mới
Vẫn ánh sáng đó
Soi sáng màn đêm
Rồi trên dòng sông có hương tỏa ngát
Một con người
Thấy mình trọn vẹn.

No comments: