Wednesday, December 16, 2015

Quyền lực Nghệ thuật và Nghệ thuật Quyền lực

Đây là bức tranh “Lời thề của nhà Horatii”, do danh họa Pháp Jacques-Louis David (1748-1825) vẽ năm 1784 – cao 3,3 mét, rộng 4,25 mét, theo lệnh chỉ đặt hàng của vua Louis XVI.


Người cha đang trao gươm cho ba con trai ruột của mình. Người anh cả quàng tay ôm chặt sườn một người em. Những hình ảnh biểu tượng của lời thề “quyết tử”. Câu chuyện được truyền tụng thừ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Lúc đó, hai thành bang Rome (La Mã) và Alba đang lún sâu vào một cuộc chiến đối đầu kéo dài, và cùng thỏa thuận sẽ phải kết thúc với một giải pháp đặc biệt. Mỗi bên sẽ chọn ra ba công dân vô địch của mình cho một cuộc tỉ thí một mất một còn. Người cuối cùng sống sót sẽ mang lại chiến thắng cho thành bang của mình. Rome chọn ba anh em nhà Horatii. Alba chọn ba anh em nhà Curatii. Bi kịch là ở chỗ: Một cô con gái của nhà Curatii đang làm dâu trong gia đình Horatii, đã sinh hai con trai trong gia đình này; và cô gái út của nhà Horatii thì đã hứa hôn và sắp về làm dâu trong nhà Curatii. Bi kịch kiểu này thì người Việt Nam mình đã biết quá rõ trong những cuộc nồi da nấu thịt từ thời Trịnh-Nguyễn đến thời Cộng sản-Quốc gia vừa rồi.

Trong những phác thảo của David, có một bố cục diễn tả một thời khắc muộn hơn của câu chuyện giao đấu này. Đó là khi người con chiến thắng của nhà Horatii trở về, thấy em gái mình khóc than vì cái chết của hôn phu bên gia đình Curatii, thì kết tội em là “phản quốc” vì đã dám thương xót kẻ thù, và rút gươm chém chết em gái mình ngay lúc ấy. Thành La Mã coi đó là hành động sát nhân dã man, đưa anh con trai ra tòa định xử trảm, thì người cha lại đứng ra bảo vệ con với một bài diễn văn hùng hồn về lòng yêu nước và nghĩa vụ tối thượng của công dân; khiến cho người con được miễn tội. Bức phác thảo vẽ xác cô em gái nằm dưới đất, và người cha đứng diễn thuyết, che chắn cho con trai. Không biết vua Louis XVI có can thiệp vào quá trình sáng tác này hay không, mà David cuối cùng lại chọn cảnh bố trao gươm cho các con đi “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Trong bức tranh, ông bố tay trần nắm các lưỡi gươm cũng để trần, khoác áo choàng màu máu. Ba người con trai gân guốc căng tràn khí thế vươn tay đón nhận nhiệm vụ công dân. Người đàn bà ngồi trên ghế phủ vải màu máu phai là Sabina, con dâu trưởng nhà Horatii, biết rằng mình sẽ mất chồng, hoặc mất anh ruột. Cô gái mặc đồ trắng là Camilla, con gái út trong nhà, biết rằng mình có thể mất hết các anh, hoặc mất người chồng sắp cưới. Phía sau, bà mẹ đang vỗ về hai đứa cháu nội, một đứa rõ ra là con trai, thì đang nhìn cảnh tượng bố và hai chú đón nhận lời thề của gia đình. Người xem biết chuyện chắc sẽ phải nghĩ: sau này rồi đứa con trai ấy có thể sẽ lại hăng hái hiến mạng sống của nó cho “tổ quốc quyết sinh”.

Lịch sử hội họa coi đây là tác phẩm mở đầu cho trường phái tân cổ điển, là bức tranh mang ý nghĩa “đạo đức xã hội” đầu tiên, vượt ra khỏi hội họa tuyên truyền cải đạo của nhà thờ, để sang giai đoạn hội họa tuyên truyền của nhà nước. Có lẽ Louis XVI muốn David khởi sự đưa hội họa thoát khỏi vũng lầy lạc thú đang thống lãnh châu Âu lúc bấy giờ, với hy vọng giáo dục lòng trung thành và lý tưởng hy sinh anh hùng cho cả triều đình và thần dân của mình. Nhà vua có biết đâu rằng chỉ 5 năm sau đó, cuộc cách mạng Pháp đã thay thế khái niệm “thần dân” bằng khái niệm “công dân” vốn là nền tảng của tấn bi kịch Horatii, để rồi cuối cùng bị những “công dân” của nước Cộng hòa Pháp lôi ra chặt đầu ngay giữa Paris.

Chắc chắn là vợ chồng nhà vua và rất nhiều người khác từng bảo trợ cho David cũng không ngờ rằng nhà họa sỹ này sẽ trở thành một thành viên Jacobin đắc lực của cách mạng, ký tên mình vào những lệnh chỉ hành quyết hàng ngàn người bị cách mạng liệt vào loại “phản động”, trong đó có cả nhà vua, hoàng hậu, và nhà hóa học danh tiếng Antoine-Lauent Lavoisier, những người đã từng bảo trợ cho David, đã tạo điều kiện để một đứa trẻ mồ côi cha có thể trở thành một họa sỹ danh tiếng. Lavoisier còn như một người bạn, đã cho cả vợ mình đến học vẽ với David, và trả những 7000 livres, một cái giá cực kỳ cao, để David vẽ bức chân dung hai vợ chồng mình trong năm 1788, nghĩa là chỉ một năm sau là nổ ra cách mạng. Chắc vì vợ từng là học trò yêu, nên David thuyết phục ủy ban cách mạng chỉ chém đầu chồng thôi, còn tha cho vợ. Còn khi hoàng hậu Marie-Antoinette bị dẫn ra máy chém, David còn đứng nhìn và ký họa hình ảnh người đàn bà từng là ân nhân của mình. Ai đã sống qua thời cách mạng thì chắc chả lạ gì những chuyện như thế này.

Bức tranh vẽ vợ chồng Lavoisier (cao gần 2,6 mét) nay được lưu giữ ở Metropolitan Museum of Art, New York.




Còn ký họa bút mực vẽ hoàng hậu bị dẫn ra pháp trường năm 1793 thì nay vẫn còn trong Thư viện Quốc gia ở Paris:


David tận tụy phục vụ Cách mạng, từ vẽ kiểu phù hiệu cho đến vẽ tranh truyên truyền. Khi Michel Lepelletier, một phần tử bạo lực cực đoạn nhất của cách mạng, người đã cương quyết đòi phải xử trảm nhà vua, bị một cựu sỹ quan bảo hoàng giết chết khi đang uống cà phê trong hoàng cung, David có nhiệm vụ tạo dựng hình ảnh tử vì đạo cho nhân vật khát máu nhưng lại xuất thân quý tộc này. Nhà họa sỹ đã biến con người có hình thức cũng như tâm tính xấu xí nổi tiếng ấy thành một thần tượng cổ điển đẹp đẽ trong tranh, nằm dưới lưỡi gươm treo bằng một sợi tóc trong điển tích Damocles, khiến cho Lepelletier trở thành biểu tượng của quyền lực chính nghĩa chấp nhận mọi hiểm nguy trong nghĩa vụ của mình. Bức tranh gốc đã không còn, nhưng ta vẫn có thể thấy vẻ đẹp cao trọng của nó qua một bức họa đi nét của Anatole Desvoges, vẽ bức tranh gốc năm 1793, bây giờ lưu giữ ở bảo tàng mỹ thuật Dijon:


Nhưng có lẽ đỉnh điểm phục vụ cách mạng của David phải là bức tranh vẽ năm 1793 – ngay giữa thời kỳ tàn bạo nhất của cách mạng Pháp, khi phái cực tả do Robespiere và Marat cầm đầu “kéo lê máy chém” đi khắp nơi để chặt đầu những người không theo đường lối cực đoan của mình. Marat lúc ấy nắm việc tuyên truyền, làm chủ bút một tờ báo, và có chân trong ủy ban an ninh của cách mạng, ký lệnh bắt, giết hàng ngày. Sự tàn bạo của Marat khiến cho chính quyền cách mạng cũng phải hoảng. Ngay khi không thể đi ra ngoài được vì căn bệnh da khủng khiếp buộc anh ta phải ngâm mình suốt ngày trong một bồn dung dịch thuốc, Marat vẫn viết báo và ký lệnh hành quyết, với an ninh nghiêm ngặt không cho người lạ nào ra vào nhà. Rồi Marat bị một cô gái giết chết ngay trong bồn thuốc của mình, bằng một nhát dao thấu tim. Cô gái ấy bị chính quyền cách mạng chém đầu, để rồi sau này được vinh danh là một nữ thần ám sát đã cứu nước Pháp khỏi thảm họa tàn bạo của cách mạng. Chuyện ấy chắc phải kể riêng. David trở thành bạn thân của Marat trong cách mạng. Một ngày trước khi Marat bị ám sát, David còn đến thăm tận nhà. Ngay sau Marat bị giết, David được chính quyền cách mạng trao nhiệm vụ phải tạo một hình tượng Marat như một thánh tích của chính thể Cộng hòa mà cách mạng vừa khai sinh.

Ta hãy xem bức tranh, rồi xem nó đã được một giáo sư lịch sử mỹ thuật đại học Columbia nhận xét như thế nào:


“Đó là thách thức lớn nhất đối với David – cái hình tượng thánh tích này phải thành công ở cả hai phương diện tiềm tàng mâu thuẫn nhau. Nó phải vỗ về, an ủi, nhưng cũng phải kích động và hứng khởi. Nghĩa vụ đầu tiên của David là biến Marat thành một vị anh hùng kiểu như trong thánh kinh nhưng theo phong cách tân cổ điển; một nhân vật có gương mặt và hình thể lý tưởng nhất của nhân tính nhờ chứa đựng sức mạnh thuần khiết của phẩm giá nội tại. Cho nên, tất nhiên, David phải tắm rửa cho nhân vật của mình còn kỹ lưỡng hơn cả để khâm liệm. Da thịt Marat trong tranh trông như đá hoa cương bất hoại – như thân thể của chúa Jesus, một Pieta (hình tượng Mẹ đồng trinh Maria khóc trên tử thi của Jesus) của chính thể Cộng hòa, với sắc tái trắng tương phản dữ dội với màu máu đỏ sẫm của dung dịch trong bồn tắm. Rõ ràng David đã nghĩ rất kỹ khi bố cục tư thế ngả đầu của Marat để các đặc điểm được lộ diện ở góc độ đẹp mắt nhất. Những thực tại sống sượng được che dấu rất khéo. Bệnh psoriasis (vẩy nến?) khủng khiếp của Marat chỉ được hiện diện với một chút mẩn đỏ trên cánh tay, và nhát dao rạch nát ngực chỉ còn là một vết thủng nhỏ hẹp, kiểu như những vết thương vẫn vẽ ở bên sườn của chúa Jesus.

Nhưng đồng thời bức tranh cũng phải hoành tráng và trở thành tư liệu lịch sử. Như David đã phát biểu trong buổi ra mắt bức tranh, khi dựng tác phẩm này, ông thấy “những người mẹ, trẻ mồ côi, phụ nữ góa bụa, những người lính… tất cả những người đã được ông (Marat) bảo vệ bằng cả mạng sống của mình, sẽ đều có mặt…” Điều hệ trọng nhất là tất cả mọi người theo cách mạng khi xem bức tranh đều có thể nhận biết được câu chuyện về Marat cũng như hành động ám sát tàn bạo kia, phải “thấy cả cây bút của ông, nỗi kinh hoàng của những kẻ phản quốc, rơi ra từ bàn tay ông”. David đã kết hợp việc mô tả một ý tưởng với việc biên niên một sự kiện, cố gắng hòa hợp hai quan điểm đối kháng về nghệ thuật đã có từ thời cổ đại: ghi chép thực tại và gợi hứng lý tưởng. Nghệ thuật cách mạng chân chính nhất định phải làm được việc này. David muốn rao giảng thực tại cho dân chúng, đồng thời dẫn họ tới những lý tưởng cao quý của nền cộng hòa: tự do, bình đẳng, bác ái. Và David đã quen thuộc các chi tiết thực tại trong cái chết của Marat – chiếc bồn tắm, cái bàn viết, cây bút lông ngỗng… David cũng cắt tỉa mọi nhân vật không cần thiết của bức tranh, biến tấu các chi tiết để nêu bật những tương phản thiện/ác, sáng/tối. Con dao đã đâm chết Marat có cán gỗ đen trở thành dao cán ngà voi, làm cho những giọt máu quanh đó sáng bừng lên.

Và rồi, với bản tính luôn tái tạo lịch sử theo tinh thần lãng mạn gia đình, David đưa vào tranh những gợi ý về đàn bà, xấu xa và lương thiện. Mảnh giấy trong tay Marat là bức thư xin yết kiến của Charlotte Corday – người đàn bà sát thủ, viết đại ý rằng “Tôi thực sự khổ tâm khi tự cho mình có quyền yêu cầu đến lòng phúc thiện của ông…” Chi tiết này khiến người xem thấy Marat là nạn nhân của chính lòng nhân hậu của mình, chứ không còn là kẻ khát máu săn tìm những ai bị hắn cho là phản quốc nữa. Tương phản với nữ sát thủ quái đản đáng khinh ghét kia là người Nữ Tự nhiên tốt lành: một bà mẹ góa đầy lòng yêu nước và đức hy sinh, hiện diện với một bức thư khác để trên mặt thùng gỗ dùng làm bàn viết và cũng tượng trưng cho chiếc quan tài. Bức thư của vợ một người lính Pháp đã tử trận, một bà mẹ có 5 người con đều đang là công dân tốt của chính thể Cộng hòa, đặt cạnh một chi phiếu của chính quyền cách mạng mà Marat đã ký duyệt – món tiền tử tuất của Cách mạng.

Tuy nhiên, sau khi mọi thứ xấu tốt đều đã được phơi bày, sau khi bài học về phẩm chất cách mạng đã được chuyển tải, David còn muốn Marat của mình siêu thăng qua mọi chi tiết, để cái viễn ảnh của bức tranh khỏi bị lu mờ. Không bỏ qua những cụ thể của lịch sử, nhưng David phải làm cho lịch sử ấy mang dáng dấp của một khoảnh khắc miên viễn, thai nghén số phận không phải chỉ của nước Pháp mà là của cả nhân loại. Tất cả những gì có thể cắt bỏ đều bị cắt bỏ. Không có bức bản đồ nước Pháp, không còn hai khẩu súng lục treo bắt chéo nhau, cả chữ CHẾT mà mới mấy hôm trước David và Marat mới viết thành khẩu hiệu lên tường, tất cả đều không còn trên bức tường trong tranh. Thay vào đó, David dùng tài đi bút của mình (vì cũng như Rembrandt, David có thể đi những nét bút mỏng nhẹ tinh tế cũng như thô nhám cứng mạnh) để mô tả bức tường làm nền bức tranh. Những nét bút đặt thật thoáng nhẹ đến nỗi vật liệu của bức tường có vẻ như tan biến, không còn là một giới hạn trong không gian nữa, mà còn mở nó ra mãi tới hậu thế muôn đời, nơi ngự trị của Thánh Marat. Và cái bàn viết giản dị cũng khiến ta phải nhận diện – vừa là bàn viết của một Jesus mới – Con người của Nhân dân, mà cũng là một chướng ngại vật ngăn cách người anh hùng ấy. Cũng như Jesus, David muốn nói rằng: ông ấy vừa là ta, vừa không phải là ta; một công dân bình thường, nhưng lại là thần thiêng bất hoại của cách mạng. Những nét vẽ cẩn trọng chau chuốt diến tả vân gỗ của cái bàn vừa là lời chứng của David cho thánh chất giản dị của người anh hùng đã khuất, vừa là một hành động tiễn biệt đầy tình đồng chí. Viết tên mình bên cạnh tên Marat, với ngày tháng cách mạng đề bên dưới, là một dấu hiệu rõ ràng của tình anh em giữa hai người, giống như hình ảnh cánh tay của người anh nhà Horatii ôm chặt lấy sườn của em mình.”

(Simon Schama, The Power of Art, BBC Books, 2006, pages 221-223)

Có thể nói bức tranh này đã cùng chung số phận với Jacques-Louis David. Sau cách mạng, David bị bắt và kết án hai lần, mà đều thoát tử hình, nhờ có người vợ chạy vạy, vừa tuồn được màu và toan vào tù để ông vẽ bức tự họa bây giờ còn giữ ở bảo tàng Louvre, vừa kêu mọi cửa rằng ông chỉ một họa sỹ chót bị Robespiere và Marat lợi dụng. Thảm nhất là chuyện trước đó, khi cách mạng đang cao trào, David đã dùng luật mới của chính quyền cách mạng để ly dị người vợ ấy, chia đôi con cái. Lý do là vì Charlotte, người vợ, đã phản đối dữ dội việc David bỏ phiểu tán thành giết vua, cũng như liên tục khuyên can ông không nên dùng nghệ thuật vào việc tuyên truyền. Người vợ tuyệt vời ấy nay lại trở thành cứu tinh của David. Ông được tha, trở lại với vợ con, bắt đầu vẽ những tranh gia đình yên ấm. Rồi khi Napoleon lên ngôi, ông lại sẵn sàng nhận lệnh chỉ vẽ chân dung hoàng đế, hai con trai trở thành lính trong quân đội hoàng gia, bản thân ông được đích thân Napoleon đến thăm và ban tặng. Rồi lại đến lượt những “thành tích” ấy của ông trở thành tội không thể dung tha khi Louis XVIII trở lại vương quyền vào năm 1816. David bị trục xuất khỏi nước pháp với án phạt không bao giờ được quay về quê hương nữa.

Ngày 29 tháng 12 năm 1825, David qua đời tại Brussels. Đơn của vợ con xin được đưa di hài ông về Pháp không được chấp nhận. Đoàn học trò theo sau lĩnh cữu mang những tấm bảng đề tên các tác phẩm nổi tiếng của ông, nhưng không có hai bức Marat và Lepelletier. Vợ con ông đã phải giấu kín bức Marat suốt từ 1794. Còn bức Lepelletier thì bị cô con gái Suzanne Lepelletier mua lại bằng được, trả hẳn 100.000 quan (trong khi tranh của David đắt nhất chỉ là tới 7000 thời bấy giờ), chỉ để mang về nhà rồi đốt đi, để phi tang sự phản bội vương quyền của cha mình, một nhà quý tộc nhiều đời ăn lộc triều đình, nỗi hổ nhục của giòng họ.

Khi mở đầu bài chuyên khảo về danh họa Jacques-Louis David, tác giả Simon Schama (hiện là giáo sư lịch sử và lịch sử mỹ thuật tại đại học Columbia, New York City) đã viết thế này:

“Nếu nghệ thuật có thể khiến ta thấy hạnh phúc, liệu nó có thể cải thiện ta? Nếu nó có thể làm ta say đắm hoặc khóc than, liệu nó có thể biến ta thành một công dân chính trực? Liệu hội họa thế tục hiện đại có cái quyền năng cải đạo của những tuyệt phẩm tín ngưỡng Công giáo – cái sức mạnh giải cứu linh hồn, không phải khỏi tội lỗi, mà là xiềng xích vị kỷ? Liệu quyền lực của nghệ thuật có nhất thiết phải hiến mình cho nghệ thật của quyền lực?

Với tất cả những câu hỏi ấy, Jacques-Louis David đã đáp lại dứt khoát bằng một câu “Có!”

Còn bạn, câu trả lời của bạn là gì?


Tự họa khi ở tù năm 1794

Với tấm áo choàng điển hình của những người Jacobin được cởi bỏ hết khuy để lộ phần ngực riêng tư trong áo sơ mi trắng, David dường như muốn nói rằng mình chỉ là một họa sỹ thuần túy bị cơn lốc cách mạng cuốn đi… Khác với bức tự họa trước đó 3 năm, bức này cho thấy gương mặt có phần tự vấn cố tình của họa sỹ, không che dấu cả vết sẹo bên má gần mép phải của ông, dấu tích của một cuộc quyết đấu thời còn trẻ, đã khiến ông không thể nói năng dễ dàng. Nhiều sử gia nghệ thuật gọi đây là lời tự bào chữa bằng nghệ thuật của David. Dù sao, bức tự họa này đã cứu sống ông.

No comments: