Sunday, December 6, 2015

“Phương Tây - một giấc mơ hời hợt!”


Tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang:

Nếu đã sống ở nhiều quốc gia khác nhau, chúng ta sẽ thấy không có nơi nào hoàn hảo cả. Xã hội nào cũng có có cái hay và cái dở, nhưng chắc chắn không có nơi nào lung linh như “thiên đường”. Chẳng hạn, ở phương Tây, “chừng nào lệnh chuyển tiền tự động của bạn vẫn hoạt động, thì không ai quan tâm bạn sống hay chết” - tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) - trao đổi với PV Lao Động về “giấc mơ phương Tây” của người Việt.


Bất ổn mà thú vị

- Là một tiến sĩ kinh tế người Áo gốc Việt, ông đã có một cuộc sống có thể nói là giấc mơ với rất nhiều người tại một quốc gia phát triển hàng đầu Châu Âu. Vì sao ông quyết định về nước?

- Mỗi người có một giấc mơ khác nhau. Người thì mong có một công việc ổn định, thu nhập cao, người lại chỉ muốn leo được lên đỉnh Everest – nóc nhà thế giới. Tôi muốn có một môi trường mới mẻ, gặp được những người thú vị, làm được nhiều điều khác nhau. Tôi ưa thích một tương lai bất ngờ, khó đoán định và không muốn một lộ trình được vạch ra rõ ràng…

- Ông trở về Việt Nam vì muốn tìm một tương lai mạo hiểm hơn?

- Cuộc sống ở Việt Nam nhiều bất ổn hơn, nhưng cũng thú vị hơn nhiều so với cuộc sống ở Châu Âu…

- Ở góc độ nào?

- Bất ổn vì tỉ lệ tai nạn giao thông cao hơn, nền y tế không hiện đại bằng, mua nhà đất thì cũng rủi ro vì chả biết khi nào bị thu hồi …

Nhưng ở Việt Nam, người ta có thể thử nghiệm bản thân trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này chỉ có thể làm được trong một xã hội chưa có độ chuyên môn hóa cao. Ở phương Tây, mỗi người sẽ chỉ có đúng chỗ đứng của mình như một mắt xích trong dây chuyền xã hội. Việt Nam đang chuyển dịch, đang đầy những đứt gãy xã hội, những xung đột về giá trị và văn hoá trong quá trình toàn cầu hoá. Điều này thực sự là thú vị, tuy rằng có thể gây hoang mang.

- Có nghĩa giấc mơ phương Tây sẽ không tròn trịa khi ở trong nó?

- Nếu đã sống ở nhiều nơi, bạn sẽ thấy không có nơi nào hoàn hảo cả. Ở đâu cũng có cái hay và cái dở, nhưng chắc chắn không có nơi nào lung linh như “thiên đường”. Ở đâu thì khả năng bạn không hạnh phúc cũng khá cao.

- Và vì thế, ông sẵn lòng từ bỏ “sự ổn định phương Tây” để về với “sự lộn xộn” của Việt Nam?

- Phương Tây có thể sạch sẽ và giàu có, nhưng không phải thiên đường. Tuần trước, CNN vừa đưa tin là ở một thành phố Mỹ, một người phụ nữ độc thân đã chết trong nhà và tận 5 năm sau, người ta mới phát hiện ra, khi lệnh trả tiền tự động hằng tháng của bà ta không được thực hiện nữa vì tài khoản của bà ta hết tiền. Trong 5 năm đó, không có người thân, bạn bè, hàng xóm nào để mắt tới xem bà ta sống chết thế nào.

Sự lộn xộn, nhếch nhác ở Việt Nam gắn liền với mức phát triển kinh tế của chúng ta, nhưng không phải là đặc thù Việt. Các nước đang phát triển khác cũng lộn xộn, bụi bặm, thiếu quy củ như vậy. Cũng khó mà yêu cầu những người nghèo đang vật lộn hằng ngày phải lịch sự, đi nhẹ nói khẽ và nhường nhịn người xung quanh. Hay thậm chí, những người không còn nghèo nữa thì vẫn mang thói quen từ thời bao cấp đã ăn sâu trong tiềm thức, nên vào resort (khu nghỉ dưỡng) vẫn còn chen lấn nhau khi lấy đồ ăn...

- Ông có vẻ lạc quan về “thói xấu” của người Việt?

- Tôi chỉ muốn đưa ra những phân tích và lý giải. Khi chúng ta hiểu vì sao họ lại xử sự như vậy thì ta cũng dễ yêu thương và thông cảm với mọi người hơn.

Người Việt nên tôn trọng bản thân hơn

- Người Việt mỗi khi bức xúc hay nói: “Ở Tây sẽ khác”. Là người “từ bển về”, ông có đồng tình?

- Không có nền văn hóa nào lại ưu việt toàn phần hơn các nền văn hóa khác. Tôi ngạc nhiên thấy tâm lý sùng bái phương Tây hiện hữu đến vậy ở Việt Nam. Theo tôi, phương Tây đang có những bế tắc trong xã hội, trong quan hệ giữa người và người. Nói một cách thật khái quát thì chừng nào lệnh chuyển tiền tự động của bạn vẫn hoạt động, không ai quan tâm bạn sống hay chết.

- Vì sao ông lại có thể “phật lòng” với phương Tây đến thế nhỉ? Chẳng phải “giấc mơ phương Tây” đang hiện rõ qua khát vọng du học của nhiều người Việt trẻ sao, thậm chí nhiều bậc phụ huynh có thể bán nhà bán cửa nếu cần?

- Giấc mơ này rất mâu thuẫn và hời hợt. Họ muốn con họ có bằng cấp của tây, nhưng nếu chúng thấm nhuần văn hóa và suy nghĩ phương Tây - ví dụ con gái không chịu lấy chồng, hay con trai mà đi học triết học - thì họ sẽ rất hốt hoảng. Người Việt không muốn thành phương Tây đâu, họ chỉ mơ cuộc sống vật chất phương Tây mà thôi. Có thể nói là giấc mơ phương Tây bị mắc kẹt trong cái bảo thủ phương Đông.

- Ngược lại, phương Tây lại khát thèm văn hóa gia đình, bạn bè của người phương Đông?

- Đúng vậy, nhưng không nên cực đoan quá. Phương Tây đặt cá nhân lên trên hết và đôi khi làm con người mất phương hướng. Nhưng người Việt lại quá lo lắng xem tập thể nghĩ gì về mình, khiến họ tự đàn áp cái tôi của mình. Điều này làm thui chột sự sáng tạo và khiến người ta khổ sở.

Người Việt cũng hay rơi vào giữa hai thái cực đoan: Khi thì kiêu ngạo, nghĩ mình là ưu tú hơn hết hoặc lúc thì tự ti, coi mình thuộc loại vô phương cứu chữa.

- Điều gì khiến ông thấy khó chịu nhất khi sống ở phương Tây?

- Họ cao to quá, mình nhỏ bé hơn nhiều (theo nghĩa đen), khi nói chuyện mình cứ phải ngước hết cả lên, mỏi cổ...

Nghiêm túc hơn: Xã hội phương Tây coi trọng thành công vật chất. Xe xịn, nhà to, những chuyến đi đặc biệt… là những khát vọng cơ bản thúc đẩy xã hội phương Tây vận hành. Việt Nam cũng vừa đi lên con đường cao tốc này. Chúng ta đang có hai loại đền thờ. Một là chùa chiền để người ta tới cầu may từ thánh thần. Loại thứ hai là các “shopping mall” thờ chủ nghĩa vật chất, người ta tới chiêm ngưỡng hàng hiệu như một trải nghiệm “gột rửa tâm linh”.

- Để mỗi cá nhân hội nhập thành công, theo ông, yếu tố cốt lõi là gì?

- Nên tôn trọng bản thân, không quá lo lắng xem mọi người sẽ phản ứng thế nào. Hãy coi mình là một cá thể độc lập, trước khi băn khoăn mình có làm mất thể diện của họ tộc nhà mình, làng mình, tỉnh mình, quốc gia mình hay không.

- Xin cảm ơn ông!


Ông Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin, ĐH Kỹ thuật llmenau (Đức) và có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo. Là người Áo gốc Việt, ông sở hữu nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch cùng khía cạnh văn hóa của công nghệ.

Từ năm 2008, ông là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) - một tổ chức phi chính phủ đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, minh bạch và nâng cao tiếng nói của người dân.

No comments: