Tuesday, December 29, 2015

Nỗi buồn nghề viết và đọc


hông biết đã đến đáy chưa thảm trạng tác giả (khoa học và nghệ thuật) bị xâm hại trắng trợn về bản quyền như hai công trình về dân tộc học của GS.Từ Chi, và về sử học của GS.Trần Quốc Vượng. Hai tác giả có tên tuổi đã quá cố, và những nhà xuất bản gây nên sự cố, làm méo mó, biến dạng đứa con tinh thần của họ lại là những nhà xuất bản có những cái tên rất sang, là cơ quan ngôn luận của những cái hội nghề nghiệp lẽ ra phải rất nghiêm chỉnh, đứng đắn trước công luận. Các cơ quan truyền thông đã lên tiếng. Không biết gia đình, thân nhân của hai tác giả có ý kiến gì không? Ta đã có lệ luật gì về những vụ việc như vậy, để đưa ra tòa án dư luận?

Không kể một cuốn Từ điển của tác giả Vũ Chất soạn ở miền Nam trước 1975 được nhiều nhà xuất bản cho in lại, và lưu hành hàng chục năm để phổ cập kiến thức cho học sinh nhằm mục đích kiếm tiền, với bao là sai lạc, rất có hại cho đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi.

Tôi nói không biết đã đến đáy chưa, bởi ngược về trước nhiều chục năm những sự kiện như trên không phải là hiếm thấy, nhưng ít được nghe, bởi không ai lên tiếng; và người bị vi phạm không biết, hoặc biết mà cứ âm thầm chịu đựng cho qua. Một trường hợp rất tiêu biểu mà tôi biết đó là Nam Cao. Đây là tác giả qua đời cách đây hơn 60 năm; sách của ông được tái bản không biết là mấy chục lần, chắc chắn nếu sục vào đây để tìm kiếm thì sẽ có vô vàn sự tam sao thất bản. Sự thật này chỉ mới được chỉ ra gần đây khi gia đình nhà văn, nói cụ thể là ông con rể, chồng con gái trưởng nhà văn là bà Trần Thị Hồng, bỏ ra hai tháng để đối chiếu các bản in trước 1990 (mới chỉ là trước 1990 chứ chưa phải bản gốc hoặc bản in lần đầu) với ba cuốn sách được in bởi các nhà xuất bản lớn chuyên cho văn học ở Hà Nội. Giấy rất trắng. Bìa rất cứng. Thế mà đọc vào thì ít có trang nào mà không sai, hoặc thiếu chữ, hoặc thừa chữ, hoặc để sót cả đoạn; không kể những lỗi in thì vô số. Hai tháng đối chiếu với các văn bản in trước 1990, để chữa các lỗi cho ba cuốn sách in ở ba nhà xuất bản khác nhau mà ông Côn - bà Hồng vừa được nhận, trong đó có bộ Tuyển tập Nam Cao (2 tập) của một Nhà xuất bản lớn, in năm 2005, với Người biên tập là Phòng Tổng hợp, mà không phải là một cái tên riêng nào? Lại một quyển khác: Nam Cao - truyện ngắn chọn lọc, với người biên tập là Đ.P, dày 473 trang, mà, theo thống kê của ông Côn, có đến 268 từ sai, 1335 từ thiếu, 53 từ thừa, 77 đoạn văn thiếu, đoạn ít nhất là 1 câu, đoạn nhiều nhất là 10 câu, như trong hai truyện ngắn Đón khách và Dì Hảo…mà ông đưa cho tôi xem. Cuốn tuyển thứ 3 có tên chung Chí Phèo, 278 trang, có 96 từ sai, 665 từ thiếu, 22 từ thừa, 44 đoạn văn thiếu…. Có thể xem đó là một cuộc thảm sát, một trận B52 trong văn chương nhằm biến các trang in thành nghĩa địa..chữ!. Thật quá là buồn cho Nam Cao. Càng buồn cho cách làm ăn của các ông chủ xuất bản và người biên tập thời nay. Ẩu với bất cứ ai cũng đã là hỏng. Ẩu với Nam Cao thì đó là một xúc phạm đến hương hồn nhà văn, bởi Nam Cao là một tấm gương cực kỳ cẩn trọng về nghề, và bởi văn Nam Cao là một thứ văn để đời!

Tôi không nói trường hợp tôi - một số bài nghiên cứu, tiểu luận được chọn in trong một số tuyển tập về tác giả nhân có kỷ niệm chẵn năm sinh hoặc năm mất, hoặc các tuyển cho giáo khoa hoặc sách tham khảo dùng ở nhà trường, tôi chỉ được biết qua thông tin bởi các bạn thân hoặc học trò, mà không hề có lời yêu cầu của người làm sách và nơi in; và sau khi sách được phát hành khá lâu vẫn không có một cuốn sách biếu, không nói đến nhuận bút. Thôi thì đành cho qua và tự nhủ cũng đừng than trách làm gì. Chỉ âm ỷ một nỗi lo về sự in ấn cẩu thả, làm sai lạc nguyên bản, bạn đọc đọc vào sẽ nghĩ sai, hoặc nghĩ xấu về mình, cho mình là người viết văn cẩu thả.

Tôi là người từng quen với công việc chữa bông in ở Tòa soạn Tạp chí Văn học, với Thư ký Tòa soạn là Hoài Thanh - cũng là người từng có nghề chữa bông in ở Huế 30 năm về trước. Sự cẩn trọng của ông trong duyệt bài vở và soát xét bông in đã dạy cho tôi phải rất cẩn thận, chu đáo như thế nào để không xảy ra sai sót, gây buồn phiền cho những người viết đã thành danh, và làm giảm uy tín của tờ Tạp chí. Do vậy mà đối với tôi, gửi một bài để đăng trên báo, nếu để sai hoặc sót dấu chỉ dăm bảy lỗi, thì chẳng bằng không in còn hơn!

Một người bình thường như tôi mà còn nghĩ thế thì không biết những bậc thầy về ngôn ngữ như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh trong nghiên cứu, phê bình; hoặc Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nam Cao, Xuân Diệu trong giới sáng tác, nếu sống lại mà đọc vào những trang như vậy thì họ sẽ xấu hổ và phẫn nộ đến thế nào!

Tôi nhớ lúc sinh thời, hai đối tượng khiến Nguyễn Tuân bất bình nhất, đó là những người viết cẩu thả, không xem trọng nghề của mình, và những người đọc nông nổi, đọc gì cũng được, đọc ai cũng được. Bởi Nguyễn Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ. Mà văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Một ngôn ngữ phải được nghệ thuật hóa, được cá thể hóa đến cao độ mà làm nên phong cách nhà văn. Nguyễn Tuân là thế! Và Thạch Lam hoặc Nam Cao cũng là thế!

Hiểu vì sao sự chăm chút cho ngôn từ, trên từng chữ dùng; cách đặt câu; cách để dấu chấm hoặc phẩy, hoặc chấm phẩy; cách qua hàng hoặc ngắt dòng …của nhà văn là được cân nhắc thấu đáo đến thế nào. Sai một ly đi một dặm. Huống nữa, sai như cách Nam Cao phải chịu ở ba cuốn sách đã nêu trên là tệ hại và đau đớn biết mấy!

Hiểu vì sao, việc cân nhắc để có một bản Kiều đúng với nguyên tác của Nguyễn Du là khó khăn đến thế nào! Khó đến mức phải huy động vào đây công sức của nhiều thế hệ học giả đứng ở hàng đầu nền văn chương học thuật dân tộc trong đó có người gần như dành cả một đời theo đuổi mà vẫn chưa xong, như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Ngôn từ trong văn chương, nhất là với các tác giả lớn - đó là mối quan tâm hàng đầu; và những tác phẩm được lưu giữ qua thời gian đều là những tác phẩm đáng được ứng xử một cách nâng niu, trân trọng. Và xét trên tiêu chí này thì phải xem là đúng đắn ý kiến của Rolland Barthes (1915-1980), khi ông cho rằng chỉ được xem là nhà văn, những người có dụng công trau chuốt ngôn từ, chú ý tạo ra văn phong và làm nên một ngôn ngữ riêng của chính mình, khác với mọi người viết thông thường xem chữ viết chỉ là phương tiện để diễn đạt các hành vi, ý tưởng…

Có lẽ là không quá muộn cho sự lên tiếng, từ nhiều góc độ để trừ diệt cho hết cái nạn lớn trong cách ứng xử với các tác phẩm văn chương học thuật, trước đây là nạn cửa quyền, và bây giờ là sự tham tiền của những ông chủ xuất bản lớn nhỏ, để dần dần có được một nền xuất bản, báo chí văn minh, lành mạnh, góp vào việc chấn hưng giáo dục và trong sạch hóa đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.

Trong những nỗ lực khôi phục lại các giá trị đã thành kinh điển trong kho tàng văn học Việt, cổ và hiện đại, tôi rất trân trọng những đóng góp của nhà nghiên cứu Cao Đắc Điểm trong việc khôi phục lại đúng nguyên tác các tác phẩm của nhà văn lớn Ngô Tất Tố. Cũng tương tự như vậy là nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trên một số tác phẩm tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều tên tuổi lớn thuộc Thế hệ vàng của văn chương Việt hiện đại. Gần đây tôi có được nghe việc Công ty sách Nhã Nam đang gắng công xây dựng tủ sách các Danh tác - đó là một sáng kiến hay, rất cần thiết, đáng được các giới nghiên cứu và giảng dạy văn học chịu ơn.
Từ câu chuyện tôn trọng bản quyền tác giả đối với tác phẩm mà nhìn rộng ra đời sống văn hóa, giáo dục, khoa học ở ta trong vài chục năm gần đây, thấy còn ngổn ngang nhiều câu chuyện đáng bàn, khi hàng giả, của giả là tràn ngập khắp nơi, từ phân bón giả, thuốc men giả đến bằng cấp giả. Rồi là sách giả. Và, hàng trăm nghìn thứ giả khác; khiến Nhà nước phải chọn ngày 28 tháng 11 hàng năm làm ngày chống hàng lậu, hàng giả[1] … Giả, là kết quả của sự làm ẩu, để lừa người và kiếm tiền; bất chấp lệ luật và đạo lý. Giả còn là thói đạo văn, đạo ý, lấy của người khác làm của mình tràn lan trong khắp các khu vực học đường từ sách cho trẻ con đến luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ... Đó là một câu chuyện dài, có liên quan đến câu chuyện ta bàn hôm nay, xin dành một dịp khác./.



[1] Xin dẫn lời của ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam: “Bây giờ đúng là khó tìm thấy mặt hàng nào mà không có hàng giả, hàng nhái. Từ đồ điện tử, phân bón, thuốc trừ sâu đến thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật dụng xây dựng, tôn thép(…) Thế kỷ này có thể nói là thế kỷ của hàng giả, hàng nhái. Chúng ta lại có cái không may là sống cạnh một nước làm giả vào bậc nhất thế giới. Biên giới chúng ta lại rộng”. (Tuổi trẻ; 1-12-2014)

Theo GS. Phong Lê - Vanvn.net


No comments: