Saturday, December 19, 2015

Ngạc Nhiên Chưa

Đổi tên bình không cứu được rượu chua 



(Trong cả bài: muốn xem rõ hình nào, các bạn bấm vào hình để có bản to hơn)

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 khai mạc chiều ngày 9. 12. 2015 với không khí hội hè tưng bừng, nhộn nhịp người xe, giải thưởng, thì chỉ sau mấy ngày đã cho thấy một thực tế khác.

Bởi vì cách làm Triển lãm mỹ thuật toàn quốc hàng chục năm qua đã bộc lộ sự cũ kỹ, cồng kềnh không hiệu quả, nên đề án Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 được lập ra.Tại buổi họp báo ngày 7. 12, Ban tổ chức cho biết: Trước đây triển lãm có tên gọi “Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc”, năm nay, triển lãm lấy tên là “Triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm 2015” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Truyền thông & Du lịch) phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức 5 năm một lần. Họa sĩ Vi Kiến Thành, trưởng BTC giải thích việc đổi tên sẽ giúp triển lãm “khẳng định được tầm vóc quốc gia” hơn.

Theo Đề án, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 sẽ do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở VHTT&DL, Hội Văn học nghệ thuật, và các trường Mỹ thuật trong cả nước tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào năm 2015 và tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2016.
                                                  “Heo may” của Lê Thanh Minh

Theo báo An ninh Thủ đô:

“…Tránh những rắc rối liên quan đến công tác tổ chức từng làm cho Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010 nhếch nhác, xấu xí với hình ảnh phản cảm của các đám cưới linh đình tiệc tùng, hò dô ăn nhậu bên cạnh không gian nghệ thuật tĩnh lặng, họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cam kết: ‘Trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, tuyệt đối không có đám cưới nào được tổ chức tại số 2 Hoa Lư. Toàn bộ không gian của 3 tòa nhà đều được dành cho việc trưng bày tác phẩm’.

“Trước những lời góp ý của các nhà phê bình mỹ thuật và công chúng yêu nghệ thuật, Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015 sẽ ít tác phẩm nhưng chất lượng hơn.Với 4.076 tác phẩm tham dự, chỉ có 409 tác phẩm trưng bày.Số lượng tác phẩm năm 2015 chỉ bằng một nửa so với kỳ trước sẽ giúp cho việc trưng bày thưa, thoáng và đảm bảo thẩm mỹ. Dù chấp nhận tất cả các loại hình nghệ thuật đương đại như: video art, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, body art tham dự nhưng thực tế các hình thức nghệ thuật này không có nhiều tác phẩm gửi đến…

“Họa sỹ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam hứa hẹn: ‘Cuộc triển lãm lần này không làm người xem rơi vào ấn tượng thị giác quen thuộc. Tôi đã nghe nhiều người than phiền khi đến với triển lãm mỹ thuật toàn quốc rằng, bức này nhìn quen quen ở đâu đấy hoặc bức này đã quá cũ về cách thể hiện. Nhưng lần này, bằng việc tuyển chọn kỹ lưỡng, giảm về số lượng nhưng nâng về chất lượng, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 sẽ cho người xem thấy nhiều nét mới…’”.

“Lời của gió” của Hoàng Anh

Thế nhưng, theo báo Hà Nội mới:

“…Qua một vòng triển lãm, nhất là phần trung tâm trưng bày những tác phẩm được giải, người xem bắt gặp không thiếu những điều lặp lại, sao chép từng phần của chính họ hoặc mỹ thuật đã có. Điều này, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, thành viên Hội đồng nghệ thuật cũng có nhận xét: ‘Sự lựa chọn tác phẩm tham gia trưng bày còn cứng nhắc về tiêu chí, sợ đụng chạm, sợ phê phán, sợ nêu ra những tiêu cực xã hội’.

“Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng: ‘Cái mới, cái khác ở triển lãm này vẫn chưa nhiều. Người trẻ hăm hở, khả năng nghề nghiệp tốt lên, sử dụng công nghệ thuần thục nhưng tiếng nói nghệ thuật lại chưa cao. Những thay đổi rất chậm, phải nhìn sâu vào từng tác giả thấy có bộc lộ khả năng mới nhưng cái bứt phá chưa thấy’.

“Hòn trống hòn mái” của Phan Văn Tiến

“Triển lãm có sự xuất hiện của những tác giả lớn tuổi, kỳ cựu như Phan Kế An (92 tuổi), Trần Huy Oánh, Đinh Trọng Khang, Tạ Quang Bạo… Tuy nhiên, tác phẩm của các thế hệ 7X, 8X, 9X mới đáng chú ý bởi họ được trao sứ mệnh lật trang mới cho mỹ thuật Việt Nam. Nghệ sĩ trẻ tham gia đông đảo, nhưng lại vắng nhiều người nổi đình đám ngoài xã hội. Có thể vì thế, cảm giác mỹ thuật Việt Nam nhìn từ triển lãm này như đang tĩnh lại, chuyển động chậm, có độ lùi cần thiết. Hy vọng, sau sự ‘tĩnh lại’ thì có những giá trị mới.” (hết trích).

“Bầu vú mẹ” của Tạ Quang Bạo

*

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 chọn 409 tác phẩm để trưng bày. Trong đó, hội họa vẫn chiếm nhiều nhất, tới 274 tác phẩm, chuyên ngành đồ họa là 62 tác phẩm, video art 7 tác phẩm, tượng tròn 53 tác phẩm, phù điêu 4 tác phẩm, tượng đài 1 tác phẩm, nghệ thuật sắp đặt 8 tác phẩm. Có thể thấy, tỷ lệ chiếm dưới 60% các tác phẩm trong triển lãm là có chất lượng nghệ thuật tốt, còn lại xấp xỉ 40% tác phẩm chất lượng nghệ thuật dưới trung bình.

Theo BTC, có đến 4.076 tác phẩm được gửi đến tham dự, nhưng Hội đồng nghệ thuật chỉ chọn 1/10, vậy thì có hai khả năng xảy ra:

- Mỹ thuật Việt Nam thực sự đang khủng hoảng về chất lượng nghệ thuật?

- Thẩm mỹ Hội đồng nghệ thuật của Mỹ thuật Việt Nam 2015 có vấn đề trong tuyển chọn tác phẩm.

Xem số tranh, tượng được trưng bày thì có lẽ câu trả lời sẽ nghiêng về vế thứ hai bởi thấy rõ sự “ưu ái” trong khâu tuyển chọn (do tuổi tác, quan hệ, ưu ái do tên tác phẩm có vẻ liên quan đến đề tài mũi nhọn, ưu ái do là thành viên hội đồng…) nên vẫn lọt vào không ít các tác phẩm chất lượng rất “chiếu cố”. Thậm chí trong đó có cả tranh, tượng của nhiều thành viên Hội đồng nghệ thuật.

“Qua hầm chui Kim Liên” của Trần Khánh Chương



“Khúc bi tráng” của Phan Gia Hương



“Hoa sen và mèo” của Vi Kiến Thành



“Thiếu nữ bên hoa sen” của Đoàn Thu Hương



“Làm cỏ” của Vương Duy Biên

Các điêu khắc trong triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 không thể hiện được đúng thực tế và tiềm năng nghệ thuật như đã từng bộc lộ khá mạnh mẽ ở triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 (2003-2013). Thẩm mỹ chung của các điêu khắc trong triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 như là sự giật lùi khi sự ưa thích gỗ lũa, mỹ nghệ, dân gian, kích thước nhỏ bé, vụn vặt lên ngôi. Hiếm tác phẩm có sự khái quát, biểu cảm hiện đại.

“Đường dài” của Lưu Danh Thanh



“Hoa đỏ” của Lê Thị Hiền



“Phiên chợ chiều” của Phạm Thái Bình



“Khoảng trống” của Phan Văn Hưởng

Có lẽ do ít các nghệ sĩ đương đại tham gia nên dường như các sáng tác đương đại được ưu tiên lựa chọn trưng bày (mặc dù chất lượng nghệ thuật có thể rất yếu, ấu trĩ về kỹ thuật và nội dung như Video Mảnh Mảnh Mảnh của Lê Anh Hoài, tranh Nguồn sống (in digital) của Phạm Ngọc Mạnh, sắp đặt Dòng chảy nỗi nhớ của Nguyễn Văn Quốc Tuấn).

“Nguồn sống” của Phạm Ngọc Mạnh



“Dòng chảy nỗi nhớ” của Nguyễn Văn Quốc Tuấn

Phòng trưng bày chung các video art thì quá chật chội, sau vài ngày các tấm vải che chắn bên trên rơi rách thảm hại. Âm thanh các video đều cùng mở to, chỏi nhau xủng xoảng ầm ĩ như cái chợ vỡ. Có cái thì màn hình hoạt động, có cái không. Cảm giác như nghệ thuật video art được chiếu cố bày cho có rồi “đem con bỏ chợ”. Cho dù BTC đã trao hai giải thưởng với hai tác phẩm video art rất nhạt nhẽo về nội dung và kỹ xảo, thì giải thưởng và cách trưng bày video art kiểu này vô hình trung lại làm công chúng xa lánh thứ nghệ thuật đương đại “nhạt nhẽo, ồn ào và nhập nhoạng”.

Khu vực chiếu video art



.



.

Công tác quảng bá, truyền thông cho triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 quá tệ. Những kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc trước còn được báo đài đưa tin, giới thiệu, treo pano, banderol từ hàng tháng trước ở nhiều phố Hà Nội, nay hoàn toàn không thấy có. Là triển lãm qui mô quốc gia được kỳ vọng như một mô hình đổi mới tổ chức nhưng thua cả show tư nhân của Mr Đàm, Tuấn Hưng, hay các show ca nhac, thời trang về mặt tổ chức sự kiện. Có lẽ chỉ những người trong giới mỹ thuật mới biết đến sự kiện này và đi xem, còn công chúng Hà Nội không mấy ai biết đến. Do đó, có lẽ vắng khách xem triển lãm quá nên việc các cửa phòng triển lãm mở cửa đón khách muộn hơn 9h30, hoặc việc người của ban tổ chức tranh thủ nghỉ, ngủ tại phòng triển lãm là chuyện xảy ra không chỉ là một lần…

.



.



.

Với rất nhiều kỳ vọng để thay đổi và phát triển, nhưng xem ra tập quán cũ, thẩm mỹ giáo điều, bệnh thành tích, cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, nhếch nhác vẫn sẽ làm điều dễ nhận thấy nhất qua triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Vậy thì, làm sao có được uy tín thực sự để làm bệ đỡ khẳng định thành tựu mỹ thuật 5 năm vừa qua, vẫn là một câu hỏi lớn mà không dễ giải quyết nếu như vẫn hoạt động kiểu “bình mới rượu (cực chua) mà cực cũ” kiểu này.

No comments: