Saturday, December 19, 2015

Khi nhà thơ Trần Ninh Hồ ...



Khi nhà thơ Trần Ninh Hồ vào phòng tôi, chưa kịp cạn tuần trà thì tôi đã đặt ra với anh một câu hỏi đầy khiêu khích: “Anh nghĩ gì khi có người bảo rằng anh hoạt khẩu và hoạt thơ?” Anh cười tếu táo và bảo, để ý tới chuyện đó làm gì, nói chuyện khác đi…



Nhà thơ Trần Ninh Hồ.

Tôi cũng cười vì thực sự tôi muốn cùng anh thực hiện cuộc trò chuyện mới là để biết thêm những chuyện tốt đẹp về một thời đã qua của báo Văn nghệ. Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu chúng ta không nhìn thấy những sự hay ho ở những người mà chúng ta từng gặp trong đời, trong công việc thì lỗi trước tiên là ở chúng ta. Và nếu chúng ta không góp phần làm cho mọi sự được ổn thỏa hơn ở nơi ta đã sống thì cũng đừng nên hy vọng có được sự tốt đẹp hơn ở nơi đã đến. Những ai không có được một tuổi trẻ tử tế thì sẽ không thể có được một tuổi già yên ấm. Nhưng thù hận hay tức tối mang theo mình sẽ chỉ gây họa cho chính mình thôi.

Gặp nhà thơ Trần Ninh Hồ, tôi luôn thích thái độ chân tình và tử tế của anh đối với cõi nhân gian này, cõi nhân gian mà có nhà văn từng bảo là bé xíu. Tôi ghét những người chỉ nhớ những câu chuyện không hay về đồng đội cũ, đồng nghiệp cũ, về những người tình cũ…

- Hồng Thanh Quang: Anh về làm việc ở báo Văn nghệ từ năm nào nhỉ?

- Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Năm 1977.

- Và anh rời khỏi đấy vào năm nào?

- Năm 1996.

- Cũng đã lâu rồi đấy nhỉ... Tôi nhớ ngày trước nhà thơ Bằng Việt từng có những câu rất thấm thía mà cho tới bây giờ, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn nhớ như in, trong bài “Tình yêu và báo động”: “Bây giờ sau tất cả mọi điều, /Anh muốn nói câu gì thật dữ dội,/ Nhưng không tìm ra lời để nói,/ chúng ta đi giữa bè bạn mỉm cười...”. Nếu nhìn lại báo Văn Nghệ, “bây giờ sau tất cả mọi điều”, anh muốn nói một câu gì? Dữ dội hay dịu dàng? Hay nuối tiếc?

- Nói một câu thì khó. Với báo Văn Nghệ thì, những bài viết đầu tiên của tôi từng được in ở đây, giải thưởng văn học đầu tiên của tôi cũng được nhận ở đây... Rồi bao nhiêu năm tôi làm việc ở đây, từ lúc còn trẻ đến lúc không còn trẻ nữa... Có thể nói tôi là một đứa con của báo Văn Nghệ... Tôi đã từng viết về tình cảm của mình dành cho báo Văn Nghệ. Tôi đọc cho Hồng Thanh Quang nghe nhé?

- Dạ, mời anh!

- Bài này gọi là viết để tặng một em nhưng thực ra cũng là nỗi lòng mình với tờ Văn Nghệ:

“Tôi có còn gì nữa để tặng em?
Dẫu chẳng băn khoăn tôi biết mình như thế
những cuộc hành quân qua suốt thời tuổi trẻ
những tiễn đưa và thương nhớ cách xa!

Giờ em đến với tôi như trong mơ vậy
mắt em nhìn như tuổi ấy trong veo
em trẻ quá tưởng chừng như có thể
nếu tôi dối lừa em cũng tin theo!

Nhưng có thể, làm sao tôi có thể?
Em đến kia. Và tuổi trẻ trở về
cho tôi gặp lại mình. Không. Hình như hơn thế
chân thật, vụng về, thành kính, đam mê...”

- Đó là vào năm nào?

- Năm 1978. “Giờ em đến với tôi như trong mơ vậy”, đó chính là tình cảm của tôi đối với báo Văn Nghệ, tờ báo mà tôi yêu quý nhất, đam mê nhất… Mà tôi muốn kể rằng, lần đầu tiên tới tòa soạn báo Văn Nghệ, tôi phải có người làm chứng thì mới lấy được nhuận bút. Hồi đó là gặp chị Thịnh. Vì tôi còn trẻ quá, trông lạ quá nên anh Ngô Ngọc Bội phải từ trên gác xuống làm chứng thì tôi mới được nhận nhuận bút cho hai truyện ngắn, một bài bút ký đã được đăng. Hồi ấy, tôi viết văn xuôi hăng lắm…

- Hôm đó, anh Ngô Ngọc Bội nói những gì với anh?

- Anh Bội bảo, Hồ ơi, cậu lên gác với mình, anh Hoài Thanh muốn nói chuyện với cậu…

- Lúc ấy bác Hoài Thanh làm gì ở báo?

- Tổng biên tập báo. Thế là tôi lên, vào phòng bác Hoài Thanh. Bác ấy ngồi trong một cái phòng rất nhỏ, nhìn ra phố nhưng rất nhỏ…

- Hình như cái phòng ấy sau này cũng là nơi bác Ngô Vĩnh Viễn ngồi. Tôi nhớ khi tôi mới cộng tác với báo Văn Nghệ ở phần dịch văn học, tôi cũng đã từng lên đấy không chỉ một lần trò chuyện với bác Ngô Vĩnh Viễn, tức dịch giả Nguyễn Vĩnh…

- Đúng là cái phòng đó… Khi tôi vào thì anh Ngô Ngọc Bội và cả anh Võ Huy Tâm cũng vào. Bác Hoài Thanh pha chè cho thằng cu con là mình, chỉ bác ấy mới có chè ngon. Bác Hoài Thanh mới hỏi tôi, lúc đầu là: Anh làm gì, rồi hỏi cháu làm gì… Trò chuyện một lúc, hai anh Ngô Ngọc Bội và Võ Huy Tâm ra, bảo để hai bác cháu nói chuyện riêng với nhau... Và bác ấy nói với mình, giọng khiêm nhường lắm, mình lâu nay chỉ làm nghề bình thơ là chính, (bác ấy nói là bình thơ chứ không phải phê bình thơ), văn xuôi thì mình đọc ít thôi nhưng những truyện như “Trong những món ăn truyền lại” của anh (bác lại gọi mình là anh vì lúc ấy là nhà văn nói với nhau!), được anh em đánh giá cao nên mình có đọc…

À, mà với truyện ngắn này tôi có một kỷ niệm vui lắm. Cách đây cả chục năm, trong một lần ở Nha Trang, có gặp một người làm nghệ thuật, cũng tuổi như Hồng Thanh Quang, đó là Trịnh Lê Văn, giờ là trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Khi ấy, tôi cũng chưa biết Văn đâu. Khi nghe giới thiệu tôi là Trần Ninh Hồ thì Văn tủm tỉm cười và nói luôn, em biết anh từ lâu. Rồi Văn đọc thuộc lòng truyện ngắn “Trong những món ăn truyền lại”, đọc một mạch gần hai trang. Nghe đến vậy, tôi vái Văn luôn. Văn lại cười và bảo, thế thì em đọc thuộc lòng truyện khác vậy. Và Văn lại đọc vài trang của truyện “Từ đấy sang đây”… Tôi bèn phải xua tay, biết ông rồi, thôi, ngồi uống rượu thôi…

- Trịnh Lê Văn là người hay lắm, yêu văn học nghệ thuật, yêu bè bạn một cách tận tình, không vì cái gì khác cả. Và uống rượu cũng thuộc loại cự phách… Nhưng chúng ta trở lại với báo Văn Nghệ.

-Tôi thực sự về làm việc ở báo Văn Nghệ là sau chiến tranh, năm 1979. Lúc ấy lương cán sự năm, 87 đồng, tương đương với Thượng úy bên quân đội. Chức danh trưởng ban. Lúc đó anh Bảo Định Giang phụ trách, làm báo theo kiểu thông tấn hoàn toàn. Và thế là tôi xin nghỉ để sáng tác một thời gian. Cơ quan lúc đó xếp cho tôi một cái phòng nhỏ ở trên trại viết Quảng Bá để ở. Tôi ở với thằng con lớn, tên là Thi. Người vợ đầu của tôi lúc đó đã đi lấy chồng rồi, vì trong chiến tranh cô ấy nghe tin tôi đã hy sinh trong chiến trường… Hai vợ chồng cô ấy lúc đó bị kỷ luật vì vi phạm chính sách hậu phương, mà mình ở chiến trường thì mình có biết gì, có liên lạc được gì đâu. Khi về, hay chuyện, tôi đã lên xin xóa kỷ luật cho hai người này, vì các ông thầy dạy mình ngày trước thì lúc đó đều làm ở Ty Giáo dục…

- Ra thế! Tôi nhớ, ngày tôi còn bé, bà ngoại tôi cũng nghe tin bố tôi hy sinh ở Trường Sơn nên đã dẫn mẹ tôi cùng hai anh em tôi về quê nội thăm, dường như để sau đó mẹ tôi có thể đi bước nữa… Đấy cũng là lần đầu tiên tôi biết quê nội vì ông bà nội tôi mất từ năm 1945, mà tôi thì lại sinh ra ở Hàng Đào, toàn ăn cơm nhờ nhà ngoại… May mà chưa có chuyện gì xảy ra thì bố tôi đã trở về nghỉ phép…

- Tôi thì đi biền biệt, lại có tin đã hy sinh nên cô ấy đi bước nữa cũng là phải thôi. Lúc đó kẻ thù tràn vào hậu cứ, lấy được danh sách cán bộ của ta, có tên tôi nên đọc loạn trên đài rằng tôi đã hy sinh… Chồng cô ấy cũng là bộ đội phục viên, về dạy học cùng trường…

- Chị vợ đầu của anh làm gì?

- Cô ấy là giáo viên toán… Sau này cô ấy cùng chồng vào miền Nam và cô ấy đã mất ở đấy cách đây hơn nhiều năm. Tôi thì trở về, hay mọi chuyện thì đã mang thằng con trai của mình, khi đó cháu mới 4-5 tuổi đi lên Hà Nội, hai cha con sống cùng nhau, không làm phiền cô ấy gì cả. Còn nhớ, khi ấy ở trại viết Quảng Bá còn có Đỗ Chu ở, cũng với một thằng con trai, tên là Hoài. Hai thằng Thi và Hoài chơi với nhau thân lắm, nghịch lắm. Hai ông bố cứ phải quát gọi luôn: Thi ơi! Hoài ơi!.. Bạn bè cứ bảo đùa, hai ông láo thật, cứ réo tên lãnh đạo Hội Nhà văn ra gọi là sao?! (cười hóm hỉnh).

- Hồi ấy bác Nguyễn Đình Thi và bác Tô Hoài đều là “cây cao bóng cả” của Hội…

- Anh Nguyễn Đình Thi hồi đó cũng ở trên Quảng Bá, trong một ngôi nhà hai tầng, với nghệ sĩ Tuệ Minh…

- Thế năm nào anh lại quay trở về làm việc ở Báo Văn Nghệ?

- Khi anh Bảo Định Giang quay trở lại miền Nam, anh Nguyễn Văn Bổng từ trong Nam ra phụ trách báo Văn nghệ thì tôi lại quay trở lại làm việc.

- Anh từng kể chuyện có lần bị Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng mắng là ngốc khi duyệt một bài nào đó không đúng. Và anh đã đáp lại rằng: Anh bảo chúng em ở cấp môt phải học “Con trâu” (tên một tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết thời kháng chiến chống Pháp - HTQ), rồi lên cấp ba cũng học “Con trâu” và vào đại học cũng học “Con trâu” thì không ngu làm sao được?! Thế là bác Bỗng ngẩn người ra, bảo, ở đại học mà cũng học “Con trâu” thì đúng là ngu thật (cười).

- (Cũng cười): Khi nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm Tổng biên tạp thì Phó Tổng biên tập là nhà văn Đào Vũ, sau đó một thời gian thì bổ sung thêm anh Từ Sơn cũng làm Phó Tổng biên tập... Tôi thì làm trưởng ban phóng viên. Ban Văn thì có chị Ngọc Tú, anh Ngô Ngọc Bội, anh Hoài An, anh Trần Hoài Dương… Anh Dương khi đó từ tạp chí Cộng sản vừa chuyển sang. Anh ấy cũng mới mất vừa rồi…

- Tôi biết. Đó là một người tử tế lắm, và rất biết liên tài… Thế ban phóng viên của anh có đông người không?

- Làm gì có ai, chỉ có độc một trưởng ban, còn nếu muốn đi làm gì thì trưng dụng người ở các ban khác. Hồi ấy, làm báo theo kiểu như thế này: lãnh đạo bảo, ba tháng tới Hồ phải đẩy mạnh hoạt động đi để viết một loạt bài về công nghiệp, thế là tôi mới hỏi, Trần Hoài Dương đi được không, Bế Kiến Quốc đi được không… Đại để thế.

Lập thành một nhóm rồi lấy một cái ô tô đi, xuống cở sở. Rồi từ cơ sở lại chở gạo, chở lạc, chở cả gà công nghiệp về, nếu là đi xuống với ngành nông nghiệp… Còn nếu đi xuống với ngành công nghiệp thì xin cho báo Văn nghệ được mua xích, mua líp, hoặc mùa bàn ghế theo giá mậu dịch… Đại để thế. Mà hồi ấy lên được mặt báo là khó lắm, mà viết thì chỉ toàn ca ngợi thôi nên cơ sở họ thích lắm…

- Phương châm là động viên mọi yếu tố tích cực và nhắm mắt làm ngơ mọi yếu tố tiêu cực? (cười)

- (Cũng cười): Lờ đi chứ! …

- Hồi ấy nhà văn, nhà báo phải bám lấy cơ sở thì may ra mới có điều kiện để cải thiện phần nào cuộc sống… Tôi vẫn muốn hỏi, anh có ấn tượng như thế nào về Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng?

- Khi anh Bổng ra ngoài này để đoàn tụ với chị và các cháu, anh ấy đã trên sáu mươi rồi. Anh ấy có người con còn lớn tuổi hơn cả mình, giỏi lắm, làm đến cả chức Tổng cục phó Tổng cục Đường sắt hay gì gì ấy. Sau này, anh con trai ấy mất sớm là anh Bổng cũng suy sụp sức khỏe lắm… Với tư cách một Tổng biên tập thì tôi thấy rằng, anh Bổng là người hết sức tình cảm, nhưng nóng nẩy thì cũng thôi rồi.

- Tôi thấy các sếp được việc thì phần nhiều đều nóng nẩy cả… Lúc đầu mình nghe thì cũng tự ái nhưng rồi cũng quen, các cụ đã bảo, những nơi cay đắng là nơi thật thà. Tôi ghét nhất những thứ đãi bôi, nói cứ ngọt như mía lùi mà trong bụng thì coi nhau chẳng ra gì…

- Thì thế. Và anh Nguyễn Văn Bổng làm việc chủ động lắm, hoàn toàn chủ động với tờ báo. Có lẽ cũng do vị thế của anh ấy từ miền Nam ra, một Trần Hiếu Minh của “Rừng U Minh” nên anh ấy rất độc lập trong điều hành tờ báo. Anh ấy đánh giá cái chất văn chương miền Nam rất hay, nhưng nó vẫn còn hoang dại.

Từng là một cán bộ hoạt động “trí thức vận” trong nội thành Sài Gòn những năm chiến tranh, anh ấy đánh giá Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam cao lắm. Về anh Nguyễn Quang Sáng thì anh ấy nói rằng, chính cái khí văn của đất Bắc mới góp phần làm nên Nguyễn Quang Sáng, chứ không thì khó lắm… Anh Nguyễn Văn Bổng là người miền Trung…

- Tôi biết, bác ấy quê ở Quảng Nam, “đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say”…

- Anh Bổng là người miền Trung nhưng thái độ của anh ấy hết sức cân bằng…

- Tôi hiểu, không địa phương chủ nghĩa, mà “người dưng có ngãi thì ta đãi người dưng”- ai có tài thì mình yêu mình trọng…

- Anh ấy là người vẫn theo tư duy hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng đầy niềm tin. Hồi ấy nói thế thôi nhưng đã dịch những Bondarrev rồi…

- Những “Bến bờ”, những “Lựa chọn”, những “Trò chơi”…

- Chính vì thế nên anh Bổng nhìn văn học miền Bắc đúng cả về văn chương lẫn định hướng chính trị. Anh ấy nói rằng, tôi cũng bị thế thôi, bắt đầu tôi viết như phóng sự, mãi tôi mới tìm được giọng điệu của mình trong văn học, khi đã ở tuổi 50.

- Nói thật với anh, tôi cũng đang ở tuổi 50 mà tôi vẫn không biết mình đã tìm được giọng điệu của mình trong thơ hay chưa…

- Mỗi người mỗi phận… Anh Bổng trong các quán triệt của mình ở báo Văn Nghệ luôn nói rằng, viết phóng sự thì tất nhiên là phải chính xác nhưng viết cho Văn Nghệ thì phải có tính văn học. Phóng sự điều tra cũng phải có chất văn chương. Chúng ta có yêu cầu chính trị, chúng ta có yêu cầu thời sự nhưng phải thu hút những thứ ấy bằng văn chương…

- Nhưng làm được thế không bao giờ là dễ cả. Khó lắm!

- Đồng ý, khó lắm. Nhưng xã hội cần chúng ta là vì như thế, chứ không người ta sẽ đọc những tờ báo thời sự hàng ngày khác… Anh Bổng anh ấy coi “Con trâu” cũng chỉ là một ghi chép… Anh ấy là người hết sức quý trọng văn chương. Tất nhiên, tôi cũng hiểu anh Nguyễn Văn Bổng không phải là một nhà văn ghê gớm như những nhà văn khác, anh ấy cũng chỉ là một nhà văn viết chắc chắn thôi. Nhưng anh ấy…
- Có cái tâm với văn chương, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”…

- Có tâm với văn chương… Anh ấy quan niệm, không có chất văn chương thì bài không thể in trên Văn Nghệ được. Họp giao ban, anh ấy nói, tớ không làm thơ nhưng cũng mê thơ, nên các cậu làm thơ, biên tập thơ phải cẩn thận với tớ… (cười)

- Anh đã bao giờ biên tập thơ bị bác Bổng “đá” bài chưa?

- Có chứ…

- Người từng giúp việc nhà văn Nguyễn Văn Bổng trên cương vị Phó Tổng biên tập và sau này cũng làm phụ trách báo Văn Nghệ là nhà văn Đào Vũ, một người Hưng Yên, đồng hương của tôi, tác giả của “Cái sân gạch”. Anh có ấn tượng gì về nhà văn Đào Vũ?
- Có thể nói thế này, anh Đào Vũ là người làm báo sạch và đẹp. Kỹ càng từng cái vi-nhét, từng cái phi-lê một. Hết sức nghiêm cẩn về lỗi chính tả. Câu chữ…

- Chắc chắn, chặt chẽ…

- Chắc chắn, chặt chẽ. Đây đúng là một ông giáo.

- Đấy cũng là tốt, mỗi người có một phong cách… Nhưng trong sinh hoạt, anh thấy bác Đào Vũ như thế nào?

- Anh Đào Vũ là người mà đẻ con thì cũng lên xin Cụ Hồ đặt tên cho. Vợ anh ấy là một người phụ nữ cực đẹp, nghệ sĩ piano, từng dạy đàn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

- Hay đấy nhỉ…

- Tiếp xúc với anh Đào Vũ thì thấy đấy là một người hết sức là lịch sự. Anh ấy luôn ứng xử bình tĩnh trước mọi sự nổi cáu của những người khác…

- Của cả cấp trên?

- Của cả cấp trên lẫn cấp dưới, của những người mang tính công thần… Anh ấy không bị luống cuống bởi sức ép từ bất kỳ phía nào… Đó là một người lúc nào cũng ăn mặc, đi đứng hết sức mực thước. Và làm báo hết sức chặt chẽ… Nhưng làm văn chương thì thiếu táo bạo…

- Thì có phải ai cũng táo bạo đươc đâu…

- Anh Đào Vũ bốn năm làm quyền Tổng biên tập và không bao giờ lên được chức Tổng biên tập. Theo tôi, cấp trên hồi ấy đối với anh ấy cũng là không phải…

- Theo tôi thì chức như thế thì cũng chỉ là như thế thôi, tiếc nhau làm gì, kiểu gì thì cũng vẫn là culi, culít… Quan trọng là chất lượng công việc mà mình đang làm…

- Không, hồi ấy lên được chức đó là lên thành quan chức… Tổng biên tập bây giờ là nghề nghiệp, nhưng hồi ấy là quan chức…

- Thôi được rồi, thế là chúng ta đã nói xong về bác Đào Vũ. Thế còn về bác Ngô Ngọc Bội. Nói thật, ngày xưa với tư cách cộng tác viên tôi có ghé qua báo Văn Nghệ nhiều lần, nhiều lần được nhìn thấy bác ấy và tôi rất thích tác phong bình dân và tử tế của bác. Theo anh thì thế nào?

- Tôi có lần nói rằng, anh Đào Vũ là người có những tác phẩm viết về nông thôn được dư luận đánh giá cao, chị Nguyễn Thị Ngọc Tú cũng thế, nhưng cái người viết về nông thôn ghê gớm nhất là ông Ngô Ngọc Bội…

- Đó là theo ý kiến của anh?

- Ý kiến của tôi! Bởi vì anh Ngô Ngọc Bội anh ấy viết, cái cuộc đời người nào thì nó thuộc về cái gì. Anh ấy đã viết “Ao làng”, viết hàng loạt truyện ngắn, phóng sự… Và ta có thể thấy rằng đó đích thực là nhà văn của những nông dân đường đất, chứ không phải của những nông dân đi đường nhựa… Tôi biên tập nhiều, tôi biết… Đọc “Chọi trâu” của Bội là thấy ngay cảnh chọi trâu trên cánh đồng, những con trâu, những thằng bé chân trâu trên cánh đồng, những ông bố đón từng con nghé ra…

- Chứ không phải chọi trâu ở Đồ Sơn (cười)?

- Không phải thế… Anh Bội viết tự nhiên thôi. Anh ấy không phải là người được học nhiều, chỉ học hết cấp hai thôi…

- Và tự học là chính…

-Tự học là chính. Nhưng đời sống nông thôn nó đã là máu thịt của anh ấy rồi. Cho nên anh ấy viết gì cũng khiến chúng ta phải thấy rằng, đúng, anh ấy là nhà văn của nông thôn chứ không phải một nhà văn nông nghiệp. Chúng ta khi viết về nông thôn thường chỉ bộc lộ ra rằng, chúng ta là nhà văn của nông nghiệp. Các nhà văn khác cũng là tiếng nói của đất của nước cả thôi nhưng đọc thì cứ như là chúng ta triển khai ra mọi thứ từ những chính sách…

- Chứ không phải từ đời sống thực của nông dân…

- Anh Bội cũng có lúc muốn làm thế nhưng đọc các tác phẩm của anh cứ thấy sự sống nó nhấp nhỏm ở bên trong. Nó như cứ vỡ ra một cái gì đấy. Mọi so sánh đều không chuẩn xác nhưng những nhà văn như Ngô Ngọc Bội họ trưởng thành từ cỏ cây, từ nhà quê, thành thử ra khi họ viết thì đúng họ là nhà văn của thế giới chân đất. Còn những nhà văn khác, có thể hào hoa hơn, có thể dễ đọc hơn, nhưng vẫn là một tiếng nói gián tiếp.

- Tôi hiểu rồi. Nhưng trong sinh hoạt thì bác Ngô Ngọc Bội là người như thế nào? Có uống rượu nhiều không?

- Anh Bội uống rượu chứ. Cũng thích rượu lắm, nhưng không bị say bao giờ cả… Báo Văn Nghệ hồi ấy có cả một nhóm thích rượu lắm mà nhà thơ Hoàng Trung Thông từng đứng đầu. Hoàng Trung Thông trong thời gian làm sếp ở báo Văn Nghệ chỉ rủ tôi đi uống rượu là chính…. Hồng Thanh Quang biết không, hồi ấy mà được ai biếu một chai rượu chanh là oách lắm. Anh Thông tính thích rượu nhưng lại rất nghiêm cản, ai biếu chai rượu nào cho cơ quan đều bảo ghi sổ từng chai một và cho cất vào kho. Nhưng có lần, khi tôi còn là phóng viên của báo Văn nghệ giải phóng, từ miền Nam ra, thì anh ấy bảo, Nam Bộ uống được rượu, nhưng bây giờ trong phòng tôi hết rượu rồi, các nhân viên cũng về hết rồi, nên anh ấy mới sai tôi và anh Hồng Phi, công kênh nhau ra chỗ phía sau trụ sở báo, móc lấy một chai Lúa mới để chiêu đãi nhau.

- Tội nhỉ, bây giờ rượu thì nhiều mà người mà mình muốn chiêu đãi rượu lại không nhiều…

- Mỗi thời mỗi khác… Hồi trước vui lắm. Anh Bổng cũng uống dữ lắm, càng về sau càng uống dữ…

- Có bao giờ trong cơn say rượu các anh to tiếng với nhau không?

- Không, không có… Thế mới buồn cười chứ… Anh Hoàng Trung Thông khi say rượu thì lành như đất. Chỉ có ngủ và lành như đất. Và nói chuyện hay, anh Hoàng Trung Thông ấy… Không biết ở nhà ông ấy thế nào nhưng ở cơ quan là thế… Nhìn chung thì tôi thấy thế này, tờ báo Văn Nghệ khi đó nó đầy những cá tính, và thế là đúng, nhà văn thì phải có cá tính… Chỉ ở sau này thì mới nảy sinh những chuyện này chuyện kia…

Hồng Thanh Quang.



_________________________________________________________

No comments: