Wednesday, December 30, 2015

Nguyễn Bắc Sơn


Lần đầu tiên một nhân vật tiểu thuyết có chức danh này
Khi ông còn đương nhiệm, tôi vẫn gặp ông vào sáng thứ ba hàng tuần. Nghe ông nói về vụ này vụ khác, chuyên đề này, định hướng kia cho hoạt động báo chí cả nước trong tuần… Cách ông nói giàu sức thuyết phục vì nó có tình, có lí không thể phản biện được. Cái ông nói là chuyện cụ thể ai cũng biết nhưng đã được nâng lên thành vấn đề hoặc là phổ quát, hoặc rất nhân bản, nhân văn.
Có lần, một tờ báo viết cả tên một phụ nữ bán dâm, khiến con chị phải chuyển trường khác vì bị bạn bè xa lánh, chế giễu. Đôi mắt sáng của ông tóe lửa gay gắt:
- Có thể một số cô gái chọn việc này, nhưng nhiều người bị đẩy vào con đường này. Các anh không để cho người ta sống à? Thử hỏi những ai vào nhà nghỉ, khách sạn với những người như mẹ nó?
Cả phòng họp lớn im lặng. Bất ngờ ông tung ra một câu choáng người.
- Chính các bố chứ ai?
Vừa nói tay ông vừa xòe ra, hua hua phía trước, chỉ tất cả đám đông ngồi trước mặt.
Vậy mà tất cả ngồi im. Không một ai lên tiếng phản đối. Không phải tất cả đều đã từng làm việc ấy nên không dám cãi. Mọi người đều biết, theo thống kê của công an, có một tỉ lệ không nhỏ công chức đã làm việc ấy. Nhưng ai cũng đọc được tâm trạng bức xúc của ông khi trút giận lên các nhà báo, nói chung không chừa một ai, nhưng thật ra không có ý chỉ một ai. Ngừng một lúc ông mới hạ giọng:
- Phải có cái nhìn nhân ái với mọi người chứ không phải cứ nói cho thích khẩu để câu khách.
Việc này tất cả những người dự giao ban hôm ấy đều biết, đều chịu trận. Nó để lại trong tôi một vết hằn sâu nơi vỏ não. Sau đấy nhiều năm, lại hiện lên, sống động trở thành một chi tiết để tôi khắc họa nên tính cách nhân vật của mình.
Ông nói cũng thế, viết cũng thế, trò chuyện trên truyền hình hay trên báo in nhất là tờ An ninh thế giới giữa tuần, cuối tuần cũng thế. Người nghe, người đọc đều tâm phục khẩu phục.
Nhiều người làm công việc như ông, có lối nói lấy được, nói vơ vào kiểu tư duy duy ý chí. Những năm sáu mươi của thế kỉ trước, một người làm công việc như ông ở một tỉnh nhiệt tình ca ngợi:
- Máy cày của Liên Xô á? (thực ra là máy kéo để kéo máy cày, máy băm đất…). Khi chiến tranh xảy ra, liền biến thành xe tăng.
Các thầy giáo cấp ba ngồi dưới không dám cười. Cái nhà máy sản xuất máy kéo thời bình khi chiến tranh vệ quốc sắp xảy ra, liền chuyển sang sản xuất xe tăng, pháo, pháo tự hành… chứ.
Nhiều năm liền nghe ông nói cấm thấy một ai cười, trừ những chuyện cười vui.
Ông để lại trong tôi một ấn tượng sâu nặng. Tôi làm công tác quản lí báo chí xuất bản nên cũng nhiều suy nghĩ trăn trở về công việc. Cũng đã từng viết về công việc ấy trên tạp chí Cộng sản,Công tác tư tưởng văn hóa, báo Nhân dân, Nhà báo và công luận… Cũng đã có lần được mời vào tổ biên tập văn kiện đại hội Đảng bộ thành phố nên khi nghỉ hưu, chuyển hẳn sang viết văn, chủ yếu là viết tiểu thuyết mà là tiểu thuyết chính sự, chính trị xã hội, tôi nảy ra ý tưởng, phải đặt báo chí vào một vị trí xứng đáng trong tiểu thuyết của mình. 

Thế nên một nhóm nhân vật là nhà báo xuất hiện trong Luật đời và cha con (đã chuyển thể thành phim truyền hình, mang tên Luật đời, được khán giả bình chọn là phim truyền hình nhiều tập hay nhất năm 2007) và Lửa đắng tập 2: Công - công tác quản lí báo chí trên địa bàn; Nhâm - nữ tổng biên tập tờ Chính luận; Thu Phong - phóng viên của Nhâm; Phạm Năng Triển - Tổng biên tập tờ Thời luận; và ông Thụ, với chức danh đàng hoàng Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.
Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, trợ lí Tổng Bí thư là nguyên mẫu nhân vật Thụ. Trừ chuyện có thật đã kể, tất cả các chi tiết, tình tiết của nhân vật Thụ khi giao ban báo chí với các tổng biên tập, khi làm việc với các đối tượng các cấp, khi đối thoại với cấp trên đều là hư cấu trên cơ sở hồn cốt, cốt cách của ông.
Vì Lửa đắng có gần bảy mươi nhân vật đề cập đến vấn đề cơ chế, hệ điều hành cơ chế, đội ngũ cơ chế với những nhân vật có chức danh rõ ràng, có số phận hẳn hoi nên bản thảo qua bảy nhà xuất bản từ Bắc vào Nam đều không được chấp nhận. Có nhà xuất bản nhận nhưng với điều kiện bìa trắng (không họa sĩ trình bày) chỉ có tên tác giả, tên tác phẩm kèm theo dòng chữ “tài liệu tham khảo” (vì nhà xuất bản này không có chức năng xuất bản sách văn học) mà cuối cùng cũng không xong.
Rất may có người giới thiệu với nhà văn Trần Dũng, quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao động. Anh Dũng rất thích phim Luật đời, nên khi đọc Luật đời và cha con bảo, phim chỉ bằng 50 - 60% truyện thôi. Đến lúc đó tôi mới đưa bản thảo Lửa đắng ra. Anh đọc một ngày một đêm, gọi điện mời đến làm việc, nhưng trước hết xin được ôm hôn để tỏ lòng thân thiết ngưỡng mộ.
Vậy là viết mất hơn một năm, chạy nhà xuất bản mất một năm mới có nơi nhận.
Nộp lưu chiểu rồi, lại bị người ta “tâu” lên Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương rằng “phạm húy”.
Lo sốt vó, mang ngay sách đến tặng nguyên mẫu Hữu Thọ (đang ở cương vị trong ban trợ lí Tổng Bí thư). Ông bảo: 
- Mình cũng rất bận, lại cũng hay được anh em tặng sách. Có ngày nhận được đến ba cuốn, nên không đọc được ngay đâu.
- Em cũng biết thế. Nhưng cuốn này có những nhân vật trước nay chưa từng có, trong đó có cả… anh, lại có thể bị “thổi còi”… nên em muốn được anh bớt chút thời gian đọc.
Bất ngờ, một sáng chủ nhật, ông gọi điện đến.
- Đọc An ninh thế giới mới biết ông mới ốm dậy. Khỏe chưa?... Sách ông đọc được một mạch đấy!
- Thế có “phạm húy” không ạ?
- Có gì mà húy với kị. Tốt chứ sao. Thời này, mở cửa ra đã thấy mùi tiểu thuyết rồi.
- Thế nhân vật Thụ ạ?
- Tinh thần, tư tưởng được. Nhưng ông… cho tôi nhiều cái được quá! Tôi đâu được thế.
- Nhân vật lí tưởng mà anh.
Không thể con cà con kê như với bạn bè được. Tôi nói:
- Cảm ơn anh đã gọi. Thú thật là em... nhẹ hẳn người.
Quả thật, sau đó, nhà thơ Nghiêm Huyền Vũ, chuyên viên cao cấp của ban được giao đọc thẩm định Lửa đắng kể với tôi, không phải chỉ có lời giới thiệu sách của phó giáo sư, nhà thơ Vũ Duy Thông - Phó Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mà ai đọc cũng nhận ra tâm thế người viết là người trong cuộc, là xây dựng chứ đâu phải là người đứng ngoài chửi đổng cho sướng miệng.
Nhưng quan trọng nhất là từ nguyên mẫu Hữu Thọ mà tôi nảy ra ý tưởng dựng một “bè” báo chí cho bản hợp xướng nhiều bè làm đa đạng phong phú cho tiểu thuyết của mình
N.B.S


No comments: