Tuesday, December 29, 2015

Người không chân dung*

(Nhân đọc Hồi kýcủa tướng Markus Wolf )

Thế Dũng

Rốt cuộc ấn bản tiếng Việt cuốn Người không chân dung của tướng Markus Wolf đã được VIPEN xuất bản nhân dịp hai nước CHLB Đức và CHXHCN Việt Nam kỷ niệm 40 năm (1975-2015) thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cuốn sách cũng ra mắt nhân dịp người Đức kỷ niệm 25 năm thống nhất nước Đức (1990-2015) và nước CHXHCN Việt Nam vừa trải qua lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất Bắc Nam (1975-2015) và lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70 (1945-2015). Dù VIPEN tình cờ hay cố ý để “nhân dịp” thì trước hết độc giả Việt ngữ rất muốn biết vị tướng này là ai.
1. Markus Wolf là ai?
Markus Wolf tuổi Nhâm Tuất. Ông sinh ngày 19 tháng 01 năm 1923 mất ngày 09 tháng 11 năm 2006. Vị Đại tướng trùm tình báo của cộng sản Đông Đức lại sinh ra ở Tây Đức – tại Hechingen, một thành phố nhỏ ở Würtenberg. Ông là con trai cả của nhà văn, nhà bi kịch Friedrich Wolf, một người Do Thái ngưỡng mộ chủ nghĩa Marx – là một nhà văn Đức tầm cỡ tới mức nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23.12.1888 – 23.12.1988), người ta đã đặt tên Friedrich Wolf cho một con đường gần sông Rhine ở phía Nam thành phố Bonn.
Mẹ ông, tên là Else. Bà “là người điềm đạm và hiền hậu nhưng không thiếu can đảm cho dù phải chịu đựng những lục soát thô bạo của Quốc xã trong nhà hoặc của công an mật vụ Stalin.” (Người không chân dung, Chương 2- Thoát khỏi ác bóng Hittler)
Cả hai đều là các thành viên cốt cán của Đảng Cộng sản Đức. Từ khi Đức Quốc xã lên ngôi gia đình Wolf lọt vào danh sách bị truy nã. Bố ông chạy trốn sang Pháp. Sau đó, 1934 cả hai vợ chồng cùng hai cậu con trai Markus Wolf và Konrad Wolf chạy sang Moscow và xin tỵ nạn chính trị tại đó. Để rồi suốt mười năm sau (1934-1944), hai anh em ông được giáo dục và uốn nắn theo khuôn mẫu giáo dục của Đảng Cộng sản Nga.
Khác với em trai Konrad Wolf, không trở thành người lính trong hàng ngũ Hồng quân để trở về Đức vào năm 1944, Markus Wolf theo học Đại học Hàng không tại Moscow từ năm 1940. Mùa hè năm 1942, ông được cử đi học ở Trường đặc biệt của Quốc tế Cộng sản ở Ufa như là bước chuẩn bị cho hoạt động điệp báo. Năm 1945, chàng Markus Wolf 22 tuổi được Đảng Cộng sản Đức biệt phái về thành phố Berlin hoang tàn đổ nát để xây dựng và điều hành một Đài phát thanh.
Nhờ vốn tiếng Nga, chàng giao lưu thân mật với hầu hết các cấp lãnh đạo quân đội Xô Viết trong vùng chiếm đóng của Liên Xô và những người Đức lưu vong nhờ sống sót mà sau này được đưa lên hàng thủ lĩnh. Năm 1949, nước CHDC Đức ra đời. Tháng 8 năm 1951, Cục Tình báo Chính trị Đông Đức được thành lập bởi quyết định của Bộ Chính trị Đảng Xã hội Thống nhất Đức. Ngày 16 tháng 08 năm 1951, Cơ quan Tình báo Đối ngoại của CHDC Đức được lập ra ẩn dưới danh xưng là Viện Nghiên cứu Kinh tế. Những khởi sự đầy tài năng của Markus Wolf lập tức được các lãnh đạo phát hiện. Họ lập tức gửi chàng sang Moscow vài năm liền để hoạt động như là một nhà ngoại giao của CHDC Đức. Sau đó, tháng 12 năm 1952, năm bản mệnh chàng mang số Một, Markus Wolf được trao quyền lãnh đạo Cục Tình báo Hải ngoại của CHDC Đức. Lúc đó, chàng mới suýt soát 30 tuổi. Chàng tuổi Nhâm Tuất. Quả là Nhâm biến vi Vương. Ngày tháng năm sinh của chàng (19-01-1923) có tới ba số 1, hai số 9, một số 2, một số 3. Cho nên cả đời chàng thường xuyên là kẻ đứng đầu, hay đạt tới hoàn hảo, đôi khi cô đơn cùng cực vì cũng đa tình. May mà sự thông thái tiềm tàng luôn bừng sáng ở những bước ngoặt cho nên chàng đã thành danh, đạt nghiệp trong thời đại tàn bạo mà vẫn bảo toàn sinh mệnh. Chỉ có điều chàng không ngờ CHDC Đức đã chỉ tồn tại và phát triển tới năm thứ 40.
Ngay trong Lời mở đầu, Markus Wolf đã khẳng định: “Trong vòng ba mươi tư năm tôi đã giữ chức vụ Giám đốc cơ quan tình báo hải ngoại của Bộ Công an của nước CHDC Đức. Ngay cả những kẻ thù gay gắt nhất của tôi cũng công nhận đây có lẽ là cơ quan năng lực nhất và hiệu dụng nhất lục địa Châu Âu.”
2. Markus Wolf – một bậc thầy lớn của tình báo thời Chiến tranh Lạnh

Markus Wolf & phu nhân Andrea (trái) 27 tháng 5 năm 1997 – Photo. rnd

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng đã thừa nhận: “Dưới thời Markus Wolf, Cơ quan tình báo đối ngoại Đông Đức trở thành một trong những tổ chức hiệu quả nhất trên thế giới.
Năm 1986, Đại tướng Markus Wolf nghỉ hưu. Nhân sự trong bộ máy công an của Đông Đức được báo chí, chính khách và quan tòa coi là kẻ thù của nhân dân. Ngày 15 tháng 1 năm 1990 Bộ Nội vụ Đông Đức bị dân chúng tấn công và phanh phui một số tài liệu cho thấy cảnh sát chính quyền Đông Đức đã theo dõi từng người dân Đông Đức như thế nào làm cho dân chúng càng thêm phẫn nộ. Sau khi bức tường Berlin và chủ nhân của nó là chế độ Đông Đức sụp đổ, ông chạy sang Nga.”
Sự thật là “sáu ngày trước ngày 03 tháng 10 năm 1990, ông Wolf và bà Andrea, người vợ nhỏ hơn ông 13 tuổi, đào thoát khỏi Đông Berlin, trốn qua biên giới Áo, và một vài tuần sau tìm đường tẩu thoát – dù sao thì ông Wolf cũng biết khá rõ kỹ thuật này – sang Hungaria, rồi sang Ukraine và đến Nga.” (Graig R. Whitney, Lời tựa cho Người không chân dung). Bởi ông biết rất rõ mình sẽ bị đi tù vì nước Đức thống nhất sẽ đòi ông trả những món nợ thời cuộc. Người ta đoan chắc: lúc 12 giờ đêm ngày nước Đức thống nhất, ông đã nhấc điện thoại gọi tới bạn bè của ông ở KGB để bàn tính kế hoạch xin tỵ nạn chính trị tại Moscow. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, ông phải trở lại Đức khi cay đắng nhận ra rằng nước Nga đã không còn muốn chứa chấp ông. Lúc đó trong mắt Gorbachev, người đang đặt cược tương lai của nước Nga vào mối giao hảo với Helmut Kohl và CHLB Đức thì dù M.Wolf có là bạn thiết của KGB thì ông cũng chỉ còn là “biểu tượng của một quá khứ không đáng tin cậy”. Với bản lĩnh một vị tướng tình báo, ông ra đầu thú tại biên giới Áo và bị bắt tức thì. Nhờ sự can thiệp của bè bạn và các cộng tác viên cũ tại Đông Berlin, sau đó ông được tại ngoại để hầu tra.
Thực ra ông đã có thể không bị bắt nếu chấp nhận hợp tác với CIA. Nguyên do: “Năm 1990, CIA chỉ biết là có một người đang bán những bí mật sâu kín nhất của họ và đã gây thiệt hại chí mạng. CIA lúc đó nghĩ rằng ông Wolf có thể giúp họ tìm ra tên phản bội.
Ngày 22 tháng 05, Gardner A.Hathaway, gần đây đã về hưu rời chức phụ tá giám đốc phản gián, đến căn nhà an dưỡng của ông Wolf… Hathaway đưa ra một đề nghị rất đặc biệt: Xin ông giúp chúng tôi và chúng tôi sẽ đưa ông ra khỏi nước Đức để sang Hoa Kỳ trước khi họ đến bắt ông vào tháng Mười. Đưa tôi sang Hoa Kỳ trước đã và chúng ta sẽ nói chuyện tại đó, ông Wolf đáp lời đề nghị; nhưng ông Hathaway nhấn mạnh: Không có thỏa thuận hợp tác thì không có vé máy bay. Ông Wolf nhìn nhận rằng lời mời rất hấp dẫn mặc dù ông chỉ ước định những gì mà CIA muốn ông giúp đỡ. CIA đã có một danh sách ghi vào phim của tất cả những nhân viên của ông. Ông biết chắc chắn như vậy; vì danh sách này đã được bí mật thu thập do các tay chiêu hồi hoặc tham lợi thuộc thành phần viên chức HVA cung cấp (CIA sau này xác nhận là họ có những thông tin này nhưng vào năm 1999 họ từ chối trao lại danh sách này cho chính quyền Đức khi chính quyền Đức yêu cầu). Nhưng có lẽ CIA muốn biết thêm tin tức nằm ngoài danh sách này. Có lẽ họ cũng muốn học hỏi ông Wolf về những phương thức hành động của Xô Viết với mục đích huy động nhân viên phản gián tại Langley (Trụ sở tình báo CIA tại Hoa Kỳ) để truy tìm những nhân viên của Moscow”.
Khi ông quyết định không tiết lộ những gì ông biết có nghĩa là ông đã gây bực tức cho Washington và ông từ chối việc đào thoát sang Mỹ. Đương nhiên, như vậy thì Markus Wolf không thể thoát khỏi sự truy đuổi ráo riết của Bonn khi mà Gorbachev đã lạnh nhạt với ông.
Ông điềm nhiên đối diện nhiều lần với Pháp đình CHLB Đức trong tư thế điêu linh của kẻ thua cuộc suốt từ mùa Xuân năm 1993 đến tháng Năm 1997. Ông và các luật sư của ông luôn luôn kháng án và thành công từng bước. Cuối cùng Markus Wolf được tự do sống một đời sống thường dân. “Nhưng tự do của ông khiến các kẻ thù cũ của ông tại Đức phải nghiến răng vì họ quyết tâm muốn ông phải khai báo” (Graig R.Whitney, tư liệu đã dẫn).
Có thể nói, trong những bước đường cùng, Markus Wolf vẫn luôn ứng xử một cách chủ động để tự vệ và thoát hiểm để tiếp tục sống như ông muốn. Ví dụ, ngày 12 tháng Ba năm 1996, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Berlin đã tố cáo Markus Wolf về tội phạm liên quan đến những hành động khủng bố (một tội danh mà ngay cả chính quyền Tây Đức cũng không dám cáo buộc) để yêu cầu Sở Di trú và Quốc tịch Hoa kỳ không cấp cho ông giấy phép đặc biệt để ông vào Mỹ. Lập tức, một tuần lễ sau (19.03.1996), Markus Wolf đã yêu cầu Bill Clinton can thiệp trong một lá thư bằng tiếng Anh gửi trực tiếp cho Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, lá thư này cũng không giúp gì cho Markus Wolf. Một năm sau (1997) cuốn Người không chân dung đã được xuất bản tại Hoa Kỳ. Kết thúc lời mở đầu của cuốn sách Markus Wolf khẳng định: “Bất cứ lịch sử nào có danh xưng là lịch sử không thể chỉ do kẻ thắng trận viết ra.”
Graig R.Whithney, một chuyên gia người Mỹ – tác giả Lời tựa cho ấn bản tiếng Anh của cuốn sách – đã nhận định: “Mặc dù sống trong sự điêu tàn của một thất bại chính trị lớn hơn, ông Wolf vẫn tỏ ra hãnh diện một cách ngoan cố về những thành tích nghề nghiệp của ông… Những điều không nói ra trong sách sẽ làm thất vọng những độc giả mong muốn tìm thấy lời khai thú trong đó. Nhưng những lời khai thú trong nghề điệp báo thường là táng mạng; và ông Wolf là một con người cũng muốn thụ hưởng cuộc đời. Đọc ông Wolf để có một thoáng nhìn khâm phục, chỉ một thoáng thôi, để đi sâu vào tâm não đầy sức thu hút của một trong những bậc thầy điệp báo lớn của thời đại chúng ta, một người mang dấu ấn của cuộc Hỏa diệt Do Thái do Đức Quốc xã phát động và sau đó là của cuộc phân tranh ý thức thức hệ thời chiến tranh lạnh…” .” (Graig R. Whitney, Lời tựa cho Người không chân dung)
3. Một nhân cách trí thức kiệt xuất


Markus Wolf (1989)
Ngoài Lời vào sách của dịch giả Nguyễn Gia Thưởng, Lời mở đầu của Markus Wolf và Lời tựa của Graig R.Whitney, nội dung cuốn sách do VIPEN xuất bản bao gồm trọn vẹn 17 chương:
1. Cuộc đấu giá
2. Thoát khỏi ác bóng Hitler
3. Học trò của Stalin
4. Cộng hòa Dân chủ Đức lớn mạnh và tôi lớn theo
5. Vừa học vừa làm
6. Khruschchev mở mắt cho chúng tôi
7. Giải pháp bê tông
8. Làm gián điệp vì tình
9. Hình bóng của Thủ tướng
10. Nọc độc của sự phản bội
11. Tình báo và phản gián
12. “Những biện pháp tích cực”
13. Phong trào khủng bố và nước CHDC Đức
14. Trong lòng địch
15. Cuba
16. Chấm dứt trật tự cũ
17. Lời kết
Không chỉ tựa vào các cột mốc thời gian sự hồi tưởng của tác giả khởi sự từ chiều sâu những chủ đề. Cách cấu trúc Hồi ký bộc lộ rõ lối tư duy mạch lạc, sâu sắc của một vị tướng tình báo chiến lược. Dù sao đi nữa, chính quyền Stalin đã cứu gia đình ông thoát khỏi sự hủy diệt của Đức Quốc xã cho nên ngay từ khi còn trẻ ông nhận trách nhiệm và quyền lực mà Cộng sản Đông Đức giao phó một cách say mê và tận tụy. Tuy vậy, trong chương 6, ông đã tâm sự “Chúng tôi cảm nhận ngôn ngữ tố cáo Stalin của Khrushchev có vẻ mơ hồ và thiên kiến. Nhưng vào lúc đó, chẳng khác gì chúng tôi bị một nhát búa trên đầu. Khi tôi đọc xong bản diễn văn trên báo chí phương Tây (của Khrushchev) trên báo chí Tây phương, phản ứng đầu tiên của tôi là đem bức chân dung của Stalin treo trên tường xuống và đá nó vào một góc. Tôi không thể nói rằng những gì tôi vừa đọc gây chấn động cực kỳ nơi bản thân – vì tôi biết quá nhiều qua những kinh nghiệm cá nhân của tôi trong cuộc sống ở Liên Xô. Nhưng từ đó xuất phát nỗi đau khi tôi nhìn xuống vực thẳm hiển hiện những tội ác của ông.” (Người không chân dung, Chương 6 – Khrushschchev mở mắt cho chúng tôi).
Theo như Hồi ký Mùa thu 1989 của Egon Krenz, khi Markus Wolf còn tại nhiệm, Honecker xếp ông vào diện người tài, 75 tuổi mới được nghỉ hưu. Cho nên, dù đệ đơn từ năm 1986 lúc mới 63 nhưng mãi tới 1987, 64 tuổi Markus Wolf mới được Bộ Chính trị CHDC Đức chính thức đồng ý cho ông từ nhiệm với lý do cá nhân và gia đình. Thực tình là ông có tham vọng hoàn tất những cuốn sách. Cũng theo Egon Krenz, ngày 26/06/1989, Wolf đề nghị Honecker cho phép ông được trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông của CHDC Đức và phương Tây. Do lúc bấy giờ Honecker đang nghỉ phép nên Egon Krenz hứa với Wolf sẽ xin Honecker phê chuẩn. Nhân dịp đó, Egon Krenz đã đề nghị Wolf: “Tiện dịp anh ở đây, tôi muốn nghe anh nhận định tình hình CHDC Đức hiện tại ra sao?”. “Thực ra tôi không được chuẩn bị” – Wolf trả lời. “Mischa, anh đi giới thiệu sách nhiều nơi, có quan hệ với nhiều người. Hãy cho tôi biết anh có ấn tượng gì. Tôi rất muốn biết. Wolf bắt đầu kể: “Tôi lo lắng khi nghe những tin tức tiêu cực về Liên bang Xô viết trên các phương tiện truyền thông của ta. Tự chúng ta làm hỏng hình ảnh Chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không tận dụng cho mình làn sóng cảm tình do Gorbachev tạo ra. Một điều tệ hại lớn trong phong trào cộng sản quốc tế là chủ nghĩa chủ quan. Trung ương Đảng cần phải quyết định chứ không phải bộ máy quan liêu của nó. Quan trọng là phải đưa ra được nhiều lựa chọn. Vai trò của các Đảng liên minh và Công đoàn ở ta cần phải được đề cao. Trong những vấn đề về chính sách văn hóa, Đảng không được phép là người điều hành trong khủng hoảng. Phải nghiên cứu chính xác việc công dân rời bỏ CHDC Đức. Chúng ta phải hiểu rõ tại sao mọi người từ bỏ chúng ta”. (Mùa Thu 1989, Herbst 1989-Edition ost, 2014, trang 105, Thế Dũng dịch). Egon Krenz đồng ý và chia sẻ với các nhận xét của Wolf. Tuy vậy, lúc đó ông đã không nói ra một điều hệ trọng (mà ông vừa tuyên bố ở Moscow mấy hôm trước) với Egon Krenz. Mãi đến năm 1991, trong cuốn “Nhiệm vụ tự trao”,Wolf thuật lại, ở Moscow ông đã nói thẳng thừng với các đồng nghiệp KGB của mình là ông không trông mong gì được nữa vào các vị lãnh đạo SED. (Mùa Thu 1989 – Herbst 1989, Edition ost, 2014, trang 106, Thế Dũng dịch)
Từ tháng Năm năm 1990, Markus Wolf đã không bán danh dự để có thể có một chuyến sang Hoa Kỳ trong sự bảo đảm của CIA khi CIA yêu cầu ông ra tay giúp họ. Năm 1996, hy vọng nhập cảnh vào Mỹ theo con đường công chính nhân việc xuất bản cuốn sách của ông cũng tiêu tan. Vừa đối diện với Tòa án CHLB Đức, ông vừa điềm nhiên tiếp tục sống và làm việc như một người cầm bút để hoàn thành những cuốn sách của đời mình. Cho đến khi ông qua đời vào ngày 09 tháng 11 năm Bính Tuất (2006) số tác phẩm mà ông để lại cũng như số tác phẩm người khác viết về ông đã khẳng định Markus Wolf là một nhà văn giàu tri thức chính khách. Trong lời dẫn nhập nhân dịp tái bản Cỗ xe tam mã (Die Troika, xuất bản lần đầu 1989 tại Aufbau-Verlag và tái bản tại Rororo Verlag năm 1991) ông đã chân thành bộc lộ: “Rõ ràng chủ nghĩa xã hội đã thất bại trên đất Đức, tôi đã nhìn điều đó với sự tuyệt vọng. Và luôn đau đớn tự hỏi mình trong khi làm việc với bản thảo của cuốn sách về một lối thoát có thể tìm cho tôi và gia đình một vị trí trong nước Đức thống nhất.
…Tôi đã viết trong những bức thư gửi tới Tổng thống CHLB Đức Richard von Weizsäcker, tới Willy Brandt và ông Hans-Dietrich Genscher rằng không gì có thể dứt thâm tâm tôi ra khỏi nước Đức. Đó là xứ sở của cha mẹ tôi. Tại đây họ đã tìm thấy cuộc sống hiệu quả sau những năm tháng lưu vong dằng dặc, mộ của họ, mộ của em trai tôi đang nằm ở Berlin. Với tôi nước Đức là nơi mọi nỗ lực, mọi nghị lực, tình yêu và mọi hoạt động của tôi đã diễn ra một cách tích cực trong sáng suốt và trong sai lạc”. Cho nên, lưu vong lần thứ hai với tôi là một sự vô ơn”. (Geleitwort zur Taschenbuchausgabe – Februar/Oktober 1990, Thế Dũng dịch).
Lời lẽ của vị tướng tình báo trong Chương Lời kết của cuốn Hồi ký cho ta thấy bản lĩnh tự thanh lọc của ông: “Kể từ những biến cố quan trọng năm 1989, tôi đã tự hỏi nhiều lần tại sao nước CHDC Đức đã thất bại một cách thảm não và ngoạn mục như vậy. Tôi đã tự hỏi là tôi đã chờ đợi quá lâu để lớn tiếng nói lên những gì tôi thực sự suy nghĩ và cảm nhận. Không phải vì thiếu can đảm mà vì tính chất vô bổ của những lời phản đối trong suốt quá trình lịch sử của nước CHDC Đức đã khiến cho tôi phải tĩnh lặng. Đã quá nhiều lần tôi chứng kiến những lần phản kháng mãnh liệt chỉ đi đến việc gia tăng đàn áp và tước bỏ quyền tư duy độc lập hơn nữa. Tôi tin rằng những cuộc thương thuyết kiên trì và bình lặng cuối cùng sẽ hiệu quả hơn trong một nước mà mọi thảo luận công khai sẽ bị bóp nghẹt vì giới lãnh đạo xem ra quá kích động và bất an để hành xử một cách tế nhị.
…Thực tế phũ phàng của nước CHDC Đức liên quan nhiều đến những lạm dụng quyền hành hơn là chế độ dân chủ và xã hội chủ nghĩa và chính vì vậy Đông Đức cuối cùng đã chết ngộp. Tôi thành thật thú nhận là chế độ của chúng tôi thua kém xa phần lớn các nền dân chủ đa nguyên của Phương Tây, kể cả sự tiện lợi về hệ thống an sinh xã hội của chúng tôi.(Người không chân dung, Chương17. Lời kết).
Ngoài hồi ký Người không chân dung (The Man without a Face - bản tiếng Anh in ở Mỹ năm 1997, và bản tiếng Đức in ở Econ & List Müchen 1998), bạn đọc có thể tìm đọc những cuốn sách nổi tiếng của Markus Wolf như: Cỗ xe tam mã (hay là Một truyện không thể quay phim – Aufbau Verlag 1989),Nhiệm vụ được giao (In eigenem Auftrag, Schneekluth, München 1991), Những bí mật của Bếp Nga(Geheimnisse der russischen Küche, Rotbuch, Hamburg 1995); Nghệ thuật của sự sắp đặt: Tư liệu, đối thoại và phỏng vấn (Die Kunst der Verstellung: Dokumente, Gespräche, Interviews, Schwarzkopf und Schwarzkopf, Berlin 1998); Bạn bè không chết (Freunde sterben nicht, Das Neue Berlin 2002). Ngoài ra, dù không còn tại nhiệm (từ năm 1987) nhưng từ khi ông được Honecker phép trả lời phỏng vấn báo chí Đông Đức, Tây Đức cũng như báo chí phương Tây (tháng 06 năm 1989), đã xuất hiện khá nhiều cuốn sách viết về ông và thời ông sống do kết quả của những cuộc giao lưu ấy. Đặc biệt, sau năm ông qua đời (09.11.2006), cuốn Markus Wolf. Đối thoại cuối cùng (Markus Wolf. Letzte Gespräche) của tác giả Hans-Dieter Schütt xuất bản tại Berlin năm 2007 đã chuyển tới người đọc những tâm sự của ông trước khi ông nhắm mắt xuôi tay. Rõ ràng, người không chân dung không muốn mang theo quá nhiều điều bí mật sang thế giới bên kia.
Không chỉ là một bậc thầy lớn của tình báo thời chiến tranh lạnh, trong tư thế nhà văn, Markus Wolf còn là một trí thức kiệt xuất.
4. Phong trào khủng bố và nước CHDC Đức
Trong Chương 13 mang nhan đề Phong trào khủng bố và nước CHDC Đức, Markus Wolf đã tự biện hộ cho mình và cho cơ quan tình báo hải ngoại của ông (HVA) một cách thấu đáo: “…Bởi vì tôi là giám đốc của cơ quan tình báo của Bộ, cho nên không ai lấy làm ngạc nhiên là tôi phải biết tất cả về những mối liên hệ của chính quyền của tôi với nhóm khủng bố. Trên thực tế, tôi biết Đông Đức có mối liên hệ với các tổ chức mà phương Tây cho rằng họ là khủng bố. Nhưng, như tôi giải thích sau đây: tôi không được biết những chi tiết công tác quan trọng. Trách nhiệm hàng đầu của tôi là tình báo, là thu thập tin tức, nhất là tin mật. Đó là điệp báo chứ không phải là khủng bố. Cá nhân tôi chưa hề can dự trong việc lập kế hoạch hoặc thực hiện những hành động khủng bố.
…Những giải thích trên không phải là để tìm cách bào chữa cho những gì đã xảy ra và tôi muốn mọi người thấy rõ mục đích của tôi không phải là để chạy tội. Thực tế là nước CHDC Đức và các cơ quan tình báo hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho những tổ chức mà chúng tôi xem là chính đáng, và một vài tổ chức đi vào con đường khủng bố giết hại thường dân trong chính sách của họ. Nước này cũng bảo vệ những kẻ khủng bố trốn chạy sự truy đuổi của CHLB Đức. Tôi không tham gia vào việc này. Những người khác đều nhúng tay. Họ làm việc của họ, tôi làm việc của tôi. Có lẽ may mắn cho tôi là Mielke, Bộ trưởng Bộ Công an, không muốn cho tôi biết; bởi vì điều này sẽ làm tôi sao nhãng không tập trung công tác thu thập những bí mật ở hải ngoại.
Có quá nhiều trách nhiệm cần được chia sẻ và rất nhiều hối tiếc cần phải bày tỏ. Tôi phải nhấn mạnh tất cả những sai trái chúng tôi đã làm không thể bào chữa được với những gì phương Tây đã làm dưới chính ngọn cờ của họ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản, đã khiến cho Việt Nam và một vài nước Trung Mỹ và Châu Phi phải điêu tàn sau khi cuộc chiến địa lý chính trị đã kết thúc. Đây là phương cách cuộc chiến đã diễn ra trên một vài chiến tuyến. Tôi không tiếp tay cho kẻ khủng bố theo đường hướng này; nhưng chúng tôi chắc chắn đã huấn luyện và đào tạo những con người theo những phương pháp mà sau này họ đã lạm dụng…
Thử hỏi chúng tôi có ý thức được những gì chúng tôi cung cấp có thể được dùng theo những đường hướng mà chúng tôi không đồng ý? Lẽ cố nhiên, nhưng tôi không tin rằng Honecker và ngay cả Mielke tìm cách chế tài những hành vi khủng bố hoặc vũ lực đối với dân thường. Với tư cách giám đốc của một cơ quan tình báo hải ngoại, tôi chấp nhận trách nhiệm về những lạm dụng này – nhưng không phải là nhận tội. Đây là một phân biệt về đạo đức mà tôi hy vọng độc giả chấp nhận để chấm dứt những thái quá của thời buổi đó…
…Tội ác thuộc phạm vi xét xử của luật pháp, trách nhiệm thuộc phạm vi của lương tâm. Nếu chiếu theo pháp luật, chỉ cần nói tất cả những hồ sơ lưu trữ được đội ngũ cần mẫn của những Ủy viên Công tố của CHLB Đức xem xét – họ đã không đưa ra được chứng cứ nào, chưa nói đến tang chứng về sự đồng lõa của tôi trong những hành động bạo lực. Tôi cũng đệ ba đơn kiện những tờ báo nói rằng tôi biết CHDC Đức chứa chấp những kẻ khủng bố Tây Đức khi Bộ Công an làm việc này; tôi không hề biết. Hơn thế nữa, tôi bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán nhập cảnh viện cớ là tôi đã có lần thương thảo với bọn khủng bố. Tôi không thấy họ trưng chứng cớ để hỗ trợ cho những Lời kết án này. (Cũng nên chú ý là CIA không hề thắc mắc khi họ mời tôi sang Hoa Kỳ năm 1990; mặc dù Bộ Ngoại giao hầu như không biết chuyện này.)
Như câu chuyện của tôi sẽ làm sáng tỏ, các bộ trong cùng một chính quyền, ngay cả những ngành có liên lạc mật thiết với nhau như Cục Đối ngoại và Cục Tình báo Hải ngoại, không nhất thiết cục này phải biết cục kia làm gì.” (Người không chân dung, Chương 13 Phong trào khủng bố và nước CHDC Đức)
Trong suốt thời gian lãnh đạo cơ quan tình báo hải ngoại dưới sự giám sát của Mielke, người đứng đầu bộ máy Công an mật vụ của CHDC Đức, Markus Wolf luôn luôn phải nỗ lực một cách quyết liệt trong cuộc đấu trí với các đối thủ. Tuy nhiên ông và Mielke luôn là hai đối cực. “Do bị ám ảnh bởi mối đe dọa bị khuynh đảo ngay trong nội bộ, Bộ trưởng Mielke đã biến CHDC Đức thành một quốc gia Công an trị hữu hiệu và tàn bạo nhất Đông Âu. Khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, Mielke đã trở thành một đối tượng mà mọi người kinh tởm. Cả ông Wolf cũng không có chút cảm tình nào với y. Ông mô tả Mielke là một tên bạo chúa, một cấp lãnh đạo mà ông luôn luôn phải đối đầu vật lộn trong những thủ tục hành chính để bảo vệ tính cách độc lập và tự trị của ngành điệp báo của ông.” (Lời tựa của Graig R. Whitney)
Dù đã thừa nhận Markus Wolf là một bậc thầy tình báo chiến lược nhưng có vẻ như người Đức đương đại ít khi còn nhắc đến ông. Một phần có lẽ vì người ta cho rằng ông đã mồ yên mả đẹp; mặt khác có lẽ cũng vì dù ông đã là một kẻ chiến bại tài giỏi và thông tuệ thì chân dung bi tráng của ông cũng đã là dĩ vãng. Nhưng với người Việt thì mặc dù đã từng là người thân quen nhưng dường như ông vẫn là một chân dung lạ; cho nên việc đọc kỹ Hồi ký của Markus Wolf vẫn rất bổ ích dù họ đang là người có quyền lực đàn áp hay họ đang là kẻ bị theo dõi - khủng bố. Chắc chắn, hồi ký của ông sẽ giúp bạn đọc Việt Nam hiểu rõ thêm lịch sử phát triển của phong trào khủng bố tại nhà nước Công an trị - CHDC Đức đã bắt nguồn từ thời kỳ chiến tranh lạnh như thế nào với Phái Hồng quân (Red Army Faction) và Tổng cục XXII.
Hiểu được Phong trào khủng bố và nước CHDC Đức, người Việt sẽ dễ nhận ra bộ mặt đa dạng gớm guốc của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu hiện đại. Và sau những thao tác siêu kết nối của tư duy thời @ họ sẽ tự cắt nghĩa được bản chất của các bạo lực được tàng hình trong những kịch bản dùng côn đồ lưu manh để đàn áp và khủng bố người bất đồng chính kiến trong các chế độ độc tài - độc đảng - độc công an.
5. Dù ông đã đem theo một ít bí mật xuống mồ

Mộ của Konrad & Markus Wolf tại nghĩa trang trung tâm Friedrichsfelde ở Berlin
Trong Lời tựa, Graig R.Whitney, người từng ở phía bên kia chiến tuyến của Markus Wolf luôn tỏ ra thán phục ông khi viết: “Không như các đồng nghiệp Stasi của ông, ông Wolf không bao giờ dùng hoạt động tình báo để làm giàu cho cá nhân mình. Bản thân ông Wolf có một sức quyến rũ mạnh, ông cao 1 thước 83, người gọn ghẽ, đầu tóc màu xám, một khuôn mặt cởi mở, và thon dài, đôi mắt nâu sâu sắc, bàn tay với ngón dài thon và thanh nhã của người trí thức. Giọng nói Đức của ông lịch lãm hùng hồn. Ông nói chuyện về Goethe và Bertolt Brecht hoặc về Tolstoi, Mayakovski cùng một vẻ lưu loát”.
Graig R.Whitney cho rằng đọc Hồi ký của Markus Wolf là để đi sâu vào tâm não đầy sức thu hút của một trong những bậc thầy điệp báo lớn của thời đại chúng ta.
Dịch giả Nguyễn Gia Thưởng (nguyên là một cán bộ tình báo của chế độ Việt Nam Cộng hòa, trước năm 1975 đã từng làm việc tại Phủ Đặc ủy trung ương Tình báo tại số 03 Bến Bạch Đằng) đã nhận định: “Đọc Hồi ký của Markus Wolf để hiểu sự thành công của ông là do sức ủng hộ mãnh liệt của những thành phần trí thức thời đó ủng hộ chủ nghĩa Mác-Lê, đồng thời cũng để hiểu sự bất lực của một cơ quan tình báo tài giỏi vào bậc nhất thế giới trước sự tàn lụi của một chế độ hoang tưởng. Bao nhiêu hy sinh để cuối cùng chẳng thể giúp cho nước CHDC Đức tồn tại. Tất cả chỉ vì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa đã hư hỏng từ trong nội tạng, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn khối xã hội chủ nghĩa Liên bang Xô viết và khối Đông Âu”.
Với tôi, Hồi ký của ông cho đến bây giờ không những là chân dung lớn của một nhà tình báo bậc thầy, một trí thức kiệt xuất mà còn là một nguồn sử liệu quý báu. Đặc biệt, ngoài giá trị văn sử, Người không chân dung đã và sẽ mang lại những sự thật sinh động chứa đựng nhiều ứng xử thông tuệ và biến thái phũ phàng của lịch sử để độc giả Việt nhận diện sâu sắc sự chuyển hóa đau đớn và tất yếu của chế độ Công an trị của Cộng sản Đông Đức.
“… Tôi biết nước CHDC Đức đã làm rất nhiều điều sai trái; trong đó có việc đàn áp chiếm một số lượng khủng khiếp. Tôi biết tôi có một phần trách nhiệm về việc này. Tôi là một bộ phận của chế độ, và nếu người ta tấn công tôi (như họ thường làm) như thể tôi là lãnh tụ quốc gia, như thể tôi có quyền kiểm soát tuyệt đối trên hết mọi sự việc xảy ra tại nước CHDC Đức, trong trường hợp này đây là một điều mà tôi sẽ phải gánh chịu... Điều quan trọng là có can đảm tranh đấu cho ý kiến của mình nếu cần, ngay cả khi đối đầu với đàn áp. Tôi đã học được bài học là cá nhân mình phải biết tôn trọng lối suy nghĩ của người khác và không bao giờ ép buộc người khác vào khuôn khổ. Nhưng trong phần lớn đời tôi và sự nghiệp của tôi, tôi đã lựa chọn kiên nhẫn chờ đợi thay đổi...”, Markus Wolf đã cay đắng chiêm nghiệm về mình trong Chương Lời kết như vậy.
Ngâm khúc đau thương cùng các khuôn mặt luật sư bị côn đồ hành hung, nghe tiếng thét đả đảo của dân oan ba miền trên nước Việt, tôi đã ứa lệ và cũng cay đắng thừa nhận: VIPEN cùng bạn đọc Việt ngữ vô cùng cảm tạ Markus Wolf vì dù ông đã đem theo một ít bí mật xuống mồ thì ông vẫn đã để lại quá nhiều bài học cho người Việt đương đại, dù Cộng sản hay không Cộng sản.
Thế Dũng
Berlin, 10 tháng 12 năm 2015 –kỷ niệm lần thứ 67 ngày Quốc tế Nhân quyền
* Người không chân dung, hồi ký của tướng Markus Wolf, trùm tình báo Cộng sản Đông Đức. Nguyễn Gia Thưởng dịch từ nguyên tác tiếng Anh: The Man without a Face. VIPEN Edition xuất bản năm 2015. Họa sĩ Thai Gottsmann thiết kế bìa. Sách dày 648 trang, khổ: 21 cm x 14cm. Trong bài này, những trích dẫn từ Người không chân dung, nếu không có ghi chú, là lấy từ bản này.

No comments: