Họa sĩ Hoàng Hà Tùng ( Ảnh: Nguyễn Đình Toán.)
Tùng Điên
Đã một thời, hễ nghệ sĩ Sài Gòn từ Bắc trở về Nam, nách trái cắp bánh cốm, thì nách phải cắp cục gì dài dài. Hỏi ra đó là tranh Hoàng Hà Tùng.
Nếu bạn tới Hà Nội, và tóm lấy một kẻ có chút liên quan đến văn hóa văn nghệ, hỏi:
- Ai nổi tiếng nhất vùng này?
Thế nào cũng được nghe trả lời:
- Dạ thưa, cụ Rùa!
Sau đó hỏi tiếp:
- Kẻ nào đẹp trai nhất?
Nhất định sẽ được trình bày:
- Thưa, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên!
Tiếp theo là câu hỏi cuối cùng:
- Ai điên nhất thủ đô?
Vậy Hoàng Hà Tùng là ai? Một doanh nhân? Một lái xe ôm? Một giáo sư hay một tên buôn ma túy?
Tất cả đều sai, đó là họa sĩ Hoàng Hà Tùng.
Đấy là nói một cách trịnh trọng, mà xưa nay người ta hay nói một cách trịnh trọng trong hai sự kiện quan trọng nhất của đời người: Đám cưới và đám tang.
Đám tang Tùng chắc phải cả trăm năm nữa thiên hạ mới hy vọng chứng kiến vì anh rất khỏe, còn đám cưới đã trở thành huyền thoại.
Tại sao huyền thoại? Tại vì phái đoàn nhà trai đi qua nhà gái một cách hùng hổ, do một họa sĩ đàn anh cầm đầu, với khẩu hiệu đưa cho cô dâu “Cưới hay là chết” (chứ không phải “Cưới ngay kẻo lỡ”). Và mẹ vợ có hai lần choáng váng, một là khi nhìn thấy phù rể Bùi Thạc Chuyên, hai là khi nhìn thấy Hoàng Hà Tùng. Hai vẻ đẹp đó quá xung đột, quá khác nhau, đều tuyệt mỹ cả.
Nhưng tất nhiên, làm nghệ sĩ chả ai nổi nhờ đám cưới, cũng chả ai nổi nhờ ly dị. Họa sĩ Hoàng Hà Tùng nổi về vẽ tranh.
Về tranh của Tùng hiện nay có hai luồng dư luận dữ dội. Một phe bảo rằng không có giá trị hơn giấy gói hàng. Một phe tin chắc đấy là những sản phẩm kiểu Picasso. Phe nào cũng đông người nhưng hôm nay nhiều kẻ thì thầm là muốn giàu có hãy làm gấp hai việc: mua chứng khoán và mua tranh Hoàng Hà Tùng.
Tùng có ngoại hình và tác phong cực kỳ giống một thiên tài. Anh vừa để râu, vừa có tóc bạc vừa hói lại vừa bù xù. Anh uống rượu nhiều, tắm giặt ít và có khả năng sáng tác lung tung. Lung tung là thế nào? Nếu Picasso có thể vẽ lên nắp thùng, lên vỏ bao thuốc lá thì Tùng có thể vẽ trong lúc say, trong một dịp tạt qua nhà ai đó hoặc trong một đêm vạ vật ở những địa điểm khả nghi. Nếu Huế giỏi về màu tím, Thanh Bình giỏi về màu trắng, Lưu Trọng Lư giỏi về màu vàng có con nai thì Hoàng Hà Tùng giỏi về màu đỏ.
Tùng Điên là một kẻ uống nhiều. Gần như một trăm phần trăm cú điện thoại anh gọi cho bạn bè được thực hiện khi đang ngồi cạnh chai rượu. Mở máy lên là thấy “tao đang uống với…” chứ chả khi nào “tao đang thảo luận với, tao đang nghiên cứu với hoặc tao đang tính toán với…”. Nếu có kẻ nào khoe “tao đang đứng trong triển lãm với…” thì kẻ đó không phải Hoàng Hà Tùng.
Tùng Điên là một đứa chơi nhiều. Anh rất hay lò mò ở các tỉnh và hay đến những địa điểm nói ra đã sởn da gà. Rất nhiều lúc đang uống với anh, bỗng anh đi ra ngoài, 15 phút sau gọi lại thì đang ở trong xe hơi chạy ra biển. Mà biển thì ai chả biết, có san hô, có cát vàng, có dã tràng, có thủy cung và có nàng tiên cá.
Đã một thời, hễ nghệ sĩ Sài Gòn từ Bắc trở về Nam, nách trái cắp bánh cốm, thì nách phải cắp cục gì dài dài. Hỏi ra đó là tranh Hoàng Hà Tùng. Anh tặng lung tung khắp cả nước. Nhưng gần đây anh đã tỉnh ra, anh không tặng nữa, mà bán rẻ. Rẻ là bao nhiêu? Như trên đã nói, tranh của Hoàng Hà Tùng là một ẩn số. Chỉ những kẻ nhanh trí, có niềm tin vào sức mạnh sâu xa của nghệ thuật và có hy vọng đổi đời một cách bất ngờ mới thu thập tranh của Tùng Điên.
Tùng Điên có thời kỳ vẽ như điên. Anh là tác giả của bức tranh sơn mài lớn nhất Việt Nam, theo lời anh tự xếp hạng. Để vẽ nó, Tùng dùng hết một trăm mét khối gỗ, hai ngàn ký sơn, ba chục ký vàng bạc nguyên chất và một giọt mồ hôi, năm ngàn lít rượu. Bức tranh ấy không bao giờ trưng bày toàn bộ vì chả lẽ vì tranh người ta lại xây một bức tường, do đó nó vẫn rải rác trong các tụ điểm văn hóa, khúc nọ khúc kia. Theo Tùng, cứ mang tranh anh ra, cưa mảnh nào thì mảnh ấy cũng hoàn chỉnh.
Do đó, toàn thế giới sẽ chỉ mình Tùng bán tranh như… bán vải. Có nghĩa là ở chợ tranh, anh cầm cái cưa, thiên hạ mang tiền đến, tùy tiền ít tiền nhiều mà anh cắt cho mảnh tranh to hay nhỏ. Kỳ lạ là mảnh nào cũng có bố cục hoàn chỉnh. Đấy là bà con đồn thế chứ tôi không tin vì Tùng có khả năng hoặc bán hai triệu đô hoặc mang tranh chất thành ván lát tường, chứ không bán lẻ.
Tùng còn hay làm họa sĩ trang trí sân khấu. Mở màn ra, nếu cái gì như sắp đè chết diễn viên, như đâm vào tim khán giả và như những mảng vỡ được khâu lại với nhau bằng chỉ tơ tằm thì đó đích thị là trang trí của Hoàng Hà Tùng. Nếu phim có cấm trẻ em dưới 16 tuổi thì trang trí của Tùng nhiều khi cấm giám khảo trên 50 tuổi vì xem nhiều có thể gặp ác mộng.
Chữ Tùng Điên luôn khuyên dùng là chữ “tao”. Đến lúc chết, có thể bạn bè anh không nghe được anh nói “tớ”, càng không hy vọng gì nghe anh xưng “tiểu đệ” hoặc “mình”, cũng chưa khi nào thấy Tùng gọi ai là “ngài”.
Tùng Điên đặc biệt giỏi khi vẽ chân dung Điên. Nếu bạn đang trầm tư, đang có tâm trạng sâu lắng, lãng mạn hoặc thổn thức thì chớ mời Tùng vẽ. Anh sẽ vẽ làm cho bạn nom như con gà luộc. Nhưng nếu bạn đang căm thù, đang hốt hoảng, đang muốn chém ai đó, hoặc đang tan nát cõi lòng thì phải để Tùng miêu tả gấp, nét mặt của bạn sẽ được khắc họa như một ánh sao băng. Nhạc sĩ Thanh Tùng có một bức chân dung do Hoàng Hà Tùng sáng tác. Mỗi lần nhìn vào đó, nhạc sĩ lại bảo anh sợ cả chính mình.
Ở Tùng Điên có một cái gì rất Hà Nội. Bừa bãi một tí, chân thành một tí, lăng nhăng một tí, huyên thuyên một tí, nghĩa hiệp một tí và thực dụng một tí. Nếu như Từ Hải “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” thì Hoàng Hà Tùng giá vẽ bên nách trái, chai rượu bên nách phải, em út trong túi quần, vợ con trên đầu, còn túi tiền nhét trong bít tất (lưu ý: bít tất không giặt thường xuyên).
Ra Hà Nội gặp cụ Rùa mà không gặp Tùng Điên thì coi như đã phí tiền vé!
-----
một giấc chiêm bao
Người ta vẫn gọi họa sĩ Hoàng Hà Tùng là “Tùng điên”.Tùng điên nổi đến độ nhà báo Lê Hoàng trong một bài viết về anh đã nói: “Ra Hà Nội gặp cụ Rùa mà không gặp “Tùng điên” thì coi như là phí tiền vé.” Nhiều nghệ sĩ tiếp xúc với anh ai cũng đồng ý, người điên nhất thủ đô, không ai khác chính là Hoàng Hà Tùng. Nhưng cái điên của Tùng rất duyên, rất riêng, rất đặc biệt, đến độ, khi Tùng điên nổi điên, thì người ta hoặc chạy toán loạn, bán sống chết, không kịp ngoái đầu nhìn lại và lần sau hễ cứ thấy mặt anh ở đâu là người ta lặng bỏ đi như thể không dây với… hủi.
Nhưng cũng lúc đấy Tùng nổi điên, ối người lại thấy hay, thích, đáng yêu cái chất của Tùng điên. Cách đây chưa lâu, người ta viết về anh là gã trai khỏe nhất Hà Thành, sức vóc của anh được ví như con trâu mộng, con sói hoang, vậy mà giờ đây, những ngày đông giá lạnh, Tùng nằm thiêm thiếp trên giường bệnh trong bệnh viện, với cả mớ dây dợ loằng ngoằng cắm vào người. Tùng bị kết luận ung thư tủy. Bệnh tật giày vò đau đớn khiến Tùng khi tỉnh khi mê. Thỉnh thoảng bạn bè đến chơi, đôi mắt ầng ậc nước dỉ ra, anh nói những chuyện gì ấy, mà chả ai hiểu được. Con trâu bị lấy mất sừng, con sói bị cướp mất tiếng…ốm o, yếu đuối, tật bệnh, đau đớn.
Họa sĩ Hoàng Hà Tùng sinh năm 1956. Anh để tóc trắng, râu trắng rậm rạp, lởm chởm, da đen nhánh như bồ hóng, giòn tan. Những vết gấp, nếp nhăn nhằng nhịt như thể đời anh là cuộc vật lộn khủng khiếp. Nhìn Tùng người ta liên tưởng đến Rôbinsơn ở đảo hoang, một mình dũng mãnh, đương đầu với sóng to gió lớn vượt trùng dương mênh mông. Tùng ít khi soi gương vì nghe nói anh lười tắm rửa, nhưng anh biết mình già vì ngay thời tuổi trẻ đã chả thấy có ai gọi mình là anh, là chú mà toàn gọi là bác, là ông.
Ai hỏi anh: “Chú năm nay bao nhiêu tuổi?”, Tùng điềm nhiên trả lời: “Tôi cũng vừa qua tuổi 70”. Thế là họ: “Ối chao phúc đức quá, nhà bác trông trẻ quá ạ”. Kì thực, Tùng khi ấy mới ngoài 40. Cứ nói vậy cho họ đỡ mất công chê già. Tùng già đến độ, một ngày đẹp trời họa sĩ lái ô tô đi lòng vòng trong phố phường Hà Nội, thả dòng suy nghĩ mông lung tận đâu, bỗng cú va quệt khiến cho anh đi xe máy gần kề chửi đổng một câu. Tùng ngồi trong ô tô hạ kính xe xuống, khiến anh đi xe máy đang hùng hổ nhìn thấy người ở trong xe liền hét lên: “Con lạy bố. Bố già cả thế này rồi, không ở nhà mà dưỡng sức, chơi với cháu lại còn đi ra đường vi vu làm gì?”. Tùng điên nghe thế, tủm tỉm cười. Kéo kính xe lên rồi lái đi thẳng. Đố biết trong đầu của họa sĩ điên đó nghĩ gì? Thực ra con cái Tùng điên vẫn còn bé. Một bé gái đang học lớp 7, một bé trai đang học lớp 4.
Không phải bây giờ trông Tùng điên mới già như thế. Cái sự già của Tùng điên gây ra chuyện tiếu lâm trong làng văn nghệ sĩ khi Tùng lấy vợ. Cha mẹ mất từ khi còn nhỏ, nên ngày dạm ngõ đến ra mắt gia đình bên vợ, Tùng rủ một người bạn họa sĩ tên Sơn đi cùng. Người bạn dáng vóc thư sinh, trắng trẻo. Ngồi cả tiếng đồng hồ, bố mẹ vợ vẫn cứ nghĩ Tùng là bố Sơn. Họ còn nghĩ ông bố đen đúa, trông gai góc, râu ria lởm chởm thế kia mà lại có cậu con trai sáng sủa thế này. Cả bố mẹ nhà gái gọi Tùng bằng
Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Họ bảo Tùng: “Hai cháu nó tìm hiểu nhau, gia đình chúng tôi và bác đồng ý thì tốt quá”. Tùng đỏ mặt tía tai, lúng búng, lúc đó vợ chưa cưới của Tùng mới đứng ra thanh minh cho chàng họa sĩ điên: “Dạ, anh Tùng đây mới là…”. Hai bố mẹ nhà gái chết sững: “Thiên hạ đâu hết cả rồi? Sao con mình lấy ông già thế này?”, Cô gái lí nhí: “Dạ, không, anh ấy hơn con 17 tuổi thôi ạ…” Cô gái ấy sau này làm vợ Tùng. Tùng lấy vợ ở rể trở thành người làng Tương Mai.
Tùng điên có một xưởng vẽ tại Chí Linh, Hải Dương. Cứ ngày nghỉ cuối tuần, Tùng lại về xưởng hì hụi, người trần, quần cộc đánh vật với những tranh sơn dầu, sơn mài. Kỉ lục của Tùng là bức sơn mài lớn nhất Việt Nam (do Tùng quả quyết thế) mà đến giờ người ta cũng chưa tìm thấy bức nào lớn hơn. Bức tranh sơn mài có tên gọi: Tranh quê bức tranh dòng sông dát vàng 24m treo kín 3 mặt tường của gian phòng hơn 200m, đã từng được trưng bày tại “Không gian văn hóa Việt” tại 79 Hàng Trống.
Có một số doanh nghiệp trả giá bức tranh này nhưng Tùng điên ra giá 7 triệu USD, khiến ai nấy rụng rời. Tùng vẽ nhiều tranh sơn mài, bức Huyền thoại cố đô, kích thước 4,5m và 1,8m. Tùng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, làm họa sĩ thiết kế sân khấu cho đêm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Sân vận động Mỹ Đình. Tùng làm thiết kế mỹ thuật cho nhiều vở diễn sân khấu. Và, anh được giám đốc NSND Trần Bình nhận về biên chế trong Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam từ hơn chục năm nay.
Tùng có tuổi thơ không mấy êm đềm, cha mẹ mất sớm, cậu trôi dạt lên Quảng Ninh tha thẩn một thời gian rồi xuống Hà Nội, là học trò cưng của họa sĩ NSND Bùi Huy Hiếu. Ngày đó, Tùng nghèo chả có mực, có giấy vẽ, tất cả đều của thầy Hiếu cho. Thầy chăm cho trò từ lọ mực, toan giấy đến bữa ăn.
Có đợt Tùng ăn ở nhà thầy cả tuần, cả tháng, thậm chí là hàng năm. Vợ thầy nấu ăn ngon, lại mến khách, Tùng đến ăn ở tự nhiên như ruột thịt trong nhà. Thầy Hiếu coi Tùng như con. Có lần, chả nhớ rõ vụ gì, thầy Hiếu giận học trò cưng của mình đến hai năm không buồn nhìn mặt. Hàng tháng trời, ngày ngày Tùng đến trước cổng nhà thầy đứng mãi ở đấy hàng giờ không chịu về. Tùng đứng đến độ muốn khuỵu cả hai chân. Thầy Hiếu bảo: “Chưa có cậu nào lì như cậu này”. Thầy chiều trò. Trò cũng chiều thầy không kém. Tùng chở thầy Hiếu bằng xe máy đi làng cổ chơi, đến nơi thầy đi dạo bộ, Tùng xuống xe dắt xe máy theo sau.
Thầy Hiếu mất cách đây cũng đã gần chục năm, vậy mà ngày 20 tháng 11 năm nào Tùng cũng mang hoa đến nhà, trịnh trọng đặt hoa lên ban thờ thầy. Ngồi lặng cả giờ đồng hồ. Cô Hồng Minh, vợ thầy Hiếu bảo: “Học trò như Tùng sống tình nghĩa lắm. Tốt nhưng điên. Điên nhưng mà duyên”. Tùng điên lên cơn điên thì coi trời bằng vung, nói năng bạt mạng, chả coi ai ra gì. Thấy Tùng như thế, một số người muốn tránh xa, chả ai dại gì đụng phải. Cá tính quái dị như vậy, người ghét cũng lắm mà người yêu cũng nhiều.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường thân thiết với Tùng điên lắm. Từ ngày Tùng nằm trên giường bệnh, nhạc sĩ Nguyễn Cường vào thăm luôn. Ông nhìn thằng em dại, hình ảnh con rái cá, con ếch ộp, con trâu mộng thường ngày, con sói hoang biến đâu mất, nhường chỗ cho thằng em dại ốm o, yếu dợt. Ung thư tụy, cái bệnh nói đến mà ghê. Nhạc sĩ của những bản tình ca sôi nổi, phóng khoáng vào thăm luôn, trên khuôn mặt ông đọng lại những giọt buồn. Đời người mới đấy thôi mà sao ngắn ngủi.
Khi tôi và hai mẹ con cô Hồng Minh vào thăm họa sĩ, ông nằm bất động trên giường bệnh. Căn phòng trắng. Giường nệm trắng. Ngoài kia là khung trời trắng. Thuốc truyền là một thứ thuốc nước màu trắng trong. Tất cả màu trắng đến đáng sợ. Vợ họa sĩ bảo, anh ấy, cứ nhìn thấy bác sĩ mặc áo blue trắng vào là sợ hãi, co rúm cả lại. Ôi! bệnh tật làm cho người ta trở nên yếu đuối và nhỏ bé vô cùng.
Tôi nhận ra nghệ sĩ Lê Vân, chị cả của nghệ sĩ Lê Khanh, Lê Vi đang ân cần chăm họa sĩ. Từ ngày hay tin họa sĩ ốm chị vào đây mấy lần. Cô Hồng Minh bảo, đấy là mối tình xuyên thế kỉ, mối tình của một kẻ si tình nhất thời đại, đến lúc già rồi mà vẫn si mê và yêu điên cuồng một người. Tùng điên yêu mê mệt Lê Vân. Lê Vân không thể yêu Tùng điên. Yêu và làm vợ một người “điên” là hoàn toàn khác nhau. Và không ai có thể đủ can đảm làm được điều đó, ngoài vợ của họa sĩ. Vợ của họa sĩ bảo: “Trong lúc ốm đau vì tật bệnh, vậy mà mỗi khi anh ấy mở mắt ra là lại ngơ ngác như muốn tìm, muốn hỏi: “Lê Vân đâu rồi?” “Lê Vân đến chưa?”…
Không biết vợ anh có ghen không? Nhưng nghe chị nói, chị rất cảm thông với chồng. Tôi tò mò hỏi Hồng Quế, con gái của cô Hồng Minh, người được xem như em gái ruột của họa sĩ Hoàng Hà Tùng: “Chị Lê Vân có yêu không nhỉ?”. Quế bảo: “Ai biết được, anh Tùng yêu chị ấy như thế cơ mà. Thời này, làm gì có ai còn yêu âm thầm một người hàng mấy chục năm trời. Nếu chị ấy không yêu thì cũng phải rung động. Trái tim có phải là đá đâu, đều là con người mà, mình mà gặp người như thế mình cũng rung động”…
Lê Vân vẫn đậm tính nữ, nhan sắc nồng nàn và ân cần chăm sóc người bệnh. Tôi nghĩ, nếu quyển tự truyện Lê Vân yêu và sống tái bản thì câu chuyện về họa sĩ Hoàng Hà Tùng với tình yêu ngây ngất và điên dại của anh, biết đâu Lê Vân sẽ có những dòng đầy tình thương dành cho anh họa sĩ “điên”…
Mỹ Trần
No comments:
Post a Comment