Posted 15/12/2015
Vũ Hoàng Anh
“Là người cầm bút và chọn cây bút là vũ khí đấu tranh của hôm nay, bạn phải đứng trong tư thế độc lập và sẵn sàng nói lên sự thật — cho dù sự thật đó ảnh hưởng đến lề trái hay lề phải, bạn vẫn phải lên tiếng. Hãy tránh xa sinh hoạt đảng phái — bởi khi bạn cầm bút thì bạn không thể nào đi song hành với đảng phái — ngoại trừ bạn muốn làm công tác tuyên truyền cho đảng phái bạn muốn tham gia“.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong quá khứ, người viết bài này đã từng tham gia vào đảng chính trị của người VN ở Hoa Kỳ. Và cũng trong quá khứ, những người bạn thành lập đảng mới mời tham gia với lý do: không thể đấu tranh một mình mà cần phải có một khối (đảng hay tổ chức) thì sự đấu tranh mới hiệu quả hơn.
Trong ca dao tục ngữ của Việt Nam cũng có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, hay có những người ví von là chúng ta có thể bẻ một chiếc đũa nhưng nhiều chiếc đũa cộng lại thì chúng ta không bẻ được. Những ca dao tục ngữ, những ví von trên nói lên sự đoàn kết, một sự đoàn kết cần thiết để đóng góp công sức vào cuộc đấu tranh của hôm nay.
Không thể phủ nhận sự cần thiết trong nhu cầu làm việc chung; một công việc mà một người, một cá nhân, hay một tổ chức không thể đảm nhận được. Cho nên nhu cầu làm việc chung là nhu cầu cần thiết và cấp bách của dân tộc hiện giờ, đặc biệt là những người trong nước, để dân tộc bắt lấy cơ hội cuối cùng của thời điểm hôm nay, thời điểm mà dân tộc có thể mất bất cứ lúc nào nếu đại khối dân tộc tiếp tục im lặng để cho đãng (cố ý dùng dấu ngã) CSVN tiếp tục hèn với giặc nhưng ác với dân hiện giờ.
Câu hỏi được đặt ra là những người cầm bút, những người sử dụng cây bút làm phương pháp đấu tranh cho chính mình và dân tộc mình – có cần thiết để tham gia (hay giúp đỡ) vào đảng phái hay không? Nếu không thì tại sao và liệu sự đóng góp của những người cầm bút đứng ngoài đảng phái sẽ đạt hiệu quả cho tiến trình đấu tranh dân chủ của Việt Nam hiện giờ?
Để trả lời câu hỏi bên trên, trước hết người cầm bút phải nhìn lại chính bản thân mình và xác định vị trí cây bút của mình trong cuộc đấu tranh này. Cây bút của mình viết cho cái gì, phục vụ cho ai? Nếu câu trả lời là viết cho sự thật, viết để nâng cao dân trí, viết để phân tích những cái giả dối được ngụy trang là sự thật thì bạn không nên tham gia (hay giúp đỡ) vào bất cứ tổ chức chính trị nào. Những tổ chức chính trị (lề trái hay lề phải) cho dù có mục tiêu đẹp thế nào đi nữa họ đều rất sợ khi ai đó đánh giá về mặt xấu của tổ chức mình, hoặc đánh giá về mặt xấu của một cá nhân nào đó mà tổ chức của bạn đang tham gia có quan hệ trên lãnh vực đấu tranh. Họ sợ mất lòng hay dùng một từ ngữ chính xác là căn bệnh bao che vẫn còn hiện hữu mạnh ở cả hai bên (lề trái, lề phải). Cho nên khi bạn tham gia và khi phải đánh giá mặt xấu của tổ chức chính trị của chính mình — thì bạn sẽ bị loại ra, hoặc không được cho phép nói trên diễn đàn đó (diễn đàn thông tin mà tổ chức chính trị đó có). Dĩ nhiên bạn có quyền chuyên tãi những gì bạn viết đó ở một diễn đàn khác, một diễn đàn không phải là diễn đàn mà bạn đang đóng góp công sức trên lãnh vực truyền thông cho tổ chức đảng phái mà bạn là thành viên (hay cộng tác viên, không phải là người trong đảng, trong tổ chức). Nói thẳng ra là công việc làm truyền thông của bạn khi bạn nằm (hay đóng góp tài năng) trong đảng phái và sử dụng cơ quan truyền thông của tổ chức để chuyên tãi những suy tư của bạn — thì bạn phải hiểu là bạn làm công tác tuyên truyền chứ không phải là công tác truyền thông đúng nghĩa của một cây bút độc lập đứng ngoài đảng phái. Bạn chỉ được quyền nói cái xấu của bên kia, tha hồ nói cái xấu của bên kia — nhưng đừng bao giờ nói cái xấu của bên “phe ta, phe mình” bởi đó là phản tuyên truyền, làm hại đến uy tín của tổ chức (hay đảng).
Là người phụ trách (cộng tác viên) chủ đề Con Người Việt Nam trên đài Đài Đáp Lời Sông núi mỗi tuần, sau hơn một năm, cá nhân người phụ trách chương trình tình nguyện rút lui – không thể tiếp tục đóng góp cho đài Đáp Lời Sông Núi chỉ bởi vì bài nhận định về đảng phái (Đảng hay không đảng) và nhận định về bài viết của ông Bùi Minh Quốc (“Đảng Ta”, “Đảng Nó” đều là đảng CSVN) không được cho phép đi trong chủ đề Con Người Việt Nam. Nói một cách dễ hiểu thì chủ đề Con Người Việt Nam này có giới hạn, khi đụng chạm đến đảng hay đến cá nhân nào đó mà những tổ chức chính trị của Đài Đáp Lời Sông Núi này có quan hệ thì không được quyền nói đến. Có nghĩa là người phụ trách chủ đề Con Người Việt Nam này có trách nhiệm tuyên truyền như thế nào đó miễn sao có hại phía bên kia (đãng csvn) và đừng mong nói về Con Người Việt Nam của phía bên mình (những người chống csvn nhưng có những quan điểm sai lầm cần phải vạch rõ cho mọi người nhận định). Chính vì sự khác biệt này mà người phụ trách chủ đề Con Người Việt Nam cho đài Đáp Lời Sông Núi đã xin rút lui, không muốn làm công tác tuyên truyền.
Bài học này cũng giống như bài học của cây bút Trần Khải Thanh Thủy đối với tổ chức Việt Tân để rồi cuối cùng bà Trần Khải Thanh Thủy phải đoạn tuyệt với tổ chức Việt Tân, tự mình làm cái công việc truyền thông thay vì làm công việc tuyên truyền.
Vậy thì — là một người cầm bút, sử dụng cây bút thay thế cây súng cho cuộc đấu tranh hôm nay — bạn không nên tham gia (hay giúp đỡ trên mặt truyền thông) vào bất cứ tổ chức chính trị nào — ngoại trừ bạn tham gia và dứt bỏ ngòi bút của mình, hoặc bạn vẫn giữ ngòi bút của mình để thực hiện tuyên truyền cho tổ chức chính trị bạn tham gia. Ngoài ra bạn không có con đường nào khác hơn là mình phải độc lập khi chọn ngòi bút là phương pháp đấu tranh cho hôm nay, cho sự thật, cho Con Người Nhân Bản mà bạn muốn tiến đến.
Vậy thì có phải chăng bạn đơn độc, sẽ không đạt được hiệu quả trong cuộc đấu tranh hôm nay? Không! Chắc chắn là bạn không đơn độc bởi bạn là một trong rất nhiều người chọn cây bút trong đấu tranh và những cây bút này, bằng nhiều cái nhìn khác nhau, góc nhìn khác nhau, cùng nhau mổ xẻ vấn đề để mọi người thấy rõ hơn — nhằm tạo ra một nền tảng tương lai của dân tộc — hầu xây dựng lại nền móng Nhân Bản, Dân Chủ trên một đất nước đã không còn biết Thiện – Ác là gì.
Công cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ hôm nay là công việc chung. Mỗi người, mỗi cá nhân cần phải liên kết để thực hiện những công tác mà một cá nhân, một đoàn thể không làm thành nếu thiếu sự hợp tác này. Đối với người cầm bút, tuy không hợp tác mặt đối mặt nhưng sẽ hợp tác trong lãnh vực cùng nhìn một vấn đề ở nhiều góc cạnh khác nhau, kinh nghiệm khác nhau để tạo ra nền tảng Dân Trí toàn diện. Đó chính là sự hợp tác vô hình, sự hợp tác tuy nhìn bề ngoài là không — nhưng có sự hợp tác để hình thành một nền tảng Dân Trí mở rộng, không đóng khung.
Là người cầm bút và chọn cây bút là vũ khí đấu tranh của hôm nay, bạn phải đứng trong tư thế độc lập và sẵn sàng nói lên sự thật — cho dù sự thật đó ảnh hưởng đến lề trái hay lề phải, bạn vẫn phải lên tiếng. Hãy tránh xa sinh hoạt đảng phái — bởi khi bạn cầm bút thì bạn không thể nào đi song hành với đảng phái — ngoại trừ bạn muốn làm công tác tuyên truyền cho đảng phái bạn muốn tham gia.
No comments:
Post a Comment