Sunday, December 20, 2015

Đường về quá khứ

Nguyễn Văn Sâm


Một sớm nọ tôi có ý muốn viếng lại cái chợ Cầu Ông Lãnh, nơi mình từng sống ba năm Tiểu học và những năm Trung học để tìm về một chút quá khứ tuổi mới lớn. Sau khi lòng vòng trong những con đường tum húm của khu Chợ Cháy trước đây vốn là khu bán guốc, bán gạo, bán đường đậu, bán thuốc rê, bán nhang đèn…, nhìn chỗ những gian hàng sung túc ngày xưa bây giờ bị xẻ thành hai, thành ba căn phòng nhỏ híu cho từng gia đình trú ngụ tôi chắc lưỡi thầm than cho chuyện đời đổi thay tuột dốc.

May quá, thằng bạn xóm giềng gần chục năm tuổi trẻ của tôi dầu xa cách hằng bốn thập kỷ vẫn còn sống ở đây. Nó phải mất chừng mười phút lục tung ký ức mờ phai mới nhận ra bạn cũ sau khi tôi nói xa gần về thời niên thiếu của nó. Nào là nó bị thằng Mẹo đánh bầm mắt, a-má nó phải luộc cả chục hột gà để lăn và ông Bảy, ngoại thằng Ba, phải đốt nhang khoán bùa hết mấy lần. Nào là có lần nó đi tắm mưa với bạn, vật lộn với tụi bên vựa trái cây và vựa chuối tới tàn cơn mưa, về nhà bị bịnh ban cua hai con mắt trỏm lơ. Nào là bọn trẻ lối xóm tối tối rủ nhau ra đường ‘Bồ-rệt’ chơi đá lon trốn kiếm thì nó phải đứng ngoài coi chừng má thằng nào tới thì báo động vì nó quá cao giò so với tụi tôi cùng lứa. Nào là mấy bữa có hát Tiều ở Chùa Bà thiên hạ người ta đi coi nườm nượp, đông quá trời mà a-má nó hễ thấy nhà thiếu mặt con Tẻng thì bắt nó đi kiếm vì sợ con nhỏ cặp bè cặp bạn đi coi hát với thằng bán thuốc…

Tôi nói tới đây thì thằng Mắc mở mắt ra thiệt lớn, cặp mắt nó tới bây giờ hơi kéo mây vẫn còn màu xanh ngơ ngác của người có trộn chút máu phương Tây, biểu lộ một sự vui mừng tuyệt cùng:

‘Vậy tao nhìn ra được mầy rồi, mầy là thằng S. hồi đó tối tối mầy ngồi bán thuốc lẻ dưới đường trước quán cơm lòng bò của chú Ba Tiều.’

‘Ừ chính thiệt là tao!’

Nhận ra lý lịch nhau rồi chúng tôi trao đổi về kỷ niệm cũ, thằng nào nhớ chuyện gì thì hào hứng kể ra, tranh nói cho hết chuyện như sợ thằng kia kể mất phần. Gần già rồi mà cảnh đời tuổi thơ của hai đứa hiện về liền xì bốc khiến hai ly cà phê đá vợ thằng Mắc đem tới mời nảy giờ tan ra nguội ngắt, mồ hôi ly tuông nhỏ giọt xuống cái bàn cũ kỹ trước mặt chúng tôi. Vui ớn gì! Chúng tôi vỗ vai nhau thân thiết như những ngày mới lớn, coi như không có khoản thời gian diệu vợi mấy mươi năm lướt xẹt qua đời mình.

Vậy mà khi chia tay với thằng Mắc thì lòng tôi buồn rười rượi, bước ra chỗ lấy xe cách có mấy trăm thước mà chưn bước đi xiêu bồng… Nó nói con Tẻng ở Mỹ cũng hơn hai chục năm rồi, có nhà hàng lớn đại ở khu phố Lion miền Bắc Cali mà hình như là không được hạnh phúc, chồng nó nhậu lu bù, gan ruột phổi phèo u nần chẳng kể số gì hết! Buồn không phải vì nghe những chi tiết mình không muốn nghe về người xưa mà vì mấy chữ không được hạnh phúc từ miệng của người bạn trẻ thời đăng đẳng xa xưa.

Đường Sàigòn đông như hội, xe gắn máy chạy loạn xạ như đạn bắn Tết Mậu Thân ở vùng quận Sáu mà tôi thì bất chấp, cứ miên man nghĩ về chuyện xưa. Những cái háy hó khinh bỉ hay những cái nhìn bằng con mắt hình mũi tên diệt thù bao nhiêu lần phóng vô mặt mà tôi thì cứ như người cõi trên hạ xuống trần coi thế sự để về tấu Ngọc Hoàng. ‘Tao qua đó làm công cho vợ chồng nó năm năm mà tụi nó đối xử còn hơn người dưng nước lạnh, bắt làm thêm nhiều giờ mà vẫn trả lương tối thiểu theo tiêu chuẩn ngày làm tám tiếng… Tánh tao ưa thương người, thấy mấy thằng Mỹ trắng, Mỹ đen ‘hôm-lết’ rách rưới đói khổ nên múc đồ ăn cũ ra cho. Ỷ mình làm anh tao không cần hỏi chủ, có lần nó thấy, nó xỉa xói là làm như vậy tụi ‘hôm-lết’ quen thói, kéo tới đông thì chủ nhà hàng có nước xập tiệm thôi, đồ cũ để o lại bán cũng được vậy! Tao quê với mấy cô bồi bàn kể gì… thiếu điều trốn vô ‘toi-lết’ gục mặt ở trỏng luôn. Buồn tủi quá tao về đây ở lì không thèm qua bển nữa, bỏ mẹ nó không thèm chờ lãnh tiền già. Thêm xốn mắt chuyện nó tính tiền gian lận khách hàng, mỗi người ít thì chừng 2, 3 đồng nhiều thì 1, 2 chục cộng với tiền thuế không bao giờ nạp đủ cho chánh phủ. Tao nói hoài là tích tiền thì tổn đức, nó bỏ ngoài tai lại còn chê tao cù lần, nhiếc móc nào là đạo đức cù bơ chẳng lo thân chừng sau nầy già nằm một chỗ than khổ chẳng có thằng cha con mẹ ‘hôm lết’ nào tới trả ơn….

Ờ há! Tôi rười rượi buồn vì mấy lời của thằng Mắc về con em nó. Như có một sự ngửa úp hai mặt đồng tiền đối với tánh tình trước đây và hiện giờ của người con gái tôi từng để ý.

Chạy lòng vòng một đổi không biết đi đâu. Tôi quành lại Chùa Bà đường Nguyễn Công Trứ kêu một ly đá chanh của quán trước chùa. Xách cái ghế vô ngồi một mình tuốt trong sân, chỗ kế bên hồ nuôi rùa để thả ký ức về thời quá khứ. Sân chùa gần thế kỷ có lẽ, thênh thang phủ lớp gạch Tàu đỏ au phẳng phui và không một chút rêu xanh. Nơi đây có một lần duy nhứt tôi và con Tẻng đứng chen chưn nghe hát hội.

Chúng tôi không có nhiều kỷ niệm nhưng một hai sự kiện xưa cũng đủ nhói tim khi nhớ về. Chiều hôm đó khi tiệm bán đường đậu của nó dọn hàng đóng cửa xong thì đằng chùa Bà vang dội tiếng ò-e của gánh hát Tiều cúng Bà. Thấy tôi lơn tơn đi tới, con nhỏ nói trỏng: Hát vui lắm. Rồi không rủ rê gì hết, nó đi thẳng về phía có tiếng đờn và tiếng chập chõa vang rền. Tôi như bị nam châm thu hút lẻo đẻo đi theo. Cũng chẳng nói gì với nhau, đi là đi vậy thôi, đứa trước đứa sau. Tới nơi, người chật cứng, hai đứa phải đi xát vô nhau. Tôi lần đầu tiên có cảm giác bay hồn về hơi nóng của người trang lứa khác phái. Con nhỏ mê hay làm bộ mê mà mắt chăm bẳm ngó lên sân khấu nghe đào kép Tiều i-ê. Tôi thì chẳng mê ca hát cù lần kiểu nầy, chẳng hiểu gì hết mê sao nỗi! Nhưng tôi phân tích thái độ của nó, chịu đứng trước mặt, gần xát đến nỗi truyền thân nhiệt vô bụng tôi, chắc là rồi đây tôi phải chịu nhục thêm nữa về những cái nhìn ác cảm của a-má nó. Bà ta hễ gặp tôi là phóng một tia mắt bén như dao cau vừa khinh khi vừa ghét bỏ rồi ngó qua chỗ khác liền. Nếu có nó ở gần đó thế nào bà ta cũng chưởi nó bằng mấy tràng tiếng Tiều khiến con nhỏ chù ụ mặt. Tính trong bụng nầy nọ như vậy tôi nắm một bàn tay buông thỏng của nó hồi nào không hay. Thằng Mắc hiện ra kêu em nó về, nói nhỏ với tôi giọng không có gì là mất thiện cảm: ‘A Chệt thì không sao, nhưng a-má không ưa mầy.’

Tôi gần như thẩn thờ cả tháng vì đi qua lại nhiều lần trước tiệm của nó đều không bao giờ thấy mặt, mà cũng chẳng còn thấy nó lượn qua cửa hàng của cô tôi để đi qua chợ hàng bông như thông thường.

Biết được tôi mê conTẻng mà bị a-má nó làm kỳ đà cản mũi, thằng Mẹo chọc tôi: Thôi, bỏ qua đi Tám, để tao vô cho, nhà tao giàu hơn nhà mầy nhiều. Tôi tức mình muốn gây sự nhưng thấy bộ dạng dềnh dàng của nó thì nuốt nước miếng nhịn thua.

Tuổi mới lớn cũng dễ quên. Với lại kỳ thi Tú Tài I trước mắt mới bắt đầu mà những bài Toán Lượng Giác thì không phải dễ nuốt, tôi quên lững con nhỏ một thời gian dài.

Cho tới sau ngày tôi thi đậu đâu chừng một tháng thì thằng Mắc kêu tôi qua nhà nó chơi. Cũng là chuyện bình thường. Bạn mời thì đi. Đường quận Tư, Xóm Bến tàu vô trong thì lầy lội, nhà cửa cất sâu trong đất ruộng, đi vô nhà sình dính vô giày ‘san đan’ trĩu nặng như dính keo, chẳng khác nào có ai kéo trì xuống. Tôi vô cùng cảm động khi nó hiện ra với cái thau nước kêu tôi rửa cẳng rồi tự tay nó rửa giày tôi đem phơi. Con nhỏ nói sau nầy giàu nó sẽ không cất tiền trong nhà mà sẽ đắp đường sạch sẽ cho thiên hạ khỏi khổ. Tôi chịu cái lòng từ thiện của nó và nói bây giờ có tiền ít mà Tẻng có cho người nghèo không? Thằng Mắc cướp lời rằng trên đường từ chợ về lần nào nó cũng cho tiền ba bốn người ăn mày, trong xóm nầy ai cũng biết nó ưa bố thí.

Tôi ngó trộm gương mặt nó. Tròn trịa và rực rỡ như tiên nữ. Nó vừa xối nước rửa tay tôi vừa hỏi nho nhỏ: Đẹp hơn con Tuyết, cháu ngoại bà bán nhang không?

Những đứa bán giấy số rượt đuổi nhau kéo tôi về thực tại. Chộp ực ly đá chanh nhưng sao thấy nhạt phèo. Quá khứ là ký ức, là đời sống ảo, không hiện hữu. Ngay cả nhớ về quá khứ còn không thể làm được hoàn toàn huống gì đi tìm một chút gì đó mong còn lưu tồn của quá khứ. Tôi bỏ hẳn ý định khi trở lại Mỹ sẽ lái xe xuống San Jose gặp Tẻng mặc dầu từ thành phố Fresno xuống đó cũng chẳng bao xa. Tôi tưởng tượng ra mình và Tẻng như hai con kiến bò theo xương sống của một loài cá có xương tua tủa. Tẻng đã rẽ vô một xương rẽ nào đó, rồi gặp ngã rẽ nữa, ngã rẽ nữa…, còn tôi bò tới một nhánh nào khác rồi cũng rẽ và rẽ, và rẽ…. Làm sao hai đứa có thể găp nhau khi ở trên những nhánh xương khác nhau. Như hai phân tử máu chạy trong mạch của thân thể, khó gặp nhau vô cùng. Gặp nhau thì cả hai đã cũng đổi hình thay dạng quá nhiều, không còn ‘vô vướng bận’ và thanh khiết như ngày trước…

Tôi nghĩ điều khiến mình rười rượi buồn là vì thâm tâm biết không thể nhảy vô quá khứ để tìm lại những gì thời gian đã làm cho biến mất. Điều làm tôi xiêu bồng là tiếc một lòng nhân hậu không được phát triển, cũng như cảm thấy bi thương cho người xưa cũ nay đắm chìm trong những tính toán lợi lộc lừa đảo nên sẽ chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc, trong tâm hồn cũng như trong thực tế.

Tôi hỏi một em bán giấy số có bộ mặt thông minh nhứt khi thấy nó cầm tập giấy số xòe rẽ quạt phất phất trước mặt như mấy bà xòe bài tứ sắc dùng bài quạt khi quá nực một câu làm em ngơ ngác: Có vé trúng đường về quá khứ không? Nó trả lời bằng bộ mặt thiểu não của người buôn bán ế ẩm, nảy giờ chú ngồi đây lâu quá, con đi qua lại ba vòng mà chú vẫn còn ngồi. Thôi mua cho con mấy tờ đi, biết đâu lại trúng độc đắc.

Thằng nhỏ an ủi để tôi vui lòng mua thôi. Trúng độc đắc cũng như gặp được di vật mình ưa thích thời quá khứ, khó dàng trời mây! Dễ gì!

Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA, 12-12-2015

No comments: