Thursday, December 3, 2015

cỏ níu mặt trời”


Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nhạc của Nguyễn Hữu Hồng Minh nhẹ nhàng, chậm rãi, như một gã rong chơi khi đời sống âm nhạc đang có nhiều biến động …

Đó là tên chủ đề của một đêm nhạc giới thiệu những tình khúc của Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đêm 17/11/2015 vừa qua tại Trường Đại Học Thủ Dầu Một – Bình Dương với sự tham dự của đông đảo sinh viên đến từ các trường Đại học như Hồng Bàng, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hutech …

Đó là một đêm nhạc tưởng rất “nghiệp dư”, rất tài tử như thiếu bàn tay đạo diễn, thiếu sự sắp xếp và gắn kết các tiết mục của một chương trình chuyên nghiệp thường thấy… tuy nhiên lại đong đầy nhiều cảm xúc, thành công đến từ những trái tim của những người bạn làm nghệ thuật chân chính …

Một cánh chim lạ …

Cũng đã khá lâu người viết mới có dịp được tham dự một đêm nhạc theo kiểu tác giả – tác phẩm như thế này. Và dường như trong bối cảnh xã hội hiện tại thì những đêm nhạc kiểu này đã mai một dần ngoại trừ những đêm nhạc của những nhạc sĩ tiền bối thuộc dạng “cây đa cây đề” mà công chúng đã quá quen thuộc suốt mấy chục năm qu…
Đêm nhạc Nguyễn Hữu Hồng Minh thu hút đông đảo khán giả là sinh viên các trường đại học

Nguyễn Hữu Hồng Minh là một cái tên còn khá mới đối với công chúng yêu âm nhạc. Anh viết nhạc vì đam mê, vì những cảm xúc tự đáy lòng.

Lối viết của anh không mới, không “lên gân”, không đột phá … Anh viết nhẹ nhàng và trung thành với phong cách nhạc xưa, đó là ca từ hay cộng giai điệu đẹp. Do bản thân là một nhà thơ nên anh đã biết khéo léo tận dụng ưu thế “chữ nghĩa” để làm cho ca từ của bài hát thêm trau chuốt và gợi cảm.

Cỏ níu mặt trời, Sài Gòn – Paris mưa đến ngàn sau, Chiều rỗng hồn em, Hà Nội giọt đêm tan chảy, Sài Gòn như anh yêu em, Tát nước bể dâu, Tình chết còn tươi, Năm tháng cuộc đời vẫn như xưa, Kỷ niệm xanh … Chỉ cần nghe qua những tựa bài hát này thì những ai thực sự yêu nhạc sẽ phải tò mò … lần tìm nghe thử.Tác giả KTS Trần Phụng Tiên Phuông (thứ 2, từ trái qua) cùng anh em văn nghệ sĩ của chương trình “Cỏ Níu Mặt Trời”.

Và một khi đã nghe, chắc rằng những tình khúc với ca từ cuốn hút như giằng xé trong tâm hồn, những cung bậc của cảm xúc, những trăn trở của thực tại đã cho Nguyễn Hữu Hồng Minh một vốn sống vừa đủ để có thể làm nên những tình khúc nồng nàn và sâu lắng.

Đây là điều mà ngay cả một số nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp đôi khi còn thèm muốn! Có thể nói Nguyễn Hữu Hồng Minh là một “cánh chim lạ” giữa vùng trời âm nhạc Việt Nam… Và vì còn xa lạ nên để có thể bay cao, bay xa trong hoàn cảnh hiện tại thì chắc rằng chỉ có niềm đam mê và tâm huyết không thôi là chưa đủ …

Níu kéo chứ không bon chen …

Trong vài năm trở lại đây, có một đặc điểm rất dễ thấy trong đời sống âm nhạc cả nước, đó là sự “mai danh ẩn tích” của các nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp …

Thỉnh thoảng cũng có những bài hát mới nghe được nhưng công chúng lại gán cho những bài hát đó là của ca sĩ X ngôi sao, hay ca sĩ Y nổi tiếng nào đó… Gần như người ta quên mất tên của người nhạc sĩ sáng tác mà chỉ nhớ có tên của ca sĩ biểu diễn mà thôi và mặc nhiên bài hát đó đã được gắn “mác” cho ca sĩ đó tự lúc nào !!?

Nếu nói bây giờ là thời của ca sĩ cũng không ngoa! Dễ hiểu thôi vì có những bài hát nghe chẳng có gì hay hoặc thậm chí còn vụng về nữa nhưng người sáng tác biết chọn người thể hiện là những ca sĩ thuộc hàng “sao” có rất nhiều “fan” hâm mộ nên bỗng chốc bài hát trở nên nổi tiếng!

Đó là chưa kể đến những bài hát được làm theo “đơn đặt hàng” của các ca sĩ “ngôi sao” với một “công nghệ lăng-xê” siêu việt thì chẳng mấy chốc những bài hát này sẽ trở thành bài “hit” ngay!

Tuy nhiên, với thị hiếu dễ dãi như vậy thì việc nó có tồn tại lâu trong lòng công chúng yêu nhạc chân chính hay không thì lại là một câu chuyện khác … Điều này được ví như những chiếc xe máy Trung Quốc có thời gian “làm mưa làm gió” cả thị trường trong nước với giá “bọt bèo” mà gần như bất cứ người nào cũng có thể mua được … Nhưng rồi sau đó thì sao?

Chất lượng kém, cách làm ăn gian dối, cẩu thả đã mau chóng đưa những chiếc xe đó trở lại đúng vị trí của nó là vựa ve chai chuyên chứa hàng phế liệu !!!

Dường như với Nguyễn Hữu Hồng Minh đã không chọn cách như vậy khi tiếp cận với đời sống âm nhạc Việt Nam … Anh đến một cách nhẹ nhàng, chậm rãi như chính giai điệu tình khúc sáng tác của mình, như một gã rong chơi bất cần đời trong một đời sống âm nhạc nhiều biến động khó lường.Ca sĩ Phương Trang và guitarist Bùi Thiên An trong ca khúc đầy trữ tình “Sài Gòn Paris mưa đến ngàn sau”

Anh thừa biết rằng để lấy được cảm xúc của công chúng, để bài hát đứng được trong lòng khán thính giả là điều không hề dễ dàng …

Nhưng suy cho cùng nghệ thuật là một cuộc chơi của cảm xúc, không có sự bon chen, vụ lợi … Nếu chấp nhận dấn thân vào con đường nghệ thuật thì phải chấp nhận quên hết những cơm áo gạo tiền của cuộc sống thường nhật để có thể ung dung tiến bước trên con đường tìm đến “chân thiện mỹ”.

Điều đáng quý là Nguyễn Hữu Hồng Minh đã chọn hướng đi như vậy dù biết rằng con đường phía trước còn rất dài và nhiều chông gai … Anh đã chọn những nghệ sĩ thể hiện ca khúc của mình chỉ là những ca sĩ “dạng vừa” – chứ không thuộc hàng “không phải dạng vừa đâu”!

Họ không phải hoặc chưa phải là những ngôi sao trên bầu trời âm nhạc Việt Nam hiện tại nhưng mỗi người ai cũng thể hiện bài hát của mình một cách xuất sắc như để đáp lại tấm chân tình của Nguyễn Hữu Hồng Minh dành cho đứa con tinh thần và cũng dành cho họ nữa.

Đối với người viết thì những Lan Thảo, Phương Trang, Lina Nguyễn, Linh Phương, Khánh Loan, Thành Đạt và nghệ sĩ guitar Bùi Thiên An thực sự là những “ngôi sao nhỏ” chắp cánh cho những tình khúc của Nguyễn Hữu Hồng Minh bay cao!Ca sĩ Khánh Loan với “Cỏ níu mặt trời”, một trong những ca khúc đặc sắc của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Không rõ rồi đây những tình khúc này có thể tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng hay không? Nhưng thời gian sẽ trả lời tất cả …

Được biết tác giả đang chuẩn bị phát hành một CD Tát nước bể dâu – 12 Tình khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh ưng ý nhất của mình trong thời gian tới. Chúc Anh thành công với dự án âm nhạc của đời mình!

Và tất nhiên đây không phải là sự bon chen mà là một sự níu kéo công chúng lại với mình của một trong những người làm nghệ thuật chân chính. Điều này không hề dễ dàng nếu không nói là rất khó như chính một hình tượng tuyệt vời trong một bài hát của Anh – “Cỏ níu mặt trời” …

Sài Gòn, tháng 12 năm 2015

KTS. Trần Phụng Tiên Phuông

No comments: