Thursday, December 3, 2015

họa sĩ Bùi Xuân Phái



Bức ảnh chụp họa sĩ Bùi Xuân Phái đang vẽ trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời ông (nguồn: Bùi Thanh Phương)

HOÀNG ANH: Trong phiên đấu giá ngày 5/7/2015 tại nhà đấu giá Larasati tại Singapore, 2 tác phẩm của họa sĩ Việt Nam là “Trong vườn” (sơn mài,125x171, 3 tấm) của danh họa Nguyễn Gia Trí đã được bán với giá là 90.326 USD là á quân của bảng xếp hạng và “Chèo” (sơn dầu 19x28) của họa sĩ Bùi Xuân Phái bán được 3251USD (có cơ sở để khẳng định là tranh thật) dưới giá khởi điểm 4000-5000 USD được đưa ra trước đó. Để mua một tác phẩm như vậy của Bùi Xuân Phái ở Việt Nam với mức giá này là điều không thể. Với tư cách là một họa sĩ, một nhà nghiên cứu lý luận phê bình được đánh giá là có uy tín, kinh nghiệm ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?

PHAN CẨM THƯỢNG: Về nghệ thuật chúng ta không nên so sánh tác phẩm của người này giá cao, của người kia giá thấp, vì thực chất không bao giờ có thể lý giải được điều đó, nhất là đem ra đấu giá. Tuy nhiên, trong thương mại người ta cũng xếp hạng giá tác phẩm của các nghệ sỹ. Ví dụ Leonardo Da Vinci, Picasso, Van Gogh... thường là đứng đầu bảng, những người khác có thể thấp hơn, tùy theo. Nhưng, có thể nói, bảng xếp hạng đó, chủ yếu dành cho các nghệ sỹ và nghệ thuật phương Tây. Các họa sỹ Việt Nam chưa được đánh giá theo bất cứ thang giá trị thương mại nào của quốc tế. Việc một số họa sỹ xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đạt được giá cao, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn USD trong thời gian gần đây là một dấu hiệu đáng mừng. Nhưng điều này không có nghĩa áp dụng cho tất cả các họa sỹ Việt Nam nói chung. Tranh của Nguyễn Gia Trí đạt giá cao ngay từ trước năm 1945, tranh Bùi Xuân Phái chỉ đạt giá cao sau những năm 1990, tức là sau khi ông mất năm 1988. Mức giá ba, bốn ngàn USD đối với tranh của Bùi Xuân Phái không phải là cái gì ghê gớm. Số tiền đó chả là gì với những người giầu ở Việt Nam tiêu xài, hoặc cũng chỉ mua được một cái vi tính thật tốt mà thôi. Tất nhiên với đồng lương của một cán bộ 5-7 triệu/tháng thì không thể mua tranh gì được.

H.A: Cũng trong bảng xếp hạng giá của nhà đấu giá Larasati, có thể thấy tranh của Bùi Xuân Phái thuộc dạng rẻ và xếp sau nhiều họa sĩ như Widayat, Gerard Pieter Adolfs, Arie Smit, Roland Strasser, Chusin Setiadikara, Dede Eri Supria, Mangu Putra, Chuah Thean Teng, Mochtar Apin, Johan Rudolf Bonnet, Richard Winkler, Anton Huang, Jeremias Elizalde Navarro..., mà nhiều người trong số này không nổi tiếng quốc tế, không có vị thế quan trọng trong nền hội họa quốc gia của họ giống như Bùi Xuân Phái... có phải chăng thế giới đang mất lòng tin do có quá nhiều tranh của Bùi Xuân Phái bị làm giả?

P.C.T: Hiện tượng tranh giả Bùi Xuân Phái cũng làm mất giá trị tranh ông rất nhiều, đến mức bây giờ rất khó tìm được một bức tranh Bùi Xuân Phái thật, hoặc không có cách nào nói rằng đây là thật hay giả. Ở nước ta chả ai có thẩm quyền mà nói (dưới góc độ luật pháp) rằng đây là tranh thật hay giả, vì chúng ta chưa hề có luật kinh doanh nghệ thuật, chúng ta chưa có hội đồng nghệ thuật nào đủ chuyên môn và uy tín cũng như sự hỗ trợ khoa học để khẳng định điều đó, cũng không có nhà nghiên cứu chuyên sâu cho từng nghệ sỹ để mà tham vấn.

Những nghệ sỹ mà nước ngoài mà các bạn nêu trên, có thể bạn thích hay không, họ cũng đại diện phần nào cho văn hóa nghệ thuật nước họ, không thể đánh giá họ cao hay thấp so với Bùi Xuân Phái. Quốc gia nào cũng có những họa sỹ tương tự như Bùi Xuân Phái, về tài năng, lòng yêu nước, và sự nghiệp sáng tác. Họ là những nghệ sỹ có tầm ảnh hưởng quốc gia, dân tộc, chứ không phải tầm thế giới.


BÙI XUÂN PHÁI - Trước giờ biểu diễn II. 1984. Sơn dầu. 59,5x80. 
Tác phẩm này nằm trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam chuyển giao Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1999.


Đây là bức Chèo (sơn dầu, 19x28) của họa sĩ Bùi Xuân Phái bán được 3.251USD (Mỹ) trong phiên đấu giá ngày 5/7/2015 tại nhà đấu giá Larasati, Singapore
(nghi vấn không phải tác phẩm chân bản)

H.A: Bùi Xuân Phái có viết trong cuốn “Viết dưới ánh đèn dầu” (Bùi Thanh Phương, Trần Hậu Tuấn biên tập -NXBMT-2008):

“Tôi hỏi một bạn đồng nghiệp. Độ này có vẽ được gì không?

Không vẽ được vì không có sơn!

- Đó không phải điều quyết định đâu. Thí dụ như nếu một người thích đi chơi thì dù không có… xe đạp thì anh ta vẫn có cách đi chơi. Nên gây một thói quen tốt là thích vẽ cứ vẽ đi, rồi không vẽ là…ngứa ngáy, là nhớ không chịu được.

...chính vì “quan điểm” về sáng tác như trên nên những tác phẩm nho nhỏ mà Bùi Xuân Phái vẽ mọi lúc, mọi nơi với mọi chất liệu và nguyên vật liệu khác nhau như lúc là mẩu giấy, lúc giấy báo, lúc cái quạt, lúc vỏ bao thuốc lá... là khá nhiều. Phải chăng điều này cũng gây nên những khó khăn khi thẩm định tác phẩm của Bùi Xuân Phái?

P.C.T: Bùi Xuân Phái vẽ tranh không phải để bây giờ chúng ta thẩm định, rằng tranh ông to hay quá nhỏ, ít tranh sơn dầu mà nhiều tranh giấy. Với ông, vấn đề là vẽ như hơi thở, như cuộc sống cần thế. Còn bây giờ thẩm định khó khăn là do ta ít nghiên cứu, ít theo dõi hệ thống, kém tài thẩm định, chứ sự thẩm định không liên quan gì đến nghệ sỹ. Nếu nói vậy thì thẩm định tranh cổ điển còn khó hơn nhiều.

H.A: Được biết, nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc đã mời ông biên soạn cuốn “Bùi Xuân Phái, ký họa và minh họa trong sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc”. Trong cuốn sách này, tôi thấy có bức ký họa nàng tiên cá vẽ bằng bút dạ. Theo ông Phúc kể bức ký họa này được Bùi Xuân Phái vẽ đầu năm Mậu Thìn 1988 để tặng cho ông Phạm Kỳ và được ông Phúc mua lại năm 1996. Năm 1997 ông Phúc đã in bức minh họa trên trong cuốn sách Phái với bè bạn (NXBMT-1997). Năm 2008 ông Phúc cũng đã trưng bày bức ký họa trên ở Trung tâm văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Hàn Quốc (số 49 phố Nguyễn Du, Hà Nội). Hôm khai mạc triển lãm, vợ của họa sĩ Bùi Xuân Phái và con trai ông là Bùi Thanh Phương cũng có đến dự. Năm 2010, trong dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái, cuốn Bùi Xuân Phái (NXBMT - 2010) tôi thấy ở trang 140 có in một tác phẩm y hệt với bức minh họa ông Phái tặng ông Kỳ (chỉ khác chất liệu) với tựa đề Năm con rồng; 1998; Sơn dầu... Vậy, với tư cách là người biên tập cuốn sách, ông có thể cho bạn đọc biết có phải hai bức trên đều là của họa sĩ Bùi Xuân Phái không?

P.C.T: Khi làm cuốn sách này, tôi không muốn in bức tranh đó vào sách, nhưng theo yêu cầu của ông Phúc thì in thôi. Như trên tôi đã nói, bản thân tôi cũng chả có thẩm quyền gì mà phán tranh thật hay giả của ai đó. Tôi cũng không làm việc đó trong hoàn cảnh nước ta. Đây là điều tôi từng bị chê trách khi không nói gì trước một bức tranh nghi vấn. Tôi nói rằng có thể nhận xét điều đó ở quán nước, chứ không thể trên báo chí, quyền đó thuộc về nhà nước, qua một cơ quan nghệ thuật đại diện. Nhân đây tôi cũng nói luôn nhà phê bình chả có giá trị gì ở ta, họ chả có lương, chả ai sống bằng phê bình, phê vừa vừa thôi thì được đăng bài. Chúng tôi làm phê bình cho vui, chứ cái danh hiệu đó chưa phải là nghề nghiệp.


Đây là bức “Rồng bay” mà ông Bùi Xuân Phái tặng ông Phạm Kỳ nhân dịp Tết Mậu Thìn 1988. Bức tranh được ông Nguyễn Mạnh Phúc mua lại năm 1996.





Đây là bức “Năm con rồng. 1988. Sơn dầu. 20x27cm” in trong cuốn Bùi Xuân Phái - NXB Mỹ thuật 2010 do Bùi Thanh Phương và Trần Hậu Tuấn biên tập
(nghi vấn không phải tác phẩm chân bản)

H.A: Theo ông, làm thế nào để lấy được lòng tin của các nhà đấu giá trên thế giới cho tranh Bùi Xuân Phái nói riêng và hội họa Việt Nam nói chung?

P.C.T: Chúng ta không cần lấy lòng tin của bất cứ ai về nghệ thuật Việt Nam. Nghệ thuật Việt Nam có giá trị đã bị vơ vét gần hết ra bên ngoài. Điều cần là xác định và xây dựng một nhu cầu đời sống văn hóa, để người Việt Nam thưởng thức và mua nghệ thuật Việt Nam trước tiên. Sau đó tự nhiên thị trường bên ngoài sẽ được điều chỉnh theo xu hướng tích cực.

H.A: Để nói ngắn gọn về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Bùi Xuân Phái, ông sẽ nói gì?

P.C.T: Tôi đã nghiên cứu rất kỹ tranh của Bùi Xuân Phái từ cái “vi nhét” nhỏ nhất cho đến những tác phẩm sơn dầu, để thấy rằng: Ông là người vẽ có hệ thống và đẩy dần hội họa của mình đến mức khái quát được bản chất sự vật, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Ở ta, và ở thế giới cũng không nhiều người làm được như vậy, còn tại sao ông trở thành danh họa Quốc tế là vì sinh ra ở Việt Nam.

H.A: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!

Hoàng Anh thực hiện

No comments: