Friday, December 4, 2015

Tình nghĩa giang hồ, coi như đã đủ!

 Tháng Mười Hai, 2015 


Đó là lời khẳng định của anh Nguyễn Phúc Thành, người viết đơn tố cáo hung thủ thật sự giết bà Lê Thị Bông. Người gây ra tội lỗi này là một người anh em “giang hồ” trong nhóm bạn của Thành chứ không phải là Huỳnh Văn Nén.
Đơn tố cáo được anh Nguyễn Phúc Thành viết tại trại giam Sông Cái năm 2000. Để thư tới được đúng địa chỉ, Thành đã gửi đi nhiều bản qua nhiều kênh khác nhau – Ảnh: M.Vinh


Đơn tố cáo viết từ trại cải tạo

“Kính gửi Tòa án nhân dân tối cao

Kính gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Tôi tên Nguyễn Phúc Thành, hiện cư ngụ tại khu phố 2 (thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Nguyên là năm 2000 tôi có tố cáo Thọ (Nguyễn Thọ) và Việt giết bà Bông. Vụ việc như sau:

Sáng hôm đó tôi ngủ dậy ra trước hiên nhà đứng hút thuốc. Thọ bảo Việt kêu tôi qua nhà Việt, nói bà Bông (Năm Tép) chết rồi, không biết ai giết.

Bạn bè hay đùa, tôi nói bà Bông chết mày giết chứ ai. Thọ biểu tôi vào nhà Việt, kể tôi nghe quá trình giết bà Năm. Lúc đó Việt trùm mền nằm im, nghe kể liền bật dậy nói: “Tôi bảo nó đừng giết mà nó không nghe”.

Tôi tưởng hai đứa nó đóng kịch. Tôi tỏ vẻ không tin. Thọ đưa tôi xem chiếc nhẫn vàng và nói tuốt trong tay bà Năm Tép là bà Bông. Thọ còn cho tôi xem ống quần còn dính máu, nói lúc tuốt nhẫn từ tay bà Năm văng ra. Thọ nói muốn bỏ đi xa làm ăn để trốn tránh.

Thọ nói có đi qua chợ kêu giùm chiếc xe ôm. Khi về, đi qua chợ thì có tin bà Bông đã chết. Tôi vào xem pháp y mổ và về kêu Nghĩa chở tôi về nhà chở Thọ đi căn cứ 4. Tôi và Nghĩa ngồi bên đường, Thọ nói qua tiệm vàng bán chỉ vàng làm lộ phí.

Thọ bán xong, quay lại trả tiền nước cho tôi và Nghĩa. Nghĩa chở Thọ đi căn cứ 2 mua bẫy heo để đi Đắk Lắk rồi đi biệt tăm.

Thời gian sau đó công an bắt Huỳnh Văn Nén tội giết bà Bông. Tôi nghe mắc cười… Hơn nữa, Thọ nói chính mình là hung thủ thì vài ngày Nén cũng được tha.

Thời gian trôi qua, tôi vi phạm pháp luật và bị bắt giam 18 tháng tù tại trại Sông Cái (Ninh Thuận), cải tạo để làm lại người có ích cho xã hội. Thời đó, trại trưởng giám thị là Xuân Luyện. Và tôi nghe tin là Nén bị xử tử hình.

Tôi băn khoăn không ngủ được nhiều đêm và quyết định báo cáo cán bộ giáo dục vụ việc. Cán bộ làm việc với tôi nhiều rồi mới cho tôi làm đơn tố cáo khẩn cấp gửi ra Cục V26. Sau đó tôi làm đơn tố cáo Thọ và Việt gửi về cho chủ tịch xã chỗ tôi ở là ông Nguyễn Thận.

Sau đó cán bộ Cao Văn Hùng đến làm việc với tôi tại trại giam nói tôi tố cáo sai nên rút đơn lại kẻo phải đi tù lâu hơn.

Tôi nói nếu cán bộ nói tôi tố cáo sai thì cán bộ cho tôi gặp nhân chứng và tôi nêu ra một số người nhưng cán bộ không đồng ý và quát tôi khi tôi có ý kiến viết dưới tờ khai (“ai cho mày biết hả, mày muốn chết tao cho mày chết”).

Sau đó tôi báo cáo hành vi hung hãn của cán bộ Hùng cho cán bộ Luyện và cho đến nay không cơ quan nào đến hỏi tôi về vụ việc trên”.
Nguyễn Phúc Thành: “Tôi nghĩ đến giờ Nguyễn Thọ nếu biết tôi tố cáo, anh ta cũng không thể trách tôi được…” – Ảnh: H.Điệp


Tôi đã nghĩ đến việc mình có thể bị hại

Nói về nguyên do gửi lá đơn kia cho ông Nguyễn Thận, anh Nguyễn Phúc Thành nói rằng sau khi biết việc ông Huỳnh Văn Nén bị kết án thì cảm thấy sự im lặng của mình đối với vụ án là không thể được.

Và sự tin tưởng vào cơ quan điều tra để tìm ra sự thật vụ án cũng không ổn nên Nguyễn Phúc Thành quyết định báo cáo sự việc với ban giám thị trại.

Tuy nhiên, sau khi báo cáo và làm đơn gửi thì cán bộ điều tra Công an tỉnh Bình Thuận có vào làm việc.

“Sau đó họ đề nghị tôi rút lời khai và rút đơn tố cáo. Tôi thấy như vậy là không đủ tin tưởng vào cán bộ điều tra, tôi nghĩ ngay đến thầy Thận, tôi tin lá đơn này nếu được chuyển đến thầy thì ông ấy sẽ tìm cách gửi nó đi”, anh Thành tâm sự.

Nghĩ vậy, Nguyễn Phúc Thành mượn trại giấy bút, viết tiếp hai lá đơn tương tự, chờ đến ngày có người thân vào thăm thì gửi.

“Dịp nghỉ lễ 2-9-2000, má tôi vào thăm nên tôi đã tâm sự với má và dặn má phải đưa tận tay đơn của tôi cho thầy Thận, chỉ có thầy mới giúp được gia đình tôi” – anh Thành nói.

Nhưng tại sao có lá thư thứ hai gửi ông Nguyễn Thận nhưng đóng dấu bưu điện bên ngoài?

Chuyện là thư đưa cho má mình xong, anh Thành vẫn cảm thấy không an tâm, bởi khi nói chuyện với bà Lụa, bà rất hoảng hốt.

“Tôi sợ má vì lo cho tôi mà không dám gửi đơn tố cáo này đến ông Nguyễn Thận, vậy nên sau khi đưa một lá đơn cho má, tôi viết tiếp một lá thứ hai rồi kể với người một bạn tù sự tình, nhờ người ta gửi giúp lá đơn thứ hai qua đường bưu điện”.

Nói về lý do tại sao lại tin tưởng ông Nguyễn Thận mà không phải ai khác, anh Nguyễn Phúc Thành nói rằng nếu thầy Thận không thể là người giúp thì sẽ chẳng còn ai có thể giúp được gia đình anh.

“Bởi vậy tôi đặt niềm tin vào thầy Thận, niềm tin đó còn lớn hơn cả việc tôi dặn dò mẹ tôi, người mang lá đơn đó đến cho thầy Thận”.

Và như vậy từ nội dung tố cáo của anh Nguyễn Phúc Thành, ông Nguyễn Thận đã nhận được hai lá đơn trong một khoảng thời gian ngắn.

“Nghĩ đến nỗi lo lắng của Nguyễn Phúc Thành và gương mặt sợ sệt của bà Lụa, mẹ Thành, tôi biết rằng nếu việc này không làm cẩn thận thì xôi hỏng bỏng không mà có thể liên lụy đến người khác” – ông Nguyễn Thận kể.
Nguyễn Phúc Thành (phải), một người trong giới giang hồ, đã lên tiếng góp phần minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén – Ảnh: H.Đ.


“Tình bằng hữu như vậy là đủ rồi”

Anh Nguyễn Phúc Thành giờ là người đàn ông lo vun vén làm ăn và chăm sóc gia đình. Anh cười kể lại:

“Mình còn trẻ, mình quậy phá, nghịch ngợm, thậm chí mình gây rối đến mức phải đi tù. Mình có một nhóm bạn cũng phá như mình, trong đó có Nguyễn Thọ. Ngay sau đêm xảy ra án mạng, Thọ đã kể cho mình nghe về việc Thọ làm, đã đưa chỉ vàng cho mình xem rồi Thọ bỏ trốn khỏi địa phương”.

Khi ông Huỳnh Văn Nén bị bắt giam, dù biết thủ phạm không thể là ông ấy nhưng anh Nguyễn Phúc Thành tin rằng công an sẽ tìm ra thủ phạm chứ không thể kết tội oan cho ông Nén.

Nói về lý do không tố cáo Nguyễn Thọ ngay khi vụ án xảy ra, anh Nguyễn Phúc Thành nói rằng: “Bởi đó là những người anh em giang hồ với tôi, họ là bằng hữu với tôi. Tôi thấy mình không thể tố cáo họ.

Nhưng khoảng thời gian ở trong tù, nếm những cay đắng của người ở tù, cùng với bản án đã được tuyên cho ông Huỳnh Văn Nén thì tôi thấy mình phải có trách nhiệm tố cáo. Tình bằng hữu anh em tôi gìn giữ như vậy là đủ rồi, tôi tin Nguyễn Thọ không thể trách tôi được”.

Trở về sau những năm tháng cải tạo tại trại giam, anh Thành đã có một gia đình yên ấm, vợ chồng anh có quầy tạp hóa ở chợ:

“Tôi nghĩ đến giờ Nguyễn Thọ nếu biết tôi tố cáo, anh ta cũng không thể trách tôi, bởi hơn 17 năm bị giam cầm của ông Huỳnh Văn Nén và những đứa con thất học, đói khát của ông ấy thì không thể tình bằng hữu nào đổi được, bởi vậy cho đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên những tố cáo của mình về Nguyễn Thọ”.

Người đàn ông có gương mặt phong trần, hào sảng nói lên như thế.

MAI VINH – HOÀNG ĐIỆP 

No comments: