Cái Chết của Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Xa Hơn Alan KIRBY, The Death of Postmodernism and Beyond, (1)CHÂN PHƯƠNG trích dịch & chú thíchĐôi lời người dịchCộm nhất là vấn đề lý thuyết văn học thế giới và cách tiếp nhận lý thuyết ở VN hôm nay. Phải nói là có tương phản đậm khi cuộc thảo luận xoáy quanh chủ nghĩa hậu hiện đại đang được quảng bá trong giới văn nghệ và trí thức,bất kể lề trái lề phải.Tôi xin gửi bài dịch này làm quà cho những bạn từng theo dõi, đặc biệt bạn bè văn nghệ trong nước ít có điều kiện tiếp xúc thẳng với những tài liệu ngoại ngữ hôm nay. Hy vọng các ngòi bút VN am hiểu sẽ phát hiện và giới thiệu thường xuyên các văn bản giá trị thêm dưỡng khí cho đời sống tinh thần của một dân tộc đang cần vươn lên học hỏi thế giới.
Trước mặt tôi là bài mô tả một đơn vị học trình(module) chuyển tải từ website của khoa Anh văn thuộc một viện đại học Anh, trong đó gồm các chi tiết về bài vở phải nộp và danh sách tài liệu cần đọc mỗi tuần cho sinh viên chọn giảng khóa ‘ Postmodern Fictions’ (Các thể văn hư cấu hậu hiện đại). Chẳng cần nêu ra danh tính viện đại học trên không phải vì môn học này tệ hại gì cho cam nhưng vì nó tiêu biểu cho các đơn vị học trình sẽ được giảng dạy hầu như cùng khắp các phân khoa Anh văn trên đất nước này vào niên học sắp đến. Nó cả tin rằng CNHHĐ đang sống khoẻ sống mạnh, nó cho biết là sẽ giới thiệu “những đề tài tổng quát về “CNHHĐ” và “tính HHĐ” thông qua sự khảo sát các liên hệ giữa chúng với sáng tác hư cấu đương đại. Lời lẽ ấy có thể gợi ý rằng CNHHĐ vẫn mang tính đương đại nhưng chính ra sự so sánh lại cho thấy là chủ nghĩa này đã mồ yên mả đẹp rồi.Triết học HHĐ chú trọng đến tính mông lung của ý nghĩa và tri kiến. Điều này thường được nghệ thuật HHĐ diễn đạt như là mối ưu tư về sự biểu thị và tự ý thức mang tính trào phúng (ironic self-awareness). Sự cáo chung của CNHHĐ đã được giải quyết bằng luận chứng triết học. Đại để có một số người đã cả quyết rằng trước đây có lúc chúng ta từng tin vào các ý niệm HHĐ nhưng bây giờ thì hết rồi, và kể từ nay chúng ta sẽ đặt niềm tin vào chủ nghĩa hiện thực phê phán (critical realism). Nhược điểm của cách phân tích này là nó chú tâm vào chốn hàn lâm, vào những thực tiễn với giả thiết của các nhà triết học có thể đang hoặc sắp đổi lập trường hay không – và có nhiều vị hàn lâm sẽ quyết định một cách giản tiện là rốt cuộc họ chọn ở lại với Foucault (tiên chỉ HHĐ) hơn là bỏ sang thuyền khác(2). Tuy nhiên có thể tìm bằng chứng khó tranh cãi được về cái chết của CNHHĐ trong các sản phẩm văn hóa hôm nay bên ngoài thế giới hàn lâm.Phần lớn các sinh viên chọn môn ‘Postmodern Fictions’ năm nay đều sinh vào 1985 hoặc sau đó, và tất cả (trừ một) văn bản chủ yếu của giảng khoá này đã được viết trước khi họ có mặt trên trần gian. Chẳng ‘đương đại’ tí nào các văn bản trên trái lại đã được xuất bản ở một thế giới khác trước khi đám sinh viên này chào đời: The French Lieutenant’s Woman(John Fowles), Nights at the Circus(Angela Carter), If on a Winter’s Night a Traveler(Calvino),Do Androids Dream of Electric Sheep?(Philip Dick) và Blade Runner(Alan Nourse), White Noise(Don Delillo); đó là văn hóa của U với Bố. Có vài văn bản (‘The Library of Babel’ của Borges) đã được viết ngay cả trước khi các phụ huynh họ ra đời. Nhận định này cũng đúng nếu thay thế mớ tàng thư này với các cột trụ HHĐ khác như Beloved(Tony Morrison), Flaubert’s Parrot(Julian Barnes), Waterland (Graham Swift), The Crying of Lot 49(Pynchon), Pale Fire(Nabokov),Slaughter House5 (Vonnegut), Lanark(Alasdar Gray), Neuromancer(William Gibson), tất cả tác phẩm B.S. Johnson (3).{...} Các văn bản này mới vừa đương đầu với nhạc rock và tivi; hầu như chúng chẳng mơ tưởng chi đến khả năng của kỹ thuật và các phương tiện truyền thông -- điện thoại di động, email, internet, máy vi tính cho mỗi nhà với công năng đủ mạnh để đưa con người lên nguyệt cầu – mà giới sinh viên đại học hôm nay coi như lẽ đương nhiên.Lý do vì sao phần đọc căn bản của postmodernist fictions ở Anh lại cũ đến thế, tương đối mà nói, là bởi nó chưa từng được trẻ hóa. Cứ nhìn ra bãi chợ văn hóa mà xem: mua mớ tiểu thuyết xuất bản từ 5 năm trở lại, xem một phim của tk 21, nghe những bản nhạc gần đây nhất, và hơn hết là cứ ngồi xem tivi suốt một tuần – hầu như bạn sẽ không thấy bóng dáng CNHHĐ đâu cả. Cũng vậy, ta có thể đi dự các hội nghị văn học và nghe đọc hàng chục tham luận mà không nghe nhắc gì đến lý thuyết, Derrida, Foucault, Baudrillard(4). Cảm giác về sự lỗi thời già nua, bất lực và không còn thích hợp của vô số lý thuyết trong giới hàn lâm cũng làm chứng cho sự ra đi của CNHHĐ(5). Nói gọn, những kẻ sản xuất các vật phẩm văn hoá cho giới hàn lâm với phi-hàn lâm đọc, nhìn, nghe đã bỏ rơi CNHHĐ. Đón tiếp văn bản siêu hư cấu hay tự ý thức nào thảng hoặc xuất hiện – như Lunar Park của Bret Easton Ellis -- là sự lãnh đạm rộng khắp, nhưng nghĩ lại thì các tiểu thuyết hiện đại ngày nay chẳng còn ai nhớ vẫn tiếp tục được viết ra tận cho đến các thập niên 50 và 60. {…}HẬU - HẬU HIỆN ĐẠI CHỦ NGHĨA LÀ GÌ ?Không chỉ đơn giản là thay đổi mốt văn hóa, tôi nghĩ sự chuyển hướng này còn có cái gì hơn thế. Các lối quan niệm về uy quyền, tri kiến, ngã tính, thực tại và thời gian đã đổi khác một cách đột ngột và vĩnh viễn. Bây giờ có khoảng cách rộng giữa đa số giảng sư và các sinh viên của họ, tương tự vào cuối thập niên 1960 nhưng không cùng nguyên nhân. Sự chuyển hướng từ chủ nghĩa hiện đại qua CNHHĐ không bắt rễ từ bất cứ một tái lập thuyết sâu rộng nào dựa trên các điều kiện sản xuất và tiếp nhận văn hóa; nói cường điệu theo cách tu từ, điều xảy ra chung qui là những ai một thời từng sáng tác Ulysses(Joyce) và To the Lighthouse(Virginia Woolf) đã quay qua viết Pale Fire (Nabokov) và The Bloody Chamber(Angela Carter). Nhưng đâu đó vào cuối những năm 90 hoặc đầu niên kỷ 2000 sự trỗi dậy của các kỹ thuật mới đã tái cấu tạo một cách hung bạo và vĩnh viễn bản chất của tác giả, độc giả và văn bản, cùng các mối quan hệ giữa họ với nhau.CNHHĐ, cũng như chủ nghĩa hiện đại và lãng mạn trước nó, đã thần tượng hóa (gắn một tầm quan trọng tối cao) tác giả ngay cả khi tác giả tỏ ý muốn kết án hoặc giả bộ huỷ xóa chính mình. Nhưng văn hóa của chúng ta giờ đây thần tượng hóa người tiếp nhận văn bản tùy theo mức độ họ trở thành tác giả của một phần hay toàn phần văn bản. Có thể điều này đối với những kẻ lạc quan là sự dân chủ hóa về văn hóa ; người nào bi quan sẽ chỉ ra sự cực kỳ tầm thường và rỗng tuếch của các sản phẩm văn hóa được sản sinh theo kiểu này (ít ra là cho đến nay).Cho phép tôi giải thích. CNHHĐ quan niệm văn hóa đương đại như một màn trình diễn trước những cá nhân bất lực ngồi nhìn, trong đó các câu hỏi về thực tại trở thành nghi vấn. Do đó nó suy tôn màn ảnh TV và cinê . Cái kế tục nó mà tôi gọi tên là chủ nghĩa hiện đại giả ngụy (pseudo-modernism) biến hành động của cá nhân thành điều kiện tất yếu của sản phẩm văn hóa. CNHĐGN bao gồm một phần hoặc tất cả chương trình phát thanh phát hình, mọi thứ ‘văn bản’ mà nội dung và động học đều do các khán thính giả tham dự góp phần đạo diễn hay sáng tác (cho dù cụm từ “khán thính giả tham dự” đã lỗi thời do tính thụ động của họ cùng sự suy tôn khía cạnh tiếp nhận…)Theo định nghĩa, các sản phẩm HĐGN không thể hiện hữu chừng nào cá nhân chưa can thiệp vào chúng bằng thể chất (physically). Great Expectations vẫn tồn tại về mặt vật chất dù có người đọc nó hay không. Một khi Dickens đã viết xong và nhà xuất bản đã phát hành cuốn tiểu thuyết ra thế gian, ‘tính văn bản vật thể’ của nó –cách nó chọn lựa ngôn từ -- đã hoàn tất cho dù ý nghĩa của nó, các cách thiên hạ diễn giải nó là tùy ở mỗi người. Cách sản xuất vật chất và cấu tạo ra nó được định đoạt bởi giới cung ứng, có nghĩa là tác giả, nhà xuất bản, tờ báo đăng nhiều kỳ,vv… chứ chẳng phải ai khác. Chỉ có ý nghĩa là thuộc thẩm quyền người đọc. Trái lại Big Brother (6), như là văn bản đặc trưng cho văn hóa HĐGN, sẽ không thể tồn tại một cách vật chất nếu không có ai gọi phone vào để bầu và loại bớt những kẻ dự thi. Do đó bình chọn là một phần của tính văn bản vật chất của chương trình – chính các khán giả gọi điện thoại vào là những người thảo ra chương trình ấy. Nếu người xem không thể viết góp các màn diễn , Big Brother sẽ giống một cách quái lạ loại phim của Andy Warhol: một đám người trẻ hơi tâm thần và thích khoa trương chuyện trò dè bỉu một cách vô cảm vô hồn trong mấy căn phòng hết giờ này sang giờ khác. Nói cách khác, chính hành động gọi điện thoại của khán giả đã khiến Big Brother có được tính cách riêng của nó.CNHĐGN cũng bao gồm các chương trình tin tức hôm nay mà phần nội dung đến từ email và văn bản điện thư (text messaging) bàn luận về các mẩu tin càng ngày càng bội tăng. Thuật ngữ ‘tính tương tác’ ở đây cũng không thích hợp bởi lẽ thiếu trao đổi qua lại (exchange): khán thính giả nhào vô viết một đoạn cho chương trình rồi ra đi, trở về với vai trò thụ động của họ. CNHĐGN còn gồm thêm các trò chơi điện tử (computer games). Cũng tương tự như trên, chúng đặt các cá nhân vào một cảnh huống mà nội dung văn hóa sẽ do họ chế tác trong phạm vi những giới hạn được qui định trước. Nội dung của mỗi thao tác cá nhân khi chơi game biến chuyển tùy theo nét cá biệt của người chơi.Hiện tượng văn hóa HĐGN tiêu biểu nhất là internet. Thao tác cốt lõi của nó là việc mỗi cá nhân nhấn bấm con chuột để di chuyển qua các trang mạng một cách không thể sao chép lại. Xuyên qua các sản phẩm văn hóa một lộ trình (pathway) được kiến tạo, chưa hề có trước đó và chẳng bao giờ còn gặp lại. Đây là cách tham dự vào tiến trình văn hóa với mức độ cuồng nhiệt hơn bất cứ cái gì văn chương có thể cống hiến, tạo ra cảm giác (hay ảo giác) khó chối bỏ rằng cá nhân là kẻ kiểm tra, quản lý, chế tác sự gắn bó của chính mình với sản phẩm văn hóa. Các trang mạng không có ‘tác giả’, trong cái nghĩa không ai biết được và chả ai quan tâm đến kẻ nào đó đã viết ra chúng. Phần lớn các trang này hoặc đòi hỏi cá nhân phải khởi động chúng như Streetmap hay Route Planner(7), hoặc cho phép cá nhân bổ túc như Wikipedia hay là phản hồi chẳng hạn qua các websites truyền thông. Trong mọi trường hợp, thuộc tính của internet cho phép các bạn tự mình làm nên các trang mạng (các blogs là ví dụ ).Thời hạn tồn tại của một văn bản HĐGN cực kỳ ngắn. Không giống vở Fawlty Towers chẳng hạn (8), các chương trình Reality TV (9) chẳng thể lặp lại dưới dạng nguyên bản của chúng bởi lẽ không thể nào tái diễn được những cú phone-in gọi vào góp ý. Và thiếu đi cái khả năng cho phép người xem gọi điện thoại cho đài truyền hình các chương trình nói trên sẽ trở thành một cái gì khác vừa mất đi rất nhiều tính hấp dẫn. Văn bản Ceefax tiêu ma sau vài giờ(10). Nếu các học giả đề rõ ngày tháng khi họ tham khảo một trang mạng là bởi lý do những trang này biến mất hoặc được cải biên rất nhanh. Bảo toàn nguyên gốc các email và văn bản điện thư là chuyện khó khăn cực kỳ; in các email ra giấy sẽ biến chúng thành một cái gì ổn định nhưng làm vậy là hủy diệt trạng thái điện tử căn bản của chúng. Các cú phone gọi đài phát thanh, các trò chơi vi tính -- thời hạn bày hàng của chúng rất ngắn – chúng lỗi thời một cách chóng vánh. Loại văn hóa dựng trên những thứ vừa kể không thể có ký ức, chắc chắn không có được cái cảm giác nặng nợ vì phải kế thừa nền văn hóa trước đó như CNHĐ và CNHHĐ đã từng biết. Không thể phục chế và hư ảo, CNHĐGN do đó cũng mắc chứng mất trí nhớ; đó là những hành động văn hóa diễn ra trong khoảnh khắc hiện tại chẳng có ý thức gì về quá khứ hoặc tương lai.Các sản phẩm văn hóa của CNHĐGN cũng cực kỳ tầm phào, như tôi từng gợi ý. Nội dung các phim ảnh HĐGN thiên về những động tác tạo ra và kết thúc sự sống, và chỉ có thế thôi (11). Tính chất sơ khai ấu trĩ của kịch bản phim tương phản đậm nét với mức độ tinh vi của các hiệu ứng kỹ thuật cinê ngày nay. Phần lớn email và văn bản điện thư đều vô vị so với những gì thiên hạ thuộc mọi cấp bậc giáo dục đã từng cầm bút viết ra trước đây. Nhàm chán và nông cạn ngự trị mọi sự. Thời kỳ HĐGN là một sa mạc văn hóa, ít ra cho đến hôm nay. Mặc dù các từ ngữ mới có thể trở nên quen thuộc với chúng ta đến độ chúng ta có thể cải tiến chúng cho việc biểu đạt nghệ thuật giàu ý nghĩa ( khi đó thì cái nhản đầy miệt thị tôi đã gán cho CNHĐGN có thể sẽ không còn thích hợp), hiện nay chúng ta phải đối đầu với cơn bão táp của thứ hoạt động người mà sản phẩm hoàn toàn gần như chẳng có gì mang giá trị văn hóa lâu bền hoặc thậm chí phục chế được -- chẳng có cái chi để năm mươi năm hoặc hai trăm năm sau con người có thể mang ra xem lại và thưởng ngoạn.Có thể truy tìm cội nguồn của CNHĐGN xuyên qua những năm khi CNHHĐ còn ngự trị. Những sản phẩm của cuối thập niên 70 và những năm 80, ví dụ nhạc nhảy và kỹ nghệ sex (12) mang nhiều tính phù du, rỗng tuếch trên bình diện ý nghĩa, và chẳng cần ai đứng tên tác giả (đúng cho nhạc nhảy hơn là nhạc pop, rock). Chúng cũng qui định luôn cách ‘tiếp nhận’ chúng: nhạc nhảy là để múa nhảy, các sản phẩm sex là để sử dụng chứ không để xem hay đọc. Cách tiếp nhận như thế tạo ra ảo giác được tham dự HĐGN. {…}Ở mức độ nào đó CNHĐGN không hơn gì một sự chuyển hướng vì thôi thúc kỹ thuật nhắm đến trung tâm văn hóa của một cái gì đó vẫn luôn luôn tồn tại ( tương tự như vậy, siêu-hư cấu đã có mặt trên đời từ bao giờ nhưng chưa khi nào được thần tượng hóa như cái cách CNHHĐ đã làm). Tivi vẫn luôn sử dụng sự tham gia của khán giả, cũng như kịch nghệ và các loại nghệ thuật trình diễn trước nó đã làm tuy là như một chọn lựa chứ không tất yếu trong khi các chương trình tivi HĐGN được cấu tạo cùng với sự tham gia ấy. Từ xưa đã từng có những hình thái văn hóa rất ‘năng động’, từ lễ hội hóa trang carnival cho đến kịch câm. Nhưng không có hình thái nào đòi hỏi một văn bản dưới dạng viết hay dạng vật chất nào khác, vì vậy chúng ra nằm ngoài rìa của thứ văn hóa chỉ sùng bái các loại văn bản ấy – trong khi văn bản HĐGN với tất cả các nét cá biệt của nó lại là hình thái trung tâm và khống chế có tính quy phạm (paradigmatic) của sản phẩm văn hóa hôm nay cho dù nơi ngoại vi của văn hóa vẫn còn những thứ khác. Cũng đừng nên quở trách các thứ này là ‘tiêu cực’ đối lại ‘tính năng động” HĐGN. Đọc, nghe, xem vẫn luôn luôn mang tính năng động riêng của chúng nhưng có một đặc tính thể chất (physicality) trong các hành động của người tạo văn bản HĐGN và tính tất yếu của chúng đối với việc cấu tạo văn bản kèm với sức khống chế đã làm lệch đòn cân văn hóa của quyền lực (cứ nhìn xem cinê và tivi, cặp khổng lồ của hôm qua, đã cúi đầu chào thua nó thì biết). Ưu thế thống soái (hegemony)về xã hội, lịch sử và văn hóa của thế kỷ 21 hình thành từ nó. Cần nói thêm rằng hoạt động của CNHĐGN có tính đặc thù của nó, vừa điện tử vừa văn bản nhưng phù du.CLICK-IN VÀO NHỮNG BIẾN ĐỔIVào thời postmodernism người ta đọc, nghe và nhìn không khác chi trước đó. Đến pseudo-modernism thiên hạ gọi điện thoại, bấm chuột, ấn nút, lướt sóng, tuyển chọn, chuyển tải. Ở đây có hố ngăn thế hệ, nói chung chia cách những ai sinh trước và sau 1980.Trong cách nhìn của đám hậu sinh thì những ai đồng trang lứa với họ là những người tự do, tự chủ, biết phát minh, ăn nói lưu loát, đầy năng động, độc lập, quyền làm người được bảo đảm (empowered), mỗi người cất cao một giọng không ai giống ai. Trái lại CNHHĐ cùng những gì trước nó đều có vẻ đặc tuyển, vô vị, kiểu độc thoại con cà con kê xa vời vừa áp bức vừa loại trừ bọn trẻ sinh sau. Những ai chào đời trước 1980 lại có thể nhìn thấy, thay vì con người, là những văn bản cứ thay phiên nhau hiện ra – hung bạo, kích dâm, hư ảo , nhàm chán, vô vị, nặng tính tuân phục, ham mê tiêu thụ, hoàn toàn vô nghĩa, đầu óc rỗng toẹt (đọc thử cho biết những trang tào lao trên Wikipedia, hoặc sự trống vắng ngữ cảnh của thông điệp Ceefax). Đối với thế hệ này những gì có trước CNHĐGN càng ngày càng được xem như là thời hoàng kim của trí tuệ, óc sáng tạo, sức phản kháng và tính chân thực. Do đó cái tên ‘ pseudo-modernism’ cũng hàm nghĩa quan hệ xung khắc giữa tính tinh xảo của các phương tiện kỹ thuật và sự vô vị hay dốt nát của nội dung đã được truyền đạt nhờ vào các phương tiện ấy -- một thời điểm văn hóa được tóm lược qua sự xuẩn ngốc của kẻ dùng điện thoại di động để tuyên bố: “ I’m on the bus”.Trong khi CNHHĐ tra vấn bản chất của ‘thực tại”, CNHĐGN mặc nhiên định nghĩa hiện thực là chính tôi đây, ngay lúc này đang ‘tương tác’ với các văn bản. Như thế CNHĐGN nhắc gợi rằng bất cứ điều gì nó làm hay thực hiện đều đồng nghĩa với thực tại. Có thể một văn bản HĐGN ngợi ca hiện thực bề ngoài dưới một hình thức không có gì rối rắm: như kịch docu-soap(13) với máy thu ảnh cầm tay ( bằng sự phô bày những cá nhân có ý thức là thiên hạ đang ngắm nhìn mình tạo cho khán giả cái ảo giác được tham dự). {…}Đi kèm với cách nhìn mới như trên về thực tại, rõ ràng khung tri thức ngự trị cũng đổi khác. Trong khi các sản phẩm văn hóa của CNHHĐ đã được xếp vào nhà kho lịch sử cùng với CNHĐ và chủ nghĩa lãng mạn, các xu hướng tri thức của nó ( nữ quyền luận, chủ nghĩa hậu thuộc địa, v.v.) cũng bị cô lập trong môi trường triết học mới. Giới hàn lâm ngày nay, đặc biệt có lẽ ở Anh, bị lún ngập dưới các tín điều và thực hành của kinh tế thị trường đến mức khiến cho khả năng các vị này nói với sinh viên họ rằng: “Các anh chị đang sống giữa một thế giới hậu hiện đại trong đó người ta có thể nghe thấy tính đa dạng của các ý thức hệ, thế giới quan cùng những tiếng nói khác” là điều khó thể xảy đến. Bị qui luật kinh tế thị trường săn đuổi không rời các nhà hàn lâm không thể thuyết giảng về tính đa dạng trong khi cuộc sống của họ bị khống chế bởi cái thực ra mà nói là thói tiêu thụ cuồng tín ( consumerist fanaticism). Mười năm trở lại đây, thế giới thay vì mở thoáng đã thu hẹp lại. Ở chỗ Lyotard nhận thấy sự khuất mờ của những Đại Tự Sự, chủ nghĩa hiện đại giả ngụy lại nhìn ra ý thức hệ của kinh tế thị trường toàn cầu hóa được nâng lên cấp bậc một cơ chế độc nhất toàn năng điều chỉnh mọi hoạt động xã hội -- với tính cách độc quyền, bao trùm, lý giải và cấu tạo mọi sự mà trong giới hàn lâm ai cũng phải công nhận dù có khó chịu trong lòng. Dĩ nhiên CNHĐGN nặng tính tuân phục và ham thích tiêu thụ, một cách ngao du giữa một thế giới đã được an bài hoặc đang bị cầm bán. (14)Còn mặt thứ hai; nếu như CNHHĐ ưa chuộng tinh thần trào phúng, am hiểu và thích đùa với những liên tưởng đến kiến thức, lịch sử và tính hồ đồ, thì các trạng thái tri thức đặc trưng cho CNHĐGN là sự dốt nát, cuồng tín và âu lo: một bên là Bush, Blair, Bin Laden, Le Pen với những kẻ cùng hội cùng thuyền, còn bên kia là những khối quần chúng đông đảo nhưng quyền lực thì thua kém xa. CNHĐGN thuộc về cái thế giới bị thấm nhiễm cuộc đụng độ giữa một bộ phận tôn giáo cuồng tín ở Mỹ, một quốc gia Do Thái đa phần thế tục nhưng cực đoan về tín ngưỡng, với một nhóm người Hồi giáo cuồng tín rải rác khắp địa cầu.CNHĐGN không ra đời vào 11 tháng 9 năm 2001 nhưng CNHHĐ đã bị vùi chôn dưới đống gạch vụn ngày hôm đó. Trong bối cảnh ấy CNHĐGN tung ra thứ kỹ thuật tinh xảo kinh dị để thực hiện chủ nghĩa dã man trung cổ: chẳng hạn đưa lên internet những cảnh chém đầu thu băng video hoặc dùng điện thoại di động quay phim tra tấn trong các nhà tù. Xa hơn nữa là mối lo âu bị sát hại giữa hai lằn đạn nay đã trở thành số phận của mọi người. Nhưng nỗi lo mệnh hệ này còn vượt xa mặt địa lý chính trị để len vào mọi khía cạnh của đời sống hôm nay ; từ cái sợ chung chung về nguy biến xã hội với thất lạc bản sắc đến cảm giác bất an sâu xa về chế độ ẩm thực và sức khoẻ; từ nỗi hoang mang về sức hủy diệt của biến đổi khí hậu đến tình cảnh mới của con người không còn khả năng chống chọi hay tự cứu cùng các hậu quả của nó -- và từ đó sinh ra những chương trình tivi khuyên bảo thiên hạ các cách làm sạch nhà cửa, nuôi nấng con cái hoặc thanh toán nợ nần. Sự mất phương hướng được kỹ thuật hóa này là nét chính yếu của thời buổi ngày nay: con người HĐGN liên tục truyền thông với phần bên kia địa cầu nhưng phải được chỉ bảo mới biết rằng ăn rau cải là tốt cho sức khoẻ, một điều hiển nhiên từ thời đại Đồng Thau. Anh ta hay chị ta có thể chỉ đạo các chương trình tivi toàn quốc nhưng không có khả năng tự mình chế biến một món để ăn -- sự hòa trộn đặc trưng giữa ấu trĩ và tiên tiến, giữa quyền năng và bất lực. Vì nhiều thứ lý do, đây là những kẻ không có khả năng “ nghi vấn các Đại Tự sự” tiêu biểu cho loại người HHĐCN theo lập luận của Lyotard.Cái thế giới HĐGN đáng sợ và có vẻ tuột khỏi mọi khả năng kiểm soát này tất nhiên sinh ra lòng ham muốn quay về thói nghịch đùa trẻ con với các thứ đồ chơi, đồng thời cũng tiêu biểu cho thế giới văn hóa HĐGN. Ở đây, trạng thái cảm xúc điển hình thay thế siêu-ý thức của óc trào phúng là sự nhập đồng (trance), trạng thái của người bị hoạt động của mình nuốt trọn. Thay thế chứng tâm thần (neurosis) của chủ nghĩa hiện đại và bệnh mê đắm bản thân (narcissism) của chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa hiện đại giả ngụy tước đoạt mất thế giới này, {…} Bạn bấm con chuột, bạn ấn bàn phím, bạn ‘tham dự hết mình’… Bạn là văn bản, chẳng còn ai khác , chẳng có ‘tác giả’; không còn nơi chốn nào khác, thời gian địa điểm tan biến. Bạn tự do: bạn là văn bản: văn bản nhường chỗ (cho văn bản khác)./.CHÚ THÍCH1.Bài viết này đã thu hút sự chú ý trong giới hàn lâm học giả Anh-Mỹ và được tạp chí tư tưởng Philosophy Now đưa ra làm quà chào hàng trên mạng để quảng cáo cho tờ báo. Là tiến sĩ văn học Anh tốt nghiệp ở hai đại học Sorbonne và Exeter, Alan Kirby đã viết và phổ biến nhiều bài biên khảo và phê bình trên mạng (www.alanfkirby.com) qua đó người đọc nhận ra phần nào ảnh hưởng từ tư tưởng văn hoá-xã hội Paris cộng thêm các trường phái Frankfurt và Birmingham với những quan điểm phê phán văn hóa tiêu thụ dưới sự thao túng của thị trường tư bản.Sau vụ Sokal/Social Text vào 1996, từ hơn chục năm qua đã xuất hiện nhiều bài nhận định và biên khảo về sự bế tắc, thoái trào hoặc cáo chung của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Hoa Kỳ, nơi hình thành của chủ nghĩa và học thuyết này. Không chỉ phân tích các nguyên nhân văn hóa-tư tưởng và kinh tế-kỹ thuật đã gây ra sự tiêu vong của postmodernism, Alan Kirby còn đi xa hơn một bước khi sáng tạo khái niệm pseudo-modernism để soi sáng các khía cạnh giả ngụy của văn hóa phương Tây ngày nay . Nhà xuất bản CONTINUUM đã cho ra mắt chuyên khảo đầu tay của A. Kirby trong năm vừa qua, DIGIMODERNISM, tác phẩm lý luận triển khai từ ý niệm pseudo-modernism. Bằng trò ghép chữ digital vào modernism, ông đề ra một cách nhìn phân tích khá độc đáo để chiếu quang tuyến vào cấu tạo cùng cơ chế của văn hóa giải trí dựa vào điện tử và vi tính. Bạn đọc có thể vào internet để tìm hiểu thêm về digimodernism (tạm dịch là chủ nghĩa hiện đại chỉ xảo hoặc chủ nghĩa hiện đại chỉ toán, CP).Trong bài dịch các cụm từ Hậu hiện đại, Chủ nghĩa Hậu hiện đại, Hiện đại Giả ngụy, Chủ nghĩa Hiện đại Giả ngụy được viết tắt thành HHĐ, CNHHĐ, HĐGN, CNHĐGN.2.Đoạn văn này với giọng trào lộng khô khốc là phần nhạc dạo cho bài nhận định. Có lẽ không cần nhắc lại với người đọc có suy nghĩ rằng các giáo chức hàn lâm USA đại đa số sống và viết trong tháp ngà đại học nên thường có ảo tưởng rằng ý niệm với lập luận trừu tượng cao siêu là tất cả.( Russell Jacoby ,The Last Intellectuals,1987,từ hơn hai mươi năm trước đã báo động về sự tối-chuyên môn hóa “hyperspecialization” của giới này khiến họ mất đứt quan hệ với hiện thực xã hội-lịch sử). Vì vậy sự quay về tinh thần thực nghiệm thực chứng của Critical Realism là điều mà người trí thức VN nào còn hâm mộ pomo babble nên chịu khó tìm hiểu. Về chủ nghĩa hiện thực phê phán Anh-Mỹ (không phải hiện thực phê phán của Garaudy và Lukács!) có thể tham khảo Roy Bhaskar và Henry H. Price trên Bing hay Google.3. Alan Kirby chỉ nêu tên các tác phẩm hậu hiện đại, người dịch bổ túc tên các tác giả.4. Từ những năm 70 phần lớn lý thuyết văn học ở Mỹ, đặc biệt hậu cấu trúc luận và chủ nghĩa hậu hiện đại, dựa vào một số tên tuổi Pháp gần như là sùng bái. Khi Sokal và Bricmont vạch rõ trò lừa bịp trí thức của Lacan, Baudrillard, Virilio, Guattari, Latour, Kristeva, Irigaray,…hào quang của French Theory tan biến; từ đó giới hàn lâm Anh-Mỹ tránh không muốn nhắc đến các thần tượng giả nữa. (Quyển sách làm chấn động dư luận trong học thuật Âu-Mỹ Impostures Intellectuelles, Paris,1997 của hai nhà khoa học đã được tiếp sức bởi nhiều hội thảo, hội nghị và tranh luận trên sách báo qui tụ được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học và triết gia hàng đầu như Steven Weinberg, Noam Chomsky, Ian Hawking, Jacques Bouveresse, Paul Braffort…vốn không chịu được các quan điểm hoài nghi chủ nghĩa phản lý tính và xem thường phương pháp luận khoa học chặt chẽ tiêu biểu cho trào lưu hậu hiện đại. Có thể tham khảo thêm Alan Sokal, Beyond the Hoax, Oxford U.P.,2008 và LINGUA FRANCA Ed.,The Sokal Hoax, University of Nebraska Press, 2000, tập hợp các tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc tranh luận đả phá trường phái hậu hiện đại Pháp-Mỹ. Bạn đọc cũng nên vào Google để đọc các bài tham luận trong cuộc hội nghị triết học After Postmodernism tổ chức vào th. 11 -1997 tại University of Chicago để tìm định hướng mới cho triết học Hoa Kỳ sau cơn địa chấn tư tưởng do sự kiện Sokal gây ra).5. French Theory mắc nạn, ngôn thuyết hàn lâm Anh-Mỹ cũng lâm nguy! Ngày nay các nhà nghiên cứu văn học Anh-Mỹ hầu như không còn nhắc đến chủ nghĩa hậu hiện đại trong các hội nghị học thuật, diễn đàn hàn lâm; căn cứ vào các tạp chí hàng đầu của học thuật nhân văn ở Mỹ như PMLA, Critical Inquiry, New Literary History, Boundary2 trong vòng mười năm nay, các bài khảo cứu liên quan đến Postmodernism chỉ còn chiếm một tỉ lệ khiêm tốn, trên dưới một phần trăm. Chỉ còn tờ Philosophy and Literature là còn thỉnh thoảng đăng bài biên khảo, nhận định về chủ nghĩa này nhưng với mục đích phản bác, phê phán vì tạp chí triết học này là diễn đàn của các tiếng nói duy nghiệm, thực chứng, thực dụng vốn là truyền thống chủ đạo của tư tưởng anglo-saxon khó đồng hành với các triết thuyết Đức-Pháp.6. Big Brother là vở kịch tivi nhiều kỳ ăn khách vào bậc nhất ở Âu-Mỹ thuộc thể loại RealityTV. Chiếu lần đầu trên chương trình Veronica TV ở Hòa Lan năm 1999, được sao phỏng và phóng tác khắp thế giới . Hiện nay vẫn là sự kiện media hàng tuần ở Hoa Kỳ trên đài CBS. Kịch này không có cốt truyện sẵn mà chỉ cần khung cảnh nhân tạo của một ngôi nhà rộng với tiện nghi tối thiểu và khoảng hơn chục thanh niên trai gái chung đụng từng ngày từng giờ trong đó dưới sự sai khiến vô hình của Đại Ca (Big Brother- 1984, G. Orwell). Họ bị cô lập với thế giới bên ngoài nhưng nhất cử nhất động của từng người đều được các ống kính TV quay chụp. Hàng tuần những diễn viên tài tử này (và khán thính giả của chương trình) dùng phiếu bầu loại bớt một hoặc hai người. Kẻ cuối cùng còn lại trong ngôi nhà là người thắng giải , được thưởng tiền mặt hay vật chất. Tuồng kịch này lôi cuốn đám diễn viên nghiệp dư thèm khát “ một phút huy hoàng” và tặng thưởng. Nó cũng hấp dẫn khán giả vì tính chất thị dâm (voyeuristic) thích ngắm trộm chuyện riêng tư của người khác, ví dụ TV bên Anh và Đức ( khác với Mỹ, Úc, Hi Lạp…) vẫn chiếu mà không kiểm duyệt nhiều màn giao hợp đã thực sự diễn ra. Khỏi cần phải nói, Big Brother, Survivor,American Idol… là đối tượng nghiên cứu và phê phán của các nhà truyền thông và văn hóa học tiến bộ, chẳng hạn phái Birmingham và Critical Media Theory do Stuart Hall khởi xướng.7. Street Map và Route Planner là hai nhu kiện thông dụng chỉ vẽ lộ trình giữa hai điểm trên bản đồ. Người sử dụng cần gõ vào máy vi tính điểm xuất hành và địa chỉ đến.8. Fawlty Towers là một kịch tivi nhiều kỳ loại sitcom (situation comedy= hài kịch xã hội) rất được hâm mộ bên Anh ngay từ các màn đầu ra mắt khán giả đài BBC năm 1975. Như tiểu thuyết truyền thống Anh quốc kịch bản gồm những tình huống đời thường hàng ngày diễn ra giữa hai ông bà chủ khách sạn Torquay là Basil và Prunella cùng đám bồi bếp và thân chủ.9. RealityTV ( téléréalité bên Pháp) đưa sinh hoạt đời thường với các diễn viên nghiệp dư được xuất hiện trên sàn kịch tivi trong một vài màn rồi phải nhường chỗ cho các vai không chuyên nghiệp khác . Với tên gọi như thế ,‘Reality’ khiến khán giả lầm tưởng đây là loại tuồng “người thật việc thật”. Trong thực tế các màn kịch này đã được dàn dựng và chỉ đạo khéo, thậm chí có bàn tay vô hình thao túng các kết quả bầu chọn nên tính đầu phiếu dân chủ của khán thính giả không hoàn toàn được bảo đảm.RealityTV gồm một số tiểu thể như talk show, docudrama hay docusoap (từ chữ documentary = tư liệu), phần nào chịu ảnh hưởng phong cách cinéma vérité Pháp-Ý.10. Ceefax là văn kiện điện tử của đài BBC cung cấp thông tin cho dân Anh trước đây. Đó là loại teletext lập mã bằng analog trước khi có kỹ thuật digital và internet.11. Tác giả muốn nói về các phim ảnh action, horror, thriller với nhiều màn sex và bắn giết.12. Kỹ nghệ sex (industrial pornography) xuất bản sách báo phim ảnh hay chế tạo dụng cụ như sex toys một cách đại trà cho thị trường toàn cầu. Đó là chưa kể dịch vụ bán dâm ( sex trade) cũng đang trên đà toàn cầu hóa nhanh rộng.13. Docu-soap, loại kịch tivi ướt át ‘cải lương’ đi kèm với quảng cáo vặt như xà phòng, kem đánh răng,vv…Cũng là một dạng reality TV (xem chú thích 9 và 10).14. Đọc xong đoạn này tôi không thể không liên tưởng đến sự phê phán mácxít của Debord hay Jameson về sự thống trị văn hóa của kinh tế thị trường tư bản. Những ai nghĩ rằng các ý kiến của Alan Kirby về văn hóa thời đại vi tính nhuộm chất bi quan nên tham khảo các chuyên khảo nặng ký hơn về sự tha hóa con người và hủy diệt ý thức công dân của Benjamin Barber hay Gilles Lipovetsky. Hai nhà tư tưởng xã hội này, một Mỹ một Pháp, đều phê phán gay gắt và lên án chính sách đầu độc quần chúng tiêu thụ bằng các phương tiện media hiện đại của chủ nghĩa tư bản. Có thể thăm www.benjaminbarber.com để nghe tác giả nói về tác phẩm mới nhất là Consumed,How Markets Corrupt Children, Infantilize Adults…,Norton,NY,2007. Bạn đọc rành tiếng Pháp nên đọc La Culture-Monde, Paris, Nxb Odile Jacob,2008 do Lipovetsky viết chung với Jean Serroy.Chân Phương
Monday, April 29, 2013
Chân Phương chia sẻ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment