Tuesday, April 30, 2013

Nhớ Nghiêm Đa Văn

                                              

Nghiêm Đa Văn và rất nhiều dang dở


Hồi chúng tôi cùng học Đại học Sư phạm, sinh viên gần như là bắt buộc trăm phần trăm phải ở nội trú, nhưng không hiểu sao Nghiêm Đa Văn vẫn xin được đặc cách ở ngoài cùng gia đình, hàng ngày dong xe vào trường. Ở Hà Nội những năm ấy, một chiếc xe đạp còn là rất quý, cả cuộc đời cán bộ nhà nước nhiều khi rút lại chỉ thấy treo trước mắt cái ước mơ là được mua cung cấp với giá rẻ một chiếc xe Thống Nhất. Vậy mà Văn đã sớm xoay đâu được một chiếc xe riêng, tôi không nhớ của Tiệp hay của Trung Quốc nhưng chỉ biết chắc là loại xe trâu rất thô. Nhìn Văn ngồi xe thật buồn cười: Không chút mặc cảm rằng mình đang ngự trên một chiếc xe cà tèng thảm hại, mặt anh thường vẫn cứ ánh lên một thứ vênh vênh không hề đáng ghét mà là đáng yêu lạ. Và Văn cười, nét cười còn hơi trẻ con, dường như muốn nói với cả bọn: “Chúng mày trông tao có oách không?”. Về sau, gặp lại nhau trong nghề làm văn làm báo, có khi mỗi tuần ngồi với nhau vài buổi ở căn nhà 330 Khâm Thiên của Văn hoặc kéo về căn gác trên phố Phan Bội Châu của Lâm Quang Ngọc, cùng với những Trần Hoàng Bách, Trần Cương, Nguyễn Vĩnh, Nguyễn Lâm tức Lâm “râu” đôi khi có cả Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ…, cái cảm tưởng nhìn Văn đi xe đạp hôm trước càng đậm lên trong tôi. Nghĩa là trong văn chương, Văn cũng có chút vênh vênh đáng yêu như vậy: “Ồ, các con trời cứ chờ đấy, tao sẽ ra tay!”. Cái câu tuyên bố xanh rờn ấy của Văn không nhằm răn đe ai, cũng chẳng phải một thứ kiêu ngạo gì, chẳng qua là một kiểu tự động viên mình. Viết lách là chuyện khó. Nhưng đừng có hù doạ tôi! Trong nghề này, mỗi người có cái duyên riêng của mình, không ai thay thế được ai. Vậy thì, cứ chờ đấy, các anh sẽ được xem tôi lật con bài của tôi, hay dở tôi chịu.
Rút lại, cái điều Văn muốn nói ghê gớm như thế, mà cũng chỉ là như thế. Trước con mắt một người sống chỉ biết thu mình lại nặng về e dè sợ sệt như tôi, cách cư xử của Văn gắt quá, mạnh quá, tôi không đủ sức làm theo, nhưng trong thâm tâm, thấy thật hấp dẫn: Hãy chủ động làm lấy số phận văn chương của mình. Ngoài ra mọi sự khiêm tốn vờ vịt chẳng giúp được ai có tài hơn, do đó, đáng yêu hơn chút nào hết!
Hình như có lần Nguyễn Khải đã viết đại ý một người đến với nghề văn như thế nào thì về sau sẽ ở lại với nghề theo kiểu như vậy.
Nhớ chuyện ngày xưa, Nguyễn Tuân từng đã kể mình từ biệt tỉnh Thanh ra đi với tâm sự “Rồi đời sẽ xem. Đời sẽ xem chúng tớ húc đầu vào ánh sáng. Chúng tớ là những cục vàng mười. Chỉ có cái hòn than tây ở ngoài ấy mới thử được cục vàng mười này thôi”.
Ngoài ấy nói ở đây là Hà Nội. Ông Nguyễn lúc ấy đang còn trẻ và đầy hiếu thắng đã “khoái trá vô cùng khi được vứt lại cả cái tỉnh nhỏ ra đằng sau mông của mình “(Đôi tri kỷ gượng).
Con đường của Nghiêm Đa Văn và một số những người bạn cùng tuổi chúng tôi những năm trước chiến tranh thì có khác. Trước tiên phải ra khỏi Hà Nội đã rồi mới trở về thủ đô sau. Chúng tôi chấp nhận đi đường vòng.
Lâm Quang Ngọc kể: Học xong lớp 10 (tương tự như lớp 12 về sau), Văn rủ Ngọc đi lao động ở Thái Nguyên. Bọn bất tài mới phải vào đại học, còn tao với mày chúng ta là những ông Gooc-ki rồi chỉ có viết thôi, Văn không úp mở gì, nói thẳng như vậy.
Vào những năm cuối thế kỷ XX này, trong hoàn cảnh đất nước lo làm ăn kinh tế và mở cửa để đón nhận mọi thành tựu khoa học kỹ thuật thì trước mắt người thanh niên mở ra nhiều con đường lập nghiệp khác nhau và số người tính chuyện viết văn hình như chẳng là bao; nhưng vào khoảng những năm sáu mươi bảy mươi thì nghề văn oai vệ và hấp dẫn lắm. Muốn có một cái tên để cho người đời nhớ mà lại sang trọng thơm tho, tốt hơn hết có lẽ là cầm lấy cây bút.
Song một trong những tiêu chuẩn đầu tiên, và chắc chắn tiêu chuẩn quan trọng nhất của nghề văn lúc này phải là sự từng trải kinh nghiệm sống. Nôm na mà nói, giá anh không sinh trưởng ở thành phố mà lớn lên từ những vùng quê xa xôi, không tỏ ra thành thạo sách vở mà thạo cuộc sống của những người lao động thì dễ được chấp nhận nhất. Lịch sử văn học nửa sau thế kỷ XX còn ghi lại bao nhiêu trường hợp của những thanh niên từ nông thôn lên và sau này sẽ làm chủ văn đàn. Họ là những Lê Lựu, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật
Một cách bản năng, những thanh niên lớn lên ở Hà Nội như Bùi Minh Quốc, Trần Nhật Lam cũng như Nghiêm Đa Văn, Hoàng Hưng… hiểu ngay cái điều mà xã hội yêu cầu. Theo lời kêu gọi của báo chí, họ nhập vào những đoàn quân đi vỡ đất hoang, lên công trường… Và nhanh chóng, Bùi Minh Quốc được nhiều người biết tiếng với bài Lên miền Tây:
Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng
Ơi miền Tây ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng
........
Là được lên đây đem sức lực căng tràn
 Với sứ mệnh vinh quang là vỡ đất
Nhưng rồi Bùi Minh Quốc cũng trở về để học Đại học Tổng hợp. Mà Văn với Ngọc của tôi thì về học Đại học Sư phạm. Đằng nào thì cũng là một cách để học thêm một ít kiến thức và chờ ngày nhảy ra viết lách.
“Chỉ thi chơi thôi không ôn ngày nào, vậy mà cũng đỗ”, sau này Văn vẫn thường biện hộ cho cách sống ào ào của mình bằng cách nhắc lại kinh nghiệm như vậy. Và người ta có thể tin được điều này nếu biết rằng thời ấy trường Đại học Sư phạm điểm không lấy gì làm cao bởi lúc đầu chỉ học có hai năm để đi dạy cấp ba, sau hình như thấy chất lượng yếu quá nên mới cho học thêm một năm nữa.
Cái niên học 1963-1964 đối với chúng tôi là một thời điểm rất lạ! Chắc chắn không ai dự đoán nổi rằng ngày 5-8 Mỹ sẽ ném bom miền Bắc và một giai đoạn lịch sử mới bắt đầu. Nhưng lòng người thì tự nhiên đã có một chút gì nhộn nhạo. Chúng tôi băn khoăn về nỗi không biết ra trường chúng tôi sẽ được ném đi đâu. Như thể có một bàn tay của số mệnh đang dăng ra và chúng tôi thì giãy giụa không chịu. Tôi nhớ mang máng một câu trong Hoàng Lê nhất thống chí “lòng người ao ước sự loạn lạc”, và tuy không biết rõ ràng nhưng cứ thầm ước ao là có một cách nào để mình chưa phải đi dạy học ngay thì tuyệt biết bao nhiêu. Có lẽ là đồng lương lúc ấy đã quá thấp và trước mặt người thanh niên mọi con đường kiếm tiền chưa mở ra rộng rãi như bây giờ, nên chúng tôi không muốn sớm bị bắt vít lại ở một công việc cố định. Giá kể được đi đây đi đó để vùng vẫy một hồi mà cũng là hiểu biết thêm thì có tới cùng trời cuối đất chúng tôi cũng không ngại.
Không ai nói ra miệng nhưng giờ đây nghĩ lại thấy không chừng đấy cũng là một lý do khiến chúng tôi hào hứng đến với chiến tranh từ những ngày đầu.
Lệnh động viên, gọi một số đi nghĩa vụ quân sự đến với cái lớp văn III thật đúng lúc. Một tốp gồm những Phạm Tiến Duật, Tô Hoàng, Nguyễn Đình Ánh, Vương Trí Nhàn v.v… đội mũ đeo sao lên trấn thủ Tây Bắc, và không phải ngẫu nhiên trong số này một tỷ lệ đáng kể sẽ bắt đầu hí hoáy viết văn.
Còn Nghiêm Đa Văn được phân công vào dạy học ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cũng đất lửa chứ có phải vừa đâu, so với cánh bộ đội Tây Bắc chúng tôi, ai khổ hơn ai mà cũng là ai có thực tế hơn ai thật không dễ dàng phân định, có lẽ vì thế, mà cũng như chúng tôi, cái cơn cớ để lao đầu vào viết lách ở Văn càng mạnh. Báo Văn Nghệ bắt đầu có đăng thơ của người thày giáo trẻ. Tuyển tập thơ mang tên Sức mới ra đời năm 1965, rồi sau đó tuyển Thơ ba năm chống Mỹ đều lấy bài Đàn trâu Nghệ của Văn. Rồi Văn viết truyện ngắn Ngã ba đất đỏ. Cho đến khi được gọi về làm báo Người giáo viên nhân dân thì Nghiêm Đa Văn của chúng tôi chưa mô phạm lên được bao nhiêu mà vẫn còn nhiều nét của anh sinh viên văn III hồi nào, chỉ riêng cái mộng văn chương là lại càng cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Nhà văn Vũ Bằng trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo từng đã định nghĩa một cách đơn giản văn chương chữ nghĩa là một thứ không trường không thầy. Nguyễn Công Hoan, một trong những tác giả đặc biệt chú ý mẹo mực khi sáng tác (có nghĩa là một bực thầy về kỹ thuật) lại càng thích nhấn mạnh rằng không cần học, không có gì phải lo học. Trong hồi ký Đời viết văn của tôi, ông nhắc đi nhắc lại một lời khuyên mà ông coi như chân lý ấy là nếu thích viết văn thì phải mạnh dạn viết, như người muốn biết bơi phải nhảy xuống nước chứ cứ ở trên bờ mà nghe giảng về bơi (ý nói đọc các loại sách lý luận) thì cả trăm năm cũng không biết bơi. Vào khoảng thời gian mà những cây bút trẻ thời chống Mỹ bắt đầu viết, những cuốn hồi ký nói trên chưa được in ra. Nhưng cái tinh thầnvô chiêu ấy là tinh thần chung mà giới viết văn ở ta vẫn ngầm lưu truyền từ lớp này sang lớp khác và đến thời chúng tôi bắt tay vào viết thì các bậc đàn anh càng thích nói ra công khai. Thành thử nó cũng đến với các bạn của tôi một cách tự nhiên, và quả thật có tạo nên một nguồn cảm hứng mạnh mẽ có ý nghĩa kích thích.
Lấy ví dụ trường hợp một cây bút cùng tuổi với chúng tôi, mà lại xuất thân từ hoàn cảnh khác, tức đi một con đường khác, mãi sau 1975 bọn tôi mới có dịp gặp, đó là nhà văn Thái Vượng. Ít lâu sau khi Thái Vượng qua đời, một người bạn cũ là Vũ Đình Minh có nhắc lại nhiều kỷ niệm về con người này. Trước mắt chúng ta là một Thái Vượng đến với văn chương cũng từ rất sớm, và phải nói cũng đầy ảo tưởng:
“Năm 1958, Thái Vượng từ Lập Thạch về học lớp 8 trường cấp II-III Trần Phú, thị trấn Phúc Yên huyện Mê Linh, Vĩnh Phú (…). Thái Vượng học kém, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Suốt ngày anh cởi trần, hì hục viết lách. Sau đó, tôi thấy anh đưa xem cuốn vở học trò, dày độ 48 trang mà anh gọi là tiểu thuyết với nhan đề kẻ vẽ kỹ ở ngoài bìa: Đôi uyên ương. Tôi đọc thấy bi luỵ, kiểu mức tập tọng của văn chương Tự Lực văn đoàn. Nhưng mãi về sau, khi tôi giễu cợt cái điều ấy, anh trợn mắt: “Cuốn đó bọn con gái Lập Thạch xé ra từng trang để đọc rồi học thuộc lòng đấy!” (…) Học kỳ hai năm lớp 8, anh đột ngột bỏ học, có lẽ vì không thể chịu đựng nổi môn Toán. Anh ghi vào sổ lưu niệm của tôi: “Hẹn sẽ cùng nhau sánh bước trên văn đàn Việt Nam” (báo Văn nghệ 14-12-96).
Mẫu người Thái Vượng mà Vũ Đình Minh nói ở đây cũng là mẫu chung của lớp nhà văn trẻ mà nay một số sách vở vẫn gọi là lứa chống Mỹ. Có thể bắt gặp cái nét chung đó ở nhiều người khác. Nếu như những năm ấy, Đỗ Chu hiện ra như một thanh niên vùng quê Kinh Bắc tài hoa, duyên dáng trong cách nói năng, nếu như Triệu Bôn cũng nông dân nhưng lại là thứ nông dân gan lỳ chắc thiệt thì một số bạn bè khác như Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Anh Ngọc… còn nhiều chất của cánh học sinh Hà Nội chỉn chu, sách vở; riêng Nghiêm Đa Văn thì lại là hiện thân của thứ nhất quỷ nhì ma bạt mạng: tưởng lông bông mà không việc gì không thử làm; nhố nhăng mà lại rất tình nghĩa; chẳng chuyên sâu vào cái gì cả nhưng hình như cái gì cũng biết và thường xuyên nhởn nhơ cười cợt ngay trong sự tháo vát của mình.
Mới mon men vào đời và vừa võ vẽ đọc dăm quyển sách mà dám đến với nghề văn, tức đã là loại điếc không sợ súng, tay không lao thẳng vào văn đàn rồi – nói chung nhiều người chúng tôi có ai kém ai về những mơ mộng hão? Song Nghiêm Đa Văn mới thật là tay tổ trong sự liều lĩnh. Thứ nhất, tuốt tuột mọi nghề từ âm nhạc, sân khấu, tới điện ảnh, xiếc… không việc gì đối với Văn bị coi là khu vực cấm. Văn cộng tác với nhạc sĩ Mộng Lân làm nhạc cảnh và nhạc cảnh này được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ. Văn viết cả kịch bản phim hoạt hình và có vài ba kịch bản phim truyện đã được in ra… Thứ hai, ngay trong khu vực chữ nghĩa, Văn cũng lăn từ thể loại này sang thể loại khác. Làm thơ thì là chuyện tự nhiên rồi, nhưng Văn còn viết truyện ngắn (tập Ngã ba đất đỏ) và hàng loạt tiểu thuyết như Tầm cao năm tháng, Gió mặn
Lâm Quang Ngọc, lúc ấy đã đánh tháo được khỏi việc dạy học ở một trường phổ thông để chuyển sang ngành điện ảnh và cũng như Văn lúc làm thơ lúc viết truyện, Lâm Quang Ngọc hay ngỏ ý vừa thắc mắc mà cũng vừa khâm phục: “Tao không hiểu thằng Văn nó viết vào lúc nào nữa!”. Văn đắc ý, càng cười hì hì, những ngày hè cởi trần thân hình ngồn ngộn như một phản thịt.
Ngỡ một người như thế sẽ không biết lao tâm khổ tứ là gì, có hay đâu, với một chiếc máy chữ cọc cạch, Văn có thể lọ mọ cả đêm viết đủ thứ, và thứ gì cũng in dấu tài hoa.
Nhưng có lẽ không ở đâu, cái võ công “không biết mặc cảm” ở Văn lại có khả năng giải phóng một sức sáng tạo kỳ lạ như trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử. Dù không chuyên tâm khảo sát kỹ lưỡng nhưng ai người quen bắt đầu mọi sự hiểu biết bằng sách vở hẳn cũng hiểu rằng muốn viết được loại truyện này phải đọc thiên kinh vạn quyển. Bởi vậy tôi không khỏi ngạc nhiên khi đến nhà Văn chơi nhìn quanh căn phòng phải nói là rộng rãi chỉ thấy mấy cuốn sách lịch sử loại đã quá cũ vứt lổng chổng chân giường, góc bàn và hình như tuy cũng giở ra luôn nhưng chủ nhà chưa đọc cuốn nào đến trang chót. Đã thế, tôi còn được ngớ người ra khi nghe Văn tuyên bố một câu xanh rờn: Viết tiểu thuyết lịch sử là dễ nhất vì tha hồ bịa. Văn đưa ra dẫn chứng: trong khi đi hỏi thêm vài chi tiết có liên quan đến nhân vật lịch sử nọ (một người cũng mới qua đời khoảng 1930), Văn được hai địa phương khác nhau cung cấp những dữ kiện hoàn toàn ngược nhau. Trở về Văn mừng lắm, trong bụng chắc mẩm rằng bịa đến mấy cũng không sợ bị ai hạch.
Theo dõi bước đi của bạn, chúng tôi chỉ thầm bảo nhau: cũng là một cách tồn tại trong văn học.
Nên nhớ là hồi chiến tranh và những năm sau 1975 việc in sách là nằm trong kế hoạch nhà nước, việc sử dụng giấy là theo quy định chứ không phải ai cũng có quyền bỏ tiền in sách miễn làm đúng luật định như sau này. Văn của chúng tôi đã bắt trúng một yêu cầu của đời sống lúc ấy nên sách của Văn mới được in như vậy.
Một lý do nữa khiến bọn tôi dù thích hay không cũng phải chấp nhận sáng tác của Nghiêm Đa Văn: anh đã viết đúng như anh đã sống.
Mặc dù đã trải qua những giây phút lịch sử là cái không khí sôi động của Đại thắng mùa xuân và đất nước thống nhất, song nhịp sống của Hà Nội những năm sau 1975 đại khái vẫn như những năm chiến tranh: vẫn những chiếc xe đạp chậm rãi đi về trên những đường phố yên tĩnh. Sự sôi động có xảy ra với những chuyến nhân dân cán bộ kéo nhau vào Sài gòn “nhận họ nhận hàng” mà nhà văn Nguyễn Khải một lần đã nói đùa với tôi là một dịp để cả nước được đi nước ngoài. Song một vài cái mô-bi-lét cá xanh chưa làm cho đường phố ồn ào là bao, cũng như tiếng hát Khánh Ly Trịnh Công Sơn chỉ mới cất lên từ những bộ A-kai cổ lỗ không làm cho những nếp nhà tường vôi cũ kỹ có được không khí như sau này. Nhìn vào cái sự ăn uống thì lại càng rõ. Ở trên tôi đã nói là có thời gian tuần nào chúng tôi cũng vài ba lần tụ tập với nhau ở nhà Văn hay nhà Ngọc. Để bàn về sự viết lách. Để thông báo với nhau về vài cuốn sách mới đọc, kể từ những cuốn sách triết học hiện đại đến những bộ chưởng của Kim Dung, tất cả đều từ Sài gòn mang ra. Câu chuyện thì sang trọng hơn xưa song cái chất để dẫn chuyện thì vẫn tầm thường lắm, chỉ có ít rượu ngang đắng ngắt với vài chục ngàn tiền lòng cho đâu bảy tám mống cả đàn ông lẫn đàn bà. Ấy vậy mà theo tôi nhớ là chuyện rất vui mà người thấy hể hả nhất phải kể là Nghiêm Đa Văn. Một sự dễ dãi thường trực nơi Văn, hình như anh ăn thế nào cũng được mà ở thế nào cũng được. Hơn thế nữa anh có cả một triết lý chỉ đạo cho sự bằng lòng cuộc sống của mình. Anh vừa cười vừa bảo với tôi:
- Chỉ có những người anh hùng với những thằng điên mới tính chuyện thay đổi cuộc đời. Chúng mình không phải loại thứ nhất cũng không phải loại thứ hai, chúng mình hãy cứ sống như mình đang có!
Còn đây là chuyện lê la trên đường của Nghiêm Đa Văn do một bạn trẻ hơn là anh Trần Đình Nam (từng có thời gian là học trò Văn ở trường cấp III Đức Thọ) ghi lại:
“Cái quán bia phố Cổ Tân chiều hôm ấy đông như một buổi chợ phiên. Nếu không phải dân nhậu thật khó mà hiểu được tại làm sao hàng trăm con người lại ngồi cắm cọc trên một đoạn vỉa hè xi-măng nóng hầm hập, mồ hôi mẹ mồ hôi con cứ ô-tô-ma-tích bò ra ướt sũng cả quần lót áo lót, rồi ướt ra quần dài, áo sơ mi chỉ để uống vài cốc bia, nhá vài lát ngẩu pín, nói vài câu chuyện tầm phào. Trên cái bãi người ướt sũng bị cái nắng mùa hạ hầm cho chín nẫu ra ấy là một đám khói thuốc lá vần vụ như một đám mây. Thầy Văn mặt đỏ mọng, cười nói oang oang như một anh xích lô chuyên nghiệp. Thầy là con người của đám đông. Thầy mê mẩn những bãi bia quán rượu tạm bợ, chật cứng người, những câu chuyện không đầu không cuối. Hoà vào đám đông, thày như cá gặp nước. Sau này, ngày nào tôi cũng thấy thầy đạp xe lêu têu ngoài phố như một gã vô công rồi nghề” (Ba lần uống rượu với thầy Văn, bài đăng trên báo Văn nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu).
Dân dã, tầm thường, ngầu đục bụi bậm, bám sát vào mặt đất – cái cách ăn uống và nói chung là cách sống của chúng tôi đã thế thì văn chương của chúng tôi như thế, có gì trái quy luật đâu mà ngạc nhiên! So với chúng tôi, Nghiêm Đa Văn chỉ trắng trợn hơn tí chút, bất cần hơn tí chút chứ anh cũng là sản phẩm của hoàn cảnh như tất cả chúng tôi vậy.
Những chuyện tôi vừa kể trên chủ yếu liên quan đến những năm chống Mỹ, và kéo dài ra khoảng chục năm sau, tức tới giữa những năm tám mươi… Rồi sự thay đổi đã tới. Một không khí bình lặng tưởng như đã bắt rễ vào đời sống và mãi mãi như thế hoá ra cũng có lúc bị đẩy vào quá khứ. Đời sống hiện đại là gì? Là đường phố lúc nào cũng rồ lên tiếng xe máy. Là những mặt người sát khí đằng đằng lao đi kiếm sống. Là những quán ăn đẹp đẽ sang trọng như nơi vui chơi của các ông hoàng và những cửa hàng sách đủ loại best-seller dịch vội dịch vàng bản in rất nhiều lỗi chính tả… Cái áp lực đó của đời sống cố nhiên cũng làm cho giới viết văn của tôi xao động hẳn lên và một người nhạy cảm như Nghiêm Đa Văn làm sao có thể ngồi yên. Từ những năm thời chiến theo dõi sáng tác của Văn, tôi sớm nhận ra một điều: anh làm thơ ít dần, và về sau gần như bỏ hẳn thơ. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ chính anh đã cố ý làm vậy. Một lần nhân có chuyện gì đó liên quan đến Lưu Quang Vũ, Văn buột ra lời thú nhận: “Một trong những thằng khiến tao bỏ thơ chính là thằng Vũ”. Như thế nghĩa là thế nào? Là Văn của tôi chả lơ mơ gì cả. Anh luôn luôn vừa sống vừa quan sát những người chung quanh. Anh không hề có ảo tưởng về mình. Và trong cái sự gọi là bèo dạt mây trôi lang chạ kiếm ăn anh vẫn có những sự tính toán nghiêm chỉnh. Trong khi luôn mồm tuyên truyền cho sự thích ứng thì anh vẫn âm thầm chuẩn bị cho những thay đổi mà không cần lớn tiếng ráo trước một lời nào hết. Trong Văn vẫn có một người anh hùng chưa chịu chết hẳn!
Nhưng đến cái lần anh bỏ luôn cả nghề văn thì đối với chúng tôi quả là một sự lạ lùng không ai lường trước được.
Trước sự tấn công của kinh tế thị trường, bao nhiêu giá trị thay đổi huống chi là giới cầm bút? Từ lúc nào không rõ, trong đám bạn bè chúng tôi, sự khảng tảng bắt đầu xuất hiện, và tới giữa những năm tám mươi, thì tán loạn mỗi người một phương; thậm chí có khi vẫn là người ấy, và anh ta vẫn quanh quẩn giữa đám làm nghề, nhưng đã hoá ra “không phải mình nữa”, tự mình mất hút ngay trong cái làng văn tưởng rất bé nhỏ này. Người đi viết sử cho các nhà máy xí nghiệp để lấy mỗi cuốn vài chục triệu. Người đi làm phim viết kịch với nghĩa làm hàng chiều lòng các ông chủ tỉnh nhỏ. Người chuyên đi bình thơ nói chuyện theo giá thoả thuận… Lại có cách mất hút với nghĩa rõ ràng hơn mất hút vào chuyện làm ăn buôn bán. Theo lời kể của Chu Lai (trong một bài viết in trên Văn nghệ quân đội 12-1996) thì Thái Vượng mà ở trên tôi có nhắc, nhà văn Thái Vượng trở về sau chiến tranh và tâm huyết đầy mình ấy trước khi mất cũng đã sớm tính lại cuộc đời “Sách của anh vẫn in truyện ngắn, vẫn cho ra đều đều nhưng trong con mắt đa cảm của anh đã vắng đi nhiều lắm cái ánh tự tin và mơ mộng. Có lần trong một bữa rượu, anh đã ngậm ngùi nói: “Mình thua rồi. Thua cả chất lượng lẫn số lượng rồi”. Thay vào đó,cuộc mưu sinh lôi cuốn Thái Vượng. “Với sức khoẻ trời cho, anh lang bạt khắp nơi. Khi một mình chống bè xuôi thác dữ, khi mượn xe máy của bạn bè lên tận nẻo biên cương, khi lại nhảy tàu hoả vào tận những nơi thâm sơn cùng cốc”. Về phần mình, Nghiêm Đa Văn cũng bắt đầu một hành trình dài dặc và rắc rối tương tự. Có hồi nghe bảo anh đang làm tham mưu, cố vấn gì đó, xách xe chạy suốt ngày để giúp việc cho một ông trùm bên điện ảnh. Lại có hồi nghe anh chuyển đi làm kinh tế, các-vi-dít đề rõ là chuyên viên thương mại, trông nom quyền lợi cho một công ty nào đó tận trong Nam. Tôi được nghe kể là trong giới âm nhạc có một nhạc sĩ sáng tác cũng giỏi mà buôn bán bất động sản cũng tài, ông đã tổng kết một cách chí lý rằng sáng tác thì thanh cao mà việc kiếm tiền thì đầy sức quyến rũ. Song trong thiên hạ may ra được một vài người văn võ song toàn như người nhạc sĩ kỳ tài ấy. Còn với số đông các nghệ sĩ, bao gồm cả giới cầm bút, tôi chỉ thường xuyên chứng kiến một sự nông nổi tưởng mình làm gì cũng được, và lúc nào cũng tự nhủ giá mà thế nọ, giá mà thế kia, chứ vào cuộc là ngã ngựa! Nghiêm Đa Văn của chúng tôi cũng không thoát khỏi ảo tưởng đó. Vốn người thông minh, nên anh nhìn đâu cũng thấy việc để làm. Khốn nỗi, chỉ giỏi bày mưu cho người khác, chứ toàn tính nhầm cho mình, tính nết lại nghệ sĩ, hay chạnh lòng, hay tự ái, hơi cảm thấy bị xúc phạm là vỗ đít đứng lên, nên việc gì rồi cũng dang dở, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, mà loanh quanh mất dăm bảy năm như chơi. Hết bôn ba ở các tỉnh miền Nam, mấy năm cuối đời, Văn quay lại các tỉnh miền Bắc, nhưng lang bạt lên tận Lạng Sơn, Cao Bằng. Thỉnh thoảng gặp lại nhau trên đường Hà Nội, anh hiện ra trước mắt chúng tôi không còn cái vẻ non tơ hồn nhiên như hồi nào. “Trước mắt tôi không còn ông hộ pháp nói cười hỉ hả, luôn luôn tràn trề hy vọng nữa, mà là một thầy Văn khác, khí sắc thất thần, mặt sưng chảy, bàn tay đặt trên bàn bợt ra như tay người chết với những cái móng dài tím tái. Con người đăng ký hộ khẩu ngoài đường phố, con người phải lòng các bãi bia quán rượu tạm bợ ồn ào và những câu chuyện tầm phào không đầu không cuối, con người ấy đang ngồi đó bơ vơ đơn độc”. Gương mặt mà đầu những năm chín mươi Trần Đình Nam bắt gặp ở một quán rượu Hà Nội ấy cũng là gương mặt hiện ra trước mắt bọn tôi, những Ngọc, Vĩnh, Nghiệp, Hồng… của Văn hồi nào. Có thể dự đoán là chắc đang có một sự đổ vỡ trong anh thì phải. Thôi thì thời buổi kinh tế thị trường này, ai muốn làm gì thì làm, miễn dám gánh chịu lấy kết quả công việc, mà cái ý thức tự trọng ấy ở Văn có thừa, nên nhìn theo Văn, những người quen cũ chỉ còn biết kính trọng pha chút ái ngại.
Cuối tháng mười 1996, Văn ngã bệnh. Thận không làm việc bình thường. Từ một nơi xa, một người mới quen chở anh thẳng về Bạch Mai, đến lúc tạm đỡ bạn bè mới biết mà đến thăm. Sau đó, ra viện phải thuê một căn phòng ngay gần đấy để hàng ngày vào chữa ngoại trú, vẫn cái bệnh thận chết tiệt. Song tất cả những ngày sau đó, Văn sống trong sự đơn độc, không muốn ai biết là mình đang sống thế nào. Cho đến rạng sáng 7-6-1997, cái chết ập đến, con người có thời béo tốt bảy tám chục cân gì đó, giờ héo hon chỉ còn một nửa, ai nhìn cũng xót.
Không chút màu mè hình thức như nhiều đám ma đương thời, buổi chia tay Văn đơn sơ nhưng cảm động. Giữa một ngày hè nóng nực chỉ có những người thân và một ít anh em viết văn hoặc làm nghệ thuật cố kết với Văn từ xưa có mặt để vĩnh biệt người bạn xấu số.
Lần này thì mới thật là Nghiêm Đa Văn mất hút hẳn!
Trong những ngày cuối cùng sống trên dương gian, đã có lúc Văn có được một cái nhìn hư vô về cuộc đời mình. Người thầy giáo ấy tâm sự với học trò cũ nay đã thành một đồng nghiệp: “Thoắt cái đã ba mươi năm có lẻ. Hồi 64 vào khu Bốn dạy học, gia tài tao chỉ mỗi cái ba lô đựng vài bộ áo quần, dăm cuốn sách; giờ tao cũng chỉ có dăm cuốn sách vài bộ áo quần và cái ba lô. Ngày trước chúng mày gọi tao là thầy. Bây giờ chính tao cũng không biết gọi tao là gì nữa. Nhà văn, nhà biên kịch, nhà báo, người chào hàng, nhà doanh nghiệp cố vấn… Loanh quanh một vòng giờ lại quay về nơi xuất phát”.
     Tôi không trực tiếp được nghe những lời bộc bạch ấy của Văn nhưng tôi tin anh đã nghĩ như thế. Cuộc đời anh có nhàu nát xẹo xọ thật, nhưng suy cho cùng so với cuộc đời nhiều người chúng tôi chỉ một bên phô ra tanh bành, một bên đắp điếm che giấu chứ thực ra đâu có khác gì nhiều. Dẫu sao thì đây cũng là một con người dám nhìn thẳng vào kiếp sống của mình ngay cả khi biết chắc rằng nó không ra sao. Hơn thế nữa anh còn tính chuyện thay đổi, anh không muốn nó truồi đi giống mọi người, cái ý hướng chống chọi lại số phận ấy đáng quý lắm chứ.
Gia đình phát hiện rằng người quá cố để lại cả mấy bao tải những bản thảo chưa hoàn thành: Đúng là sự nghiệp văn chương của Văn rất nhiều dang dở. Nhưng ở một người lúc nào cũng đầy ắp những ý đồ làm việc thì cái chết nào chẳng là sự dang dở?!
Mấy hôm sau khi Nghiêm Đa Văn qua đời, đôi lúc tôi cứ nghĩ vớ vẩn: giá kể… Vâng, giá kể Văn cứ yên tâm viết lách nhì nhằng như bọn tôi thì có kém ai! Khai thác cho hết cái oai của nghề làm báo, chạy rông ở hành lang các cuộc họp, cùng nữa đến xí nghiệp nọ công ty kia vỗ vai mấy ông giám đốc nửa ngửa tay xin nửa bắt buộc người ta phải cho…, những việc ấy có gì là khó với Văn và đâu phải là chuyện Văn chưa từng làm. Sau mấy chục năm lập nghiệp vất vả giờ đến kỳ thu hoạch, cứ trì một chút là được! Rồi biết đâu chả có lúc thiên hạ lại đồn ầm lên là cái anh chàng Văn bát nháo ấy cũng đang xây nhà rồi, ồ, có thể thế lắm chứ, với Văn điều gì chả có thể xảy ra!
Song hình như tất cả những giá kể ấy là ngược với tính cách của người đã khuất. Trong sự thường xuyên thích ứng với đời, trong Văn vẫn đau đáu một niềm tin: tất cả có thể làm khác, và văn chương nếu rất thích hợp với tuổi trẻ thì cuối cùng vẫn không phải là cái lối thoát duy nhất của một người có tâm huyết.
Lại nhớ có lần Văn đã kể với tôi một cách nghiêm chỉnh:
- Chính ra các cụ đặt tên cho tao là Nghiêm Văn Đa. Nhưng tao không thích, đến lúc đi học phải làm khai sinh, mới đảo ngược lại là Nghiêm Đa Văn. Chả phải mê văn chương gì đâu, mà chỉ đảo ngược cho vui. Mày xem, có chết ai đâu?
Thế thì còn giá kể cái quái gì nữa, Văn nhỉ!


No comments: