Monday, April 29, 2013

Diễm Châu


                    

        MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI

* cao mỵ nhân * diễm châu * đào minh lượng *
* hà phương * hà yên chi * kiều thệ thủy * nhị thu *
* như lan * tuyết linh * thanh nhung * trần dạ từ * viên linh *


DẪN NHẬP

Giới thiệu 12 nhà thơ mới nhất hôm nay của Miền Nam trong khoảng thời gian 1955 đến 1960, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ ghi lại cảm tưởng riêng khi nhìn họ qua thơ trong giai đoạn bắt đầu - dù nhiều tác giả đã xuất bản thơ, như Hà Phương, Hà Yên Chi, Diễm Châu … và có tác phẩm đăng nhiều trên tạp chí, sách báo, đích thực đã là nhà thơ nổi tiếng với giới thi ca vào giai đoạn này.
Trước khi tập hợp một số bài báo thành cuốn MƯỜI HAI NHÀ THƠ MỚI NHẤT HÔM NAY (in ronéotypé trong Loại Sách Đại Nam Văn Hiến, Saigon 1961), những bài viết nói về các tác giả Cao Mỵ Nhân, Diễm Châu, Đào Minh Lượng, Hà Phương được đăng tải trên tuần báo Tân Dân, chủ nhiệm Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, vào những năm 60-61, ký Đường Bá Bổn.





2 - DIỄM CHÂU
(Phạm Văn Rao, 1937 – 2006 )

Tập thơ đầu tay gồm hai tác giả in chung (hai tập thơ của hai tác giả in chung trong một tập), phân chia rất rõ ràng. Tôi xin lỗi bỏ qua tập đầu của Đỗ Quí Bái (theo tôi, chưa thể là một tác-giả-thơ) chỉ phân tích tập sau, ký Diễm Châu. Một dịp nào tiện, và thơ của Đỗ Quý Bái còn tiếp tục xuất bản, bàn đến hẳn chưa muộn.
Tôi chỉ nói đến Hạnh Hoa của Diễm Châu (tên thật là Phạm văn Rao, sinh 1936). Ở ngoài đời, anh tự nhận tên là Phạm Ngọc Dao, không hiểu vì lý do nào anh không thích tên thật do cha mẹ đặt cho. Dường như anh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm khoá đầu, vào 1960.
Hạnh Hoa gồm hơn ba chục bài, chia làm ba khu vực : Hạnh Hoa, Hàm Tiếu, Vực Sâu, Triền Mộng, Triền Cầm, Xuất Thế và một bài thơ khép Hạnh Hoa Mãn Khai. Ai đọc thơ cũng dễ thấy rõ ý định của Diễm Châu: bài cuối mới là đợt mở đầu của mãn khai, còn phần trên chỉ là tình-cảm-thơ của một người mới làm quen với thi ca. Con đường nào đi xuống, theo tác giả, dưới kia là vực sâu, băn khoăn với con đường đi qua không ánh sáng, đầy tối tăm. Có một bài mang tựa đề Nửa Đường làm tặng Thế Phong, giai đoạn anh đọc Nửa Đường Đi Xuống của tác giả khi còn là bản thảo. Thơ anh lời lẽ chau chuốt, vun quén ngữ từ, gieo âm thanh dị loại, anh muốn tạo cho mình một bản sắc không thể lầm lẫn với ai khác, nói khác đi, độc đáo trong bản sắc thơ Diễm Châu. Nhưng không hiểu rằng anh muốn tạo cho mình có bản sắc độc đáo rất riêng ấy đã đạt được chưa, thì còn phải chờ! Mặc dầu anh hiểu rằng lớp nhà thơ mới đi trước sống trong cuộc sống nhỏ hẹp mà thơ đầy từ ngữ vang xa - nhưng phần nhiều ý tưởng rỗng tuếch. Họ đã thất bại rồi. Hãy nhìn nhóm Xuân Thu Nhã Tập tiền chiến, thơ Nguyễn Xuân Sanh một bước đi, một lời giảng bình ; mà chưa chắc tác giả có hiểu được đúng giảng bình kia là đúng với ý của mình diễn đạt (kể cả đối với chính tác giả)? Tôi vẫn giữ vững: thơ hay phải độc đáo, không thể nào sống không sâu sắc với thế giới sống của riêng mình mà thơ có bản sắc độc đáo được? Như có lần nhà thơ R.M Rilke nói lên quan niệm thơ của thi sĩ: ngoài sống ra, còn phải biết cả đường đi lối về của một loài kiến hoặc cất cánh như thế nào ở một loài chim? Như vậy, thi hào Đức kia nhấn mạnh: ngoài việc nhà thơ sống sâu, trải rộng đời, còn phải biết quan sát, nhận diện đời sống muôn mặt ở xung quanh ta nữa. Chúng ta đã nhìn thấy lớp thi sĩ tiền chiến làm thơ hôm nay, thì quanh đi quẩn lại, vẫn ăn bám vào hình tượng, rung cảm cũ, như lối mòn của đường quay chiếc cối xay. Nào là thế giới siêu thực, hay tượng trưng, triết-học-đau-khổ như thơ có âm thanh dị loại của Hàn Mặc Tử có ảnh hưởng trực tiếp đến thơ Diễm Châu không; phải nhận ngay là có, có nhiều nữa trong vần thơ đầu của anh. Chúng ta nên nhớ Hàn Mặc Tử không bị gọi thơ hay mà rỗng tuếch tư tưởng, vì đời sống tình cảm có chiều sâu của ông làm đầy trong thơ, không thơ ai giống ông, hoặc thơ ông không giống bất cứ ai, nên Hàn Mặc Tử trở nên có ý nghĩa độc đáo. Trái lại, trong thơ Diễm Châu, như dưới đây, có ý nghĩa khác:

                     Một son gót ấm lầu chong lạnh
                     Nửa ngà bóng nõn mực hong lành

đọc lên, quả là hai câu trích trong Men Thơ; cũng như ba đoạn tiếp theo có hình ảnh bàng bạc lối gieo vần dị loại; mà tư tưởng rỗng tuếch! Mặc dầu thơ Diễm Châu cố làm ra mới lạ, khác thường.Đến bài Nửa Đường cũng chưa lột tả nổi cảm tưởng gần gũi nhất với tác giả Nửa Đường Đi Xuống (§) qua câu duy nhất tạm có ý nghĩa:

                     Nửa đường trông tới chiều mê loạn
                          (trang 79)
Không có ý trách hay phân tích gắt gao thi phẩm đầu tay của Diễm Châu hay nói khác, nghiệt ngã, vì chính thế, hôm nay tôi nhắc lại ở đây cảm tưởng này, là một phần chính yếu trong một đêm hai chúng tôi tranh luận về Hạnh Hoa. Tôi cũng vô cùng tiếc là không được đóng góp bài viết về tập thơ đầu tay của anh, dù anh muốn tôi có trong đó. Tôi đành lòng từ chối; như với chính tập văn thơ của tôi phải bỏ đi, không thể cho ra mắt người đọc, vì đọc lại thấy tôi còn ấu trĩ về tư tưởng, non nớt về nghệ thuật, nông choèn về lập luận (§). Đến thơ lục bát của Diễm Châu, phải thành thật nhận, theo tôi, một đôi bài rất trội, với những câu thơ đẹp:

                     Rong rêu mình cỏ lướt nhanh
                    Ngàn trùng trở mộng một thềm hạnh hoa
                    Cũng là gió táp mưa sa
                    Nghìn xưa sau vẫn là ta với mình

hoặc ở trong một bài khác:

                    Nghìn xưa sau có còn ta?
                    Nghìn xưa sau biết còn ta với mình?
                    Hạnh hoa trổ lạnh thềm huỳnh.

như bài thơ gieo vận sáu rất đẹp của Nguyễn Bính trong Mười Hai Bến Nước, qua câu gieo vận chót : Sáu :

                     Chiêu Quân lên ngựa mất rồi.

người đọc xong câu thơ trên cảm thấy mênh mang buồn cho kiếp người con gái bị đưa sang cống đất Hồ; ôi lạc lõng biết là bao! Ở đây, Diễm Châu, với lập ý cao trong thơ anh, nhìn về đời sau của mình và của đời, nói chung - đem theo một ý chân thành vọng tưởng đến ngàn sau.
Nói về lối làm dáng trong thơ Diễm Châu: lời đẹp, âm thanh dị loại, nhưng vô nghĩa, đôi khi tôi sợ cho anh như nhìn vào di sản còn lại như nói ở trên, nghiệp thơ không âm vang của Nguyễn Xuân Sanh.
Kết lại, tập Hạnh Hoa, tập thơ đầu tay nhiều làm dáng hơn thực chất thơ có; tập thơ mang sự che giấu nửa chừng, không dám bộc lộ thành khẩn về ý tưởng thơ qua đời sống cảm nhận, như là sợ hãi; như là sợ có một đe dọa nào đó đang bủa trên đầu mình; ôi thật là phức cảm! Với tôn giáo, anh cũng chỉ là kẻ đứng bên lề mà nói đến trong thơ; kể cả với tình yêu cũng vậy - tuy nhiên ở khiá cạnh này đôi khi ló dạng rất đáng yêu:

                     Sáng ơi còn nhớ chiều hôm ấy
                     Đưa mình về tắp tít nẻo xa
                     Hoàng hôn rủ sắc mây hồng dậy
                     Phút chốc là đêm xuống mọi nhà
                     …………………………………………………………………
                     Chiều nay, nhìn khói nhà ai bốc
                     Trạnh nhớ chiều nao mộng với mình
                     Chiều nao tình ngủ bên người ngọc
                     Mắt Sáng dồn tia nước mộng xinh (§)
                          (Sáng, trang 88)
Ý thức trong đời sống có, nhưng thiếu vốn sống - đó là thế giới thơ anh. Đôi khi anh còn ngập ngừng khi phải nhận diện cuộc đời riêng tư của mình và xã hội, vì e ấp thẹn thùng, chưa dám có thái độ dứt khoát: chìa khoá bản sắc thơ độc đáo từ đấy bị hụt hẫng. Tôi tin với thời gian, với ý sống thâm hậu thèm yêu, thèm sống, qua con mắt khá tinh sảo để đem ý tưởng, đời sống vào thơ mãnh liệt - hẳn thế giới thơ Diễm Châu không còn vật vờ như hôm nay ở tập thơ đầu Hạnh Hoa.

http://newvietart.com/images/chimse2.gifhttp://newvietart.com/images/fleurs096.gifhttp://newvietart.com/images/chimse2.gif
© Trích thơ DIỄM CHÂU:
TRÊN QUỐC LỘ 4

Tôi băng trên con đường lỗ chỗ
về miền Tây vựa lúa nước tôi
những cánh đồng mênh mông như lời mời gọi
Những lạch sông rực ánh mặt trời
những cây cầu chênh vênh
những chuyến phà lộng gió
những món quà đượm hương thơm đồng nội
những mẹ hiền và thiếu nữ ngây thơ…
Tôi đi mãi vào miền hy vọng ấy
tưởng chừng như nhịp gót chân tôi
cả trăm vạn người xưa cùng bước
bàn tay nào mở mang bờ cõi
bàn tay nào dựng nước dựng nhà
khi khói lên xanh trên hàng dừa thẳng tắp
khi cá về đầy ắp những bến sông
và lúa vàng rào rạt trổ bông
tôi biết rõ là hơi thở ấy
đã thổi vào lòng đất quê hương
tôi biết rõ những giọt mồ hôi ấy
đã làm sương phủ khắp cánh đồng
và tiếng chim kêu trên bờ lau
nhắc tôi tới những ngày nào đơn độc
cánh tay trần chống trả với thiên nhiên
con cá lội ngu ngơ giữa hai dòng nước biếc
mở cho tôi cánh cửa bình yên
của lao tác hiền hòa của kiên cường bất khuất.

Tôi kiêu hãnh nhìn quê hương lớn mãi
với giấc mơ một dân tộc anh hùng
tôi nghe tiếng người xưa thầm gọi
trong miên man triều sóng biển khơi
và tôi hiểu là đời tôi không thể
ở yên như núi xa
ở yên như dòng sông lặng lờ trôi cùng lục bình
tưởng nhớ.(§)

1961

(trích Đất Nước 1970)

DIỄM CHÂU
 


No comments: