Khoan cắt bê tông là một nhóm nghệ sĩ làm việc với nhiều thể loại
nghệ thuật khác nhau, bao gồm họa sĩ, nghệ sĩ thị giác, thi sĩ, đạo
diễn, nhà thiết kế và những người yêu thích nghệ thuật. Họ được biết đến
từ buổi ra mắt hôm 26/8/2010 tại 46/6A đường số 18 Kha Vạn Cân, q.Thủ
Đức, tp.HCM. Đó là buổi mở đầu mang đầy tính ngẫu hứng với tiêu chí hoạt
động tách biệt hoàn toàn khỏi những mô hình nghệ thuật chính thống,
thách thức những cách nhìn theo lối truyền thống, chính vì điều đó đã
gây nhiều tranh cãi từ công chúng. Mặc dù vậy, họ vẫn được coi như một
nhóm làm nghệ thuật đương đại có tinh thần cộng đồng và xu hướng mở…
Khoan cắt bê tông quan tâm đến mô hình làm việc có tinh thần
hợp tác, cung cách làm việc chuyên nghiệp, tương tác, chia sẻ với nhau
những quan điểm nghệ thuật, mà ở đó, không phân biệt đối tượng tham gia,
không cứng nhắc về không gian triển lãm, ứng biến với bối cảnh của từng
dự án. Từ đó làm bật lên những vấn đề mang màu sắc đặc thù địa phương.
DỰ ÁN “XÀ BẦN”
Dự án Xà bần gồm 8 tác phẩm, thể
hiện sự suy tư của các nghệ sĩ về cuộc sống cá nhân, liên quan chặt chẽ
đến không gian đô thị. Xà bần ở đây được hiểu theo nghĩa rằng, tất cả
những gì dù là vật chất cụ thể hay những suy nghĩ, cảm giác, mối quan hệ
– những thứ không còn cần thiết hoặc bị phát sinh ra từ đời sống cá
nhân, gia đình, công trình xây dựng, cơ cấu xã hội, nhịp sống đô thị.
Các nghệ sĩ nhìn nhận chúng từ nhiều góc cạnh và đặt ra thắc mắc rằng có
chúng có liên quan, tác động như thế nào tới bản thân nghệ sĩ lẫn xã
hội.
Thông qua tác phẩm, họ muốn khảo sát những phương cách tái tạo xà bần
thành những sự vật, hiện tượng có ý nghĩa mới, giá trị mới, khơi gợi
những ý niệm về văn hóa, xã hội, những mối quan hệ chằng chịt ở chính
nơi nghệ sĩ đang sống, đặc biệt là nỗi băn khoăn về cuộc mưu sinh đầy
bấp bênh, bất định của những người bán hàng rong – những người cùng một
bối cảnh xã hội và dường như phần nào đồng điệu về tình trạng tồn tại.
(“Xà Bần”: những thứ rác xây dựng được tạo ra sau khi phá dỡ một
công trình xây dựng, là hỗn hợp của gạch, cát, đá, xi măng, sơn, … và có
thể được sử dụng lại cho phần móng hoặc một số mục đích khác)
Tường thuật XÀ BẦN (phần 1)
06. 10. 10 - 12:27 pm
N.T.U
Dự án Xà bần gồm 8 tác phẩm…. Xà bần là
những gì dù là vật chất cụ thể hay những suy nghĩ, cảm giác, mối quan hệ
– những thứ không còn cần thiết hoặc bị phát sinh ra từ đời sống cá
nhân, gia đình, công trình xây dựng, cơ cấu xã hội, nhịp sống đô thị.
Các nghệ sĩ nhìn nhận chúng từ nhiều góc cạnh và đặt ra thắc mắc rằng có
chúng có liên quan, tác động như thế nào tới bản thân nghệ sĩ lẫn xã
hội.
Các nghệ sĩ muốn khảo sát những phương cách tái tạo xà bần thành
những sự vật, hiện tượng có ý nghĩa mới, giá trị mới, khơi gợi những ý
niệm về văn hóa, xã hội, những mối quan hệ chằng chịt ở chính nơi nghệ
sĩ đang sống, đặc biệt là nỗi băn khoăn về cuộc mưu sinh đầy bấp bênh,
bất định của những người bán hàng rong – những người cùng một bối cảnh
xã hội và dường như phần nào đồng điệu về tình trạng tồn tại.
(Thông tin từ nhóm Khoan Cắt Bê Tông)
Địa
chỉ trưng bày cũng không khó tìm, nhưng hơi xa đối với những ai sống
trong nội thành Sài Gòn - một Sài Gòn kẹt xe và bụi bặm. Từ xa lộ, người
viết quẹo vào đường Kha Vạn Cân, được khoảng 300 mét lại quẹo phải, đến
hẻm 46. Không gian trưng bày khá nhỏ, đơn sơ, chẳng giống gì các
gallery trung tâm Sài Gòn. Thoạt nhìn dễ nghĩ đây là một dãy nhà trọ rẻ
tiền.
Vừa
bước vào bên trong, thực bất ngờ thấy ngáng đường đi tranh pháo sặc sỡ
vứt lung tung - một sự "vứt" cố tình. Mưa to, lối đi ướt sũng. Ai nấy
rón ra rón rén sợ giẫm phải những thứ vứt dưới nền xi măng.
"Thủ
phạm" của vụ vứt tranh này là Lê Thuận - nghệ sĩ tự do. Vụ vứt tranh
này được anh gọi tên là "Xà Bần". Những bức tranh được Lê Thuận vẽ sơ
sài, vứt nó ra ngoài để mọi người tự xem xét phải đối xử với chúng ra
sao, có xem chúng là xà bần và giẫm lên chúng hay tránh chúng, giống như
trong lời giới thiệu “Cuộc hành trình của con người và những dấu chân
trên nghệ thuật của cuộc sống, rồi sẽ bị vứt đi hay được tái sinh”.
Theo
kịch bản, Lê Thuận sẽ đứng ngoài cổng hướng dẫn khách giẫm lên tranh,
nhưng do trời mưa nên không thực hiện được. (Chà, người viết thắc mắc,
tranh thì giẫm được mà mưa lại không đội được hè! Chẳng phải người anh
hùng nào cũng ra đi trong một đêm mưa sao?)
Trong căn phòng nhỏ chừng 40 mét vuông, một cô gái diện một chiếc áo đầm khá đặc biệt, được kết lại từ những bức ảnh chụp.
Đó
là nghệ sĩ thị giác Bạch Dương và tác phẩm có tên “Câu chuyện vỉa hè”.
Chiếc áo đầm được kết từ 100 bức ảnh ghi lại khoảnh khắc sinh hoạt của
người dân gắn liền với cái vỉa hè.
Lời
giới thiệu của tác phẩm viết, “Tôi bán những con đường, những con
người, những gương mặt, những câu chuyện buồn vui hè phố, nơi vết bánh
xe hàng rong để lại vết thơ bình dị”. Người mua ảnh sẽ ghi tên và địa
chỉ của mình lên ảnh sau khi chọn mua.
Ở
vách tường bên trái phòng triển lãm là những bức ảnh được dán chặt vào
tường bằng keo đục. Một số ảnh được đặt dưới nền nhà cùng những mảnh ván
bỏ đi. Đây chính là tác phẩm “Thu lượm” của họa sỹ Ngô Lực. Chiếc xe ba
gác này Ngô Lực đã dùng để đi "thu lượm".
Lời
giới thiệu ghi, đây là “trải nghiệm của một ngày nhặt rác - cảm nhận về
đời sống - nhìn lại và suy nghĩ những gì đang diễn ra”. Ngô Lực cho
biết, để hiểu rõ hơn cảm giác của công việc thu lượm, anh đã bỏ ra hẳn
một ngày để hóa thân thành một người nhặt những thứ xà bần.
Bạn có thể thấy Ngô Lực trong những bức ảnh dán ngang dọc trên tường.
Ở
phía tường đối diện là những bức tranh khổ nhỏ 20x20 cm cùng những bức
ảnh chụp được treo lơ lửng ngang tầm mắt - Tác phẩm "Những điều còn lại”
của nghệ sĩ thị giác Huệ Hữu. Mỗi bức đều có hai mặt...
Những
bức vẽ bày ở đây do chính những người dân bình thường vẽ, từ cụ già cho
đến chị công nhân, bác xe ôm hay một em học sinh. Huệ Hữu mời họ vẽ,
chụp lại ảnh của họ...
Ở mặt sau, họ ghi điều mà họ đang mơ ước nhiều nhất. Thí dụ như những dòng này (do Huệ Hữu chép lại)...
... là của bà Nguyễn Thị Thanh cùng bức vẽ của bà.
Còn
4 tác phẩm nữa người viết sẽ đưa tiếp vào một bài kế tiếp. Nhìn chung
là một buổi
vui vẻ, người dự cũng đông (thật không ngờ vì địa điểm xa
trung tâm, nhóm lại mới). Nhiều báo đài phỏng vấn. Nhưng có cảm giác
rằng những danh xưng "nghệ sĩ thị giác", "nghệ sĩ tự do" gọi lên sao dễ
dàng quá. Mọi thứ ở đây đều trong trẻo, của những người trẻ tốt bụng,
nhiều thiện ý, nhưng giống một buổi sinh hoạt tập thể của một nhóm Mùa
hè xanh hay một nhóm tình nguyện viên đường phố hơn. Có lẽ do những thứ
bày ra không được đẹp và quá nệ ý, theo người viết. Họ có thể nói chúng
tôi thách thức quy ước về cái đẹp, chúng tôi chỉ cần ý tưởng... Ờ, thế
thì họ đã thành công. Còn với con mắt quy ước phổ thông của người viết,
với những thứ bày biện ra thế này, để gọi là tác phẩm (theo lẽ thông
thường) chắc còn phải dụng công dụng thẩm mỹ hơn nữa.
No comments:
Post a Comment