Thursday, April 18, 2013

TRUYỆN NGẮN TÂY TẠNG



 Drukpa Kunley ban phép cho một bức tranh

Tại Tây Tạng, khi hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật người ta thường nhờ một vị Lạt-ma dùng gạo ban phép lành và điểm đạo cho bức tranh.

Ngày nọ, có một bà già tay cầm một bức tranh thanka(39),lên đưòng đến một tu viện, xin gặp vị viện chủ để ngài ban pháp cho. Bức tranh trình bày thần bảo hộ Sri Heruka và được cuốn tròn cho dễ cầm tay.

Tu viện nằm trên một ngọn đồi. Bà vừa đi vừa nghĩ, viện trưởng là một vị đạo cao chức trọng, còn em của Ngài là Drukpa Kunley(13) lại là một tăng sỹ phiêu bạt, thì lại không được như thế. Vị này sống không nhà, nhưng không xa tu viện. Vừa nghĩ tới đó thì Drukpa Kunley xuất hiện như một bóng ma từ sau một tảng đá và đứng trước mặt bà.

Drukpa Kunley nói giọng lễ phép, đó là điều bất ngờ đối với bà, hỏi bà muốn lên tu viện làm gì. “Trên đó ông anh tôi ngồi như một lãnh chúa với đám tùy tùng”, ông nói, “Ngoài ra chẳng có gì đáng coi trọng cả”.

Ai cũng biết thái độ của Drukpa Kunley đối vói các định chế tôn giáo rồi, bà già cũng thế. Bà ngần ngừ, nhưng trước sức mạnh tự nhiên của Drukpa Kunley bà không cưỡng nổi, nói rõ mục đích của mình, mở bức tranh vẽ Sri Heruka cho xem.

“Cái bức tranh này mà bà muốn ban phép à?”, Drukpa Kunlay hỏi giọng ngớ ngẩn.

“Tất nhiên rồi”. Bà định nói thêm thì không ngờ người tu sỹ nọ thình lình cởi quần ra tiểu tiện vào đó. “Đây, một người như ta thì ban phép cho mọi thứ tranh ảnh thế này đây”. Nói xong, Drukpa Kunley quay người đi mất.

Bà già hoảng hồn cuốn bức tranh quí giá lại và chạy lên núi. Bà tìm gặp ngay viện trưởng và hổn hển kể lại hành đông kimh khủng của ông em.

Viện trưởng cười lớn. Ngài không thể giúp gì được. Ngài biết cái tôi khác của Ngài, thể hiện trong dạng của ông em khác đời. Ngài biết rõ đứa em phải làm thế, không thể làm khác.

“Hãy mở bức tranh ra”, Ngài nói giọng êm dịu. Bà già nghe lời một cách miễn cưỡng. Và xem kìa, mặt bức tranh được tô bằng một lớp bụi vàng lóng lánh.

“Sri Heruka đã tự mình ban phép cho bức tranh”, viện trưởng nói. “Bà không cần tôi nữa đâu”.

Bà già xuống núi, lòng còn chút phân vân. Cuối cùng bà treo bức tranh dát vàng lên trên bàn thờ trong nhà và về sau bức tranh được dân làng tôn thờ như một pháp khí.

 

39. Cái nhìn xấu ác
 
Có một ngưòi rút vào rừng núi miền Đông Tây tạng để thực hành phép tu viễn ly. Người Tây tạng gọi phép tu đó là Chod(23); có nghĩa là “cắt đứt” vì mục đích của phép này là cắt đứt mọi tư tưởng quán chiếu sai lầm, thứ tư tưởng chỉ làm che đậy thể tánh trong sáng của tâm thức.

Buổi sáng, người đó rời lều kiếm một tảng đá để thực hành thiền định thì người em gái mang lại một hũ sữa chua và thực phẩm cho ông. Người em đợi đến buổi tối mà ông ta chưa về nên đặt bình sữa lại dưới bàn thờ và trở về nhà.

Lúc ông tu sỹ nọ về tới túp lều thì trời đã tối và không thấy gì cả. Sau bàn thờ chỉ có một ngọn đèn mỡ tí hon, chiếu một cài gì tròn tròn ông chưa bao giờ thấy.

“Đó là con mắt của một con ma”, ông bỗng sợ hãi, nhưng cũng lúc đó ông định thần nói: "Không, tất cả mọi sắc thể đều là Không và không có thực”. Ông cẩn thận tháo túi đeo vai và đập lên con mắt, đồng thời lòng tự nhủ kẻ tu phép viễn ly không sợ bất cứ điều gì ở thế giới này hay thế giới khác.

Bình sữa nghiêng một bên và sữa chua văng tung toé mọi phía. Sắc trắng của sữa chập chờn trong ánh sáng mờ mờ như hàng trăm con mắt ma quỉ. Người đó sợ hãi đập loạn xạ, con mắt ma bây giờ đã dính lên túi sách và lan ra khắp nơi. Người tu sỹ bỗng nhớ chỉ còn cách “cắt đứt”. Chỉ một thoáng, ông tách lìa ra khỏi tâm thức đang bị vô minh che phủ, ở đây hiện hành sự sợ hãi và nhận ngay ra tay mình đầy sữa. Cái nhìn của chính ông đã thay đổi, hết lo sợ và thế giới cũng thay đổi theo. Ông cười to.

 

40. Cuộc đua ngựa bí mật

Cách đây khoảng 130 năm có một biến cố bí ẩn xảy ra tại Kham mà ngày nay người ta còn nhắc nhở. Ngay tại Tây tạng cũng không dễ gì có chuyện ba vị đạo sư đạo sư đắc đạo cùng nhau gặp gỡ một nơi mà lại báo cho mọi người biết trước để già trẻ tụ họp tham gia cuộc vui. Hồi đó có ba người bạn tại Kham, tuy không thuộc trường phái nào, nhưng lại được tôn kính như các Lạt-ma cao cấp. Người thứ nhất tên gọiKhyentse(19), thứ hai là Jamgon Kongtrul (24) và thứ ba là Chogyur Lingpa (25). Cả ba có chung một đặc tính là trong mỗi ngưòi đều chứa đựng những kiến giải cao siêu nhất, nhưng mỗi người lại đều có tính khí khác nhau và một cách riêng để thức tỉnh, giáo hoá và giúp đỡ người khác.

Một ngày kia người ta đồn rằng ba người này sẽ tổ chức một cuộc đua ngựa tại bờ sông Derge. Ai cũng ngạc nhiên về mục đích của trò này nhưng mọi người đều nô nức đến xem, hy vọng có điều gì lạ.

Cuộc đua ngựa được tổ chức thật. Ba vị đạo sư đắc đạo ngồi trên lưng ngựa, khán giả reo hò, nhưng họ phân vân không biết mình sẽ ủng hộ ai thắng, hay liệu cuộc đua này chẳng có người thắng kẻ bại. Cuối cùng thì người ta thấy rằng ngựa của Jamgon Kongtrul về cuối.

Mọi người lại cực kì ngạc nhiên khi thấy kẻ thua cuộc lại khóc ròng vì người đắc đạo ai lại còn quan tâm đến chuyện được thua, huống hồ là một cuộc đua ngựa. Người ta đoán rằmg có lẽ Jamgon Kongtrul già nhất trong ba người và tính của Ngài cũng rất mềm mỏng vì vậy mà Ngài buồn chăng.

Ba ngày sau, Jamgon Kongtrul mới giải thích như sau: "ta khóc vì cuộc đua có giá trị tượng trưng. Trong một linh ảnh ta đã được báo trước là người thua là kẻ chết sau cùng và là kẻ cuối được vào cõi phật cuả Liên Hoa Sinh”. “Ta sẽ phải sống dài hơn Khyentse vị tha và Chogyur Lingpa vô song, đó là một điều đáng buồn”.

Đúng như Jamgon Kongtrul tiên tri, vị Lạt-ma này sống rất cao tuổi, sống rất lâu sau ngày các bạn kia nhập diệt và phải đợi đến năm 1899 mời được gặp các bạn trong cõi Phật Liên Hoa Sinh. 



No comments: