PHAN CẨM THƯỢNG |
Vẫn như thời bao
cấp, họa sĩ là một khái niệm danh dự, hơn là một nghề nghiệp, vì trong phân
công lao động hiện tại, nó chẳng nằm trong thang bậc nào. Bạn làm ở cơ quan nào
thì ăn lương theo chức nghiệp tương đương cơ quan đó. Có thầy giáo, giáo sư dạy
vẽ và còn lại là cán bộ mỹ thuật. Những họa sĩ tự do không có lương, không đóng
thuế, cũng như hoàn toàn bỏ tiền tự lo lấy nghề nghiệp của mình, nhưng khi từ
bỏ công chức, thì nhiều người cảm thấy có vẻ là họa sĩ chuyên nghiệp hơn.
Khái niệm họa sĩ chuyên nghiệp ở VN cũng được hiểu một cách buồn cười. Ai học
qua trường Mỹ thuật và vẽ thường xuyên thì coi là chuyên nghiệp. Ai tự học, dù
có nổi danh đến mấy vẫn bị đố kỵ và coi là nghiệp dư. Là họa sĩ mà vẫn sính các
danh hiệu giáo sư, tiến sĩ, chủ tịch hội, thư ký này nọ... Thực chất cho thấy
càng nhiều chức vụ, họ càng ít và xa với sáng tác, càng nhiều học vị càng thấy
họ mèng hơn. Làm tròn danh hiệu một họa sĩ thì chí ít phải có tranh để đời.
Không có cái đó, ông ta chỉ là một thường nhân khéo tay hay mắt.
Ở nhiều nước phương Tây, khi nghệ thuật là một hoạt động thường nhật và đỉnh
cao của tinh thần, được gọi là họa sĩ chuyên nghiệp không dễ gì. Anh ta phải
chứng minh, bằng nghề nghiệp của mình đem lại thu nhập đều hàng tháng, ví dụ
3.000 Euro, và nhà nước sẽ tính thuế vào số tiền đó từ 30-40%, tùy theo. Như
vậy tranh của anh ta mới được đem ra đấu giá, được sắp xếp thứ hạng trong xã
hội, và được giảm giá nhiều hàng hóa phục vụ cho nghề nghiệp, và được nhận tài
trợ lớn (nếu có thể). Một họa sỹ chỉ được bày tranh ở một, hai gallery mà thôi.
Còn lại là nghiệp dư không tính đến, như cầu thủ chân đất đá cho vui mắt, mà
không kiếm được đồng nào cả.
Quy luật này, về đại thể, không
thể áp dụng cho các nước chậm và đang phát triển. Nhưng khi các nền văn hóa cần
giao lưu, cần cọ xát thì nó nẩy sinh vấn đề. Các họa sỹ VN có thể bán tranh
trong nước, nhưng khi ra nước ngoài, chủ yếu chỉ được nhìn nhận trên phương
diện trao đổi văn hóa, và với các gallery tầm thấp, chứ không tài nào có thứ
bậc gì trong nghệ thuật phương Tây. Khi mở cửa, văn hóa nghệ thuật có vẻ là
lĩnh vực đi đầu, tạo ra nhiều mối quan hệ song phương và đa phương, nhưng dần
dà, dường như chỉ có thể làm ăn kinh tế, đôi bên cùng có lợi, còn văn hóa nghệ
thuật thì mọi nẻo đường đi đến sân chơi đỉnh cao đều bị bịt chặt.
Thời bao cấp, nhà nước thông qua hội đoàn cấp vật liệu, lo trưng bày triển lãm,
sau đó bảo tàng chọn mua. Nghệ sĩ được bao cấp toàn diện cả về vật chất lẫn
tinh thần trong một quy trình khép kín. Khi sự bao cấp chấm dứt, thói quen này
vẫn tồn tại. ở nhiều địa phương, họa sĩ vẫn chờ đợi được cấp vật liệu thì vẽ, không
thì thôi.
Ở Hà Nội, có khá hơn, nhưng không ít họa sĩ chẳng biết vẽ gì, luôn đòi Hội phải
định hướng sáng tác. Lớp họa sĩ trẻ không qua chiến tranh, nếm trải chút ít khó
khăn cuối thời bao cấp, tỏ ra thờ ơ với những điều mà những người đi trước quan
tâm. Đề tài chiến tranh cách mạng không mấy thu hút họ. Tự lo học hành, kiếm
việc ra trường, rồi tự lo triển lãm, bán tranh, cũng như tìm kiếm quan hệ với
hoạt động nghệ thuật ngoài nước.
Cái mới tỏ ra quan trọng hơn cái đẹp. Gây sốc để được chú ý. Theo đuổi những
hình thức tân kỳ, và tự coi mình là nghệ sỹ tiền phong, tất nhiên không tiến
đến chỗ tham nhũng. Song cái thời phấn khởi tranh bán chạy như tôm tươi đã qua,
nếu không muốn suy đồi bởi thương mại hóa, chỉ còn cách lao vào hoặc Pop Art
chính trị, hoặc là Sắp đặt và Trình diễn, và tìm kiếm tài trợ ít ỏi từ các quỹ
văn hóa nước ngoài.
Ở phương Tây, quý nhất là họa sĩ tự học, thứ đến là họa sĩ học từ một bậc thầy,
hạng bét là họa sĩ học tại trường. Picasso nói rằng Trường Mỹ thuật Paris đã
đẽo ra những đôi guốc giống nhau, nhưng không đi được. Người tự học đáng quý vì
họ thực sự có nhu cầu thôi thúc nội tại, không chờ đến ai dậy mình. Và thầy
giỏi dễ dậy ra trò giỏi. Những sinh viên ra trường lại cần có cơ chế đỡ đầu mới
có thể gia nhập hoạt động nghệ thuật xã hội. Ví dụ hàng năm có 25 họa sĩ tốt
nghiệp. Người ta giao tiền cho năm nhà phê bình, mỗi người phụ trách năm họa
sĩ, cho họ tiền và dạy bảo họ về ý tưởng nghệ thuật.
Sau vài năm, thì tổ chức triển lãm và lọc ra vài người, gọi là có tài năng, đưa
vào cơ chế chuyên nghiệp, bắt đầu từ những thang thấp nhất của hệ giá cả. Số
còn lại đành tìm những công việc khác như quảng cáo, dạy học, trang trí thiết
kế. Tài năng không phát triển theo quy luật nào. Có người bắt đầu vụt sáng, sau lại lụi
nhanh, có người quá lứa mới bộc lộ, vậy vẫn cần theo dõi để khỏi bỏ sót.
Khi họ sáng tác cần có các công ty kinh doanh bảo trợ, ngược lại, nghệ sĩ giúp
các công ty giáo dục văn hóa nghệ thuật cho công nhân. Nhà nước sẽ bớt thuế và
ưu tiên thị phần cho những công ty giúp đỡ lớn cho nghệ thuật.
Trong hàng vạn người mới có một người biết vẽ. Trong hàng vạn họa sĩ mới có một
danh họa. Do vậy họa sĩ không phải là con người phổ biến. Phê bình và Gallery
sẽ tách họ ra khỏi kinh doanh, để tránh sự thu hút của thị trường. Sau khi họa
sĩ chết, người ta sẽ mua lại xưởng vẽ và làm địa chỉ văn hóa cho địa phương.
Chỉ có một hệ thống tích cực như vậy, xã hội mới có được hiền tài và phát triển
văn hóa.
Ta thường gào rất to rằng Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái là danh
họa. Vậy có ai biết danh họa ấy vẽ bao nhiêu tác phẩm, chúng đang ở đâu, và căn
phòng bé nhỏ của các ông còn di vật gì, ai đang ở?
PHAN CẨM THƯỢNG
tranh of NGUYỄN SÂNG |
No comments:
Post a Comment