Saturday, April 20, 2013

DỊ NHÂN VÙNG CAO BẰNG



 
y phương


Hình như không nhầm, tôi chả có họ hàng gì với lão Mòn. Mặc dù tôi gọi mẹ của lão Mòn bằng dì. Dì đại bác. Dì tên lửa xuyên đại dương. Chứ không phải dì súng kíp với súng lục. Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết tên tục của bà ấy. 

Mòn là tên cúng cơm. Mòn tiếng Nùng Giang nghĩa là tròn. Tôi chợt nghĩ, giá mà ngày xưa bố mẹ đặt cho lão là Lã Quốc Tròn, ấn tượng biết bao. Thật oách. Bản thân chữ Quốc, trong tiếng Hán, mang hình vuông. Vuông đi với tròn, còn gì bằng. Một sự hài hòa lý tưởng. Không những hài hòa về dáng dấp, đường nét, mà nó còn nói lên ý nghĩa tốt đẹp cuộc đời này. Mẹ tròn con vuông. Cuộc đời Mòn toàn bánh. Bánh dày với bánh chưng. Những vật quý chỉ dùng trong cúng lễ. Quá hay! Quá chữ nghĩa! Quá thâm thúy!

 

Không biết sinh năm nào, nhưng lão từng tham gia đánh Pháp. Cùng với người anh rể của tôi, trong một trung đoàn. Trung đoàn mang tên Con Hùm Xám, lừng lẫy một thời. Họ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và chiến thắng hai binh đoàn Lepage, Charton. Trên đèo Bông Lau lịch sử, ngày nay còn những dấu tích.

Với bất cứ ai, lão đều xưng em. Em với với người lớn đã đành. Em với đứa con nít, mới là kỳ cục. Cả dân phố huyện Co Xàu, từ già đến trẻ, ai ai cũng đều nhẵn mặt lão. Quanh năm đầu trần, chân đất, nói cục. Cắm đầu mà đi. Cúi đầu mà nhìn. Nghiêng đầu mà nghe. Ngửa đầu mà ngủ. Năm, sáu mươi tuổi đầu rồi mà “em” vẫn chửa biết gì. Hay là cái ấy của “em” bị trục trặc. Bọn bạn tôi thằng Phoóng, thằng Soóng, thằng Hoóng, thằng Moóng… quyết tâm khám phá bằng được, cái sự thật mà Mòn giấu kín kia. Rồi chúng nó sẽ cho mọi người phố Co Xàu này hết thắc mắc.


Trong một lần, lão đi tắm trong hang Bo Thang. Bọn chúng đã rình sẵn. Lão Mòn trông trước, ngó sau, không thấy ai. Lão tụt quần dài, rồi đến quần đùi. Lão vo tròn thành một nắm, đặt lên đỉnh đầu. Lão thận trọng đưa cả hai chân lúng lắng, lội thử xuống nguồn nước lạnh. Người lão trắng như một con lợn cạo.
Thằng Ú nhòm thật kỹ, xem các bộ phận trên người lão. Rồi nó dùng súng cao su, bình tĩnh làm một nhát “tẹt”, trúng đầu con rùa. Làm lão ta đau điếng.  Mòn la hét toáng lên trong vòm hang đá. Vòm hang tạo ra âm thanh cộng hưởng. Tiếng hét của lão nghe rùng rợn như sấm đầu mùa. Lão dùng hai tay be chặt lấy của quý, rồi tồng ngồng chạy vọt ra cửa hang đá. Lão lom khom trong bụi cây lá đỏ mặc quần. Chao ôi, cái con giống mới đẹp làm sao. Nó to và tươi như củ cà tím. Nó hồng hào, sáng bóng và còn nguyên cái nắp bút. Những đường máu chạy ngoằn ngoèo bám vào thân củ cà, trông như những con rắn bò. Còn đám rong rêu non xanh một cách dễ thương. Giời ạ! Nó như cỏ rối sau mưa. Gần sáu mươi rồi còn gì nữa, lão chưa một lần lâm trận. Hóa ra Mòn vẫn đương trai. Đin phạ ơi! Trời đất ạ!


Người ta hỏi, tại sao Mòn không lấy vợ. Mòn gãi tai gãi đầu xấu hổ. Lão làm một nhát Pí! Raẳm rooi! Câu này tôi chịu, không thể dịch ra tiếng Kinh được. Nghĩa là… xấu lắm, bẩn tưởi lắm. Tạm hiểu nó như thế. Nhưng bạn phải được nghe trực tiếp bằng tiếng Tày, mới sướng. Chữ pí phải chúm môi lại, nhổ một bãi thật mạnh, rồi mới đánh “chịt” đóng lại. Nó tỏ rõ thái độ coi thường, chả ra gì. Ai mà làm cái ấy thì thật là kinh tởm. Lấy vợ mà kinh tởm á Mòn? Thích bỏ xừ đấy Mòn à. Mày không tin, cứ thử một lần xem sao. Há há há hú hú hú !!! Thế là Mòn ù té chạy một mạch về hang. Đó làm nơi cư trú thường xuyên, kể từ ngày lão xuất ngũ, phục viên đến giờ. Một địa chỉ hấp dẫn trẻ con phố huyện.


Cái vòm hang trong lòng núi Phja Phủ, ấm áp khi đông về, mát rượi khi hè tới. Dù lúc này ngoài trời, có thể nóng tới 39 - 40 độ. Cái sự mát ấy không thể tả được. Chỉ những ai một lần đến đó, thì mới biết. Nó phê. Nó đê mê. Nó sướng từ ruột hang lan tỏa ra. Hơi mát phủ từ đỉnh đầu, dìu dịu rót xuống đến gan bàn chân. Mát từ khe đá, hõm đá đến chứ chẳng vội vàng mát. Khe khẽ mát. Khe khẽ sướng. Mặc một áo, Mòn không chịu được. Lão phải khoác thêm cái đại cán thu đông, từ hồi còn đeo lon trung sỹ. Tuy nó sờn nhưng đầy ắp kỷ niệm. Mòn không bỏ áo bao giờ.


Thế giới riêng của Mòn gồm một chiếc chăn chàm đã rách. Một manh chiếu đan bằng cật cây giang. Một cái nồi đất. Một bẳng dùng để đựng nước. Một cái bát ăn, màu vàng khè, vừa thô vừa nặng. Một cái giường tự chế, bằng những cây đòn càn, mà người trong lũng đi bán củi, bỏ lại. Mòn ta khéo tay và ngăn nắp. Đồ dùng dưới bàn tay của Mòn sắp đặt, thật gọn gàng và khá đẹp mắt. Chỗ nào cũng được quét tước, lau chùi sạch sẽ. Lòng hang đủ rộng, để Mòn làm nơi nấu nướng, nơi phơi phóng, nơi vệ sinh. Bạn của Mòn là những chú chim tím biếc. Chúng làm tổ trên vách đá cheo leo. Cứ sáng ra, Mòn lại gọi: Chúng mày dậy sớm nhỉ. Crich tích tích. Đêm qua tao chả ngủ được tẹo nào. Crich tích thích thích. Thích gì mà thích, lát nữa tao còn phải đi quét chợ. Mệt ón bã cả người đây này. À mà không làm thì biết lấy mà gì đút vào miệng, chúng mày nhỉ. Crich túc tắc túc tích.


Bạn của Mòn còn có thêm mấy ả bướm vàng, bướm trắng, bướm xanh. Chúng nó đậu ở khắp nơi. Con trên chăn rách. Con trên giá đũa. Con trên gối làm bằng gộc tre. Con trên đôi hài xảo. Mày có cả một thế giới thần tiên đấy Mòn ạ. Đàn bướm cứ rập rờn khép mở, đẹp như trong vườn treo Babylon. Nhưng hễ thấy bóng dáng Mòn từ xa, là bọn bướm dạt hết sang một bên, nấp vào trong lùm lá. Chúng ti hí mắt dòm xem, Mòn đang làm gì. A! hôm nay tươm quá Mòn! Cả một thu sáu giỏ đan tre đầy thịt. Mòn đổ ra ang chậu sành rửa thật sạch, sau đó mới tẩm ướp gia vị, cho thêm chút rượu trắng. Lão bắt đầu chụm củi, nổi lửa. Mòn khe khẽ hát, lửa cũng bắt đầu len lén liếm vào đầu mẩu củi. Mòn hay bịa ra nhiều bài hát lắm “Miếng này bá Hanh cho…ái dà dà .. Miếng kia chú Đô biếu a nò… ăn vào thì bụng tó tò to a ríu! a rối! hầy dà…


Lịch làm việc của Mòn kín cả tuần, kể cả ngày lễ, ngày chủ nhật (Kinh! Nghe cứ như Mòn là ông chủ tịch nào vậy!). Dạo này dân phủ Trùng rửng mỡ đua đòi. Hết phở vịt sáng, đến phở xá xíu đêm. Hết bánh bao nhân thịt nấm, đến bánh cuốn trứng. Cóoc mò, khẩu sli, bánh khảo chả mấy ai ăn nữa. Hàng thịt, hàng rau, hàng hoa quả... lúc nào cũng nườm nượp những đầu đen  chen chân trắng, chờ đến lượt trả tiền, cầm gói mang về.


Ngày nay, người ta không dùng lá toong rản để gói hàng nữa, cho vào túi nilon là xong. Cái giống nilon phật phờ xanh đỏ tím vàng, mới trông thật bắt mắt. Cứ nghĩ rằng nó sạch, nó đẹp với nó lịch sự. Có ngờ đâu những chiếc túi được tái chế từ những hợp chất thải loại chứa đầy độc tố. Ngày xưa, rác chợ toàn lá chuối, lá toong rản, lá nghệ, lá cây quả vả… chằng buộc bằng rơm phơi khô, bằng lạt giang, bằng dây khau dền, khau tải lấy từ rừng về. Khi đốt rác, Mòn không phải tránh xa, dùng tay bịt hai lỗ mũi như bây giờ. Rác ngày nay cũng tái sinh. Rác cha truyền con nối. Rác lâu tan. Rác bền chắc như lòng tham thô bỉ. Dù bị đất vùi lấp, chúng cũng không bao giờ chịu hóa. Nếu phải mang rác ra đốt, trời ơi, khói đen như mực. Cả bầu trời đặc màu khói rác. Chỉ đứng gần một lúc là nhức đầu sổ mũi buồn nôn bởi mùi khói. Thế giới quanh ta toàn đồ giả. Người giả. Mòn buồn bã, ngày càng ít nói.


Lâu không thấy Mòn. Hỏi ra mới biết lão đã đi cả năm nay rồi. Trước khi lên đường về mường trời, chiều chiều Mòn hay lên núi Phja Phủ nhìn xuống phố chợ. Lão bắc loa cuốn bằng mo tre, gọi xuống hàng phố. “A lố a lồ! Nếu ngô thị trấn bị mất trộm, thì chỉ có mấy thằng nghiện lấy thôi!” Tiếng loa nghe rè và yếu ớt. Sau vài ba phiên chợ, người dân phố chợ Co Xàu không còn nhìn thấy Mòn nữa.


Từ ngày không còn lão Mòn ló xó đi trên đường phố, chẳng riêng gì tôi, có khá nhiều người cảm thấy hao hụt, thiêu thiếu. Nhìn vào đâu cũng nhớ Mòn. Mòn cười phớ lớ như thác. Mòn nói phá lá như chiêng. Mòn sống thật và mềm như đất sét Nà Gọn. Ai bảo Mòn làm ngói, thì Mòn làm ngói. Ai khiến Mòn làm chum, làm lọ, hay bất cứ cái gì đều được hết. Nhưng nếu có ai bắt Mòn làm thằng lưu manh. Mòn đứng dạng háng, chỉ tay, chửi một câu tục tĩu: “Tao mà làm lưu manh á! Ăn thu vầy câu ní! (Cái con…tao đây này!)”





 

No comments: