Mới đó mà sắp đến giỗ lần thứ 7
của Nguyễn Xuân Hoàng, một nhà văn của miền Trung từ giã cuộc đời ở
tuổi 40. Văn và đời của anh để lại bao ngưỡng vọng và tiếc nuối cho
người ở lại. Các bậc tài hoa và lương thiện luôn là những người được chọn thoắt biến thoắt hiện ở cõi trần này để làm những việc mà chúng ta không thể biết được
.
Hiệp sĩ buồn
Còn
nhớ một ngày cuối năm 2006, anh Ba Đà Rằng, một cựu sinh viên Văn khoa
Huế, gọi điện cho tôi: "Sáng nay, vợ con lay mãi không dậy, thế là
Hoàng…". Sao thế, Hoàng ơi?. Trong mắt nhiều bạn viết cùng thời, Nguyễn
Xuân Hoàng là một nhà báo, nhà văn trẻ tài hoa. Tôi cũng vừa mới đọc
sáng tác của Hoàng đăng báo…
Nguyễn
Xuân Hoàng dáng mảnh mai, nói năng nhỏ nhẹ nhưng đầy khí chất và niềm
ấp iu cuộc sống. Cái cách ăn nói trầm ngâm, ưa sách vở mà cũng mê lang
bạt như thế nên Hoàng viết tản văn, tạp bút, tản bút, tản mạn, nhàn đàm…
mà anh gọi chung là tùy bút - đều hay là điều dễ hiểu. Kiểu viết này đã
khắc tên Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Xuân Diệu, Hoàng Phủ Ngọc
Tường, Băng Sơn, Ngô Văn Phú… Ai bảo tùy bút là dễ hay khó đều có lý, ai
viết cũng được nhưng viết hay thì không nhiều.
Tuy
Hòa sau một đêm bù khú miệt mài, Hoàng rút tập tùy bút "Hương mùa thu"
(NXB Thuận Hóa, 2001)… tặng tôi; rồi sau đó lại cũng một tập tùy bút
nhan đề "Cỏ lau tóc mẹ" (NXB Thuận Hóa, 2003), cùng hàng trăm bài báo
với tay nghề chữ nghĩa sắc sảo... Vẫn lối viết nhỏ nhẻ, nửa mờ nửa tỏ,
ấp iu từ một chiếc lá kim, đôi sợi rơm quê đến chút ngẫm ngợi về thế sự
nhân tình, tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng rủ rỉ xa xót và ngọt ngào từng
trang, từng trang rà ruột đến cả… bìa. Hãy nghe Hoàng tả cái khát vọng
cuộc đời: "Gọi mùa xuân có hoa mai vàng, nở rưng rức như khóc. Gọi mùa
hạ có hoa phượng cháy đỏ, nở như bếp lửa nhà ai iu ấp. Gọi mùa thu có
hoa cúc tiết Trùng cửu, hương như đường mê, vàng chưa thôi những ngày
tao ngộ. Gọi mùa đông có hoa hoàng hậu nở đỏ se sắt. Xa vắng trên những
cội cây cao lung linh một bầy hoa rực rỡ như vương miện" (Gọi). Ồ, thì
ra cuộc đời đẹp đến vậy! Lại tưởng, người ta viết về Huế đã mòn, vậy mà
Huế hiện lên trong tản văn Nguyễn Xuân Hoàng gần gụi mà hun hút khác
thường: "Dường như mỗi người có một cách riêng để yêu hoa. Có người chỉ
thích hoa dại. Ven bờ thành nội Huế đẹp nhất là Cổ cò, thân mỏng, hoa
trắng, cánh nhỏ, hương ngai ngái xa. Đây cũng là hoa trên bàn khách của
những cặp vợ chồng nghèo"…
Đã có một sinh viên Đại học Huế làm luận văn "Huế trong tản văn của Nguyễn Xuân Hoàng…".
Ngồi
trò chuyện với Hoàng, nếu ai không đồng cảm sẽ thấy "cha này" hơi dị
dị. Bởi Hoàng chẳng những quan tâm đến một thoáng chuông ngân, mấy cọng
cỏ thanh trong thơ Đường, mà còn tỉ mẩn đếm từng chiếc lá bàng bên ngoài
cửa quán, hoặc cái thân cây này vì sao nhiều sẹo. Đang ngồi trong bữa
đặc sản vang lừng, vậy mà chàng ta cứ nằng nặc đòi… xị rượu trắng để lên
núi Nhạn sờ tay vào chân tháp cổ. Cái bản tính yêu thiên nhiên đất trời
đã in dấu trong từng công chuyện của anh. "Chỉ về lá thôi cũng đã có
khối chuyện nói. Đó là những câu chuyện sinh học, nghe rất lý thú. Nó mở
ra trong tâm thức một sự sinh tồn triết học đáng nể. Mùa đông sở dĩ
nhiều loài cây cho lá rụng là để bảo toàn nước trong thân cây. Đừng nhìn
những hàng cây trơ trọi mà nghĩ là cây buồn vì thiếu lá. Rồi lá sẽ mọc
lại, còn những chiếc lá cũ sẽ là kỷ niệm, của đời cây" (Trò chuyện với
cây xanh). Nhà văn thì buộc phải có một chút lẩn thẩn nhưng đọc đoạn
viết trên, tôi chợt thấy cỏ cây cũng như văn Hoàng không vẩn vơ chút
nào. Trở về sau đợt đi Tuy Hòa lần ấy, Nguyễn Xuân Hoàng viết "Tháp xưa
chim Nhạn bay về"
Đọc
văn bạn, chưa chắc là mến bạn. Viết về bạn, chưa chắc là khen bạn. Điều
tôi thấy được từ Hoàng là cái sự tự nhiên lẽ thường, hữu xạ tự nhiên
hương, mắc mớ chi mà đao to búa lớn. Thể loại tùy bút cũng vậy, mấy ai
nên danh nên tướng từ đó. Ừ, ta se sắt mến mộ cuộc đời thì tâm cảm đôi
dòng cho đỡ nỗi tan man; có gì đâu một đôi điều bày giải của anh chàng
gầy rộc vùng eo. Cái mặt nhậu đã mòn, vậy mà thỉnh thoảng giở đôi tờ báo
lại thấy nhàn đàm, tạp bút, tản văn Nguyễn Xuân Hoàng khiêm khiêm xuất
hiện; đã bảo có gì phải vội mà văn "cụ" này cứ riết róng bắt mình dán
mắt vào rồi ngẫm ngợi lan man. "Ước mơ giản dị nhất, cũng là cao quý
nhất của con người vẫn là có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, và được học
hành. Thời đại nào, chính sách nào, cơ chế nào cũng phải xoay quanh cái
trục đó, lấy cái trục đó làm tiêu chí định lượng đánh giá sự phát triển.
Xa rời tiêu chí đó một giờ, một buổi, một ngày là mất dân, mất lòng
dân. Vì vậy mà cổ thư bảo chăn dân lòng sợ hãi như người cầm sợi dây mục
mà điều khiển sáu con ngựa. Sách đã ghi vậy ai đọc, ai làm?". Làm chi
mà già rứa, Hoàng ơi! Mà dân viết vốn chậm, lại hay cả nghĩ, vậy nên mới
ngoài ba mươi cũng buộc già dặn thôi, chứ chả lẽ mãi làm "nhà văn
trẻ".
..
Trông vậy
chứ Hoàng không phải chỉ là người hướng nội, bởi anh nguyên là một phóng
viên, rồi Phó phòng Chương trình Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên -
Huế, hội viên Hội Nhà văn tỉnh này. Trước khi mất không đầy một năm,
Hoàng vừa chuyển qua làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương. Tôi thấy
Hoàng không phù hợp với nghề báo, dẫu nghề này đã giúp anh gặp gỡ và
thẩm thấu nhiều điều hay từ những người giàu tư chất
…
Cõi Hoàng ở lại
"Cõi
tạm phù hoa" là tập sách thứ 5 và là cuốn thứ hai của Nguyễn Xuân Hoàng
do bạn bè góp tay in. Đầy đặn 360 trang sách với chân dung "người buồn
trước tuổi" đằm đặm trên bìa đen trắng. Sau "Hồn mai" (2007) cũng với
ngần ấy trang tùy bút do bè bạn góp tay in, lần này là "Cõi tạm phù hoa"
với 20 truyện ngắn, 17 bài thơ, 9 chương của cuốn "Bút ký chân dung
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn" sắp hoàn thành và 8 bài viết của bạn bè về
Hoàng. Mới đó mà đã 5 năm, nhà văn của rao rát miền Trung này rời cõi
tạm ở tuổi 40. Nguyễn Xuân Hoàng là người con Quảng Ngãi, thành danh tại
Huế.
Ở đất Thần
Kinh, dân văn nghệ thường lưu truyền "Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/
Một đứa vợ la, cả bọn kinh". Thế nhưng được bạn tương kính như Nguyễn
Xuân Hoàng thì không nhiều. Vượt qua bao mè nheo cuộc sống, họ vẫn đăm
đắm cái tình với Hoàng, với văn tài của anh. 5 năm, hai cuốn sách tấm
lòng đặt trên bàn thờ Hoàng, mà lại in đẹp và trang trọng lắm. Hỏi trong
cõi tạm này, ai bằng Hoàng?
Và
đời cảm thấy nợ Hoàng chăng? Nhiều khi tôi băn khoăn: Không hiểu Hoàng
lấy đâu ra năng lượng để sống và làm việc gấp nhiều như thế? Có lần
Hoàng đã trả lời: "Nhờ... cỏ!". Nhưng rồi Hoàng phải đi sớm vì chăng nỗi
thương yêu và nỗi buồn đã quá sức bình sinh...
Về
tùy bút Hoàng, nhà thơ Mai Bá Ấn viết: "Nếu Nguyễn Tuân ra đi đã trao
thể bút ký và tùy bút lại cho Hoàng Phủ, thì người xứng đáng mà sau này
Hoàng Phủ trao lại thể loại này, chắc chắn là Nguyễn Xuân Hoàng chứ
không ai khác…". Trong truyện ngắn, chất duy mỹ, ôm níu con người của
Hoàng lại làm người đọc bất ngờ từ một hướng khác. Truyện ngắn Nguyễn
Xuân Hoàng là những nhát cắt ma mị, kết tinh tâm thức của người văn sớm
thấu lẽ đời. Cách dựng truyện của anh thoải mái đến nỗi không còn ai
nhận ra ấy là bịa. Lối viết không quá câu nệ vào cốt truyện nhưng sâu
xoáy hút hồn bằng nhạc cảm, làm tôi liên tưởng đến bút pháp Pauxtốpxki.
Rồi khi làm thơ (thường thì Hoàng làm thơ để hát mỗi khi uống rượu với bạn bầu), tài hoa nơi anh lại lấp lánh một cõi lạ. "Những bài thơ thương tật/ trên chiếc bàn thương tật/ làm chi/ nếu đời anh không thương tật" (Câu chuyện về thơ); "Tôi đợi bóng quạ mang về đêm tàn/ tôi khát đôi môi em ngày tôi còn sống/ tôi nhớ đắng ngắt miệng môi tôi/ ngày tôi yêu em" (Cho một tương lai); "Đôi
khi tâm hồn tôi phiêu lãng thiên đường/ kể cho thân xác nghe câu chuyện
về địa ngục/ đôi khi thiên thần gãy cánh / thân xác kể cho tâm hồn nghe
câu chuyện thiên đường" (Câu chuyện thiên đường)..
.
Viết
tập ký về Trịnh Công Sơn, mỗi câu mỗi chữ của Hoàng ánh lên niềm hạnh
ngộ. Anh viết "Bậc thức giả ấy vẫn tiếp tục hành giả, giúp con người
thấy rõ gương mặt tình yêu, những hóa thân như có phép chỉ xuất hiện khi
ai đó chợt nhận ra những giấc mơ đời hư ảo". Thế là trọn vẹn, có dẫu
còn dang dở nhưng đó vẫn là một trong những cuốn sách về Trịnh thành
công nhất. Cũng phải thôi, chân tài gặp nhau…
No comments:
Post a Comment