·
·
· Một ngày tình cờ của năm 2001, tay tôi
dính vào cuốn tiểu thuyết Đêm thánh nhân,bản thảo văn học tập một có cái
bìa màu nâu nâu đỏ đỏ dài 1116 trang và thế là không dứt ra được trong suốt hai
ngày đêm trừ lúc ăn uống ngủ… 1116 trang sách như 1116 cuộc đời ẩn hiện đã từng
sống nơi trời Âu đất Mỹ ruộng Á rừng Phi, những cuộc đời đó trong vô lượng kiếp
sống vô tận vô cùng nay sống trên mảnh đất này mang theo cái mùi quá khứ đó là
thứ mùi hoi hoi của bơ nước Áo mà ông Phoi Rờ cất vào túi áo, mùi con gián của
ông Káp Phờ Ka, mùi tanh khắm vì sình lầy nơi ông Mắc Kẹt sinh sống và thân
thương biết bao mùi bùn của ruộng đồng núi non đất Việt.
· Cái ông bác sĩ Trương Vĩnh Cần ấy tôi
thường gặp ở khắp nơi mọi chỗ không riêng gì ông ấy mà các nhân vật trong cuốn
sách này không lạ gì đối với tôi cả bởi vì có thời hình như dăm chục năm gì đó
họ sống trong lo âu hoang tưởng, sợ dệt mộng mị và mơ ước. Sợ thì có nhiều thứ:
sợ bệnh tật mất việc làm, sợ đói nghèo, sợ bị hắt hủi, sợ không được tiến bộ
bằng anh bằng em thậm chí sợ muốn tiến bộ mà không được tiến bộ cùng ti tỉ
thành kiến tích tụ ngàn đời nay ràng buộc con người. Mỗi khuôn mặt nhân vật đều
hiện lên rõ nét như chính họ bước từ cuộc đời vào các tác phẩm văn học trong
trạng thái mơ mơ tỉnh tỉnh, liêu xiêu như ước vọng con người.
· Ông Nguyễn Đình Chính này, có người bảo
với tôi rằng trong cuốn sách này không thấy người tốt đâu chỉ có người xấu,
nhiều người xấu quá, tôi không trả lời mà đọc lại mất hai ngày đêm trừ lúc ăn
ngủ… mới biết hóa ra nhiều người tốt quá, nhiều người nhân hậu quá. Những con
người như ông bác sĩ Trương Vĩnh Cần, Mùi cá ngạnh, bác sĩ Chiểu, Chế Bồng
Thớt… Đẹp hơn tất cả là anh bộ đội Xuân, anh bộ đội Bùi dồi, cô Thương Ơi tóc
dài… họ yêu thương người khác như thể yêu thương chính mình. Tôi phải cảm ơn họ
vì những việc họ đã làm đối với những đồng đội của tôi đã hy sinh hay vừa mới
mất. Tôi cho rằng ông yêu thương họ rất nhiều cho nên ông viết về họ trong cơn
trầm cảm nhẹ vừa tỉnh vừa mê, vừa thương vừa sợ cho nên văn của ông không chia
ranh giới, không xây hình tượng tất cả từng ấy con người từ cuộc đời bước vào
tác phẩm mang theo cái bản chất thật của mình lộn xộn dị hợm kỳ quái như cuộc sống
vốn thế, có điều vượt lên tất cả họ, không giống ai càng không giống nhân vật
trong Liêu Trai vì trong Liêu Trai những nhân vật mơ ước đến sự giàu sang phú
quý thành đạt, còn trong cuốn tiểu thuyết Đêm Thánh Nhân này họ bấu víu
vào xác thân của chính họ đang tan rã. Vì khát vọng sống, được sống trong tình
yêu thương nhân ái mạnh hơn cả cuộc sống vì bát cơm manh áo và cả cái chết.
· Ông Nguyễn Đình Chính quý mến. Tôi chưa
ngồi uống rượu với ông lần nào nhưng đọc văn của ông tôi biết ông là người có
đời sống dân dã, thoải mái bởi thế tôi mới dám đề cập đến lĩnh vực tình dục
được nhắc đến nhiều lần trong tiểu thuyết Đêm Thánh Nhân của ông. Trong Đêm
Thánh Nhân đoạn cuối kể lại cảnh ông bác sĩ Trương Vĩnh Cần hồi phục dương
khí gây chấn động cả một vùng quả thần tình, phàm là càng sợ hãi bao nhiêu,
nghi ngại bao nhiêu, bất lực bao nhiêu ở chỗ này thì càng hung hăng, bạo liệt
mạnh mẽ ở chỗ khác. Cái cơ thể thiếu dương khí của ông bác sĩ tê liệt cái đó đã
lâu không phải vì ốm yếu hay quá đát mà chẳng qua cả đời ông chưa bao giờ được
yêu người mình yêu trừ thời gian ngắn ngủi chui vào tủ với cô gái miền núi có
cái hôn dính quánh lại ngọt như mật. Cô Thương Ơi tóc dài tóc tém cũng thế, ai
cũng thế tất cả phải là tình yêu giữa hai con người vì chỉ có tình yêu thì tình
dục mới trở thành điều thiêng liêng, hòa quyện gắn bó đời đời kiếp kiếp. Phút
giây rừng núi chuyển mình trong tiếng đàn tiếng hát, trong điệu múa thiêng âm
âm u u huyền bí là phút giây dẫn dắt con người ta một là vào mê lộ. Trở lại với
Đêm Thánh Nhân, cá nhân tôi thấy có mấy cái hay như thế này. Lần đầu tiên trong
nền văn học nước Việt ta có một cuốn tiểu thuyết mới viết xong 1116 trang có
cách đặt tên đất, tên người rất độc đáo, rất nông thôn Việt Nam nhưng không vì
thế mà xa lạ hay gây khó chịu cho người đọc, cũng không gây cảm giác tếu, coi
thường, khinh thị mà thấy thân quen, dễ hiểu, ai đọc cũng hiểu, cũng chắc rằng
mình đã từng đến nơi đây gặp gỡ những nhân vật đó rồi. . Lần đầu tiên có một
cuốn tiểu thuyết dài mới viết xong tập một có số lượng đông đảo nhân vật lam lũ
vất vả. Từ những người bị bệnh tật hành hạ đến cùng cực, những người đau đớn vì
hậu quả của chiến tranh do giặc ngoại xâm reo rắc để lại hậu quả đến tận bây
giờ, những người khốn khổ tự mình gây ra và cả nhưng người khổ chẳng rõ nguyên
nhân chỉ biết đổ tại ông Trời. Họ không mất đi nhân tính, mất đi ánh mắt trong
veo đến lạ lùng khi phải sống bên cạnh cái đói nghèo, dơ bẩn, xấu nết cùng lũ
người rửng mỡ vì có tiền vốn mang theo nhiều thói hư tật xấu. Lần đầu tiên có
một cuốn tiểu thuyết liên tục đưa ra những trạng thái xuất thần, xuất hồn, phép
khinh công rút đất, phép cúng tà ma đồng cốt thực thực, hư hư cuốn hút người
đọc đi từ sự tò mò ngạc nhiên thú vị đến hồi hộp và ưu tư suy nghĩ mà không hay
biết rằng chính mình bị cuốn hút rồi không đủ tỉnh táo tin rằng đúng hay sai.
Cái hay nữa là cấu trúc và cách hành văn. Chẳng chương hồi khúc đoạn, chẳng
sang trang xuống dòng, nối tiếp nhau liên mạch. Khi thì như tiểu thuyết lúc lẫn
phóng sự nhiều kỳ, giọng văn như kểt chuyện, như cãi nhau, lúc thì thầm bí
hiểm, lúc hùng hục như trâu húc, sầm sập như đánh nhau, với hàng đống ngôn từ
thường dùng nơi vỉa hè, quán nước, mái chợ, bến xe.
· Cái hay nhất trong cuốn sách này là cái
hồn, cái thần chỉ đạo, người cầm bút nào cũng nhủ lòng mình, tâm mình phải viết
đúng tâm nguyện, vì dân tộc, không bị chi phối bởi ngoại cảnh, bởi miếng cơm
manh áo, bởi quyền lực… Nói thì dễ, làm được rất khó. Đọc Đêm Thánh Nhân
tôi hiểu trái tim anh trăn trở đau xót vì cuộc đời của những con người chưa
được no đủ, chưa được sung sướng hạnh phúc. Nói cho cùng bất hạnh và đau khổ là
một mặt của đời sống xã hội, không thể triệt tiêu hẳn mà chỉ có thể hạn chế nó
trong phạm vi cho phép mà lòng nhân ái, sự tiến bộ xã hội, đạo đức cổ truyền
của cộng đồng, của dân tộc, là biện pháp giảm thiểu bất hạnh và đau khổ, ở đây
tôi nhìn thấy bao trùm lên toàn bộ số phận những nhân vật trong truyện dù họ
hạnh phúc hay đau khổ là nhân cách người Việt Nam mình, vốn dĩ mang trên vai
nhiều tôn giáo, tín ngưỡng nhập ngoại có, bản địa có, cả không tôn giáo tín
ngưỡng đều chung nhau một điểm đó là lòng bác ái, vị tha. Đời tôi chưa một lần
nhìn thấy Phật Bà Quan Âm, vị Phật cứu khổ cứu nạn, nhưng tôi thấy trong tâm
mỗi chúng ta, mỗi nhân vật trong truyện của ông đều có một tâm Phật dù ít dù
nhiều, sách nhà Phật gọi là Phật tính, có tâm Phật tính, ông bác sĩ Trương Vĩnh
Cần mới sống được ngần ấy thời gian trên bước đường lưu lạc, ốm đau được cứu
giúp, được chăm sóc hết sức tử tế để còn sống đến tập hai. Cái thần, cái hồn
của Đêm Thánh Nhân chính là tính Phật mang màu sắc Việt, chẳng thế người
ta (những nhân vật trong truyện) giúp nhau qua cơn hoạn nạn, chết rồi còn có mồ
yên mả đẹp nào có cần ai trả công, trả ơn đâu. Chính vì vậy gần như toàn bộ
cuốn sách này, cái tôi thích ẩn hiện mờ ảo hiện thực và phi hiện thực cứ như
đọc một tác phẩm khoa học tâm lý mang màu sắc Phật giáo nguyên thủy nơi xứ Tây
Tạng còn bảo lưu được, hòa quyện với tín ngưỡng cổ xưa khi con người yêu và
ghét, chữa bệnh và gieo trồng chỉ bằng niềm tin sùng tín.
·
· Tôi viết thư này gửi tới ông, gọi là
những dòng tâm tư của mình, tôi chờ tập hai cuốn sách, hy vọng rằng số phận
những nhân vật trong Đêm Thánh Nhân có một tương lai tốt đẹp hơn. Chúc
ông khỏe mạnh, hạnh phúc.
·
· Hẹn một ngày gặp mặt.
· Hà Nội 7-7-2001, viết xong 13-7-2001
· Một độc giả không quen biết
·
No comments:
Post a Comment