Tuesday, April 23, 2013

THƠ LORCA.



   
    1. SỰ HÀI HÒA TRONG THƠ LORCA.
Federico Garcia Lorca không phải là thi sĩ chính danh trong tộc Siêu Thực nhưng ông đã lớn lên trong thời điểm này. Bắt đầu từ năm 1920. phái Siêu Thực ra đời như một cơn lốc, cách mạng nghệ thuật Âu Châu, nhất là nghệ thuật văn chương, hội họa và tạo hình. Lorca lại giao thiệp với các nghệ sĩ Siêu Thực như hoạ sĩ Salvador Dalí, tạo hình Emilio Soriano Aladrén….thơ Siêu Thực đã tìm đến ông như một cơn sóng thời đại táp vào bờ thi ca.
Ông bắt đầu làm thơ có lẽ đã từ lâu, từ lúc trẻ, mặc dù lúc trẻ, ông yêu thích âm nhạc hơn thi ca. Điểm mốc thời gian mà nhiều nhà nghiên cứu thơ Federico Garcia Lorca đồng ý, là năm 1918, năm ông chính thức bước vào cõi thơ. Nhưng đa số thơ được in lại trong thời điểm đó, thường ghi năm 1920.

Thơ của ông có thể nhìn xuyên qua ba giai đoạn sáng tác:
1- Thời khởi đầu, kế thừa truyền thống thơ ca Tây Ban Nha.
2- Ảnh hưởng bởi phái Tượng Trưng. (1)
3- Ảnh hưởng bởi phái Siêu Thực. (2)

Tuy phân chia thành ba giai đoạn nhưng vào khoảng năm 1930-31 trở đi, thơ ông đã chứng tỏ sự hòa nhập tinh thần và nghệ thuật của cả ba ảnh hưởng kể trên. Ngoài ra, như những thi sĩ Âu Châu đương thời, ông cũng bị ảnh hưởng bởi tinh thần và thể thơ ngắn của thơ Hài Cú, thơ Nhật và thơ Trung Hoa. Với tài năng thiên phú ông đã hài hòa được những ưu điểm, cá tính của các phong trào thi ca và đặc tính của dân tộc. Ông trở thành một trong những thi sĩ quan trọng của thế kỷ 20 và là một trong vài thi sĩ hàng đầu ở Tây Ban Nha.

 Đối với người đọc bình thường, có lẽ thơ của ông khá khó hiểu. Vì sao khó hiểu?

- Đa số người đọc bình thường tìm đến thơ như một giải trí, hưởng thụ một cách dễ dãi. Đọc xong là muốn hiểu liền. Không cần phải động não. Nhất là, những người đọc chỉ tìm cảm xúc. Muốn nghe lòng mình rung động. Tình cảm xôn xao hoặc cảm kích. Tìm lại kỷ niệm xưa. Tìm tâm sự đồng điệu. Họ thường đưa ra kết luận, đọc thơ thấy hay , thấy thích là được rồi. Như vậy, không có gì sai trái. Đúng nữa là khác. Nhưng thiếu, thiếu nhiều.

- Đa số người Việt đọc thơ, thích thơ vần điệu hoặc nếu không vần thì phải êm ả hoặc chải chuốt. Thơ Việt đa số mang tinh thần này vì từ đời Hán học, bị ảnh hưởng thơ Đường, thơ Hán. Qua thời Thơ Mới bị ảnh hưởng bởi thơ Lãng mạn, Tượng Trưng và Biểu Tượng của Pháp. Chủ yếu những loại thơ này trọng sự chải chuốt ngôn từ và mỹ cảm hóa tứ thơ và lời thơ. Đa số làm thơ với nhiều tĩnh từ, bổ túc từ và liên từ. Đa số thơ Việt ngã vào phong cách chải chuốt cho lộng lẫy và quí phái như thơ Đường và ủy mị than trách như dòng thơ Lãng Mạn Pháp. Do đó cần nhiều tĩnh từ. Nhiệm vụ của tĩnh từ trong thơ Việt làm cho thơ "bay bướm", dễ gây cảm xúc. Tĩnh từ, bổ túc từ, liên từ làm cho câu thơ mượt mà, êm ả, trơn tru. Ngay cả thể thơ Lục Bát truyền thống của người Việt, mang bản chất "hiền hòa". Với những âm thanh bằng trắc và yêu vận cước vận đã đóng khuôn bài thơ, câu thơ vào nhạc điệu êm đềm, tròn trịa. Cho dù diễn tả về chiến tranh, cho dù là ngòi bút của thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều, cũng chỉ thấy đẹp mà không thấy máu lửa.

Khi tiếp cận những loại thơ không vần, không điệu hiện diện trong ngôn ngữ, người đọc cảm giác "không phải thơ". Khi đọc những bài thơ "khô", thiếu vắng tỉnh từ, người đọc cảm thấy "khó cảm". Những bài thơ cô đọng, xúc tích, ví dụ như thơ Hài Cú, lập tức trở thành khó hiểu.

- Đọc thơ, đa số người Việt chú trọng tình tiết, câu chuyện nhất là tâm sự của tác giả. Nếu gặp những bài thơ gói ghém suy tư hoặc những cảm nghiệm nhân sinh, người đọc bình thường cho rằng thơ giải mã.

- Đa số thơ của Federico Garcia Lorca trong phần một, được chuyển thành thơ Lục Bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ … những thể thơ quen thuộc để dễ cảm thông. Tuy vậy thơ ông vẫn khó.

Khó ở chỗ:

- Ông sử dụng nhiều phong tục, tập quán, cổ tích dân tộc và huyền thoại Hy Lạp, La Mã trong thơ.

- Ông áp dụng tinh thần và kỷ thuật của phong trào Tượng Trưng. Tinh thần và kỷ thuật thơ Tượng Trưng chủ yếu trình bày đối tượng với ý nghĩa trong tâm tình và bối cảnh. Đối tượng từ hiện thực, thực tế, cụ thể trở thành trừu tượng. Tượng trưng đối tượng bằng một sự vật hoặc một ý tưởng, có khi là một mẫu chuyện. Những liên hệ siêu hình, triết lý hoặc tưởng tượng khiến cho thơ không bộc bạch như thơ tả cảnh, tả tình, kể lể hoặc bạch văn. Do đó, sức mạnh của liên tưởng, kiến thức và kinh nghiệm sống, khá cần thiết cho người đọc.

- Càng về sau, ông càng sử dụng nghệ thuật sáng tác của phái Siêu Thực. Chủ yếu là những hình tượng, tứ thơ mang bản chất và liên hệ phi lý, có gốc rễ từ những giấc mơ, từ sâu thẳm của vô thức. Với những lý luận bình thường, những hình ảnh hàng ngày, thực tế, người đọc dễ bị lạc sóng khi bắt vào những hình, những tứ mông lung và không luận lý. Trực giác của người đọc phải cảm nhận bằng khám phá những điều thi sĩ đã kinh qua, đã dằn vặt, đã suy gẫm. Những điều này, thường khi không nằm trong ý nghĩa của chữ mà nằm xuyên qua chữ.

- Qua đến tinh thần thơ Hài Cú là gợi ra. Một bài thơ không có kết luận. Câu thơ đã dứt nhưng thơ vẫn còn. Bài thơ chấm dứt trong mỗi người đọc khác nhau.

Thử đọc bài Hài Cú của thi sĩ Sôkan:
Nếu gắn cán vào mặt trăng cái quạt mo
(Trăng Mùa Gặt).

Phải chợt "thấy" trăng mùa gặt thường rất tròn, giống như cái quạt mo sáng, chỉ thiếu cái cán. Nhưng bài thơ không ngừng ở đây. Sự khôi hài biểu lộ niềm vui ngày mùa. Người lớn ăn mừng, trẻ em ca hát. Vầng trăng gắn cái cán trở thành trò chơi của trẻ con. Phải chăng mỗi người trong chúng ta khi đang vui dưới trăng rằm, đều có một đứa trẻ nhảy múa trong lòng?

Trong tinh thần gợi và mở, Lorca đã viết:

Trăng lên Cuando sale la luna trăm mặt tròn giống nhau de cien rostros iguales, đồng tiền kẽm la moneda de plata trong túi than khóc solloza en el bolsillo.
( La luna asoma )

Trăng của Lorca hiện đại hơn , tây phương hơn, tròn như đồng tiền kẽm. Đồng tiền nằm trong túi than khóc cho thân phận bị mua đi bán lại. Còn trăng nằm trong túi đất trời, có khóc cho thân phận gì chăng? Trong bài Flor, ông viết đóa hoa: ( Flor.)
Dương liễu rũ lá sầu El magnifico sauce dưới cơn nưa, tráng lệ de la lluvia, caía.
Kìa, trăng tròn Oh, la luna redonda treo trên cành sáng. sobre las ramas blncas!

Hoa là trăng hay trăng là hoa? Có cần thiết để có một luận lý rõ ràng không? Hay cứ ngẫu nhiên ghi xuống hình tượng phát giác từ tâm tưởng. Thi sĩ Basho (Ba Tiêu) cũng vậy:
Cánh đồng bông gòn vầng trăng rớt hoa.

Hoa gòn trắng hay ánh trăng sáng? Những câu thơ sáng tác theo tinh thần Hài Cú như lửng lơ, không có liên tự, không có những nối kết bình thường. Đôi khi đọc những bài thơ Hài Cú của các thi sĩ thời danh truyền lại, cảm thấy trống vắng, "vô duyên". Ví như bài thơ của Ryôta:



Bực mình, quay về nhà thấy trong vườn hoa cây Dương Liễu.

Nhưng đọc đi đọc lại, tự hỏi, có điều chi mà lưu danh hậu thế? Dần dà mới cảm được sự an bình của cây Dương rũ lá. Tương phản với nỗi bực mình là nỗi yên lành ngay trong vườn nhà. Bình an từ đâu đến? Ngay trong lòng thôi. Ở đâu có bực bội, ở đó có tâm lành.

Thơ Hài Cú viết ít chữ nên không đủ chữ để dài dòng, trình bày và giải thích. Chỉ đủ chữ để gợi ý. Phần còn lại tùy vào người đọc khám phá và mở rộng. Nội dung của Hài Cú thường là sự tương quan giữa cảnh thiên nhiên và cảnh tượng nội tâm. Sự so sánh, nghịch đảo, liên hoàn hoặc bổ xung những thực tế đang nhìn thấy với trừu tượng trong tâm trí, rồi mở ra một thế giới cảm nhận và tư duy không kết luận. Tinh thần Hài Cú ảnh hưởng thơ Lorca:

Chuông vàng nhỏ  chùa Rồng  boo…boong…boo..boong…  vang ra đồng lúa 
Small golden bells Dragon pagoda tinkle tinkle over the ricefields.
(Bản dịch: Jerome Rothenberg, Shinto.)
Dọc theo dòng thơ của Lorca, người đọc dễ nhận ra sự ảnh hưởng của thiên nhiên trong thơ của ông. Ông sinh ra và lớn lên trong miền quê. Cả một thời niên thiếu, ông đã chạy nhảy tung tăng với ruộng đồng, trâu bò, gia súc. Ông lớn lên với phong tục tập quán dân quê. Thơ ông chứa đầy những phong cảnh thiên nhiên và sinh hoạt nông thôn cho dù đa số chỉ để tượng trưng cho những gì ẩn náu bên trong. Đôi lúc, nếu không biết những phong thói này, khó mà theo dõi thơ của ông. Càng về sau, ông càng uyên bác sử dụng những sự tích, huyền thoại và những đặc tính của âm nhạc dân tộc, nhất là nhạc flamenco. Thơ của ông có cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Mặt trời lặn.  

Mặt trời lặn. Thấy hàng cây  dáng như tượng đứng đêm ngày suy tư.  Bánh xe quay nước lừ đừ  Đồng gặt hết lúa dường như  thật buồn!
Chó quê sủa giữa đêm trường  chồm chồm muốn cắn bất thường  sao Kim.
Từ cao sao sáng sẽ chìm  lớn như trái táo rụng tìm đất quen.
Muỗi bay tịch mịch trong đêm  như nguồn thơ hứng nỗi niềm giọt sương.  Ánh đèn sáng rực một phương  phố Phê-nơ-lốp dặm trường xa xa.
“Bé ơi, hãy ngủ ngon nha  sói lang sắp đến,”  kêu la tiếng cừu.  “Bạn ơi, trời có vào thu?”  Bông hoa heo héo hỏi phù du thôi.
Bây giờ, mục tử lên đồi  vào hang ẩn núp tránh thời kiếp tai.  Bây giờ, cửa đóng then cài,  bên trong con trẻ an bài vui chơi,
nhà nhà ca hát thảnh thơi  bên ngoài nghe vọng bao lời yêu thương  bài ca quen thuộc bình thường. (3) 
)
Trong phong cảnh thôn quê về đêm, cách xa phố thị Phê-nơ-lốp, con chó quê sủa muốn cắn sao Kim (sao Vệ Nữ) là một tượng trưng cho ước mơ của thi sĩ. Nỗi khao khát của con người trần thế muốn làm nên một sự việc cao xa nhưng cùng một lúc cầm bằng lòng thất vọng như con chó nhảy chồm chồm chỉ sủa mà thôi. Một tượng trưng khác diễn tả nơi chó sói xuất hiện và các bé con trốn vui trong căn nhà. Cảm ra như câu chuyện cổ tích Ba Con Heo và Chó Sói. Hơn thế nữa, đó là lý do con người thành lập gia đình và liên kết yêu thương để chống lại những hiểm họa của đời sống.

Quê hương của Lorca là nơi phát tiết nhạc flamenco, Không thể thiếu âm điệu đó trong hồn của ông. Viết về cây đàn thùng Ghi-ta, ông diễn đạt không những chỉ ý tứ mà còn theo nhịp điệu flamenco, lúc nhanh lúc chậm, lúc dồn lúc lơi. Ở đoạn cuối của bài thơ La Guitarra, ông viết:
Oh guitarra! 
Corazón malherido
por cinco espadas
Ôi, ghi-ta, đàn ơi!
Trái tim thương tích suốt đời
bởi năm lưỡi gươm.

Por cinco espadas, chuyển là bởi năm lưỡi gươm, phù hợp với bản dịch của Cola Franzen: by five swords. Nhưng không có ý nghĩa gì cho bài thơ và đàn ghi ta với năm lưỡi gươm. Khi tra cứu mới hiểu, năm lưỡi gươm chỉ là một lối nói để đề chỉ một cách chơi đàn ghi ta theo nhạc điệu flamenco. Nhạc sĩ dùng cả năm ngón tay bay nhảy trên sáu dây đàn như năm lưỡi gươm xuyên thấu vào tim người nghe. Vì vậy đoạn cuối đó là:

Ôi, ghi-ta, đàn ơi! Trái tim thương tích suốt đời bởi năm ngón tay.

Chuyển thơ:

(Chim đầu tiên chết trên cây). Ôi, đàn ơi, hỡi đàn này! biết chăng Trái tim thương tích vĩnh hằng bởi tay năm ngón điệu đàn flamenco. 

Là một người yêu âm nhạc và nhạc dân tộc, ông đã mang những thể hát và tinh thần ca khúc vào trong thơ. Ví dụ như người Việt làm thơ theo thể thơ hát Ả Đào, chắc sẽ làm cho người ngoại quốc khó nắm bắt bài thơ. Lorca làm rất nhiều bài thơ, ngắn có dài có, trong các thể điệu nhạc dân tộc.

Trước Buổi Bình Minh
Như tình yêu những cung thủ  mù.
Trong đêm thanh xuân  những mũi tên  để dấu trầy khiêu gợi  trên đóa hoa Ly-ly.
Trăng lưỡi liềm  xé làn mây tím  và bao đựng tên  đẫm ướt sương mai.
Ôi, như tình yêu  những cung thủ  mù (4) 

Cặp Gõ
Lốc cốc cốc.  Lốc cốc cốc. Lốc cốc cốc. Cặp gõ hình con bọ kêu giòn tan.
Trong bàn tay  như con nhện  khuấy động không khí  ấm lên  rồi chìm xuống âm thanh gỗ  rung vang.
Lốc cốc cốc.  Lốc cốc cốc.  Lốc cốc cốc.  Cặp gõ hình con bọ kêu giòn tan. (5) 

Thơ của ông càng khó hiểu hơn khi ông đưa vào những "điển cố" thần thoại Hy lạp. La Mã rồi chuyển các hình tượng, truyền thuyết này vào tượng trưng hay siêu thực. Thơ xưa của người Việt cũng như thơ Đường , thơ Hán, đầy cả những điển cố và điển tích. Nếu không có một kiến thức vững vàng, khó mà chia xẻ được những bài thơ cao kỳ này.





Thần Dê Trắng
Trên đóa hoa Thủy Tiên bất tử Thần Dê trắng ngủ say.
Sừng lớn bằng pha lê làm vầng trán trinh bạch
Mặt trời, con rồng lửa thuần thục liếm đôi tay phụ nữ của thần Dê.
Trên dòng sông tình ái nữ thần nước chết trôi.
Tim thần Dê theo gió khô từ giông bão xưa.
Vòi nước trên đất là nguồn suối chia bảy dòng xanh như thủy tinh. (6)

Nhận định về tinh thần tượng trưng và siêu thực trong thơ Federico Garcia Lorca, có thể thấy ngay, ông bắt đầu với tượng trưng rồi chuyển sang siêu thực nhưng vẫn giữ những cá tính của thơ tượng trưng nên thơ ông là một bản hợp tấu giữa tượng trưng và siêu thực cùng với thơ dân tộc tay ban Nha.

Nhìn từ bên ngoài là như vậy, nếu đi sâu vào trong cơ cấu của thơ ông, sẽ nghiệm ra sức sáng tạo của ông đã xóa những biên giới của kỹ thuật của phong trào, trường phái thơ. Tự tạo cho mình một cách diễn đạt riêng. Một trong những ưu điểm hàng đầu là những sự phức tạp trong cơ cấu được trình bày rất tự nhiên.

Tượng Trưng:
Sống gần gũi với những biến chuyển của thiên nhiên, với cây cỏ, súc vật tồn vong trên đồng ruộng, với khả năng nhận xét tinh tế, suy tư bén nhạy, lorca đã thu dụng được một thứ "luận lý thiên tiên" của đất trời, vừa âu yếm ban phát vừa phẫn nộ trừng phạt. Một cây mọc bên đường, tầm thường, nhưng cái sinh mạng tồn tại kia có phải là vô tri? Nguyên ủy từ đâu đến? liên hệ gì với con người? Từ một vật thực tế, đưa vào bối cảnh của nội tâm, tưởng tượng ra những chi tiết diễn đạt một suy tư, một khía cạnh của kinh nghiệm. Năm 1919, ông viết:



Cây ơi!  Có phải ngươi là mũi tên  rớt xuống từ trời?  Chiến sĩ nào hung dữ  xô ngươi rơi? Phải chăng là tinh tú?
Nhạc trong ngươi đến từ hồn chim  đến từ mắt Thượng Đế  đến từ nồng nhiệt đam mê.
Cây ơi!  Gốc rễ hung hăng ngươi có biết  tim ta đang vùi trong đất sâu? 



Đối với người dân quê, đời sống gắn liền với thời tiết, tình cảm vui buồn theo mùa màng. Chấp nhận những thiên tai như những hình phạt vì những tội trạng do họ tự hoang tưởng. Ngợi ca những ân phước của Thượng Đế khi được mùa , khi gia súc bình an, cũng do tưởng tượng mà ra. Tưởng tượng do đâu mà có? Do lòng sợ hãi mà ra. Tưởng tượng là phương tiện của con người yếu đuối chống đối những bất hạnh. Lorca hít thở không khí này, cảm nhận này, hàng ngày ở vùng quê. Lớn lên với phong tục, lễ làng. Ghi đậm bởi tục ngữ, ca dao. Và ông mang cái "luận lý thiên tiên" vào tâm trạng phản kháng. Một thứ phản kháng lãng mạn của chân yếu tay mềm. Một thứ nhạy cảm: "bất bình cho thân phận" của tâm sự biết không làm được gì mà vẫn bức xúc. Federico Garcia Lorca đã bắt đầu dòng thơ của ông như vậy.

Tượng trưng, phải chăng là kết quả của tưởng tượng và liên tưởng? Trước hết phải bắt đầu từ một quan niệm và những giá trị của nhân sinh quan. Cái tượng trưng được "thế thân" cho đối tượng trong một giá trị trừu tượng nào đó. Giữa tượng trưng và đối tượng là sự tương quan hai chiều nhưng không nhất thiết phải giải thích cho nhau.

Tượng trưng không chủ yếu làm cho đối tượng rõ ràng hơn nhưng làm cho đối tượng dễ cảm nhận hơn trong một ý nghĩa, cảm nghĩa khó giải thích hoặc không muốn giải thích. Mục tiêu của tượng trưng là để người đọc giải thích, tự cảm thích lấy theo cá tinh , kiến thức và kinh nghiệm riêng tư. Không nhất thiết phải có cùng một ý nghĩa.

Sẽ không bao giờ ngọn giáo đâm trúng chân trời. Vì dãy núi như tấm khiên che chở.
Đừng chiêm bao thấy mặt trăng chảy máu hãy ngủ yên.
Nhưng con đường, hãy để bước chân viếng thăm âu yếm với giọt sương.
………………………………….
………………………………….
Đi quanh khắp thế giới  không tìm ra cư trú nơi nào  không phải nghĩa địa, không phải liệm tang cũng không phải yêu thương đầy trời để phục sinh tồn tại. (7)
…………………………..
)
Siêu Thực:
Cái luận lý thiên tiên gây bất bình thân phận là sợi xích móc nối thơ của Lorca thành một chuỗi dài với những bài thơ càng về sau càng xúc tích, càng vẫy vùng, càng cảm thương. Hình như những thi sĩ lớn đều là những người cảm nhận sâu sắc về sự thất bại của chính bản thân, cho dù bên ngoài nhìn vào, người ta thấy họ thành công. Sự thất bại của thi sĩ không phải là đời sống, không phải là tình yêu, không phải là công danh mà là sự thất bại của một người khao khát tìm ra

những gì mà bản chất rất mơ hồ. Mục tiêu của họ di động, chập chờn, lúc gần lúc xa. Tưởng có thể nắm bắt rồi lại trơn tuột. Cảm giác và ý tưởng không tìm được, đã dày vò họ và xúc động từ tâm sự này đã thúc đẩy thành thơ.

Những ý tứ thơ qua siêu thực đa phần là phi lý trong khuôn khổ suy tư bình thường. Những phi lý tìm thấy trong giấc mơ: đứt đoạn, vô nghĩa, biến hóa, không tuân theo một qui tắc thức tỉnh nào. Nói một cách khác, Siêu Thực diễn đạt những hình ảnh, cảm nhận hoặc linh cảm từ vô thức và giấc mơ. Phản kháng lại những cái nhìn thực tế và suy luận hữu lý. Siêu Thực đi sâu vào tâm lý của sáng tác lẫn thưởng ngoạn, kích thích sự xét lại của lý trí. Đánh dấu những nghi ngờ về giá trị hoặc niềm tin đương thời. Vì vậy, chỉ có những sự kiện phi lý sẽ làm cho con người dừng lại, giật mình, thoát ra những thói quen thường trực và nhưng băng đóng của đời sống.

Tại sao con người thường thích sự quen thuộc?

Vì họ thấy có lý.
Tại sao con người thích có lý?
Vì họ cảm thấy an toàn.
Tại sao cần an toàn?
Vì bản chất của người là sợ hãi.

Đó là vì sao con người ít thích điều mới lạ. Bởi vậy khi bắt gặp điều phi lý, cảm giác sẽ bất bình thường, tư duy sẽ bắt đầu suy luận, khám phá để tìm lại sự có lý. Mãi cho đến giữa thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, con người mới chấp nhận được vô thức. Với thuyết tâm lý của Sigmund Freud (1856-1939), con người mới ý thức được có những điều không cần phải có lý. Tự nó hiện hữu là đủ. Đùng ra, một nguyên lý căn bản cần phải chấp nhận, không cần phải lý giải, đó là: Hiện hữu là đủ. Cho dù là một ảo giác, một quan niệm, một phi lý…v…v..nếu nó đã hiện ra và có mặt là đủ để chấp nhận.

Những phi lý trở thành những cảm nhận không cần lý giải khi nắm rõ nguồn cội của vô thức và động năng tâm lý. Trên khía cạnh triết lý, nếu suy tư sâu rốt ráo, có thứ lý gì trên cõi sống mà hữu lý?

Thật là cố gắng! Con ngựa đã cố gắng hết sức hóa thành con chó! Con chó đã cố gắng hết sức hóa thành chim nhạn! Chim nhạn đã cố gắng hết sức hóa thành con ong! Con ong đã cố gắng hết sức hóa thành con ngựa! Rồi con ngựa, ôi, mũi tên bén nhọn giục giã từ hoa hồng, ôi, hoa hồng u sầu nở từ cánh đỏ! Rồi hoa hồng, ôi, một chùm ánh sáng và tiếng khóc mắc dính vào nhựa sống từ thân cây! (3a) Rồi nhựa sống, ôi, những dao nhọn mơ trong thức tỉnh! Rồi dao nhọn, ôi, vô gia cư, trăng trơ trọi, dao đi tìm trăng muôn thuở ánh hồng! Còn tôi, trên mái nhà mấp mé Ôi, thiên sứ cháy tàn biết tìm đâu! Nhưng vòm cao, rộng lớn quá, vô hình quá, khoảnh khắc quá, không chút nào cố gắng hóa thân! (8)

Khi những ý tứ và cảnh tượng phi lý lại có khả năng làm cho người cảm nhận sát hơn giá trị và ý nghĩa của đời sống, thì siêu thực là phương tiện đưa tâm hồn tiếp cận trừu tượng và siêu hình. Khác với bài giảng và thần học luận, triết học luận, siêu thực không nhắm vào khả năng tiếp nhận của hiểu biết, mà nhắm vào khả năng nhạy cảm và khả năng bộc phát của trực giác.

Anh thấy anh trong mắt em băn khoăn nghĩ đến hồn em nơi nào.
Ôi, trắng ơi ngọn Trúc đào.
Anh thấy anh trong mắt em chợt thương nhớ nụ môi mềm hôm nao.
Ôi, đỏ ơi ngọn Trúc đào.
Anh thấy anh trong mắt em thấy vào cõi chết người thêm u sầu.
Ôi, đen ơi ngọn Trúc đào. (9)
)
Federici Garcia Lorca tạo cho mình một chỗ đứng riêng trong thi ca thế giới vì khả năng hài hòa những kiến thức đã lĩnh hội và khả năng thử nghiệm những kiến thức này để trở thành những cảm nghiệm riêng tư. Với tài năng bẩm sinh nghệ thuật sáng tạo, ông đã thành toàn một nghệ thuật làm thơ rất đặc thù. Cái tổng thể chung để diễn đạt này, gọi là Ngữ Lực của Lorca.

nguồn Da màu

No comments: