Saturday, April 27, 2013

Vũ Bằng






Đa ngc – tng th chín

Kể mãi những chuyện báo oán làm cho người tàn ác bị chết đau thương, nhục nhã, nhàm lắm. Hôm nay, tôi kể cho các anh nghe một câu chuyện báo oán mới hơn mà chính người làm nên tội vẫn sống nhăn mới kỳ.

Hùng chưa nói hết lời thì mấy anh em ngồi nhậu nhẹt ở cùng bàn, xua tay:

– Thôi đi, hiểu rồi. Anh lại muốn lập lại câu chuyện một bà nào đó, ngày trước, ban ra những cái lịnh làm cho cả trăm người chết tức chết tưởi, giết sãi, phá tượng phật, đốt chùa chiền... rồi kết cục bà ta không chết, trời cứ bắt sống để chính mắt phải trông thấy chồng chết, ba bốn người anh chết, con gái chết, con trai chết... còn chính bà ta muốn chết mà không chết được chớ gì!

– Không. Câu chuyện ấy, ai cũng đã biết, kể làm gì vô ích.

– Thế thì anh lại kể chuyện một ông còn tàn ác, vô nhân đạo gấp mười bảy lần bà nọ, xô đẩy hàng triệu người làm thịt cho súng đạn, hết thời, muốn chạy không chạy được, muốn chết không chết được, cứ phải sống để nhìn thấy con gái mình lộn chồng trả của, rồi đẻ ngược ra một đứa con không có mắt, phải không?

– Cũng không. Truyện của ông này chưa hết, phải đợi chung cục xem “đấng vô hình” trừng phạt ra sao mới là hay, chớ bây giờ kể e sớm quá.

– Thế thì kể chuyện gì thì kể đi. Miễn phải là truyện có thật, không được bịa.

– Dạo này nhộn quá: có khi cấm trại một trăm phần trăm. Tôi cam đoan câu chuyện tôi kể có thật một trăm rưỡi phần trăm có lẻ. Là vì câu chuyện này đã xảy ra trong chính họ hàng nhà tôi, hai nhân vật chính trong truyện gọi tôi là ông bác, họ vẫn thường lại nhà tôi, ăn uống, ngủ nghê như ở nhà họ vậy.

Đó là hai cô gái đẹp theo ý niệm của Tây phương: cẳng dài, ngực nở, lưng thon, mông lớn, mắt to mà không xếch, mi cong, cổ tròn mà cao. Tôi nhớ hồi quân Nhật chiếm đóng Việt Nam, đứa lớn tên Trang mới có mười lăm, đứa nhỏ, tên Đài, mới được mười ba tuổi. Đài học trường Hàng Cót, tháng nào cũng được xếp hạng từ số 5 đến số 10, cô giáo ghi vào học bạ là “học khá, tiến bộ, hạnh kiểm tốt”. Còn Trang học đến lớp nhì thì thôi, để về nhà học buôn học bán vì nhà cô có cái nghề làm rượu thuốc hay có tiếng. Rượu thuốc đóng chai, bán khá lời, nhưng một số lớn rượu tiêu thụ là do những phu phen, xe kéo, hoặc vì làm lụng mệt nhọc, hoặc vì tê thấp, tìm đến uống một vài ly tại chỗ. Trang thôi học về làm công việc bán lẻ đó và giữ tay hòm chìa khóa. Mẹ không đánh bạc, không đồng bóng, nhưng ngoài việc đi bổ thuốc, ngâm rượu, thổi cơm nấu nước hàng ngày thường lân la trò chuyện không ra đâu vào đâu với quyến thuộc, bạn bè. Bố thì suốt ngày nằm võng, nhắm mắt lại nghĩ những điều gì quan trọng lắm mà thực tình thì chẳng suy nghĩ gì. Còn bà nội thì cặp kè cái ô đồng, ăn trầu thuốc, không để cho môi, miệng nghỉ ngơi lúc nào, từ sáng chí tối ngồi nguyên một chỗ nói sa sả một mình, nếu không mắng con la cháu, bẻ cái nọ vặn cái kia thì lại gọi tên những người không ai biết bao giờ ra chửi rất ư dơ dáy... Sự sống của gia đình hết năm nọ sang năm kia như thế, không thay đổi – người bên ngoài trông thấy thế đã chán chường chưa? Ấy thế mà tất cả nếp sống ấy lại diễn ra trong một khung cảnh như thế nào? Nhà thì hẹp mà lại dài như một cái ống máng, mái thấp lè tè, mà hè đường lại cao hơn nền nhà, đi vào phải bước xuống ba bực gạch. Vào đến trong, tối y như hũ nút. Trời nắng hoa mắt, vào được bên trong thì chẳng nhìn thấy gì hết, phải định thần năm phút mới nhận thấy lối đi. Mưa thì nước tràn vào bên trong, như một cái ao, người nhà chỉ có cách là trèo cả lên giường ngồi, nếu có việc gì phải di chuyển thì lội bì bà bì bõm như vịt vậy. Đã thế, đồ đạc tập tàng lại nhiều, để bát nháo chi khươn, bừa bộn, mệt nhọc, bụi bặm, chuột chạy lung tung, đái ỉa thả dàn như ở chỗ không người, cắn nhau chí chóe, đẻ cả ở trong tủ áo. Bao trùm tất cả là một mùi, meo chua hắc, một mùi hôi không tên lẫn lộn cả mùi cứt chuột, nước đái mèo, cứt gián...

Tôi sẽ không đầy đủ nếu không nói thêm rằng thỉnh thoảng giữa một buổi trưa êm lặng hay một đêm đông buồn, tự nhiên ở trong nhà lại ré lên một tiếng như tiếng người bị bóp cổ kêu cứu, hoặc do bà nội thốt ra, hoặc do bà mẹ nằm tính tiền mua thuốc trả lầm người các chú mất ba đồng, hoặc do ông bố, khó ngủ, thở hắt ra để cho nhẹ ngực.

Sống ở một nơi như thế, người bình thường phải điên đầu nhưng chẳng ai làm sao. Người bà nội vẫn nói sang sảng suốt ngày, người mẹ đi bộ suốt ngày không thấm mệt, Trang và Đài khỏe mạnh, mỗi ngày mỗi đẹp hơn lên – trừ ông bố lúc nào cũng kêu đau bao tử (chẳng biết đau thật hay là bình thường?) Tiền bán rượu thuốc và các hoa lợi khác, nếu có, chiều chiều phải nộp đầy đủ cho bà nội, không được thiếu một xu, đồ ăn thức uống do bà nội chi hàng ngày, còn trái nắng dở trời, cần phải thuốc men thì... tự túc.

Có người bảo vì họ sống như thế cho nên giàu, nhưng ai đã đi lại với gia đình này thì đều biết họ không phải giàu vì rượu thuốc, vì kẹo, họ vốn đã giàu súc tích từ lâu, vàng chôn bạc giấu không biết bao nhiêu, nhưng số kiếp nó xui ra thế, trời bịt mồm bịt miệng lại nên suốt đời chỉ ăn tro bo chấu, không được sung sướng bao giờ hết. Tất cả tội lỗi, hàng phố, họ mạc đều qui cả cho người bà nội, nhưng bà cụ này quanh năm suốt tháng ở trong nhà, không cần biết đến những lời bàn tán đó, mà cũng chẳng ai dám nói ra trước mặt bà vì một ai đụng đến bà chửi rủa bật mồ bật mả.

Năm ấy, bà đã tám mươi mốt, tám mươi hai tuổi, nhưng mắt tinh tường như hai cái đèn pha, vá quần áo không cần kiếng, răng chỉ mới rụng một vài cái, mà đặc biệt là tóc vẫn đen, da chỉ hơi nhăn một chút nhưng vẫn trắng mà không có một vệt đồi mồi nào hết.

Một số người thấy bà vẫn “đẹp như con gái” thì thầm với nhau rằng đó chửa chắc đã là có phúc. Họ cho rằng, theo tin tưởng cổ truyền trong nhà, bác mẹ già rồi mà vẫn mạnh khỏe, tinh tường như vậy thì con cháu khó làm ăn, vì như thế là “ăn hết lộc của con, của cháu”.

Tôi không có ý kiến gì về việc đó, mà cũng chẳng để ý làm gì vì gia đình này sống “bế môn tỏa cảng”, tôi mặc họ, không thăm hỏi chi hết, vì sợ mang tiếng cũng như nhiều người khác trong họ đến chơi thường bị bà cụ già này nghi kỵ là xúi giục con dâu, con trai và hai đứa cháu bà bòn của. Tuy nhiên, đối với người mẹ tôi vẫn quý, còn hai cháu bà thì tôi thương yêu thật tình như con. Người mẹ là một người đàn bà nền nếp, hiền lành chân thật và phúc đức, không dám giết một con gà, phàm gặp ai nói lươn nói lẹo câu gì thì chỉ van lậy chịu thua, chớ không dám đôi co một tiếng. Hành động can đảm nhất của bà là mỗi khi đi bỏ thuốc lại rẽ vào nhà tôi khóc thầm với vợ tôi, than thân trách phận là đã hai thứ tóc trên đầu rồi mà không ngày nào không bị mẹ chồng ray rứt, trì nghiến, chẳng khác lúc mới về làm dâu.

Còn hai cháu Trang, Đài cũng hiền lành như mẹ. Vì chúng sống một cuộc đời bưng bít, tối tăm nên chúng dù đã lớn mà chẳng có bạn bè, bà con nào tới lui, trò chuyện. Vì thế, mỗi khi rảnh rỗi chúng lại tìm đến nhà tôi trò chuyện với vợ tôi, các con tôi.

Vì bận buôn bận bán, Trang ít tới nhà tôi hơn Đài. Trang nói năng cử chỉ đã ra vẻ người lớn, còn Đài thì có thể nói là nó không biết buồn là gì hết, lúc nào cũng vui như một con chim, nói năng nhỏ nhẻ, khéo ăn khéo ở, không chê trách vào đâu được. Nó không bao giờ nói chuyện về bà nội hay bố mẹ nó với chúng tôi. Đài chỉ nói về việc học hành, buôn bán ở nhà hay hỏi thăm hỏi nom các người trong họ. Nó nói:

– Cháu thích ở luôn đây với ông bà vì được ăn ngon, nhưng cái đó không quan trọng lắm. Cháu thích vì được ông bà thương, ông bà chiều, cháu được nghe ra-đi-ô, được ca tân nhạc một mình, mà nhất là được trò chuyện tự nhiên với các cô, các chú. Ở nhà, đi học về, cháu chẳng biết làm gì...

Thấy căn nhà của hai cháu ở với bà nội và cha mẹ tối tăm quá mà trời mưa lại dột lung tung, nhiều lần vợ tôi bàn với mẹ hai cháu sửa chữa lại cho sáng sủa hơn thì bà lại khóc:

Trời ơi, tôi lạy bà. Thí dụ tôi có tiền mà xin phép bà mẹ chồng tôi cho tu sửa, bà ấy chửi rủa gọi là cứ nhức xương, nhức thịt. Huống chi tôi lại không có tiền... Súng bắn vào đít chết thì thôi, chớ bỏ ra một đồng để sửa nhà hay lợp lại cái mái, bà ấy không đời nào chịu.

– Thế thì tiền bạc chôn từng hũ để cho ai?

– Ấy thế mới nên chuyện, mới gọi là “thần giữ của”. Nào bảo con cái có năm bảy gì cho cam. Độc chỉ sinh được một, là nhà tôi. Đến tôi, chỉ có hai cháu gái. Con cháu Trang năm nay đã mười bảy tuổi, có hai đám hỏi, nó nghe lời tôi, chịu đám con ông Hàn Sò, nói với bà ấy, bà cứ giẫy lên không chịu. Sau lại có một đám nữa hỏi, bà ấy lại cũng không bằng lòng.

– Thế bà ấy định để cho nó chết già hay sao?

– Thì chính bà ấy nói ra miệng như thế chớ còn gì! Có tiền, không cho đụng đến, có cháu, không cho lấy chồng, thậm chí đến con trai cũng không cho nó chuyện trò với vợ, tôi không biết trong bụng bà ấy nghĩ ra thế nào. Hay là bà ấy sống để báo hại con, hại cháu...

*

Cứ nói đến gia đình bà lang Thiết, – tên người bà nội – toàn là những chuyện như thế cả. Nghe mà nhàm cả tai, tức cứ anh ách. Tôi chán quá, không buồn nghe thì một hôm có tin bà lang nhuốm bịnh trọng, đờm suyễn kéo khò khè, trợn cả mắt cả mũi lên, ai cũng tin bà chết.

– Tám mươi hai, tám mươi ba rồi, bây giờ có chết cũng là đến cõi...

– Thôi, tụng kinh Giải oan cho bà ấy đi sớm cho con, cháu dễ làm, dễ ăn.

Ai cũng mong bà lang Thiết “đi” cho sớm nhưng vô ích: bà không uống thuốc gì hết mà lại khỏi và nói nheo nhéo cả ngày. Nhưng cay đắng là bà khỏi bịnh chừng nửa tháng thì một biến cố xảy ra đột ngột, y như thể tự trên trời rơi xuống: bà lang không chết mà chết con cháu Đài.

Không, nói vậy thôi, chớ cháu Đài không chết thật, nhưng chết dần – mà nói không sợ quá, nó sống mà khổ hơn là chết.

Một hôm, đi học về, con cháu ấy bỏ cơm, trùm kín chăn nằm khóc. Hỏi thì ra nó bị cô giáo mắng vì không thuộc bài, khẻ bằng cái thước đập vào bàn tay. Đó là một sự việc rất thường, không hại, nhưng có ngờ đâu đến lúc chẳng ra gì, sự việc đó lại đem lại một hậu quả vô nghĩa lý, một tai họa không lường được: Đài nhức đầu, hoa mắt, không chịu nổi, phải nghỉ học ở nhà!

Tưởng là bịnh sơ sơ rồi khỏi, không ngờ nửa tháng sau con nhỏ hóa ra si, ngồi đâu xì ra đấy, nói lẩn thẩn một mình, có khi lại khóc thút thít, không vì lý do gì cả. Có người cho là ma làm, có người bảo là vì “đất cát”, có người bảo là “giòng”, có người bảo là thần kinh, lại cũng có người hình như có đọc một vài trang nói về Freud bảo là tại sinh lý bị kềm hãm “cứ lấy chồng là khỏi”. Ối, nhiều thầy thối ma, không biết đường nào mà nghe. Duy có một điều ai cũng thấy rõ là bà mẹ cầm đợ cố bán đồ tế nhuyễn, của riêng tây hết sạch lại đeo công mắc nợ mà tàn nhang, nước thải, thuốc tây, thuốc tàu, phụ đồng, phụ cốt, tất cả đều vô ích. Bệnh mỗi ngày mỗi nặng hơn lên. Sáu, bảy tháng sau: điên hẳn. Nó nói bậy, nói bạ, hát những câu hát không ai hiểu lại có khi nói chuyện với một người lạ không ai trông thấy. Có một vài người trong họ cho là tại cái nhà u uất quá nên sinh ra thế. Bà mẹ cho con vào nằm nhà thương Phủ Doãn cả ba tháng trời: vô ích luôn. Hơn hai năm sau, bệnh tệ gấp bội. Đài xé quần xé áo, lăn ra đất cát tèm lem. Đến khi Việt Minh đánh Pháp ở Hà Nội, Đài thành ra một con thú dữ, mắt long lên sòng sọc, mặt mũi trầy trụa, tím bầm, trông không khác con quỉ dạ xoa, đến nỗi bố mẹ phải lấy thừng tam cố cột lại trong phòng tắm.

Ai cũng tưởng như thế một vài năm nữa thì phải chết, nhưng Đài, mặc dầu ăn ít, có khi thức trắng đêm không ngủ, vẫn cứ mạnh ra, mạnh đến nỗi giựt đứt cả thừng tam cố, đập phăng cả cửa nhà tắm, xô ngã cả những tấm ván ngăn rồi thỗn thện, chạy nhông nhông ở ngoài đường.

Hồi ấy, nhà tôi cũng khổ lây vì có buổi sáng chưa mở cửa, Đài đập cửa thình thình đòi vào chơi mà mình trùng trục như con nhộng. Lại có đêm bà mẹ, nước mắt ngắn, nước mắt dài, chạy đến nhà tôi hỏi xem “nó có đến đây không vì nó lại đi mất lúc nào không rõ”.

Tội nghiệp cho người mẹ! Chồng như thế, mẹ chồng như thế, con như thế, khổ đến như thế, cũng đủ điên lên nốt, vậy mà trời hình như cho thế là chưa đủ. Bịnh của Đài kéo dài ra khoảng năm năm, mấy tháng thì đánh đùng một cái, Trang đang mạnh khỏe, không làm sao hết, tự nhiên một hôm ớn lạnh, đi nằm. Uống thuốc vào, mất ngủ, rồi cứ thế mất ngủ luôn. Chừng một tháng sau, cũng “mát” nốt nhưng chứng điên khùng của Trang khác hẳn chứng bịnh của Đài. Không si, không nói, không hát lảm nhảm một mình, nhưng là một thứ điên hung dữ: thỉnh thoảng lại chỉ chỏ vào tường mà chửi, chửi thiên hô bát sát rồi giơ cả hai tay lên tát đôm đốp vào má... Một lát sau thì tỉnh, ăn uống trò chuyện như thường, rất lễ độ, rất nhún nhường, nhưng bất thình lình mắt lại long lên sòng sọc, nổi cơn, chửi bà nội, chửi bố mẹ, chửi cả em, không sợ bất cứ người nào hết, kể cả Tây, Tàu, Nhật. Trang không xé quần áo như Đài, nhưng đương yên lành chẳng làm sao, vơ lấy bất cứ đồ đạc nào như bát, đĩa, chổi lông, chai rượu, hộp bánh, sách vở... tung lên trời, tung ra đường, đập phá bằng thích, có khi lại xăn quần xắn áo ra cửa, đứng chửi cảnh sát và người đi lại bu trước cửa để xem nó chửi. Ai cũng khuyên nên cho vào nhà thương Phủ Doãn, nhốt vào trong chuồng sắt nhưng lòng mẹ thương con như trời biển, bao giờ lại nhẫn tâm như thế được, đành là phải dẹp bếp sang một phía, xây một cái hồ nổi, có lỗ thông hơi.

Cũng như phần đông nhà cửa ở Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm lúc bấy giờ, căn nhà của bà lang Thiết ở Hàng Bạc dài như một cái ống máng, dài như một cái hẻm, càng vào càng tối om om. Nhà chia ra nhiều lớp, lớp dùng để làm rượu, lớp để ngủ, lớp cho Trang Đài ngồi học và may vá, lớp chứa đồ phế thải, lớp cụ lang Thiết ngồi ăn trầu trông ra đường, lớp mắc võng cho bố nằm, mỗi lớp ngăn bằng những tấm ván sù sì, có khi không có ván nhưng lại có những cái sân nhỏ bằng bàn tay lát gạch lá nem, rêu mọc thả dàn, ngày mưa đi không cẩn thận trượt chân té, có mà gãy tay trật gân bằng thích.

Thuở nhỏ, đêm đông, ngồi nghe bà và mẹ tôi nói chuyện chùa Láng có xây cái bệ tạc những hình tượng nhỏ diễn lại cảnh địa ngục có quỷ sứ cưa đầu, có chó ngao moi ruột, có vạc dầu, tra khảo, hành hạ những người làm tội ác ở trên trần, bà tôi và mẹ tôi, tin vào sách Phật, bảo rằng địa ngục có chín tầng mà tầng thứ chín là tầng rùng rợn nhất, người nào làm nên tội nặng nhất ở dương trần phải giam trong tầng này. Lạ một điều, về sau này, lớn lên, đọc truyện “Tê Lê Mạc phiêu lưu ký” đến đoạn Tê Lê Mạc xuống địa ngục tìm cha là Uy Lít, tác giả Fénelon cũng tả địa ngục có chín miền. Tôi quan niệm “miền” hay “tầng” cũng giống nhau, nhưng... cả Tây, Tàu lẫn ta cùng bảo địa ngục có chín tầng mà tầng thứ chín là tầng rùng rợn nhất để tra khảo, trừng trị những người mắc tội nặng nhất, tôi thường nghĩ rằng có lẽ có địa ngục thật chăng cho nên cả Tây, Tàu lẫn ta cùng “trùng khẩu đồng tri” như thế.

Bố mẹ Trang, Đài xây xong cái hồ nổi ở cùng tít trong nhà xong thì vợ chồng tôi có đến xem nhân thể hỏi thăm hai cháu. Bây giờ chúng không nhận ra chúng tôi nhưng bất thình lình có lúc lại biết, chào hỏi như chào khách qua đường. Ở giữa hồ nổi có một bức tường ngăn hai, Trang ở một bên, Đài ở một bên. Trên hồ có đậy nắp. Mỗi bữa người nhà cho cơm xuống để cho chúng ăn và nước vào hai cái tô giấy để cho chúng uống. Hai đứa cùng bị xích chân lại bằng xích sắt, đầu tóc bùm tum, mặt mũi lọ lem, trầy trụa, không khác hai con quỷ. Thấy tôi đứng coi, Trang chỉ vào tôi chửi ầm lên, trong khi Đài cười rũ rượi. Bấy giờ, tôi mới thật thấy người xưa quan niệm địa ngục tinh tế thực. Quả đây là địa ngục – địa ngục tầng thứ chín – nơi mà Ulysse thấy vua Nabopharson bị tra tấn, trong khi Thần Chết, xanh lè và độc ác, cứ mài mãi không ngừng lưỡi hái bén của y.

*

Tuy nhiên, còn nước còn tát, bà mẹ vẫn chưa tuyệt vọng. Không hé răng xin mẹ chồng một đồng nào – mà thí dụ có xin thì cụ lang Thiết cũng chẳng cho – một lần nữa bà lại bán của riêng tư, đi vay mượn để cầu xin, lễ bái cho con. Nghe thấy đâu có thầy hay thuốc giỏi, bà cũng lặn ngòi noi nước đi tìm, van lạy để nhờ chữa trị, trong khi đức ông chồng cứ nằm đưa võng thở dài, còn bà cụ lang thì cứ kêu trời, kêu đất, thương hai đứa cháu, nhưng cứ bỏm bẻm nhai trầu thuốc mà một xu teng cũng không chịu bỏ ra.

Cuối năm 1953, bà mẹ Trang, Đài nghe thấy ở Hà Nam, vùng Đọi Đệp có một ông thầy người Huế, chữa bịnh điên hay lắm, nhờ vợ tôi về đấy mời giùm. Tôi đi thay vợ, tìm được cụ Ba Hòe đưa về coi bịnh cho hai chị em Trang, Đài.

Vì nhà cụ lang chật chội, không yên tịnh, lại chẳng có ai trông nom cơm nước cho tử tế, cụ Ba Hòe, mỗi chiều lại về nhà tôi uống rượu và nghỉ đêm. Hơn một tuần trôi qua, cả thuốc và bùa đều tỏ ra không công hiệu, đêm thứ mười, cụ tỏ vẻ chán nản, uống nhiều hơn mọi ngày rồi nói:

– Không giấu gì thầy, tôi cảm cái công thầy không quản đường sá xa xôi, tìm đến tôi để về đây chữa bịnh cho hai cháu. Thú thực, tôi đã tận tình chữa chạy, nhưng đến hôm nay, xem bịnh, tôi thấy tôi bất lực, vậy có lời thưa với thầy mai mốt tôi về để thầy kiếm một thầy khác cao tay hơn. Người ta thường nói “phúc chủ, lộc thầy” mỗi khi có thầy đến nhà bốc thuốc. Tôi hơi buồn... vì không có lộc.

Nghe thấy câu nói xa xôi ấy, tôi nói:

– Bẩm vâng, quả thế. Cụ đã tận tình giúp đỡ chúng tôi, nhưng không được thì biết làm sao bây giờ. Riêng tôi nghĩ rằng, ông thầy dù là Hoa Đà, Biên Thước tái sinh chữa được bệnh chớ không chữa được mệnh. Mệnh có vững hay không là nhờ phúc đức. Phúc đức mà kém thì làm gì được?

– Quả thật thầy là người hiểu biết. Bây giờ, tôi xin nói thật ngay rằng mấy ngày đầu đến chữa bịnh cho hai cháu, tôi đã thấy không được vững lòng rồi, xin phép thầy cho tôi nói hết: vào ngồi chừng một tiếng đồng hồ, tôi thấy là phúc nhà cụ lang đã hết.

– Thưa cụ, vậy ra cụ lại còn thông cả địa lý, tử vi, bói tướng?

– Không. Tôi chỉ biết các món ấy sơ sơ vì học thuốc lối Đông phương phải biết qua các môn đó, nhưng đến khi thấy nói là nhà cụ lang Thiết, tôi giựt mình và không hiểu tại sao tôi linh cảm thấy một cái gì không hay... Chắc thầy lấy làm ngạc nhiên và cho lời tôi nói thiếu điều thành thật. Không. Tôi không nói dối đâu. Năm nay tôi cũng đã ngoại bảy mươi rồi, có kém cụ lang thì cũng chỉ kém đến một giáp là cùng. Nói như thế, tức là lúc tôi ở Huế, tôi cũng đã biết tiếng cụ lang chút ít.

– Ồ! Ra cụ biết cụ lang Thiết khi ở Huế. Phải, chúng tôi lớn lên cũng biết cụ Thiết lúc trẻ tuổi sống ở Huế nhiều năm rồi mới ra lập nghiệp ở đây, nhưng chỉ biết thế thôi, chớ không biết kỹ. Thôi, nhân mai mốt cụ Ba về, chưa biết bao giờ mới gặp lại nhau, chúng ta cùng uống một bữa cho say đi, cụ! Tôi lại rót rượu và bảo mua thêm đồ nhậu.

Đến khuya, chúng tôi vẫn mềm môi: Lạ gì, cái rượu: tửu nhập thì ngôn sơn sơn, chuyện đầu cua, tai nheo, chuyện giặng đa bà cụ... có bao nhiêu kể cho kỳ hết. Chính nhờ đêm ấy, tôi mới được biết cái quá khứ của cụ lang Thiết, nếu không thế thì đừng nói đến họ hàng, ngay cả đến con cháu trong nhà cũng không ai biết nổi đời con gái của cụ ra sao.

Bây giờ, lục ở cái tráp sơn then của cụ ra, người ta còn thấy một tập ảnh chụp vào thời cụ trẻ thì chỉ biết lúc trẻ cụ đẹp “như tranh vẽ”, rồi lấy chồng, “chụp chung với ông cụ một tấm” trông như quan lớn trong triều, thì cũng biết đại khái cụ có một thời danh giá lẫy lừng, thế thôi... chớ làm sao biết được là cụ có một cuộc đời đậy điệm kín bưng đến thế.

Cụ Ba Hòa tợp thêm một tợp nữa rồi kể hết đời tình ái ly kỳ của cụ lang Thiết như sau:

– Hồi ấy, tôi mới lên mười một, mười hai tuổi. Nhà nghèo, đi bán tàu hủ, đến trưa, mới cắp sách sang học nhà thầy ở Bến Tượng. Là một nhà nho có tiếng, thầy tôi, cụ đồ Sang, ngoài việc bốc thuốc cho đơn lại còn là một gia sư dạy con quan tuần vũ.

Vì được đi cắp tráp hầu thầy, tôi thường có dịp lại nhà cụ Tuần vì thế mới biết chuyện cụ bà lang Thiết bây giờ. Nguyên cụ Tuần đã có vợ lớn rồi, nhưng vì cụ Tuần bà đau luôn, nên cụ ông thường đi khiển muộn ở sông Hương, bến Ngự ngâm thơ, nghe đàn. Do đó, biết cô Ba lúc ấy là một con hát đàn nổi tiếng, được không biết bao nhiêu công tử đem vàng bạc đến để chuốc mua tiếng đàn, giọng hát.

Chiếm được lòng cô Ba, cụ Tuần vũ mừng như được của, điều đình với cụ bà để cho cô về hầu hạ trong nhà. Cụ bà chịu nhưng ít lâu sau thấy cụ Tuần ông tâng tiu chiều chuộng cô Ba quá, liền nổi cơn ghen, dằn vặt cụ ông. Cụ ông, trong lúc đang say mê cô Ba quá, không những đã không nghe lại còn trì nghiến và hăm dọa cụ bà, làm cho cụ bà điên cuồng rồ dại lên, không còn coi lễ giáo ra gì, chửi mắng cụ ông và cô Ba thậm tệ ở chỗ đông người. Chưa đủ. Cụ lại còn cởi trần, cởi truồng giữa trời rét cắt da cắt thịt, xối nước lạnh ào ào rồi cứ để nguyên thân thể ướt sườn sượt vào nằm lăn ra trước công đường chính lúc quan ông xử án.

Được quan thương, cô Ba Thiết truyền cho lính trói bà Tuần lớn, đem xuống nhà giam nhốt lại, không cho ăn uống.

Lúc ấy, cả Đông Ba, Gia Hội, Bến Tượng, Đập Đá, lan ra mãi tận Vỹ Dạ, ai cũng bảo rằng chính cô Ba đã bỏ bùa người vợ lớn. Chẳng biết hư thực ra sao. Chỉ biết rằng nhờ sắc đẹp, nhờ cách nói năng ỏn thót, nhất là nhờ sự lươn lẹo, xảo quyệt mà chỉ về với quan ông hơn một năm trời mà đã cướp ngon lành được chồng bà Tuần vũ, chiếm trọn được gia sản của quan ông (bởi vì ăn ở được thêm khoảng hai năm nữa thì quan ông mất sau khi cô Ba sinh được một con trai). Người con trai này, tôi đoán là ba của hai cháu Trang và Đài hiện nay.

Cả họ nội, họ ngoại nhà cụ Tuần ông đi kiện, nhưng không ăn thua gì hết, trái lại, lại hại lây đến đứa con gái riêng của ông Tuần vũ vì cô Ba, tức giận thái độ của gia đình ông Tuần đối với cô, đã tìm cách hành hạ con nhỏ đến nỗi phải bỏ đi ở với một người thím bán rau cải ở chợ Đông Ba. Thế là tự nhiên cô ba Thiết, từ một gái đưa đón khách chơi trên sông nước, trong vòng mấy năm trời đã chiếm được cả một cái gia tài bách vạn, trong khi bà Tuần lớn chết khô trong ngục thất.

Ối thôi, nghe được tin đó, cả xứ Huế chửi biết bao nhiêu, phỉ nhổ biết bao nhiêu. Có nhiều người buôn bán ở chợ, thương người vợ cả, thương con gái ông Tuần, ba bốn lần định tìm cô Ba lấy dao rạch mặt, nhưng lần nào đón đường để hạ thủ, cô Ba Thiết cũng né tránh được, giữ toàn vẹn được sắc đẹp trời cho.

Biết là ở lâu trên đất này khó yên, cô Ba âm thầm gọi người đến bán vội căn nhà, thu xếp tài sản, tiền bạc đưa đứa con trai vô Quảng Ngãi. Ở đó, buôn bán sì sằng ít lâu, cô lại “ve” được một ông góa vợ làm nghề lang thuốc cũng giàu có lắm. Tôi ngờ rằng trong thời kỳ này, cô Ba đã học lỏm được mấy môn thuốc gia truyền của ông chồng mới cho nên bây giờ mới có tên là bà lang Thiết và bây giờ nổi tiếng rùm beng ở Hà Thành vì môn thuốc tê thấp và môn ngâm rượu.

Trong thời kỳ lấy chồng làm lang thuốc ở Quảng Ngãi, tôi không biết rõ, sau này chỉ nghe thấy nói, ở đó, bà lang Thiết có dính dấp vào một vụ ngoại tình, bị bắt quả tang và ở tù ít lâu. Tôi không biết sau đó bà cuốn gói ra Hà Nội. Thật quả tình cờ, đến đây, tôi nhận được ra bà. Sáu bảy mươi năm trời trôi qua, còn gì nữa! Nhớ làm sao được? Sở dĩ tôi biết là vì hôm đó, sau khi tôi đi bổ thuốc về, bà lang đột nhiên lại nói chuyện với tôi. Biết tôi là người Huế, bà hỏi thăm bến Tượng, phố Pôn Be, bây giờ ra thế nào và có nghe thấy họ hàng nhà cụ Tuần vũ bây giờ ra sao không? Tôi trả lời một cách hồn nhiên, nhưng sau thấy bà cứ dở đi dở lại câu chuyện đó, tôi hơi ngờ ngờ. Nhưng đến khi bà dở tráp ra lấy mấy bức hình cũ chụp với cụ Tuần ông ra khoe thì tôi nhớ hết...

*

Năm 1954, tôi vào Nam. Lúc ra đi, vội quá, vợ chồng tôi không kịp đến thăm ai, cho nên không biết gia đình bà lang Thiết ra thế nào, hai con nhỏ và bố mẹ chúng còn sống hay đã chết.

Mãi hai năm sau, có một người ở phố Hàng Bè vượt tuyến vào đây, ăn uống với nhau một bữa, nói hết chuyện này đến chuyện kia, tôi hỏi thăm bà con trong phố cũ ra sao, mới biết bà Tư Canh, con dâu cụ lang Thiết đã mất ngay sau khi ký hiệp định Giơ-Neo.

Ít lâu sau, người chồng cũng mất vì chứng thổ huyết từ bao tử mà bà mẹ đến lúc con sắp chết vẫn nhất định không chịu bỏ tiền ra chạy chữa cho con.

Hai đứa con gái của ông vẫn điên, nhưng sau này kém mạnh, la hét ít đi và thiu thỉu như ngọn đèn hết dầu, đến mãi cuối năm 1955 mới chết trong cái hồ cạn vì không có ai tiếp tế cho cơm nước. Đến khi biết thì đã có giòi. Người ta bảo rằng chúng chết đói, phải chi có ăn, có uống thì chưa biết chừng còn sống. Hai con nhỏ chết rồi, khu phố phải lo chôn cất giùm vì mặc dù cụ lang Thiết vẫn còn – bấy giờ cụ đã hơi lẩm cẩm – nhưng hai chân yếu lắm, không đi được, ngồi đâu đại tiện, tiểu tiện ra đó, chỉ còn biết mở mắt ra nhìn con trai chết, con dâu chết, cháu nội chết một cách thảm thê, ai oán.

– Cụ lang vẫn sống?

– Vẫn sống. Sống một trăm bốn tuổi. Mãi tới năm sáu ngày trước khi tôi vượt tuyến, mới nghe thấy cụ ấy chết còng queo trong nhà, không ai biết – mà ai biết được vì cụ có ở với ai đâu, ai, cụ cũng sợ âm mưu giết cụ để cướp của cải chôn trong nhà. Đến tận lúc có mùi hôi thối xông ra nồng nặc đến ngoài đường, người ở chung quanh đó mới đi trình báo. Phá cửa vào thì thấy bà cụ một trăm linh bốn tuổi đó chết như một con mắm và chuột đã gậm mất sáu ngón chân.

– Tội nghiệp!

– Tội nghiệp thật. Ai cũng bảo nhà có bác mẹ sống lâu là nhà có phúc, riêng tôi thấy chết như cụ lang Thiết, thật là vô phúc.

Đêm ấy, nằm thao thức không ngủ được, tôi nhớ lại câu chuyện của cụ Ba Hòe nói với tôi một đêm ngà ngà rượu ở Hà Nội: “... phúc đức nhà bà lang đã hết...”. Không biết sống lâu như thế, bà lang Thiết trong những năm tháng cuối cùng có còn biết cảm xúc nữa không? Hay chỉ còn là một bộ xương, không có linh hồn ngồi đó để làm thần giữ của và thân nhân chết ở chung quanh? Nếu trời bắt tội cho bà sống mà vẫn còn hiểu biết thì trông thấy chết chóc như thế, đau khổ biết chừng nào? Còn hình phạt nào ghê sợ hơn không? Mà của cải của bà chôn cất, ở những chỗ không ai biết, con không được một đồng, cháu không được một đồng, sau này để quỷ tiêu hay là ma tiêu?

Hỡi các anh nghe chuyện tôi vừa kể! Các anh nghĩ thế nào? Có phải là tiền oan nghiệp chướng, là báo oán không? Hay chỉ là một chuyện gia đình điên vì đất cát, mồ mả? Điên vì không khí u uất trong nhà làm suy sụp thần kinh? Điên vì ma làm, vì sinh lý của hai cô con gái bị dồn ép khiến cho cả gia đình chịu ảnh hưởng lây?

Riêng tôi chỉ xin trình bày câu chuyện, không bình luận: Nhưng nếu các bạn cho phép tôi có một ý kiến, tôi nghĩ rằng về phần bà cụ lang Thiết phải sống đến một trăm linh bốn tuổi để nhìn thấy cả nhà chết trước mắt mình rồi chính mình chết đau thương thê thảm, bị chuột gặm cả ngón tay, ngón chân thì riêng việc đó và chỉ riêng việc đó thôi, há chẳng là một thứ báo oán đáng cho người ta suy ngẫm?



VB.

Nguồn: Những kẻ gieo gió. Tập truyện ngắn của Vũ Bằng. NXB Văn học, 2002.


No comments: