Trương Vĩnh Ký
được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam, gắn liền
với tờ Gia Định báo. Cho đến nay, các tác phẩm báo chí mà ông để lại vẫn
không hề lỗi thời mà tiếp tục phát huy ý nghĩa và sức mạnh.
Tuổi thơ đầy biến cố
Trương Vĩnh Ký sinh tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh
Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay
thuộc huyện Chợ Lách, Bến Tre), tên lúc mới sinh là Trương Chánh Ký, tự
Sĩ Tải, theo đạo Thiên chúa giáo nên có tên thánh là Jean Baptiste
Pétrus (gọi tắt là Pétrus), là con thứ ba của lãnh binh Trương Chánh Thi
và bà Nguyễn Thị Châu. Năm lên 3 tuổi, thân phụ ông được triều đình cử
đi sứ sang Cao Miên rồi mất. Nhờ mẹ tần tảo nuôi nấng, lên 5 tuổi Trương
Vĩnh Ký được đi học chữ Hán tại Cái Mơn. Năm 9 tuổi, ông được linh mục
Tám đem về nuôi, khi ông Tám mất, hai nhà truyền giáo người Pháp thấy
ông vừa thông minh vừa chăm học nên đem về trường dòng ở Cái Nhum dạy
chữ Latinh. Năm 1848, Pétrus Ký sang học tại Chủng viện Pinhalu ở Phnôm
Pênh (Campuchia).
Năm 1851, trường này chọn 3 học sinh xuất sắc,
trong đó có Pétrus Ký để cấp học bổng đi du học tại Chủng viện Giáo
hoàng ở Penang (Malaysia), chuyên đào tạo các tu sĩ. Năm 21 tuổi (1858),
chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp để chịu chức linh mục thì Trương Vĩnh
Ký phải về nước chịu tang mẹ. Khi trở về quê hương, cũng là lúc thực
dân Pháp đem quân sang xâm chiếm Việt Nam, vì thế việc cấm đạo Công giáo
cũng diễn ra gay gắt hơn.
Không du học nữa, cũng không thể ở lại quê nhà,
Trương Vĩnh Ký lên Sài Gòn, tá túc tại nhà vị giám mục người Pháp
Lefèbrie và được giới thiệu làm thông ngôn. Từ đây bắt đầu chặng đường
Trương Vĩnh Ký trở thành nhà giáo, nhà báo, nhà văn của Việt Nam. ông
thông thạo 26 ngôn ngữ và là một trong 18 văn hào thế giới của thế kỷ
XIX.
Tuy cuộc đời của ông trải qua nhiều biến cố,
song ông đã để lại cho đời hơn 100 tác phẩm rất có giá trị về các lĩnh
vực văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật.
Nhà báo tài ba
Nổi tiếng là thần đồng, hiếu học, ngay từ bé
Trương Vĩnh Ký đã thông thạo chữ Hán và quốc ngữ nên năm 1863, ông làm
phiên dịch cho phái đoàn nhà Nguyễn sang Pháp thương lượng chuộc ba tỉnh
miền Đông. Về nước, ông tham gia hoạt động xã hội mạnh mẽ. Năm 1886,
Trương Vĩnh Ký cộng tác với Toàn quyền Paul Bert và có lúc dạy tiếng
Pháp cho vua Đồng Khánh. Ít lâu sau, ông chán nản rút khỏi chính trường,
chuyên tâm vào việc nghiên cứu khoa học nhân văn và ngôn ngữ.
Bằng trí tuệ uyên bác, năng lực cảm nhận và
sáng tạo cao, làm việc nhanh và nhạy bén, Trương Vĩnh Ký đã viết hơn 100
bộ sách và hàng nghìn bài viết gồm nhiều thể loại, nhiều ngành khoa học
khiến ai cũng phải kinh ngạc. Là nhà ngôn ngữ đầu tiên của Việt Nam,
Trương Vĩnh Ký rất coi trọng, tin tưởng và phấn đấu cho tiếng Việt, đưa
nó thành một ngôn ngữ phổ biến, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với
lĩnh vực văn học quốc ngữ, ông là một trong số ít người tiên phong, chủ
trương thiết lập câu văn xuôi với tiếng An Nam ròng, câu văn trơn tuột
như nói…
Ông cũng là một trong những nhà dịch thuật đầu
tiên, nổi tiếng với việc dịch các tác phẩm tiếng Hán, tiếng Pháp sang
tiếng Việt nhưng đáng nói nhất là vai trò quan trọng của Trương Vĩnh Ký
trong lịch sử báo chí nước nhà. ông đã thành lập và làm tổng biên tập tờ
báo quốc ngữ đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của nhiều tờ báo
khác. Nhiều chuyên gia đánh giá, Trương Vĩnh Ký đã đặt nền móng và dốc
sức phát triển báo chí Việt Nam theo hướng toàn diện, rộng lớn về quy
mô, chặt chẽ về kết cấu, đa dạng về phong cách và thuận tiện, gần gũi,
hoà đồng về phương thức tiếp cận bạn đọc.
Trong lĩnh vực văn hóa, Trương Vĩnh Ký đã chứng
tỏ có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, không chỉ trong khoa học xã hội
mà cả trong khoa học tự nhiên. Đặc biệt về hoạt động sưu tầm, biên khảo,
phiên âm, phiên dịch, ông đạt những thành tựu đáng kể. ông dịch sách
chữ Hán, phiên ra chữ quốc ngữ những bản cổ văn Việt Nam như Truyện
Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Gia huấn ca, Lục súc tranh công,…
Bấy nhiêu cũng đủ thấy ông có một năng lực làm
việc phi thường. Trong khoảng thời gian 40 năm (1858 – 1898), Trương
Vĩnh Ký đã để lại cho đời 118 tác phẩm, bao gồm sách nghiên cứu, sưu
tầm, dịch, phiên âm, trong đó có hàng chục quyển sách viết bằng Pháp
văn. Ở buổi đầu giao thoa giữa hai nền văn hóa Tây phương và Đông phương
tại Việt Nam, một sự nghiệp đồ sộ như thế quả là hiếm có. J.Bouchot,
một học giả Pháp đã gọi ông là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương”.
Ở nước ta, một số nhà nghiên cứu đã đánh giá
khá cao những cống hiến của ông. Nguyễn Văn Tố tóm tắt sự nghiệp của
Trương Vĩnh Ký trong 3 tiếng: “Bác học, Tâm thuật, Khiêm tốn” và trong
lời tựa cuốn Trương Vĩnh Ký của Lê Thanh, ông cho rằng họ Trương là “một
nhà lập ngôn bất hủ, một tay cự phách trong văn học, đã nổi tiếng là
một nhà sư phạm”. Vũ Ngọc Phan trong tập Nhà văn hiện đại đã viết:
“Trương Vĩnh Ký thiệt là một nhà bác học. Ông không những là một nhà
văn, một nhà viết sử, một nhà dịch thuật mà còn là một người giỏi về
ngôn ngữ”.
Tuy thế, Trương Vĩnh Ký cũng không được hưởng
vinh hoa, phú quý hay danh vọng vì có nhiều ý kiến phê phán, buộc tội họ
Trương đã cộng tác với thực dân, phản lại Tổ quốc. Ông đã mượn câu cách
ngôn Latinh: “Ở với họ mà không theo họ” để biện minh cho việc nhận lời
làm thông ngôn cho Pháp.
Ước nguyện cuối đời
Ông mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn, thọ 62 tuổi.
Những năm gần đây, một số công trình nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký liên
tục được đăng tải trên các tạp chí hoặc in thành sách, thể hiện một quan
điểm lịch sử khách quan, một cách nhìn bình tĩnh và khoa học hơn về học
giả này.
Ngày nay, nằm giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh có
một di tích được xây dựng đã hơn 100 năm, đang xuống cấp trầm trọng. Đó
là khu mộ phần của “thập bát văn hào” của thế giới thế kỷ XIX: học giả
Trương Vĩnh Ký. Mộ ông được xây dựng ngay tại sinh phần của dòng họ, nơi
có hơn 50 ngôi mộ. Bên cạnh khu mộ là ngôi nhà cổ với kiến trúc ba gian
hai chái truyền thống, bên trong treo bức ảnh chụp cả nhà họ Trương
trong ngày chôn cất Trương Vĩnh Ký. Trên nóc nhà còn khắc dòng chữ ghi
thời gian xây dựng ngôi nhà: “December 1889”.
Theo con cháu cụ Trương hiện vẫn còn sinh sống
tại đây, ngôi nhà này do đích thân cụ Trương Vĩnh Ký chỉ huy xây dựng.
Đây cũng là nơi cụ sống và làm việc những ngày cuối đời. Trong một tác
phẩm biên khảo về Trương Vĩnh Ký, ông Phan Thứ Lang có viết: “Khu lăng
mộ Trương Vĩnh Ký là công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa. Ở đây
có sự kết hợp hài hòa giữa các trường phái kiến trúc Đông – Tây, kim –
cổ. Cổng vào lăng mộ được xây theo kiến trúc đình, chùa phương Đông với
cổng Tam quan. Nhưng trên nóc cổng lại gắn một cây thập giá, giữa cổng
khắc hàng chữ Latinh: “Miseremini mei saltem vos acimic mei” (Xin hãy
thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) như một ước nguyện cuối đời
của học giả họ Trương”.
nguồn KTNT)
|
Khu lăng mộ của Trương Vĩnh Ký tại TP. HCM. |
|
No comments:
Post a Comment