Chân phương trích dịch
The New York Times Book Review (phụ
trương văn hóa – văn nghệ của nhật báo New York Times), trong số Chúa
Nhật mừng năm mới, Jan.2,2011, giới thiệu một số tiếng nói phê bình văn
học Anh-Mỹ nhận định về tình hình của bộ môn này dưới đề mục Why Criticism Matters*.
Bài
viết cô đọng của Pankaj Mishra, nhà biên khảo kiêm tiểu thuyết gia đồng
thời là thành viên trong Royal Society of Literature (Hội Hoàng Gia Văn
Học [Anh quốc]), phác họa một bức tranh không được lạc quan lắm về hiện
trạng văn học Mỹ hôm nay giữa một xã hội tiêu thụ bị kinh tế thị trường
khống chế với đám đông công chúng đã đánh mất ý thức chính trị từ thời
Chiến Tranh Lạnh. Ông còn bi quan hơn trong nhận định về tình hình của
ngành phê bình ở đây “… đã bắt đầu chết dần mòn từ độ nào …”,
khi ông so sánh nó với các ngòi bút như Alfred Kazin của những năm bốn
mươi vào thế kỷ vừa qua. Trái lại Mishra dành nhiều cảm tình cho các
dòng văn học “ thế giới thứ Ba”, và có vẻ đặc biệt ngưỡng mộ văn học chính trị Trung Quốc khi nhắc đến Lỗ Tấn và Lưu Hiểu Ba trong đoạn kết của bài nhận định.
Tốt nghiệp từ các lớp sáng tác, được hưởng lộc nhờ món tiền ứng dồi dào của các nhà xuất bản hoặc khoản tài trợ từ mấy foundations, và là khách mời quen mặt tại các festival
văn học ở những nơi kỳ thú – quá nhiều ngòi bút ngày nay đã được kết
nạp quá nhanh vào các giai cấp xã hội ăn trên ngồi trước để mà có thể
làm tiếp công tác phê bình xã hội một cách thuyết phục, hoặc lâu bền…Phê
bình văn học, ít ra trong các hiện thân gầy đây của nó ở Mỹ, đã phản
ánh trung thực sự thoái lui nói chung của các ngòi bút khỏi quyển cầu
công cộng biến thành một thứ ngôn ngữ riêng tư được luyện chế để nhả ra
loại kiến thức chuyên biệt về một cõi tự rào kín của lối tiêu thụ sang
trọng. Khó mà tưởng tượng dòng văn chương Mỹ gần đây có thể khiêu khích
nổi một phản ứng phê bình kiểu như Alfred Kazin từng làm với cuốn khảo
luận tuyệt vời, On Native Grounds,
1942; cuốn sách đã ghi nhận rất tinh nhậy sự diễn tiến của nhiều tâm
trạng trong văn giới trên bối cảnh một thời kỳ tiền chiến đầy tranh chấp
và khủng hoảng liên tục.
Cho
nên tôi thấy quen quen, thậm chí cảm nhận được mối ưu tư nhức nhối
trong ý thức của ông về một sự cáo chung, khi Kazin cảm thấy “niềm
tự tin lớn lao rằng con người có thể hiểu biết thời đại của mình để
kiến tạo lên từ đó, cùng với cảm thức đã đóng góp sinh lực cho nền nghệ
thuật hiện đại, đã rời khỏi chúng ta”, nhưng tôi không thể chia xẻ điều này bởi lẽ môn phê bình, theo định nghĩa của Kazin, đã khởi sự chết dần mòn từ độ nào…
Chẳng đi đến đâu nếu chê trách phái “New Criticism”
[phái Tân Phê Bình Hoa Kỳ] đã thần tượng hóa tính độc đáo và sự tự tồn
tự tại (autonomy) của các tác phẩm văn chương, hoặc quất thêm lần nữa
con ngựa chết ngáp là các phân khoa chuyên dạy sáng tác - những nơi từng
đề xướng một thứ chủ nghĩa hình thức chống lại lịch sử đồng thời biến
một thiên chức cao quí thành một cơ hội làm tiền khác. Lý do là các thứ
thực hành này chẳng qua là triệu chứng của một hiện tượng lan rộng hơn,
đã đâm rễ sâu trong suốt cuộc chiến tranh lạnh, và giờ đây càng hiển
nhiên hơn: sự giải trừ ý thức chính trị ở đám đông trong khi các nếp an
bài chính trị và kinh tế có vẻ như bất khả chuyển biến một cách trầm
trệ.
Trong cuốn sách Ill fares the Land , Tony Judt đã viết lời ta thán tiếc nhớ tinh thần lý tưởng về đạo đức và thái độ nhập cuộc của công dân: “Trong đời sống chính trị cũng như kinh tế, chúng ta đã trở thành những kẻ tiêu thụ.” Một sự tòng phục tương tự cũng hằn dấu trên các chọn lựa văn hóa của chúng ta. Đa số các nhà văn cũng như các độc giả của loại văn chương hư cấu coi nó như một hình thức điệu nghệ của giải trí hoặc dạy bảo kiến thức.
Bị
tước mất trọn gói ngôn từ về mối quan tâm đạo lý theo truyền thống vẫn
được huy động bởi nền văn hóa nhân đạo chủ nghĩa, phê bình văn học luôn
luôn đeo cái vận biến làm một
dạng tri kiến sành điệu ưa thích tranh đua - một trò chơi xa-lông
(parlor game) cho giới sản xuất ngày càng chuyên nghiệp cũng như giới
tiêu thụ văn chương thụ động. Nó có thể mang lại những khoái cảm thông
minh; nhưng với thái độ khăng khăng phi- xã hội, còn lâu nó mới đưa ra
được, như Kazin từng yêu cầu ở nó, một “cảm thức lịch sử về cái gì đã, đang, và nên xảy đến cho sự đối đầu và phân tích tức thời của các tác phẩm nghệ thuật”.
Có
thể các cú sốc nghiêm trọng về chính trị và kinh tế trong thập niên vừa
qua rốt cục sẽ mở ra trước ngành phê bình văn học và văn chương những
vấn đề mà Kazin và đồng bạn của ông từng đòi hỏi ở chúng. Tuy nhiên thế
giới chúng ta cũng lớn rộng và đa dạng hơn cái thế giới Kazin từng biết.
Chúng ta tiếp xúc dễ dàng với kiến thức về các loại xã hội và văn hóa
mà trước đây chúng ta dốt đặc; và không có lý lẽ nào để quy kết rằng chỉ
có văn chương Âu-Mỹ là đáng kể, hay là cần phải được quan tâm đến, đối
với nhà phê bình hôm nay.
Văn
chương ở các nơi khác vẫn đưa ra một phương cách khảo nghiệm tri thức
rất thoáng, cách này có thể ứng tiếp những minh kiến về các kiếp sống
con người do lịch sử, triết học và dân tộc học cống hiến. Đọc kỹ tác
phẩm của Lỗ Tấn, nhà văn hiện đại đầu đàn của Trung Quốc, ta noi theo
mối ưu tư của ông để thâm nhập vào những điều mà người Hoa tự cảm nhận
được, từ quá khứ Khổng Nho xa xôi đến hiện tại tư bản-Cộng sản nhập
nhằng kỳ quái hôm nay. Ta không chỉ lĩnh hội các thử nghiệm của ông với
nhiều thể loại và hình thái thẩm mỹ khác biệt mà còn hiểu được lịch sử
rối rắm gần đây của đất nước ông, đó là chưa kể những điều liên lụy mà
các diễn tiến ấy chứa đựng cho phần còn lại của thế giới.
Hiển
nhiên là ta không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác những hoàn cảnh lịch
sử đặc thù đã giới hạn việc tiếp nhận văn chương của ngành phê bình
Âu-Mỹ vào tay một số ít chuyên gia. Các xã hội ở Á châu và Mỹ- la tinh
không tĩnh lặng chút nào về mặt chính trị…; các thứ xung đột, cách phô
diễn thái quá và sự thô tục của Âu-Mỹ vào thế kỷ 19 đã tái hiện tại
những nơi này dưới hình dạng khuếch đại mà một nhà văn kiêm phê bình có
óc tò mò chỉ có thể thích thú đón nhận.
Cả
Lưu Hiểu Ba - giải Nobel Hòa Bình năm 2010 đang ở Trung Quốc với nghề
chính là phê bình văn học, lẫn Mario Vargas Llhosa - người lấy Nobel Văn
Chương cho Pêru, đều làm chứng cho một điều: không thể tách biệt các
vấn đề thẩm mỹ ra khỏi những vận động xã hội – chính trị để xem xét
riêng. Chúng khẳng định rằng ý thức về bản thân của một nhà văn luôn
luôn do lịch sử quyết định, và ta không thể đánh giá tác phẩm của một
nhà văn mà không cứu xét đến sự tranh biện của vị này với thế gian, nỗi
phẫn nộ hoặc bất bình đã khiến nhà văn này mượn đến ngòi bút trước tiên
./.
( CHÂN PHƯƠNG trích dịch)
* Có thể đọc toàn văn bài nhận định này cùng các bài khác trên www.nytimes.com/books
No comments:
Post a Comment