Friday, April 26, 2013

THÁNG TƯ - BOM NỔ BOSTON

 
 

                                      THÁNG TƯ - BOM NỔ BOSTON ĐẠN BAY KÝ ỨC

                                                                              Trần Thu Miên



  Ở Boston tôi có dăm người bạn chí thân, trong nhóm có thi sĩ Trần Thu Miên, tức Giáo sư Trần văn Thành (môn Công Tác Xã Hội tại Boston College). Với kinh nghiệm di dân từ ngày 30-4-1975 và quá trình thích nghi hội nhập qua năm tháng, ông là một tiếng nói nghệ sĩ-trí thức có độ dày lịch nghiệm về đời sống và các vấn đề của cộng đồng người Việt ở Mỹ nói chung. Sau sự cố Boston vừa qua, ông đã bày tỏ cảm xúc và suy tư trong bài nghị luận này - hữu ích cho  mọi người Việt, đặc biệt cho độc giả trong nước muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa chính trị của nước Mỹ qua câu chuyện Boston.
                                                                                                                               CHÂN  PHƯƠNG
 
.
  Hàng năm cứ vào ngày thứ Hai tuần thứ Ba của tháng Tư, cư dân Bang Massachusetts được nghỉ lễ Patriots’ Day (Ngày của người yêu nước) để tưởng niệm và vinh danh các anh hùng ái quốc đã can đảm hy sinh trong cuộc khởi nghĩa chống Thực Dân Anh. Trận chiến mở đầu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc xảy ra tại Lexington và Concord bang Massachusetts vào ngày 19 tháng Tư, 1775. Ngày này cũng là ngày thi chạy bộ đường trường Boston được tổ chức từ năm 1897 (The Boston Marathon). Đây là cuộc đua chạy đường trường lâu đời nhất tại Hoa Kỳ. Hơn một trăm năm qua, các lực sĩ chuyên nghiệp hay “lực sĩ tài tử” muốn tham dự cuộc đua này đã phải tốn nhiều công sức rèn luyện để đủ sức chạy xong đoạn đường dài hơn 26 dặm (26.2 miles) hay 42.195 km.


 Hằng năm cuộc khởi nghĩa ở Lexington -Concord được diễn tập tại địa phương vào dịp kỷ niệm.

  Cuộc thi chạy đường dài và ngày vinh danh tiền nhân yêu nước của người Hoa Kỳ có một tinh thần rất giống nhau: Đấy là lòng quả cảm và tính kiên trường. Những nhà cách mạng thời lập quốc Hoa Kỳ là những người can đảm và kiên trì. Họ can đảm không chỉ vì dám liều mạng chống lại quân đội hùng mạnh của thực dân Hoàng Gia Anh Quốc, nhưng họ can đảm vì sau cách mạng thành công, họ không lợi dụng chiến thắng để củng cố quyền lợi cá nhân hay đảng phái. Họ can đảm bỏ qua ích lợi cá nhân hay gia đình để qui tài năng vào việc chung: Việc tạo dựng nền dân chủ thật sự cho cả nước. Ai đã sinh sống tại Hoa Kỳ và học lịch sử dựng nước của xứ sở này có lẽ cũng đồng ý rằng ý niệm dân chủ phát xuất từ thượng cổ Cộng Hòa La Mã (the Roman Republic) đã thật sự được trưởng thành và hoàn thiện hơn tại Hoa Kỳ. Ngược lại những cuộc cách mạng Cộng Sản trong thế kỷ 20 là những cuộc cách mạng giả dối và tàn bạo. Các cuộc cách mạng Cộng Sản đã không mang lại tự do hạnh phúc thật cho dân chúng nhưng chỉ gây ra những khủng bố, đàn áp, kìm kẹp tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, và tự do lập đoàn, hay hội họp của người dân. Công dân hay người tạm cư tại Hoa Kỳ đã từng sống ở những quốc gia khác mới hiểu và cảm nghiệm được ý nghĩa và kinh nghiệm Tự Do Dân Chủ của xứ sở này.


 Quang cảnh cuộc đua Boston Marathon trên đại lộ Boylston nơi đích đến.

  Nói dông dài về ý nghĩa của ngày Patriot’s Day và Boston Marathon để độc giả không sống ở Boston biết vài nét chính của ngày này. Người viết đã sống ở Boston từ cuối thập niên 80 và làm việc tại một đại học nằm ngay bên tuyến đường dài của cuộc đua đường trường này, nhưng chưa bao giờ tham dự như hàng chục ngàn người yêu chuộng thể thao đứng bên đường xem và cổ võ các lực sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới để tham dự cuộc đua.
Tháng Tư ở Boston là những ngày mùa Xuân bắt đầu khởi sắc. Dân thành phố xôn xao chờ mùa bóng Côn Cầu-Base Ball khai mạc, môn thể thao quốc hồn quốc túy của người Mỹ. Dân ham mê môn bóng này tìm đủ cách để có vé xem trận đấu đầu tiên của đội nhà “The Red Sox” tại sân bóng nổi tiếng, Fenway Park. Ngày lễ hội Patriots’ Day và cuộc đua đường trường cũng là ngày đầu của tuần nghỉ mùa Xuân cho học sinh tiểu học và trung học Bang Massachusetts. Các công sở và đại học chỉ đóng cửa ngày thứ Hai để mừng lễ hội Patriots’ Day. Con gái tôi không về vì muốn ở lại đại học cùng lũ bạn dẫn nhau xem và cổ động cho các lực sĩ. Tôi và Uyên-Sa không có chương trình rõ rệt cho ngày lễ nghỉ, nhưng con trai nhỏ xin ra phố Harvard Square để đi tiệm sách The Coop Bookstore. Cả mùa Đông chúng tôi không ra Harvard Square la cà vì thời tiết, nên khi con trai xin đi cả hai đều chiều ý. Chúng tôi ngồi uống càfê đọc sách báo trong quán càfê nhỏ nằm trên lầu hai của tiệm sách chật chội không có cửa sổ nhìn ra ngoài. Gần 3 giờ chiều, đói bụng, con trai xin sang phố Tàu ăn cơm Á Châu.
Khi rời tiệm sách cũng là lúc bom nổ ở Boston, nhưng không theo dõi tin nên chúng tôi hoàn vô tư. Khách vãng lai quanh khu Harvard Square cũng không tỏ ra dấu hiệu gì đáng chú ý. Thường thì để sang phố Tàu từ Cambridge chúng tôi đi đường Memorial Drive, lên cầu băng ngang dòng sông Charles vào khu Kenmore Square và Boston University, rồi tạt sang phố Tàu từ đường Commonwealth, nhưng nghĩ cuộc đua vẫn còn nên đã vào phố Tàu từ Thông Lộ 90 hay Mass Turn Pike. Khi vào Mass Turn Pike chúng tôi thấy cả đoàn xe cảnh sát chạy ngược chiều và trực thăng bay ngay trên bầu trời trung tâm Boston, nhưng tôi nghĩ bụng có lẽ cảnh sát bảo vệ nhân vật quan trọng nào đó còn trực thăng thì thu hình tại điểm cuối của đường đua. Chúng tôi vẫn nghe tin qua đài NPR (Nationa Public Radio) mỗi khi lên xe, nhưng hôm ấy không theo dõi tin như thói quen. Vào phố Tàu theo ngõ vào trạm xe lửa South Station nên không thấy dấu hiệu gì khác lạ. Du khách vẫn qua lại, ra vào các tiệm ăn như chưa có gì xảy ra tại Boston. Tuy nhiên có một số người, từ trung tâm Boston, kéo vali đi một cách vội vã xuống cổng vào trạm xe điện ngầm phố Tàu. Bây giờ nghĩ lại mới hiểu tại sao. Thức ăn vừa được dọn ra bàn, tôi chưa kịp uống cạn ly bia đầu tiên lúc điện thoại cầm tay của tôi báo tin. Thấy số gọi không quen, định tắt ngay, nhưng không hiểu sao tôi vẫn mở nghe. Giọng con gái vừa khóc vừa nói “Bố, con đây! Điện thọai con không gọi được…” Nghe không rõ nên tôi ra ngoài tiệm ăn để hỏi con thêm.
“Điện thoại hư, sao con lại khóc?” Tôi hỏi rất vô tình.
“Không! Có hai quả bom nổ ở phố!” Con tôi vẫn còn khóc!!!!
“Con đang ở đâu?”
“Con về lại trường rồi! Và đang ở nhà bạn. Hệ thống Cell Phone bị cắt đứt nên con không dùng điện thoại của con được. Bố mẹ ở đâu? Con gọi về nhà không gặp.”
“Bố mẹ và em đang ở phố Tàu!”
“Con chỉ muốn bố mẹ biết là con OK thôi!”
Trở lại tiệm ăn trong trạng thái xúc động, tôi nói vội với Uyên-Sa, “Có bom nổ ở ngoài phố!”
“Con mình ở đâu?”
“Nhà bạn!”
“Anh gọi lại số con vừa gọi, lấy địa chỉ để mình đến thăm con ngay.”

Chúng tôi vội vã mua thức ăn mang đến cho con và bạn cháu. Đây là lần đầu tiên con tôi và bạn nó chứng kiến cảnh bom nổ và sự xáo trộn của thành phố. Dấu ấn “khủng bố” đã được đóng vĩnh viễn vào tâm hồn của con tôi và bạn cháu từ ngày hôm nay. Tôi đã tưởng chỉ đời mình mới bị dấu tích chiến tranh hằn sâu trong ký ức. Ai ngờ hôm nay, chính con mình lại phải chứng kiến hậu quả của “khủng bố” ở giữa một thành phố đã sống thanh bình hơn 200 năm qua.
Tôi gọi bạn tôi, người có cửa tiệm tạp hóa ở Phố Cổ Ý. Bạn cho biết có thêm vụ nổ nữa ở thư viện JFK.
“Boston đại nạn rồi ông ơi” Bạn tôi nói với giọng lo lắng.
Sau này mới biết vụ cháy ở thư viện cố tổng thống Kennedy bên cạnh Đại Học Massachusetts-Boston không liên quan đến vụ bom khủng bố ngoài phố.


 Cảnh sát và an ninh làm việc nơi hiện trường sau vụ nổ.

  Đúng 2:49 chiều ngày tưởng niệm những phát súng khởi nghĩa đầu tiên tại Hoa Kỳ 238 năm trước, trong khoảnh khắc, hai quả bom khủng bố nổ tung trên đường Boylston gần Quảng Trường Copley Square ngay trước điểm đích cùng của cuộc đua Boston Marathon. Cả Boston xôn xao nhưng không rối loạn. Cả nước Mỹ xôn xao nhưng không sợ hãi. Tin về số tử vong và thương vong được lập đi lập lại trên các hệ thống truyền thông. Hình ảnh lúc bom khủng bố nổ ở đoạn cuối đường đua cũng được chiếu lại nhiều lần trên các đài truyền hình. Các vị lãnh đạo chính quyền địa phương trấn an dân chúng bằng những lời lẽ rất chân tình và can đảm. Boston, nơi người dân phất cờ khởi nghĩa chống thực dân Anh đòi độc lập cũng vào ngày này, 238 năm trước (1775-2013), không chịu khuất phục bất cứ quyền lực hay bạo tàn khủng bố nào, sẽ phục sinh sau biến nạn khủng bố này. Đấy là ý chung của người dân và chính quyền. Tin sau cùng xác định, một em bé trai 8 tuổi, 2 thiếu nữ chưa hết tuổi 20, một cô người Mỹ cư dân vùng Boston, và một cô sinh viên từ Trung Hoa đã tử thương. Rất nhiều người bị thương tích nặng đến nỗi phải cưa chân. Những người khủng bố nghĩ gì? Họ nhân danh ai để làm điều dã man vậy? Biết đâu họ đã cầu nguyện với “Thần Linh” của họ trước khi giết người. Thượng Đế nào? Thiên Chúa nào? Thần Linh nào mà ác độc thế???

Buổi Cầu Nguyện Chữa Lành

  Hoa Kỳ, cái nôi của Dân Chủ đại đồng, nền móng của văn minh khoa học kỹ thuật, cũng là nơi đức tin vào Thượng Đế được thấm nhuần và nảy nở từ thời lập quốc đến nay. Người dân Mỹ tin vào Thượng Đế nhiều hơn vào chính quyền. Và tự do dân chủ chỉ có thể phát triển và tồn tại trong một xã hội có đức tin vào Thượng Đế. Luật lệ quốc gia không đủ để kiểm soát hành động phạm pháp của người dân ở khắp nơi trong 24 giờ mỗi ngày. Nhưng niềm tin vào Thương Đế, giáo lý của tôn giáo giúp người dân kiểm soát hành vi của mình ở bất cứ lúc nào hay nơi nào. Trong xã hội độc tài vô thần như xã hội Cộng Sản, nhà nước phải dùng bạo lực để kiểm soát hành động và tư tưởng của người dân. Nhưng dù có kềm xiết, kiểm soát cách mấy, không có chế độ vô thần nào có thể kiểm soát nổi hành vi của người dân liên tục được. Giáo lý tôn giáo và đức tin vào Thượng Đế của Thiên Chúa Giáo đã giúp Hoa Kỳ phát triển và bảo tồn nền dân chủ đại đồng của họ hơn 200 năm qua. Cũng vì vậy, khi gặp hoạn nạn người dân Hoa Kỳ cầu nguyện với Thượng Đế cho được chữa lành. Ba ngày sau, thứ Năm ngày 18, tháng Tư, một buổi cầu nguyện chữa lành liên tôn giáo được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Tổng Giáo Phận Công Giáo, Cathedral of the Holy Cross, nằm về phía nam của Boston, gần phố Tàu. Tổng Thống Hoa Kỳ, đương kim và các cựu Thống Đốc của Massachusetts, thị trưởng Boston, và cả ngàn người đã tham dự buổi cầu nguyện chữa lành cho vết thương khủng bố đã tàn phá thân xác của nhiều nạn nhân và gây khiếp loạn cho nhiều tâm hồn. Có người đã đến cửa nhà thờ từ bốn giờ sáng để mong có chỗ trong buổi cầu nguyện đặc biệt này. Vì có lớp buổi sáng nên tôi không đi dự được dù rất ao ước đến. Trên đường về nhà, theo dõi đài radio NPR nghe những lời cầu nguyện của các vị đại diện các tôn giáo lòng mình cũng tràn ngập niềm tin vào sự thiện và tình yêu nhân loại. Vị mục sư da đen của một nhà thờ Tin Lành lớn ở Boston nhắc về bài giảng trên núi của đức Giê Su trong kinh thánh Matthew (6:16-24). Tôi nghĩ vị mục sư này đã chọn đoạn Kinh Thánh rất ý nghĩa cho buổi cầu nguyện chữa lành này. Đức Giê-Su dạy tin mừng của hy vọng, “Phúc cho ai đang khóc lóc buồn khổ vì họ sẽ được ủi an vỗ về,”“Phúc cho ai mang hòa bình cho người khác vì họ được coi như là con của Trời.” Con của Trời, con của Thiên Chúa hẳn phải là những vị Thánh. Chúng ta có thể trở thành những vị Thánh hay con của Trời nếu chúng ta mang hòa bình đến cho người xung quanh cho cộng đoàn, cho xã hội mình đang sinh sống. Lúc lái xe về, nghe tiếng đàn Đại-Vỹ-Cầm của thiên tài Yo Yo Ma trong buổi cầu nguyện mà lòng mình rưng rưng tan tác. Về tới nhà chương trình cầu nguyện vẫn còn nên tôi mở truyền hình theo dõi ngay. Giáo đường chật kín và mọi người dường như hết sức chăm chú nghiêm trang. Sau những lời cầu nguyện của các đại diện tôn giáo là phần phát biểu của đại diện chinh quyền và của Tổng Thống Hoa Kỳ, Obama. Thông điệp của tình yêu và hy vọng thay cho hận thù và tức giận là thông điệp chung của các lời cầu nguyện và phát biểu. Đúng vậy, chỉ có tình yêu và niềm tin mới mang lại hạnh phúc cho con người. Hồng Y O’Malley, vị lãnh đạo Công Giáo của vùng Boston và người trông coi nhà thờ Chính Tòa, đã tỏ ra thật khiêm nhường từ cách ăn mặc đến những lời phát biểu. Lần đầu tiên tôi thật sự cảm động trước cung cách khiêm nhường của vị giáo chủ này.

Thành Phố Nín Thở

  Đêm thứ Năm ngay sau buổi lễ xin ơn chữa lành cảnh sát và các biệt đội an ninh đã chạm súng với hai tay nghi phạm khủng bố. Tôi dường như đã thức trắng đêm theo dõi tin về cuộc rượt bắt hai nghi phạm khủng bố từ Đại Học MIT chạy băng giòng sông Charles sang Watertown, một thành phố nằm trong vùng Boston. Lại thêm người chết oan. Lần này là anh cảnh sát trẻ để lại vợ và con thơ. Một nghi phạm tử thương còn người kia chạy trốn. Các lực lương an ninh đổ dồn bao vây phố Watertown và chính quyền ra lệnh giới nghiêm toàn thành phố và cả những thành phố lân cận. Các đại học và công sở nằm trong vùng săn nghi phạm đều bi giới nghiêm. Cả thành phố nín thở thu mình trong nhà chờ tin. Đến chiều tối, chính quyền ra lệnh bỏ giới nghiêm nhưng khuyến cáo dân chúng phải cực kỳ cảnh giác và ra đường trong tình trạng báo động. May quá, chỉ một thời gian ngắn, sau khi bãi lệnh giới nghiêm, nghi phạm thứ hai đã bị bắt. Thành phố thở phào dù vết thương “khủng bố” còn tươi trong trí nhớ của người dân và nhiều nạn nhân vẫn còn trong tình trạng hiểm nghèo. Dân chúng tự động kéo nhau ra đường tụ họp đông đảo để biểu dương tinh thần bất khuất và lòng yêu chuông tự do cố hữu của Hoa Kỳ.

Những Tấm Lòng Tử Tế

  Ngay sau biến nạn khủng bố, báo chí và các cơ quan truyền thông đã tường thuật về những tấm lòng tử tể của người dân quanh vùng Boston đối với khách phương xa và nhất là những lực sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Người mở cửa nhà mình đón khác lạ, kẻ sẵn sàng cung cấp phương tiện di chuyển cho khách đường xa bị kẹt lại Boston. Y như lời giảng trên núi của Đức Giê-Su hơn hai ngàn năm trước, “Phúc cho ai đang khóc lóc buồn khổ vì họ sẽ được ủi an vỗ về.” Anh bạn tôi kể, một người lính biệt phái về khu phố nơi anh có cửa tiệm đã vào tiệm định mua một hộp thuốc lá loại “nhai trầu,” giá 6 Đô nhưng không đủ tiền nên đành bỏ đi. Ngay lúc ấy, một người khách khác gọi anh lính lại rồi vội trả tiền hộp thuốc, dúi vào tay anh lính và xin anh nhận món quà rất chân tình. Người khách hàng muốn tỏ lòng biết ơn anh lính đến từ phương xa bảo vệ an ninh cho Boston dù món quà chẳng là bao. Khi người lính bỏ đi, bạn tôi vội vàng năn nỉ người khách hàng cho mình được chia sẽ lòng tử tế nên đã xin được trả lại người khách hàng nửa số tiền hộp thuốc. Bạn tôi bảo anh đã học được bài học tử tế đầy ý nghĩa từ một cử chỉ thật bất ngờ của khách hàng dành cho một người lạ mặt. Số tiền mua hộp thuốc chả là gì, nhưng tấm lòng người ta đối xử với nhau trong lúc khó khăn thật bao la vô giá. Tôi sực nhớ lại những tấm lòng tử tế của rất nhiều người lạ trên đường di tản và trên đường tị nạn năm xưa.

Tháng Tư Đạn Vẫn Còn Bay Ký Ức

  Tháng Tư 2013, hai quả bom khủng bố nổ giữa lòng Boston, nhưng hình như đạn vẫn còn bay trong ký ức của đồng bào tôi và của chính tôi, những người tị nạn Cộng Sản tha hương. Chúng tôi đã sống ở xứ sở thanh bình tự do gần 4 thập niên rồi mà sao vẫn chưa tìm thấy bình an vẫn chưa tìm thấy tự do. Có người than phiền với tôi rằng, “Bây giờ mình phải ăn nói cẩn thận, giao tế cẩn thận, hay nghe nhạc trong xe cũng phải cẩn thận, kẻo bị chụp mũ là kẻ thù, là Việt Cộng đấy.” Tôi trả lời, “Ông phải hiểu được tâm lý đồng bào mình, vết thương hận thù khó chữa lành lắm. Vả lại những người mình chạy trốn năm xưa bây giờ vẫn hung bạo với đồng bào mình thì làm sao mà an tâm được.”
Chúng ta dĩ nhiên không nên xóa vùi, khỏa lấp, hay bóp méo lịch sử. Chuyện đã xảy ra, chúng ta phải nhớ phải bảo tồn để những thế hệ tương lai tránh lập lại những điều không tốt lành đã xẩy ra. Tuy nhiên, một việc mà cộng đồng Việt Nam tị nạn Cộng Sản nên làm và phải làm đó là không chỉ học tư tưởng Tự Do, nhưng còn phải thực hành, và phát triển tư tưởng tự do dân chủ qua cách cư xử và cách sống hàng ngày. Thí dụ như trong các buổi “nhậu nhẹt” thân hữu, ta đừng cố chấp hay gây gỗ với những người không đồng ý quan điểm cá nhân của ta. Trong các sinh họat tôn giáo và xã hội cũng vậy, đừng “chộp mũ” nhau, đừng phao tin đồn thất thiệt chỉ vì một cá nhân hay đoàn thể bất đồng “ý kiến” hay có cách sinh hoạt khác với ta. Chúng ta chỉ hưởng và sống đời tự do thật sự khi biết tôn trọng những sự khác biệt của người xung quanh.
Bên cạnh các cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản ở Hoa Kỳ và khắp thế giới, có một thế hệ sinh viên du học từ Việt Nam đang học tập tại các đại học và cả trường trung học quanh nơi chúng ta cư ngụ và sinh hoạt. Một số lớn những người trẻ này sẽ về làm việc và giữ những địa vị quan trọng tại Việt Nam trong tương lai. Cách sinh họat dân chủ của các cộng đoàn Việt Nam tự do ở hải ngoại là những bài học rất thực tế cho những người trẻ này. Hãy ngưng ngay những đánh phá nhau bằng nghi ngờ bằng chụp mũ. Đừng đàn áp tư tưởng nhau như chính Đảng Cộng Sản đang đàn áp tư tưởng và tự do của người dân Việt Nam.

  Tháng Tư, đạn vẫn còn bay trong ký ức tôi. Nhưng tình yêu và niềm tin sẽ giúp tôi tránh được những làn đạn của quá khứ.

Trần Thu Miên

No comments: