Friday, April 5, 2013

NÓI MỘT CHÚT VỀ VỀ THƠ

Chân Phương




Con người tôi quảng đại, tôi dung chứa số đông.

Walt Whitman

                                               

Văn học Hoa Kỳ đặc biệt kể từ hai mươi năm gần đây

đổi thay hình dạng vì cuộc gặp gỡ với di dân.

             Toni Morrison

*



Hoa Kỳ là một ngoại lệ không chỉ về lịch sử hay địa lý. Khác với châu Á hay châu Âu, vùng đất chưa mang đậm dấu ấn nhân văn ấy đúng là Tân Thế Giới cho dự án và sáng tạo. Thơ HK mang sắc thái đặc thù của loại văn học di dân lần lượt kế thừa và phát huy nhiều luồng văn hóa thế giới trên một lục địa phóng khoáng chưa bị bó buộc vào các nề nếp quá khứ như những vùng đất có lịch sử lâu đời... Có thể nói HK là dự phóng của địa cầu thu nhỏ vì tính đa văn hóa với sự đa dạng của các tộc người chung đụng nhau hàng ngày, đặc biệt ở các đại đô thị (1). Hơn bất cứ nơi nào khác, sự tương tác trong các sinh hoạt diễn ra tại đây với mức độ sôi động thường xuyên, chưa kể những xung đột khó tránh giữa các sắc dân và các địa phương về quyền lợi các thứ cộng thêm dị biệt tinh thần. Dưới những nét đậm nhạt tùy từng thời điểm của lịch sử chính trị, thi ca HK thể hiện điều vừa phác họa trên đây như một biểu đồ tâm lý-tinh thần không thể bỏ qua đối với những ai muốn tiếp cận vấn đề “thực chất và huyền thoại” của siêu cường số một ngày nay.



Trước khi đi sâu hơn tôi xin nêu lên vài con số để bạn đọc phần nào có thể hình dung quang cảnh của sinh hoạt thơ HK vào ngưỡng thiên niên kỷ mới: Theo danh sách của American Poetry Annual có khoảng 6000 nhà thơ hoạt động khắp nước trong đó hơn 1000 người đang giảng dạy các lớp, khóa sáng tác tại những đại học. Chưa kể hơn 2000 nhà xuất bản với báo chí định kỳ chuyên về thơ, cộng thêm hàng trăm giải thơ thường niên từ Pulitzer, National Book Award đến đủ loại tặng thưởng từ các tổ chức văn hóa hay đại học. Còn phải kể những buổi đọc thơ trên các đài phát thanh, truyền hình, và câu lạc bộ, phòng trà,… Tóm lại, có một nền văn hóa chuyên về thơ được hỗ trợ bởi cả mạng lưới chằng chịt thể chế công cộng lẫn tư nhân, từ chính quyền các cấp đến các địa phương xa xôi. Số nhà thơ nghiệp dư hiện nay lên đến vài trăm nghìn - lời bác hùng hồn cho vài ý kiến bi quan trước đây cứ lo thơ HK sắp chết (2).



Bên dưới các số liệu là sự chuyển động lớn về chính trị-văn hóa đã làm biến đổi sâu rộng tính chất WASP (3) của thi ca truyền thống bắt đầu từ thời lập quốc ở vùng New England quanh cái nôi lịch sử Boston. Từ thập niên 60 song song với cuộc chiến VN nhiều thi sĩ HK đã tham gia các cuộc tranh đấu cho quyền công dân và bình đẳng màu da, nam nữ, bên cạnh phong trào phản chiến toàn quốc. Thắng lợi chính trị của các lực lượng tiến bộ làm thay đổi bầu khí văn hóa, các giá trị mới ngày càng được phổ biến trong giáo dục và truyền thông dù các thế lực bảo thủ vẫn tiếp tục chống phá tinh vi (4). Trong ba thập niên cuối thế kỷ, hai sự kiện quan trọng sau đây đã tạo sinh khí cho các sinh hoạt tri thức và văn nghệ: xu thế dân chủ hóa bên cạnh trào lưu đa văn hóa. Để gia nhập thi đàn hôm nay nhà thơ trẻ HK không bắt buộc phải sinh sống ở New York, Boston, hay San Francisco như các thế hệ trước. Nhờ internet và hàng nghìn khóa sáng tác hàng năm tại vô số đại học khắp các tiểu bang, sự học hỏi và giao lưu trong giới làm thơ trở nên thuận tiện và nhanh chóng bội phần. Hàng trăm tạp chí văn chương với nhiều giải thưởng thơ do các đại học tài trợ song song với hệ thống xuất bản đại học giúp cho những tên tuổi và tài năng chưa được chú ý có nhiều cơ hội trình làng (5). Dân chủ hóa trong giáo dục với các sắc luật biệt đãi dân thiểu số (6) tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên da màu tham dự vào cuộc chạy đua học vấn và thăng tiến xã hội. Chỉ cần lượt qua phần danh tính trên sách báo HK hôm nay độc giả sẽ dễ dàng nhận ra sự góp mặt ngày càng đông đúc của các ngòi bút da màu không những trong học thuật mà cả trong sáng tác thơ văn.



Vậy thì thơ HK không bị suy vi mà đang tăng trưởng và phân hóa mạnh. Bây giờ với bản đồ Mỹ châu trước mặt mời bạn tham quan nhanh hiện tình thi ca, khởi hành từ cực Đông Bắc HK, rồi men bờ biển xuống New York. Thủ đô lịch sử- văn hóa đầu tiên của nước Mỹ, Boston cùng các tiểu bang Massachusetts, Connecticut, Rhode Island… của vùng Tân Anh quốc đã và đang là lò đào tạo nhân tài cho HK và thế giới với đa số các đại học Ivy League ưu đẳng như Harvard, Yale, Amherst, Brown, Darmouth… Trước kia là thành lũy của tư tưởng Tin Lành vừa là thánh địa của dân chủ tư sản, nơi đây vẫn là đất “địa linh nhân kiệt” của tộc người anglo-saxon kể từ khi di dân khỏi châu Âu. Có thể lập một danh sách dài những thi sĩ HK hàng đầu sinh trưởng nơi đây, từng học hay dạy tại Harvard như Emerson, Poe, Longfellow, Eliot, Frost, Stevens, Aiken, Cummings…; hoặc xuất hiện lần đầu trên thi đàn nước Mỹ với giải thưởng đầy uy tín của đại học Yale tặng cho một thi tài trẻ (7).



Cũng như trục Paris-London đã từng đóng vai trò quyết định cho văn học phương Tây trước kia, từ bán thế kỷ hai mươi trở đi cái trục Boston-New York đã giành được uy thế của một đại trung tâm văn hóa khích lệ mọi thử nghiệm. Các trường phái thơ HK quan trọng như Confessional Poetry, New York School, Black Mountain, Beat, Language Writing, Nuyorican Café, Umbra Workshop… đã phát sinh và giữ những liên hệ mật thiết với cái trục này (8). Cùng với Hollywood-L.A., Boston-New York đóng vai chủ chốt trong việc truyền bá hình ảnh và huyền thoại của đế quốc văn hóa HK, một đàng bằng điện ảnh cộng truyền hình, một bên bằng chữ nghĩa và tư tưởng, tổng hợp khá tinh vi thành ý thức hệ bá chủ không chỉ đối với thế giới mà đặc biệt với các dân da màu cư ngụ trên đất Mỹ (9).



Đây là nguyên ủy của biện chứng sáng tạo trong văn nghệ với học thuật thôi thúc các vùng văn hóa ngoại vi hay thiểu số phải đương đầu với đại trung tâm để tồn tại và phát huy bản sắc riêng (10); và lịch sử thi ca Mỹ thể hiện rõ nét biện chứng ấy qua các thi phái của miền Nam, miền Tây-Nam, hoặc miền biển California-West Coast, cùng các phong trào văn nghệ của dân thiểu số đã không ngừng tranh đấu để giành chỗ đứng và tiếng nói.



Đối trọng đáng kể nhất là văn chương miền Nam (Southern Literature). Cùng với văn xuôi của Faulkner, Tennessee Williams, Carson McCullers… các thi sĩ miền Nam có hoài bảo phục hồi lối sống hương thôn và các quan hệ trường cửu giữa con người với thiên nhiên, chống lại văn minh công nghiệp và chứng tha hóa duy vật của thị dân phương Bắc. Hậu duệ của hai thi phái Fugitive-Agrarian (11), họ kế thừa tinh thần Robert Frost, vừa quan sát suy nghiệm vừa đối thoại chất vấn cảnh vật tự nhiên, các chu kỳ đồng áng, mùa màng, đồng thời ca ngợi chất thi vị dân dã với những nề nếp gắn bó của cộng đồng. Và cũng như Frost, nhà thơ miền Nam mang tâm trạng phân thân: dù cùng gốc Anh-Mỹ da trắng như đồng bào phương Bắc, họ lại đầy mặc cảm vì đã thua bại trong Nội chiến, cộng thêm lương tâm cắn rứt vì quá khứ chủ nô-da đen. Khác với khí thế chinh phục đầy tự tin của văn hóa phương Bắc, dòng thơ này nhuộm sắc trữ tình yếm thế nếu không nói là nặng tính bi kịch (12).



Nhưng cuộc đảo chánh ngoạn mục lật tung uy thế East Coast lại diễn ra bên bờ Thái bình dương khi những đứa con hoang của thế hệ Beat rời New York gia nhập nhóm văn nghệ giang hồ miền Tây, phần đông ngụ cư tại San Francisco. Giống các đàn anh như Fitzgerald, Hemingway, Henry Miller thời Lost Generation lang thang ở Paris, thế hệ lạc loài thứ hai này không chịu thích nghi với các giá trị, định chế tinh thần của dân anglo-saxon Tin Lành nên bỏ hương quán miền Đông đi tìm những chân trời mới (13). Từ những năm 50-60 quanh vùng vịnh San Francisco hình thành một cộng đồng văn nghệ vô chính phủ quay lưng với nước Mỹ của chiến tranh lạnh và cơn sốt tiêu thụ. Các thi sĩ Beat đã gieo mầm cho counter-culture, kết hợp với tiếng nói và yêu sách của các thiểu số da màu để mở rộng không gian công cộng vừa giải phóng xã hội công dân thoát sự áp chế của văn hóa Da Trắng độc tôn. Một phần nhờ địa lý (tiếp giáp với văn minh Thái bình dương và dựa lưng vào Rocky Mountains, nơi sinh sống của nhiều thổ dân Bắc Mỹ), một phần do các đợt sóng di dân liên tiếp từ Nam Mỹ và châu Á, miền Viễn Tây HK trở thành đất lành cho cuộc phục hưng đa văn hóa những thập niên cuối thế kỷ 20. Cùng với California, thánh địa mới cho giới nghệ sĩ giang hồ đi tìm lối sống tâm linh là tiểu bang New Mexico vùng Tây Nam, đất tổ của dân Mễ trước khi bị HK xâm chiếm, nay được phong trào văn hóa-nghệ thuật Chicano mệnh danh là Aztlán (nghĩa là quê hương huyền thoại của tộc Aztec xa xưa) để phục hồi cội nguồn cho những di dân Mễ-Latino nói tiếng Tây Ban Nha (14). South Texas, New Mexico, Arizona, Colorado cũng đang chứng kiến sự hồi sinh văn hóa của các thổ dân. Các dòng thơ “ngoài luồng” như Pocho-Che (15), ethno-poetics (16), eco-critique (17)… khởi sinh từ văn hóa đối kháng miền Tây bên cạnh sự nở rộ của sáng tác người Mỹ gốc Á châu đã mang sinh khí mới cho thơ HK đang bị đe dọa bởi hai xu thế: đại học hóa và lý thuyết hóa.



Nếu ta có thể chỉ ra khu vực sinh hoạt của các phong trào và phái nhóm vừa kể trên bản đồ địa lý thì ngược lại có hai dòng thơ đầy khí thế vừa đa dạng về tài năng đã hòa trộn khắp nơi trên nước Mỹ. Chắc bạn đọc đã đoán ra; đó là thơ da đen và thơ nữ quyền tiếp tục đối chất với nền văn học chủ lưu của đàn ông da trắng Anh-Mỹ trên từng con đường, góc phố, mái nhà… Từ thuở Harlem Renaissance, qua Black Arts Movement song song với tranh đấu dân quyền, đến trào lưu hip-hop hiện nay với thơ và nhạc rap, ý thức chính trị với tự hào dân tộc đã giải phóng sáng tác cũng như học thuật da đen, vừa phát hiện lại các văn bản thời nô lệ (đặc biệt là thơ phụ nữ da đen), vừa kiến tạo một diện mạo tập thể cho cộng đồng da đen ở châu Mỹ, kế thừa truyền thống Phi châu phong phú và học hỏi kinh nghiệm của các dân tộc bị áp bức. Dưới nhiều hình dạng, đặc biệt là trình diễn, thơ da đen đang là chất xúc tác hàng đầu cho các phong trào hay sinh hoạt văn nghệ đa văn hóa HK (18). Còn một điều cần lưu ý; tiếng nói của phụ nữ da đen cũng giữ vai trò mũi nhọn trong sáng tác nữ quyền HK. Nếu đàn bà da trắng chỉ đòi bình đẳng giới tính và quyền lợi trong sự phản kháng chống chế độ phụ quyền, người bạn da đen của họ còn phải đấu tranh chống chính sách kỳ thị công khai hay giấu mặt của dân da trắng. Thơ văn nữ quyền HK ngoài ý thức chính trị cao còn chuyên chở thêm các mâu thuẫn giữa những nhóm phụ nữ khác màu da, nhưng cùng chiến tuyến. Trong hai thập niên gần đây sự tham gia ngày càng sôi nổi của phụ nữ gốc Á châu càng làm tăng thêm màu sắc đa văn hóa của sáng tác nữ giới nói chung ở Mỹ (19).



Richard Gray, học giả hàng đầu của Âu châu về văn học HK, gần đây có nhận định về tác động sâu rộng của chuyển biến dân số (từ các lớp sóng di dân và mức sinh sản cao của dân da màu) trên văn hóa-xã hội Mỹ, làm thay đổi cả tính chất của văn học HK: “…bị thay hình đổi dạng vì mãnh lực của những đợt dân số đa văn hóa luôn chuyển động, Hoa Kỳ đã chứng kiến sự xóa nhòa ranh giới giữa ‘trung tâm’ và ‘ngoại biên’. Và khi những người Mỹ trắng có vẻ như không tránh được xu thế trở thành thiểu số, HK cũng mất luôn bất kỳ lý lẽ hoặc một cái cớ nào vin vào đó để xác định một đặc tính Âu châu trung tâm hay một mệnh số ngoại hạng như trước đây”(20). Giáo sư Gray còn phác họa một hoàn cảnh mới quyết định sáng tác văn học Mỹ, ông gọi đó là một không gian mang tính thẩm thấu (permeable space) nơi gặp gỡ của các quốc gia và văn hóa: “Đó là không gian lưng chừng, không gian của tính hậu hiện đại hoặc hiện đại cực đoan hóa mang dấu ấn của tan rã và phân tán, lưu động và vỡ vụn, tạp dị và lai giống - tất cả trên bình diện toàn cầu. Biểu hiện những văn hóa khác nhau, sinh sống giữa các nền văn hóa và ứng đáp với những nguồn cội cùng kinh nghiệm đa dạng của chúng, tất cả ngòi bút ở Mỹ đều chất vấn một cách hữu hiệu khái niệm của một di sản chung và các ranh giới cố định… Đất nước mà họ khám phá và mô tả trong tác phẩm không mang những nét viền bất biến như xưa của một Địa Đàng HK. Đó là một nơi chốn với những ranh giới lưu động , chỗ gặp gỡ của những lịch sử văn hóa kình chống, dẫm lấn, và rốt cuộc lại phụ thuộc lẫn nhau… So với trước đây, bản chất quốc gia mất bớt đi tính quyết định, mở rộng hơn để đón các truyện kể và lịch sử khác”(21).



Dù đang đứng trước khủng hoảng, văn hóa chủ lưu (mainstream culture) vẫn tiếp tục theo đà đại học hóa với những khóa học sáng tác đều đặn sản xuất mỗi năm hàng vạn thi sĩ trường ốc ôm bằng M.F.A. (Master of Fine Arts, Cao học Nghệ Thuật) vào đời. Bên cạnh ưu điểm là tính dân chủ, lối đào tạo đại trà ấy hàm chứa nguy cơ của sự đồng bộ hóa, kèm với dễ dãi hóa vì các giảng viên cũng phải chạy theo năng suất trong thị trường chữ nghĩa và bằng cấp (22). Nếu đòi hỏi chất lượng quá cao thì các chuẩn-thi-sĩ sẽ bỏ cuộc và các khóa sáng tác sẽ dẹp tiệm! Nhà thơ rất quen thuộc trong giới đại học Donald Hall từng phê phán: “Loại thơ ấy trên hết mang tính cá nhân; đó là loại thơ tự biên tự diễn say đắm tác giả của mình”… Và loại thơ của tiếng nói cá thể ấy làm ngược lại điều nó đắc ý tuyên xưng: nó mắc phải bệnh thiếu cá tính, “cá mè một lứa”: Workshop Poem, McPoem, Clone-Poem hoặc SAP, nghĩa là Standard American Poem {Bài Thơ HK Chuẩn Mực} (23).



Cùng vào thời điểm đầu thập niên 80 xuất hiện hai phản ứng chống lại loại thơ trường học dễ dãi: phái Ngôn Ngữ {NN}(Language Writing) và nhóm Tân Hình Thức {THT}(New Formalism). Các nhà thơ trong phái NN tiếp nối chủ nghĩa tiên phong của các phái Objectivism (Khách Quan Thi Pháp) và Black Mountain School, chủ trương thử nghiệm và chất vấn ngôn ngữ trong sáng tác thơ văn. Chịu ảnh hưởng của Paris, nhất là phê bình hậu-cấu trúc của Kristeva với nhóm Tel Quel, họ đặt ngôn ngữ trước vành móng ngựa của lý trí phê phán và tố cáo nó đồng lõa với ý hệ thống trị. Họ muốn thông qua sáng tác cải tạo nó, khởi đi từ các thành tố cơ bản của ngữ âm và ngữ pháp. Phần đông là những nhà hàn lâm khuynh tả, hành vi ‘cách mạng’ của họ tương tự tham vọng xóa nhòa ranh giới giữa sáng tác và phê bình của một số tác gia hậu hiện đại: coi lý thuyết và thi pháp là một (24). Nhóm THT trái lại tránh né lý thuyết để trở về truyền thống của vần điệu và thi luật. Chê trách loại thơ tự do phá thể được giảng dạy khắp các đại học, nhóm này muốn chấn hưng thi đàn bằng những ước lệ và qui phạm ổn định từ thời thơ cổ điển Anh với Chaucer, Shakespeare, Milton… Xung đột thơ cũ / thơ mới vẫn xảy ra trong lịch sử thi ca của bất cứ dân tộc nào; tại HK trước đây trong những năm 20 hoặc thập niên 50 các thi sĩ miền Nam trong phái Fugitive và nhóm Tân Phê Bình cũng đã tìm về hình thức ước lệ của truyền thống thi ca Anh-Mỹ. Hiện tượng THT chẳng có chi độc đáo đối với chuyên ngành văn học sử: trong biện chứng của vận động văn hóa-văn nghệ truyền thống và hiện đại nếu không đối thoại thì vẫn song hành cho đến lần chạm trán kế tiếp. Nhưng có lẽ điều đáng lưu ý trong trường hợp này không thuộc về lĩnh vực văn chương thuần túy mà liên quan nhiều hơn đến môn tâm lý học xã hội. Cụ thể hơn là các biến động tâm lý chiều sâu của người Mỹ da trắng đang bị khủng hoảng về văn hóa và lý lịch trước nguy cơ sắp bị biến thành dân thiểu số trước sức tăng trưởng dân số không gì ngăn nổi từ các cộng đồng da màu trên nước Mỹ (25). Quay về truyền thống và ước lệ, dựa dẫm vào những nếp văn hóa ổn cố, phải chăng quan điểm thẩm mỹ bảo thủ của nhóm THT (đa số là các nam thi sĩ Mỹ trắng) là một cách tự trấn an khi ưu thế đặc quyền của họ bị lung lay? (26).



Trên các số TC Thơ viết về THT, chúng ta không thấy được bối cảnh lịch sử-xã hội đằng sau các chọn lựa thẩm mỹ trong sinh hoạt văn chương HK. Mặt khác có lẽ các hạn chế về Anh ngữ và văn hóa đã khiến những bạn phất cờ THT, đứng đầu là Khế Iêm, không hiểu được đến nơi đến chốn những điều họ nhiệt thành rao giảng. Căn cứ vào những thiếu sót và sai lầm trong mấy bài dịch giới thiệu các văn bản quan trọng của phong trào THT, người đọc sẽ đặt câu hỏi về khả năng lĩnh hội thấu đáo những vấn đề phức tạp liên quan đến thi học hay thi luật Anh-Mỹ, chưa nói đến lịch sử thi ca HK và văn học sử nói chung (27). Đại bộ phận sáng tác THT là các bài thơ tuân thủ thi luật Anh truyền thống, dựa trên ngữ điệu căn bản của tiếng Anh (English prosody) để cấu tạo từng câu hay kiến trúc toàn bài. Ngữ điệu đó là nhịp iambic xuyên suốt nhiều thế kỷ thi ca, như câu thơ bình dị sau đây của Shakespeare:                                                     ”I ne/ver saw/ a fa/ther in/ my li/fe” (28)

        1  2   3    4     5  6   7     8    9   10





Đây là một câu pentameter (năm tiết nhịp) theo luật iambic (các trọng âm rơi vào số chẵn, 2-4-6-8-10), gắn bó lâu đời với ngữ điệu tự nhiên của tiếng Anh bắt đầu với tục ngữ và đồng dao. Khi các trọng âm rơi vào số lẻ câu thơ sẽ đổi qua luật trochaic, thật ra là dạng đối xứng của luật iambic: do đảo nhịp, trọng âm từ số chẵn nhảy qua lẻ nhưng cấu trúc tiết nhịp của câu thơ vẫn không thay đổi, nghĩa là vẫn trọng âm/khinh âm/trọng âm/… đều nhịp. Dù có vài biến thể ngữ điệu khác (như anapest, dactylic…) iambic với trochaic là hai dạng căn bản của thi luật Anh-Mỹ truyền thống.



Trong tập Rebel Angels (29), thi tuyển của 25 nhà thơ THT Mỹ, phần lớn các bài thơ dù có gieo vần hay không đều giữ cấu trúc tiết nhịp và trọng âm truyền thống. Sau đây là vài thí dụ:

A.

Yell/ow free/sia arc/ like twi/ning arms/ ;

I’m buy/ing show/er cur/tains, smo/ke alarms/,

And Wash/ington/ ,and you/ , Love/ -- stat/es away/ .

The clouds/ are flat/. The sky/ is go/ing grey/ .

                           Elizabeth AlexanderLetter: Blues, tr.3

B.

You drink/ to piss/ it all/ away/

You play/ it tough/ to seize/ the day/

Toss out/ more chips/ and spread/ your stuff/

Or end/ it with/ enough/ enough/ …

                           R.S. Gwynn - Anacreontic, tr.64





Hai trích đoạn này khá tiêu biểu cho thơ THT. A dùng pentameter (5 tiết nhịp), B dùng tetrameter (4 tiết nhịp). Mọi câu thơ đều có vần và theo luật iambic, trừ câu đầu A đảo nhịp theo trochaic; và chữ Love phá cách khi E. Alexander nhấn mạnh từ này để tạo bất ngờ và tăng độ biểu cảm (cuộc tình cách biệt!), cộng thêm quãng lặng ngắn trước cụm “states away” như một tiếng thở dài.



Trong nhiều trường hợp các thi sĩ THT dùng blank verse kiểu Milton: câu thơ không cần cước vận nhưng vẫn theo luật tiết trọng âm.Chẳng hạn đoạn pentameter này:



C.

A sound/ like a rus/ty pump/ beneath/ our wind/ow

Woke/ us at dawn/. Draw/ing the cur/tains back/

We saw/ --through milk/y light/, above the dog/ house/

A blue jay/ lect/uring/ a neigh/bor’s cat/ …

                           Paul Lake - Blue Jay, tr.124



hoặc mấy câu tetrameter (4 nhịp) không vần sau đây:



D.

Ma/ma, there/ are black/ cow/boys.

A fist/ful/ of black/ crotch/.

Dead/wood Dick/. Don’t fuck/ with me/

Black/ cow/boy. Leath/er hat/.

                           Elizabeth Alexander - Deadwood Dick, tr.2



Có thể trích dẫn thêm; nhưng các bài thơ trong thi tuyển này, trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, chứng tỏ rằng nhóm thi sĩ THT ở Mỹ đã trung thành với các ước lệ thi pháp Anh-Mỹ của những thế kỷ trước đây, đặc biệt là luật trọng âm (accentual meter). Các nhà thơ VN trên TC Thơ trái lại đã rất phóng túng, chưa nói là tùy tiện, trong sáng tác THT của họ. Nếu theo đúng tinh thần bảo thủ của thi phái THT Mỹ, nhà thơ VN phải quay về với vần điệu và niêm luật trong thơ cũ VN của Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan; hoặc ít ra với dòng Thơ Mới Tiền Chiến vẫn còn nhịp nhàng êm tai. Đằng này các bài THT trên TC Thơ khiến người đọc có cảm giác đứng nhìn một trò chữ nghĩa biến những câu văn xuôi trung bình thành từng đoạn thơ bằng cách ngắt câu vắt dòng, bên cạnh việc lặp đi lặp lại khá nhàm một vài chữ hay ý tưởng. Thí dụ vài đoạn như sau:


người đàn ông hai mươi năm trước, không

nghe, không thấy được gì từ người đàn

ông hai mươi năm sau, cứ lầm lũi,

lầm lũi, lầm lũi, tựa bóng ma, và



chẳng hề hay biết, người đàn ông hai

mươi năm trước cũng là người đàn ông

hai mươi năm sau, đang đợi nhau, đợi

nhau, đợi nhau, như cái sống đợi cái



chết, ròng rã, đã hai mươi năm, dù

vở tuồng vẫn chưa được viết, và đêm

kịch vẫn chưa mở ra, những thùng rác

vẫn chứa rác và không chứa gì khác.

                           Khế Iêm - Ảnh Ảo – TC Thơ 19, tr.100



“lầm lũi”, “bóng ma”, “hai mươi năm trước”, “hai mươi năm sau”, “đêm kịch”, “vở tuồng”, “những thùng rác”… là một số hình tượng và từ ngữ quá quen thuộc của thơ văn VN và thế giới. Bi kịch của sự nhàm chán lải nhải đã được những tên tuổi như Joyce, Beckett, Céline, Louis-René des Forêts diễn tả đến mức thượng thừa! Những bài thơ như Ảnh Ảo trên TC Thơ chẳng qua là một lối viết tự sự kiểu cách, nặng tính tu từ pháp mà chính tác giả bài thơ đã lớn tiếng chỉ trích trong các tiểu luận của ông (30). Dù sao tính tổ chức theo cấu trúc liên hoàn trong bài Ảnh Ảo và một vài bài thơ khác của Khế Iêm cũng cho thấy ông quan tâm đến chuyện “tay nghề” hơn khá nhiều thi hữu khác trong nhóm chỉ cần nhắm mắt phóng bút là ra thơ …THT …à la vietnamienne! Chẳng hạn:


Trong khoảnh khắc có một

cái chết và chỉ cái chết mới

rõ là mình chết đi. Chỉ có

cái chết mới biện minh được rằng

họ không sống, và tiếng nói của

nó là sự vô tri và câm

lặng tuyệt đối. Nhưng có những cái

chết nói nhiều hơn tiếng nói sự

sống. Có những âm vang từ vô

ngôn, vô tận. Người ta sinh ra

từ sự chết. …

                           Quỳnh Thi - Chỉ Có – TC Thơ 19, tr.110



Cách ngắt câu xuống dòng loạn xị đã “nâng cấp” cho đoạn văn triết lý vụn khá tầm thường trên đây. Ngọn gió THT đã cứu sống nhiều câu văn xuôi đa ngôn và vô vị, tân trang chúng thành một loại thơ văn xuôi… dễ hiểu, dễ làm. Vì thế, không lấy gì làm lạ khi trên nhiều số TC Thơ bỗng nhiên nô nức “thi pháp đời thường”, bất cần ngữ điệu và nhạc tính của tiếng mẹ, tác sinh vô số câu cú không ra văn mà cũng chẳng ra thơ! (31)



Người đọc thông minh đến đây chắc sẽ phì cười cho rằng kẻ viết bài này “đầu voi đuôi chuột”: Mở đầu thì bàn hươu tán vượn về một lục địa thi ca đa văn hóa, chung cuộc lại chui vào cái rọ chữ Giao Chỉ! Thật ra bàn về THT và TC Thơ chỉ là một cái cớ, mục đích của những trang dông dài này là tiếp tục suy nghiệm từ một bài viết mới đây trên Hợp Lưu (32) về hiện tình thơ VN sau ba mươi năm di dân sang Mỹ và thế giới. Chúng ta, người Việt ở nước ngoài, đang bước vào thời đại toàn cầu hóa cùng với các dân tộc, cộng đồng khác.



Toàn cầu hóa và đa văn hóa là hai xu thế không thể đảo nghịch trong thế kỷ mới này. Người VN yêu thơ, dù trong sáng tác hay học thuật, cần mở rộng nhãn quan nhìn ra mọi phương trời và không cần hấp tấp nuốt vội các món thời trang. Bài học lịch sử từ các di dân da màu trên nước Mỹ cho thấy ý thức văn hóa phải đồng hành với đấu tranh chính trị.



Và không thể tách rời tự do bình đẳng trong xã hội với tự do bình đẳng trong ngôn luận và tư tưởng. Sự tái tổ chức của các lực lượng và cộng đồng bảo thủ ở Mỹ, đặc biệt là dân da trắng miền Nam (33), trước sự tăng trưởng của dân số da màu và áp lực đa văn hóa, báo hiệu một sự đụng độ phức tạp trong những năm sắp tới. Di dân VN, dù là dân thường hay thi nhân nghệ sĩ, khó có thể đứng bên lề làm khách bàng quan. Mặt khác, vào thời đại của tự do thị trường với tư bản toàn cầu, tất cả đều bị đe dọa biến thành thương phẩm kể cả văn hóa-văn nghệ. Làm thế nào để khỏi bị lường gạt, dụ dỗ trong các siêu thị chữ nghĩa của nền văn minh “hậu hiện đại” tranh tối tranh sáng “mập mờ nhân ảnh”? (34) Sau cùng, trước uy quyền vô hình của đế quốc văn hóa làm sao bảo vệ óc tim độc lập và khốn khổ (conscience malheureuse) của người cầm bút mà không cần đến sự trợ lực của các thứ “nha phiến” tân kỳ, lắm khi ngụy trang dưới dạng tác phẩm của chính mình?../.


Cambridge, Xu





Phụ đính:



Tạp Chí Thơ giới thiệu thi phái Tân Hình Thức Hoa Kỳ (New Formalism) qua nhiều bản dịch phần lớn do Khế Iêm dưới bút hiệu Ltt và Nguyễn Thị Ngọc Nhung chuyển ngữ. Đáng tiếc là các bản dịch ấy có nhiều sai sót làm hại nội dung của các nguyên tác. Vì giới hạn của bài viết tôi chỉ đơn cử một số ví dụ từ hai bản dịch của Ltt: A/ John Briggs, Fractals (Introduction), Touchstone Books, 1992; và B/ Jarkman & Mason eds., Rebel Angels (Preface), Story Line Press, 1996. Để bạn đọc có thể kiểm tra tôi đánh số các đoạn có chữ, câu trích dẫn; chẳng hạn A1 là đoạn mở đầu bài nhập của Fractals, B3 là đoạn 3 bài Preface, Rebel Angels.

Trong dịch thuật, sai sót thường thấy ở 5 dạng: 1/ vụng về; 2/ hiểu sai; 3/ không hiểu nên dịch mò; 4/ hiểu nhưng không tìm ra thuật ngữ tương xứng; và 5/ phạm lỗi văn phạm hay đọc trật ngữ pháp. Cả 5 dạng này xuất hiện khá nhiều trong các bản dịch của Ltt tức Khế Iêm trên tạp chí Thơ.

1. A4:(studied) under glass in a laboratory = (học) dưới lớp kính phòng thí nghiệm. Ở đây nên dịch studied là nghiên cứu, khảo sát. A3: expose its (under-lying logic) = phơi bày (lý giải cơ bản). Nên dịch: phơi bày cái lý tiềm tàng/  hoặc/  lôgích bên dưới.

2. A2:Swallows... gathering and (flying off) in an organized flock. A lightning bolt (fracturing) the sky. = Những con chim én... tụ tập lại, (bay nhập vào) bầy đoàn có tổ chức. Ánh chớp nhoáng, (đứt đoạn) trên nền trời. Nên dịch: Đàn én... tụ lại và bay đi trong một đội hình. Ánh sét xé rách nền trời.

3. A1:With its variability, (general dependability)... weather infiltrates our schedules... = Với sự biến đổi, (sự tùy thuộc tổng quát)... thời tiết xâm nhập vào thời khóa biểu. Đây là kiểu dịch từng chữ một (mot à mot) với cuốn từ điển! Ở đây câu nguyên văn không có gì bí hiểm mà chỉ bàn về thi tiết, dù hay biến đổi nhưng thường thường vẫn có thể tin cậy được (general dependability).

4. A2:(pattern) created by (boulders) = (dạng thức) tạo bởi (những viên sỏi). Boulder là tảng đá to, người dịch quên tra từ điển; nhưng đáng bàn ở đây là từ pattern, một thuật ngữ của nhiều ngành, đặc biệt là tạo hình. Gọi pattern là dạng thức thì không đúng mà cũng không sai. Tương đương trong Hán tự là VĂN, nên ta có cụm từ hoa văn, văn tiết (pattern) trong trang trí, điêu khắc,v.v. A14: thruster rockets = hỏa tiễn kích thủy lực. Người đọc không chuyên về kỹ thuật phi thuyền không gian muốn biết dịch giả dựa vào tài liệu nào để tìm hiểu về kích thủy lực?



5. Nặng hơn là các lỗi văn phạm. Thí dụ trường hợp hai chữ sau không có liên can gì nhau trừ tự dạng! THOUGH là một liên từ (conjunction) với chức năng văn phạm quan trọng trong tiếng Anh có nghĩa là TUY NHIÊN, CHO DÙ; còn THROUGH có nghĩa QUA, THÔNG/ XUYÊN QUA. Trong các bản dịch Ltt đã lẫn lộn THOUGH thành THROUGH. A15: though, to be sure = qua đó chắc chắn; A16: Though unpredictable in detail = Qua chi tiết không thể đoán..; B10: Ultimately though... = Điều cơ bản qua đó...; và còn nữa. Về ngữ pháp tiếng Anh khi gặp các vế lồng vào nhau (clause within clause) dịch giả cũng hiểu sai vì không biết phân tích câu văn. Thí dụ A16: In fact, scientists learned that there are certain repeatable, rough patterns //systems seem attracted to// as they break down into or emerge from chaos. = Thực tế, những nhà khoa học hiểu rằng, (dạng thức của hệ thống) được lặp lại rõ ràng, bị lôi cuốn như thể chúng vỡ ra hoặc hiện xuất từ hỗn mang. Rõ ràng người dịch thay vì ngắt hai vế ra lại nhập chung vào nên hiểu patterns//systems = dạng thức của hệ thống! Phải hiểu câu nguyên tác trên như sau: Thật ra các nhà khoa học đã nghiệm thấy rằng các hệ thống hình như bị cuốn hút vào một số văn dạng (patterns) thô sơ lặp đi lặp lại khi chúng (hệ thống) vỡ tan hoặc nảy sinh trong hỗn mang.



Hiểu sai một từ hay vài chữ ai cũng có thể tra từ điển hay tham khảo sách chuyên môn; đọc sai ngữ pháp người dịch nên tự giác mở sách Anh văn học lại .



Nguyễn Tiến Văn, một dịch giả cẩn trọng và am tường Anh ngữ, đã phát hiện sự thiếu sót trong bản dịch B/ của Ltt và đã cất công dịch lại. (Độc giả có thể đối chiếu hai bản dịch: Ltt {Khế Iêm}, Những Thiên Thần Nổi Loạn, TC Thơ 19; và Nguyễn Tiến Văn, Những Thiên Sứ Nổi Dậy, TC Thơ 23). Với độc giả TC Thơ, ít ra dịch giả Nguyễn Tiến Văn cũng cho thấy ông tôn trọng đúng mức tác giả của nguyên tác. Tôi chỉ có chút ý kiến về vài từ-thuật ngữ ông đã dùng khi chuyển ngữ. Trước tiên là chữ VERSE mà ông dịch là VĂN VẦN (Nguyễn Thị Ngọc Nhung cũng từng dịch như vậy). Verse, vers, là từ hoán dụ cho thơ, thi ca vì các tác giả muốn tránh nhắc đi nhắc lại chữ poetry, poésie. Mallarmé có bài tuyên ngôn lừng danh La Crise du Vers mà ta không thể dịch là Sự Khủng Hoảng của Văn Vần! Mặt khác, Nguyễn Phan Cảnh trong chuyên khảo Ngôn Ngữ Thơ từng viết: “Truyền thống VN phân biệt rành rẽ thơ và diễn ca, văn vần”. (tr.58). Một thuật ngữ rất khó xử lý khác là METER mà Nguyễn Tiến Văn có khi dịch là VẬN LUẬT khi là LUẬT ÂM TIẾT. Cả hai cách đều không chính xác vì trong thi học Anh-Mỹ câu thơ đúng luật (meter) lắm khi không cần vần (blank verse của Milton thí dụ) mà chỉ cần nhấn đúng trọng âm (accentual meter) và không quan tâm nhiều đến âm tiết như thơ Pháp hay Đường thi. Trước đây tôi tạm dịch METER là THỂ hay THỂ LUẬT dựa vào lịch sử thi ca Á đông đã từng có cổ thể thi, tân thể thi, thể tứ tuyệt, thể lục bát... Nay tôi lại phân vân vì THỂ hàm nghĩa quá rộng, có khi còn chỉ về hình thức, cấu tạo của cả bài thơ. Hay là chúng ta dùng từ CÁCH LUẬT vì từ nguyên CÁCH có nghĩa là khuôn thước dùng để đo đạt, tương ứng với METER mà nghĩa gốc là thước đo trong các ngôn ngữ Tây Âu bắt nguồn từ tiếng Latinh.



Phụ chú:



1. Louis Adamic từ 1945 gọi HK là A Nation of Nations trong tác phẩm cùng tên. Một chi tiết đáng ghi nhận: hiện nay cư dân Los Angeles nói khoảng 120 ngôn ngữ. Xem thêm Steven Hoelscher, Conversing Diversity, trong Textures of Places do Paul C. Adams ed., Univ. of Minnesota Press, 2001.

2. Các số liệu lấy từ Christopher Beach, Poetic Culture, Northwestern UP, 1999, t.2. Đây là một biên khảo giá trị mang tính xã hội học xem xét thơ HK trong tương quan với các thiết chế văn hóa, nhất là đại học và các nhóm cộng đồng thi sĩ. Mùa đông 1995 truyền hình công cộng PBS phát hình khắp nước chương trình đại qui mô về thơ HK, The United States of Poetry, có 80 thi sĩ khác màu da tham dự từ cấp Nobel (Milosz, Walcott, Brodsky) đến hạng chưa có danh tiếng. Joseph Epstein trên Commentary (#86, 1988) báo động về sự hấp hối của thơ HK và mở ra tranh luận sôi nổi trên diễn đàn văn học Mỹ có Dana Gioia, Vernon Shetley, Donald Hall... nhập cuộc.

3. WASP = white anglo-saxon protestant là cụm từ chỉ di dân Mỹ chính gốc Tin Lành sang Tân Thế giới, được huyền thoại hóa thành chủ nhân da trắng có công lập quốc. Từ những năm 60 thuyết hệ da trắng độc tôn này (White supremacist discourse) bị các phong trào đa văn hóa phê phán triệt để. Hiện nay môn Hoa Kỳ học (American Studies) đã tự giác cải tạo quan điểm học thuật và tái định nghĩa gốc gác cùng lý lịch các nhóm cư dân ban đầu vùng thuộc địa New England. Mất quyền khống chế văn hóa (cultural hegemony) dân WASP bị khủng hoảng tâm lý vì Ngã tính đế chế (Imperial Self) rạn vỡ sau chiến tranh VN như Humpty Dumpty trong bài đồng dao xưa; từ đó sinh ra nhân cách hậu hiện đại HK vừa lạc phương hướng về tư tưởng (không còn meta-narrative), vừa ba phải về đạo lý. Nên tham khảo Stephen Whitfield, The Imperial Self in American Life, trong Columbia Journal of American Studies (Vol.4, #1, 2000) bên cạnh bài điểm sách uyên bác của Ivy Schweitzer, Salutary Decouplings: The Newest New England Studies, trong American Literary History (Vol.13, #3, 2001). Tủ sách chuyên đề New Americanists (Tân HK học) do Donald Pease chủ biên và Duke University xuất bản là diễn đàn chủ yếu của học thuật tiến bộ Mỹ hôm nay.

4. Từ đó nổ ra xung đột văn hóa (cultural wars) trong hai thập niên 80-90. Allan Bloom, tác giả The Closing of the American Mind (NY,1989) với lý thuyết gia Hậu-Chiến Tranh Lạnh Samuel Huntington, kẻ lớn tiếng báo động về đụng độ văn minh, The Clash Of Civilizations, trong Foreign Affairs (Vol.72, #3, 1993) là hai gương mặt cánh hữu tiêu biểu kêu gọi HK dựng lại phòng tuyến cho văn hóa da trắng phương Tây. Về mặt đối nội họ cũng chủ trương hạn chế tầm ảnh hưởng của các yêu cầu đa văn hóa, xem David Palumbo-Liu, Multiculturalism Now: Civilization, National Identity, and Difference before and after September 11th, trong Boundary2 (Vol.29, #2, 2002). Sau vụ 11-9-2001, ai chỉ trích chính sách quân sự ngoại giao của HK sẽ bị nhà nước USA quy kết là có óc bài Mỹ (chú thích 26, tr.126, bài vừa dẫn).

5. Phần lớn đại học HK đỡ đầu các tạp chí và xuất bản văn thơ. Để có một tổng quan có thể đọc thi tuyển từ xuất bản đại học do Ronald Wallace biên tập: Vital Signs, Univ. of Wisconsin Press,1989.

6. Đứng đầu là chính sách bất thành văn Affirmative Action từ tổng thống Johnson để nâng đỡ dân da đen với thiểu số trong nghề nghiệp, giáo dục, nhà ở...; và bị chống đối từ các cộng đồng da trắng, nhất là di dân đến sau từ Trung Âu phải vất vả kiếm ăn trong một nền kinh tế ngày càng nợ nần vì chiến tranh và thâm thủng ngân sách. Xem John David Skrentny, Affirmative Action and the Failure of Presidential Leadership, trong One America, Stanley Renshon chủ biên, Georgetown University Press, 2001.

7. Tại Mỹ muốn có vốn liếng văn hóa (capital culturel, Pierre Bourdieu) sang nhất là tốt nghiệp ở Ivy League vùng New England. Harvard và Yale là hai đại học đầu tiên trong vùng. Giáo sư học giả Helen Vendler dạy môn thơ Anh-Mỹ tại Harvard là tiếng nói phê bình uy tín nhất hiện nay ở HK. Từ 1919 Yale trao giải thơ Yale và xuất bản thi phẩm đầu trong Yale Series of Younger Poets cho thi sĩ trẻ nào trúng tuyển. Không xa Yale là Wesleyan vớI chương trình xuất bản thơ từ 1958 nhằm giới thiệu thi tài mới, cả hai đại học này đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện, đỡ đầu các nhà thơ chưa nổi tiếng. Đọc thêm bài dẫn nhập tường tận của George Bradley ed., The Yale Younger Poets Anthology, Yale Univ. Press, 1998.

8. Quá trình vừa cạnh tranh vừa hợp tác giữa Boston và New York là một đề tài lý thú cho những ai tò mò về văn hóa và tư tưởng HK; xem Nina Baym, Early Histories of American Literature: A Chapter in the Institution of New England, trong The American Literary History Reader, do Gordon Hutner chủ biên, Oxford Univ.Press, 1995. Phần lớn thi sĩ trong tuyển tập do Paul Hoover thực hiện, Postmodern American Poetry (Norton, NY, 1994) đều sinh trưởng ở New England hay New York, từng theo học Harvard, Columbia, Yale, Brown, Cornell,...

9. Xem chú thích 3. Ngoài các thiểu số da đen hay Trung Mỹ, New York với Greenwich Village còn là thánh địa của dân Do Thái gốc Âu châu, cái lò sinh ra dòng văn học đầy chất thử nghiệm vì tính cách hoàn vũ (cosmopolitan) của trí thức nghệ sĩ Do Thái HK không ngừng đối chất văn hóa chủ lưu WASP. Cũng như cộng đồng gốc Irish ở Boston, vai trò phản diện của cộng đồng Do Thái ở New York là một đề tài công phu khác cho những ai muốn đi sâu vào lịch sử tư tưởng hiện đại Mỹ. Bắt đầu có thể tham khảo Terry Cooney, The Rise of the New York Intellectuals, Univ. of Wisconsin Press, 1986; và David Lehman, The Last Avant-Garde, Doubleday, NY, 1998.

10. Trong khái niệm không gian ký hiệu (semiotic space), Lotman nhấn mạnh chức năng chủ yếu của ranh giới (boundary) phân biệt Chúng Ta (Trong) / Chúng Nó (Ngoài). Chính các xung đột biện chứng tại đường ranh Trong / Ngoài tạo ra vận động sáng tạo trong toàn khí quyển văn hóa (semiosphere); và trung tâm với ngoại vi luôn hoán chuyển qua thời gian. Dù là đế quốc văn hóa, HK cũng không thoát khỏi qui luật biến dịch này; các phong trào chính trị đa văn hóa từ thập niên 60 là minh họa sinh động cho qui luật ấy. Xem Yuri M. Lotman, Universe of the Mind, Indiana Univ. Press, 1990, Phần 2 , Chương 8 và 9.

11. Vào khoảng 1915 phái Fugitive (Trích Lữ) qui tụ quanh đại học Vanderbilt ở Tennessee với các nhà thơ - phê bình gia đầy tiềm năng như Ransom, Tate, Donald Davidson... Tạp chí The Fugitive ra đời năm 1922 ở Nashville khai trương dòng văn học hiện đại miền Nam có ảnh hưởng rộng khắp nước Mỹ. Tiếp thu chủ nghĩa tượng trưng Pháp cùng huyền học phương Tây, thi phái này báo hiệu bế tắc hiện sinh của con người thời đại vừa cô đơn vừa tha hóa giữa sa mạc đô thị. Phái Fugitive đã chấn hưng văn hóa miền Nam, sau này đỡ đầu cho hai trường phái thi ca Agrarian (Đồng Áng) và phê bình New Critics. Xem thêm William Pratt, The Fugitive Poets, N.Y.,1965.

12. Tham khảo Louis Rubin, Jr. ed., The History of Southern Literature, Louisiana State Univ.Press, 1985, Phần III; và thi tuyển thơ miền Nam thế kỷ 20 của David Rigsbee, ed., Invited Guest, Univ. Press of Virginia, 2001.

13. Nhiều tên tuổi Beat hàng đầu không phải dân wasp. Allen Ginsberg đồng tính luyến ái, mẹ gốc Do thái từng là đảng viên cộng sản Mỹ. Jack Kerouac có gốc Pháp Breton. Lawrence Ferlinghetti mồ côi cha mẹ sớm được một gia đình Mỹ giàu cho qua Pháp ăn học, sau đỗ tiến sĩ Sorbonne về văn học Pháp. Gregory Corso mẹ cha đều gốc ý và không sống với nhau lâu nên đứa con bỏ nhà đi bụi đời rồi vào tù năm 17 tuổi. Bob Kaufman là Do thái da đen và tù tội nhiều lần. Còn nhiều ví dụ khác cho thấy thế hệ Beat có quan hệ đa dạng với các dòng văn hóa di dân khác và có tâm trạng con hoang đối với ý hệ Tin Lành chủ lưu. David Meltzer, San Francisco Beat, City Lights, 2001 là cuốn sách không thể bỏ qua với loạt bài phỏng vấn công phu và lý thú các thi sĩ Beat trong suốt ba thập niên .

14. Hoa Kỳ xâm lăng vương quốc Mexico giữa thế kỷ 19, lấn chiếm cả một vùng bao la nay là các tiểu bang Texas, New Mexico, Arizona. Cư dân vùng này ngày nay vẫn dùng tiếng Tây ban nha và cố gắng phục hồi văn hóa Mễ , phần nào lai tạp vì nhiều đời chung sống với các thổ dân. Phong trào phục hưng văn hóa này sinh ra một chuyên ngành gọi là Chicano Studies với một số khái niệm chìa khóa như borderland (biên thổ), border-crossing (biên quá) để nhấn mạnh về tính chất lưỡng quốc- song ngữ của dân Mỹ gốc Mễ, vừa xung đột nội tâm vừa kích thích óc sáng tạo. Văn hóa Chicano gây ảnh hưởng mạnh trong các cộng đồng latino HK (dân Trung-Nam Mỹ), hiện nay là mũi nhọn trong lý thuyết văn hóa học bên cạnh học thuật da đen Mỹ. Sáng tác Chicano cực kỳ phong phú; đọc Rafael Pérez-Torres, Movements in Chicano Poetry, Cambridge Univ. Press, 1995, để thấy các quan hệ chằng chịt giữa tinh thần dân tộc và vận động văn hóa ở vùng Tây Nam HK hôm naỵ. New Mexico Poetry Renaissance (Santa Fe, 1994) do Niederman và Sagan biên soạn là thi tuyển tiêu biểu cho dòng thơ đa văn hóa ở New Mexico.

15. Gắn bó mật thiết với phong trào Chicano và thế hệ Beat là nhóm Pocho-Che ra đời cuối thập niên 60 ở vùng San Francisco cùng với trào lưu sinh viên tranh đấu khắp phương Tây. Chống ý hệ da trắng độc tôn, liên minh rộng với các nhóm thiểu số thua thiệt, bằng báo chí, văn nghệ và tổ chức, Pocho-Che tiêu biểu cho vận động đa văn hóa nhằm thiết lập diện mạo chính trị cho cộng đồng latino HK và chất vấn chính sách kỳ thị sắc tộc của các thế lực da trắng. Đây là mô hình liên-văn- hóa tiên phong ở Mỹ có tham vọng xây dựng những giá trị nhân văn phổ quát cho sự chung sống giữa các cộng đồng công dân khác truyền thống và ngôn ngữ. Biên khảo gần đây của Rod Hernandez, Pocho-Che and the Production of Transnational / Transcultural Poetics, XCP 14, 2004, cho thấy ảnh hưởng lan sâu của Pocho-Che sau khi nhóm này hòa tan vào các cộng đồng latino khắp nơi trên nước Mỹ. Một thời đồng minh với Pocho-Che, các nhà thơ gốc Porto Rico như Victor H. Cruz, Miguel Pinero... qua New York thành lập Nuyorican Poets Café góp phần quan trọng vào phong trào thơ trình diễn (performance poetry); đọc thi tuyển Aloud (Henry Holt, NY, 1994) do Miguel Algarín và Bob Holman biên soạn.

16. Ethno-poetics ra đời từ nỗ lực của nhà thơ Jerome Rothenberg đã sưu tầm, tuyển chọn phong dao và thi ca truyền khẩu của các thổ dân Bắc Mỹ. Song song với công trình đáng khen của Rothenberg là sự phục sinh văn học thổ dân với sự xuất hiện của các nhà thơ tài năng như Gerald Vizenor, Leslie Silko, Louise Erdrich... Chuyên ngành nhân văn về thổ dân cũng lớn mạnh với nhiều đóng góp mới cho lý thuyết văn hóa học của Arnold Krupat chẳng hạn. Có thể tham khảo Jerome Rothenberg, Shaking the Pumpkin, Marck Editions, NY, 1986; và Arnold Krupat, The Turn to the Native, Univ. of Nebraska Press, 1996.

17. Eco-critique là ý thức bảo vệ sinh thái của một số nhà thơ HK, nổi bật có Wendell Berry và Gary Snyder. Phong trào này chịu ảnh hưởng tư tưởng Đông phương, đặc biệt là Thiền và Phật giáo Tây Tạng mà các thi sĩ Beat như Waldman, Whalen, Snyder, Ginsberg đã tiếp thu và quảng bá. Không chỉ sáng tác hay trình diễn, họ đã đặt nền móng cho Naropa Institute, đại học Phật giáo duy nhất ở HK tại Boulder,Colorado. Đọc tài liệu chủ yếu về thi phái Phật giáo HK, Anne Waldman & Marilyn Webb ed., Talking Poetics from Naropa Institute, Vol. 1 & 2, Shambhala, 1978; và tuyển tập do Carole Tonkinson, ed., Big Sky Mind: Buđhism & the Beat Generation, N.Y, 1995.

18. Văn học da đen ở Mỹ là một đề tài quá lớn. Từ văn chương nô lệ miền Nam đến Harlem Renaissance, từ các cộng đồng văn nghệ sinh động ở nhiều thành phố lớn như New York, Los Angeles, Chicago, Detroit, New Orleans... đến thuyết hệ da đen liên-Đại Tây Dương, chưa kể phong trào hiphop với thơ-nhạc rap đang lan rộng trên thế giới, tiếng nói da đen ngày nay không còn là văn hóa ngoại vi ở Mỹ, nếu không nói là trái lại. Nên đọc các công trình biên soạn của thi sĩ-công dân da đen Ishmael Reed để có ý niệm về tầm vóc của mối liên minh sáng tạo da đen-da màu hiện nay; đặc biệt là Multi America, Viking Penguin,1997, và From Totems to Hip-Hop, Thunder Mouth Press,2003. Về thi pháp cộng đồng rap, xem Imani Perry, Prophets of the Hood, Duke U.P., 2004. Paul Gilroy, The Black Atlantic, Harvard U.P., và Michael E. Dyson, Reflecting Black, Minnesota, 1993, là hai tác phẩm cốt lõi của tư tưởng mỹ học và tâm lý văn hóa da đen hiện đại. Ngoài ra còn tập san định kỳ Callaloo do John Hopkins University bảo trợ phát hành là tư liệu quí cho giới chuyên gia về lĩnh vực văn hóa học da đen.

19. Sáng tác với học thuật nữ quyền là cuộc đại cách mạng văn hóa từ hơn bốn thập niên qua ở Mỹ. Riêng về thơ phụ nữ hay nữ quyền bất kể da trắng hay da màu đã có rất nhiều tuyển tập. Người đọc hiếu kỳ có thể truy tìm trên Google.com. Về nhận định phê bình, đáng chú ý là Alicia S. Ostriker, Stealing the Language, Beacon Press, 1986. Sự tham gia ngày càng đông đúc sôi nổi của dân HK gốc Á châu sau các làn sóng di dân từ những năm 60 vào các sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt là nữ giới, càng cống hiến thêm nhiều sắc thái độc đáo cho dòng sáng tác đa văn hóa ở Mỹ. Tuyển tập lừng danh đầu tiên của các tác giả HK gốc Á do Paul Chan, Frank Chin, Fusao Inada và Shawn Wong đã được tái bản bổ sung, The Big Aiiieeeee! Meridian-Penguin,1991. Geok-Lin Lim & Amy Ling, Reading the Literatures of AsianAmerica, Temple U.P.,1992; và King-Kok Cheung, An Interethnic Companion to Asian American Literature, Cambridge U.P., 1997 là hai công trình biên khảo phê bình tập thể cho giới quan tâm một tổng quan không thể thiếu trong học thuật đa văn hóa hôm nay. Thêm một lưu ý: sáng tác đa văn hóa ở Mỹ không nhất thiết phải dùng Anh ngữ, phần lớn các cộng đồng di dân vẫn dùng tiếng mẹ để duy trì bản sắc văn hóa. Về vấn đề phức tạp này có thể tham khảo Marc Shell, ed., American Babel, Harvard U.P., 2002.

20. Richard Gray, A History of American Literature, Blackwell, 2004, tr.563. Đây là tổng quan uyên bác và thông minh hiếm có về văn học sử đầy biến động của đế quốc văn hóa hùng mạnh nhất trong lịch sử. Là một học giả Âu (hàn lâm viện sĩ Anh quốc) Gray khách quan đánh giá các dòng văn học da màu và phong trào đa văn hóa trong xung đột biện chứng trung tâm / ngoại vi như mô hình đã nêu trên của Yuri Lotman (chú thích 10).

21. như trên, tr.564.

22. Tham khảo Richard Ohmann, Politics of Knowledge, Wesleyan U.P., 2003, để tìm hiểu sâu hơn về xu thế biến hệ thống đại học thành công nghiệp và thị trưong kiến thức cao cấp ở Mỹ hiện nay.

23. Donald Hall, Poetry and Ambition, Univ. of Michigan Press, 1988, tr.130. ý kiến này đáng quan tâm vì D. Hall là bộ mặt trưởng thượng trong dòng thơ chủ lưu HK.

24. Phái Language Writing nhờ các quan hệ chiến lược với đại học và mạng lưới tiên phong chủ nghĩa Âu-Mỹ đã được văn hóa chủ lưu HK chấp nhận và phát huy ảnh hưởng khá rộng trong thi ca thử nghiệm dùng Anh ngữ (Canada, Úc, Anh, kể cả Hoa Lục). Nhưng thế hệ nhà thơ trẻ có ý thức lịch sử-xã hội hôm nay ở Mỹ đã nhận ra tính chất lý thuyết tháp ngà của phái Ngôn Ngữ HK và yêu cầu giới làm thơ phải bám vào sáng tác và không được quên trách nhiệm của người nghệ sĩ công dân. Trong cuộc hội thảo thi ca quốc tế (thật ra chỉ là thế giới Anh ngữ) tại đại học New Hampshire tháng 8-1996 phái Ngôn Ngữ và mô hình thơ thử nghiệm HK đã bị chất vấn triệt để. Xem Steve Evans, The American Avant-Garde after 1989, trong Assembling Alternatives, Romana Huk chủ biên, Wesleyan U.P., 2003.

25. Theo ước tính của ngành dân số học HK, đến giữa thế kỷ 21 người Mỹ da trắng sẽ trở thành thiểu số; xem Richard Gray, sách đã dẫn, tr.563. Sự khủng hoảng về bản sắc văn hóa ấy đang là đề tài của học thuật HK, tìm đọc David Savran, Taking It like a Man, Princeton U.P., 1998.

26. Một số bài giới thiệu, điểm sách về nhóm Tân Hình Thức đã được dịch (với nhiều sai sót!) sang tiếng Việt và đăng trên tạp chí Thơ từ số 19 (Thu 2000) đến số 25 (Thu 2003). Vì tính chất bảo thủ tập cổ, THT không gây được ảnh hưởng ngoài nước Mỹ như thơ văn Beat hoặc phái Ngôn Ngữ. Theo hiểu biết có giới hạn của người viết bài này, có lẽ THT chỉ được một ít nhà thơ VN ở Bolsa hay Sài Gòn hưởng ứng. Dù các thi sĩ THT (25 vị trong thi tuyển Rebel Angels) đã được quảng cáo rằng họ thuộc vào số các tác gia sẽ đưa nền thơ HK vào thế kỷ 21, thực tế và thời gian đã tỏ ra khá phủ phàng! Với tài nghệ thường thường bậc trung nhóm THT không gây được kỳ tích nào đáng nhớ, chẳng hạn một giải thơ Pulitzer. Theo nhận định của giới phê bình đại học HK thì thi phái ao nhà này đã suy tàn; xem Christopher Beach, sách đã dẫn, tr.173-174; và Philip Levine trong bài phỏng vấn do Harry Thomas thực hiện, Talking with Poets, Handsel Books, N.Y, 2002, tr.76.

27. Xem phần Phụ Đính.

28. đọc mục Meter trong The New Princeton Encyclopedia of Poetry & Poetics, 1993, tr.770.

29. Mark Jarman & David Mason ed., Rebel Angels, Story Line Press, 1996. Thi tuyển này cũng như mấy tên sách khác cổ xúy thơ THT đều do nhà xuất bản nhỏ Story Line Press ở Oregon in ấn.

30. Đọc Khế Iêm, Tân Hình Thức, Văn Mới, 2003. Trong bài đầu có tính lý thuyết, tác giả tuyên bố: “...thơ THT Việt... sử dụng NGÔN NGỮ ĐỜI THƯỜNG, kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do tiếng Anh, phá vỡ âm hưởng Tiền Chiến...” (tr.12). Lập luận như thế là đầu Ngô mình Sở vì ai đọc thông thạo tiếng Anh cũng có thể kiểm chứng rằng thi phái THT nặng lời bài bác, phê phán loại thơ tự do (free verse) bất qui tắc và phá luật, được dạy khắp các đại học đồng thời rất thịnh hành trên sách báo HK. Ở bài tiếp theo (viết vào mùa xuân 2001) tác giả Khế Iêm đã phát biểu sai lạc và không bằng chứng như sau khi ca tụng thi phái THT: “...cho đến bây giờ vẫn là một phong trào đang ở thời kỳ sung mãn nhất của thơ HK, trong khi Thơ Ngôn Ngữ lui dần vào bóng tối” (tr.33). Đúng là không gì nguy hiểm bằng sự thiếu thốn thông tin, đặc biệt với một người khảo cứu, vì óc hư cấu ở đây hoàn toàn bất lực nếu không nói là có hại. (Cho đến nay tôi vẫn thắc mắc tại sao Khế Iêm lại cứ gán cái danh xưng THT vào sáng tác của nhóm mình trên tạp chí Thơ trong khi râu ông chẳng liên can gì đến cằm bà!)

31. Nếu chịu khó xem từng dòng thơ trong Rebel Angels người đọc cẩn thận sẽ nhận ngay ra một điều: các nhà thơ THT tôn trọng ước lệ và cách luật nên tránh cưỡng bức cú pháp với ngữ nghĩa; khi chuyển mạch văn hay dứt ý mới ngắt câu. Chỉ khi nào câu thơ dài quá khổ họ mới phải bắt buộc vắt dòng, trong khi các bạn trên TC Thơ lại biến trò vắt dòng thành một tiểu xảo máy móc thiếu suy nghĩ. Có thể tham khảo Chân Phương, Vũ Điệu của Lời, TC Thơ 18, Xuân 2000, tr. 4-9, để tìm hiểu thêm về nghệ thuật của ngôn ngữ thi ca hiện đại.

32. Chân Phương, tiểu luận Thơ Việt đi về đâu?; cùng phỏng vấn Chân Phương do Thụy Khuê thực hiện, Tình Hình Thơ Ca VN Hôm Nay, Hợp Lưu 80, Xuân 2005, tr. 40-60 .

33. Có khá nhiều sách phân tích chính sách cực hữu của chính phủ W. Bush nhưng Michael Lind, Made in Texas, Basic Books, 2003 là đáng đọc vì tác giả sinh trưởng ở Texas nên am hiểu chính tình miền Nam. Khảo cứu tổng quan về chủ nghĩa dân tộc da trắng do Carol Swain, The New White Nationalism in America, Cambridge U.P., 2002, là tài liệu phong phú nhất.
34. Đây là đề tài hay cho một số chủ đề Hợp Lưu tương lai. Trong khi chờ đợi nên đọc lại Guy Debord, La Société du Spectacle, Folio-Gallimard,1992.

No comments: