Friday, April 12, 2013

CHU THẦN LÀ CHA HOÀNG CAO KHẢI



Thân sinh của Cao Bá Quát là ông đồ Cao Hữu Chiếu - một danh nho tuy không đỗ đạt gì. Ông hướng con cái vào đường khoa cử với rất nhiều kỳ vọng. Đời Chu có 8 kẻ sĩ : Bá Đạt - Bá Quát, Trọng Đột - Trọng Hốt; Thúc Dạ  - Thúc Hạ, Quý Tuỳ - Quý Đa. Tám  hiền sĩ đời Chu này đều là bốn cặp sinh đôi. Ông chọn hai tên trong tám kẻ sĩ đời Chu đặt tên cho hai đứa con sinh đôi của mình: Cao Bá Đạt, Cao Bá Quát là muốn cho hai con sẽ trở thành những bậc hiền tài giúp nước. Cao Bá Quát đặt tên tự cho mình là Chu thần (quan nhà Chu) cũng ngụ ý đó.



Năm 1841, nhân một khoa thi hương – ân khoa của Thiệu Trị, Cao được cử làm sơ khảo kỳ thi Thừa Thiên. Vì mến tài một số sĩ tử, ông lấy muội đèn chữa quyển của thí sinh phạm húy. Việc bại lộ, Cao bị tra tấn, suýt bị tội chết, sau phải đi làm lao dịch theo một đoàn thuyền của hoàng gia đi mua hàng xa xỉ ở Indônêxia. Từ nước ngoài trở về, Cao bị thải về Hà Nội, sống nhờ vợ bên hồ Trúc Bạch. Năm 1847, ông được triệu vào kinh, đến năm Tự Đức thứ ba 1850, ông ra làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây), gần như bị đuổi khéo về Bắc.


Năm 1853, Cao Bá Quát lấy cớ mẹ già, thôi chức giáo thụ và năm sau 1854 làm quân sư cho Lê Duy Cự dấy nghĩa ở Mỹ Lương (Mỹ Đức, Hoà Bình) chống lại triều đình nhà Nguyễn. Bọn phong kiến gọi là giặc Châu Chấu. Khởi nghĩa thất bại, Cao hy sinh ngay trong trong trận đánh cuối cùng ở huyện Yên Sơn. Tự Đức đã tru di ba họ nhà ông 1855 (1).


Cao Bá Quát sáng tác nhiều, cả Hán lẫn Nôm : Tài tử đa cùng phú, Cao Bá Quát thi tập, Cúc Đường thi thảo, Cao Chu Thần di cảo, Mẫn Hiên thi tập (4 tập). Tất cả có trên 1.000 bài.

Thơ Cao Bá Quát nổi tiếng hay, tài năng thi hào được người đương thời và  đời sau xem như thần thánh che mờ cả thời Tiền Hán và Thịnh Đường. Đức độ của người được muôn đời kính trọng, xót thương.

*

Trên con đường viễn du Phú Thị - kinh đô Huế, Cao Bá Quát thường ghé thăm anh trai Cao Bá Đạt làm tri huyện Nông Cống. Tại huyện đường của ông anh có một viên thư lại là Hoàng Văn Đồng. Ông này có một người vợ tuyệt thế giai nhân, giỏi thi phú. Người đẹp Mỹ Lệ thường xướng họa rất tâm đắc với Bá Quát. Một số bài thơ viết về phong cảnh Thanh Hóa như Vịnh Thanh Hoá Miêu Tử sơn (Vinh núi Con Mèo ở Thanh Hoá), Vọng phu thạch (Hòn Vọng Phu Thanh Hóa)…còn lại trong di cảo của Cao là ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt này. Ở đây, đã nẩy nở một thiên tình sử giữa danh sĩ với giai nhân. Mối tình của họ kéo dài 5 năm từ 1848-1853, để lại biết bao huyền thoại. Áng thơ tình diễm tuyệt dưới đây là của nàng Mỹ Lệ gửi người tình Chu Thần Cao Báo Quát:


THẤT THẬP DẠ THỪA NGUYỆT,TẨU BÚT KÝ HỮU NHÂN          

Thiên cao chúng tinh hy

Minh nguyêt tĩnh như thủy

Tứ tức hậu trùng minh

Sắt sắt kim phong khỉ (khởi)

Đường thượng hữu giai nhân

Ỷ lan sầu bất ngữ

Khởi thị dạ hà kỳ

Bộ bộ hành phục chỉ

Bất ưu trường dạ hàn

Đãn tích nguyệt tương mỹ

Thiếp niên thị bát thời

Doanh doanh chính tương tị (tự)

Trưởng đại ái dư nghiên

Thượng tưởng dung nhan mỹ

Noa y hiệt kỳ quang

Bất nhẫn nhàn phao trí

Tài tác hợp hoan thư

Ký tử tâm trung sị (sự)


Dịch nghĩa:



ĐÊM MƯỜI BẢY DƯỚI ÁNH TRĂNG VIẾT CHẠY BÚT GỬI BẠN

Trời cao, sao lác đác

Trăng sáng trong như nước

Lạnh lùng tiếng sâu mùa kêu

Sàn sạt gió vàng nổi dậy.

Trên nhà có một người đẹp

Ngồi tựa lan can buồn không nói

Bỗng đứng dậy xem đêm đã khuya chưa

Bước một bước lại dừng một bước

Không lo đêm dài lạnh

Chỉ sợ đêm sắp tàn

[Nghĩ lại} khi thiếp tuổi đôi tám

Cũng đầy đặn như trăng

Lớn lên vẫn yêu cái đẹp xưa

Những tưởng giữ mãi được như thế

Kéo áo bọc lấy ánh trăng

Không nỡ dễ dàng bỏ phí

Xén ra thành bức thư hợp hoan

Gửi cho chàng những điều tâm sự.


                 KHƯƠNG HỮU DỤNG dịch


Tình cảm quá đẹp giữa hai người qua bài thơ  đã thật nặng gánh trần duyên. Năm 1850, điều mà Cao Bá Quát mãi mãi không thể ngờ tới là đôi tài tử  có với nhau cậu con trai Hoàng Văn Khải – theo khai sinh họ bố chính thống hiện thời. Sau này, khi cả hai ông bố đẻ và bố nuôi không còn trên thế gian nữa, bà mẹ mới gọi  con trai 18 tuổi lại, tiết lộ bí mật này trước khi cậu đậu cử nhân ân khoa 1868 dưới triều Tự Đức - cùng khoa với Phan Đình Phùng. Cậu Khải rất đỗi kinh ngạc, đành chấp nhận sự thật kinh hoàng, không ngờ mình là một giọt máu của bậc kỳ tài nổi loạn, xin đổi khai sinh lấy chữ Cao ghép vào giữa thành HOÀNG CAO KHẢI !

Hoàng Cao Khải  mới đỗ cử nhân, bổ làm huấn đạo, rồi tri huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Tuy quan tước ở hàng tam phẩm nhưng theo năng lực vẫn được Nguyễn Hữu Độ dẫn dắt, tiến cử phong lên làm Tổng đốc Lạng Sơn, tổng đốc Hải Dương, tổng đốc Bắc Ninh...  Với thành tích đánh dẹp phong trào Cần vương ở Bắc bộ, và giải giáp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Hoàng Cao Khải  đã được Triều đình nhà Nguyễn tấn phong đến chức Khâm sai Kinh lược sứ Bắc Kỳ (người Pháp gọi là Phó vương - vice), quyền uy nghiêng ngửa thiên hạ. Cuối đời, ông được triệu về Kinh giữ chức Thượng thư bộ Binh. Nhìn chung, Hoàng Cao Khải là nhân vật lịch sử công ít tội nhiều.

  Thái Doãn Hiểu 



---------------------

(1) Nhưng theo dã sử thì lại khác. Cao không chết mà sống ẩn vào dân gian một thời gian dài. Nhà văn Xuân Cang bảo tôi: “Cao Bá Quát tuổi con rồng, mà lại là rồng đất trốn trong hang thì có trời bắt được”. Điều Xuân Cang nói ứng với lệnh truy nã Cao Bá Quát của triều đình nhà Nguyễn vẫn có hiệu lực vào năm 1858 và mãi về sau.

Nguồn: Bichkhe.org



No comments: