Nghe tin bà ngoại mất, tôi chạy vội về quê. Bà tôi đã được Trời Phật cho
sống tới 99 tuổi. Với cái tuổi đại thượng thọ đó, ở quê tôi, thì, đám ma của bà
rất ít tiếng gào thét khóc than mà lại dư thừa những lời trầm trồ thán
phục vui vẻ, chúc tụng.
Trong căn nhà ngói 3 gian cũ kĩ đã hơn 100 tuổi của cụ cố tôi để lại, mấy năm
cuối đời bà ngoại tôi vẫn ngủ trên cái chõng tre nhỏ xíu, đen bóng kê ở một góc
nhà. Đưa bà ra đồng xong, về nhà, hai mẹ con tôi lúi húi dọn lại chỗ của bà.
Mấy thứ đồ dùng sinh hoạt vặt vãnh hàng ngày đã theo bà gần một thế kỉ
như cái khay trầu bằng đồng méo mó, cái cối dã vỏ nhỏ xíu, hai bộ quần áo nâu,
chiếc lược đồi mồi đã gẫy gần hết răng thì mẹ tôi đã bỏ cả vào trong quan tài
lúc khâm liệm bà: để cho xuống dưới ấy bà có cái mà dùng. Mẹ tôi bảo như vậy.
Còn cái bình vôi sứt miệng của bà vất lăn lóc ở gậm giừơng thì mẹ tôi nhờ
tôi là sớm mai đem ra gửi ở gốc cây Đa ngoài đền làng.
Con gái tôi học năm thứ 3 khoa quản lý nhân sự trường đại học Troy-
Stats bên Mỹ đang về nghỉ tết bèn hỏi tôi:
- Thưa bố, tại sao cái bình vôi cũ kĩ và bây giờ đã trở nên vô dụng ấy không
vứt béng xuống ao nhà ta mà lại phải đem gửi ở dưới gốc cây
Đa ngoài đền làng.
Cách đây vài hôm tôi có đọc cho cháu nghe bài đồng giao Thằng Bờm có cái quạt mo và cháu đã
có những ý kiến rất thông tuệ về cái triết lí Vi An mang đạo vào đời, sống đạo
cho đời, hành đạo với đời ẩn dấu lấp ló bên trong những câu hát thông minh
nhưng lại giả vờ ngây ngô của bài đồng giao lạ lùng đó. Nghe cháu hỏi như vậy,
tôi bèn thong thả giải thích cho cháu rằng theo phong tục của người Việt
ta từ bao đời nay bình vôi là một vật dùng có tính tín ngưỡng nên khi không
dùng nữa thì cũng không được phép vất đi mà phải gửi nó vào dưới các gốc cây.
Tôi vừa dứt lời, cháu liền hỏi:
- Đây là một tín ngưỡng có tính ma thuật hay là một tín ngưỡng có tính tôn
giáo.
- Đó là một tín ngưỡng có tính ma thuật bởi vì nó có một quyền năng huyền bí
gắn bó với vận mệnh gia đình người xử dụng nó.
- Thí dụ.
- Khi vôi đóng thành bờ trên miệng bình thì trong nhà làm ăn phát đạt. Ngược
lại khi bình bị mẻ miệng thì nhất định sẽ có điều chẳng lành xẩy ra.
- Một vật có tính tín ngưỡng như thế, khi không dùng nữa tại sao không để trên
bàn thờ hoặc một nơi trang trọng nào đó, mà lại cứ phải gửi dưới gốc cây
Đa ở đình làng .
- Vì gốc cây Đa thường là nơi khí thiêng đất trời tụ lại. Gửi bình vôi
vào đấy là để khí thiêng tụ vào bình vôi. Vì sao ? Vì vôi là chất đá, được tích
tụ khí thiêng của trời đất, lâu ngày đá kết thành tinh thì càng làm tăng quyền
năng linh thiêng ma thuật.
- Chính vì thế gốc Đa nào có nhiều bình vôi thì thường biến thành nơi thờ cúng.
- Rất đúng. Nhưng không phải thờ cúng cái bình vôi mà là thờ cúng cái cây. Và
lúc đó tín ngưỡng ma thuật sẽ chuyển sang thành tín ngưỡng có tính tôn
giáo chia ra làm hai dòng để sùng bái. Dòng Nữ thần và dòng Nam thần. Dòng nữ thần ẩn mình
trong cây cỏ. Dòng Nam
thần ẩn mình trong đất đá.
Buổi chiều hôm đó khi đã vãn khách, tôi dẫn cháu ra sau nhà chỉ cho cháu
xa xa giữa cánh đồng lúa xuân có một quả gò um tùm cây cối và đặc biệt
giữa gò có cây gạo cổ thụ vưon lên thật cao. Tôi kể cho cháu nghe là hồi
tôi còn bé, thường là vào ngày mồng một hay ngày rằm mỗi tháng, tôi hay
theo ông ngoại mang xôi gà, hương hoa ra ngoài quả gò, đặt lên một
cái bệ ngay dưới gốc cây gạo chôn dấu rất nhiều bình vôi để cúng thổ thần. Quả
gò hoang đó, cây gạo cổ thụ đó, đã thành nơi thờ cúng rất thiêng không ai dám
đến buông tuồng, bẻ cây cối, phóng uế trên gò. Trẻ chăn trâu nghịch như quỷ
cũng không dám bén mảng tới đùa nghịch phá phách. Thổ thần sẽ che chở phù hộ,
trông nom, canh giữ cho ruộng đẩt trên cánh đồng quanh năm mưa thuận, gió
hoà, bà con nhà nông bốn mùa cấy cầy làm ăn no ấm.Và tôi cũng nói thêm là, khi
người ta xây một cái miếu hoặc một ngôi đền để thay thế cái bệ thờ dưới
gốccây, thì, tục lệ thờ thần linh trên cái cây đã chuyền sang thờ thần linh
trong cái miếu trong ngôi đền. Tuy thế, cây cổ thụ vẫn đầy tính cách linh
thiêng, không ai dám động đến chứ đừng nói đến cái đoạn đốn chặt nó. Điều đó
cũng giải thích vì sao tại các làng quê nước Việt ta, cho đến bây giờ vẫn còn
giữ lại được khá nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi, rất quý hiếm.
Sử cũ còn chép rằng: theo sách Cương Mục thời vua Lê thì vua
Lê Thánh Tông đã có sắc lệnh cấm không được chặt những cây đã được thờ cúng. Và
nhân dân còn tin rằng người nào chỉ cần hái một cái lá trên cây thôi cũng bị ốm
đau quặt quẹo. Tính linh thiêng của những cái cây ấy đã thuộc quyền sở hữu của
các thánh thần. Và quyền phép của thánh thần đã cư ngụ ở trong cây.
Khi những cây có chôn dấu nhiều bình vôi được thờ cúng. Thoạt đầu người ta bày
lễ vật ngay dưới đất cạnh gốc cây. Dần dà người ta xây một cái bệ ngay dưới gốc
cây để đặt đồ tế lễ . Người đến cúng lễ đông dần, người ta bèn cất lên một cái
chòi tre để che mưa che nắng cho cái bệ thờ. Năm tháng qua đi, tới một ngày có
một cái miếu nhỏ hiện lên thế chỗ cho cái chòi tre. Rồi dần dần cái miếu
thay thế cho cái cây là nơi linh thiêng vì nhiều kì tính uy linh hiệu nghiệm
trở thành địa chỉ của con nhang đệ tử tứ phương nơi nơi lũ lượt hành
hương tới dâng lễ cầu xin. Tới lúc đó thì cái miếu đã trở thành cái đền. Có thể
kể tên một số ngôi đền ở Bắc Bộ nổi tiếng linh thiêng như đền Sòng ở Thanh Hoá,
đền Phủ Giày ở Nam Định thờ bà chúa Liễu Hạnh rất thiêng.
Con gái tôi có vẻ thích thú khi nghe nói đến đền thờ các bà thần
nữ. Tôi cũng nói luôn cho cháu hiểu là trong số các Nữ thần được cúng bái
ngưòi ta cũng chia ra nhiều loại cao thấp khác nhau. Tạm kể: Bà Chúa, Bà
Cô, Đức Mẫu hay Đức Thánh Mẫu. Tất cả những thần nữ đều là linh hồn của những
người phụ nữ ngày xưa đã từng có những năm tháng sống ở trên thế gian này đến
khi thác (chết) thì được nhân dân suy tôn là thần nữ.
Đàn ông thờ cúng Nam
thần có nghi lễ riêng và đàn bà thờ cúng Nữ thần cũng có nghi lễ riêng. Tính
chất lưỡng diện
đó là một đặc trưng riêng biệt của văn minh Việt Tộc từ xa xưa. Cũng chính tính
chất lưỡng diện
đó là hai đầu trục Âm Dương của xã hội Việt Nam từ bao đời nay.
Sau khi nghe tôi nói như vậy thì con gái của tôi bèn nói:
- Như vậy có thể hiểu rằng thần đạo khởi nguồn từ các tục thờ cúng cái
cây.
Và khi thấy tôi gật đầu thì cháu bèn hỏi tôi có biết chút ít gì không về cái
cây trong tâm linh của người Ấn Độ. Tôi thú thực là bố dốt đặc về vấn đề này.
Thế là bây giờ đến lượt con gái tôi giảng giải cho tôi hiểu là người Ấn Độ cũng
có tục thờ cái cây như người Việt Nam ta.Từ ngàn xưa người Ấn Độ đã tin rằng
cây có những đức tính mầu nhiệm và linh thiêng. Có thần ngụ trị trong cây.
Người Ấn Độ cũng coi cây là trung tâm linh địa ở giữa nước và đá. Cây ban phát
phúc lành và tri thức cho cho sự sinh sôi nảy nở. Cây đã biến hoá vào trong đạo
Phật dưới hình thức nhân cách hoá rất cao. Trong kiếp trước của Đức Phật Thích
Ca Mâu Ni có rất nhiều điển tích về thần linh của cây và chính Đức Phật Thích
Ca đã đắc đạo chính giác dưới một cây Bồ Đề cổ thụ.
Ở nhà quê dự đám tang bà ngoại tôi hết một tuần thì bố con tôi lại
kéo nhau ra thành phố. Con gái tôi thủ thỉ: Về dự tang cụ ngoại lần này, con
lại có dịp được mở mang tầm mắt. Bố nhỉ, ở đời có biết bao câu chuyện lí
thú ẩn náu trong những vật dụng tưởng như rất tầm thường quanh ta. Cái bình
vôi. Thật tuyệt diệu .
Và cháu chìa cho tôi xem một cái bình vôi cũ kí dấu trong chiếc va li nhỏ rất
sang trọng của cháu, đó là cái bình vôi - vật bất li thân gần
một thế kỉ nay của bà ngoại tôi. Con sẽ giữ cái bình
vôi này làm kỉ niệm. Cháu nói như vậy Tôi bảo cháu: con phải giữ
dìn nó thật cẩn thận. Hơn tám muơi năm qua (Bà ngoại tôi ăn
trầu từ năm 13 tuổi) cụ ngoại của con đã giữ nó không bị sứt một tí
nào.Vì thế mà bao nhiêu năm nay tai hoạ đã không dáng xuống gia đình ta.
Và con hãy nhìn kĩ mà xem vôi kết bờ rắn như đá chung quanh miệng bình
chẳng là minh chứng cho điều đó hay sao.
Hôm tiễn con gái quay trở về đại học Troy-Sate bên kia bờ Đại Tây Dương.
Trên đường ra sân bay, hai bố con đi ngang qua một cái ngã tư thênh thang trơ
trụi cây cối ở cuối thành phố. Con gái tôi chỉ cho tôi nhìn đám đông các bà các
cô xúm xít quì xụp khấn vái dâng lễ, đặt lễ lên trên cái bệ xi măng loi thoi
trơ trọi trên góc vỉa hè thông thống hun hút gió lạnh. Tôi hỏi cháu: con còn
nhớ nơi này không. Cháu gật đầu .Con nhớ. Nơi đây, ngày xưa, khi con còn bé,
mỗi khi đưa con đi nhà mẫu giáo, ngang qua đây là bố vẫn nhặt cho con bao nhiêu
là cái búp đa
.
Tại sao lại nhặt được bao nhiêu là cái búp đa giữa một nơi trơ trụi ngã tư đô
thành náo nhiệt này. Có phép màu không ? Có đấy.
Vì cũng chính tại nơi đây có một cái mếu nhỏ rất thiêng nằm nép
mình dưới bóng cây đa cổ thụ trăm tuổi cành lá xum xuê xanh biếc.
Vậy mà bây giờ… Cái ngã tư đã được mở rộng ra gấp ba lần, ngạo nghễ
phơi mình giữa những cơn gió xuân lạnh lẽo ghê người. Còn ngôi miếu nhỏ và cây
đa cổ thụ thì đã biến đâu mất rồi. Và tôi không thể nào còn nhặt được những búp
đa cho con gái của tôi .
…
Phép màu đã biến mất
NĐC - Xuân Mậu Tý 2008
No comments:
Post a Comment