Tuesday, April 9, 2013

CHẲNG MỚI CHẲNG CŨ - NHỚ 2008



NĐC - năm 2008-



Trả lời của Nhà văn Nguyễn Đình Chính (Việt Nam)



Tôi không hào hứng với câu hỏi phỏng vấn mà các anh trong BBT Hội Luận Văn Học Việt Nam đưa ra (có vẻ thi cử quá, chuyên nghiệp quá). Nhưng thôi, nhập gia thì phải tuỳ tục. Noi gương anh Lý Đợi và anh Nguyễn Văn Lục, tôi xin nộp bài cho Hội Luận như sau:


1- Anh/chị muốn hay không muốn nêu danh tính?

+ Tôi là nhà văn Nguyễn Đình Chính, hiện sống ở Hà Nội, Việt Nam. Không có nhu cầu dấu tên.

2- Anh/chị tiếp cận ít hay nhiều với văn chương ở hải ngoại (đọc các tạp chí văn học, đọc trên mạng, quen biết giao lưu với những người cầm bút, v.v…)?

+ Hơn chục năm nay tôi quan tâm tới văn học hải ngoại nhiều hơn văn học trong nước. (Nói vậy anh em bạn văn trong nước đừng giận. Chúng ta đã quá quen mặt, thuộc văn của nhau rồi, có phải không ạ?)
Mấy năm qua các ông Khánh Trường, Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Trần Thiện Đạo và một vài vị khác nữa khi về Hà Nội có ghé thăm tôi tại nhà riêng của tôi. Chúng tôi mời nhau đi ăn tiệm, uống cà phê và hội luận đủ mọi thứ chuyện. Nào là chuyện văn chương, chuyện gia đình vợ con, chuyện nhân tình thế thái, chuyện chính trị chính em… Khi chia tay lại tặng nhau quà, thường là chút ít trà, rượu, thuốc (thuốc lá) và sách. Chưa thấy quý vị văn nghệ sĩ hải ngoại nào mang lửa về làm quà tặng tôi cả. Do vậy tôi (nhất là vợ con tôi) yên tâm lắm và lâu lâu cả nhà tôi lại thấy nhớ mấy vị đó. Đọc bài trả lời phỏng vấn của anh Nguyễn Văn Lục, tôi thấy chúng ta nên nhờ cái diễn đàn này mà tích cực tìm nhau, kết bạn văn chương với nhau từng cá thể, từng nhóm nhỏ (nếu hợp) để mà thỉnh thoảng hội luận riêng tư với nhau qua thư điện tử. Cao hứng thì hội luận công khai trên mạng lưới toàn cầu qua các trang báo mạng. Thưa anh Lục, anh nghĩ sao? Tôi có cái địa chỉ của tôi đây: nguyendinhchinhhanoi@yahoo.com.vn . Mong thư của anh.

3- Anh/chị có bao nhiêu tác phẩm đóng góp với các tạp chí, báo mạng ở hải ngoại?

+ Ngược với anh Lý Đợi, tôi không hứng thú xuất bản các tác phẩm của tôi trên báo, tạp chí in bằng giấy ở hải ngoại. Lí do: ít người đọc. Gần đây tôi quan tâm tới các trang web (báo mạng). Năm 2007 tôi có một số bài trên Talawas, và năm 2008 này thêm Tiền Vệ.

4- Anh/chị có tiếp cận với những tác phẩm của những nhà văn ở hải ngoại in trong nước không? Trong trường hợp có, anh/chị đánh giá những đóng góp đó thế nào?

+ Tôi đọc nhiều các tác giả hải ngoại. Kể không xiết. (Tôi có nguồn sách riêng của tôi). Tác phẩm của các anh, các bạn hải ngoại gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Cái câu hỏi sau tôi không hiểu. Bỏ qua. (Tự nguyện mất điểm).

5- Văn chương ở hải ngoại đã đóng góp gì, hoặc có thể đóng góp gì, vào văn hóa Việt Nam nói chung?

+ Về hình thức thì đi tiên phong. Về nội dung thì hơi luẩn quẩn. Bị chính trị chi phối dữ dằn hệt như ở trong nước. Đóng góp gì vào văn hoá Việt Nam? Lại một câu hỏi tối nghĩa. Xin cố trả lời cũng rất tối nghĩa như sau: Làm cho văn hoá Việt Nam (phần văn chương chữ nghĩa) thêm phong phú hận thù cộng sản.

6- Vì dễ tiếp cận với trào lưu thế giới, những người cầm bút ở hải ngoại có thể đóng góp thế nào (viết, dịch…) về mặt lý thuyết và lý luận văn học với trong nước?

+ Chịu khó tìm sách mà đọc (sách dịch trong nước nhiều lắm!) lại biết thêm tiếng Mỹ, tiếng Pháp thì ai cũng có khả năng tiếp cận với các trào lưu quốc tế. Về dịch thuật (nhất là sách lí luận phê bình) thì phải cám ơn nhiều những người cầm bút ở hải ngoại. Tôi thấy đa số các nhà lí luận phê bình (không đọc được tiếng Mỹ, tiếng Pháp) đang nổi lên như cồn ở trong nước nên bái các vị đồng nghiệp ở hải ngoại là sư phụ.

7- Những cơ quan chính thức trong nước như Hội Nhà Văn ở trung ương, các thành phố và địa phương có vai trò gì trong vấn đề hội nhập trong-ngoài không? Và nếu có, họ phải làm gì để thúc đẩy?

+ Hội Nhà Văn trong nước vẫn tích cực thúc đẩy hội nhập văn học nghệ thuật theo cách riêng của Hội. Có mà điên mới lăm le làm thầy để khuyên bảo mách nước cho Hội phải làm như thế này làm như thế kia. Hoang đường quá!

8- Những nhà xuất bản trong nước có vai trò gì trong vấn đề hội nhập trong-ngoài không? Và nếu có, họ phải làm gì để thúc đẩy những việc in ấn, phát hành, v.v…?

+ Hàng năm, số đầu sách in của các nhà xuất bản trong nước rất nhiều. Các nhà xuất bản của các bạn ở hải ngoại thua to. (Nhưng đấy là in sách dịch đâm chém giết hiếp), còn in các tác phẩm văn nghệ hải ngoại viết bằng tiếng Việt thì lèo tèo như lá mùa thu. Luật xuất bản hiện hành trong nước đang cản trở các nhà xuất bản trong nước tiến hành việc hội nhập văn học viết bằng tiếng Việt trong ngoài nước.

9- Những nhà văn trong nước khuyên gì để những nhà văn ở hải ngoại ứng xử thích hợp với khâu kiểm duyệt và in ấn trong nước?

+ Thưa các bạn văn sĩ hải ngoại, chúng tôi đây văn sĩ trong nước còn đang tá hoả chưa biết ứng xử thế nào là ứng xử thích hợp với khâu kiểm duyệt và in ấn ở trong nước. Ốc còn chưa mang nổi mình ốc đây đâu dám khuyên bảo dạy dỗ ai.

10- Anh/chị chắc chắn có những suy tư về vấn đề hội nhập nói trên: xin anh/chị trình bày những suy tư đó, và những biện pháp để trong-ngoài có điều kiện gầy dựng một nền văn hóa Việt Nam, không phân biệt văn chương ở hải ngoại hay văn chương trong nước.

+ Hội nhập văn chương, theo tôi, là phải cùng nhau cố gắng sáng tác những tác phẩm đích thực. Văn học phải đa nguyên (chấp nhận nhiều truờng phái). Văn học phải độc lập. Văn học phải cảnh giác quyền lực chính trị; phải cảnh giác những hệ tư tưởng thù địch đã lỗi thời. Đó là mấy điều kiện cần để hội nhập văn chương. Hội nhập bằng tác phẩm của từng cá thể văn nghệ sĩ, của từng nhóm nhỏ văn nghệ sĩ. Tôi thấy bây giờ mà nô nức kéo nhau về nước họp một đại hội Diên Hồng văn chương thì không phải là ảo tưởng mà còn trên cả ảo tưởng (điên). Hội nhập đâu không thấy chỉ thêm mua thù rước oán đánh nhau vỡ đầu. Văn chương trong nước (gà cùng một mẹ Hiện thực XHCN) mà chẳng còn ngồi lại hội nhập được với nhau nữa là. (Gương tầy liếp mấy kì Đại Hội Nhà Văn còn đó).

Nguyễn Đình Chính

Nguyễn Đình Chính
Một chai sâm banh cho 2 tháng làm việc



Trước tiên tôi xin cám ơn Ban biên tập Hội Luận Văn Học Việt Nam đã cho phép tôi có thêm cơ hội bày tỏ một vài ý kiến tham dự diễn đàn Hội Nhập giữa những người cầm bút trong nước và hải ngoại.
Tôi coi đây là một vinh dự.

Và cũng vì thế xin mong muốn những ý kiến của tôi sắp bày tỏ ra đây được hưởng quyền lợi quyết liệt chống lại việc bịt miệng những tiếng nói khác biệt, đối chọi thậm chí không dung dưỡng được nhau. (Đây là quyền lợi mà BBT Hội Luận đã công bố!)
Thực tâm, tôi cũng không hiểu văn nghệ sĩ có cần hội nhập không và hội nhập để làm gì.
Không biết anh em văn nghệ sĩ khác nghĩ thế nào chứ tôi thấy cái công việc viết lách của mình càng trơ trụi cô đọc một mình thì càng làm được việc. Hội hè đàn đúm diễn đàn này nọ càng nhiều thì càng tổ chia bè chia phái cãi nhau, vừa mất thời giờ vừa mất bạn bè .

Còn nếu như cần phải hội nhập thì, theo tôi, những người cầm bút ở trong nước và ngoài nước không bao giờ nên hội nhập, và cũng không thể nào hội nhập được theo hình thức tổ chức một đại hội Diên Hồng Văn học Nghệ thuật tại một địa điểm nào đó trong nước và ngoài nước.
Vì sao? Đơn giản vì khi mà nô nức tụ bạ lại với nhau thành một đám đông hùng vĩ như vậy thì ngay lập tức chúng ta (anh em văn nghệ sĩ) lập tức sẽ hóa thành một bầy đàn (con chiên) dưới cây gậy chỉ huy của Chúa. Chúa ở đây là chính trị. Mà một khi văn nghệ được chăn dắt bởi chính trị thì thế nào nhỉ ? Hình hài văn nghệ lúc đó sẽ vươn vai vụt lớn dậy sáng chói vinh dự, hay là lại hóa ra thân tàn ma dại muôn phần nhục nhã và thảm hại? Tùy các bạn muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tôi tôn trọng sự hiểu biêt của các bạn.
Đã qua bao đời nay, từ Á sang Âu, quan hệ giữa văn nghệ  và chính trị  là mối quan hệ rát kì lạ. Chính trị nghiễm nhiên vui vẻ tự phong là vua và rất thích xem văn nghệ múa hát mua vui như bày cung nữ. Nhưng hơn một thế kỉ nay tự dưng chính trị mắc bệnh rất thèm muốn ăn thịt văn nghệ. (Một chứng bệnh bí hiểm). Và văn nghệ cũng hay nhâng nháo tự nguyện chế biến mình thành món ăn khoái khẩu cho chính trị. Tôi chưa thể tìm được một lí do nào giải mã cho cái bệnh thèm ăn quái vật nói trên của chính trị, và tôi cũng chưa thể tìm được một lí do nào bênh vực cho cái nhiệt tình tự nguyện xào xáo nấu mình lên thành món ăn khóai khẩu (dù là cho ai đó) của văn nghệ.     

Tôi luôn kiên trì  suy nghĩ rằng, hội nhập giữa những người cầm bút trong nước và hải ngoại chủ yếu không phải qua sự tranh luận, bàn cãi, diễn đàn, hội họp mà chính là qua con đường giới thiệu, nỗ lực tìm đọc tác phẩm của nhau. Những tác phẩm bao giờ cũng là cây cầu nối hai bờ, là mái nhà mở toang cửa cho anh em văn nghệ sĩ lui tới (cũng có thể là chui vào) gặp gỡ, ngồi lại bên nhau, hiểu nhau, thân thiện nhau, giúp đỡ nhau, nể phục nhau, kết bạn. Một tác phẩm hay chính là một Đại hội Diên Hồng văn nghệ sĩ.
Ngoài sự giao lưu bắng tác phẩm, nếu có điều kiện thì anh em văn nghệ hải ngoại cố gắng về nước; Còn anh em văn nghệ trong nước thì cũng cố gắng đi ra nước ngoài. Đi riêng lẻ hoặc tụ bạ thành từng nhóm (tuyệt đối không đi theo đoàn thể, hội này hội kia). Anh em văn nghệ tìm gặp nhau để mà làm quen và chơi với nhau, như thế là hội nhập đấy!
Trong thời đại thế giới phẳng này chúng ta nên tích cực mở trang web, blog cá nhân, có điều kiện hơn thì báo giấy, truyền thông, truyền hình, báo mạng, quán cà phê… để hàng ngày ai có nhu cầu mở miệng thì cứ đến tự do tha hồ mở miệng. Mở miệng thỏa thích. Bao giờ mỏi mồm thì thôi.
Vì vậy tôi thấy rằng hiện nay có một diễn đàn Hội luận Văn học Việt Nam như thế này là anh em văn nghệ sĩ trong nước và ngoài nước đang hội nhập đấy, đang đại hội Diên Hồng đấy. Tất nhiên diễn đàn này phải vô cùng kiên trì bảo vệ cái quyền lợi: Quyết liệt chống lại việc bịt miệng những tiếng nói khác biệt, đối chọi thậm chí không dung dưỡng được nhau. Quyền lợi này mỗi khi bị một ai đó thủ tiêu, một nhóm nào đó thủ tiêu, hay bị chính Ban biên tập thủ tiêu thì, diễn đàn Hội Luận Văn Học Việt Nam cũng cáo chung.

Xin chào mừng 2 tháng sôi động của diễn đàn hội nhập những cây bút trong và ngoài nước. Trong 2 tháng qua tôi có chú ý theo dõi những bài viết in trên Hội Luận Văn Học Việt Nam, tôi cũng đồng tình với Ban biên tập là cũng nên bế mạc chủ đề Hội Nhập giữa những người cầm bút trong nước và ở hải ngoại. Tôi cũng nghĩ rằng, các bạn trong Ban biên tập không nên làm một cái tổng kết gì đó, mà nên dành thời gian mở một chai sâm banh cùng nâng cốc chúc cho 2 tháng làm việc có ích cho nền văn học chữ Việt.

Không biết Hội Luận kỳ tới có Chủ đề gì, nếu bàn về văn nghệ mới trẻ trung thì tôi xin được góp một tiếng nói với các bạn. Xin tặng các bạn các bài thơ mới sáng tác. (*)


Nguyễn Đình Chính



No comments: