Sunday, April 7, 2013

NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH THI

     


TÀI NĂNG VÀ DANH VỌNG

Nguyễn Đình Thi chào đón Cách mạng tháng Tám với hai tác phẩm nhạc để đời: Diệt phát xít và Người Hà Nội. Từ đấy sức sáng tạo mở dần ra với các thể loại văn học, thơ, tiểu thuyết, kịch và ở lĩnh vực nào ông cũng có thành tựu cao.

Trước khi đến với văn nghệ, Nguyễn Đình Thi gắn bó với triết lhọc. Ở tuổi 20 ông đã viết các công trình nghiên cứu về Kant, Descartes và Nietzche... Trong Từ điển các nhà triết học xuất bản ở Pháp có hai mục từ: Trần Đức Thảo và Nguyễn Đình Thi. Tư duy triết học không hạn chế tư duy nghệ thuật mà hỗ trợ có hiệu quả cho nhận thức xã hội qua trang viết.

Tôi được biết và làm quen với nhà văn Nguyễn Đình Thi từ khi tiểu thuyết Vỡ bờ tập I của ông xuất bản. Dư luận khen và có các bài phê bình của Trịnh Sơn Vỡ bờ một bước tiến mới của tiểu thuyết Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Phan Ngọc Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi và Vỡ bờ (quyển I) của Nguyễn Đình Thi của Vũ Ngọc Phan.

Bài của tôi với tên đề Vỡ bờ một thành công mới của Nguyễn Đình Thi. Tôi muốn được gặp tác giả để nghe chuyện bếp núc về cuốn tiểu thuyết. Ông hẹn tôi vào một buổi tối tại trụ sở Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du. Khoảng 7h30 tối tôi đến, ông tiếp tôi thân tình. Vỡ bờ có nhiều chuyện để nói, tác giả khiêm tốn chỉ nói nhiều về khó khăn. Phạm vi miêu tả quá rộng cả thành thị lẫn nông thôn, thời gian câu chuyện lại vận động qua nhiều thời kỳ. Như anh biết đấy, tôi hiểu biết về thành thị nhất là lớp tri thức và văn nghệ sĩ, còn về nông thôn và đời sống công nhân thì vốn sống hạn chế lắm”. Ông tiếp: “Tôi phải vận dụng thêm nhiều tri thức gián tiếp”. Tôi nói: “Cách mạng tháng Tám thành công anh mới ngoài hai mươi tuổi, nên chưa ràng buộc nhiều với thời cuộc cũ”. Nguyễn Đình Thi nói tiếp: “Như cái cảnh tôi tả Nhật vào Đông Dương cũng phải tưởng tượng nhiều về không gian, thời gian mình đều xa cách không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp. Tôi nói chuyện Nhật vào Đông Dương từ phía Na Sầm - Đồng Đăng, tôi biết một số việc cụ thể. Nguyễn Đình Thi ngạc nhiên và hỏi: “Tại sao anh lại biết, anh kể đi”. Tôi nói: “Dạo ấy bố tôi làm xếp ga ở nhà ga Na Sầm. Nghe tin Nhật sẽ vào Đông Dương và đánh vào Na Sầm, gia đình tôi phải tản cư lánh vào một bản trong khe núi cách nhà ga chừng dăm cây số. Ở Na Sầm có đồn lính Pháp đóng trên núi. Nhật đánh vào đồn nhưng vấp phải kháng cự nên đem máy bay đến ném bom rồi chiếm đồn. Từ đồn trên núi chúng bắn xuống nhà ga và ít giờ sau thì chiếm được nhà ga và cả vùng thị xã. Im tiếng súng rồi gia đình tôi lại về, nhà vẫn ở trong khu nhà ga. Lúc này tôi khoảng 6 tuổi nên vẫn chạy đi chạy lại mà không bị ngăn cấm. Một sĩ quan Nhật trông thấy tôi mũm mĩm nên thích đùa vui với tôi và dẫn đi theo loanh quanh trong trại lính. Tôi chứng kiến một số cảnh vui mắt. Lính Nhật cởi trần trùng trục đóng khố và chen chúc nhau tắm dưới vòi rồng nước của nhà ga dùng cho xe lửa. Dòng nước mạnh, to, lính Nhật thay nhau chạy vào chạy ra dưới vòi và kêu to: dô, dô, dô. Tắm xong thì lấy một khăn bông trắng to quàng ngang lưng rồi về doanh trại. Tôi nhớ lúc này người ta thường phân biệt hai loại lính Nhật và lính Cao Ly. Lính Nhật thấp hơn, lính Cao Ly người mảnh hơn và họ bảo loại này ác hơn lính Nhật. Sĩ quan Nhật có lần dắt tôi đến chỗ ăn của binh lính. Mọi người nhìn tôi cười và lấy cơm cho tôi. Tôi không ăn chỉ nhớ là cơm trắng, dẻo có thịt kho tàu và bí ngô xào. Lính Nhật ăn nhanh, không nói chuyện. Có lần người sĩ quan lại dắt tôi đến phòng chờ của nhà ga. Ở đấy có một số người Việt. Sau đó diễn ra cảnh một lính Nhật túm lấy mũi lõ của một người Tây và kéo đi trong phòng”.

Nguyễn Đình Thi bảo chuyện hay thế, anh còn nhỏ mà nhớ được như thế là giỏi. Anh hỏi thêm sau đó gia đình anh đi đâu. Tôi nói bố tôi lưu chuyển và lại về Lạng Sơn. Tôi đi học ở Lạng Sơn một ít năm. Anh Thi lại hỏi: Ở đấy có gì đặc biệt? Tôi nói tôi còn nhỏ nên không biết được nhiều. Trong ký ức của tôi chỉ còn nhớ con đường đến trường, những người dân tộc rủ nhau đi chợ, thành phố yên tĩnh và đẹp. Ở khu trung tâm có những hiệu vịt quay, vài sòng bạc nhỏ đánh đố chữ. Chiều chiều chị tôi hay đốt một tờ giấy lấy tàn than ép vào trang giấy rồi đoán xem là con gì và đi đánh chữ ở sòng bạc. Trong câu chuyện thỉnh thoảng Nguyễn Đình Thi có lúc ngừng lại châm điếu thuốc, hoặc xoa xoa hai tay, qua nét mặt như cảm thấy có một dòng suy nghĩ vẫn đang trôi trong đầu óc ông. Bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, những ngày sôi động của đất nước. Trong vị trí của mình các thế hệ đều suy nghĩ về trách nhiệm với dân tộc. Nhà văn Nguyễn Đình Thi tạm dừng việc viết tiếp Vỡ bờ tập II và ông hướng về đề tài thời sự chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Không chỉ trên trang sách mà trong cuộc đời thực tác giả văn xuôi Nguyễn Đình Thi thực sự là người chiến sĩ có mặt ở nhiều chiến trường. Đi chiến dịch Trung du ông viết Xung kích, ông có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ. Thời chống Mỹ ông đến với cao xạ pháo và không quân. Đến với chiến trường ông là nhà văn chiến sĩ vượt lên mọi thử thách. Đặc biệt trong chuyến đi Nam cùng với Tế Hanh và Phạm Tiến Duật. Lúc này Nguyễn Đình Thi đã ở vào tuổi năm mươi. Đi bộ rồi đi xe. Theo bà Yến kể lại theo lời nhà thơ Tế Hanh, chiếc xe bị máy bay địch bắn cháy anh Duật, anh Thi nhanh chân chạy thoát, anh Hanh lăn xuống chiếc hố ở gần. Đồ đạc quần áo bị cháy hết. Thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc hai binh chủng cao xạ pháo và không quân có vị trí rất quan trọng. Vào lửa được xuất bản, tôi viết bài nhận xét và được biết Nguyễn Đình Thi đang viết tiếp Mặt trận trên cao về không quân. Tôi đề nghị gặp và ông đã tiếp tôi vào một buổi chiều. Ông nói: “Tôi vừa ở sân bay về, tình hình khẩn trương và gấp rút mình cũng cố viết cho xong trong đợt này”. Về tác phẩm Vào lửa ông cho biết là ngoài những vấn đề về chiến tranh ông muốn nói đến hai thế hệ và rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Không có nhiều mâu thuẫn giữa các thế hệ mà đồng hành trong trách nhiệm chung. Chiến tranh phải có tổn thất và cũng không ai chọn cho mình cái chết. Ông không tán thành một ý kiến phê bình cái chết dấm dớ là sai. “Ra trận ai chẳng muốn vinh quang trở về, còn nếu có chết ai cũng muốn như André ngã trận trong Chiến tranh và hoà bình của L. Tônxtôi. Trong Vào lửa cũng tả một chút về tình yêu thoáng qua trong chiến tranh. Đấy là chuyện tự nhiên của cuộc sống. Cũng như trong trường hợp tác phẩm Xung kích tôi có tả quan hệ thân thiết giữa Lý và Sản ở cuối sách. Tuy nhiên có ý kiến phê bình là lãng mạn tiểu tư sản, thậm chí còn viết thư lên khi tôi đang đi chiến dịch Điện Biên Phủ đòi kiểm điểm những trang viết ấy”. Cuộc sống là đa dạng và nhiều màu sắc không thể khuôn vào những công thức chật hẹp. Tác phẩm văn chương cũng phải nói lên chân thật bộ mặt của cuộc sống không thể cắt xén. Ông cũng cho biết “viết về không quân là điều mới mẻ. Mình không phải là Sainlt Exuypéry của Pháp để vừa là nhà văn lại vừa là người lái. Cũng vì thế phải dùng hư cấu sao cho thích hợp. Mặt khác có được một cốt truyện về không quân trong tình trạng chống chiến tranh phá hoại không dễ dàng”. Tôi phải suy nghĩ và dựa vào quan hệ giữa hai anh em, người anh học lái máy bay ở Liên Xô về kịp thời tham gia vào cuộc chiến đấu và cô em gái là một cô giáo đi sơ tán ở một vùng quê. Cô em có một bạn gái làm ở một xí nghiệp, chưa có gia đình. Từng ấy chất liệu đủ tạo nên một cốt truyện. Ông ngừng lại và thở dài: “Vấn đề mới quá”. Trở lại với chuyến đi vào Nam một hành trình đáng ghi nhận. Tôi nghĩ hai bài thơ Lá đỏ và Buổi chiều Vàm Cỏ là hai bài thơ có giá trị. Nguyễn Đình Thi có lần nói với tôi: “Cái vĩ đại của Đảng ta là đã đưa hàng vạn cô gái trẻ lên Trường Sơn”. Hình ảnh em gái trong Lá đỏ là tượng trưng cho nghìn vạn cô gái đó”. Có người khắt khe cho rằng: “Cả chuyến đi Trường Sơn mà chỉ hái được một chiếc lá đỏ”. Bài thơ hay, được phổ nhạc lại càng hấp dẫn. Trong thơ nhiều khi cả đời thơ lại ghi được ấn tượng qua một bài thơ nhỏ. Trong những lần gặp, tôi cũng hay hỏi ông về thơ, thể loại mà ông xem là nói được mình nhiều nhất, về mình. Cây đàn thơ của Nguyễn Đình Thi có vẻ đẹp riêng và có nhiều âm thanh quyến rũ. Ông có một cách vận dụng ngôn từ chắt lọc, kiềm chế, vô ngôn ý tại ngôn ngoại. Phẩm chất ấy biểu hiện từ những bài thơ kháng chiến chống Pháp đến những bài thơ viết cuối đời. Thơ Nguyễn Đình Thi kín đáo, lặng lẽ mà vẫn có tiếng nói bên trong. Tôi viết một vài bài về thơ ông nhưng dường như vẫn chưa nói được bản chất của thơ Nguyễn Đình Thi. Nhận xét về thơ mình ông cho biết là có khoảng một trăm bài, chỉ có hai bài hay, mười bài khá. Ông không nói rõ hai bài hay. Người đọc dự đoán: Một là Đất nước, hai là một trong những bài Không nói, Nhớ, Buổi chiều Vàm Cỏ, Cách mạng... Cũng có thể chọn thêm một số bài khác. Nguyễn Đình Thi viết nhiều thể loại. Có người cho rằng nhạc, thơ là trội hơn cả trong sự nghiệp văn chương của ông. Nhà thơ Tô Hoài và Nguyễn Quang Sáng lại cho rằng kịch Nguyễn Đình Thi độc đáo và sắc sảo và có chiều sâu hơn cả.

Năm 1995 khi về làm Viện trưởng Viện Văn học tôi có kế hoạch mời các nhà văn có tên tuổi và bề dày sáng tác đến nói chuyện với cán bộ như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài… Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận lời đến nói chuyện. Câu chuyện dài trong ba buổi sáng. Ông nói về sự phát triển của văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám, các giai đoạn, những vấn đề và các nhà văn. Ông nói hệ thống, sâu sắc thẳng thắn, người nghe tiếp nhận những ý kiến bổ ích, mới mẻ. Ông có những nhận xét trung thực về cuộc sống, con người hiện tại. Nguyễn Đình Thi cho rằng “cách mạng xã hội chủ nghĩa thường thành công ở nước nghèo khổ. Tiếp tục khi có được chính quyền phải xây dựng đất nước giàu có. Một phần lại từ chế độ phong kiến mà ra nên cũng phải thực hành dân chủ. Tất cả phải có thời gian”. Ông cũng nhận xét xác đáng là cuộc sống nghèo nên dễ khắt khe với nhau. Người có tài chưa nhiều, người không có tài muốn thành tài phải có thời gian tu luyện. Có trường hợp đố kỵ “người có tài mà lộ ra thì kẻ bất tài xé nát ngay”. Có thật thế chăng? Dù ở mức độ nào đó cũng là điều thật đáng buồn. Nhiều suy nghĩ của ông không đưa được vào thơ vào văn xuôi mà tập trung cho kịch. Tôi đã đi xem các vở kịch Con nai đen, Hoa và Ngần, Nguyễn Trãi ở Đông Quan và Rừng trúc. Tất cả quy tụ tài năng và nhiều suy nghĩ về cuộc sống quá khứ hiện tại. Có những vở bị cấm trong một thời gian, có vở được chấp nhận thuận chiều. Có lần ông than thở đó là những tác phẩm ở ngoài phạm vi chính thống ngoài luồng. Vậy thế nào là chính thống. Thực ra Nguyễn Đình Thi say mê tìm cái mới, không thích đi lại những nẻo đường cũ quen thuộc, vượt lên những ràng buộc xưa cũ, những định kiến bảo thủ và chính đó là những trở ngại cho sự phát triển trong đó có văn học. Viết văn xuôi, ông không theo lối văn lãng mạn của Tự lực văn đoàn, làm thơ cũng phải chọn nẻo đường khác với Thơ mới, về kịch phải chú ý đến xung đột trong ý thức, tư tưởng nhân văn. Khi ông qua đời được năm năm anh Nguyễn Đình Chính con trai và một vài cơ quan văn nghệ tổ chức kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhà văn 18.4.2003. Tôi nhớ hôm đó người đến dự đông đảo, Chủ tịch đoàn cuộc hội thảo có các ông Nguyễn Trí Huân, ông Vũ Mão, bà Minh Thái và tôi. Tôi đọc bài nghiên cứu đầu tiên Nguyễn Đình Thi nhà văn hoá tài năng với cách đánh giá trân trọng và bao quát chung. Nhiều tham luận hay đặc biệt về thơ của Nguyễn Đình Thi của Thanh Thảo, Đỗ Minh Tuấn, về nhạc của Đỗ Hồng Quân… Bao tiếc nuối về tài năng một nhà văn, một nghệ sĩ về nhân cách con người. Bài viết của tôi đăng trên Văn nghệ trong dịp lễ kỷ niệm. Trước đây tôi đã chủ biên công trình Nguyễn Đình Thi về tác giả, tác phẩm. Hơn bốn trăm trang sách bài viết chưa cân đối nhất là phần kịch. Một số nhà nghiên cứu đều cho rằng viết về Nguyễn Đình Thi khó vì tác phẩm của ông bên cạnh yếu tố xác định có nhiều yếu tố tượng trưng, nhiều liên tưởng bên trong. Thơ thiên về ngôn từ nội cảm, về thanh, kịch lại mang nhiều yếu tố tượng trưng. Cuộc hội thảo kỷ niệm năm năm ngày mất góp phần bổ xung cho tuyển tập nghiên cứu về ông phong phú và đầy đặn hơn. Về tôi, tôi đã viết về thơ, văn xuôi của ông qua các chặng đường. Riêng về kịch tôi cũng không tránh khỏi khó khăn khi nghiên cứu. Nhưng đó là một việc cần làm. Tôi nhớ một kỷ niệm với ông. Vào một buổi chiều mùa hạ ngày 7.8.1987 tôi đến thăm ông tại căn phòng tập thể ở khu tập thể Trung Tự. Ông ân cần tiếp và tặng tôi Tuyển tập Nguyễn Đình Thi tập I về kịch với lời đề tặng “Tặng anh Hà Minh Đức với tình cảm quý mến”. Ông nói: “Anh đã viết cho tôi nhiều về tiểu thuyết và thơ. Nếu có thời giờ anh viết về kịch cho thì tốt”. Phải nhiều năm sau tôi mới viết được một bài nghiên cứu công phu về kịch, phần sự nghiệp sáng giá của Nguyễn Đình Thi mà mọi người đều xem là ưu trội hơn cả. Nguyễn Đình Thi là nhà hoạt động chính trị và lãnh đạo văn nghệ lâu năm. Nguyễn Đình Thi làm Chủ tịch Hội Nhà văn qua nhiều nhiệm kỳ. Ông là người lãnh đạo xứng đáng nên được tín nhiệm lâu dài của hội viên. Tuy nhiên cái gì cũng có giới hạn nên tại cuộc họp Ban chấp hành Hội Nhà văn từ mùng 5 đến mùng 8 tháng 9 năm 1988 tại Đà Nẵng, Nguyễn Đình Thi phát biểu thẳng thắn và kiên quyết xin thôi trách nhiệm lãnh đạo Hội. Tôi cũng tham dự cuộc họp này và ghi lại ý kiến của ông trước hội nghị: “Phần riêng tôi, tôi có một nguyện vọng, ba bốn lần tôi xin anh Trần Độ cho thôi để viết. Nhưng còn sức tàn còn phải giữ cho đoàn kết. Anh cho tôi thôi, còn giữ tôi để rồi anh em đá đít tôi thì không hay. Tôi đã từ chối tất cả các chuyến đi (Áo, Nhật Bản, Ấn Độ, Xyri). Hội Nhà văn Liên Xô mời tôi đi nghỉ. Tôi không đi, tôi đã từ chối hết. Đây là lần đầu tiên tôi nói hết sự thật”. Nguyễn Đình Thi là một diễn giả có tài. Ý hay, giọng nói lên xuống, vừa nhẹ nhàng, lắng sâu, vừa mạnh mẽ thu hút người nghe. Từ ngữ ông dùng chuẩn mực, văn hoá và đây là lần đầu ông dùng mấy chữ đời thường vì muốn nhấn mạnh ý tưởng của mình. Ý định của ông xin thôi công việc lãnh đạo là chính đáng. Đóng góp cho phong trào văn nghệ mấy chục năm qua, khi sôi nổi nhập cuộc, khi che chắn phía trên, phía dưới không tránh khỏi hao mòn sức lực. Phải cho nhà văn thời gian cho công việc chính của riêng mình mà suy cho cùng cũng là công việc chung. Kể ra cũng muộn rồi, thời gian của tuổi già là thời gian vay mượn, có người đòi thì phải trả. Nguyễn Đình Thi đã để lại một sự nghiệp đáng nể trọng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn, kịch, nhạc. Nhưng hai điều còn lại mà nhà văn chưa làm được. Một là thiên hồi ký về cuộc đời tác giả. Vì công việc chung bộn bề, vì không quan tâm đúng mức đến cái riêng, cuộc đời riêng của từng nhà văn trong sáng tác, vì sắp xếp thời gian không chuẩn xác, tuổi già và bệnh tật kéo đến nên nhiều nhà văn lớn vẫn không để lại hồi ký. Thật đáng tiếc. Không dễ gì bù đắp. Qua những ghi chép của bạn bè về ông mong rằng có hỗ trợ được phần nào.

Việc thứ hai là cuốn tiểu thuyết về kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Đình Thi là người có điều kiện hay nói mạnh mẽ hơn là có thâm quyền để viết về kháng chiến chống Pháp, về Điện Biên Phủ. Nhà văn chiến sĩ ấy đã tham gia nhiều chiến dịch Biên giới Đông Xuân và Điện Biên Phủ. Nguyễn Đình Thi đã được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trong kế hoạch sáng tác, ông có nguyện vọng tha thiết được viết một cuốn tiểu thuyết dài hơi về Điện Biên Phủ và năm tháng kháng chiến chống Pháp. Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất có lần tôi nói với ông: “Có lẽ đã đến lúc anh nên tranh thủ viết tiểu thuyết về kháng chiến chống Pháp. Hơi lửa của chiến tranh chống Mỹ vẫn còn có giúp ích phần nào cho trang viết”. Nguyễn Đình Thi: “Đó là món nợ tinh thần, tình nghĩa của tôi với đất nước, với đồng đội nhưng công việc cũng nhiều khó khăn. Hơn hai mươi năm đã qua rồi phải trở lại chiến trường xưa, thăm lại ngọn núi, con suối, mùa hoa nở và đồng bào các dân tộc. Tôi sẽ sắp xếp, phải sắp xếp công việc”. Anh nói rồi nở nụ cười: “Các anh cứ chờ đợi cho”. Cả thiên hồi ký và cuốn tiểu thuyết kháng chiến đều không đến được với bạn đọc. Tuổi già, bệnh tật dễ tạo nên nhiều dang dở trong cuộc đời mỗi người. Nguyễn Đình Thi là nhà văn lớn. Trong con người ông hội tụ nhiều con người. Người trí thức học hành có bài bản và tri thức luôn toả sáng qua trang viết. Ông là người lính xông pha trong tuổi trẻ qua nhiều chiến dịch Trung du, Điện Biên Phủ và trong thời kỳ chống Mỹ vẫn mang khí thế và hơi lửa của người chiến binh đến với các binh chủng cao xạ pháo và không quân, đặc biệt là hành trình vượt Trường Sơn vào đến cực Nam. Ông là nhà lãnh đạo văn hoá, văn nghệ trong nhiều năm, đứng đầu cả phong trào với bao trách nhiệm nặng nề. Ông là người nghệ sĩ luôn có khát vọng nói lên cái đẹp và sự thực của cuộc sống, không bị gò bó trong quy ước và cuối cùng là một người đa cảm, đa tình. Trước hết Nguyễn Đình Thi là một nhà văn đa tài và có nhiều thành tựu xuất sắc. Nguyễn Đình Thi thuộc lớp nhà văn hình thành từ môi trường trí thức như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng… khác với những nhà văn như Nguyên Hồng thời trước Cách mạng, Võ Huy Tâm, Nguyễn Khải, Vũ Thị Thường thời sau Cách mạng, cũng vì thế tiếp cận và khai thác đầy đủ cuộc đời hoạt động và sáng tác của Nguyễn Đình Thi là một vấn đề khó. Ông là một nhà văn hoá, tri thức văn hoá vận dụng có hiệu quả vào nhiều lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật. Vốn sống được bù đắp nhanh qua những phong trào cách mạng nhất là những chiến dịch mà ông tham gia trong chiến tranh. Ngay từ tuổi trẻ còn trên ghế nhà trường đã hình thành vững chắc tư duy khoa học qua những công trình triết học của tác giả và dường như đồng thời hoặc chậm hơn một chút. Cảm hứng sáng tạo nghệ thuật đã phát triển đến độ chín chắn, thuần thục, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhac, thơ ca và kịch. Hai bài hát Diệt phát xít, Người Hà Nội là một đỉnh cao của âm nhạc, kết hợp được tính thời sự và tính nghệ thuật. Tuy nhiên sống trong những năm đầu Cách mạng, kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước cũng ít có điều kiện để phát triển tài năng về các mặt. Ông sống giản dị, khiêm tốn, say mê đọc sách và luôn có bên mình những quyển sách như Kinh thánh, kinh Coran, tiểu thuyết của Đốtxtôiépxki. Ông am hiểu văn học Pháp và phương Tây trong những lần trò chuyện văn học phương Tây với các nhà văn Nga được họ kính nể. Ông sớm tiếp cận với văn học Nga ngay từ trong kháng chiến chống Pháp với các nhà tiểu thuyết lớn như Lép Tônxtôi, Sô-lô-khốp, I. Êranhbua. Ông có nhiều chuyến đi ra nước ngoài nhưng chủ yếu qua một số nước đã quen biết như Liên Xô và một số nước Á Phi, còn với khu vực Âu – Tây, nhất là với bầu trời của Bắc Mỹ và Nam Mỹ thì ít được biết đến. Am hiểu triết học và văn học Pháp nhưng ông chỉ đến được nước Pháp một lần qua một chuyến đi có tính chất tham quan, du lịch. Trong một lần kể chuyện về chuyến đi Pháp, Nguyễn Đình Thi có nhiều cảm xúc khác biệt về nước Pháp văn minh qua tham quan bảo tàng, cung điện, đường phố. Ông nói: “Sinh viên kéo đàn violon ở những ga tàu điện ngầm để kiếm sống cũng có trình độ về âm nhạc khá cao, khác với những người hành nghề hát rong, chơi đàn rong ở nước ta. Trên đường phố cảm giác làm cho ông khó chịu là những người lính Pháp mũ đội calô màu đỏ. Hình ảnh này gợi lên sự tủi nhục và bất bình với loại lính Pháp mũ đỏ phóng xe nhanh, hách dịch trên đường phố ở Hà Nội khi cuộc chiến tranh chống Pháp sắp bùng nổ. Quan sát những lâu đài, những nhà hát, vườn hoa tuy rất đẹp nhưng lại làm nhớ đến Nhà hát lớn Hà Nội, vườn hoa Con Cóc, những mẫu hình thu nhỏ lại của chính quốc ở các nước thuộc địa. Nước Pháp giàu có, nước Pháp cũng còn nghèo khổ. Có những con đường vắng người qua lại, gái bán hoa mời chào trong đêm trông tội tình”. Thời kỳ đó đến được nước Pháp, nước Mỹ chắc không dễ dàng. Ngày nay, nhà thơ Huy Cận đã đến Pháp hơn ba chục lần với nhiều công việc và chức danh khác nhau. Một vài nhà văn trẻ như Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa cũng theo tuyến cựu chiến binh đến Mỹ trong một số lần. Mong ước của Xuân Diệu trước khi ông mất là được đến Mỹ đọc thơ tình cho sinh viên trường đại học cũng không thành. Tuy nhiên với Nguyễn Đình Thi có lẽ sâu sắc nhất, nhiều kỷ niệm nhất vẫn là nền văn hoá Pháp. Ở đấy ông có một người tình Mađơlen Riphô, họ gặp nhau trong Liên hoan Thanh niên và Sinh viên ở Béclin năm 1951, khi ấy Nguyễn Đình Thi mới 27 tuổi, thông minh, đẹp trai, nhiều tài năng và có thể cô gái nhà báo Pháp Mađơlen Riphô say mê và đến với chàng trai này với một tình yêu đặc biệt. Trong nhiều lần gặp gỡ, tôi không có ý khai thác về chuyện tình này của ông cũng như cuộc đời riêng tư, nhưng dù sao mối tình đẹp ấy cũng được báo chí đề cập và ca ngợi nhiều. Trong câu chuyện kể lại của Huy Cận, Mađơlen Riphô gửi thư cho Nguyễn Đình Thi trong những năm kháng chiến. Qua một chặng đường dài, rất dài trong chiến tranh lá thư mỏng manh ấy lúc qua bưu trạm, lúc trên lưng ngựa liệu có đến được với người thân yêu? Mađơlen nhờ ai là người biết tiếng Pháp đọc lá thư và kể lại cho Nguyễn Đình Thi nếu không may lá thư bị thất lạc. Nhà thơ Huy Cận suy nghĩ và cũng thích thú về câu ca dao Việt Nam được vận vào mối tình này: “Đôi ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng…”. Mối tình đó đẹp nhưng không thể kết thúc dễ dàng như mong muốn. Việc yêu nhau và kết hôn giữa thanh niên các nước cùng châu lục và hoàn cảnh là chuyện phổ biến như người Pháp lấy người Nga, người Nga lấy người Ba Lan… qua các mối tình của Maiacốpxki, Êranhbua… Với trường hợp một người châu Á như Việt Nam lấy một người vợ châu Âu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những điều kiện sống và phong tục tập quán khác nhau. Trong môi trường đại học – nơi một số trí thức Việt Nam đi du học ở Nga, ở Pháp rồi lấy vợ người nước ngoài là hiện tượng không nhiều. Về Việt Nam họ cũng chung sống với nhau được một thời kỳ vài năm và sau đó người phụ nữ lại trở về nước sống với gia đình, với quê hương. Mối tình của Mađơlen Riphô được xem là đẹp, vượt qua nhiều thử thách. Bà đã từng vào công tác ở khu du kích miền Nam, sống hoà nhập với Việt Nam tuy không có hoàn cảnh sống trong quan hệ vợ chồng. Chuyện tình yêu và hôn nhân là vấn đề khó và phức tạp. Riêng với Nguyễn Đình Thi thì mối tình với Mađơlen Riphô là đẹp của hai tâm hồn, hai nhà văn hoá hoà hợp. Ở trong nước tuy Nguyễn Đình Thi có gia đình sớm nhưng cũng có nhiều cô gái say mê về tài hoa của ông. Trong một lần lên nói chuyện ở Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, sơ tán ở Bắc Thái, một nữ sinh nghe nói chuyện, thấy thích thú và hỏi tôi:

- Thầy ơi, thầy có biết địa chỉ nhà của nhà văn Nguyễn Đình Thi ở Hà Nội không?

- Em hỏi để làm gì?

- Em đến chơi.

- Ông ấy bận nhiều, không dễ gặp và được ông ấy tiếp đâu!

- Ơ, thầy nói hay nhỉ? Một người con gái tươi trẻ như em hâm mộ ông đến để hỏi chuyện văn của tác giả mà không muốn tiếp thì còn là nhà văn nhà vẻ gì.

Ông cũng có chuyện tình thi vị. Người ta thường nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Thực ra chữ “tài” gần với chữ “tình” hơn: “Gái ham tài, trai ham sắc”. Tô Hoài có lần nói với tôi: “Mình yêu nhiều hơn Thi nhưng không có sự cố gì nên cũng ít người biết”. Tô Hoài cũng rất khôn ngoan. Có lần tôi hỏi ông: “Tôi nghe người ta nói ông và chị M. yêu nhau?”. Tô Hoài cười và nói: “Mình cũng nghe nói thế”. Người như Nguyễn Đình Thi cũng dễ được phụ nữ yêu mến nhưng ông cũng không có những mối tình thật đặc sắc. Có người nói vui, ông là “con mèo lười”, chỉ con chuột nào chạy qua chạy lại trước mắt thì chộp lấy thôi, không chịu săn đuổi, tìm mồi. Tiếp xúc với Nguyễn Đình Thi, nam giới cũng dễ thấy thích. Ông có kiến thức, nói năng mềm mại và tôn trọng bạn bè trong câu chuyện. Chuyện kể rằng ở một cơ quan văn hoá khi tác phẩm Vỡ bờ xuất bản và có tiếng vang, các chị trong câu chuyện vui có thách nhau đến xin gặp Nguyễn Đình Thi. Một chị đẹp nhất trong đám đã đến gặp Nguyễn Đình Thi. Khi về bạn bè hỏi: Thế nào, cuộc gặp gỡ ra sao? Ông ấy tiếp cậu có chu đáo thân thiết không? Chị trả lời là cuộc gặp rất vui nhưng chỉ tiếc hơi già. Sao lại tiếc? Thực ra thì Nguyễn Đình Thi chưa già, năm ấy nhà văn mới ở tuổi bốn mươi. Nói già có thể là nghĩ đến một tương quan và nghe nói câu chuyện sau lần gặp ấy chưa kết thúc. Nguyễn Đình Thi là người hấp dẫn với nhiều đối tượng và ông được nhiều người qúy mến và không tránh khỏi một phân số nào đó ghen tài. Ông đối xử tốt và trân trọng người có tài. Trước cách mạng, có lần Nguyễn Đình trông thấy Thế Lữ tác giả Nhớ rừng cứ muốn ngả mũ chào. Ngày nay cũng thế, nhiều người trân trọng ông nhưng cũng có chuyện nhỏ không hay về nhà văn Nguyễn Đình Thi bị một nhà văn trẻ hành hung. Chuyện lạ là thế nhưng thực chất như thế nào. Tôi có dịp gặp nhà văn trẻ và bây giờ anh đã ở tuổi nghỉ hưu. Tò mò hỏi lại chuyện cũ, anh phân trần: “Chuyện không như người ta kể, mà trong một lần trò chuyện với ông, lúc đó tôi làm công tác công đoàn cơ quan và có nói một điều xúc phạm đến ông. Bất ngờ, bực bội ông vụt đứng lên. Để bảo vệ mình tôi túm lấy cổ áo kéo xuống và áo bị rách toạc. Chuyện đã qua, nghĩ lại cũng ân hận; nhưng thôi cũng mong mọi người quên cho và riêng tôi, tôi cũng đã rút kinh nghiệm và tự trách mình nhiều”.

Chữ tài liền với chữ tai. Không phải thế mà chỉ là một chút không may để càng thương cảm người trong cuộc.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi, khi ông còn sống ông đã là cây cao bóng cả trong làng văn nghệ. Ngày nay cây vẫn xanh tốt, tán lá toả rộng, bóng mát một vùng.

Hà Minh Đức

Tháng 1.2013

No comments: