37. Làm thế nào để trở thành VIP?
Trong
năm đầu tiên tự viện được thành lập tôi phải học xây dựng. công tác đầu
tiên của tôi là xây khu gồm sáu nhà vệ sinh và sáu phòng dùng để rửa đồ
thờ tự sau mỗi buổi lễ. Thế là tôi phải học bắt ống nước. Tôi học bằng
cách đem bản vẽ đến tiệm ống nước và xin nhờ “chỉ dẫn”.
Công
tác khá lớn nên Fred, anh chàng đứng ở quầy tiếp khách, không ngần ngại
dành cho nhiều thì giờ chỉ dẫn chi li, kể cả việc phải bôi keo như thế
nào cho đúng kỷ thuật. Nhờ sẵn tánh nhẫn nại và được sự giúp đỡ tận tình
của Fred tôi gắn xong hệ thống nước thải. Vị thanh tra của ủy ban y tế
đến khám - ông khám rất kỹ - gật đầu cho qua. Tôi rất đỗi vui sướng.
Vài
ngày sau tôi gởi tiền cho tiệm ống nước kèm theo thư cám ơn, đặc biệt
cám ơn Fred đã giúp tự viện có phương tiện thiết yếu để hoạt động. Tôi
không ngờ tiệm “của Fred” chỉ là một cơ sở thương mại của một công ty
lớn có cả một phân bộ thanh toán riêng nên chi phiếu và thư tôi đi thẳng
đến cô thư ký kế toán thay vì đến tay Fred. Được thư tôi cô thư ký mở
xem và ngạc nhiên, vì thông thường thư đi kèm với giấy trả tiền chỉ là
thư khiếu nại. Cô đem thư lên vị kế toán trưởng. Ông cũng ngạc nhiên nên
trình giám đốc điều hành công ty. Đọc thơ xong ông giám đốc giở điện
thoại gọi Fred liền cho biết anh có thư khen đang nằm trên bàn giấy của
ông. Ông nói:
“Đây là thư mà công ty mong đợi. Giao tiếp khách hàng. Phải như vậy đó!”
“Dạ. Thưa ông”
“Fred, anh đã giúp tạo uy tín cho công ty”
“Dạ”
“Công ty chắc chắn sẽ khen thưởng anh. Tôi sẽ gặp anh trong nay mai.”
“Dạ, cám ơn ông.”
“Rất tốt, Fred!”
“Dạ, cám ơn ông.”
Một
hai tiếng đồng hồ sau đó tôi ra tiệm “của Fred” để đổi vài món đồ. Tôi
thấy hai ông thợ ống nước người Úc thịt bắp vai u xếp hàng trước tôi.
Fred bên trong thấy tôi bèn gọi với nụ cười nở rộng trên môi.
“Sư BRAHM, tới đây”
Tôi
được Fred đón mời như VIP. Tôi được đi vô trong quày, chỗ mà khách
không được phép vô, để chọn món đồ tôi cần thay thế. Tôi tìm ra món đồ
tôi cần. Nó lớn hơn và chắc là phải đắt hơn món tôi đổi, tôi hỏi Fred:
“Tôi cần bù bao nhiêu, hở Fred?”
“Đối
với sư Brahm, khỏi thêm gì cả!” Anh đáp với nụ cười nở rộng. Và anh kể
cho tôi nghe trọn câu chuyện điện thoại giữa anh và ông giám đốc của
anh.
Lời khen cũng đáng đồng tiền đó chứ!
38. Cười Bằng Hai Ngón Tay
Lời khen đáng đồng tiền, thắt chặt tình giao hảo và tạo niềm vui hạnh phúc. Chúng ta cần phổ biến rộng rãi khời khen.
Người
mà chúng ta khó khen nhất là chính chúng ta. Tôi lớn lên trong truyền
thống tin tưởng rằng ai tự khen là người tự cao tự đại. Thật ra không
phải vậy đâu. Họ hào hiệp, rộng lượng thì đúng hơn. Khen các đức tánh
của mình là tích cực khuyến khích chúng đó chớ.
Hồi
còn là sinh viên theo học lớp thiền, tôi được thầy cho một lời khuyên
rất thực tế. Ông hỏi tôi làm gì trước tiên sau khi sáng thức dậy.
“Dạ, làm vệ sinh” tôi đáp.
“Trong phòng vệ sinh có kiếng soi mặt không?”
“Dạ có.”
“Tốt,” ông nói, “Vậy chú hãy nhìn vô kiếng cười trước khi đánh răng. Tôi muốn chú cười với chú trong kiếng.”
“Dạ
cười gì nổi mà cười, thưa thầy,” tôi chống chế, “sinh viên tụi con
thường ngủ trễ, sáng dậy ít khi tỉnh táo, thấy mặt là phát sợ rồi.”
Ông
khẽ cười, nhìn thẳng vô mắt tôi và bảo: “Nếu cậu không thể cười tự
nhiên thì dùng hai ngón tay trỏ kéo chằng miệng ra mà cười.” Ông làm thử
và nói, “Như vầy nè.”
Ông trông rất dị hợm. Tôi bật cười khúc khích. Ông biểu tôi làm thử. Tôi làm cho ông coi.
Ngay
sáng hôm sau, tôi lê thân ra khỏi giường, đi băng xiêng băng nai vô
phòng tắm. Tôi nhìn lên kiếng “Rrrrr!” Dễ sợ. Không sao tôi mở miệng
cười được. Tôi nghe lời thầy lấy tay kéo chằng miệng ra. Tôi thấy thằng
ngốc trong kiếng và không sao nín cười được. Thằng ngốc cười lại tôi.
Tôi cười lớn hơn. Nó cũng cười lớn hơn. Sau cùng hai đứa cùng cười với
nhau.
Tôi
thực tập cười như vậy trong vòng hai năm. Mỗi sáng, sau khi thức dậy,
làm gì thì làm, tôi đều cười với tôi trong kiếng bằng hai ngón tay trỏ
của tôi. Hiện tôi có tiếng là người hay cười. Phải chăng các cơ quanh
miệng của tôi đã quen với cái cười rồi.
Tôi
có thể thử cái trò cười bằng hai ngón tay này bất cứ lúc nào. Nó giúp
tôi rất nhiều, nhất là trong lúc bệnh, buồn bực, chán nản hay trầm cảm.
Cười giúp thảy vô máu chất endorphin có khả năng củng cố hệ thống miễn
nhiễm và làm con người hưng phấn.
Cười
giúp chúng ta thấy 998 viên gạch tốt (xem “Hai viên gạch lệch”, số 1).
Cười làm đẹp chúng ta. Vì vậy, tôi thỉnh thoảng gọi tự viện Perth là
“Viện thẩm mỹ của Ajahn Brahm”
39. Lời Giảng Vô giá
Tôi
nghe nói trầm cảm đang nuôi sống một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận -
cả tỷ đô la hằng năm. Làm giàu trên sự khổ đau của người khác, thật đáng
buồn! Truyền thống của tông chúng tôi không tính tiền cho bất cứ dịch
vụ nào: thuyết giảng, ấn tống, cố vấn, khuyên lơn v.v...
Hôm nọ có một bà người Mỹ điện thoại đến vị thiền sư nổi tiếng để xin học thiền. Bà lè nhè nói:
“Tôi có nghe nói sư dạy thiền…”
“Thưa bà có,” ông từ tốn đáp.
“Sư lấy bao nhiêu vậy?” Bà vào đề ngay.
“Không tốn tiền thưa bà.”
“Vậy chắc sư không khá!” Bà nói rồi gác ống.
Tôi cũng nhận được một cú điện thoại tương tự từ một bà người Úc gốc Ba Lan hồi mấy năm trước:
“Nghe nói trung tâm sư có buổi nói chuyện vào tối nay?”
“Thưa bà đúng. Vào lúc 8:00 giờ tối,” tôi đáp
“Vé vô cửa là bao nhiêu, thưa sư?”
“Thưa vô cửa tự do,” tôi giải thích.
Một giây im lặng. đoạn tôi nghe bà gằng giọng:
“Sư không hiểu ý tôi. Tôi muốn hỏi tôi phải cúng bao nhiêu để được nghe sư thuyết pháp?”
“Thưa bà không cần cúng dường món tiền nào hết. Vào cửa tự do,” tôi cố ôn tồn.
“Nghe này!” Bà ta la lớn bên kia đầu dây, “Tiền đô la! Tiền cắc! Tôi phải móc ra bao nhiêu để trả tiền vô cửa?”
“Thưa
bà không phải xuất đồng nào hết. Bà chỉ đến và cứ đi vô. Ngồi. Và ra đi
lúc nào cũng được hết. Không ai có quyền hỏi quý danh hay địa chỉ của
bà. Không ai được quyền quảng cáo bất cứ thứ gì. Cũng không ai yêu cầu
bà cúng dường lúc bà vô hay ra cửa. hoàn toàn miễn phí.”
Im lặng và im lặng lâu hơn.
Sau cùng bà hỏi gặng, thành thật muốn biết rõ hơn:
“Vậy thì các sư được gì khi thuyết pháp?”
“Hoan hỉ, thưa bà,” tôi đáp. “Hạnh phúc!”
Giờ đây khi có ai đó hỏi tới các buổi pháp thoại, tôi không trả lời: “Vào cửa tự do” nữa mà là “Vô giá”