Monday, October 14, 2013

Nhà văn SHMUEL YOSEF AGNON


SHMUEL YOSEF AGNON
(1888-1970)

SHMUEL YOSEF AGNON sinh năm 1888[1] và lớn lên trong một gia đình gồm những học giả tại Buczacz thuộc miền Đông Galicia (nay là vùng Tây Ukraina). Buczacz là một cộng đồng Do-thái không quá tám ngàn người và cũng là một trung tâm đào tạo các rabbi (thầy cả) Do-thái giáo.
Agnon đã được hấp thụ nền văn hóa cổ truyền của Do-thái do thân phụ ông đích thân truyền dạy. Galicia lúc đó là một trong những trung tâm của nền văn chương tân Hy-bá. Ngay từ nhỏ Agnon đã khởi sự văn nghiệp trên báo chí tiếng Hy-bá và tiếng Yiddish[2] ở địa phương. Và kể từ năm 1907 tức là năm ông trở về Palestine, ông thôi không viết bằng tiếng Yiddish nữa.
Việc Agnon từ đó chuyên sáng tác bằng tiếng Hy-bá có lẽ phần nào đã do ảnh hưởng của phong trào phục quốc Zion của người Do-thái mà ông đã tham gia. Nếu nhìn vào số ngôn ngữ được sử dụng tại Israel ngày nay người ta sẽ thấy trong số hơn hai triệu dân, đã có tới một triệu tám sử dụng ngôn ngữ chính thức là tiếng Hy-bá. Lớp di dân đầu tiên từ các ngả trên thế giới trở về Israel còn nói hoặc hiểu được tiếng Yiddish và một số ngôn ngữ dùng trong các nghi lễ Do-thái giáo, nhưng hiện nay số thanh niên Israel chỉ dùng có ngôn ngữ Hy-bá ngày càng thêm đông đảo. Tuy vậy, thứ tiếng Hy-bá của Agnon không hẳn là thứ tiếng mà thế hệ trẻ hơn của Israel hiện sử dụng. Đúng hơn đó là ngôn ngữ của nền văn chương truyền thống Hy-bá với những nhà văn tiêu biểu như Bialik, Tchernichowsky và Shneur. Đứng giữa ngôn ngữ văn chương cổ truyền của dân tộc và tiếng Hy-bá hiện đại hóa, Agnon đã quyết định nối kết các thế hệ Do-thái bằng một nội dung đề cao truyền thống dân tộc, nhưng trong khi chờ đợi một nền văn chương ổn cố của ngôn ngữ Hy-bá hiện đại, ông đã lựa chọn diễn tả bằng thứ ngôn ngữ trang trọng của nền văn chương Hy-bá cổ truyền (xuất hiện từ thế kỷ XI và còn kéo dài cho đến ngày nay).
Agnon làm thơ từ năm lên 9 và bài thơ đầu tiên của ông được đăng vào năm ông mười sáu tuổi. Câu chuyện đầu tay của ông in tại Palestine là truyện "Agunot". Ngay từ năm 1913, Shalom Streit đã nói về tác phẩm này: “Một luồng điện chạy qua toàn thể cộng đồng chúng tôi khi đọc truyện ấy.” Cùng với "Agunot" có nghĩa là cô đơn, trơ trọi hoặc đơn độc,[3] ông khởi sự dùng bút hiệu Agnon thay vì tên thực là Czaczkes. Khi được hỏi là bút hiệu này có liên hệ với truyện trên hay không, Agnon đã xác nhận là có.[4]
Những năm kế đó, tuần báo Hapo’el Hatza’ir của nhóm xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Tolstoi và những tư tưởng địa dân (narodniki) đã đăng tải cuốn sách đầu của Agnon nhan đề Vehaya he’akov lemishor (Và những nơi cong queo sẽ được uốn ngay lại). Tác phẩm dài này đã làm say mê độc giả Do-thái đương thời không ít đến nỗi Joseph Haim Brenner đã phải dốc cạn túi tiền để xuất bản thành sách (1912). Đối với một người vô thần như Brenner thì đây là “tác phẩm đầu tiên của nền văn chương thế tục Hy-bá trong đó truyền thống đã trở thành phương tiện diễn đạt nghệ thuật thuần túy...”
Năm 1913 Agnon qua Đức. Ông định ở lại vài năm nhưng vì chiến tranh[5] nên mãi tới năm 1924 ông mới trở lại Jerusalem được. Tuy nhiên những năm ở Đức đã ảnh hưởng lớn lao đến văn nghiệp ông sau này. Ông tiếp xúc với văn chương châu Âu và yêu chuộng sự hoàn hảo đến độ các truyện sáng tác thường viết đi viết lại tới sáu, bảy lần. Trong thời kỳ này ông xuất bản rất ít, chỉ chăm lo sửa chữa các tác phẩm cũ và viết những truyện mới. Ông cũng làm khá nhiều thơ và viết một cuốn tiểu thuyết tự sự. Nhưng tới tháng Sáu năm 1924, căn nhà ông ở tại Homburg gần Frankfurt bị hỏa hoạn[6] và toàn bộ bản thảo, giấy tờ và tủ sách Hy-bá do ông sưu tập được đều biến ra tro. Biến cố này đã thay đổi hẳn con người Agnon. Ông thôi không sáng tác thi ca nữa và không bao giờ viết lại tác phẩm tự sự trên.
Năm 1929, sau khi ông đã trở về Palestine, căn nhà ông tại ngoại ô Jerusalem lại bị người Ả-rập cướp phá.[7] Lần này ông trở lại Galicia trong một chuyến thăm viếng ngắn ngủi và ở lại Đức tới gần một năm để chứng kiến bốn cuốn đầu gồm các tác phẩm mà ông đã thu thập, sửa chữa trong năm năm trời được ấn hành tại đây.
Cũng nên ghi nhận là Agnon là một nhà biên soạn các tuyển tập văn chương rất có tài. Trong những năm ở Đức, ông đã biên soạn hai tuyển tập bằng Đức ngữ. Ở Jerusalem ông đã bỏ khá nhiều ngày giờ để biên soạn ba tuyển tập văn chương. Trong tuyển tập đầu nhan đề Những ngày kinh sợ, gồm một kho tàng những chuyện cổ dân tộc, ông đã hài hước sắp thêm vào đó những mẩu truyện trích trong một tác phẩm tưởng tượng được mệnh danh là Kol Dodi (Tiếng nói của người tôi yêu dấu) và ghi chú rất tự nhiên ở phần thư mục là “một bản thảo mà tác giả hiện giữ”.
Trong ý định soạn những tuyển tập Do-thái này, Agnon cũng đã đồng ý cộng tác với một triết gia Do-thái là Martin Buber nhưng về sau tác phẩm chung của hai người bị thiêu hủy và Agnon không soạn lại tác phẩm đó nữa.
Công cuộc soạn thảo các tuyển tập này đã ảnh hưởng tới Agnon. Trong một số truyện, nhân vật chính của Agnon cũng là những học giả. Hình như hình ảnh tận tụy vô vọng của các học giả có một sức thôi miên tột độ đối với Agnon.
"Trăng trên thung lũng Jerusalem" (Ido và Eynam)[8] cũng là một câu chuyện của một học giả; sự say mê tìm kiếm một thứ ngôn ngữ và những ca khúc mà thế nhân đã để lạc mất trong vô tận của sa mạc thời gian tưởng chừng như một việc phù phiếm, nhưng dưới ngòi bút của Agnon lại mang những ẩn dụ sâu sắc và tế nhị (luôn luôn dựa trên một sự hiểu biết căn bản về Do-thái giáo), gợi ra được cái khát vọng vô biên của những con người sống trong một thế giới Babel hiện đại, và có một sức chiêu dụ đến mê hoặc tột độ.
Gabriel Gamzou, nhân vật khó quên trong truyện này đã phản ảnh phần nào tác giả, một tâm hồn xao xuyến luôn khát vọng hợp nhất, sẵn sàng đương đầu với những tiếng nói của ngày Phán xét cuối cùng, như sách đã viết: “Ngay từ tiền sảnh, con hãy sửa soạn để đi vào phòng khách”. Với "Trăng trên thung lũng Jerusalem", câu chuyện thường được coi như là truyện ngắn đẹp nhất của Agnon, người đọc có thể tìm thấy qui tụ lại nhiều khía cạnh của tài năng Agnon và những chủ đề chính của ông: sự thiếu quân bình của cái hiện tại còn hoài niệm một thời đại vàng son khi mà “người Do-thái còn biết cầu nguyện và ngợi ca Chúa trong một niềm tin ngây thơ và chân thành”; sự xao xuyến cô đơn và nỗi sợ hãi phải mất nơi cư ngụ thể chất là mái nhà, hoặc nơi cư ngụ tinh thần là nhà nguyện; sau rốt là giấc mơ như một dự cảm hay sức hấp dẫn huyền diệu, mê hoặc, giữa sự sống và sự chết...
Quả thật, như giáo sư Gershom Scholem của viện Đại học Hy-bá ở Jerusalem đã viết, “Agnon đã khởi sự văn nghiệp bằng cách viết những truyện ngắn, và chính trong lối sáng tác này ông đã đạt được một sự hoàn hảo khiến người đọc phải theo rõi đến đứt hơi thở”.
"Trăng trên thung lũng Jerusalem" cùng với một số truyện ngắn khác của Agnon đã trở thành những tác phẩm cổ điển châu báu của dân tộc Israel ngay trong thế kỷ 20. Bí quyết chính của sự hoàn hảo này là Agnon đã khéo léo phong phú hóa tác phẩm bằng vô vàn chi tiết lọc lựa hết sức nghệ thuật trong một hình thức văn chương vô cùng giới hạn.
Trong tác phẩm của Agnon, những đam mê của con người chiếm phần quan trọng chính, nhưng Agnon có một lối viết, một ngôn ngữ diễn đạt điềm tĩnh lạ thường, khác hẳn thứ ngôn ngữ đầy xúc cảm của những nhà văn Hy-bá trước ông. Agnon cũng thường lưu tâm tới những con người hèn mọn, bình thường, mà cuộc sống với muôn vẻ đều bày ra những cảnh tượng hết sức thực mà đồng thời lại đầy những mầu sắc huyền bí.
Bởi thế mà rất nhiều khi trong truyện của Agnon một nỗi buồn khôn tả thường đi đôi với một niềm an ủi siêu nhiên. Trong một truyện ngắn của Agnon, một công nhân nghèo khổ nọ, một người đơn độc trơ trọi trên đời, đã cần mẫn dành dụm chút tiền để có thể trở về “Đất Thánh”. Nhưng không biết giấu tiền ở đâu cho chắc dạ, bác đã bỏ tiền vào một hộp lạc quyên đặt bên dưới cây thập tự ngoài đường lộ. Sau cùng, khi tìm đến lấy lại món tiền đã giấu thì bác bị bắt về tội ăn trộm của thánh. Bác bị tù và bị kết án tử hình, nhưng trong ngục bác được “Người” tới thăm viếng – trong tiếng Hy-bá “Người” đây chỉ Jésus – và đưa tới thành thánh Jerusalem nơi đồng bào bác nhận thấy bác đã chết.
Sau khi trở lại Jerusalem,[9] Agnon đã sáng tác một số tiểu thuyết dài. Những tác phẩm xuất sắc nhất của ông hợp thành một bộ ba cuốn mô tả đời sống Do-thái trong một trăm năm từ 1830 đến 1930. Ấy là những cuốn Của hồi môn của nàng dâu (1931), Người khách trọ một đêm (1940) và Cách đây không lâu (Tmol shilshom, 1946).
Của hồi môn của nàng dâu (Hakhnasat Kalla) kể lại những cuộc phiêu lưu của Thầy cả Jude Hasid, người đã phải lang thang khắp vùng Đông Galicia để thu thập chút của hồi môn cho ba cô con gái đi lấy chồng. Trong tác phẩm này Agnon không những đã mô tả tục lệ phải lo của hồi môn cho con đi lấy chồng của Do-thái mà còn vẽ lại một cách chính xác và đầy màu sắc lối sống thuần túy Do-thái ở thế kỷ 19, trước khi va chạm với thời hiện tại.
Tám mươi năm sau khung cảnh đã hoàn toàn thay đổi hẳn. Yitzhak Kummer, vai chính của Cách đây không lâu, là cháu của Thầy cả Judel. Tuy nhiên lý tưởng của thế hệ trẻ là xây dựng một xã hội mới, là tái tạo một dân tộc Do-thái nơi cố hương. Trong thời kỳ này, những nền tảng của xã hội cũ như tôn giáo, truyền thống đều bị lung lay. Mọi sự đều ở trong giai đoạn chuyển tiếp, bất ổn. Kummer tha thiết với ý tưởng phục quốc nhưng anh cũng không muốn chối bỏ truyền thống. Anh không tìm thấy chỗ đứng của mình giữa xã hội cũ ở Jerusalem và xã hội mới ở Tel Aviv và những nông trại. Anh luôn luôn cố gắng nối kết cuộc sống hiện tại với thế giới truyền thống đầy hứa hẹn an ủi nhưng mọi cố gắng dường như đều vô ích. Cuộc sống mới mà phong trào phục quốc Zion đề xướng chưa đạt được những kết quả mong muốn. Và lối sống cũ, với những vinh quang quá khứ, thì không sao tìm thấy đường về với hiện tại. Các truyện ngắn và tiểu thuyết của Agnon thường đi lại giữa hai thái cực không sao đạt tới được này. Ở cuối tác phẩm Cách đây không lâu, Agnon có hứa hẹn sẽ viết về đời sống của thế hệ trẻ ở Israel hiện tại, lẽ dĩ nhiên với những hình thái tích cực hơn của xã hội mới. Tuy nhiên cuốn tiểu thuyết này chưa xuất hiện.
Người khách trọ một đêm dường như là tác phẩm sầu muộn nhất của Agnon, một người sùng thượng thế giới đẹp đẽ cổ truyền của dân tộc ông. Ngược lại với Kummer đi tìm thế giới mới và chỉ gặp thấy trống rỗng trong sinh hoạt ở phần đất Palestine của Israel, người kể truyện trong Người khách trọ một đêm từ thế giới mới trở về thăm thế giới cũ của thị trấn Szybuscz sau hai mươi năm trời xa vắng. Và nơi chôn nhau cắt rốn giờ đây chỉ là một nơi khốn khổ, hoang tàn, thoi thóp những phút cuối cùng của đổ nát. Tất cả những cố gắng tái tạo dĩ vãng dường như cũng hoài công, vô vọng. Và trong dĩ vãng ấy của cố hương, người kể chuyện chỉ là một “khách trọ qua đêm”. Trong truyện nhân vật chính đã phải thốt ra như sau: “Khi còn trẻ tôi có thể thấy trong trí tất cả những gì tôi ao ước thấy; ngày nay tôi không thấy cả những gì tôi ao ước thấy lẫn những gì người ta chỉ cho tôi”. Với một tâm hồn yêu mến quá khứ như Agnon, nỗi buồn kia đã trở thành một ám ảnh vô cùng đau đớn.
Trong viễn tượng ấy của những khát vọng trần thế, những năm gần đây, Agnon đã khởi sự viết một tác phẩm tự sự thật kỳ lạ. Trong tác phẩm mới ông đã ngược dòng thời gian đến cả hàng ngàn năm và kể lại những cuộc thiên cư của tâm hồn ông qua mọi giai đoạn quan trọng của lịch sử kể từ những ngày Sáng thế. Tác phẩm tự sự có tích chất lịch sử-siêu hình này mang nhan đề là Hadom ve-Kissei (Ghế và Ngai)[10] cho đến nay vẫn chưa hoàn tất, tuy nhiên nhiều đoạn dài đã được trích đăng.
Năm 1934, Agnon được tặng giải thưởng Bialik nhờ cuốn Của hồi môn của nàng dâu.
Và giải thưởng Ussischkin cũng đã về tay ông với tác phẩm Cách đây không lâu.
Năm 1954, Agnon được bầu làm nhân viên Hàn lâm viện Hy-bá và cùng năm đó, toàn bộ tác phẩm của Agnon đã được giải thưởng Văn chương cao nhất của Do thái, Giải ISRAEL.
Agnon thường được coi như một nhà văn kiệt xuất đã nối kết được thế hệ đi tiền phong trong phong trào phục quốc Do-thái và thế hệ đương lên hiện tại ở Israel bằng một nội dung thâm trầm và sâu sắc nêu cao truyền thống dân tộc trong mọi tác phẩm.
Năm 1966, Agnon đã được Hàn lâm viện Thụy điển trao tặng giải thưởng Nobel văn chương cùng với nữ văn sĩ Nelly Sachs. Tác phẩm của ông đã được phiên dịch ra chừng 15 thứ ngôn ngữ trên thế giới.
Shmuel Yosef Agnon[11]không những là một nhà văn lớn của Israel mà còn là của toàn thế giới – như Edmund Wilson, người đã đề nghị trao tặng giải Nobel cho ông, đã nói: “... điều làm cho Agnon đáng kể như vậy và xứng đáng với giải thưởng Nobel là ở chỗ ông đã có thể thể hiện tới mức ấy trong thế giới Do-thái của ông, cái nhân loại tính chung của chúng ta...”
Diễm châu

___________

TẤM BẠT

Thuở xưa, có một quốc gia đột nhiên gặp phải một tai hoạ lớn. Từ khi được tạo lập ra đến nay chưa bao giờ quốc gia ấy phải đương đầu với một cảnh ngộ thảm khốc đến như vậy: trời không có mây và đất đai khô cằn không còn sanh sản cây trái gì được nữa. Người ta có thể bảo là Trời và Đất đã thề bỏ cho tàn lụi những kẻ sống sót cuối cùng của cái dân tộc vừa thoát nạn ấy. Thực phẩm dần dần biến đâu mất trên thị trường, nạn đói làm cho mặt nào mặt ấy hốc hác ra. Hạt lúa mạch đã trở nên quí báu hơn cả tiền bạc, lúa mì bán đắt như vàng: sữa thì trong hơn nước lã và nước lã thì không tìm đâu ra được. Bởi vì Chúa đã đem lại hạn hán...
Ngày tháng trôi qua. Mặt trời, chạy lăn trên trời như một cục lửa tròn, dường như đùa với đất. Đêm này qua hết đêm kia và mặt trăng khô héo dường như lại còn teo tóp lại nhiều hơn nữa. Trên mặt đất, bọn đầu cơ ngự trị cũng hùng mạnh như đạo binh những vì tinh tú trên trời và bụng họ phệ ra làm gợi lại những chiếc bụng phình trương khi chết. Thế nhưng những kẻ mạnh lại yếu dần, những kẻ yếu thì ngã bệnh, và những kẻ bệnh thì mỏi mòn rồi chết.
Tai hoạ không khi nào lại đến một mình. Khi người ta biết được là kẻ thù đang vây hãm và sắp xâm chiếm xứ sở, không còn ai có sức lực để chống lại được nữa. Những liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt và không một thức ăn nào từ ngoài nước đưa vào được cả. Vả lại, từ hồi nào đến giờ, và cả đến những năm sung túc, Chính Phủ cũng phải nhập cảng lúa mì và thịt. Giờ đây túng bấn, Chính Phủ không còn may mắn nào nữa để nuôi sống dân chúng: và dân chúng thì lại quá đói không thể nào cầm khí giới và ra trận chống kẻ thù được. Không còn ai đứng thẳng người nổi, trừ những bọn đầu cơ đang khoe khoang biểu diễn: vì bọn chúng biết cách chứng tỏ là mình cần thiết cho Quốc Gia và hy sinh cho lợi ích chung, chúng được kiểm soát việc phân phối các đồ tiếp tế. Đất Nước bắt buộc phải chịu đựng chúng hoặc chịu chết đói.
Kẻ thù, thấy không có ai đủ sức đương đầu với mình, càng ngày càng tỏ ra hung hăng: giăc giã đe doạ ngoài biên giới, nạn đói hoành hành trong nước, tình thế không lúc nào có thể bi đát hơn được nữa. Thế mà một vết thương mới lại giáng xuống Đất Nước, còn kinh khủng hơn các vết thương trước, bởi vì Đấng đã đem lại những thiên tai kia không biết đo lường, Ngài để dành lại, và dành cho đến vô cùng tận, những tai hoạ lúc nào cũng lớn hơn.
Bây giờ ta hãy trở ngược về trước một lúc. Hồi đó Đất Nước lọt vào tay của hai đảng, đảng “Đầu trần” và đảng “Đội nón”. Tất cả những gì đảng này đề xướng, thì đảng kia gạt bỏ. Hơn nữa, chính các đảng đó lại chia thành từng nhóm ghét nhau còn hơn cả kẻ thù ngoại bang thù ghét hai đảng “Đầu trần” và “Đội nón” hợp lại nữa.
Làm sao có thể có chuyện một Quốc Gia duy nhứt lại chứa chấp được ngay trong lòng đất của mình hai quốc gia thù nghịch? Thế mà vẫn có. Và nguyên nhân rất giản dị: mỗi người trong dân tộc đó diễn giải lịch sử một cách khác nhau và chịu ảnh hưởng của Quá Khứ một cách khác nhau (dù đã từ lâu, bộ mặt của thế giới đã thay đổi, các tập quán đã biến chuyển, và con cái đã bỏ đi những truyền thống thân yêu của tổ tiên).
Mọi người đều công nhận rằng dân trong Xứ đều thuộc dòng dõi những người Do-thái. Nhưng có kẻ cho rằng mình có liên hệ với dân Do-thái thời trước Luật của Moïse vốn là những người Do-thái chưa bị buộc phải che đầu: bởi vậy họ nhập vào đảng “Đầu trần”. Những kẻ khác thì cho rằng mình thuộc dòng dõi dân Do-thái sau Luật của Moïse: truyền thống bắt họ phải che đầu và họ đã gia nhập đảng “Đội nón”.
Bây giờ người ta mới hiểu được mối thù hận sâu xa làm bọn “Đầu trần” và bọn “Đội nón” chống đối nhau. Nhưng tại sao ngay bên trong mỗi đảng lại còn có nhiều phe khác nhau? Bởi vì các đảng viên “Đội nón” không phải hết thảy đều có đội nón hay sao? Hẳn nhiên là họ đều có đội nón! Nhưng mũ nón cũng có nhiều thứ! Nào mũ nồi mũ lưỡi trai, nào mũ bằng mũ chóp, mũ hình nhọn hình trụ, mũ chóp lụa chóp nhung, nào khăn vấn đầu, nào nón đội nào mũ rơm, cái thì bé tí như mũi kim, cái thì to lớn như cả lòng tham muốn. Tóm lại cái đầu chỉ là thứ phụ, chính yếu là phải có cái gì để trên đầu. Còn những đảng viên “Đầu trần”, họ có lý do gì mà gây với nhau? Họ chẳng để trần cả cái đầu tóc ra đó sao? Hơn thế nữa chứ! Người thì đầu hói, kẻ thì đầu cạo trọc. Có đầu hớt ngắn như bàn chải, có đầu tóc để móc ngoéo, những chiếc trán thấp và những thái dương trơn tru. Tóm lại cái đầu chỉ là thứ phụ, chính yếu là không được có gì trên đó cả.
Các ý kiến thay đổi như những chiếc đầu và những chiếc đầu thì quay theo gió, đầu thì về phương đông, đầu thì về phương tây: nếu tình cờ, chúng có đối mặt nhau, ấy là để chọi nhau, bởi vì không bao giớ chúng đồng ý với nhau về công việc Quốc Gia cả. Tất cả lại chỉ hợp nhau về có một điểm, họ cho rằng tất cả những khó khăn của Đất Nước đều do những nhầm lẫn của đảng bên kia. Nếu tác giả của cuốn sách này không sợ rằng mình nói mà không nói lên được gì cả, thì ông ta sẽ xin xác nhận rằng, về điểm này, cả hai đảng đều có lý.
Lúc bấy giờ, trong Quốc Gia đó, có một người không thuộc đảng “Đầu trần”, cũng không thuộc đảng “Đội nón”. Đó là một người đàn ông giản dị và khờ khạo, khi lột nón xuống là để gãi đầu và khi đội nón lên là để ra đường. Chú ta thấy đất nước đang lâm nguy và, vì muốn cứu lấy quê hương, chú quyết định đi cầu nguyện cho trời mưa xuống. Van xin lòng từ bi của Đấng Từ Bi, chắc chắn đó là ý nghĩ đầu tiên phải đến trong đầu mọi người. Nếu dân trong Quốc Gia này không hề nghĩ đến điều đó, chính là bởi con người có khuynh hướng quên mau hơn hết những gì họ cần phải nhớ hơn hết. Chú khờ của chúng ta bèn đi một vòng khắp các nhà thờ và khắp các nhà nguyện, nhưng không tìm ra được một chỗ nào: bọn “Đội nón” đã chiếm hết để dùng vào việc tuyên truyền cho họ. Vậy là, trùm một cái bao và mình đầy tro tàn, chú ta băng đồng, đi về phía rừng, đến nơi mà con người không bao giờ đặt chân tới. (Ấy là bởi người ta thường thích ở thành phố hơn, vì ở thành phố người ta có thể nghe và đọc những bài diễn thuyết). Và, quỳ trước Chúa, chú cầu khẩn Người với tất cả lòng thành của chú, chú khóc và cầu nguyện cho mưa rơi xuống và phì nhiêu miếng đất tang tóc, cầu nguyện cho con người được sống.
Chúa đang chờ đợi lời cầu nguyện của loài người. Người sẵn sàng chấp thuận những thỉnh cầu của họ: đó là một đấng Chúa Trời có thiện chí thương yêu loài người do mình tạo ra. Thế nhưng đám dân của Quốc Gia này quá bận cãi nhau, nói xấu nhau, thù ghét nhau, nên không tìm đâu ra được thì giờ để nghĩ đến đấng Tạo Hoá và đấng Cứu Thế của họ, nghĩ đến đấng an ủi và cứu rỗi những kẻ bất hạnh, đến đấng tạo hạnh phúc cho loài người, khi loài người tỏ ra xứng đáng với lòng thương yêu và sự cứu rỗi. Như vậy là vào lúc mọi người không còn nhớ đến những gì lẽ ra họ phải nhớ, thì người ta nghe đồn rằng một người trong bọn đã cầu nguyện cho trời mưa xuống.
Tiếng đồn lan dần và tới tai mấy ông Bộ trưởng trong Chính Phủ. Lập tức tất cả đều hoảng hốt, bọn “Đầu trần” cũng như bọn “Đội nón”. Bọn “Đầu trần” sợ hơn hết là lời cầu xin của chú Khờ được toại nguyện: điều đó sẽ chứng tỏ rằng còn có một sức mạnh ở trên sức mạnh của họ. Bọn “Đội nón” điên lên vì thấy có một người chưa bao giờ đến trường học của họ, chưa bao giờ gia nhập những Hội tôn giáo của họ mà cũng chưa bao giờ ăn thức thừa của những Thầy cả của họ, mà lại xen vào một việc thuộc riêng của họ, là cầu nguyện. Cầu nguyện là của riêng họ, chỉ họ mới được quyền đem dùng, chỉ họ mới được Ân Sủng. Thế nên, tất cả, bọn hai đảng náo động và làm ầm lên, viện nhiều lý lẽ thật là khác nhau. Thật ra, cả hai bọn đều chỉ có một bất bình duy nhất đối với người cầu nguyện kia: Hắn không thuộc đảng nào cả. Chẳng bao lâu sự giận dữ chung của cả hai bọn đối với kẻ xâm nhập làm cho họ xích lại gần nhau, không bằng sự kiện thì cũng bằng chủ tâm. Báo chí trong chiều hướng đó đã mở một chiến dịch rất hữu hiệu và xúi giục hai đảng hành động. Thật ra người đàn ông kia là ai vậy? Ai đã sai hắn ta đến? Nhân danh ai và nhân danh cái gì mà hắn ta cho mình đại diện bên cạnh đấng Tối Cao? Đó là những câu hỏi không ngớt trở đi trở lại dưới ngòi bút các ký giả. Người ta cười, người ta chế nhạo cái con người ngây ngô nhỏ bé cứ muốn cho người ta thấy mình là một người lớn và người ta buộc tội đấng Toàn Năng đã coi thường những vị đại diện Quốc Gia để đi dùng một nhân vật vô nghĩa đến nỗi không lập ra được một đảng. Cánh cửa mở rộng cho các lời bình phẩm. Thế là xuất hiện những nhà hùng biện và cùng với họ là những nhà thuyết giáo, những tay ăn nói lẻm mép và những tay diễn thuyết đủ các loại. Mỗi người cho ý kiến của mình, bởi vì biến cố kia có thể đem lại lắm hậu quả. Vì cái lối vô kỷ luật của mình, người kia phải chăng suýt làm lung lay nền móng Quốc Gia? Hắn ta đã chẳng làm phương hại đến trật tự đó sao? Không thay mặt cho đa số, mà cũng không thay mặt cho thiểu số nữa, thế mà hắn ta đã chẳng tự ý dám cho mình làm đại diện bên cạnh đấng Tối Cao là gì? Hắn chính là một kẻ gây rối, một tên phiến loạn, một kẻ thù của Dân Tộc.

Bút đã đổ ra nhiều mực và các độc giả đã nuốt hết cả mực trong lọ để rồi liền sau đó khạc ra khắp cả nước. Ai ai cũng đều biết câu chuyện và hễ có ai mở miệng ra, là người ta ngắt ngang để đem câu chuyện ra bàn. Nhưng điều lạ nhất là tất cả đều có cùng một ý kiến, và chẳng những họ cùng nghĩ như nhau mà còn nói cùng một chuyện, bằng một chữ như nhau và với một giọng nói như nhau.
Người ta chỉnh đốn hàng ngũ, người ta làm những bản điều trần, người ta gởi đại diện đến gặp mấy ông tổng trưởng. Những vị này nhận tất cả những bản phản đối và bằng lòng tuyên bố khai chiến, vừa tấn công vừa phòng thủ, với kẻ đã vi phạm kỷ luật Quốc Gia. Đó chỉ là những bài diễn văn thôi, người ta chưa hề nghĩ đến hành động. Nếu không có bọn đầu cơ xen vào, mọi việc sẽ chỉ dừng lại ở đó và sẽ không có gì đi quá được những lời nói và những câu vu vơ hão huyền.
Bọn đầu cơ, thì dù ở đảng nào, trong đầu cũng chỉ nghĩ có mỗi một chuyện: làm giàu. Khi tài sản bọn chúng lâm nguy, cả bọn náo động, vì biết chắc không có gì phá bỏ thành kiến và gây tình thương yêu được bẳng tiền bạc. Thế là những tay giàu sụ của Quốc Gia nhóm lại thành một đại hội khác thường. Một hành động cấp bách được coi là cần thiết để ngăn chặn cái mầm hỗn láo mới mọc ra nhằm phá hoại Chính Quyền, coi thường mọi sắc lệnh. Giờ phút nghiêm trọng. Tổ quốc lâm nguy. Quốc gia nghèo dần, yếu dần, èo uột, dân chúng đói khát! Thế mà, hễ bụng đói thì chẳng có gì phải sợ mất, và ai không có gì để mất thì luôn luôn sẵn sàng nổi loạn. Ở đây tác giả cuốn sách này phải mở một dấu ngoặc để nhìn nhận rằng bọn đầu cơ nói hết sức đúng sự thật: dân chúng quả là có đói, có yếu và kiệt sức đi. Bằng chứng rõ ràng nhất là vai của bọn bồi bàn cong oằn xuống và bị đè bẹp dưới sức nặng của những thức ăn và thức uống sửa soạn cho buổi tiệc bế mạc Đại Hội các tay Đầu Cơ...
Không có gì bằng được rượu ngon và thịt béo để làm cho tâm hồn được khoan khoái. Không có gì bằng được một cái bụng no nê để làm cho trí óc mình dễ hoà hợp. Sau bữa ăn, bọn đầu cơ tươi cười, thư thái và còn lịch sự nữa, đều đã đồng ý với nhau. Vả lại người ta cũng không phân biệt ai là “Đội nón” ai là “Đầu trần” nữa. Vì ăn quá nhiều và uống cũng quá nhiều, cả bọn mồ hôi nhễ nhại. Nhưng, trong khi bọn “Đội nón” lấy nón ra quạt và trở thành “Đầu trần”, thì bọn “Đầu trần” lấy khăn ra lau đầu và trở thành “Đội nón”. Và ai cũng ngạc nhiên tại sao mình có thể coi người đảng kia như kẻ thù... Họ chẳng giống nhau cả đó sao? Họ chẳng bình đẳng về mọi mặt đó sao? Cùng đồng ý với nhau, họ quyết định tìm cho ra một giải pháp để giải quyết cơn khủng hoảng. Giải pháp đó là giải pháp gì? Xin độc giả kiên nhẫn một tí. Nó sẽ được tiết lộ ngay đây.
Thoạt nhìn thì chuyện giải pháp dường như do phép nhiệm mầu, thế mà nó có thật đấy. Bọn đầu cơ lăng xăng, sách động những vị dân biểu và tổng trưởng, mỗi người tấn công vào chính đảng của mình thay vì vào đảng đối lập, và rốt cuộc tất cả các phe phái đều gặp nhau để hội họp công khai tại một nơi gọi là “Jacasse”[*] (Đây là nơi tất cả bọn người đa ngôn dài lưỡi ngự trị.) Có vô số các nhà hùng biện và những bài diễn văn khác nhau của họ. Nhưng mọi người đều đồng ý báo cho dân chúng biết trước về mối nguy xảy đến khi bất thần những cơn mưa sắp tới đổ xuống. Nếu Trời dọn đường cho mưa, nếu Đất có hoa màu, Trật Tự của Quốc Gia sẽ rối loạn toàn thể, bởi vì Chính Phủ không hề đồng ý. Đó sẽ là công trình của một kẻ bất tuân đã dám theo sáng kiến của chính mình mà cầu cho trời mưa. Gương xấu sẽ kéo theo những việc xằng bậy khác, và thêm vào nữa là hoàn toàn tàn phá Quốc Gia. Thế thì người ta sẽ đi đến đâu nếu bất cứ ai muốn làm gì thì làm, không cần sự đồng ý của Chính Quyền trong Nước? Vả lại, tốt hơn nên coi chừng Chúa vì không phải lúc nào Người cũng để tâm đến việc làm của Người và Người có thể sơ suất để cho mưa rơi xuống lắm. Cuối cùng người ta đồng thanh quyết định chọn lời đề nghị đưa ra đầu tiên và hành động liền không bàn cãi mà cũng không trì hoãn, không kèo nài cũng không gia hạn.
Chỉ có những Ông Lớn trong Quốc Gia mới được vào Hội Đồng đặc trách giải quyết vấn đề. Người ta sẽ không bàn cãi lâu. Dự án được bọn “Đầu trần” đưa ra. Bọn này không bao giờ thấy thoả mãn: họ thù ghét mặt trời đã làm khô trí óc của họ và thù ghét mưa đập vào cái đầu hói hay cái trán để trần của họ. Họ buộc tội Trời nham hiểm bắt họ phải đội nón và, trong cuộc đấu tranh của họ chống lại kẻ địch kia, họ đã tìm ra một cách bảo vệ: dĩ nhiên không có một cái nón nào, mà là một thứ lều mở ra vào lúc trời tốt hoặc trời xấu mà họ gọi là “lọng” hay “dù”. Tóm lại, khi phải che thân dưới Trời, thì không bao giờ họ chịu vô phương bởi vì về việc này họ đâu phải dân tập sự. Chẳng có gì là lạ khi họ nghĩ ngay đến việc dựng lên một thứ lều, hoặc giăng ra một thứ vải bố để che miếng đất Quốc Gia từ đầu đến cuối và để nó khỏi bị mưa ướt. Như vậy, khi mưa đổ xuống, thì mưa sẽ bị chắn lại giữa chừng và không bao giờ đến mặt đất được. Ruộng đồng sẽ vẫn không được trồng trọt và Kỷ Luật sẽ được an toàn: Quốc Gia, khi vật ngã kẻ muốn phá hoại Uy Quyền của mình, tức là đã bóp nghẹt từ trong trứng những dự định của bọn phản loạn, những đồng loã của chúng. Đề nghị của bọn “Đầu trần” làm bọn “Đội nón” rất lấy làm vừa lòng. Vì đề nghị đó dựa trên ý nghĩ “che đầu”, nguyên tắc chính đối với đảng viên Đảng này, cả bọn bằng lòng đem áp dụng một cách nồng nhiệt.
Người ta liền tổ chức bầu cử một số Ủy Ban: Ủy Ban thứ nhất lo việc chọn những người đạc đất thành thạo để đo chiều dài và chiều rộng Quốc Gia; Ủy Ban thứ nhì lo việc đặt bọn thợ dệt làm một tấm bố vừa bằng diện tích Quốc Gia; Ủy Ban thứ ba liên lạc với bọn thợ mộc để dựng những giàn trụ nhằm đỡ tấm bố. Một Ủy Ban thứ tư chịu trách nhiệm về việc đặt giàn trụ và một Ủy Ban khác chịu trách nhiệm về cách thức chôn trụ xuống đất. Sau rốt người ta chỉ định một Ủy Ban Giám Thị “Thợ Dựng Bạt”. Rồi người ta bầu ra một Ủy Ban cuối cùng, không để làm gì cả, bầu vậy thôi, và người ta chia Ủy Ban này ra làm hai Ban, một ban gọi là A và ban kia là B, bầu vậy thôi, không để làm gì cả. Khi tất cả các Ủy Ban đều được chỉ định, người ta lập ra Ủy Ban của các Ủy Ban.
Lại còn phải lập ra một Ủy Ban đặc biệt để tìm một cái tên cho tấm bạt che: Cái gì có mang một cái tên thì có thể trở thành biểu tượng và đem lại nhiều tiền bạc. Và người ta lại cần tiền, rất nhiều tiền, để trả công làm tấm bố và công dựng các giàn trụ (và nhất là để cung dưỡng tất cả các Ủy Ban kia). Vậy là Ủy Ban đặc trách việc đặt tên cho Tấm Bạt Che khởi nhóm và, sau nhiều phen thảo luận, Ủy Ban này quyết định ủy nhiệm quyền đặt tên lại cho Hội “Ngữ Học” chuyên nghiên cứu các thổ ngữ. Không còn gì chính đáng bằng, vì tất cả các hội viên của cái Hội Đồng trứ danh này đều nói được ít nhất là mười thứ tiếng và biết cả hàng triệu chữ – người ta còn kể lại rằng có nhiều vị trong số hội viên đó còn biết cả tiếng mẹ đẻ của họ nữa.
Tất cả các Ủy Ban và Ủy Ban của Ủy Ban đều đặt tại các khu nhà lớn được mướn để làm việc nói trên. Các Ủy Ban này thu nhận cả một đội thư ký và kế toán viên, gác dan và giữ cổng. Vào ngày đã định, Hội “Ngữ Học” khởi sự làm việc để tìm một cái tên cho tấm bạt che. Lần bỏ phiếu đầu tiên, người ta ghi nhận nhiều đề nghị, như là “Pluvioslaire”, bởi vì tấm bạt được dùng để che mưa, “Logodynaire”, bởi vì nó nhằm tăng cường Luật Pháp và Kỷ Luật Quốc Gia, “Tectonaire”, bởi vì nó sẽ giống như một cái lều, sau cùng là “Protestaire”, để đánh dấu việc phản đối những cơn mưa muốn phá hoại Uy Quyền Quốc Gia. Người ta chọn tên “Protestaire”. Ta nên để ý là tất cả những chữ trên đều chấm dứt bằng vần AIRE, chắc hẳn là để gợi hứng cho các thi sĩ bằng cách hiến sẵn cho họ một vần vừa dồi dào vừa thông dụng...
Người ta bầu thêm hai Ủy Ban mới nữa, cả hai đều phụ trách việc quyết định cách viết dứt khoát của cái tên được chọn. Có người cho rằng phải viết là “Protestère” và người khác thì bảo phải viết là “Protestêre”. Một Ủy Ban thứ ba có nhiệm vụ phân định về cách đọc phải chấp nhận: các ý kiến của dân trong nước rất khác nhau, bởi vì người thì đọc “Protestêre” kẻ thì đọc “Protestère”. Rồi người ta đi đến chỗ đồng ý với nhau và chữ viết “Protestaire” làm hài lòng mọi người, những người có chủ trương có dấu huyền cũng như những người có chủ trương có dấu mũ.
Liền ngay khi tên tấm bạt che được loan ra, các nhà hùng biện vội chạy đến để cổ võ đám đông và xúi giục họ qui phục kỷ luật và tấm bạt “Protestaire”. Các tờ báo đăng lại những bài diễn văn của họ và viết những bài báo khác về đề tài này.
Các thi nhân tuy vậy cũng không kém cảm hứng.
“Rời bỏ những cuốn ký sự u ám để đọc kinh
“Họ cất cao tiếng hát đến độ như nhại lại
“Tiếng kêu vang rền của loài cóc Ai-cập.
Thế nhưng chính phủ vẫn theo dõi cái chính yếu: mở một công trái và chỉ định những người thu thuế, những người thu ngân, những nhân viên quảng cáo và giữ cửa. Họ đi rải rác khắp các thành phố và làng mạc để cổ võ đám dân chúng tụ tập. Họ đều bắt đầu giống nhau là tố cáo mối nguy hại “gây loạn” và chấm dứt bằng câu tuyên truyền: “Ủng hộ tấm bạt 'Protestaire' để thống nhất quần chúng và cứu nguy Tổ Quốc”. Những tấm lòng bừng bừng, những bàn tay đưa ra, những ví tiền mở rộng. Cảm động, đám dân quê rút từ trong các hang các kẹt ra số lúa thóc mà họ đã đem giấu. Người ta tổ chức những bữa tiệc linh đình và những buổi tiếp tân dành cho các đại biểu Chính Phủ đã phục vụ cho Đoàn Kết và Hoà Bình. Người ta ăn, người ta uống, người ta vui đùa. Trông cái cảm giác khoan khoái chung của mọi người, các vị hôn phu và hôn thê đem biếu cho Quốc Gia những quà cưới và của hồi môn của họ. Người ta còn thấy cả các ông già bà cả hy sinh đem vải và quần áo liệm của mình cho tấm bạt “Protestaire” nữa. Những kẻ nào dám không đem gì đến giúp đều bị hăm doạ báo thù và phải bị lột hết tài sản.
Số tiền quyên, những quà tặng và đồ vay mượn đều được tập trung lại. Thợ dệt và thợ mộc bắt tay vào việc, kẻ thì làm tấm bạt che, người lo làm những giàn trụ, mỗi người thợ dùng màu sắc của nhóm hay đảng mình, đảng màu đen thì dùng màu đen, đảng màu xanh thì dùng màu xanh, đảng màu đỏ thì dùng màu đỏ. Tấm bạt che làm xong, giàn trụ được dựng lên. Người ta đặt tấm bạt che trên các giàn trụ và người ta căng tấm bạt từ đầu này đến đầu kia trong Nước. Dân chúng ngắm nghía kiệt tác nầy và la lớn, một cách nồng nhiệt: “Hoan hô tấm bạt Protestaire! Tấm bạt Protetaire đã thắng những trận mưa vô kỷ luật muốn phá hoại Uy Quyền Quốc Gia! Sung sướng thay cho những kẻ được thấy Trật Tự vãn hồi và Uy Quyền được tăng cường trong Đoàn Kết và Hoà Bình!”

Lời cầu nguyện của Chú Khờ linh nghiệm và còn linh nghiệm hơn nữa là ý muốn của Chúa. Người cầm lấy chìa khoá cửa Trời và quyết định mở cửa cái kho tàng quí báu của Người, là cả bầu Trời. Chiếc chìa khoá, quá lâu không ai dùng đến, nay bị rỉ hết. Khi được tra vào ổ khoá Trời, nó kêu ra một tiếng cót két thật khủng khiếp – đó chính là tiếng báo trước có bão. Gỉ sét loang ra và làm rối cả Trời. Trời bao phủ mây đen nghịt : Sấm sét nổ ầm và những hạt mưa nặng hột bắt đầu rơi xuống.
Tấm bạt che, rách toang vì cả thác nước, rơi ra từng mảnh. Mưa đến được mặt đất và làm đất màu mỡ... Thế là công trình của dân trong Xứ bị cuốn mất. Chính bởi vì công trình có tính cách tạm bợ: cái chính yếu không phải là Hành Động, mà là Tư Tưởng hướng dẫn nó.
Nước chảy tràn trề, nhỏ giọt trên mặt mọi người. Các màu sắc trên tấm bố bị nhoè, loang vào nhau, màu đen trở thành đỏ, màu đỏ qua xanh, và màu xanh thì biến thành hoặc đỏ hoặc đen : Cuối cùng người ta không còn phân biệt được một màu nào lúc ban đầu cả.
Tác giả cuốn sách này đã có dịp chứng minh rằng không có điều dở nào mà không có cái hay trong đó. Tác giả vẫn luôn luôn giữ quan niệm đó mà không sợ phải bị chê cười. Thế nhưng trường hợp ngược lại cũng đúng. Thế gian dưới này chỉ là một, mà trong đó cái Xấu và cái Tốt lẫn lộn, không khi nào có cái này mà không có cái kia, bởi vì hiệu quả của chúng giữ quân bình cho nhau. Nước đổ xuống thật nhiều, nó tưới cho đất và những cánh đồng đem lại mùa màng. Bây giờ có bánh mì để ăn và nước để uống. Nhưng trong khi dân đói vui mừng, thì bọn đầu cơ buồn bã nghĩ đến vật giá hạ xuống, và nghĩ đến số hàng tích trữ kể từ đây đã biến thành vô dụng.
Về phần những Ông Lớn trong Nước, nỗi vui của họ không phải là không gợn buồn, bọn “Đội nón” buồn, vì nón mũ ướt hết coi mất cả vẻ chỉnh tề, bọn “Đầu trần” buồn, vì nước thấm lạnh chiếc đầu hói và hai bên thái dương để trần của họ.
Kẻ thù trong nước vậy là đã bị quật ngã, còn lại kẻ thù đang hăm he ngoài biên giới. Nhưng đây lại là một câu chuyện khác...
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng
_________________________
[*]“Jacasse”, từ nguyên nghĩa là người đàn bà hoặc con gái lắm mồm.

-------------
“Tấm bạt” dịch từ bản Pháp ngữ “La bâche” của Rachel và Guy Casaril trong Les Contes de Je´rusalem (Paris: Albin Michel, 1959). Tập truyện tiếng Pháp, theo bài tựa, là môt tập tuyển những truyện ngắn và những đoản trích văn rời rạc của Ch.-Y. Agnon do chính các dịch giả người Pháp chọn và sắp xếp. Bản Việt ngữ từng xuất hiện trên tuần báo Đại Dân Tộc số 3 [1] ra ngày 11.10.1969 ở Saigon dưới cái tên “ăn khách” hơn, “Tấm bố quái dị” – chắc hẳn tên do tuần báo ấy đặt – một năm trước năm tác giả qua đời. Trong tiểu sử tóm lược từng được in cùng với bản dịch trước đây, phần giới thiệu truyện đã được “cập nhật chấm phá”...
Nhân đây người dịch xin vô cùng cám ơn chị T.T. đã giúp đưa một bản dịch ra khỏi trạng thái “bốc hơi” của nó, sau gần nửa thế kỷ. Độc giả muốn tìm hiểu thêm về Chmuel-Yossif Agnon xin đọc "Đi tìm một ngôn ngữ đã mất: AGNON GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" của Diễm Châu trên Tiền Vệ.