HOÀNG HƯƠNG TRANG
Chữ Quốc Ngữ (Q.N) viết theo dạng 24 chữ cái ABC xuất xứ từ các Thầy Dòng truyền giáo Tây Phương mang vào nước ta, cho đến nay gọi là được phổ biến trên dưới trăm năm, gói gọn vào thế kỷ 20.
Chữ Quốc Ngữ (Q.N) viết theo dạng 24 chữ cái ABC xuất xứ từ các Thầy Dòng truyền giáo Tây Phương mang vào nước ta, cho đến nay gọi là được phổ biến trên dưới trăm năm, gói gọn vào thế kỷ 20.
Trước đó nữa, phổ biến vẫn chỉ là chữ Hán, chữ Nôm, tiếp đến là chữ Pháp
rồi mới đến Q.N. Các cụ xưa, chẳng mấy ai đưa ngôn ngữ bình dân đại
chúng vào tác phẩm, vì thế ngày nay, những nhà ngôn ngữ học, hay nghiên
cứu về văn hóa dân gian, gặp không ít khó khăn. Đa số sách chữ Nôm là
khá gần ta nhất, thì cũng toàn văn vần, thơ, phũ, biền ngẫu, thoát thai
từ Hán văn, văn Hán và Nôm đều quá sơ lược, đơn gọn, không phản ảnh được
đúng ngôn ngữ bình dân, mà qua thời gian, dòng ngôn ngữ ấy đã biến
thiên rất nhiều.
Thuở ấy, chưa phải là xưa lắm, đến cái chữ Nôm còn bị dè bỉu là “mách
qué”, đã học là phải học chữ Hán mới đúng “cửa Khổng sân Trình”, huống
hồ cái chữ Q.N, bị coi là thứ chữ “Bò ngang như cua” của Tây Dương đem
lại. Do đó, chữ Q.N đã được khai sinh và hoàn chỉnhkhá lâu, từ thời
Trịnh Nguyễn, nhưng chỉ dùng cho các vị Cố Đạo, thương nhân nước ngoài,
mặc dầu đã có tự vị hẳn hoi, mà vẫn còn xa lạ với người đi học. Nề nếp
và ổn định thì chỉ trên dưới trăm năm thôi, giai đoạn đầu cũng chỉ học
thuần chữ Pháp, mãi mới chuyển Q.N được. Nhưng từ khi phổ biến bộ chữ
Q.N là ta gặp ngay mọi sự dễ dàng, trong khi đó, những nước dùng chữ
tượng hình như Tàu, Nhật, Hàn, và các nước theo chữ Á Rập rất khó hội
nhập với các nước có bộ chữ cái La Tinh. Ta rất may mắn, tuy rằng mấy
nghìn năm lệ thuộc Phương Bắc, thế mà khi có chữ Q.N, ta nhanh chóng, dễ
dàng vượt thoát ra khỏi cái vòng đai khổ ải của thứ chữ tượng hình như
vẽ bùa ấy.
Trước giờ các nhà nghiên cứu hầu như đồng ý với lập luận rằng, chữ Q.N
được khai sinh bởi cha đẻ A. De Rhodes, Béhaine hoặc một vài vị cố đạo
đồng thời, và cũng chỉ nghĩ rằng, chỉ có các vị cố đạo nước ngoài như
thế thôi, thật là thiếu sót và oan uổng! Thật ra ta đã có một vị Thầy Cả
thuần chất, sinh năm 1759 đến 17 tuổi vào tu ở nhà Dòng, rồi đi chu du
nhiều nước, ông viết nhiều sách, soạn và san định nhiều bộ tự điển đầu
tiên cho người Việt dùng. Bằng chữ Q.N chính hiệu, mà ngày nay đọc nó
vẫn còn trôi chảy, vẫn hiểu như ngôn ngữ ta dùng hiện nay. Ông viết bằng
thứ văn xuôi như nói chuyện, nói sao viết vậy. Chuyện ông viết vừa nhật
ký, ghi chép biên niên, hoạt động của Dòng Chúa, của nhà thờ, của Giáo
Hội trong và ngoài nước, sinh hoạt ngày thường của xã hội ta, xã hội Tây
Phương, các nước ông đã đến, các nghề nghiệp lúc bấy giờ, cách ăn uống,
ăn mặc, tế lễ, tang ma, ông quan sát rồi vẽ ra những vật dụng ta chưa
làm được, như cái bàn in để in tranh tượng thờ, cái bàn nghiền bột thô
sơ để lấy bột làm bánh thánh, cái máy dệt cổ sơ của tây phương, ông ghi
chép, vẽ lại tỉ mỉ mọi sinhhoạt xã hội, so sánh cách sống văn minh hơn,
có khoa học hơn, vệ sinh hơn của xã hội tây phương với cách sống còn lạc
hậu, thiếu vệ sinh, thiếu khoa học của dân ta. Từ cách nhà thoáng mát,
sơn quét đẹp mắt, giường nệm trắng tinh, phòng ngủ phòng ăn tươm tất,
bữa ăn nhiều chất đạm, nuôi con sạch sẽ không mớm cơm nhai như các bà mẹ
ta thời ấy... tất cả được viết lại bằng một thứ chữ Q.N, văn nói bình
dân, đầy đủ, lưu loát, dễ hiểu.
Toàn bộ sách của ông, có cuốn đã in, có cuốn viết tay, kể cả những bộ tự
vị mà ta biết của các vị cố đạo, những bộ được đánh giá là “Tối cổ”.
Ông, một người Việt thuần chất, viết cho người Việt đọc, chúng ta không
ai biết ông, hầu như chưa ai nhắc tới ông bao giờ, ông đã bị lãng quên!
May thay, một số sách của ông còn lưu giữ kỹ càng ở thư viện Tòa thánh
Vatican, được cầm trên tay những trang sách viết nắn nót của ông, thật
bồi hồi xúc động, trên 200 năm trước đã có một con người Việt Nam như
thế. Ông là Thầy Cả Philipphê Bỉnh, ông không để lại cho chúng ta một
hình vẽ, một pho tượng nào cả, nhưng chân dung ông thì rất rõ nét. Ông
là người Việt Nam viết văn Q.N đầu tiên, khác hẳn với tính cách những
nhà truyền giáo nước ngoài đồng thời với ông. Tiếc là ông đã không ghi
họ gì, chỉ ghi tên Thánh trước tên thật, ông người xứ Hải Dương, phủ Hạ
Hoàng, huyện Vĩnh Lại, xã Ngãi An, thôn Địa Linh, sinh năm 1759, 17 tuổi
vào Dòng tu, rồi đi chu du nhiều nước theo các Dòng thánh, ông đã sống ở
nhiều nước tây phương và Á Châu, ông không nhắc gì đến quãng đời thơ
ấu, cha mẹ, anh em, do đâu mà ông đi tu, chỉ nói sơ lược đến quê quán.
Ông đi tu và học ở trường Kẻ Vĩnh lúc 17 tuổi (1775), đến 1793 ông được
thụ phong linh mục, cuộc đời học vấn và tu tập gần ngót 20 năm ông ghi
đầy đủ những ngày ông được thụ chức trong giáo hội. Có lẽ ông là người
có học vấn và học đạo xuất sắc hơn người, nên vừa thụ phong linhmục
xong, nhận vật kỷ niệm, khao vọng anh em nhà dòng, là được trao phó ngay
chức vụ đảm nhiệm rất quan trọng, chức giữ việc trong giáo hội, tức
quản lý tài sản tiền bạc của giáo hội, công việc ấy rất nặng nề, trách
nhiệm, phải rất xuất sắc, uy tín mới được giao. Ông tự ví: “Thầy cả giữ
việc Vít vồ thì chẳng khác gì như quan Tọa triều” (Vít vồ tức quản lý,
ngày nay không còn thấy trong chữ Q.N nữa). Với chức vụ ấy, ông có cơ
hội đi lại nhiều lần giữa Việt Nam - Macao - Goa (một xứ ở Ấn Độ) rồi
sang Trung Hoa (ông ghi là nước Đại Minh) và nhiều nước khác, để lo việc
đạo, uy tín ông ngày càng tăng.
Lúc bấy giờ, phát sinh ra việc tranh chấp cực kỳ nặng nề giữa hai phe
truyền giáo là dòng Đa Minh và dòng Tên, có áp lực chính trị quốc tế xen
vào, tòa thánh La Mã lại dường như nghiêng về phía dòng Đa Minh mà bỏ
rơi dòng Tên, ông đã cùng một phái đoàn thầy giảng Việt Nam sang tận Bồ
Đào Nha yết kiến nhà vua, nhờ can thiệp với Tòa Thánh, nhưng không được
giúp đỡ mà còn bị lưu vong ở Lisbone hơn 30 năm rồi chết ở đấy. Trong
hơn 30 năm này ông dùng để trước tác, biên soạn tự vị, sao chép sách vở,
viết nhật ký với ý đồ gởi về quê hương toàn bộ tác phẩm của mình, ông
viết công phu, tỉ mỉ, không có ý làm văn chương, nhưng là biên soạn, ghi
chép những việc thật, người thật ở xứ người, tả đầy đủ, rõ ràng xã hội
Tây phương bấy giờ, và so sánh với xã hội ta, mong muôn lúc trở về sẽ
truyền bá, cải tiến cho bằng người. Tiếc thay, ông đã không làm được vì
đã chết ở đất nước người sau hơn 30 năm lưu vong vì sự phân chia hai
dòng truyền giáo mà ông đã bất lực không kết hợp lại được.
Những sách của ông, theo di chúc, được gởi về quê hương song khi ấy dòng
Đa Minh và dòng Tên còn đang kháng nhau kịch liệt, đốt cả nhà thờ của
nhau, bắt giáo sĩ của nhau nhốt cả vào chuồng trâu bò, kể cả việc đổ
máu, việc chia rẽ diễn ra khắp các nước có giáo hội của hai dòng. Riêng
nước ta cũng nhằm vào thời các vua Nguyễn bài đạo Ki Tô ráo riết, nên
những sách ông gởi về không biết lưu lạc phương nào? Chút may mắn còn
lại là thư viện Tòa thánh Vatican còn lưu của ông một số ít, không tới
một phần hai mươi số sách của ông (so với bản kê khai sách trong thư
viện riêng ông, chính tay ông viết), may thay, trong đó còn lại cuốn
quan trọng hơn cả, cuốn viết tay, nhan đề “Sách sổ sang chép các việc”
là cuốn có cái nhìn tổng quan, bao quát, của sự nghiệp trước tác và cả
thời đại ông sống. Cũng từ cuốn này ta có thể so sánh chữ Q.N buổi bình
minh ấy với hiện tại, cách nhau ngoài 200 năm đã có những biến thiên gì?
Xuyên suốt cuộc đời ông đã sống, làm việc, đọc ông dù còn lại không
nhiều, chân dung ông như hiển hiện trước mắt, một vị thầy cả trầm tư,
đạo mạo, thông thái, cần cù nhẫn nại.
Chỉ riêng một cuốn sách ít ỏi mà nay ta còn lại trong tay, dày trên 600
trang, do chính ông viết tay nắn nót cẩn thận, nếu có được tất cả sách
của ông đã viết thì chúng ta đã có thể có cả một kho báu văn học Q.N
buổi đầu đồ sộ đến nhường nào?
Sự nghiệp của Philipphê Bỉnh rất lớn lao, ông là một tài năng đa dạng,
về ngôn ngữ học, xã hội học, nhà văn và họa sĩ. Riêng trên lĩnh vực từ
điển, ta sẽ tìm thấy những gút mắc về những bộ từ điển được gọi là “tối
cổ” mà lâu nay coi như đã thất lạc không còn tìm ra manh mối, thì nay
những mấu chốt ấy có thể thấy được trong sách của Philipphê Bỉnh, những
cuốn từ điển “Tôi tối cổ”, cổ hơn cả những cuốn của A.de Rhodes in năm
1651, của Pigneau de Béhaine đã bị cháy ởCà Mau đầu thế kỷ 19, hay cuốn
của Tarberd tu bổ lại cuốn bị cháy. Hai cuốn “Tôi tối cổ” là hai cuốn đã
được nhắc đến trong bài tựa của cuốn tự vị cổ nhất in 1651 của de
Rhodes, đó là hai cuốn của Gaspas D’amaral, và Antonio Barbosa mà tưởng
chừng không bao giờ còn cơ hội thấy bóng dáng. Việc vô cùng quan trọng
này, trong phạm vi một bài viết ngắn không thể nói hết được, phải chờ
những nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, của ta sẽ làm việc đầy đủ hơn,
để đưa ra ánh sáng, vì đó là những bộ sách quý giá hiếm hoi của chữ Q.N
trong buổi đầu và là cái mốc của lịch sử văn học Quốc Ngữ. Có thể nói
Philipphê Bỉnh là nhà văn viết bằng Q.N hoàn chỉnh nhất và đầu tiên của
nước ta. Ông biết nhiều thứ tiếng, nhất là Pháp và La Tinh, nhưng không
viết tiếng nước ngoài mà người chỉ chăm chú viết tiếng Việt cho người
Việt đọc, lòng yêu dân tộc của ông rất cao. Ở cách chúng ta ngoài 200
năm đã có một tấm lòng, một khối óc, một tài năng như thế, đã đóng góp
trí tuệ mình vào gia tài văn hóa dân tộc, thật đáng cho chúng ta tôn
vinh, ngưỡng mộ và tri ân.
Cũng từ cuốn sách này mà ta có thể so sánh chữ Quốc Ngữ buổi đầu với
hiện tại, cách nhau trên 200 năm mà đã có những biến thiên gì? Ví dụ:
Nay ta viết và đọc: Đức Chúa Trời, Cũng như, Cùng nhau, Quản lý, Hạ
Hoàng, Huyện, Thôn, Dòng Chúa, Thầy Dòng, Song le, Trước khi,...
Thì lúc bấy giờ, Philipphê Bỉnh viết: Đức Chúa Blời, Cŭ~ như, Cŭ` nhau, Vít vồ, Hạ Hàǒù, Huện, Tôn, Dàõ Chúa, Thầy Dàõ, Saǒ le, Trc' khi...
Ông lại còn dùng rất nhiều chữ viết tắt như: Rg` (rằng) Ng` (người) Chg’
(chẳng)... riêng chữ Vít Vồ (tổng quản, quản lý) cho đến nay không còn
dấu vết trong chữ viết và ngôn ngữ của ta, chỉ phỏng đoán theo ý của
toàn câu thì nó có nghĩa là một chức vụ quan trọng như tổng quản, quản
lý, trông coi tiền bạc, tài sản của giáo hội, chứ không thể tìm đâu ra
chữ “Vít vồ” tương đương với chữ gì hiện nay.
Cũng cần cảm ơn người đã có công khám phá ra kho tàng sách vở của
Philipphê Bỉnh là linh mục Thanh Lãng, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn
học, Chủ tịch Trung tâm Văn Bút VN trước 1975, ông đã bỏ ra nhiều công
sức và tiền bạc chụp lại phim toàn bộ bộ sách của Thầy Cả Bỉnh còn lưu
lại ở thư viện Tòa thánh Vatican, mục “Tài liệu Bắc Kỳ”, mang số
Borghese Tonchino 3, kho tàng ấy đã chìm vào lãng quên hơn 200 năm,
chúng ta không thể lại để tiếp tục lãng quên, sẽ có tội với tiền nhân và
nền văn hiến nước nhà.
Bài viết ngắn này, chúng tôi tha thiết mong liên Bộ Giáo dục - Đào tạo
và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc
nghiên cứu, truy tầm, những tác phẩm vô giá về văn học Quốc Ngữ này,
hiện còn lưu giữ ở thư viện Tòa thánh Vatican, nước Ý.
H.H.T
(SDB8/3-13)