Saturday, October 19, 2013

Người Vân Kiều và Pa kô hôm nay

Nhóm phóng viên tường trình từ VNTTVN10182013.mp3

thieu-nu-Van-Kieu-305.jpg
Người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị.

Thời khàng chiến chống Pháp, đồng bào dân tộc thiểu số Pa – kô và Vân Kiều sống dọc bờ sông Dakrong thuộc các địa phận Hướng Nghiệp, Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị đã tình nguyện theo Việt Minh, tình nguyện lấy họ của mình là họ Hồ để theo bác Hồ chiến đấu chống thực dân, chống cái xấu. Mãi cho đến bây giờ, thế hệ con cháu của đồng bào Pa – Kô và Vân Kiều không còn biết gốc gác của mình nữa, chỉ biết mình mang họ Hồ. Thế nhưng họ lại rất sợ “con cháu bác Hồ”.

Sống quần tụ và lây lất

Có thể nói rằng đời sống của bà con đồng bào thiểu số Vân Kiều và Pa – Kô khổ cực không còn gì để nói. Đi dọc theo đường 9 Nam Lào từ thành phố Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo, qua khỏi những dãy nhà ngói đỏ chói của thành phố chừng 10km, đến đoạn sông Dakrong chảy dọc đường 9 Nam Lào, nhìn sang bên kia sông là những mái nhà lụp xụp nằm lặng lẽ trên đồi, nhìn lại bên cánh rừng dọc đường 9 cũng nhiều mái nhà sàn lợp tranh nhỏ xíu, tuềnh toàng gió lộng nằm giữa các nương sắn hoặc giữa các ngọn đồi trọc. Cảnh nghèo đói hiện ra xác xơ, tiều tụy.
Thi thoảng, trên đường đi, bắt gặp vài cụ già gùi củi trên lưng khom người đi bộ, cố lê chân từng bước một, bước đi vô hồn, nghe có cả âm thanh réo sôi của bụng đói và nỗi buồn tuổi già bóng xế trong tiếng chân bước. Không những thế, có nhiều cụ bà già 60, 70 tuổi phải gùi củi, măng, bắp chuối đi từ 6 đến 9km từ nhà đến trung tâm thương mại Việt – Lào – Thái hoặc chợ Khe Sanh để bán. Phần đông các cụ này đều không có con cái hoặc con cái đã ở riêng nhưng cũng quá nghèo khổ, không giúp được gì cho cha mẹ. Và phần đông các cụ bà này đều chưa chết chồng, các cụ ông vẫn còn khỏe mạnh nhưng chỉ ở nhà uống rượu với nỗi tự hào mình từng là người lính cụ Hồ, là con cháu của Bác, nhờ vào họ mà người vân Kiều, người Pa – Kô đều trở thành con cháu bác Hồ.
Cụ bà Hồ Thị Mười, 76 tuổi, có chồng là cụ ông Hồ Văn Kha, 80 tuổi, bị nát rượu hơn 30 năm nay kể từ ngày không được con cháu bác Hồ người Kinh trọng dụng nữa. Ông chỉ biết uống rượu và ca ngợi về người cha già dân tộc, bắt đầu mở mắt đã cho rượu vào người đến khi chiều tối, có hôm đến khuya, nói lảm nhảm rồi ngủ thiếp, hôm sau lại tái diễn của hôm qua.
nha-san-cua-dong-bao-Pa-Ko-250.jpg
Khu nhà ở của người dân tộc thiểu số Pa-kô ở Quảng Trị. RFA PHOTO.
Cụ Mười than thở rằng đời sống của cụ quá khó khăn, chẳng biết bám víu vào đâu, những người con của cụ cũng nghèo khổ rách nát, chỉ mong nhà nước có chính sách giúp đỡ cho bà con bớt khổ nhưng lâu nay chẳng thấy gì ngoài những chút quà Tết có khi là của nhà nước, có khi là của Việt kiều cho bà con cải thiện mấy ngày đầu năm. Hiện tại, với diện tích đất rừng khai phá trong vườn nhà cụ gần một hecta nhưng trong sổ đỏ chỉ để đó là đất sản xuất, trồng rừng, nhà nước có thể thu hồi bất kỳ giờ nào. Mà cụ cũng mong thu hồi cho xong chứ để lại, cụ có trồng nổi chăng nữa thì cũng chẳng yên ổn được, hiện tại thì vợ chồng cụ trồng không nổi, quanh năm suốt tháng đi hái măng rừng ra chợ bán, ngày nào đắt thì kiếm được ba chục, năm chục ngàn đồng, có ngày kiếm vài ngàn, đủ để mua lon gạo chút muối… Sợ “con cháu bác Hồ”
Chị Hồ Thị Mai, người Vân Kiều, sống ở Hướng Nghiệp, cách chợ Lao Bảo gần 15km, mỗi ngày, chị thức dậy từ 4h sáng, vác gùi lúc đi lúc chạy cho kịp phiên chợ sáng vào lúc 9h ở chợ Lao Bảo, cố gắng bán cho hết măng, một ít ớt rừng và vài nải chuối để kiếm cho được từ 50 ngàn đồng đến 70 ngàn đồng. Hôm nào kiếm được 70 ngàn đồng, chị bỏ ra 15 ngàn đồng để đón xe quay về nhà, hôm nào ít hơn thì lại đi bộ về nhà. Vì số tiền ít ỏi kiếm được chỉ đủ mua gạo muối, dầu chè cho gia đình ba đứa con nhỏ của anh chị. Và để có được măng cũng như các thứ cho chị đi bán, chồng chị phải suốt ngày quần quật trên rẫy để làm ra những thứ ấy rồi hái mang về cho vợ đi bán.

Nạn đồng huyết

Một cô gái thuộc vào dạng lanh lẹ bậc nhất của người Pa – Kô, không giới thiệu tên, hiện không làm nương rẫy nữa mà từng có thời gian đi thồ hàng chẻ rừng, kể với chúng tôi: “Họ làm giống như qua tới Lào, nó bắt trả tiền phần trăm hết, nên nếu như về tới mình mà bị bắt thì mất hết. Thì nó ép người buôn mình chịu hết, ôm sô, bên Lào nó có chịu gì đâu. Nói chung là ăn không mấy sảng, ăn cám trả vàng. Họ làm vất vả lắm. Ví dụ như ngày họ kiếm được một trăm năm mươi ngàn, hai trăm hoặc ba trăm ngàn nhưng nếu các ngành vào cuộc thì mất cả tiền triệu. Còn gánh hàng thì họ tính theo triên, một triên trả hai ngàn đồng, có năm mươi ký cũng tính hai ngàn, mà trên một tạ cũng tính hai ngàn. Nếu đi xa thì được tính năm ngàn, bảy ngàn một triên. Một ngày mà họ kiếm được chừng một trăm rưỡi ngàn là đọa luôn, không dễ làm ăn đâu.”
phu-nu-Van-Kieu-o-cho-Bien-gioi-Viet-Lao-250.jpg
Người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở chợ biên giới Việt Lào. RFA PHOTO.
Hiện tại, cô cũng bỏ luôn nghề thồ hàng chẻ rừng vì mối nguy hiểm quá cao, nếu không gặp rắn rết thì cũng gặp công an. Mà với những người nghèo khổ hai dân tộc thiểu số nói trên, công an và cảnh sát biên phòng còn ghê hơn cả rắn rết và thú dữ, đó là nói riêng. Nếu như nói chung thì người đồng bào thiểu số rất sợ con cháu bác Hồ người Kinh, vì những người Kinh con cháu bác Hồ quá lanh lẹ, xảo trá, đã nhiều lần phỉnh bà con dâng nộp vườn tược, đất đai hoặc đưa ra những chính sách nghe rất hấp dẫn, bà con tình nguyện ký đơn giao nộp nhiều thứ, trong đó có cả những cánh rừng bà con đã bỏ công trồng trọt. Kết cục, bà con té ngửa nhận ra rằng mình chẳng được lợi gì cả, khổ vẫn hoàn khổ.
Chị Hồ Thị Trường, người Pa – kô, quanh năm hái măng rừng đi bán ở trung tâm thương mại Lao Bảo, kể với chúng tôi: “Nghèo, toàn người nghèo, khổ. Được 3 – 4 đùm măng, với chuối, bán chợ mua gạo. Đi thì chưa ăn cơm, về thì đi bán măng, có hai đùm măng bán được hai chục.  Học thì lớp 3, lớp 4 bỏ, ba mẹ cho đi làm, đi bẻ măng. Không làm thì không có ăn.”
Chị kể thêm rằng nhà chị không còn đất rừng nữa, vì miếng rừng của anh chị đã bàn giao cho cán bộ nhà nước. Dường như bà con ở đây ai cũng thờ ảnh bác Hồ trong nhà, ai cũng tình nguyện bỏ tiền ra mua ảnh Bác về thờ nhưng Bác chẳng phù hộ gì được cho bà con bớt khổ, thậm chí, con cháu cán bộ người Kinh của Bác đối xử quá tệ với bà con, đôi khi, bà con muốn bỏ đi cái họ của Bác để bớt khổ nhưng rất sợ, vì làm thế, không chừng bị con cháu cán bộ của Bác bắt nhốt. Mà nghiệt nỗi, nếu không còn sợ cán bộ nữa, cũng chẳng biết mình gốc gác họ gì để mà đổi lại vì từ thời kháng chiến chống Pháp đến nay, ai cũng tin mình họ Hồ.
Đời sống của đồng bào Vân Kiều và Pa – Kô thuộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, nghe ra, còn khổ hơn cả người rừng rú thời xa xưa, mặc dù họ đang sống trong thế kỷ hiện đại. Và có một mối nguy hiểm, có thể dẫn đến diệt vong của đồng bào Pa – Kô và Vân Kiều là nạn đồng huyết, vì họ không còn phân biệt đâu là bà con ruột thịt của mình bởi họ gốc đã mất nên chồng họ Hồ thì vợ cũng họ Hồ, cứ lấy nhau và không cần bàn cãi về dòng tộc, sui gia gì nữa, bởi có nói nhiều cũng mang họ Hồ. Chính vì thế mà đồng bào dân tộc thiểu số vừa nói ai cũng có gương mặt khờ khạo, họ không thể học được con chữ. Đó cũng là dấu hiệu đầu tiên của nạn đồng huyết!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.