Sunday, October 13, 2013

DU NGOẠN VỀ QUÁ KHỨ

                                                          DU KÝ NGẮN  -  CHÂN  PHƯƠNG 


   Một ngày nắng đẹp đầu tháng 10 chúng tôi đến Plymouth - khởi điểm của Tân Anh Quốc (New England) vừa là cái nôi của lịch sử chính trị Hoa Kỳ. Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi làm tài xế, tôi sắm vai tour guide, trên xe còn thêm nữ họa sĩ Văn Dương Thành, nhà thơ Nguyễn Duy và nhà văn Nam Dao.

   Từ khi sang Mỹ, tôi đã đến Plymouth cả chục lần; khi thì đưa mẹ và các em từ Pháp lần lượt sang thăm viếng, lúc thì du ngoạn với các bạn từ nước ngoài ghé chơi Boston. Tôi vẫn có ý định viết một vài trang giới thiệu với người đọc một chương mở đầu lịch sử và văn hóa Mỹ quốc. Lần này tôi chịu khó mang theo máy ảnh bỏ túi để chụp thêm loạt hình minh họa cho bài du ký ngắn này.
MAYFLOWER II, đóng theo nguyên mẫu do các thợ đóng tàu ở Devon, Anh Quốc. Ngày 20-4-1957, phó bản này vượt Đại Tây Dương theo hải trình xưa trở lại Plymouth để biến thành nhà bảo tàng nổi nơi bến cảng.

  Ai biết qua lịch sử Mỹ đều nghe đến Jamestown ở Virginia, nơi di dân Anh lập cái ấp đầu tiên trên lục địa mới năm 1607. Đến tháng 9 -1620, thương thuyền Mayflower chở khoảng trăm người sang Virginia, nhưng bị bão to nên giạt lên hướng Bắc tấp vào bờ Cape Cod. Từ sự bất ngờ hàng hải đó ra đời làng Plymouth, rồi Boston và Massachussetts sau đó.



Tảng đá Plymouth Rock, trên có khắc số năm 1620 khi di dân đến Mỹ. 


   Hơn năm mươi ngày sau, cuối tháng Chạp 1620, thương thuyền bỏ neo trong vịnh Plymouth Bay và nhóm người đổ bộ chèo ghe nhỏ tấp vào tảng đá to nay được bảo tồn ngay bến tàu với cái tên Plymouth Rock - một ẩn dụ vững chắc đặt nền móng cho một chính thể mới. Trong mấy tháng đầu, di dân ban ngày chèo ghe lên đất liền để đốn cây xây nhà và ban đêm trở lại tàu lớn để nghỉ ngơi vừa bảo toàn an ninh. Trải qua mùa đông thứ nhất vô cùng khắc nghiệt, hơn phân nửa số người Pilgrims (tên gọi chi phái đã tách khỏi giáo hội Anh quốc của vua James đi tìm tự do tín ngưỡng) chết vì đói rét bệnh tật, nhưng phần còn sống sót nhờ sự giúp đỡ của thổ dân Wampanoag  đã dựng nên xã ấp thứ hai trên đất mới là Plymouth Plantation, sau Jamestown của Virginia.

 Tượng MASSASOIT, tù trưởng Wampanoag đã cứu đói di dân Pilgrim.
   Dù xếp hạng thứ hai về thời gian, Plymouth lại mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước Mỹ.
   Khi cơn bão định mệnh đẩy nhóm Pilgrims giạt xa Virginia, nó cũng cắt họ ra khỏi những ràng buộc pháp lý với chính sách thuộc địa Anh quốc bấy giờ. Để tránh xung đột trong lòng cộng đồng nhỏ di dân, 41 người đàn ông trưởng thành trên tàu Mayflower (lúc đó đàn bà chưa được quyền góp phiếu) đã hội thảo và đồng ý ký tên vào Thỏa Ước Mayflower Compact, văn kiện chính trị đầu tiên thiết lập hình thái ban đầu cho một thể chế dân sự tự nguyện phục tùng đa số qua phiếu bầu : ...in the presence of God, and one another, covenant and combine ourselves into a civil body politic...(trước sự chứng giám của Chúa Trời, với sự hiện diện của mọi người có mặt, chúng tôi thỏa ước kết hợp với nhau làm một khối chính trị dân sự ...). Chính mấy dòng chữ này đã tạo khuôn mẫu sơ khởi cho nền dân chủ Mỹ về sau.

              Chân Phương, Nam Dao, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Duy trước nhà bảo tàng Plymouth; dưới là kiến trúc mái che tảng đá Plymouth Rock và cảng tàu trong vịnh biển Plymouth. 

    Sau hai tiếng tham quan chụp ảnh tại bến cảng lịch sử và mua quà kỷ niệm, cả bọn lái xe từ chính lộ Samoset qua đường Allerton thăm tượng đài Pilgrim Monument trước khi quay về Boston. Nếu không có thổ công hay hướng dẫn viên, du khách đến viếng Plymouth thường bỏ sót trọng điểm văn hóa này. Khối kiến trúc hoa cương có chiều cao 25 thước được khánh thành vào tháng 8 năm 1889 để tưởng niệm công đức của những di dân Pilgrims mang tên National Monument to the Forefathers (Tượng đài Quốc gia tưởng nhớ các Tiền Nhân). Tượng đứng giữa chỉ ngón tay phải lên trời và ôm Thánh Kinh bên tay trái có tên là Đức Tin (Faith). Bốn tượng đá ngồi vây quanh là biểu tượng của Đạo Đức (Morality), Pháp Luật (Law), Giáo Dục (Education), và Tự Do (Liberty). Toàn bộ công trình điêu khắc  tượng trưng cho những nguyên lý nền tảng của cộng đồng di dân Pilgrims, và như lời thống đốc Massachusetts đầu tiên William Bradford; ...một cây nến nhỏ có thể thắp lên nghìn ngọn nến...các nguyện vọng tự do tín ngưỡng và tư tưởng phát khởi trên tàu Mayflower đã cháy rực và châm lửa cho cuộc khởi nghĩa giành độc lập sau này.

Tượng đài NATIONAL MONUMENT TO THE FOREFATHERS

     Rời Plymouth, chúng tôi lên quốc lộ số 3 rồi rẽ qua đường 3A. Lộ trình này cũng là hướng di dân từ Anh quốc và Âu châu tiến dần lên phương Bắc. Mười năm sau khi lập ấp ở Plymouth, họ bắt đầu cất nhà và thành lập thương cảng mới ở Boston - thủ đô lịch sử-văn hóa đầu tiên trên nước Mỹ. Rải rác trên con đường đất ngày nào chỉ có xe ngựa với bộ hành lui tới lần lượt mọc lên các làng xã và thị trấn ven biển. Tiện đường tôi tranh thủ đưa các bạn đến Cohasset thăm di tích hiếm - nhà máy xay lúa của Mordecai Lincoln. Rời Âu châu theo những đoàn người di dân thuở ban đầu sang lập nghiệp ở Tân Thế giới, ông cụ gốc Do thái này có ngờ đâu năm sáu đời sau người cháu Abraham của ông sẽ trở thành vị tổng thống cứu quốc tài ba đã thống nhất lại Hoa Kỳ sau thảm họa Nội chiến tang thương, đồng thời xóa luôn chính sách nô lệ đã làm vấy bẩn phần đầu cuốn sử của Hoa Kỳ sau khi giành được chủ quyền và độc lập.

 Nhà máy xây lúa của Mordecai và bia tưởng niệm ông tổ 5 đời của Abraham LINCOLN

   Sau một cuộc du ngoạn kỳ thú đồng thời là chuyến hành hương vào quá khứ thăm cái nôi của nền dân chủ tương lai của nước Mỹ, bọn tôi quay về ngôi nhà cuối bãi Nantasket dưới sắc nắng lụa đầu thu nhuộm vàng một vùng đảo vịnh. Lại bày tiệc rượu ngoài vườn, lại đàn hát vẽ vời trong tiếng lá bạch dương xào xạc từ ngọn gió mát trùng dương. Dưới ánh tà huy, Nguyễn Trọng Khôi tô họa bằng phấn màu pastel một bức ký họa ngôi nhà tôi cư ngụ từ mấy năm qua trên tiểu đảo Spinnaker Island.
   Niềm hứng thú kéo dài ấy giúp bọn tửu đồ này uống cạn mấy chai alsace Trimbach thơm ngát, cộng thêm một Trotanoy 1996 đậm đà hương vị nắng hè của vùng Pomerol-Bordeaux xa xôi nhưng gần gụi như lịch sử vừa được đánh thức lại trong ý thức chúng tôi - những di dân còn mới trên lục địa Bắc Mỹ trù phú và rộng lượng này.

 Ngôi nhà trên đảo nhỏ - ký họa Nguyễn Trọng Khôi (3-10-2013)


    CHÂN PHƯƠNG   
 Spinnaker Island , cuối tuần October 13, 2013