Thursday, October 24, 2013

Nhân đọc Hoàng Chính

Nguyễn Vy Khanh
hoang_chinh Nhà văn Hoàng Chính

Về cứu-rỗi và thế-giới nan-y


Giới y-sĩ Việt-Nam cầm bút không nhiều trước biến cố 30 tháng Tư 1975 (Hoàng-Vũ Hoàng Văn Đức, Trần Ngọc Ninh, Nhân-Tử Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Hữu Phiếm, Trần Văn Tích, Dương Tấn Tươi, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, v.v.); sau ra đến hải-ngoại thì có tăng nhân-số nhưng là tăng theo cùng tỉ lệ với số cây bút tài tử và cộng đồng ngoài giới này, và cũng lão hóa có phần nặng nề hơn khuynh hướng chung. Những cây bút y-sĩ sau 1975 viết nhiều thể loại từ thơ văn đến nghiên cứu, từ điển, hồi ký,… Tuy vậy những ngòi bút thuần túy văn-chương thì vẫn không nhiều so với tổng-số người hành nghề y-khoa – trong khi những ngành nghề khác cung cấp nhiều nhà văn thơ hơn như giáo chức, nhà báo, chuyên-viên điện toán, v.v. Đã khởi viết từ trước, nay tiếp tục sáng tác văn-chương ở hải ngoại có Trang Châu, Ngô Thế Vinh,… thật mới và tương đối mới thì có Nguyễn Xuân Quang, Mai Kim Ngọc, Hoàng Chính, Trần Long Hồ,…


Mặt khác, các nhân-vật y-sĩ trong tiểu-thuyết hải ngoại cũng không hẳn nhiều hoặc có những đặc tính tiêu biểu, đáng gây chú ý. Phần các nhân-vật y-sĩ này, có thể tìm thấy rải rác ở các tác-giả y-sĩ như Nguyễn Xuân Quang, Mai Kim Ngọc, Trang Châu, Hoàng Chính,… hoặc ngoài nghề y như Nguyễn Trung Hối (bác sĩ Nguyễn trong Khi Lá Rừng Phong Dần Đỏ), v.v. Các tác-phẩm này dĩ nhiên có thể tương đối so được về qui mô kỹ thuật với những Le Médecin de Campagne của H. Balzac (chuyện viên sĩ quan Genestas và Benassis y-sĩ vùng quê), chuyện tình Docteur Zhivago với nàng Lara của B. Pasternak, Les Hommes en Blanc của André Soubiran (nhiều tập, 1-Tu seras médecin đến 6-Au revoir docteur Roch), hay chuyện tình bác sĩ tên Naôê đã cả đời nghiên cứu bệnh ung thư xương nhưng chính định mệnh khiến ông mắc bệnh nan y đó; dù thân xác đau đớn vẫn mãi giữ kín bí mật với người yêu, và rồi trầm mình xuống lòng hồ giá lạnh – trong Đèn Không Hắt Bóng của Junichi Watanabe,…

Về phần Việt-Nam, có thể ghi nhận Mây Bão (1963), Vòng Đai Xanh (1970) của Ngô Thế Vinh và truyện ký Y Sĩ Tiền Tuyến (1970) của Trang Châu là những tác-phẩm đặc biệt mà nhân-vật chính là các y-sĩ quân đội. Nhân-vật Vũ, sinh viên rồi y-sĩ, của Mây Bão đã nhận biết sứ mạng khi “thấy các bệnh nhân mệt lả rên xiết trong bộ áo trắng, lồm cồm bò giữa đống gạch vữa như những con bọ trắng ngầy ngụa trong một đống rác. Vũ hơi rùng mình, đồng thời chàng thấy đời mình có thể hy sinh trọn vẹn cho những nơi như đây, cho những con người bất hạnh của chiến tranh và bệnh tật cần được chăm sóc …”, vì  chiến tranh đã hiện diện khắp nơi, hết còn chuyện “nhà thương như một nơi bất khả xâm phạm của các tai họa chiến tranh”! Nhân-vật của Mây Bão lý-tưởng, phức-tạp, chính-trị bao nhiêu thì nhân-vật Tôi trong Vòng Đai Xanh bất chấp hiểm nguy nơi các chiến trường Cao nguyên. Sau Ngô Thế Vinh, Trang Châu qua nhân-vật Tôi trong Y Sĩ Tiền Tuyến đã không còn lựa chọn, không chỉ cứu người ở bệnh xá mà ngay cả nơi giao chiến, cứu chiến hữu và cứu cả kẻ thù đồng nghiệp. Từ đó, người y-sĩ nhập cuộc không tránh khỏi những suy tư, “Một ngày máu lửa đã cho tôi cảm nghĩ gì? Điều tôi ước mong đã đến: có đụng độ lớn, có chiến thắng. Nhưng trong vinh quang tôi thấy buồn hơn vui. Chiến tranh ở giờ phút này, trong tư tưởng tôi, không còn là một ván cờ như tôi thường ví. Quân cờ bị loại là quân cờ vứt đi, nhưng những cái xác nằm kia còn liên hệ ảnh hưởng đến biết bao nhiêu người”. Sau 1975, các nhân-vật y-sĩ và bệnh-nhân trong các truyện ngắn dài của Trần Long Hồ, Nguyễn Xuân Quang và Hoàng Chính mang sắc thái của thời-đại và tình-cảnh mới. Bài viết này ngừng lại ở một số sáng tác của Hoàng Chính mà chúng tôi có dịp thưởng thức.
Nếu những Mây Bão, Vòng Đai Xanh, Mặt Trận Ở Sài-gòn, Y Sĩ Tiền Tuyến đặc biệt do ở khung cảnh chiến-tranh, nhà văn trực diện với cái chết và sự sống-còn thi ở Hoàng Chính chủ yếu là tình cảnh di trú, lưu đày, xa lạ nơi xứ người. Thế-giới thơ văn của Hoàng Chính căn bản là không-gian của tình yêu, nhưng đó đây vẫn có những cảnh tượng bệnh-viện và nhân-vật thuộc ngành y-tế, xảy ra trước và sau biến cố 30-4-1975, trong nước và ở hải ngoại sau khi rời khỏi nước, ở các trại tạm trú tị nạn và nơi định cư mới – phần chính là ở Canada ‘đất lạnh tình nồng’ vốn cũng là đề tài và không gian quen thuộc trong các sáng tác của ông: những nhà thương, những cảnh cấp cứu, những con bệnh nan-y bên cạnh những cảnh tượng tòa án và các văn phòng dịch-vụ xã hội và thế giới ghetto Việt Nam.
Ở Việt Nam
Trước hết, thế-giới khổ-nạn của Hoàng Chính bắt đầu ở quê nhà sau biến cố tháng Tư năm 1975. Sau cái ngày gọi là ‘giải phóng’, một mỹ từ ngược ngạo cho vết hằn thô bạo mà lịch sử sẽ ghi sâu, tập đoàn toàn trị vì thù hằn, thiển cận, đã đày ải con người, những con người sống ở miền Nam đã hành-xử như những kẻ dấn thân trọn vẹn – họ là người lính, người công chức, nhưng cả những y-sĩ và những người Hoa, người Thượng. Cuộc ‘gặp gỡ’ lịch sử giữa một y-sĩ và một ‘ông già Tàu’ trong truyện Gửi Riêng, Chốn Nào đã xác nhận rằng con người còn sống với tình cảm và những cảm xúc hướng thượng, hơn là những lý-thuyết ngoại nhập. Truyện như tuyên ngôn cho một trường phái:
“Chời ơi nị viết gì lên tường vậy. Ông già Tầu vừa la khẽ vừa chăm chăm nhìn vách tường. Rồi lẩm nhẩm đọc. Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh. Rồi cái cổ gật gù. Hay đó. Cái này nị nghĩ ra hả. Đâu có. Vậy ai nghĩ ra. Nguyễn Tất Nhiên. Y ta viết cho nị hả. Ừ. Phải bạn không. Không. Quen không. Không. Không quen biết làm sao người ta viết cho nị được. Cười. Hắn cười hạnh phúc. Ông già cười, xớt chia niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Có một người không quen, viết cho mình những dòng chữ bùa phép. Hạnh phúc chứ sao không.
(…). Tối nào nị với ngộ cũng ngồi đọc thơ Đường. Nị với ngộ chu du thiên hạ, nị với ngộ bay theo tiếng chuông chùa Hàn San, nị với ngộ uống rượu bằng chén bồ đào. Nị với ngộ đi tìm hình ảnh hoa đào năm cũ. Nếu không có những thứ đó, tụi mình làm sao mà sống sót cái nóng hừng hực của hơi người, bao tử tụi mình làm sao pha cho loãng được chất cường toan tiết ra đặm đặc. Thành ra ngộ nghĩ Nguyễn Tất Nhiên làm thơ cho ngộ. Nếu nị thích, ông ấy cũng viết cho nị luôn. Rồi mấy ông Lý Thương Ẩn, Thôi Hộ, Liễu Tôn Nguyên, Trần Tử Ngang hay Vương Hàn gì gì đó … khi viết, cũng là viết cho nị, cho ngộ.
Chứ cho ai bây giờ.
Ông già Tầu gật gù. Nị học bác sĩ mà ăn nói văn hoa, mai mốt ra tù nị viết văn làm thơ được đó. Hắn nhớ lời ông già Tầu. Và hắn thấy cõi sống này còn có biết bao nhiêu điều để viết.
(…) Nhưng hắn biết chắc những người đã đặt bút xuống viết bất cứ một điều gì chân thật, bao giờ cũng là viết cho một người nào đó. Như Nguyễn Tất Nhiên đã gửi vào Khám Lớn cho hắn câu thơ bùa phép; như Thôi Hộ ngàn năm trước đã gửi qua không gian và thời gian biền biệt đến cho hắn và ông già Tầu, một dung nhan mặn mà người con gái có đôi má hoa đào.
Và hắn tin, nếu mình viết với cả tấm lòng thì hôm nay, ngày mai, hay cả ngàn năm sau nữa, thế nào cũng có ít là một người ở đâu đó, nói một ngôn ngữ nào đó, đón nhận với cả tấm lòng.
Và hắn viết, là viết cho những cõi người xa xôi ấy”.
Ý-hướng của một loại văn-chương nhân-bản, vị nhân-sinh: một tuyên ngôn cho con người, chăng?
Ở miền Nam, một cuộc chiến-tranh ý thức hệ đã xảy ra nơi các lớp ‘học tập chính trị’, trong lớp học và cả nơi nhà xí. Truyện Mùa Thu Cuối Cùng ghi lại rằng chỉ vì một cơn gió làm người sinh viên y-khoa mất chăm chú nghe anh chàng giảng viên của ‘đỉnh cao trí tuệ’ đến từ Bắc phương, đã bị tên này nhồi sọ rằng “Con người xã-hội xã-hội chủ nghĩa cũng biết rung cảm, và rung cảm nhiệt tình nữa kia. Tôi nhắc lại, trước khi rung cảm, phải xác định quan-điểm của mình. Nếu cậu đứng trên lập trường tư sản, mọi rung cảm sẽ lệch lạc, thoái bộ, và phản động. Từ cảm xúc đi tới hành động là một bước ngắn. Cậu sẽ đi ngược chiều của cả ba dòng thác cách mạng thế giới. Tuy nhiên, nếu đứng trên lập trường quan- điểm vô sản, những rung động vô sản sẽ thuận lợi cho cuộc cách mạng vô sản trên bình diện thế giới. Nếu được như thế, cậu sẽ đi cùng chiều với bánh xe lịch sử”. Phòng vệ sinh của khu Cơ thể học vương mùi “formol dùng để ướp xác chết đặm nồng trong không khí” trở thành nơi “đấu tranh giai-cấp gay gắt giữa các đại biểu (hoặc cũng có thể là bọn cách-mạng theo đuôi) của giai-cấp thống trị với giai-cấp bị trị trong đám sinh viên”. Truyện gợi lại cái không khí rùng rợn mất nhân tính của … khung trời đại-học đáng ra phải đầy thơ mộng và tình người – Hoàng Chính đã khôi hài hóa những lời lẽ đấu tranh chính trị phát ra từ những cửa miệng xinh xắn của những cô sinh viên Nha, Y ở lứa tuổi đáng ra phải biết yêu, biết người khác phái ra sao!
Ở Việt Nam, cái nghèo của con bệnh (ở đây là bệnh sâu răng) khiến liên hệ con bệnh với ông nha-sĩ cũng khó khăn. Nhân-vật chính có “cái răng sâu, làm độc. Một bên má anh sưng phù”. Người bố cần tiền nhưng đã giúp cho người con số tiền để dành để đi chữa răng, “cái răng đau làm mất ăn mất ngủ cả tuần lễ rồi. Thiếu ngủ, hai con mắt thâm quầng”. Tìm nha sĩ, nhưng vì không hẹn, nên “ông nha sĩ cau có, ục ịch những bước đi. Mắt kính cận gọng vàng đẩy người đối diện ra xa, phía bên ngoài vòng phấn trắng giai cấp. Cái khoảng cách viền bằng vũng không gian nồng mùi băng phiến tỏa ra từ chiếc áo choàng trắng nõn.
“Được rồi. Cậu vào đây đi. Đau sao? Há miệng lớn ra!”
Anh run rẩy, há miệng. Nước mắt trào ra hai khóe.
“Ồ, tởm quá! tởm quá! Người lớn mà răng để đến thế này ư. Phải thuốc trụ sinh mới được. Tuần sau lại đây tôi trám nó lại. Tởm quá!”
Ông nha sĩ cần kiệm, mướn ông già lụm cụm làm phụ tá. Ông già mặc áo sơ mi cụt tay nhăn nhúm, trơ ra cái khuỷu tay đen đúa chằng chịt những sẹo. Ông già đi tới đi lui, lê đôi dép da lẹt quẹt.
Tiền chữa răng là do người bố nhịn cả cà-phê, nhưng vẫn không đủ. Ông nha sĩ phán:
“Chỉ có bấy nhiêu thôi ư!” Ông nha sĩ chép miệng, “Tởm quá!”
Anh ngẩn ngơ. Nghèo mà cũng đáng tởm sao. Hay tại những ngón tay nhà giầu mũm mĩm phải sờ vào những tờ giấy bạc mềm nhũn và lạnh như miếng cá ươn.
“Có bấy nhiêu thì làm sao mà trám được cái răng cho ra hồn mà ăn chứ! Thôi được rồi! Bấy nhiêu cũng được. Tôi giúp cậu làm phước.” Ông nha sĩ nhét tiền vào túi áo blouse trắng muốt.
Anh thấy lòng xốn xang. Số tiền ấy, bố để dành chắc phải lâu lắm.
(…)  Lần hẹn chót. Ông nha sĩ hứa sẽ lấy hết những thứ trám tạm ra khỏi lòng cái răng sâu. Anh mừng thầm trong bụng. Hẹn tới hẹn lui hoài thế này, tiền nào chịu cho nổi” (Vời Vợi Non Cao).
Trong hoàn cảnh xã hội thiếu phương tiện và tình người đó đã khiến xảy ra những chuyện thương tâm khác, như chuyện người phụ nữ trong truyện vượt cạn một mình và đã chết sau khi sanh thằng con trai sẽ côi cút trên đường đời trong Khó Đi Mẹ Dẫn Con Đi.
Có những chứng bệnh bất thường trong một xã-hội bất an. Hoàng Chính đã tả tài tình một người bị mắc bệnh ‘liên tưởng’. Nhân-vật Hắn bị bạn bè nghi bị “mát dây” mà chính hắn cũng nghi mình bị chứng gàn. “Hắn bị một chứng bệnh mà tự hắn chẩn đoán lấy là Bệnh Liên tưởng. (Mấy cha biết không? Tôi bị cái bệnh tạm gọi là “Hội chứng pháo dây”. Hồi còn nhỏ mỗi lần tết đến, mấy cha đi lượm pháo, chắc là còn nhớ pháo dây chứ gì. Sợi pháo dây dài, đốt ở một đầu, ngọn lửa sẽ ngoằn ngoèo cháy theo sợi dây cho tới hết. Cái bệnh của tôi y chang như vậy. Nghĩa là một khi bị “đốt” bởi một ý tưởng nào, là tôi cứ bị ám ảnh bởi ý tưởng đó, cho tới khi bị đánh thức bởi một ý tưởng khác. Chẳng hạn như thấy con nhỏ N.- tạm dấu tên nó nghe mấy cha, không khéo mấy cha làm um lên, nó dám giải phẫu cắt bỏ một trái thận của tôi à – kể tới đâu rồi? ầ, tới chỗ con nhỏ N – trong phòng mổ, phải rồi – con nhỏ N. trong phòng mổ, mặc vỏn vẹn có một cái áo blouse – không có gì ở trong hết ráo – đường nét, núi đồi, sông rạch vân vân … cứ làm hai con mắt tôi xốn xang như bị đau mắt cấp tính, thế là cóc có cầm con dao mổ được đúng cách nữa, và đầu óc cứ bần thần mụ mẫm như thằng cha bệnh nhân tai biến mạch máu não sắp sửa mê man bất tỉnh, đến nỗi hôm ấy chút xíu nữa cắt đứt cha nó cái dây thần kinh của thằng cha bệnh nhân vô tội vạ. Cho tới khi con nhỏ y-tá gây mê tới đứng cạnh con nhỏ N, tôi mới được cứu rỗi, nhưng rồi lại bị đôi mắt long lanh của con nhỏ y-tá thôi miên. Bố khỉ! Không hiểu sao mình biết rõ như ban ngày rằng dưới cái vỏ căng phồng, mơn mởn gọi mời ấy cũng chỉ là da, mỡ dưới da, những sợi cơ trơn, cơ vân, những mạch máu li ti chạy ngoằn ngoèo, những phiến mỡ dưới da trắng ơn ởn, những tuyến bài tiết mồ hôi uốn khúc quanh co, sâu hơn chút nữa là xương sườn, xương sống, xương chậu, xương hông, xương mu … Vậy mà mỗi lần nhìn thấy khối vật chất dễ thương ấy, lòng vẫn mềm rũ xuống như bánh tráng nhúng nước mưa” (Phiên Tòa).
Ở đảo tị-nạn
Hàng triệu người Việt trở thành người-không-xứ-sở khi bước chân lên đảo tị nạn. Không những vậy, một số trong họ còn là những con bệnh bất thường. Và may mắn thay, trong số tị-nạn có những y-sĩ. Vầng Trăng Lưu Lạc viết về người y-sĩ làm ở phòng khám ngoại chẩn trại tỵ nạn Mã Lai và một thiếu nữ ‘bệnh nhân’ tên Liên: “Em muốn biết mình có sức khỏe tốt để mong sớm được định cư, mới giúp đỡ được ba mẹ em bên nhà …”. Trốn đi để thoát khỏi bàn tay đồng loại tàn độc, lại rơi vào tay những kẻ lợi dụng ở đảo, những tay cảnh sát Mã lai, “ở đâu (thì) quyền lực và tiền bạc cũng giết đi được bao nhiêu thứ trên cõi đời (…) Trong một thoáng, chàng thấy mình hẹp hòi, nhỏ bé ngay trong cõi đời vốn đã quá đỗi nhỏ bé, hẹp hòi. Chiếc ống nghe rơi xuống đất, xoắn lại rồi bật ra như con rắn giẫy chết dưới trăng. Chàng không dám nhìn vào mặt cô. Chàng nhìn xuống chiếc bóng con gái nhỏ bé mảnh mai nhập nhằng bên cái bóng gầy nhom lỏng khỏng của chàng, miệng chàng thều thào cái tên vừa mới nắn nót ghi vào dòng đầu một trang trong trí nhớ, “Liên ơi, Liên ơi …”. Con bệnh đáng thương!
Chuyện đảo tị-nạn có Nàng Tiên Cá, một chuyện tình thống thiết, giữa người nam tị nạn và một thiếu nữ bệnh tâm thần suốt ngày ra bờ biển để kiếm tìm ở tha nhân một giải thoát, một cứu-rỗi. Và nàng đã tìm ra ở nhân-vật Tôi. “Nàng ngả người, gục đầu vào vai tôi như nương nhờ sự chở che, cứu vớt, “Em ghét mấy người trong bệnh viện Sickbay. Họ cứ đòi mang em đi chạy điện.”
Tôi vòng tay qua vai nàng, vỗ về, “Em có bị gì đâu mà chạy điện.”
Nàng thì thầm, “Họ nói em điên.”
“Họ nói giỡn chơi.”
“Không có, họ rất nghiêm trang. Họ thành thật.”
“Đừng tin họ.”
“Em không tin họ. Nhưng họ vẫn bắt em uống thuốc. Em sợ những viên thuốc; em ghét những viên thuốc. Những viên thuốc màu trắng đắng ngắt và những viên thuốc màu hồng không chua, không ngọt, không đắng, người ta bắt em uống mỗi ngày. Những viên thuốc làm tim em đập mạnh, làm tay em run, làm miệng em khô đắng, làm đầu óc em mịt mờ u ám. ầ, Nguyên ơi tại sao người ta lại làm ra những viên thuốc không chua không ngọt không đắng nhỉ? Em thù những viên thuốc như thế …”
“Tôi ngơ ngác nhìn nàng đang say sưa trong giấc mộng trả thù. Nhìn nghiêng, nàng giống pho tượng một nữ thần đang thôi miên kẻ tử thù trong thần thoại.
“Nếu có Nguyên làm bác sĩ, em sẽ làm y tá. Em sẽ chích cho họ một trăm mũi thuốc mỗi ngày. Nguyên biết không. Những buổi sáng, họ hay bắt em phải chích thuốc. Em trốn, nhưng họ hứa tìm Nguyên cho em nên em mới chịu uống và chích thuốc. Họ hứa hoài mà chẳng bao giờ tìm cho em. Thành ra sáng nào em cũng ra tìm Nguyên ngoài biển. đâu biết là Nguyên ở rất gần bên em từ bao lâu nay.”
Nhân viện bệnh-viện tìm con bệnh để cho uống thuốc, nhưng nàng không muốn trở lại nhà thương ‘điên’ và cuối cùng đã tự vẫn. “Nàng ném cho tôi cái nhìn thù oán, “đồ phản bội!”.
Tiếng hét của nàng vang trong tiếng sóng, lẫn với tiếng xôn xao hốt hoảng của đám đông. Tôi mê muội nhìn nàng buông mình xuống vực sâu, mất hút sau vách đá dựng trên bờ vực. Những tiếng “Ê! đừng! Ấy! Kìa kìa! đừng đừng! Trời ơi!…” lẫn vào nhau thừa thãi, vô nghĩa.
Không một tiếng động nào vọng lên được từ cõi thẳm sâu mịt mùng của biển. Đám người đứng lặng như những hình người hóa đá trong cổ tích, trên mỗi khuôn mặt còn đặm nét kinh hoàng.
Ngoài kia, biển vẫn thản nhiên như con bệnh tâm thần không còn ý niệm nào về thời gian và sự đau khổ của kiếp người. Cơn bệnh dửng dưng với mọi đổi thay của cuộc đời”.
Ở xứ người
Những người tị-nạn may mắn cuối cùng đến được một quốc-gia thứ ba. Đời sống mới với văn minh vật chất và với những đảo lộn, biến thái về gia-đình, xã hội. Nơi đây còn là thế-giới mới của những cuộc tự do tình dục, phá thai, như Hoàng Chính ghi lại trong các truyện Tai Họa, Vực Sâu Khổ Lụy, Di Chúc,… Vực Sâu Khổ Lụy là chuyện người con gái có chửa vì bị chính người quen cưỡng hiếp, sanh con xong t́m cách biến con đẻ thành con nuôi ký giấy đem cho một gia đình người bản xứ với ước mong con sẽ có tương lai. Di Chúc ghi lại chuyện của một y-sĩ người Việt tị-nạn không được tiếp tục hành nghề và một “người đàn bà già nua, nghèo nàn, bệnh tật, sống một mình ở thành phố lạ, và chết một mình cũng trong cái thành phố chưa quen biết”. Với bà cụ thì người y-sĩ này “có tấm lòng nhân ái, ông lại mát tay như ông bác sĩ Kính ở đầu ngõ nhà tôi bên Phú Nhuận, vậy thì ông còn thiếu cái gì nữa mà không cho mở phòng mạch chứ. – Mảnh giấy ngoại à, cháu thiếu mỗi một mảnh giấy thôi. Mảnh giấy có mấy chữ bằng hành nghề ấy mà”. Mà rồi bà cụ đã làm thật, di chúc của bà là chứng chỉ hành nghề viết tay: “Bằng hành nghề Bác sĩ Y khoa. Cấp cho Bác sĩ Châu, đã tốt nghiệp Y khoa ở Việt Nam, đã đậu bằng tương đương ở Canada. Bác sĩ Châu có tấm lòng, có khối óc, có bàn tay của người thầy thuốc lý tưởng. Nếu không có bác sĩ Châu, tôi đã chết lâu rồi. Bằng hành nghề này có giá trị trên toàn thế giới”.
Người y-sĩ hành nghề ở xứ người nhưng tâm tư và tham chiếu vẫn là ở Việt Nam, một quê hương của ngày nào, một quê hương thật! Ông Thầy là một vị y-sĩ ‘nhân bản’, không máy móc: “Ông Thầy chợt bối rối. Theo đúng sách vở, chàng sẽ phải làm hồ sơ bệnh lý đầy đủ, khám cổ tử cung và thử nước tiểu, tìm dấu hiệu mang thai, nhưng nhìn đôi mắt trẻ thơ trên khuôn mặt trái soan, chàng đâm ra ngại ngần. Chàng viết nguệch ngoạc những dòng đầu tiên trên hồ sơ bệnh lý của cô, rằng cô lập gia đình đã được gần hai tháng, rằng hiện nay sức khỏe của cô bình thường. Ông Thầy tìm kế hoãn binh. Vào y khoa lâu rồi, mà chàng vẫn chưa “khoa học hóa” được chút nào. Chàng “nhân bản” không chịu được; nhìn đâu cũng thấy những con người có cảm xúc, chàng khó thấy được những đối tượng thuần túy của Y Học. (…) Làm xong cái hồ sơ bệnh lý chi-tiết của cô, Ông Thầy lấy dụng cụ đo huyết áp. Cô vén cao tay áo, đưa cho chàng một cánh tay no tròn, trắng nuột như màu của những cánh hoa sứ bên hồ nước trong sân trường chàng học. Liên tưởng đến cây hoa sứ trong sân trường, tai chàng nghe liền được tiếng chân bước trên đám sỏi màu ngà. Tiếng rào rạo của bước chân trí tưởng trộn lẫn vào tiếng mạch máu cánh tay đập đều đặn, xa vắng”. (Ông Thầy). Y-sĩ mà nhiều tình cảm và lãng mạn!
Những khốn khó của kiếp người, của sinh-lão-bệnh-tử, không nơi nào và thời nào con người có thể tránh. Trốn khỏi những địa ngục trần gian và những tập đoàn tàn độc có thể thành công, nhưng bệnh tật thì như lưỡi hái định-mệnh cứ chực-chờ con người:
“Cô … cô..à, bác sĩ … nói sao? chồng tôi bị bệnh gì?”
“Leukemia. Ngoài bắc gọi là bệnh bạch cầu trong nam gọi là ung thư máu; tất cả đều dịch ra từ chữ leukemia của Mỹ.” Giọng cô bác sĩ trẻ chợt buồn thiu, “Yes, I’m sorry but he has leukemia. Nothing can be done here. Tôi muốn cho chuyển lên Los Angeles nhưng ông ấy không chịu. I don’t know why …”
Nàng thấy khuôn mặt tròn xinh xắn của cô gái xoay xoay trong không gian, chiếc bàn làm việc ngả nghiêng như đang trong cơn địa chấn, (Ở cái đất Cali này cứ lo hoài những cơn địa chấn bất ngờ). Trời đất u ám mịt mờ. Đầu gối nàng qụy xuống. Tai nàng ù đi, nhưng trong những tiếng động rì rào xa vắng của thế giới bên ngoài, nàng còn nghe được tiếng la thảng thốt của chị bạn; lẫn trong tiếng nói chuyện ngọt ngào của người nữ bác sĩ trẻ trung, tươi mát”.  (Cây Gậy Lão Ăn Mày).
Bệnh-viện không hẳn là nơi vui sống, hấp dẫn, dù có thể cứu vớt con người khỏi bệnh tật và những tai-biến hiểm nghèo. Một nhân-vật nữ của truyện Hôn Lễ vốn “không thích bác sĩ. Nàng sợ bệnh viện. Nàng ghét cái mùi hôi nồng của phòng cấp cứu. Mùi của bệnh tật và sự chết. Vì vậy mà không muốn nói chuyện với bất cứ ai về cõi u mặc ấy. Với nàng, bệnh viện là thế giới âm u của những người chờ chết, và những người thầy thuốc khoác lên mình chiếc áo choàng trắng dài tới đầu gối là đám phù thuỷ đầy quyền năng, đầy pháp thuật đáng ngờ”. Nàng không thích, vì ở đó còn có những cái nhìn của tha nhân, những cái nhìn như soi mói, như muốn làm yếu lòng người đối diện, những cái nhìn thấp hèn: “Những cái đầu tóc đen đồng loạt ngước lên; những con mắt đen nâu hau háu tia nhìn. Nàng thấy rõ những con mắt tạt át xít vào người nàng rát bỏng. Những con mắt gỡ mái tóc nàng rối bù; những con mắt luồn lách dưới mảnh áo ngực nhỏ bé của nàng; những con mắt mầy mò đôi bắp đùi thon gọn dưới lớp vải quần jeans dày; những con mắt bò loanh quanh trên bụng nàng … Những con mắt đồng hương; những con mắt Việt Nam quen thuộc. Phòng đợi đầy ắp bệnh nhân. Phòng đợi nêm cứng những mắt nhìn xoi mói. Trong không đầy một phút đứng ủ rũ đợi hắn đưa thẻ y tế cho người thư ký ghi vào sổ, nàng đã bị những con mắt cào xước hết thịt da”.
Nhưng nàng vẫn phải đến đó, vì cần phẩu thuật ngón tay thứ sáu, phẩu thuật luôn cảm giác thừa thãi: “Nàng nhắm nghiền mắt, như muốn lả đi bên hắn. Nếu không vì cái đám cưới mà hắn hứa hẹn sẽ rình rang cho cha mẹ nàng nở mày nở mặt bên nhà, nàng chắc không thể nào đủ can đảm bước vào đây, chìa bàn tay ra cho người ta xăm xoi. Rồi sẽ còn phải nằm trên bàn mổ cho người ta lấy đi cái ngón tay thừa thãi. Hắn nói sẽ yêu nàng dù nàng có thế nào đi nữa …  Nàng cố nghĩ đến những bộ áo cưới trắng như mây trời mùa hạ; đến những chiếc găng tay có năm ngón thon dài. Ơi, những chiếc găng tay sang trọng biết bao nhiêu! Bụng nàng nôn nao. Nàng muốn ói. Đầu óc nàng quay cuồng. Sao lại khó chịu giống như có thai vậy nè. Và nước mắt (ơi cái thứ không làm sao mà ngăn được ấy!) lũ lụt đổ xuống má, môi nàng. Giọng hắn vẫn sôi nổi bên tai nàng, “Vị hôn thê của tôi … Bác sĩ nhắm chừng kịp làm đám cưới không? Tôi thuyết phục cô ấy hoài mà cô ấy không nghe … Như thế này làm sao mang găng tay, làm sao làm đám cưới … rồi làm sao tôi biết đeo nhẫn cưới ngón nào cho đúng …”. Một kết thúc truyện bất ngờ!
Mất quê hương, mất điểm tựa, dễ gây ra hội-chứng xa-lạ, trong khi tâm trí vô định, mà sự cứu-rỗi lắm khi bi đát, bất ngờ và khó hiểu. Có thể gọi là cứu-rỗi nhưng tàn nhẫn nhất có thể là trường hợp một ông già người Việt làm sở rác nhìn đâu cũng thấy toàn rác rưởi, kể cả con ông và đám bạn của nó. Mất ngủ, thất vọng về người con và lo sợ khi chết con nó sẽ đưa về quê nhà, ông đã lựa chọn cái chết, với lò thiêu rác ngay tại sở làm. Tony, người bản xứ làm chung đã vô tình làm nhân chứng lờ mờ về quyết định tự cứu của ông già:
“Trước khi ra về, Tony trở ra chỗ lò thiêu thêm một lần, kiểm lại những nút bấm cho chắc ăn là máy sẽ tự động tắt sau ba tiếng đồng hồ. Hơi nóng hừng hực phả lên người anh. Anh mỉm cười nghĩ tới ông già. Hồi nãy ông già nhắc mở lửa cho thật cao. Thiệt tình, ông già dễ thương mà lẩm cẩm. Rác cỡ nào bỏ xuống lò thiêu này mà không thành tro, thành bụi.
Toan bước đi, anh bỗng nảy ra ý nghĩ chỉnh máy cho đốt thêm hai giờ nữa, ngày mai ông già trở lại, sẽ thấy cái lò sạch sẽ, khô rang. Mùi khét quyện lấy mũi anh. Ừ, sao rác hôm nay có cái mùi khét lạ kỳ …
Chắc chỉ ông già mới biết được đó là mùi của thứ gì bị đốt. Tony lẩm bẩm. Ông già có chơi trò chiến tranh ở nước ông hồi đó. Ông già vẫn bảo mùi thịt người cháy nó kỳ lạ lắm. Mai mình sẽ kể cho ông già nghe về cái mùi kỳ lạ này. Tội nghiệp ông già. Poor old man!” (Rác)
Khổ nạn và cứu rỗi
Truyện Một Đoạn Trong Thánh Kinh có thể xảy ra ở Việt Nam nhưng hãy cứ xem như chuyện của con người và có thể xảy ra bất cứ ở nơi đâu. Chuyện của những con người bị bệnh nan y và đến giai đoạn chót ở Viện Ung Thư; những ung thư ruột già, cuống họng, v.v.: “ung thư thì cầm bằng như lãnh án tử hình rồi còn hy vọng mẹ gì nữa!” và “những xác người vặt vẹo, những thân thể khô đét không còn chút vướng bận chuyện cõi sống này”. Nhưng ở đó, tất cả đã lớn tuổi, chỉ có Tâm hãy còn trẻ, 28 tuổi đời, nên hắn trở nên phẩn nộ từ đó, từ khi hắn là tử tội đã được kêu án – còn sống được “… khoảng sáu tháng nữa. Có thể dài hơn một chút.” Ông bác sĩ đã lên giọng, mắt nhìn hắn đăm đăm, ngừng một chút rồi hạ thấp giọng nói, như cố tình không để hắn nghe thấy, “Cũng có thể ngắn hơn”. Nhân vật Tâm thường được dì phước Têrêsa thăm hỏi, giúp đỡ và ủi an:
“Hắn ngồi bên cạnh giường, nhìn đăm đăm cuốn Kinh Thánh. Ma sơ à. Gì con? Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không? Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm. Lúc buồn, lúc giận, hắn gọi “ma-sơ” nghe cho xa một chút, như người ngoài; lúc lòng lắng xuống, hắn gọi “dì”, như người trong dòng tộc. Chỉ có vậy. Dì phước không nói gì thêm. Cái nhẫn nhịn của người tu hành đôi khi làm hắn bực mình. Phải như dì hỏi hắn thêm một câu thôi, cõi lòng hắn sẽ mở bung ra như cái bọc chứa đầy vấn nạn rắn rết của cuộc sống. Ừ thì cứ hỏi cái câu đơn giản này xem dì có giải đáp nổi không rằng Chúa ngày xưa chữa người què, người mù, người câm, người điếc … nhưng biết Chúa có chữa nổi chứng bệnh của con không. Chúa; vâng Chúa của dì đó, có chữa nổi bệnh của tôi không; chứng bệnh mà cách đây chưa đầy một tháng, ông bác sĩ chuyên khoa đã gật gù kêu án rằng còn được may lắm là sáu tháng; có thể ngắn hơn. Cái câu có thể ngắn hơn ông ấy nói thật nhẹ, thật mơ hồ, như thể sợ người ta nghe thấy”.
“Dì phước dặn thì cũng cố ngoan ngoãn gật đầu cho bà vui chứ thời buổi này làm gì có ai làm phép lạ mà mơ tưởng”.
Tâm trách móc cả Chúa, cả định mệnh phủ phàng, hắn nghĩ quẩn là già 70 như ông già nằm cạnh và cả bà xơ mới đáng bị bệnh nan y Ung thư: “Sao Chúa không bắt những người già như ma-sơ bị ung thư. Ma-sơ chán đời, bỏ đi tu thì có ung thư cũng là hợp lý. Tôi còn trẻ; tôi chưa đầy ba mươi tuổi; tôi còn ham sống.” Giọng hắn chợt nhão đi, “Dì ơi, con còn ham sống …” Nước mắt dàn dụa trên má hắn. Dì phước lau vội nước mắt cho hắn bằng những ngón tay xương”. Nan y với đủ thứ sợ hãi của bệnh, nào tác dụng của thuốc gây tóc rụng, và cả chuyện xài thuốc lâu bị bất lực, làm giảm sự thèm muốn đàn bà. Tâm hy vọng hắn chưa đến thời kỳ đó, do đó khi có cơ hội, hắn thử, hắn nhìn chăm chú như muốn nuốt cô y tá đến đo máu: “Bệnh vậy mà vẫn còn thèm. Giời ạ! Hay là không phải bệnh. Hắn thầm nghĩ. Bác sĩ cũng nói sai được chứ. Mấy ông ung thư chung phòng vẫn ghẹo hắn rằng cái bướu sẽ lớn dần mãi lên, sẽ ăn mòn hết sinh lực hắn. Hắn sẽ liệt bại dần từng phần cơ thể. Cái bộ phận tí teo kia chắc cũng rũ liệt thôi. Nhưng lúc này thì chưa. Cơn thèm muốn vẫn còn. Những người nữ còn gợi tình. Khuôn ngực cong cong; khoảng hông uốn khúc và vũng tối lập lờ còn gợi lên thấp thoáng trong lòng hắn ít nhiều xớn xác”.
Con bệnh trong hoàn cảnh đó dễ phẫn-nộ; ở đây phẫn-nộ đồng nghĩa với những khốn-cùng của nhân sinh. “Dì phước hăng hái tháo cúc áo cổ hắn. Hắn gạt tay dì ra. Dì đưa tay vuốt ve cái đầu tóc bù xù ướt sũng. Hắn vùng dậy giận dữ giật tấm khăn choàng trên đầu dì xuống. Một cái đầu trọc, lơ thơ những sợi tóc ngả mầu, khô như lá thông mục hiện ra trước mặt hắn. Dì phước cuống cuồng giật vội cái khăn ra khỏi tay hắn, “Lạy Chúa tôi, con đừng làm vậy chứ!” Và run rẩy giắt vội những nếp gấp chiếc khăn choàng nữ tu lên đầu. Hắn sững sờ nhìn người đàn bà. Môi hắn mấp máy không thành lời, nhưng trong đầu hắn, ngôn ngữ chạy vòng quanh, diễu cợt. Ô, cái bà này đầu trọc, ta ơi! (…). Dì Têrêsa cười nói hồn nhiên, “Người lớn tuổi thì vậy đó, ốm đau, bệnh tật, nhức mỏi lúc trái gió trở trời. Đó là chuyện tự nhiên. Những con chiên của Chúa thì biết rõ việc mình phải làm, đường mình phải đi. Chúa đã vạch sẵn con đường, mình chỉ việc đi theo thôi.”
Hắn kéo dì về với nỗi bận tâm của hắn, “Mai dì có đến nữa không?”. “Đến chứ.”
Nhưng dì không đến và sẽ chẳng bao giờ nữa. Bà xơ cũng bị bệnh ung thư! Mà còn nặng hơn Tâm nhưng hắn không hay biết, có thể vì vị-kỷ, vô tâm. “Hôm sau dì Têrêsa không đến. Hắn đứng ngồi không yên. Hắn bực bội vì phải tự bóp đầu, phải lê xuống nhà bếp xin đá lạnh chườm đầu, phải tự lột vỏ trái chuối trước khi ăn … Hắn thầm nguyền rủa người nữ tu bê trễ (. ..) Lúc này chỉ còn những cơn đau viền quanh đầu hắn như vòng gai ngày xưa lính La Mã gài lên đầu Chúa. Ấy cũng nhờ dì phước kể cho hắn nghe về vòng gai trên đầu Chúa. Những mảnh đau móc xuống da đầu, cày sâu vào xương sọ. Vặn cong những mạch máu, làm ứa ra trong não bộ những cơn đau đinh đóng. ừ, hắn nghĩ, cái đau của Chúa lúc đội vòng gai trên đầu đã thấm thía gì với thứ đau gò siết của cái bướu đang lớn dần trong đầu hắn.
Hắn cố tìm hiểu vì đâu vị nữ tu luôn đáp lại những cơn cuồng nộ của hắn bằng sự dịu dàng. Có phải cũng nhờ sự bao dung, cao cả đó mà những đứa con hoang đàng luôn luôn quay trở về với mẹ hiền sau những tháng ngày lang thang, phiêu dạt. Những lúc bình tâm, hắn hỏi lòng như thế. Hắn còn nhớ hoài đoạn Kinh Thánh nào đó dì đã đọc cho nghe hôm nào, về đứa con trai hoang đàng.
Đêm, hắn nằm chiêm bao gặp dì phước. Dì bóp trán cho hắn và cơn đau dịu xuống. Như đứa trẻ hoàn hồn sau cơn ma hành, hắn thành con người khác. Hắn cầm lấy bàn tay mỏng mảnh của dì phước, tẩn mẩn vuốt ve những vết bầm như vết mực tím loang trên ngón tay học trò thời thơ ấu. Tay dì sao vậy? Dì cười. Đôi môi khô bật máu nơi những vết lở như vết nứt trên mặt ruộng khô hạn. Sao dì không uống thuốc? Đau ốm xoàng ấy mà.
Rồi hắn cầm lấy bàn tay của dì. Hắn nhìn đăm đăm vào những vệt gân xanh ngoằn ngoèo trên làn da trắng bệch. Cố gắng đi con. Rồi Chúa sẽ sắp xếp mọi chuyện. Giọng nói khàn khàn phù thuỷ, nhưng những lời nói ra là mật ong. Hắn nhìn vào mắt dì phước. Hắn bắt gặp trong đó nỗi niềm gì đó không tên gọi, như thể niềm hy vọng, nỗi ước mơ. Bao nhiêu thứ. Nhưng người ta có thể mong đợi gì ở những con bệnh ung thư. Liệu Chúa có sắp xếp được không hở dì. Môi hắn mấp máy. Nụ cười tin yêu nở ra trên đôi môi khô, nứt nẻ của dì phước. Không một lời nào được nói ra, nhưng hắn nghe thấy thật nhiều.
(…) Đoạn Kinh Thánh nói về phép lạ của Chúa. Lại phép lạ. Chúa chữa bao nhiêu thứ; chữa người mù, người què, người điên. Không nghe Kinh Thánh nói về bệnh ung thư. Chẳng biết Chúa có chữa được bệnh của hắn không. Nếu có thì tìm Chúa ở đâu bây giờ. Hắn dự tính ngày hôm sau sẽ hỏi dì phước những câu hỏi đó.
Ừ, không nghe nói Chúa chữa bệnh ung thư. Chắc thời đó không có bệnh này. Hay là có mà Chúa không chữa được nên người ta không chép vào Kinh Thánh”.
Nhưng tin dì Têrêsa đã chết đến như tiếng sét:
“Ông bác sĩ ngập ngừng nhìn hắn, “Bà ấy chết rồi cậu không biết sao?”
Những tiếng kêu bàng hoàng từ đám bệnh nhân đồng loạt réo lên từ đầu đến cuối phòng. Hắn lao đao một giây như người bước hụt. Nhưng rồi cái tính cộc cằn lại choàng ôm lấy hắn, như những ống hút của loài bạch tuộc.
Không thèm để ý tới những điều hắn nói, ông bác sĩ bâng khuâng nhìn bức tượng Chúa đóng đinh treo trên tường, giọng gẫy khúc, “Tội nghiệp dì phước Thérèse, bà ấy bị ung thư máu …”
Hắn điếng người”.
Bỗng dưng những vệt máu loang lổ nhòa đi, trôi bập bềnh trong mắt nhìn của hắn. Và câu dì phước nói hôm nào mang mang trong trí. Chúa bao giờ cũng công bằng, Tâm ơi. Chúa bao giờ cũng công bằng …”.
Con người phải cộng tác với ơn cứu rỗi của một đấng Bề Trên (Trời, Thượng đế, Thiên Chúa, v.v.) thì mới được cứu rỗi. Đức tin cũng đã có thể cứu rỗi! Ơn cứu độ phải khởi từ bản thân. Cứu rỗi mình chưa xong, nói gì đến cứu độ thế gian!
Lịch sử người Việt sau khổ nạn tháng Tư 1975, có những cái chết vì đòn thù, của những người miền Nam bị lừa đi ‘cải tạo’. Hoàng Chính kể chuyện Cuối Đường Khổ Nạn, nhưng không hẳn là cuối thật, cho biết người mẹ và người con từ ngoài nước khó khăn tìm về đến đó mới biết người cha sau gần 20 năm bị giam giữ không lý do, đã chết ở trại ‘cải tạo’ sáu tháng trước đó!
Lịch sử cũng đã ghi nhận những cái chết tức tưởi, bi phẫn và cũng có những vết tích lịch sử bị phá hủy một cách bạo ngược. Hoàng Chính ghi lại cái chết của một thuyền nhân, một người mẹ trẻ trên một hòn đảo tị nạn trong truyện Viết Lên Bia Mộ:
“Tôi nhớ đã dẫn em ra khỏi bệnh viện. Em chập chững trên con đường sống trâu gập ghềnh đá núi của đảo hoang như em bé mới tập đi. Tôi dọa không chịu tập, mai mốt quên luôn, không biết đi như thế nào nữa đó. Em sợ ra ngoài gặp thiên hạ. Em sợ ngồi một chỗ mai mốt liệt luôn. Em sợ lỡ chết, không ai nhớ, không ai thắp cho mình một cây nhang. Tôi chỉ cho em coi tấm bia tưởng niệm sơ sài. Em nước mắt chạy quanh. Còn tôi lòng xoắn lại như ai rút ruột mình ra mà buộc đầu những ngọn dừa cao vời vợi. Mai kia mọi chuyện lắng xuống, người ta sẽ qua thăm nơi này, người ta sẽ dựng lên những tượng đài. Để thế nhân có lòng ghé qua thắp cho một nén nhang, sưởi ấm hồn oan những người không đến được bến bờ. Tôi nghĩ nếu em không sống được, tôi sẽ là người khắc tên em lên tấm bia đài tưởng niệm”. Tấm bia đã bị thế lực đồng tiền đục bỏ!
Trong Đoạn Chúc Thư Dang Dở, một trong những truyện ký viết gần đây, Hoàng Chính nói đến những ám ảnh bị nan-y như bệnh ung-thư, đến cả với người y-sĩ. Việc chuẩn bị và đương đầu với cái chết: “Rồi một buổi sáng, dặn lòng rằng ừ thì trước sau gì cũng chết. Phải chết sao cho coi được. Như tụi Mỹ vẫn bảo die in style … Có người hỏi anh có cầu nguyện với Chúa không. Mỉm cười bảo không, bởi ai lại đi làm phiền Chúa vì cái chuyện nhỏ nhoi”. Rồi: “Hôm qua, trong bệnh viện, thử máu xong, lăn quay ra xỉu. Cái cảm giác lúc vừa tỉnh lại thấy lạ lẫm chi đâu. Chắc lúc gần chết, cũng thấy lâng lâng như thế.” đối đầu với những người bạn hay thân quen, mới biết cái nhìn, cái ái ngại của tha nhân là một khó vượt qua: (…) Bao nhiêu là cái nhìn ái ngại của bạn bè ở chỗ làm. Bạn khỏe không. Đã bảo hình ảnh cuối cùng để lại cho nhân gian phải là hình ảnh đẹp, nên rộn ràng, vâng tôi khỏe. Thật không đó. Bạn có vẻ mệt mỏi. Đã cố che dấu bằng nụ cười. Nhưng nét tiều tụy thì che làm sao được. Bạn xanh quá. Lúc nào tôi cũng cầu nguyện cho bạn (…) Hay là thử đến với đông y xem sao. Người bạn thơ chân tình. Mày phải để ý kỹ những triệu chứng hô hấp. Thằng bạn học cùng lớp ngày xưa. Không sao đâu. Thời tiết cả đấy. Chỉ cần ăn uống đầy đủ, uống thuốc bổ và tập thể dục đều. Những người thân yêu. Dễ gì mà chết. Sách tướng số bảo anh sống tới chín mươi hai tuổi. Chắc không đó. Sao không. Chín mươi hai tuổi vẫn còn nhớ thế nào là thơ lục bát. Những giọt nước mắt. Ơi, yêu quá là yêu, cõi sống này. Bỏ đi sao đành!  Thế giới vây quanh. Bao nhiêu là thương mến. Ai mà nỡ bỏ đi. Nhưng sao cứ nóng, lạnh, nhức đầu và mệt đuối người. Hay mình có cái gì đó xa lạ, đang lớn lên dần trong bộ óc đã già …”.
Lại cái nhìn của người khác, những cái nhìn xuồng xả, chủ quan, của những người ngoài cuộc. Cuối cùng lại là một chuyến trở về: “Chuyến này về, hứa mỗi ngày sẽ đi nhà thờ với mẹ, sẽ ngồi uống cà phê với bố, sẽ coi bóng đá với bố và đứa em trai, coi phim tập Hàn quốc với mấy cô em gái. Và hứa tới những đoạn cải lương Hồ Quảng (hình như bên nhà, người ta dùng chữ sến) mình sẽ cố dấu đi nụ cười chế nhạo.
Mai mốt trở về đây lại, tha hồ mà viết. Hình ảnh cuối cùng để lại cõi sống này sẽ không là hình ảnh gã bệnh nhân èo uột trong trại ung thư (phải ung thư không?) mà là hình ảnh kẻ làm thơ gục chết trên trang bản thảo vừa viết xong chương cuối. Nếu viết bằng máy vi tính, sẽ nhớ lưu cái truyện hoặc bài thơ, để lỡ có gục xuống trên bàn phím sẽ không vô tình xóa hết đi những gì mới viết”.
Sống cho ra con người thật khó, vì hiểm nguy, gian khổ và sinh-lão-bệnh-tử lúc nào cũng chực chờ. Cuộc sinh tồn như một nan-y, mà cứu-rỗi khả-dĩ có khi lại là những trang chữ, những vần thơ. Với nhân-vật chính trong bút ký vừa kể, cũng như với người y-sĩ và một ‘ông già Tầu’ trong trại ‘cải tạo’ trong Gửi Riêng Chốn Nào ở một đoạn trên.
***
Có thể nói rằng hoàn cảnh và mục đích sáng tác là những yếu tố tham gia gián tiếp vào nội dung sáng tác nhưng có khi những động cơ sáng tác trở thành chính. Nhìn chung, những truyện của Hoàng Chính có thể được xuất phát từ ý-tưởng ‘cứu-rỗi’, ‘chữa lành’ cho nhân-vật và những tình cảnh xảy ra; tác giả chúng vốn xuất thân từ y-giới. Chính mục đích, động cơ sáng tác này đã quy định nên nội dung tác phẩm, khiến chúng khác với sáng tác của những nhà văn ‘ngoại đạo’ như Nguyễn Trung Hối, Tiểu Thu, v.v. Hoàng Chính theo thiển ý đã vừa chú tâm thể hiện tâm-tư bản thân hoặc theo chủ quan của tác-giả mà cũng vừa viết theo nhu cầu cấp thiết, đã xảy ra, của hiện-thực cộng đồng bản xứ hoặc của ghetto người Việt. Nói như một nhân-vật trong Gửi Riêng Chốn Nào,“những người đã đặt bút xuống viết bất cứ một điều gì chân thật, bao giờ cũng là viết cho một người nào đó (…), nếu mình viết với cả tấm lòng thì hôm nay, ngày mai, hay cả ngàn năm sau nữa, thế nào cũng có ít là một người ở đâu đó, nói một ngôn ngữ nào đó, đón nhận với cả tấm lòng”. Ông viết các truyện này dĩ nhiên trong thời gian sống lưu-xứ, xa quê, xa cả môi-trường nghề-nghiệp gốc. Chúng tôi không tin các sáng-tác đó là do phẫn chí, nhưng có thể đây là cách ông tìm đến văn chương vì hoàn cảnh và thời thế không thuận lợi. Ông viết để đền bù và có thể để bày tỏ sự phẫn nộ với hoàn cảnh cũng như những tàn độc của con người. Trong một số truyện, Hoàng Chính đi tìm thông cảm với tha nhân qua những nỗi buồn đau, bệnh tật và cùng tìm giải thoát với nhân-vật của ông.
Nếu đặt khung cảnh xã-hội văn hóa vào văn-bản thì việc đọc lại sẽ cho thấy những ngẫu nhiên trùng hợp ở một tác giả, hoặc đặc điểm của một nhà văn khác với các cây viết khác. Người ta còn có thể tìm thấy quan hệ của chuyện kể trong tiến trình chữa trị, xác và cả hồn, vì có thể có những liên hệ khả dĩ giữa y khoa và văn-chương qua bệnh tật, qua các nhân-vật y-sĩ và bệnh nhân, qua sự sử-dụng và diễn-văn, suy-nghĩ về bệnh tật trong cuộc sống cũng như sinh hoạt qua văn-chương.
Có chăng một thứ ý-thức cơ-thể khi đã có thể có sự thể-hóa của văn-bản và sáng-tác?
Nguyễn Vy Khanh
7-2008
Các tác-phẩm trưng-dẫn trong bài được trích từ các tuyển-tập:
Mùa Thu Cuối Cùng (Làng Văn, 1994): Mùa Thu Cuối Cùng; Cây Gậy Lão Ăn Mày; Phiên Tòa; Nàng Tiên Cá
Lời Tỏ Tình Đã Cũ (Văn Mới, 2000): Rác; Cuối đường Khổ Nạn
Viết Cho Mẹ Ở Quê Nhà (Văn Mới, 2005): Khó Đi Mẹ Dẫn Con Đi; Vời Vợi Non Cao; Vực Sâu Khổ Lụy; Di Chúc
Một Đoạn Trong Thánh Kinh (Nhân Ảnh 2006): Ông Thầy; Một Đoạn Trong Thánh Kinh
Tình Ở Đài Bắc (Nhân Ảnh 2007): Hôn Lễ; Vầng Trăng Lưu Lạc
Khi Loài Chim Thôi Hót (2007): Gửi Riêng, Chốn Nào
Núi Không Còn Linh Thiêng (2008): Viết Lên Bia Mộ
Trang Internet Hoàng Chính http://hoangchinh.net/: Đoạn Chúc Thư Dang Dở.
Nguồn: Sáng tạo