Tuesday, October 29, 2013

Ajahn Brahm

55. Con Bò Khóc
Tôi đến nhà tù sớm để dạy thiền; nhà tù này nhốt các thường phạm. Trong lúc chờ vô lớp tôi tiếp một tù nhân cao lớn, rất bặm trợn, râu tóc bù xù, tay xăm dày đặc, mặt đầy thẹo lớn nhỏ chứng tỏ anh từng đánh lộn nhiều lần. Anh trông rất đáng sợ. Tôi tự hỏi lớp thiền có cả những người dữ tợn như vậy sao?

Anh kể cho tôi nghe chuyện xảy ra mấy ngày trước đây khiến anh bị vô tù như thế này. Nghe anh nói, tôi nhận ra ngay giọng Ulster (Ulster là một trong bốn tỉnh của  Ái Nhĩ Lan nằm trên cực Bắc của đảo) nặng của anh. Anh cho biết anh được sinh ra và lớn lên trên các đường phố hung tợn của Belfast (Belfast là thủ đô của Ái Nhĩ Lan). Anh chém lộn lần đầu tiên lúc mới lên bảy vì bị thằng bạn trong lớp tống tiền; nó đòi anh phải đưa cho nó tiền ăn trưa của anh, nhưng anh cự tuyệt. Thằng bạn anh rút dao dọa và đòi tiền lần thứ hai. Anh cũng trả lời “không.” Nó chẳng thèm nói thêm, nhảy tới đâm vô cánh tay anh, rồi bỏ đi. Anh xách tay máu chạy về nhà. Thay vì băng bó cho anh, cha anh - đang thất nghiệp - lôi anh xuống bếp, mở tủ lấy con dao dài đưa anh và biểu anh trở lại trường tìm chém thằng đã đâm anh. Anh được dạy dỗ như vậy đó - ăn miếng trả miếng. Nếu anh không có sức vóc vạm vỡ, anh chết mất từ đời nào rồi.
Nhà tù tôi đến dạy thiền hôm ấy thuộc dạng nhà quê, dùng nhốt tù sắp mãn hạn hay tù ngắn hạn. Tại đây họ được huấn luyện để tái hội nhập cộng đồng; họ có thể học nghề hay học canh tác. Họ lập được nhiều thành tích đáng kể như cung cấp thực phẩm rẻ cho tất cả các nhà tù ở Perth. Ngoài việc trồng trọt và nuôi gia súc (bò, cừu, heo) nhà tù anh còn có lò mổ. Lò mổ là chỗ làm mà nhiều tù nhân thích nhất, và công tác mà họ tranh nhau là giết gia súc. Anh tù gốc Ái Nhĩ Lan “đáng nể” của chúng ta đang được ưu tiên đó.
Anh mô tả chỗ anh đang làm cho tôi nghe. Rào chắn bằng thép trắng có hình như cái phễu, mở rộng ở đầu ngoài và thu hẹp chỉ đủ cho một con vật đi qua ở đầu trong. Anh ngồi ngay chỗ đầu trong trước cây súng điện đặt trên bục. Thú vật được đuổi lần vào trong đáy phễu bằng chó săn hay roi chọc. Chúng la hét và tìm cách thoát thân, chừng như cảm thấy, nghe, ngửi được tử thần. Bước gần tới anh chừng nào chúng quằn quại, kêu la càng thảm thiết chừng nấy. Do đó thay vì bắn vào mỗi con một phát anh phải bắn hai phát: phát đầu làm tê cho nó đứng yên và phát sau nhắm vô đầu, giết. Một phát làm tê, một phát giết, cứ thế anh giết hết con này đến con khác, hết ngày này đến ngày khác.
Lúc được đổi tới chỗ này anh rất vui, nhưng chỉ vài ngày sau tâm anh bắt đầu không an. Anh bắt đầu chửi thề và tiếp tục lặp đi lặp lại câu, “Đ.M” Chúa ơi, lạy Chúa!” Anh sợ và không còn tin Chúa nữa.
Hôm nọ, cần làm bò. Một phát làm tê, một phát giết. Anh giết bò như thường ngày. “Có con bò bước tới gần tôi,” anh kể. “Nó trầm lặng, không có một tiếng rên la. Nó bước chầm chậm, đầu cúi xuống, chấp nhận. Đến đúng vị trí, nó ngước đầu nhìn tôi, thản nhiên. Tôi chưa từng gặp trường hợp nào như vậy trước đây. Tôi bối rối chết trân. Tôi không giơ súng lên nổi. Còn con bò, nó nhìn tôi trân trân.
Anh rơi vào khoảng không gian vô tận. Anh không nói bao lâu, nhưng trong khoảnh khắc bò nhìn sâu vào ánh mắt anh, anh bị dao động mạnh. Mắt bò rất to, mắt trái nó bắt đầu ngấn lệ. Nước mắt tiếp tục dâng rồi trào ra chảy dài xuống má trái nó thành một vệt dài lấp lánh. Cửa tâm anh, khép kín từ lâu, chợt mở tung. Chới với, anh nhìn thẳng vào mắt của bò. Cũng vậy, nước mắt nó cũng chảy dài trên má mặt. Nó đang khóc.
Tới đây, anh buông súng. Anh chạy đi tìm cấp chỉ huy, thề sẽ làm bất cứ việc gì miễn “con bò này được cứu sống” và từ đó anh ăn chay luôn cho tới nay.
Câu chuyện anh kể về sau được các bạn tù của anh xác nhận là thật.
Con bò khóc đã thật sự chuyển hóa một tù nhân có quá khứ vô cùng hung tợn.
Và “lòng từ” trả lời của câu thứ ba mà nhà vua cần biết như kể trong câu chuyện trên, có biết bao ý nghĩa!

56. Cô bé gái nhỏ và bạn cô
Tôi có kể chuyện “con bò khóc” với một nhóm người cao niên tại một thị xã dưới miền Tây Nam của Tây Úc. Một vị cao niên kể lại cho tôi nghe một trường hợp tương tợ xảy ra trong thời niên thiếu của cụ hồi đầu thế kỷ qua.
Một sáng nọ, đứa con gái nhỏ khoảng bốn, năm tuổi của bạn cụ đòi một đĩa sữa bò. Bà rất vui thấy con chịu uống sữa nên không để ý tại sao con mình muốn uống sữa bằng đĩa chớ không phải ly như thường tình. Sáng hôm sau cô bé gái cũng đòi một đĩa sữa nữa. Bà càng vui hơn vì tin sữa sẽ giúp con mình mau lớn. Rồi cô bé tiếp tục đòi và bà tiếp tục rót sữa ra đĩa cho con mỗi sáng.
Vì không trực tiếp thấy con uống sữa và vì hiếu kỳ, bà để ý theo dõi sau đó. Bà thấy con bưng đĩa sữa xuống gầm sàn nhà của gia đình. Bé để đĩa xuống đất, nhìn vô khoảng không gian tối om dưới sàn, khẽ gọi. Lát sau, có con rắn đen rất lớn bò ra, uống sữa trong lúc bé đứng nhìn mỉm cười. Hoảng hồn nhưng bà không dám gây tiếng động sợ rắn chồm chụp bé. Uống hết sữa rắn bò trở vô bóng tối. Chiều, chồng bà đi làm vè. Bà kể lại chuyện bà thấy. Chồng bà biểu bà tiếp tục rót cho bé đĩa sữa vào sáng mai, để rồi ông sẽ tính.
Như thường lệ, bé bưng sữa xuống cho rắn. Rắn vừa bò ra, súng liền nổ. Đạn bắn làm văng rắn vô trụ sàn nhà, tét đầu. Bé sửng sốt. Còn cha cô từ sau bụi rậm bước ra, gác súng xuống đất, đi lượm xác rắn.
Từ sáng hôm ấy, bé không chịu ăn uống gì hết. “Cháu gầy dần,” lời cụ kể, “ba má cháu không làm sao thuyết phục được cháu.  Họ đưa cháu vô nhà thương. Và cháu chết.”
Người cha giết rắn vô tình giết luôn con mình. Ông đâu ngờ phát súng của ông đã giết bạn của con mình trước mắt con mình.
Tôi hỏi cụ chớ rắn có hành động gì hại cháu bé gái không?
“Đời nào,” cụ đáp
Tôi đồng ý với cụ nhưng không lặp lại ngôn từ riêng của cụ.

57. Con rắn, ông thị trưởng, và nhà sư
Trong tám năm tu học ở Thái Lan, tôi thường trú trong tự viện giữa rừng già, nơi có nhiều rắn rít. Chín mươi chín phần trăm các loài rắn ở đây rất độc, một số có thể quấn chết người như không - tôi nghe nói như vậy từ lúc tôi mới tới hồi năm 1974.
Bấy giờ tôi gặp rắn hầu như hằng ngày. Có lần tôi đạp nhầm con rắn dài trên thước rưỡi ngay trong cốc tôi. May quá rắn cũng như tôi, cả hai nhảy ra hai phía. Lần khác tôi thấy rắn mà tưởng cành cây khô (xin lỗi rắn nha, rắn đâu đến đỗi vô tri như vậy!) một lần nữa - lần này mới lạ - có con rắn làm sao không biết mà có thể bò lên lưng của một sư bạn đang ngồi tụng kinh chung vói các sư chúng tôi. Lúc tôi thấy thì rắn đã lên tới vai sư rồi. Tôi ngưng ngang câu kinh trong lúc rắn và sư đưa mắt nhìn nhau. Sư bạn tôi nhẹ hất vạt áo và rắn bò đi một cách tự nhiên. Tôi tiếp tục bài kinh, nhưng tâm vẫn chưa thật định tĩnh.
Là sư tu học trong rừng, chúng tôi được dạy rải tâm từ bi đến mọi loài vật, nhất là rắn rít. Chúng tôi phải bảo vệ chúng. Đó phải chăng là một trong những lý do chúng tôi chưa ai bị rắn cắn.
Tại Thái tôi có dịp thấy con trăn dài cả bảy thước, to bằng bắp vế; tôi vô cùng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng nổi. Tôi thấy con trăn này một lần nữa cùng với các bạn đồng tu, nhưng sau đó nghe nói trăn đã chết! Con rắn to thứ nhì mà tôi thấy làm tôi rợn tóc gáy luôn. Lúc ấy tôi đang đi trong rừng, tôi chợt thấy một khúc thân đen ngòm vừa to vừa dài chận ngang đường với đầu đuôi khuất trong bụi rậm hai bên đường. Biết là con rắn thật lớn, tôi theo dõi và tính sơ nghĩ nó dài ít nhất phải mười thước. Tôi thuật lại cho dân làng nghe, họ nói đó là con rắn hổ mang chúa - rất to và rất nguy hiểm!
Một đệ tử của Ajahn Chah, nay là một sư rất nổi tiếng, thuật lại câu chuyện sau: Sư đang tọa thiền với một sư khác trong rừng. Có tiếng động cho biết có một con rắn hổ mang to lù lù bò đến. Nhiều nơi ở Thái gọi rắn hổ mang là “rắn một bước” có nghĩa là khi bị nó mổ rồi nạn nhân chỉ bước được một bước là sụm xuống chết ngay chớ không còn con đường thoát thân nào cả. Rắn bò tới vị sư cả vươn đầu cao ngang đầu sư cả, phùng mang và bắt đầu kêu phì phì. Đứng vào thế của sư, bạn sẽ làm gì nè? Chạy? Vô ích vì hổ mang phóng rất nhanh, nai còn chạy không kịp và bị mổ huống hồ gì bạn!
Sư cả điềm nhiên mỉm cười, từ từ đưa tay lên vỗ nhẹ lên đầu rắn nói: «Cám ơn bạn đã đến viếng sư”. Tất cả các sư đều sửng sốt hơn khi các sư thấy rắn xếp mang, hạ đầu và bò tới một sư khác. Sư “có duyên” này kể lại rằng sư điếng người, chớ còn hồn vía đâu mà vỗ đầu rắn như sư cả.
Sư cả vỗ đầu rắn nổi tiếng là một chơn tu rất từ bi. Ngài có đến Úc và an trú tại tự viện của chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đang xây chánh điện và xúc tiến nhiều công trình kiến trúc khác. Một hôm ông Thị trưởng sở tại đến viếng để thanh tra công trình xây cất. Ông này làm thị trưởng thì chắc chẳng ai bằng. Ông sinh ra và lớn lên tại địa phương. Ông còn là một nhà nông rất thành công. Tưởng ông dềnh dàng, bệ vệ, với cái bụng quá khổ khiến chiếc áo vét ông mặc hôm ấy không gài nút được. Gặp ông sư cả thản nhiên đưa tay vỗ nhẹ lên bụng “trống chầu” của ông. Tôi nghĩ, “Thôi chết rồi, các công trình dở dang của tự viên khó thể hoàn tất!”
Trong lúc vỗ bụng ông, sư cả nhìn ông mỉm cười. Ông cười theo và cười càng lúc càng đắc ý hơn. Rõ ràng ông thích được sư cả vỗ bụng. Thế là tất cả các công trình đều được chấp thuận và sư cả trỏ thành người bạn rất thân của chúng tôi và rất nhiệt tình đối với tự viện.
Tâm từ bi là nền tảng của mọi hành động của các sư chúng tôi. Sư cả có tâm từ bi nên ông có thể vỗ đầu rắn hổ mang và vỗ bụng ông thị trưởng, và cả hai đều quý mến sư. Dĩ nhiên tôi không dám khuyến khích các bạn làm như vậy nếu các bạn chưa nhập vào dòng Thánh.

58. Con rắn bất thiện
Nói về rắn, các câu chuyện tiền thân (Jatakas) của Đức Phật kể rất nhiều. Sau đây là một chuyện mà tôi xin phóng tác để cho thấy từ bi không tất yếu là thụ động hay yếu mềm.
Có con rắn bất thiện sống trong khu rừng gần một làng nọ. Nó đầy ác ý, hiểm độc và bần tiện. Nó cần người vì vui thích riêng của nó. Lúc vào tuổi về chiều nó bắt đầu suy tư đến cái chết của loài rắn; rắn chết vì sao và như thế nào? Chúng có hậu kiếp không? Bấy giờ nó mới để ý đến các vấn đề này, những vấn đề mà trước đây chẳng những nó không tin mà còn khinh miệt và gọi những đồng loại có lòng tin là đồ non dạ non lòng hay tin nhảm nhí.
Không xa hang của rắn bất thiện có con rắn thánh. Như các thánh khác, rắn thánh an trú trên núi. Một hôm rắn bất thiện quyết định đến viếng rắn thánh. Nó hóa trang để rắn bạn không biết nó là ai rồi lén bò lên tự viện của rắn thánh. Nó đến lúc rắn thánh đang quấn tròn trên tảng đá cao thuyết pháp và hàng trăm rắn khác đang say sưa theo dõi. Nó bò đến một bìa ngoài dừng lại gần lối ra và lắng tai nghe.
Càng nghe nó càng thấm, bài pháp đã thuyết phục được nó. Nó được cải hóa. Nó rất hoan hỷ. Sau buổi pháp thoại nó mạnh dạn lên đảnh lễ rắn thánh, khóc và xin sám hối các tội lỗi nó đã từng gây ra trong quá khứ. Nó nguyện sẽ làm con rắn thiện và không bao giờ cắn mổ ai hết. Nó còn nguyện sẽ từ bi và sẽ dạy cho các rắn khác làm rắn thánh thiện. Lúc rời tự viện nó không quên cúng dường (dĩ nhiên trước mắt các đồng loại).
Rắn nói lời của loài rắn, nhưng những lời ấy không khác lời của loài người là bao. Rắn bất thiện trước đây không thể nói rằng bây giờ mình thiện rồi mong dân làng tin tưởng ngay. Phải chứng minh trước đã. Nó chứng minh bằng cách không mổ anh nhà quê lãng trí đạp nhầm nó. Từ dạo đó dân lành không còn sợ nó nữa. Họ ung dung đi ngang qua hang nó lúc không thấy nó cũng như lúc có nó đang khoanh trước miệng hang. Trẻ con còn theo chọc nó nữa, gọi nó là “loài bò sát trơn lùi” hay “con trùn bự quá khổ”. Nó không cần tự vệ. Thấy vậy, bọn trẻ làm tới. Chúng liệng đá, đất cục phá nó và cười hô hố mỗi khi đất đá trúng nó. Nó biết nó có thể phóng nhanh rượt cắn bất cứ đứa nào, nhưng nó đã nguyện là không rồi – nó tu mà. Đám trẻ càng thêm hóm hỉnh, chúng vác cây đập nó. Nó chịu đòn. Rồi nó bò lên chỗ rắn thánh.
Thấy thân thể bầm dập của nó, rắn thánh hỏi lý do. Nó đáp:
“Tất cả đều do ông mà ra.”
“Sao vậy, nào tôi có làm gì đâu?“ Rắn thánh chống chế
“Ông bảo  tôi không cắn. Xin ông nhìn đây mà xem. Tu hành chỉ có trong chùa còn ngoài đời…”
“Ồ, chú rắn ngu xuẩn kia!” Rắn thánh ngắt lời nó, “Chú thật điên rồ! Chú thật ngốc nghếch! Tôi dạy chú không cắn chứ tôi có bảo chú đừng huýt gió, có phải vậy không?”
Ở đời thánh đôi khi cũng phải “huýt gió”. Nhưng không nên “cắn hay mổ” ai.
 Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch