Saturday, October 26, 2013

Để học hỏi, tâm trí phải yên lặng

  Krishnamurti


Để khám phá bất cứ điều gì bạn phải bắt đầu với chính mình; bạn phải bắt đầu một cuộc hành trình một cách hoàn toàn trần trụi, không với cả kiến thức, bởi vì rất dễ dàng để tạo ra kinh nghiệm với kiến thức và niềm tin; nhưng những kinh nghiệm đấy chỉ là sản phẩm của sự tự phóng chiếu và do đó hoàn toàn không có thật.
Nếu bạn muốn tự mình khám phá những điều mới mẻ, sẽ là không tốt nếu mang theo gánh nặng của cái cũ, đặc biệt là kiến thức – kiến thức của người khác, dù nó có tốt đẹp thế nào. Bạn dùng kiến thức như một sự tự phóng chiếu bản thân, như một sự bảo đảm an toàn, và bạn muốn chắc chắn rằng mình có những trải nghiệm giống như Phật hay Chúa hay ai đó. Nhưng người mà luôn bảo vệ mình bằng kiến thức thì hiển nhiên không phải là một người tìm kiếm sự thật…
Không có con đường để khám phá sự thật đâu… Khi bạn muốn tìm kiếm điều gì đó mới mẻ, khi bạn đang trải nghiệm với bất cứ điều gì, tâm trí bạn phải rất tính lặng, đúng không? Nếu tâm trí bạn chật ních, đầy những sự kiện, kiến thức, chúng trở thành chướng ngại cho cái mới; vấn đề của hầu hết chúng ta là tâm trí đã trở thành vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng quá lớn đến việc ta tiếp nhận bất cứ điều gì mới mẻ, bất cứ điều gì tồn tại đồng thời với cái đã biết. Vì vậy kiến thức và hiểu biết là vật cản cho những ai tìm kiếm, cho những ai cố gắng hiểu cái không thuộc về thời gian.

Học hỏi không phải là trải nghiệm
 
Từ học hỏi có tầm quan trọng thật lớn lao. Có hai loại học hỏi. Đối với hầu hết chúng ta học hỏi là việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ, một kĩ năng, hay một ngôn ngữ nào đấy. Nhưng còn có loại học hỏi thuộc về tâm lý, học hỏi thông qua trải nghiệm, hoặc là những trải nghiệm tức thời về cuộc sống, mà hay để lại một dư âm nhất định, hoặc những trải nghiệm của truyền thống, của chủng tộc, của xã hội. Đó là hai loại học hỏi để tiếp cận cuộc sống: thuộc về tinh thần và thuộc về vật chất; kĩ năng bên ngoài và kĩ năng bên trong. Thật sự không có ranh giới giữa hai loại học hỏi này, chúng chồng lấp lên nhau. Bây giờ chúng ta đang không xem xét đến những kĩ năng học được qua luyện tập, những kiến thức kĩ thuật mà chúng ta thu được qua học tập. Cái chúng ta quan tâm là việc học hỏi về mặt tâm lý mà chúng ta có được qua các thế kỉ hoặc qua thừa hưởng từ truyền thống, kiến thức, kinh nghiệm. Chúng ta gọi đó là học hỏi, nhưng tôi ngờ rằng đó không là học hỏi gì cả. Tôi không đang nói về việc học một kĩ năng, một ngôn ngữ, kĩ thuật, nhưng tôi đang hỏi liệu tâm trí có bao giờ học hỏi về mặt tâm lý. Nó đã học hỏi, và với những gì được học nó đối diện với những thách thức của cuộc sống. Nó luôn diễn giải cuộc sống hay những thách thức mới theo những gì đã được học. Đấy là những gì chúng ta đang làm. Đó có phải là học hỏi không? Không phải học hỏi ám chỉ một điều gì đó mới mẻ, một điều gì đó tôi không biết và tôi đang học? Nếu tôi chỉ đơn thuần thêm vào những gì tôi đã biết, đó không còn là học hỏi nữa.

Khi nào ta có thể học hỏi?

Tìm hiểu và học hỏi là chức năng của tâm trí. Bằng học hỏi tôi không có ý nói việc đơn thuần thu lượm kiến thức hoặc kí ức, mà là khả năng suy nghĩ rõ ràng và sáng suốt mà không có ảo tưởng, để bắt đầu với sự thực chứ không phải với niềm tin và lý tưởng. Sẽ không thể có học hỏi nếu suy nghĩ bắt nguồn từ những kết luận. Chỉ thu lượm thông tin và kiến thức cũng không là học hỏi gì cả. Học hỏi bao hàm tình yêu cho sự sáng tỏ và niềm vui thích đơn thuần từ làm việc. Chúng ta bắt đầu học hỏi chỉ khi nào không có một sự ép buộc nào cả. Và sự ép buộc thì có rất nhiều hình thức, không phải sao? Có sự ép buộc tới từ ảnh hưởng, từ sự đe dọa hay sự bám víu, từ sự khích lệ hay những dạng tinh tế của việc trao thưởng.
Đa số mọi người nghĩ rằng việc học hỏi được khuyến khích thông qua việc so sánh, trong khi sự thật thì ngược lại. So sánh chỉ mang lại sự thất bại và tăng thêm tính đố kị, mà hay được gọi là ganh đua. Giống như mọi loại niềm tin khác, so sánh ngăn cản việc học hỏi và tạo ra sợ hãi.

Học hỏi không phải là việc tích lũy

Học hỏi là một việc và tích lũy kiến thức là một việc khác. Học hỏi là một quá trình liên tục, không phải việc thêm vào, không phải việc bạn thu lượm kiến thức và hành động theo nó. Đa số chúng ta thu lượm kiến thức như những kí ức, ý tưởng, lưu trữ lại như kinh nghiệm, và hành động dựa vào nó. Sự thật là, chúng ta hành động theo kiến thức, kiến thức kĩ thuật, kiến thức như kinh nghiệm, kiến thức như truyền thống, kiến thức như sự ảnh hưởng từ phong cách của một cá nhân đặc biệt nào đó; với những thứ đó, với sự tích lũy hiểu biết đó ta hành động. Không hề có sự học hỏi trong quá trình đó. Học hỏi không phải là tích lũy; nó là một tiến trình liên tục. Tôi không biết liệu bạn đã từng tự hỏi câu hỏi này bao giờ chưa: thế nào là học hỏi và thế nào là tích lũy kiến thức? Học hỏi không bao giờ là tích lũy. Bạn không thể lưu trữ học hỏi và hành động từ đó. Bạn liên tục học hỏi. Vì thế sẽ không bao giờ bạn sẽ lùi lại hay trở nên hư hỏng hay đi xuống.

Học hỏi không có quá khứ

Sự khôn ngoan là một thứ phải được khám phá ra một cách cá nhân, và nó không phải là kết quả của kiến thức. Sự khôn ngoan và kiến thức không đi cùng nhau. Sự khôn ngoan có đó khi có sự trưởng thành trong quá trình thông tỏ bản thân. Nếu không biết chính mình, trật tự là không thể, và vì vậy không có đạo đức.
Bây giờ, học hỏi chính mình và tích lũy kiến thức về mình là hai việc hoàn toàn khác nhau… Một tâm trí chỉ thu lượm kiến thức thì không học hỏi gì cả. Cái nó đang làm chỉ là: nó tích lũy cho mình những kinh nghiệm, thông tin như là kiến thức, và từ nền tảng những gì đã thu lượm, trải nghiệm được, nó học hỏi; và vì vậy nó chưa bao giờ là học hỏi thật sự, mà luôn luôn thu lượm.
Học hỏi thì luôn luôn ở trong hiện tại; nó không có quá khứ. Thời khắc bạn nói với mình, “Tôi đã học hỏi,” nó đã trở thành kiến thức rồi, và từ nền tảng của kiến thức bạn tích lũy, diễn dịch, nhưng bạn không thể học hỏi thêm nữa. Chỉ có tâm trí không đang thu lượm, mà luôn học hỏi – chỉ tâm trí đó mới có thể thấu hiểu toàn bộ cái thực thể mà ta gọi là ‘cái tôi’, bản ngã. Tôi phải biết về chính mình, về cấu trúc, về bản chất, về tầm quan trọng của cái thực thể toàn bộ; nhưng tôi không thể làm điều đó với gánh nặng của những hiểu biết cũ, với những kinh nghiệm trước đó, hay với một tâm trí bị điều kiện, vì lúc đó tôi không đang học hỏi, tôi chỉ đang diễn giải, quan sát với đôi mắt bị đám mây quá khứ bao phủ.

Quyền lực cản trở việc học hỏi

Nói chung chúng ta thường học hỏi thông qua việc học tập, thông qua sách vở, thông qua kinh nghiệm, hay thông qua việc được hướng dẫn. Đó là những cách học thông thường. Chúng ta dựa vào kí ức để quyết định làm điều gì và không làm điều gì, nghĩ gì và không nên nghĩ gì, làm thế nào để cảm nhận, để phản ứng. Thông qua kinh nghiệm, qua học tập, qua nghiên cứu, qua quan sát, qua xem xét nội tâm, chúng ta lưu trữ kiến thức như kí ức; và từ kí ức có sự phản hồi đến những nhu cầu và thức thách về sau, từ đó sự học hỏi lại được tiếp diễn… Điều gì được học hỏi được chuyển thành kí ức như là sự hiểu biết, và sự hiểu biết đó được dùng đến bất cứ khi nào có những thách thức, hay bất cứ khi chúng ta phải làm điều gì.
Bây giờ tôi nghĩ có một con đường học hoàn toàn khác, và tôi sẽ nói một ít về nó; nhưng để hiểu nó, và để học hỏi theo cách này, bạn phải hoàn toàn rũ bỏ quyền lực; nếu không, bạn sẽ lại chỉ được hướng dẫn, và lại lập lại những điều được nói. Đấy là lí do vì sao việc hiểu bản chất của quyền lực là rất quan trọng. Quyền lực ngăn cản việc học hỏi – học hỏi không phải với cách tích lũy kiến thức thành kí ức. Kí ức luôn phản ứng theo khuôn mẫu; không có sự tự do ở đó. Một người bị gánh nặng bởi kiến thức, bởi sự hướng dẫn, người bị kéo xuống bởi những điều được học, thì không bao giờ có thể tự do được. Anh ta có thể trở nên uyên bác một cách phi thường, nhưng sự tích lũy kiến thức ngăn cản anh ta được tự do, và vì vậy anh ta không có khả năng cho học hỏi.