Thursday, October 10, 2013

Tôi Giác Ngộ - Bà điên


Trích trong OPENING THE DOOR OF YOUR HEART
And Other Buddhist Tales Of Happiness
Ajahn Brahm
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch

1- Tôi giác ngộ
Tôi sang Thái Lan tu được ba năm. Đến năm thứ tư tôi được chuyển đến một tự viện xa xôi hẻo lánh trên miền đông bắc. Vào một chiều tối nọ, trên đường đi thiền hành, tâm tôi chợt tỏ rạng lạ kỳ. Tôi bỗng nhiên hiểu thấu nhiều bí ẩn mà tôi không ngờ. Rồi “Cái Sáng” lớn nhất đến với tôi. Tôi chới với. Giác Ngộ?


Tôi trải nghiệm thứ hạnh phúc mà tôi chưa từng biết. Tôi cảm thấy hưng phấn vô vàn và cùng lúc rất tự tại. Tôi tiếp tục thiền đến khuya, ngủ rất ít và thức dậy thiền tiếp trước khi kiểng 3:00 giờ sáng đổ. Thường thời thiền lúc 3:00 sáng là thời khó đối với tôi; không khí nóng và ẩm của rừng già làm tôi dễ bị hôn trầm. Nhưng sáng nay thì không: tôi sảng khoái, tỉnh thức và định dễ dàng. Giác ngộ là hạnh phúc tối thượng, nhưng rất tiếc hạnh phúc kéo dài không lâu.

Thời bấy giờ việc ăn uống trên miền Đông Bắc Thái rất thiếu thốn về lượng lẫn phẩm. Trong tự viện, các sư theo truyền thống Theravada chúng tôi ăn mỗi ngày chỉ một bữa trước ngọ. Vậy mà không phải bữa nào cũng no. Có hôm các sư chúng tôi chỉ nhận được vỏn vẹn một vá cơm nếp với con nhái luộc trung trung, không có rau củ hay trái cây gì cả. Chúng tôi phải xé con nhái ra từng phần một và ăn thịt, xương và luôn những thứ gì ăn được của đồ lòng. Sư bạn ngồi gần tôi vô ý làm bể bọng đái của con nhái khiến vắt cơm nếp khai ngấy và ông phải âm thầm nhịn đói ngày hôm đó.

Cà-ri mắm là món ăn hàng ngày của chúng tôi. Mắm tôi nói đây làm bằng cá tạp, muối mặn lè, không thơm tho hay béo bổ gì ráo. Nói tới mắm tôi có một kinh nghiệm nho nhỏ mà tôi chưa quên. Tự viện tôi giữ mắm để ăn quanh năm bằng cách gài mắm trong hũ, và hũ mắm được xếp lểnh nghểnh trong bếp. Một hôm tôi dọn bếp thấy một hũ có giòi, tôi đem đi liệng. Già làng đang công phu trong chùa thấy, ông la oai oái. Ông nói mắm có giòi mới ngon và lượm lại. Hũ này thế nào cũng được nấu cà-ri mắm!
Ngày sau khi tôi trải nghiệm sự giác ngộ, tôi ngạc nhiên thấy có hai loại cà-ri bày trên bàn ăn – mắm và thịt heo. Tôi chọn thịt heo để gọi là đổi bữa và cũng để ăn mừng thành đạt mới của tôi. Hòa thượng trụ trì múc ba vá lớn. Tham thực! Tuy nhiên vẫn còn dư cho tôi múc. Nhưng trước khi trao cho tôi nồi cà-ri heo mà tôi đang thèm chảy nước miếng, Ngài đổ trộn hai nồi lại và nói, “Hai thứ đều như nhau.”

Tôi giận tới không mở miệng được. Nếu Ngài nghĩ hai thứ như nhau, sao Ngài múc đến ba vá heo rồi mới trộn hai nồi? Đạo đức giả! Hơn thế nữa Ngài sinh ra và lớn lên tại đây, Ngài quen mùi cà-ri  mắm hơn tôi chớ. Dởm! Heo! Lừa đảo!

Vừa nghĩ tới đó tôi nhận thức ngay rằng người giác ngộ đâu cần phân biệt món ăn, không thể sân hận, và đâu được gọi thầy mình là heo! Tôi đã thật sự giận hờn, và ô hô… làm sao tôi dám nói mình đã giác ngộ!

Lửa sân của tôi tức thì bị dập tắt bởi sự buồn bực đang dâng trào. Mây đen kinh hãi ùn ùn kéo đến che khuất ánh sáng rạng rỡ từng là “giác ngộ của tôi”. U sầu, tôi đổ hai vá cà-ri trộn vô bình bát và tôi không còn tha thiết với bữa ăn nữa. Tôi hoàn toàn chán nản. Và biết rằng mình đâu có được chút giải thoát nào trước đây, tôi buồn rầu suốt ngày hôm ấy.

 2- Bà điên 
Chuyện kể dưới đây là một sự thật về trí tuệ siêu việt của Ajahn Chah:
Ông cả của một làng nọ cùng với vị  phụ tá hớt hơ hớt hải chạy đến liêu Ajahn Chah để thỉnh ý Thầy. Số là trong làng nọ có một phụ nữ bị ma hành quỷ ám rất nặng từ đêm hôm qua. Họ xin đưa bà đến để nhờ thầy chữa trị. Bà đang la hét và tiếng bà nghe oang oác khắp xóm.

Ajahn Chah gọi bốn chú tiểu, bảo hai chú đi nấu một chảo nước sôi còn hai chú kia đi đào một cái hố gần liêu của thầy. Không ai biết thầy định làm gì!

Bấy giờ bà được đưa vào tự viện. Bà tiếp tục chửi bới thô tục bất kể chốn tôn nghiêm và giãy giụa như con cọp sa bẫy phải cần tới bốn nông dân lực lưỡng mới kiềm giữ bà được.

Thấy bà, Ajahn Chah bảo các chú tiểu đào hố và nấu nước sôi nhanh lên. Lời hối thúc của thầy làm các sư trong tự viện và nông dân đi theo bà quýnh lên và không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Lúc họ đưa bà vô cốc của Ajahn Chah, bà đã sùi bọt mép, mắt bà đỏ ngầu và nhìn trừng trừng, mặt bà nhăn nhó dị thường và miệng bà không ngớt rủa sả Ajahn Chah. Bà điên rồi! Phải thêm nhiều người nữa tiếp tay mới giữ được bà.

“Hố đào xong chưa? Nhanh lên! Nước sôi chưa? Chụm thêm củi, mau lên!” Ajahn Chah gọi lớn át tiếng của bà điên. Rồi Ngài la lớn, “Phải thảy bà xuống hố, đổ nước sôi lên bà và chôn bà. Chỉ có cách này mới trừ được tà ma đang quấy phá bà mà thôi. Hãy nhanh lên, nhanh lên!”

Kinh nghiệm cho biết không ai có thể đoán được ý định của Ajahn Chah. Ngài là một nhà sư rất lạ đời. Các nông dân đinh ninh Ngài sẽ làm như Ngài nói. Bà điên cũng nghĩ vậy nên bắt đầu có dấu hiệu bớt bạo động. Bà ngồi xuống, im lặng và mệt nhừ. Ajahn Chah ra dấu như làm phép cho bà. Và bà được đưa về, hết bệnh. Hay tuyệt!

Ajahn Chah cho biết dầu có bị tà ma nhập hay điên điên khùng khùng gì, con người lúc nào cũng sẵn có bản năng tự vệ trong nội tâm. Ngài đã khéo léo khai thác điểm này: Ngài để sự sợ hãi cái đau đớn (vì nước sôi) và cái chết (bị chôn sống) đánh đuổi các tà ma (hay sự điên khùng cũng thế) ra khỏi bà.

Đó là trí tuệ: trực giác, không thể đoán trước và không lặp lại hai lần.